SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 16: TÀN TÍCH CỦA TỘI LỖI

0
66

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 16: TÀN TÍCH CỦA TỘI LỖI

Trong Tin Mừng Máccô (chương 8), chúng ta đọc thấy rằng trước hết người mù được Chúa chữa lành đã có thể nhìn thấy nhưng chưa hoàn toàn, do đó, anh đã nói: “Tôi thấy người ta đi lại như cây cối” (Mc 8,24). Và sau đó, anh ta được phục hồi hoàn toàn “đến nỗi anh thấy tỏ tường mọi sự”. Việc chữa lành người mù này là biểu tượng cho việc giải thoát tội nhân khỏi tội lỗi. Do đó, sau lần tha tội trước tiên, tội nhân được phục hồi thị giác tâm linh nhưng vẫn còn một số tàn tích của tội trong quá khứ.

Tội trọng, xét như là việc quay đi lệch hướng đến một điều tốt giả tạo, đã tạo ra trong tâm hồn một khuynh hướng hoặc thậm chí là một thói quen nếu các hành vi đó được lặp đi lặp lại thường xuyên. Khi tội lỗi được tha thứ, sự xa cách của lòng trí đối với Thiên Chúa được loại bỏ nhờ ân sủng.

Tuy nhiên, sau khi đã xóa bỏ sự xa cách đối với Thiên Chúa, có thể là khuynh hướng lệch lạc vẫn còn tồn tại trong linh hồn, bởi vì đó là hai chuyện không hoàn toàn gắn liền với nhau. Vì thế, tuy rằng tội đã được tha, nhưng những khuynh hướng do hành vi trước đó gây ra nơi người phạm tội vẫn còn tồn tại, đó chính là tàn tích của tội. Tuy nhiên, chúng đã bị suy yếu đến độ không còn điều khiển được con người nữa, và chúng tồn tại như là khuynh hướng hơn là nguyên lý hành động, cũng tương tự như sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, các dục vọng vẫn còn tồn tại.

Thánh Augustinô nói: “Chúa chúng ta không bao giờ chữa lành cho ai mà không giải thoát người đó hoàn toàn; Ngài đã chữa lành hoàn toàn người đàn ông vào ngày Sabát, vì Ngài đã giải thoát thân xác người đó khỏi mọi bệnh tật và linh hồn người đó khỏi mọi vết nhơ.” Chúa chữa lành cho con người cách toàn diện, có khi diễn ra đột ngột, như nhạc mẫu của Phêrô được phục hồi sức khỏe hoàn toàn ngay lập tức, đến nỗi “bà đứng dậy phục vụ họ” (Lc 4,38), cũng có khi Chúa chữa lành dần dần, như câu chuyện người mù đã được phục hồi thị giác mà chúng ta đang bàn. Trong đời sống tâm linh cũng vậy: có khi Ngài biến đổi tâm hồn con người với sức mạnh thần linh đến độ người ta nhận được ngay sức khỏe tâm linh, nhờ đó không những tội được tha mà mọi tàn tích của tội cũng được loại trừ như trường hợp của bà Mađalêna (Lc 7)); trong khi cũng có lúc, Ngài tha thứ tội lỗi bằng ân sủng tác động (gratia operans) trước, rồi sau đó mới ban cho ân sủng cộng tác (gratia cooperans) để loại bỏ dần dần tàn tích của tội.

(Summa Theol. III, q. 86, a. 5)

Chú thích của người dịch về sự phân biệt giữa ân sủng “tác động” và ân sủng “cộng tác”. Điều này được bàn trong Summa Theologica I-II, q.111, a.2. Nếu hiệu quả một tác động được quy gán cho Thiên Chúa mà thôi thì gọi là “ân sủng tác động”; còn nếu hiệu quả vừa được quy gán cho Thiên Chúa vừa được quy gán cho con người thì gọi là “ân sủng cộng tác”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here