SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
BÀI 12: TỘI LỖI NẶNG THÊM DO ĐỊA VỊ CỦA KẺ BỊ XÚC PHẠM
Kinh Thánh đặc biệt khiển trách tội phạm chống lại người phục vụ Thiên Chúa, tội phạm đến người thân thuộc, tội phạm đến những người có chức vụ hay người có phẩm giá hoặc chức vụ.
Người bị xúc phạm, theo một cách nào đó, là đối tượng của tội. Sự trầm trọng của tội trước tiên xét theo đối tượng. Đối tượng càng gần với một mục đích chính bao nhiêu thì tội càng nghiêm trọng bấy nhiêu. Thế mà mục đích chính của hành vi nhân linh là Thiên Chúa, bản thân và người thân cận; vì bất cứ điều gì chúng ta làm thì luôn nhắm tới một trong những mục đích ấy. Vì thế, mức độ trầm trọng nhiều hay ít của tội thì được đánh giá tuỳ theo địa vị của kẻ bị xúc phạm.
1/ Thứ nhất, về phía Thiên Chúa, Đấng mà con người càng gắn kết chặt chẽ hơn nhờ đức hạnh hoặc vì được thánh hiến cho Ngài. Vì thế sự tổn thương gây ra cho những người ấy cũng có ảnh hưởng đến Thiên Chúa như sách Dacaria đã nói (2,8): “Hễ ai đụng đến các ngươi, tức đụng vào con ngươi mắt Ta” (Dcr 2,8). Vì vậy, tội nào xúc phạm đến người càng kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa vì chức vụ hoặc vì sự thánh thiện của họ thì tội càng thêm nặng hơn.
2/ Thứ hai, về phía bản thân người phạm tội. Ta biết rằng, một người phạm tội càng nặng nề hơn nếu người mà họ xúc phạm gắn kết với ta hơn theo huyết tộc hoặc theo ơn nghĩa hoặc theo bất kỳ mối ràng buộc nào khác. Khi những người này bị xúc phạm thì ra như là gây tổn thất cho chính bản thân ta, như sách Huấn ca đã viết: “Xấu với bản thân thì tốt với ai được?” (Hc 14,5)
3/ Thứ ba, về phía người thân cận. Tội càng ảnh hưởng đến nhiều người thì tội càng thêm nặng, vậy nên tội chống lại các nhân viên công quyền như nhà vua, người lãnh đạo … là những người đại diện cho toàn dân, thì còn nặng hơn tội phạm đến tư nhân. Do đó, điều này bị cấm một cách rõ ràng trong sách Xuất hành (22,28): Ngươi không được nguyền rủa một người lãnh đạo dân của ngươi. Cũng vậy, việc xâm phạm đến một người có danh tiếng cũng nghiêm trọng hơn, vì nó sẽ gây ra tai tiếng và sự xáo trộn trong dân chúng.
(Summa Theol. I-II, q. 73, q. 9)