Sự Tương Quan Về Hai Lễ Chúa Hiển Linh Và Chúa Chịu Phép Rửa

0
770


Fr. Joseph Nguyễn Hiển, OP.

 
 

Trong phần dẫn nhập của ngày lễ Hiển Linh, chúng ta hát : « Này đây Đấng Quân Vương xuất hiện (advenit), là Thiên Chúa, trong tay Người nắm giữ vương quốc, quyền năng và sự lãnh đạo thế giới ».

Trong một bài giảng về ngày lễ, thánh Lê-ô cả đã nói : « Các bạn hãy vui mừng trong Thiên Chúa, hỡi anh em rất mến, tôi nói với các bạn rằng, hãy vui mừng, vì chỉ ít thời gian sau ngày cử hành trọng thể sự sinh hạ của Đức Kitô, chiếu sáng trước mắt chúng ta là ngày lễ Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân. Chính Người, vào lễ Noël đã sinh ra bởi Trinh Nữ Marie, và thế giới đã nhận ra Người trong ngày hôm nay ».

Những dẫn chứng này cho thấy Giáo Hội chỉ cho chúng ta thấy rằng lễ Hiển Linh là đỉnh điểm của chu kỳ Giáng Sinh và xa hơn đó là sự viên mãn trọn vẹn của Mùa Vọng. Thiên Chúa tự tỏ bày cho muôn dân biết Người là Đấng Cứu Độ, là Vị Cứu Tinh đến để thực hiện lời hứa đã được hứa với tổ tiên. Đấng phải đến là Con Thiên Chúa, đó là lời khẳng định của Chúa Cha và sự chứng thực của Thánh Thần bên dòng sông Jordan, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan Tiền Hô[1].
 

1.- Lịch sử về ngày lễ Chúa chịu phép rửa

Theo ghi nhận của Hồng y Schuster trong tập sách Liber Sacramentorum, các Sách bí tích Roma không có một sự đề cập nào về lễ Chúa chịu phép rửa. Điều này cũng cho biết rõ rằng, lễ này chỉ được tiếp nhận trong phụng vụ nghi thức Roma rất trễ.

Lễ Chúa chịu phép rửa được cử hành trong phụng vụ nước Pháp từ thế kỷ 18, đặc biệt trong những vùng khi lễ Giáng Sinh được kéo dài bằng một Bát Nhật[2]. Vào thời của Đức Giáo Hoàng Pio XII, trong một tuyên bố về « sự đơn giản của các nghi thức (1955) »[3], và được lập lại trong « Variationes » : những thay đổi trong sách Kinh Nguyện và Sách lễ Roma (1960)[4], ấn định việc cử hành lễ Chúa chịu phép rửa vào ngày 13 tháng giêng. Hoặc cũng có thể hiểu rằng, lễ Chúa chịu phép rửa được cử hành vào sau ngày mồng 6 tháng giêng hay vào chính ngày Octave (ngày thứ 8) sau lễ Chúa Hiển Linh. Ấn định này được giữ lại trong cử hành phụng vụ Roma ngày nay từ năm 1969.

Cũng nói thểm rằng, trong phụng vụ trước 1955, lễ Hiển Linh được kéo dài thêm 8 ngày hay còn giọ là Bát nhật lễ Chúa Hiển Linh[5]. Sau 1955, Bát Nhật này được loại bỏ. Ngày thứ tám của Bát Nhật này được gọi với tên : tưởng nhớ việc Chúa chịu phép rửa (in commemoratione baptismatis Domini N.I.C)
 

