Sự thánh thiện thời nay

0
2202

Trích Thời sự Thần học – Số 93, tháng 08/2021, tr. 87-121

Benoît Pellistrandi

————

Nội dung

I. Quan niệm của Giáo hội thời nay về sự thánh thiện

II. Những chính sách tuyên thánh

III. Các thánh thời nay

Bài viết này dành cho buổi hội thảo về Lịch sử sự thánh thiện Kitô giáo từ đầu thời cận đại cho đến công đồng Vaticanô II (El caminar historico de la santidad cristiana de los inicios de la epoca contemporanea hasta el Concilio Vaticanô II), tổ chức ở Pamplona năm 2003. Vì thế các dữ kiện dừng lại vào thời điểm ấy. Ở cuối bài, ban biên tập sẽ cập nhật thông tin cho đến tháng 6 năm 2021.

Nguồn: Benoît Pellistrandi, « La sainteté contemporaine », Mélanges de la Casa de Velázquez, 33-2 | 2003, URL: http://journals.openedition.org/mcv/234.

——–

Từ khi xác định lại các thủ tục tuyên thánh hồi thế kỷ XVII cho đến công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã có sự tiến triển trong cách tiếp cận với sự thánh thiện như là một thực thể thần học, giáo luật và tâm linh. Việc nghiên cứu sự tiến triển này cho phép hiểu được những sự liên tục và chuyển hướng của một « chính sách tuyên thánh » mà ĐTC Gioan Phaolô II xem ra đã đưa đến tột điểm.

Trong bài này chúng tôi sẽ sử dụng hai lối tiếp cận để theo dõi sự tiến triển của quan niệm về sự thánh thiện. Lối thứ nhất liên quan đến định nghĩa về sự thánh thiện theo Hiến chế Tín lý Lumen gentium, mà ta có thể coi như « nhìn từ bên trong ». Lối thứ hai dựa theo các dữ kiện của các khoa sử học, nhân văn, xã hội học để giải thích chức năng xã hội, văn hóa và chính trị của sự thánh thiện, mà ta có thể coi như « nhìn từ bên ngoài ». Thế nhưng, vấn đề là xác định thứ tự tiến hành: ta phải đi từ ngoài vào trong, hay ngược lại? Thực ra có một khuynh hướng trong ngành sử học muốn theo thứ tự thứ nhất[1]: đi từ những đặc tính nổi bật bên ngoài đến những đức tính nội tại và tìm cách giải thích những đức tính này dưới khía cạnh lịch sử. Tuy nhiên còn có một lộ trình khác mà chúng tôi sẽ áp dụng và cũng dựa theo khoa sử học, đó là theo dõi sự tiến triển lịch sử của quan điểm Giáo hội về sự thánh thiện[2]. Thực vậy, kể từ nhóm Bollandistes, Giáo hội đã chẳng chấp nhận quan điểm của sử học để ngăn chặn các thánh giả hoặc các thánh bịa đấy ư [3]? Giáo hội đã chẳng sử dụng một sự phân định kỹ lưỡng hơn trong việc chọn lựa các vị thánh đấy ư?

Vì thế chúng tôi chọn lựa khởi đi từ quan điểm của Giáo hội khi bàn về sự thánh thiện thời nay. Trước hết, cần xét xem định nghĩa của Giáo hội về sự thánh thiện, để cho thấy Giáo hội đã sử dụng quan điểm ấy như thế nào khi thiết lập một thủ tục nhìn nhận sự thánh thiện trong cộng đồng Dân Chúa. Kế đến, nghiên cứu các chính sách tuyên thánh qua việc theo dõi các thống kê và những khuôn mặt điển hình, để cho thấy có một kế hoạch mục vụ có hệ thống. Sau cùng, trong phần thứ ba, chúng tôi sẽ cố gắng cho thấy đâu là những vị thánh hiện đại được giới thiệu cho các tín hữu, và bằng cách nào một sử gia có thể phân tích ý nghĩa của hiện tượng gia tăng việc tuyên thánh dưới triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

I. Quan niệm của Giáo hội thời nay về sự thánh thiện

Ngày nay, ta có thể gặp thấy quan niệm của Hội thánh về ơn gọi phổ quát nên thánh trong Hiến chế Tín lý về Hội thánh Lumen gentium của công đồng Vaticanô II, được ĐTC Phaolô VI ban hành ngày 21/11/1964. Bản văn từ số 39 đến 42 được coi như định nghĩa của Hội thánh Công giáo thời nay về sự thánh thiện. Dưới ánh sáng ấy, nghĩa là dựa theo lý luận và khẳng định của nó, ta có thể tìm thấy một cái nhìn “từ bên trong” về sự thánh thiện, và móc nối với các thủ tục mà giáo luật đặt ra cho việc nhìn nhận sự thánh thiện của một vài tín hữu nổi bật. Chúng ta hãy ôn lại vài nét chính của lời mời gọi nên thánh của bản văn công đồng.

