SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
BÀI 19: TRỖI DẬY KHỎI TỘI LỖI QUẢ LÀ MỘT ÂN HUỆ VĨ ĐẠI
I
Nếu không có sự trợ giúp của ân sủng, không ai có thể tự mình trỗi dậy khỏi tội lỗi.
Tội lỗi là một hành vi thoáng qua, nhưng trỗi dậy khỏi tội lỗi không có nghĩa là chấm dứt hành vi tội lỗi; nhưng trỗi dậy khỏi tội lỗi có nghĩa là con người phục hồi lại cho mình những gì họ đã đánh mất vì đã phạm tội. Thế nhưng, khi phạm tội, con người phải gánh chịu ba sự tổn hại, đó là: vết nhơ của tội; bản tính con người bị hư hỏng; lỗi phạm đáng trừng phạt. Vết nhơ, bởi vì họ đánh mất sự chiếu sáng của ân sủng tạo nên vẻ đẹp của linh hồn. Bản tính con người bị hư hỏng do sự rối loạn gây ra bởi ý chí chống lại Thiên Chúa, và một khi trật tự trong con người đã mất thì bản tính con người ra hư hỏng. Lỗi phạm khiến cho con người đáng bị hình phạt muôn đời do tội của mình.
II
Ngoài Thiên Chúa ra, không ai có thể lôi kéo chúng ta ra khỏi ba điều rối loạn ấy. Vì vẻ đẹp mà ân sủng mang lại cho linh hồn phát sinh từ sự chiếu sáng của ánh sáng thần linh; ánh sáng này chỉ có thể được phục hồi bằng cách Thiên Chúa ban ánh sáng của Ngài một lần nữa. Vì thế cần có một ân huệ thường xuyên, là ánh sáng của ân sủng.
Tương tự như vậy, trật tự của bản tính con người chỉ có thể được khôi phục khi ý chí của con người tuân phục Thiên Chúa; điều này chỉ có thể thực hiện khi chính Ngài thu hút ý chí của con người về với mình.
Hình phạt đời đời chỉ có thể được xóa bỏ bởi một mình Thiên Chúa, là Đấng dã bị xúc phạm bởi tội lỗi và là Đấng xét xử nhân loại.
Bởi vậy, cần có sự trợ giúp của ân sủng để con người có thể trỗi dậy khỏi tội lỗi, ngõ hầu phục hồi thường sủng, tức là tình trạng ân sủng, và quay về với Thiên Chúa.
Khi thánh Phaolô (Ep 5,14) nói rằng: “Hãy trỗi dậy, hỡi kẻ ngủ mê, và Đức Kitô sẽ soi sáng cho ngươi”, chúng ta không nên nghĩ rằng việc hoàn toàn trỗi dậy khỏi tội lỗi có trước sự soi sáng của ân sủng; nhưng nên hiểu theo nghĩa là, với ý chí tự do và được Thiên Chúa thúc đẩy, con người cố gắng đứng lên khỏi tội lỗi, và nhận được ánh sáng của ơn công chính hóa.
Lý trí tự nó không thể là nguyên lý đầy đủ cho sức khỏe thiêng liêng trong con người được nên công chính nhờ ân sủng. Nguyên lý ấy là ân sủng đã bị mất do tội lỗi. Vì thế, con người không thể tự mình phục hồi; nhưng họ cần ánh sáng của ân sủng tuôn đổ một lần nữa xuống trên họ, tựa như để cho xác chết được chỗi dậy thì linh hồn cần phải được ban một lần nữa. Con người không thể tự mình sửa chữa điều thiện hợp với bản tính của mình, phương chi là điều thiện vượt quá bản tính tức là ơn nên công chính.
(Summa Theol. I-II, q. 109, a. 7)