SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 18: THỜI GIAN THỐNG HỐI

0
80

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 18: THỜI GIAN THỐNG HỐI

I

Sự thống hối phải kéo dài đến cuối đời.

Trong việc thống hối, có hai thứ đau buồn: một là nỗi buồn của lý trí, đó là sự căm ghét tội lỗi mà chúng ta đã phạm; một nỗi buồn khác của phần cảm tính, đi theo nỗi buồn của lý trí. Đối với cả hai thứ, thời gian ăn năn tội kéo dài suốt đời. Bao lâu còn đang ở tình trạng lữ hành, ta phải gớm ghét những điều xấu, những thứ trở ngại làm trì hoãn việc đạt đến đích điểm của hành trình. Nhưng xét vì tội lỗi trong quá khứ mà tiến trình quy hướng về Thiên Chúa của chúng ta đã bị trì trệ, và bởi vì thời gian đã được ban cho cuộc lữ hành không thể nào lấy lại được nữa, cho nên cần phải duy trì suốt đời tình trạng thống hối, xét như là sự ghét bỏ tội lỗi. Con người phải luôn luôn bất mãn vì đã phạm tội. Nếu như họ hài lòng vì đã phạm tội thì chính lúc đó họ đang phạm tội và làm mất đi ơn huệ của sự tha thứ.

Tương tự như vậy đối với nỗi buồn của phần cảm tính, do ý chí gây ra như là một hình phạt. Khi phạm tội,  con người đáng bị hình phạt đời đời bởi vì đã phạm tội chống lại Thiên Chúa vĩnh cửu. Vì thế sau khi hình phạt đời đời được chuyển đổi thành hình phạt tạm thời, thì chắc chắn rằng nỗi buồn sẽ kéo dài suốt thời gian con người sống trên trái đất. Về vấn đề này, cha Hugues de Saint Victor nói rằng “khi giải thoát con người khỏi tội lỗi và hình phạt đời đời, Thiên Chúa ràng buộc bằng sự ghét bỏ tội lỗi mãi mãi.”

Sự đau buồn của việc thống hối đáp ứng với sự quay lưng với Thiên Chúa, vì thế phần nào nó mang tích cách vô cùng. Do đó, sự thống hối cũng phải kéo dài mãi mãi.

Việc sám hối nội tại (nhắm đến tội đã phạm), và việc sám hối ngoại tại, (qua đó con người biểu lộ những dấu hiệu đau buồn ra bên ngoài), là những điều thuộc về những người khởi đầu, nghĩa là những người mới bắt đầu một cuộc đời mới bằng cách xa lìa tội lỗi. Nhưng việc sám hối nội tại cũng giữ một chỗ đứng nơi những người tiến bộ và những người hoàn thiện, theo như lời vịnh gia (83,7): “Trong thung lũng nước mắt, Người đã để trong lòng họ nhiều cấp bậc”. Vì thế, Thánh Phaolô cũng nói về mình: “Tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa”. (1 Cr 15, 9)

II

Sự thống hối phải liên lỉ như thế nào?

Sự thống hối, xét như là lý trí ghê tởm tội lỗi, là một hành vi của nhân đức đền tội, thì không bao giờ thừa thãi, cả về cường độ lẫn về thời gian, trừ khi nào hành vi nhân đức đó làm ngăn trở hành vi của một nhân đức khác cần thiết hơn, trong một thời gian. Do đó, nếu con người càng có thể liên lỉ thực hiện những hành vi ghê tởm tội lỗi thì càng tốt, miễn là họ vẫn thực hiện các hành vi nhân đức khác khi cần thiết.

Nhưng các cảm xúc có thể quá đáng hay thiếu sót cả về cường độ lẫn thời gian. Vì vậy, cũng giống như sự đau đớn cần được lý trí điều khiển về cường độ, thì sự đau đớn cũng phải được điều chỉnh về thời gian, sợ rằng nếu kéo dài quá mức thì hối nhân sẽ rơi vào sự thất vọng hoặc rụt rè, hoặc các nết xấu khác tương tự.

(In IV Sententiis, Dist. 17, q. 2)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here