Giáo hội là thánh bởi vì kết hợp với Đức Kitô là “Đấng thánh duy nhất”. Vì vậy tất cả mọi phần tử của Giáo hội được mời gọi nên thánh. Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên hoàn thiện giống như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48).Việc hoàn thiện này, xuyên qua việc thú nhận tội lỗi, phải dẫn con ngươi trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô, và suy phục ý muốn của Chúa Cha, ngõ hầu làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân[4]. Tiếp theo những chân lý thần học, tập trung vào việc bắt chước Đức Kitô và thông dự vào sự thánh thiện của Người, là việc mô tả những hành động tùy theo các trạng thái sinh sống (§ 41), dựa theo một thứ tự phẩm trật: trước hết là các giám mục, linh mục, các tác viên, rồi đến các đôi bạn và cha mẹ, những người góa bụa và những người không kết bạn, sau cùng là “tất cả những người phải mang gánh nặng vì nghèo khó, yếu đuối, bệnh tật, gặp nghịch cảnh hoặc bị bách hại vì công lý”. Đối với các giáo sĩ, chính việc thi hành sứ mạng mục tử và sự tuân phục sẽ dẫn đưa họ đến sự hoàn thiện. Các giáo dân cần phải làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa qua sự hoàn thiện của tình yêu, giáo dục con cái theo đạo lý Công giáo, dùng lao động để bắt chước Đức Kitô. Tất cả những điều ấy nhằm biểu lộ “tình thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại”. Tình thương này, là một ân huệ do Thiên Chúa ban, được bày tỏ qua việc lắng nghe Lời Chúa, các bí tích, cầu nguyện, từ bỏ mình. Cấp độ cao cả nhất của tình yêu là việc tử đạo, “nơi mà người môn đệ trở nên giống với Thầy”. Một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa được ban cho một số người tận hiến mình cho Người bằng đời sống trinh khiết. Đây là một “dấu chỉ và sự thôi thúc cho đức mến”[5].

Đã có rất nhiều biên khảo thần học chung quanh lời tuyên bố này của công đồng, trình bày cách vắn tắt cốt yếu của sự thánh thiện như là sự hoàn thiện của đức mến[6]. Người ta thấy rằng điểm nhấn mạnh là khía cạnh thần học, chứ không đả động gì đến các dấu tích biểu lộ thực tại siêu nhiên. Sự thánh thiện được trình bày như sự hoàn tất trọn vẹn của đời sống đức tin, và vì thế như là một gương mẫu của đời sống trên trần gian. Sự thánh thiện không phải là sự biểu lộ của một quyền năng thần diệu, tuy dù, nói cho cùng, nó lệ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là cái gì siêu việt thuộc lãnh vực đức tin. Như vậy, chúng ta thấy một sự định hướng mục vụ mới về sự thánh thiện dựa theo sự tiến triển của thế giới ngày nay. Tuy nhiên chúng ta cũng nên ghi nhận rằng khuynh hướng này cũng đã có trước công đồng. Trong mục từ liên quan đến việc tôn kính các thánh trong Dictionnaire de théologie catholique, viết trước năm 1939, cha Séjourné đã lưu ý rằng:

Việc tuyên thánh không hàm ngụ niềm tin vào thực tại các phép lạ đã được thực hiện trong cuộc đời của các thánh hay sau khi các ngài đã qua đời. Điều này không có nghĩa là chẳng cần đếm xỉa gì đến các trường hợp phép lạ được đệ trình để cứu xét theo một thủ tục nghiêm ngặt[7].

Ta có thể nói được rằng điều mới mẻ của bản văn năm 1964 nằm trong một chiều hướng mục vụ liên tục của Giáo hội. Sự liên tục này được củng cố qua việc theo dõi các thủ tục tuyên phong chân phước và hiển thánh.