2.- Tương quan thần học giữa lễ Hiển Linh và Chúa chịu phép rửa tội

Phụng vụ đạt đến đỉnh điểm thứ hai của chu kỳ Noël trong ngày lễ Chúa Hiển Linh. Đã từ lâu, trong truyền thống Tây phương, lễ Noël là ngày lễ diễn tả sự thân tình, đó là một ngày lễ của gia đình kitô hữu. Ngược lại, lễ Hiển Linh là một ngày lễ cho thế giới, thế giới Công Giáo[6]. Ý tưởng về ngày lễ ít nhất đó là một sự kiện về một trẻ thơ, Giêsu, Đấng được cho biết là Con Thiên Chúa, được bày tỏ cho thế giới. Lối suy nghĩ này được chiếu sáng bởi  các Đạo sĩ đã bị cuốn hút bởi đời sống của Thiên Chúa qua ánh sao dẫn đường. Ba mầu nhiệm được diễn tả trong ngày lễ Hiển Linh : sự thờ lạy của các Đạo sĩ, Bí tích rửa tội của Đức Giêsu tại dòng sông Jordan bởi Gioan Tiền Hô và phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana.

Trong 3 hình ảnh này, hình ảnh thứ hai được các kitô hữu Đông phương đề cao vào bậc quan trọng thứ nhất và gọi lễ này : lễ ở sông Jordan[7]. Vì thế, Giáo hội Đông phương cử hành cùng lúc trong lễ Hiển Linh biến cố Chúa chịu phép rửa. Ngược lại Giáo hội Phương tây thích lấy hình ảnh thứ nhất về sự thờ lạy của các Đạo sĩ và gọi một cách hoan hỉ là lễ các Vua.

Đối với Dom Guéranger, mầu nhiệm thứ hai của Chúa Hiển Linh, là mầu nhiệm Chúa chịu Phép rửa trong sông Jordan, và mầu nhiệm này chiếm giữ một giá trị đặc biệt trong sự chú ý của Giáo Hội. Đấng Emmanuel đã tự bày tỏ cho các Đạo sĩ sau khi đã biểu tỏ cho các mục đồng ; nhưng việc biểu tỏ này được diễn tả trong một sự cưu mang hạn hẹp ở Béthléhem, và con người của thế giới này chưa nhận biết Người. Vì thế, trong mầu nhiệm ở sông Jordan, Đức Kitô tự bày tỏ bằng một cách rõ ràng nhất. Sự xuất hiện của Người được loan báo bởi Gioan Tiền Hô, khi mà đám đông tuôn đến dòng sông này để chứng kiến phép rửa. Đức Kitô được loan báo về đời sống công khai của Người.
 
3.- Khía cạnh thần học của ngày lễ

Một điều chắc chắn rằng, lễ này đã sử dụng lại những tổng hợp nghi chép những thay đổi hay thay thế trong sách các bí tích, được gọi là Gélasien, và bài đọc Tin mừng được thêm vào có nguồn gốc về việc tụ họp cử hành Thánh thể vào thế kỷ thứ 4, ngày thường sau Théophanie mà đã rơi vào tình trạng bị quên lãng. Những phần còn lại của lễ này giống như ngày lễ Hiển Linh.

Lời nguyện nhập lễ được gợi hứng trực tiếp từ Sách bí tích được gọi là Léonine. Chẳng hạn, chúng ta nghe rằng : « Lạy Chúa, Con duy nhất (của Người) đã xuất hiện giữa chúng con, đã mặc lấy bản tính con người của chúng con ; xin hãy thực hiện để chúng con được trở nên mới mẻ bên trong, nhờ chính Đấng mà chúng con nhận biết giống như chúng con bên ngoài ».

Các bài đọc tin mừng đều có nội dung giới thiệu về biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa và việc có sự xuất hiện của Thánh Thần và lời chứng thực của Chúa Cha, được trích dẫn từ thánh Mattheu cho năm A (Mt 3,13-17) ; từ thánh Marcô cho năm B (Mc 1,7-11) và từ thánh Luca cho năm C (Lc 3,15-16.21-22).

