SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 6: TỘI CÓ THỂ LÀ HÌNH PHẠT CỦA TỘI HAY KHÔNG?

0
311

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 6: TỘI CÓ THỂ LÀ HÌNH PHẠT CỦA TỘI HAY KHÔNG?

Chúng ta có thể nói về tội lỗi dưới hai khía cạnh: do yếu tính của nó hoặc do  bất tất. Tự nó, tội không thể nào là hình phạt của tội khác. Về cơ bản, tội lỗi là một điều gì đó phát xuất từ ý muốn, vì chính từ đây mà nó mang lấy đặc tính của tội lỗi. Trong khi đó, hình phạt lại là một điều gì đó trái với ý muốn. Do đó, xét theo yếu tính của nó, thì tội không thể là hình phạt của tội.

Thế nhưng, do bất tất, xét theo các phương diện khác, tội có thể là hình phạt của tội theo ba cách:

  1. Thứ nhất, xét như nguyên nhân. Một tội là nguyên nhân của một tội khác theo cách nó phá hủy những trợ lực chống đỡ tội lỗi. Những đam mê, cám dỗ của ma quỷ và những điều tương tự là nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng chúng bị cản trở nhờ sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa. Thế nhưng, ân sủng này sẽ bị tước mất do tội lỗi. Việc bị tước mất ân sủng là một hình phạt đến từ Thiên Chúa, nên một cách bất tất, tội lỗi phát sinh từ việc bị tước mất ân sủng cũng là một hình phạt. Theo nghĩa này, thánh Tông đồ đã nói: “Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng” (Rm 1,24), tức là theo những đam mê của họ. Khi con người bị tước mất sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, họ sẽ bị các đam mê đánh bại. Theo cách này, tội luôn được coi là hình phạt của tội trước đó.
  2. Thứ hai, do bản chất của hành vi, đó là một hành vi có thể gây ra những phiền toái, hoặc là một hành vi nội tại (như là tức giận hay ghen ghét) hay là một hành vi ngoại tại (như ta thấy nơi một người phải chịu đựng những ưu tư và và thách thức lớn lao để thi hành một tội ác hay thỏa mãn một đam mê), theo như Sách Khôn ngoan (5,7) đã viết: “Chúng ta đã chán ngán trong những nẻo đường tội lỗi”.
  3. Thứ ba, một tội còn được coi là hình phạt do hậu quả mà nó gây ra. Trong hai nhận xét vừa nói, tội lỗi là một hình phạt không chỉ đối với tội trước đó mà còn là hình phạt đối với chính tội đó.

Nói cho đúng, những hình phạt được đặt ra nhằm đưa con người trở về với đường nhân đức. Ngay cả khi Thiên Chúa trừng phạt một người nào bằng cách để cho họ buông mình phạm tội, thì điều đó cũng hướng tới các nhân đức tốt lành. Quả thực, có thể điều tốt cho những người bị trừng phạt chính là cho họ biết khiêm nhường và khôn ngoan hơn sau khi được giải thoát khỏi tội lỗi. Dù sao đi nữa, điều đó luôn là sự sửa đổi cho những người khác, khi họ thấy các người phạm tội cứ rơi từ tội này đến tội khác thì họ sẽ sợ phạm tội hơn.

Đối với hai khía cạnh sau cùng, hình phạt nhằm mục đích cải hoán tội nhân do chính những sự mà con người phải chịu đựng cực nhọc và mất mát khi phạm tội, điều này sẽ giúp con người từ bỏ tội lỗi.

(Summa Theol., I-II, q. 87, a. 2)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here