Từ thế kỷ XVI, đã có một hằng số luôn điều khiển chính sách phong thánh của Giáo hội, đó là tập trung vào Rôma và vào sự kiểm soát của Giáo hoàng. Những cuộc cải tổ gần đây dưới triều Đức Gioan Phaolô II vào năm 1983 (tông hiến Divinus perfectionis magister) đã không xóa bỏ yếu tố nền tảng của hai bản văn của Đức Urbanô VIII, Caelestis Hierusalem cives (1638) và Decreta servanda in canonizatione et beatificatione sanctorum (1642), cũng như khảo luận De servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione (1734) của Hồng y Lambertini, về sau trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XIV. Bộ Lễ nghi, được Giáo hoàng Sixtô V thiết lập năm 1588, phụ trách các thủ tục và hồ sơ cho đến năm 1969, khi Bộ Tuyên thánh được thiết lập và được coi như một điều mới mẻ của pháp chế Giáo hội. Thủ tục hiện hành lấy lại các giai đoạn đã được quy định từ thời đức Urbanô VIII, tuy đã giản lược hơn. Giám mục giáo phận tại nơi cư ngụ của ứng viên phải thiết lập hồ sơ thứ nhất, bằng việc thu thập thông tin về cuộc đời và các chứng tá. Ở chặng điều tra này, một ủy ban thần học đã phải thẩm định đặc tính chính thống của những tác phẩm của đương sự cũng như một ủy ban các chuyên viên đã xác định các nhân đức và phép lạ mà người ta gán cho đương sự, hoặc cuộc tử đạo của vị ấy. Một điều kiện tiên quyết là chưa có một hình thức tôn kính công khai nào[8]. Nói theo một ngôn ngữ đơn sơ, một cuộc “tiền tuyên thánh” tự phát về phía các tín hữu sẽ là một cản trở lớn cho nội vụ, bởi vì nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Giáo hội và gây ra ngờ vực cho đương sự. Kế đó, hồ sơ được chuyển lên Bộ Tuyên thánh. Trước hết, bộ sẽ xét xem có thể chấp nhận hồ sơ hay không; điều này đòi buộc một việc cứu xét và đôi khi đòi hỏi bổ sung thêm chi tiết. Hồ sơ được chuyển qua nhiều ủy ban chuyên môn: sử học, thần học, y khoa. Cuối cùng hồ sơ được thỉnh-nguyện-viên (postulator) bảo vệ trong một cuộc họp các hồng y và giám mục. Nếu hồ sơ được các hồng y và giám mục thông qua, thì Giáo hoàng sẽ quyết định tuyên phong chân phước. Chặng này trở thành bắt buộc kể từ năm 1659, theo sự đòi hỏi của Đức Alexandrô VII. Chặng cuối cùng, tức là việc tuyên thánh, cần một cuộc điều tra bổ túc, chủ yếu là xác nhận các phép lạ. Cuộc điều tra được trao cho ý kiến tập đoàn của các hồng y và giám mục, nhưng duy chỉ Giáo hoàng mới có tiếng nói cuối cùng quyết định tuyên thánh. Đặc quyền này, tuy được lồng trong khung cảnh của một thủ tục rất khắt khe và tập đoàn,[9] là một trong những quyền hạn của Giáo hoàng. Hành động của Đức Gioan Phaolô II cho thấy tầm quan trọng của quyền hạn ấy, và nó có thể dùng vào chiến lược mục vụ của vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Một chuyên gia nghiên cứu về sự thánh thiện thời Trung cổ, đó là chưa kể những sử gia nghiên cứu các thế kỷ đầu của Giáo hội, đã lưu ý đến khúc ngoặt lịch sử và ý nghĩa của sự thánh thiện thời cận đại so với các giai đoạn trước đó. Khi khảo sát các thủ tục tuyên thánh từ thế kỷ XII cho đến cuối triều Giáo hoàng Martino V (1431), ông André Vauchez đã ghi nhận sự can thiệp tiệm tiến của quyền bính trung ương vào việc nhìn nhận sự thánh thiện. Trước đó, Tòa thánh đã bắt đầu can thiệp rồi, nhưng cùng với các địa phương vẫn tiếp tục tôn phong các vị thánh. Tuy nhiên, bước sang thời cận đại, cách riêng từ Giáo hoàng Urbanô VIII, “nhân dân mất hết quyền tạo ra các vị thánh, và vai trò này được dành riêng cho giáo quyền”[10]. Và ông kết luận như sau:

Tình trạng này vẫn được duy trì cho đến ngày nay – ngoại trừ việc thêm số phụ nữ trong hàng ngũ các thánh – đến nỗi ta có thể khẳng định rằng, đừng kể các nhóm tử đạo ở Phi châu hay Á châu là những chứng nhân anh dũng của việc bành trướng Kitô giáo, cuộc tuyên thánh chỉ phát triển hầu như xoay quanh các dòng tu. Việc tôn kính các thánh chỉ nhằm đề cao một vài nhân đức thuần túy thuộc về nội bộ Giáo hội chứ không ảnh hưởng gì đến đời sống ngoài xã hội[11].