Sách lễ trước Vatican II trích dẫn bài đọc Tin mừng theo thánh Gioan miêu tả sự xuất hiện và bày tỏ (epiphanie) ở bờ sông Jordan (Ga 1,29-34). Ngoài việc khẳng định danh tính của Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, việc trích dẫn Tin mừng theo thánh Gioan cũng nhằm chống lại tư tưởng Đức Giêsu được nhận lãnh thiên tính qua bí tích rửa tội, do những người Ngộ Đạo chủ chương.

Một đặc điểm khác được giới thiệu trong lời giáo huấn của Giáo Hội : bí tích rửa tội của Đấng Cứu Độ trong nước diễn tả sự đền tội là một trong những khiá cạnh đặc biệt quan trọng của biến cố théophanie. Ở dòng sông Jordan, Đức Giêsu đã chiếm lấy chỗ của con người tội lỗi và trở nên cam chịu bởi một nghi thức nhiệm mầu của Bí tích rửa tội. Nhưng cũng cùng thời gian đó, Chúa Cha và Thánh Thần đã loan báo bản tính Thần Thánh của người : Ba Ngôi rạng rỡ thánh hiến phép rửa của Giao ước mới, đấng đã được trao nhân đức để thực hiện cách mạnh mẽ nhờ nước và Thánh Thần « ex aqua et Spiritu sancto » nên những người con của Thiên Chúa[8]. Vì thế, đây không chỉ là sự sinh ra của Đức Giêsu, mà cho cả sự sinh ra của chúng ta nữa vào một đời sống siêu nhiên mà chúng ta cử hành trong ngày lễ này. Trong kinh nguyện ban đêm, chúng ta đọc : « Christus apparuit nobis, venite adoremus ».

Cũng cần biết thêm rằng, kể từ sau Công đồng Vatican II, phụng vụ đã thêm vào bài đọc Cựu ước được trích dẫn trong sách ngôn sứ Isaïa, và nói đến hình ảnh « Người Tôi Tớ » được chọn lựa bởi Thiên Chúa, và qua Người Tôi Tớ này, Thiên Chúa thực hiện giao ước của Người với dân. Người Tôi Tớ sẽ thực hiện những điều lạ lùng, đầy thiện ích cho dân (Is 42 1-4. 6-7 ; cf. Ps 71)[9]. Bài đọc thứ hai theo sách Công vụ các Tông đồ (Cv 10,34-38) thay vì thư Corintô.

Lời cầu nguyện trên lễ vật có nguồn gốc cổ kính, nhằm nói đến vai trò đặc biệt của Đức Kitô trong việc hiến dâng lễ vật của dân lên Chúa Cha : « Chúng con dâng lên Ngài, lạy Chúa, những lễ vật của chúng con, trong ngày lễ về sự xuất hiện của người Con nhập thể của Ngài. Chúng con cũng kêu xin rằng, trong khi chính Người làm nên lễ vật này thì cũng chính Người đón nhận với lòng thương xót ».

Lời cầu nguyện sau Hiệp lễ (hay còn gọi là lời Tạ ơn) được gợi hứng theo một tước hiệu cổ kính mà những tín hữu theo nghi thức Byzantin đã làm cho ngày lễ này nên trang trọng, đầy Ánh Sáng : « Lạy Chúa, xin hãy đến với chúng con, và đồng hành với chúng con khắp nơi bởi sự rạng rỡ của Người, để nhờ đó chúng con chiêm niệm bằng một ánh mắt tươi sáng mầu nhiệm mà ở đó Người làm cho chúng con được đón nhận phần thưởng và nhờ đó chúng con đón nhận ánh sáng với một lòng yêu mến chân thành ».

