SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 15: BÍ TÍCH THỐNG HỐI

0
97

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 15: BÍ TÍCH THỐNG HỐI

Chúa nói: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3).

Một điều tuyệt đối cần thiết cho ơn cứu độ là ân sủng của Đức Kitô và bí tích Rửa tội. Không ai có thể lãnh nhận ơn cứu độ mà không có những điều này vì nhờ đó con người được tái sinh trong Đức Kitô.

Bí tích Thống hối chỉ cần thiết theo điều kiện, bởi vì bí tích này không cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng chỉ cho những ai đang ở trong tội. Thế mà thánh Giacôbê (1,15) nói “tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết”. Do đó, điều cần thiết để tội nhân được ơn cứu độ là tội lỗi phải được cất khỏi họ. Điều này không thể thực hiện được nếu không có bí tích Thống hối, nơi mà sức mạnh của cuộc khổ nạn của Đức Kitô tác động thông qua việc giải tội của linh mục và hành vi của hối nhân là những người cộng tác với ân sủng để diệt trừ tội lỗi của mình. Thánh Augustinô nói: “Lạy Thiên Chúa, Ngài dựng nên con mà không cần con, nhưng để cứu độ con thì Ngài cần con cộng tác”. Vì vậy, rõ ràng là sau khi đã phạm tội thì bí tích Thống hối cần thiết cho ơn cứu độ, giống như việc chữa trị về thể xác cần thiết cho người mắc phải một căn bệnh nguy hiểm.

Thánh Giêrônimô có lý khi nói rằng bí tích Thống hối là tấm ván thứ hai sau khi đắm tàu. Thật vậy, đối với những người vượt biển, sự cứu trợ đầu tiên là được bảo vệ trên một con tàu vững chắc; còn khi sự cứu trợ thứ hai khi con tàu bị đắm là bám vào một tấm ván. Cũng vậy, phương tiện thứ nhất cho ơn cứu độ con người trên đại dương đời sống này là họ được đặt vào và gìn giữ trong tình trạng nguyên tuyền, còn phương tiện thứ hai giúp họ trở lại tình trạng nguyên tuyền này thì nhờ bí tích Thống hối khi tội lỗi làm cho họ mất sự nguyên tuyền.

Kinh thánh nói rằng “Tình yêu khoả lấp mọi lỗi lầm” (Cn 10,12). Tương tự như vậy, có lời chép: “Nhờ nhân nghĩa tín thành mà tội được xoá bỏ” (Cn 16,6). Nhưng một khi đã phạm tội mà không sám hối thì tình yêu, đức tin và lòng thương xót cũng không thể giải thoát họ khỏi tội lỗi. Bởi vì tình yêu đòi hỏi một người phải đau buồn vì hành vi xúc phạm đến người bạn mình và phải tìm cách làm an lòng người bạn ấy, đức tin đòi hỏi người ta phải tìm cách để được ơn công chính hoá khỏi tội lỗi nhờ sức mạnh của cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô diễn ra trong các bí tích của Giáo hội, và trong trật tự thích đáng, lòng thương xót đòi hỏi người ta phải tự cứu mình bằng cách ăn năn về tình trạng đáng thương mà tội lỗi đã đưa mình vào, như sách Châm ngôn (14,34) nói: “Tội lỗi gây nhục nhằn cho dân”. Vì thế, sách Huấn ca (30,24) dạy: “Hãy thương xót linh hồn mình bằng cách làm đẹp lòng Chúa” (Hc 30,24).

 (Summa Theol. III, q. 84, aa. 5-6)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here