Người ta còn nhận thấy một yếu tố nữa của việc tập trung quyền bính của Rôma nơi các quy tắc chi phối việc cử hành phụng vụ. Chính trong buổi cử hành phụng vụ mà buổi lễ kính một vị thánh mang ý nghĩa mục vụ. Do đó, việc khảo sát lịch phụng vụ cho thấy ý định của các Giáo hoàng và công đồng trong lãnh vực này[12]. Sau công đồng Trentô, Đức Piô V, vì muốn giản lược và tập trung vào Chúa Kitô – ý định này vẫn còn tiếng vang tại công đồng Vaticanô II – đã duyệt lại lịch phụng vụ chỉ còn 65 lễ buộc, trong đó chỉ có 8 lễ của các thánh sinh sau năm 1000[13]. Thế nhưng, không bao lâu sau đó, các vị Giáo hoàng kế nhiệm, vì muốn cổ động sự thánh thiện, đã buộc phải đổi hướng, một đàng bằng việc thêm các vị thánh cận đại, đàng khác tăng bậc các thánh trong lịch. Theo đà ấy, vào năm 1961, người ta đếm được hơn 200 lễ bậc nhất. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, nhiều Giáo hoàng đã thêm vào lịch phụng vụ các thánh đương đại, chứng tỏ chính sách muốn cổ võ sự thánh thiện[14]. Như vậy, người ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc xếp đặt lại lịch phụng vụ tổng quát năm 1969, bởi vì các cuộc cải tổ lịch phụng vụ một đàng muốn gạt bỏ các vị thánh không có nguồn gốc lịch sử rõ ràng[15], đàng khác cũng có một dụng ý thần học. Theo tinh thần công đồng Vaticanô II, việc xuất bản lịch phụng vụ tổng quát năm 1969 là kết quả của một suy tư lâu năm về bản chất thần học và mục vụ của sự thánh thiện. Việc tôn kính các thánh cần phải đáp ứng đòi hỏi của các Hiến chế về Hội thánh và về phụng vụ. Lịch phụng vụ sau công đồng tuân theo hai đường hướng: một đàng, nó muốn giúp cho các tín hữu hiểu rõ hơn mầu nhiệm Vượt qua, là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo, và việc tôn kính các thánh nằm trong viễn tượng này. Hai đoạn văn của Hiến chế Sacrosanctum concilium về phụng vụ đã nói rõ điều ấy[16]. Lịch phụng vụ ban hành năm 1969 không chỉ xếp đặt lại thứ bậc các cuộc cử hành (lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ), mà còn dung hòa truyền thống xã xưa với những trực giác hiện đại. Chúng ta biết rằng việc tôn kính các thánh được xây dựng chung quanh các thánh tông đồ, các thánh tử đạo và các thánh Rôma. Việc mở rộng lịch các thánh cho thấy sự bành trướng của Giáo hội về địa lý và xã hội. Đức Lêo XIII (1878-1903) đã thiết lập lễ kính các thánh tiến sĩ Đông phương – Giustinô, Cyrillô Giêrusalem, Cyrillô Alexandria, Gioan Đamascô –, các vị truyền giáo Augustinô Canterbury sang nước Anh, Cyrillô và Mêtôđiô sang các dân tộc Slav. Các Giáo hoàng trong thế kỷ XX tiếp nối việc nhìn nhận tính cách phổ quát của Giáo hội qua các thánh thuộc năm châu[17]. Việc phối hợp lịch phổ quát và lịch giáo phận cung cấp cho các tín hữu một tầm nhìn khá rộng về chân dung các vị thánh, trong đó họ có thể tìm gặp những người chuyển cầu, những mẫu gương để bắt chước hoặc một chứng nhân đức tin. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng chiến lược của việc tôn kính các thánh vào thời nay, và sự gia tăng các cuộc tuyên thánh dưới thời Đức Gioan Phaolô II thúc đẩy sự suy tư về đường hướng thần học và mục vụ của nó[18].