Tóm lại

Lễ Chúa chịu phép rửa là một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Hiển linh. Biến cố Chúa chịu phép rửa trong sông Jordan được diễn tả trong cả 4 tác giả tin mừng. là một sự biểu tỏ « Hiển Linh » tạo nên một tầm quan trọng đặc biệt cho khởi đầu của đời sống công khai của Đức Giêsu Kitô (Mt 3,13-17 ; Mc 1,9-11 ; Lc 3,21-22 ; Jn 1,29-34) và sứ vụ của Người (cf. Ac 1,22). Việc Chúa chịu phép rửa diễn tả ý nghĩa không chỉ nhắm nói đến cái chết của Chiên Thiên Chúa (cf. Lc 12,50), mà còn loan báo trước về việc chúng ta được cùng bơi « plongeon » trong cái chết của Người, bởi bí tích rửa tội. Bên cạnh đó, từ biến cố này cũng chứng tỏ cho chúng ta về nguồn mạch và chứng thực Ba Ngôi về sứ vụ của Người Tôi Tớ đau khổ. Các tầng trời mở ra, Chúa Cha bày tỏ lời của Người về Người Con : « Này đây là Con Ta Yêu dấu », và Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu, biểu tỏ cách hiển thị sự hài lòng này.

Chúng ta có thể nói rằng, lễ Chúa chịu phép rửa là một biến cố Hiện Xuống của chu kỳ Giáng Sinh[10]. Hoặc là một biến cố Hiển Linh lần thứ hai của Thiên Chúa trong chu kỳ Giáng Sinh. Giáo Hội khép lại chu kỳ Giáng Sinh qua việc cử hành lễ Chúa chịu phép rửa và bước vào mùa Thường Niên (per annum) bằng việc tiếp tục cử hành và chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa trong thân phận phàm nhân.
 

Viết theo:
 
Sách lễ Roma, bản dịch tiếng Việt 1992.

Botte Bernard, Les origines de la Noël et de l’Epiphanie. Etude historique. Louvain Abbaye du Mont-César, 1932.

Guéranger dom Prosper, L’année liturgique, Le Mans, Fleuriot, 1841.

Mossay Justin, Les fêtes de Noël et d’Epiphanie. D’après les sources littéraires cappadociennes du IVe siècle, Louvain, Abbaye du Mont-César, 1965.

Parsch Pius, Le guide dans l’année liturgique, vol 1er : Le Cycle de Noël, Paris, Casterman, 1935.

 


[1] Xem các lời nguyện về ngày lễ Chúa chịu Phép rửa trong Sách lễ Roma, bản dịch tiếng Việt năm 1992, tr. 171-173.
 
[2] Cũng nên hiểu thêm rằng, mầu nhiệm này, trong ngày lễ đã cử hành việc thờ lạy của các Đạo sĩ; vào chính ngày Bát Nhật sẽ cử hành lễ Chúa chịu phép rửa ở song Jordan, và Chuá nhật thứ hai sau lễ Hiển Linh, chúng ta thấy bài đọc ngày lễ nói đền tiệc cưới Cana.
 
[3] Sắc lệnh số 16 nói rằng : tưởng nhớ việc Chúa chịu phép rửa bằng hình thức lễ kính. Chúng ta đọc Kinh Nguyện và Thánh lễ như hiện tại, theo tuần Bát Nhật lễ Hiển Linh. Nhưng nếu việc tưởng nhớ Chúa chịu Phép rửa rơi vào ngày Chúa nhật, chúng ta sẽ cử hành lễ Thánh Gia Thất mà thôi. Thứ bảy trước lễ, chúng ta bắt đầu thư thứ nhất gởi tín hửu Corintô.
 
[4] Trong số 24 về “Variatinones” nói : ngày 13 tháng giêng, chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa ở bậc lễ kính. Kinh Nguyện thần vụ được củ hành theo lễ Hiển Linh, nhưng kinh ban sáng bắt đâu như thương lệ và vào giờ canh thức thứ 3, sẽ đọc thánh vịnh 86. Chúng ta sẽ đọc các bài đọc của ba giờ canh thức với những câu đối đáp như ngày 13 tháng giêng. Vào những giờ kinh nhỏ, sẽ đọc những điệp ca và những thánh vịnh của ngày tương ứng của tuần lễ ; phần còn lại theo ngày lễ Hiển Linh, ngoại trừ lời nguyện. Thánh lễ được cử hành như được ấn định trong Sách lễ ngày 13 tháng giêng. Nếu ngày 13 trùng vào ngày Chúa nhật liền sau lễ Hiển Linh, chúng ta đọc Kinh Nguyện về lễ Thánh Gia Thất mà không cử hành lễ Chúa chịu phép rửa và không cử hành ngay lễ này. Vì thế, chương đầu tiên của thư gởi tín hữu Corintô được đọc vào thứ bảy trước ngày lễ.
 