II. Các chính sách tuyên thánh

Việc nghiên cứu các cuộc tuyên thánh dưới khía cạnh sử học và xã hội học không còn là một chủ đề mới nữa. Luận án của ông Pierre Delooz, được phân khoa luật ở Liège xuất bản năm 1969, là một dấu mốc quan trọng, ít là về mặt lý thuyết, với một thư tịch phong phú bằng tiếng Đức. Về sử học, các công trình của ông André Vauchez đánh dấu một sự tiến triển và đổi mới so với những cuộc nghiên cứu trước đây. Vì thế, thay vì chú trọng đến điều mới mẻ, ta nên nhấn mạnh đến những đánh giá của các khoa học nhân văn và xã hội vào hiện tượng nhìn nhận sự thánh thiện được áp dụng trong Giáo hội Công giáo. Những cuộc phân tích dưới những khía cạnh khác nhau, đã vạch cho thấy những thái độ xã hội, tâm thức và định chế. Dĩ nhiên là việc nhìn nhận sự thánh thiện bởi một nhóm người nào đều quy chiếu về các tâm thức tôn giáo và xã hội. Thủ tục do Giáo hội đặt ra để cứu xét sự thánh thiện đặt chúng ta trước một chuỗi những tương quan và thể chế, và rồi chúng lại bị chi phối bởi những cơ cấu xã hội và mối bận tâm chính trị[19].

Câu hỏi “Làm thế nào để trở nên một vị thánh” có thể được trả lời dưới nhiều phương diện. Vị thánh là một kẻ chuyển cầu, một mẫu gương và chứng nhân, nên có thể được nhìn từ nhiều góc độ, nhằm nêu bật một khía cạnh nào của đời sống Giáo hội, từ đời sống tâm linh cho đến mục vụ, xuyên qua những đường hướng loan báo Tin mừng. Do đó, việc nghiên cứu các chính sách tuyên thánh của các Giáo hoàng trong thế kỷ XX, và nhất là của Đức Gioan Phaolô II, một người đã “sản xuất” nhiều vị thánh hơn tất cả các vị tiền nhiệm, có thể mang lại những yếu tố quyết định cho lịch sử Giáo hội thời cận đại, chứ không riêng gì lịch sử sự thánh thiện.

Tất cả các quan sát viên đều nêu bật hoạt động tuyên thánh của Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Biểu đồ dưới đây cho thấy việc tuyên thánh có thể được xem như một chính sách của Giáo hội trong thế kỷ XX.

Biểu đồ 1. – Những cuộc tuyên phong chân phước và hiển thánh trong thế kỷ XX (xếp theo Giáo hoàng)

Giáo hoàng Năm trị vì Chân phước Hiển thánh
Piô X 1903-1914 35 4
Bênêđictô XV 1914-1922 17 2
Piô XI 1922-1939 301 33
Piô XII 1939-1958 118 33
Gioan XXIII 1958-1963 3 10
Paul VI 1963-1978 23 83
Gioan Phaolô IIa 1978-0000 1284 463

a Những số liệu về Đức Gioan Phaolô II dừng lại vào tháng 11 năm 2001.

Từ khi bắt đầu triều đại của Đức Gioan Phaolô II cho đến tháng 11 năm 2001, Bộ Tuyên thánh đã cứu xét 1735 hồ sơ. Trong 137 lễ nghi, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên phong 463 hiển thánh và 1284 chân phước[20]. Nói chung, các lễ nghi diễn ra tại Rôma, nhưng Đức Giáo hoàng cũng lợi dụng các cuộc tông du để cử hành tại chỗ. Chính tại Paris, nhân dịp Đại hội giới trẻ vào tháng 8 năm 1997 mà Frédéric Ozanam được tuyên chân phước trong một lễ nghi tại Nhà thờ Đức Bà. Ngày 4/3/2003, các linh mục Pedro Poveda và José María Rubio được tuyên thánh cùng với ba vị thánh lập dòng, các nữ tu Angela de la Cruz, Genoveva Torres và Maravillas de Jésus. Nữ tu Edith Stein, dòng Cát Minh người Do-thái, chịu chết trong trại tập trung 1942 được Đức Gioan Phaolô II tuyên phong tại Koln. Các cuộc tông du ở Ba-lan, Mexico và Á châu đã trở thành cơ hội thuận thiện để cho phép tôn kính các vị thánh mới. Như cha Bernard Ardura đã lý giải, chính sách này nhằm “củng cố đức tin của các Giáo hội địa phương” theo một chiến lược rộng lớn của việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ”[21].

Trong tông thư Tertio millennio adveniente (ngàn năm thứ ba đang đến) ban hành năm 1994, ĐTC nhắc lại giá trị của sự thánh thiện:

Khi tuyên bố và tôn kính sự thánh thiện của  con cái mình, Giáo hội tôn vinh chính Thiên Chúa; nơi các vị tử đạo, Giáo hội tôn kính Đức Kitô, là cội nguồn của việc tử đạo và thánh thiện của các ngài. Sau đó, tục lệ tuyên thánh được phát triển và vẫn còn tồn tại trong Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống. Những cuộc tuyên phong các thánh và các chân phước đã gia tăng trong những năm gần đây. Những lễ nghi này bộc lộ sức sống của các Giáo hội địa phương, mà con số ngày nay nhiều hơn là trong những thế kỷ đầu tiên và thiên niên kỷ thứ nhất. Sự tôn vinh cao cả nhất mà tất cả các Giáo hội dâng lên Đức Kitô trước thềm ngàn năm thứ ba là chứng tỏ sự hiện diện toàn năng của Đấng Cứu Thế qua những hoa trái của đức tin, hy vọng và bác ái giữa những người nam nữ thuộc mọi ngôn ngữ và chủng tộc đã đi theo Đức Kitô trong những hình thức khác nhau của ơn gọi Kitô hữu. […] Một cách đặc biệt, cần phải nhìn nhận tính cách anh hùng trong việc thực hành các nhân đức của các người nam nữ sống ơn gọi Kitô hữu trong hôn nhân: xác tín rằng những hoa trái thánh thiện không thiếu trong bậc sống này, chúng tôi nhận thấy cần tìm ra những phương thế thích hợp nhất để làm nổi bật sự thánh thiện ấy và giới thiệu cho toàn thể Giáo hội như là những tấm gương và động lực cho các đôi vợ chồng Kitô hữu[22].

Đoạn văn này cho thấy rõ kế hoạch của Giáo hoàng trong việc tuyên phong các vị thánh và chân phước. Nó quy chiếu về những quan điểm của Lumen gentium, đồng thời muốn đề cao tính cách đa dạng của sự thánh thiện Kitô giáo và vai trò của nó trong việc đào tạo ký ức và căn tính của các Giáo hội ở các quốc gia và địa phương.

Trong nhãn giới này, làm sao bỏ qua được những cuộc tranh luận đã nổi lên đó đây khi  báo tin tuyên thánh hoặc chân phước? Chỉ cần nhớ lại vài tích điển hình. Việc tuyên chân phước cho các linh mục chết khi bị đi đày ở Rochefort vì không chịu tuyên thệ trung thành với cách mạng Pháp 1789 đã làm sống lại những tranh cãi về bản chất của cuộc bách hại tôn giáo cũng như vai trò của Giáo hội trong giai đoạn lịch sử ấy. Việc phong chân phước năm 1998 cho hồng y Stepinac, tổng giám mục Zagreb chết năm 1960, vì chống lại chế độ cộng sản cũng đã gợi lên những tranh luận tương tự bên Nam Tư (Yougoslavie). Trung quốc đã chính thức phản đối việc tuyên thánh cho 120 vị tử đạo diễn ra ngày 1/10/2000, vì lý do nội dung cũng như thể thức: ngày được chọn cho nghi lễ trùng với lễ tuyên bố thiết lập Cộng hòa Nhân dân năm 1949. Sự trùng hợp này phải chăng là một sự tính toán cố ý, một khi ta biết rằng Vatican rất khéo léo về ngoại giao? Đối với nước Tây-ban-nha, Đức Phaolô VI đã ngâm các hồ sơ liên quan đến cuộc nội chiến, nhưng Đức Gioan Phaolô II đã tiến hành nhiều cuộc tuyên phong tập thể các vị tử đạo thời nội chiến[23], nghĩa là các linh mục tu sĩ bị phe cộng hòa giết “vì thù ghét đức tin” theo thuật ngữ của Vatican. Nhiều người đã phản đối một đàng là thủ tục điều tra quá hấp tấp, và đàng khác là trường hợp các linh mục xứ Basque bị hành quyết bởi chính quyền Franco lại không được Bộ Tuyên thánh duyệt xét. Việc tuyên thánh mau lẹ cho vị sáng lập Opus Dei, linh mục José María Escrivá de Balaguer, hồi tháng 10 năm 2002, chỉ cách 27 năm sau khi tạ thế[24], đã gợi lên nhiều nghi vấn về việc ủng hộ lập trường bảo thủ trong Giáo hội. Một khía cạnh nữa đã gây ra nhiều ngạc nhiên: tại sao có những vụ phong chân phước cho các Giáo hoàng thuộc thế kỷ XX? Đức Piô X được tuyên thánh 40 năm sau khi ly trần bởi Đức Piô XII. Kể từ đó, Đức Piô IX và Gioan XXIII được phong chân phước, bước đầu tiên trên tiến trình tuyên thánh. Các hồ sơ của Đức Piô XII và Phaolô VI đã được xúc tiến; phải chăng Giáo hoàng bắt buộc phải là thánh? Nếu như vậy thì tại sao lại gạt ra Đức Beneđictô XV và Piô XI?

Tuy triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II có nhiều điểm mới mẻ, nhưng cũng không nên bỏ qua một sự liên tục với các vị tiền nhiệm. Dĩ nhiên, con số các vị thánh ngoài châu Âu có gia tăng[25], nhưng việc lựa chọn các vị chứng nhân của sự bành trướng Kitô giáo là một hằng số từ thời Đức Lêô XIII, được mệnh danh là “Giáo hoàng của các vùng truyền giáo”. Đức Piô XII là người đầu tiên tuyên phong các chân phước Trung hoa. Trong số 84 vị thánh được Đức Phaolô VI tuyên phong, có 22 vị tử đạo Uganda[26]. Một nét liên tục nữa có thể nhận thấy nơi sự nhấn mạnh đến các cuộc tử đạo: Đức Piô XI đã tuyên phong chân phước cho nhiều nữ tu bị sát hại thời cách mạng Pháp 1789 cũng như các linh mục và tu sĩ bị giết nhân các cuộc sát hại vào tháng 9 năm 1792. Người ta lại gặp thấy trường hợp này dưới thời Piô XII. Đức Piô XII cũng như Đức Phaolô VI sau này, đã tuyên phong các vị tử đạo thời Cải cách Tin lành, gợi lại ký ức đau thương của những cuộc chiến tranh tôn giáo bên Anh quốc. Với Đức Gioan Phaolô II, danh sách được mở rộng với các vị tử đạo thời Đệ nhị thế chiến và Đông Âu Cộng sản.

Như thế các Giáo hoàng thế kỷ XX đã tuyên phong nhiều vị tử đạo vì muốn làm chứng cho lịch sử Giáo hội xét về chiều kích truyền giáo cũng như nhắc nhớ các cuộc bách hại. Tính cách hiện đại của các vị thánh không phải là hiện tượng mới mẻ. Tuy nhiên cũng không nên bỏ qua việc tưởng nhớ những nhân vật xa xưa mà vẫn còn để lại ấn tượng. Chúng tôi chỉ giới hạn vào hai trường hợp: năm 1920 tuyên thánh cho Jeanne d’Arc (+1431), và năm 1989 tuyên thánh cho Agnes Praga, nữ tu Phan-sinh (+1282) trở thành bổn mạng của nước Séc.

Một yếu tố cuối cùng của chính sách tuyên thánh cần được nêu bật. Đó là việc tôn các thánh làm bổn mạng với một tầm nhìn mục vụ và việc tôn phong các “tiến sĩ Hội thánh”. Con số các tiến sĩ Hội thánh đã tăng thêm trong thế kỷ XX[27]. Đức Piô XI đã tôn phong bốn vị: thánh Phêrô Canisius, thánh Robertô Bellarminô, thánh Gioan Thánh giá và thánh Albertô Cả. Thánh Antôn Padova, vị thánh rất được giới bình dân sùng mộ, đã được Đức Piô XII phong tiến sĩ năm 1946. Đức Gioan XXIII tôn phong thánh Laurensô Brindisi. Đức Phaolô VI phong hai phụ nữ làm tiến sĩ Hội thánh năm 1970: thánh Têrêsa Avila và thánh Catarina Sienna. Đức Gioan Phaolô II thêm thánh Têrêsa Lisieux. Việc đặt một vị thánh làm bổn mạng của một nhóm người muốn đề cao tấm gương cũng như vai trò chuyển cầu, và đồng thời muốn gửi một sứ điệp tinh thần. Như thế, Đức Piô XI đặt thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu làm bổn mạng các nơi truyền giáo ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê (14/12/1927). Giữa một người đi loan báo Tin mừng đến vùng đất xa xôi và một nữ tu khiêm tốn dòng kín Cát-minh, đâu là môi liên kết nếu không phải là sự khẳng định về hiệu lực của việc cầu nguyện trong sứ mạng truyền giáo và lòng tin tưởng vào sự bầu cử của vị thánh trẻ này? Ngày 23/4/1929, Đức Piô XI đã chọn thánh Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, làm bổn mạng các cha quản xứ. Đức Gioan Phaolô II thêm hai vị Cyrillô và Methodiô là những nhà truyền giáo cho các dân tộc Slav. Lúc ấy là năm 1980, và việc này có tầm ý nghĩa sâu xa khi kẻ đề xướng là một vị Giáo hoàng đầu tiên ngoài nước Ý kể từ thời Đức Adrianô Utrecht (1522-1523) trong một châu Âu còn bị phân rẽ do hậu quả của Đệ nhị thế chiến và cuộc chiến tranh lạnh. Được Đức Piô XI tuyên thánh năm 1935, thánh Thomas More được Đức Gioan Phaolô II đặt làm bổn mạng các chính trị gia. Nên biết rằng hiện nay người ta đang đi tìm thánh bổn mạng cho Internet: hai mẫu gương của việc phục vụ khoa học được để cử, đó là thánh Isidorô Sévilla và thánh Tôma Aquinô. Việc phân tích quyết định, lấy từ các thí dụ vừa trưng dẫn, cho thấy việc sử dụng sự thánh thiện như là một dụng cụ mục vụ và chính trị[28]. Trong khuôn khổ hạn chế của việc sử dung sự thánh thiện thời này, chúng tôi chỉ muốn nêu bật sức mạnh của dụng cụ này, và tìm cách hiểu biết ý nghĩa của nó trong Giáo hội Công giáo.