[5] Về nguồn gốc lễ Hiển Linh: xem trong Bernard Botte, Les orgines de la Noël et de l’Epiphanie. Etude historique. Louvain Abbaye du Mont-César, 1932 ; Justin Mossay, Les fêtes de Noël et d’Epiphanie. D’après les sources littéraires cappadociennes du IVe siècle, Louvain, Abbaye du Mont-César, 1965.
 
[6] Truyền thống được ghi trong sách các bí tích dành cho việc cử hành trong Giáo triều nói đến việc công bố lịch phụng vụ cho cả năm trước khi lãnh phép lành trọng thể.
 
[7] Vào ngày lễ Hiển Linh (Epiphanie), truyền thống phụng vụ Đông phương có những nghi thức khác nhau. Nổi bật nhất trong các nghi thức truyền thống này là việc làm Phép nhà ở và làm Phép nước bởi Đức Kitô. Hai nét truyền thống này vẫn luôn được giữ cho đến ngày nay. Đối với nghi thức làm Phép nước. Vào buổi chiều trước lễ, diễn ra nghi thức làm phép nước dùng để cử hành trong các nghi thức rửa tội và làm phép nhà. Nghi thức làm phép nước diễn ra vào tối mồng 5 tháng giêng trước ngày lễ đối với nghi thức phụng vụ Ai cập và vào chiều tối ngày 18 (hoặc 19) tháng giêng trong nghi thức phụng vụ chính thống Nga và Copte. Vào chính ngày lễ, ngày mồng 6 trong các nghi thức Ai cập (Arménien, Antioche…) và vào ngày 19 (hoặc 20) trong nghi thức phụng vụ Chính thống Nga, sau nghi khi cử hành phụng vụ, linh mục sẽ đi một vòng trong các làng để làm phép nhà, trên người và mỗi người uống một ít nước đã làm phép. Việc làm phép nhà cũng được thực hiện trước ngày lễ Hiển Linh trong các thành phố, nó cũng biểu tỏ một sự chuẩn bị để đón giám mục sẽ xuất hiện trong thành phố vào ngày Chúa nhật để cử hành thánh lễ. Các phụ nữ được chọn bê những bình nước đã làm phép. Trong ngày lễ sẽ diễn ra một nghi thức chúc lành cho nước trên khắp vùng : trên biển, trên sông hay hồ, ao… với việc nhúng hoặc ném cây thánh giá vào dòng nước. Điều này bày tỏ sự sinh ra của Đức Kitô, và bí tích rửa tội tái tạo sự sống nơi những dòng nước này. Cũng cần nói thêm rằng, các yếu tố ăn chay và kiêng việc được đề nghị thực hành trong đêm canh thức này.
 
[8] Giáo hội theo nghi thức Đông phương luôn khẳng định rằng, lễ Hiển Linh hay Epiphanie là sự biểu tỏ của Ba Ngôi Thiên Chuá. Đó là sự khẳng định về bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu bởi lời của Chúa Cha : « Này là Con Ta Yêu Dấu » và sự xuất hiện của Thánh Thần dưới hình chim bồ câu.
 
[9] Lời Tiền Tụng trong thánh lễ nêu rõ giá trị của ngày lễ và khẳng định vai trò của Đấng được sai đến. Xem Sách lễ Roma, bản dịch tiếng Việt, trang 172.
 
[10] Theo Dom Robert le Gall, Tử Điển Phụng vụ. Paris, Edtions CLD.