III. Các vị thánh thời nay

Nếu chúng ta nhìn vào những con người được phong chân phước hay hiển thánh sống trong thế kỷ XX (hay một phần của thế kỷ), chúng ta sẽ còn khám phá thêm một vài khía cạnh thời đại của sự thánh thiện[29].

Vào thời cận đại, sự thánh thiện đã thay đổi, không phải về bản chất nhưng là về ý nghĩa đối với Giáo hội. Việc gián đoạn các cuộc tuyên thánh từ năm 1523 đến 1594, một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo hội, tỏ cho thấy những nghi ngờ tiếp theo những định nghĩa tín lý và luân lý của công đồng Trento[30]. Tiếp theo đó xem ra thời hoàng kim của sự thánh thiện đã đạt tới vào thế kỷ XVII. Con số các cuộc tuyên thánh đã tăng thêm rất nhiều: người ta đếm được 25 vụ giữa triều Giáo hoàng Clêmentê VII (1592-1605) và Alexandrô VIII (1689-1691), rồi 29 vụ trong thế kỷ XVIII (từ Clêmentê XI [1700-1721] đến Clêmentê XIII [1758-1769]) và cuối cùng là 80 vụ giữa năm 1800, khởi đầu triều đại của Piô VII, và 1903, là năm Lêô XIII tạ thế. Nhưng trong số những vị thánh được tuyên phong ta thấy có những vị nói được là thuộc về thời cận đại. Chẳng hạn như thánh Carolô Borromêô, tổng giám mục Milan, qua đời năm 1584 và được Đức Phaolô V tuyên phong ngày 1/11/1610. Cuộc tuyên thánh thời danh ngày 12/3/1622 do Đức Phaolô V chủ sự đã đặt lên bàn thờ các thánh Ignaxiô Loyola (1491-1556), Phanxicô Xaviê (1506-1552), Têrêsa Avila (1515-1582) và Philipphê Néri (1515-1595). Sự hiện diện của thánh Isidorô nông dân (k.1080- k.1130), bổn mạng thành phố Madrid, đã không làm thay đổi nhận định về những quyết nghị của Đức Grêgôriô XV (1621-1623). Ta cần phân biệt những khuôn mẫu đời sống và hoạt động tông đồ, cải tổ hoặc truyền giáo trong Giáo hội Công giáo sau thời kỳ Cải cách Tin lành.

Nếu dừng lại ở hai thế kỷ gần đây, từ Giáo hoàng Piô VII đến Gioan Phaolô II, ta có thể phác họa một lối tiếp cận thống kê để đánh giá các thánh cận đại trong toàn bộ các cuộc tuyên thánh. Chúng tôi đã trình bày trong biểu đồ 1 con số các tân hiển thánh theo triều đại Giáo hoàng; tiếp theo đây, trong biểu đồ 2 sẽ cho thấy sự phân phối các thánh theo thế kỷ mà các ngài sinh sống[31].

Biểu đồ 2. – Sự phân phối theo thế kỷ sinh sống  những vị thánh được tuyên phong trong thế kỷ XIX và XX

Giáo hoàng Tổng số các thánh

Thế kỷ của các vị thánh

Trước Tk. XVI Tk. XVI và XVII Tk. XVIII Giữa

Tk. XVIII-XIX

Tk. XIX Giữa Tk. XIX-XX Tk. XX
Piô VII

(1800-1823)

5 2 3          
Grêgôriô XVI

(1831-1846)

5  

5

       
Piô IX

(1846-1878)

52 1 48 3        
Lêô XIII

(1878-1903)

18 9 6 3        
Piô X

(1903-1914)

4   1 2 1      
Bênêđictô XV

(1914-1922)

3 2       1    
Piô XI

(1922-1939)

34 1 18 4 5 6    
Piô XII

(1939-1958)

33 3 5 1 8 12 4  
Gioan XXIII

(1958-1963)

10   4   1 4 1  
Phaolô VI

(1963-1978)

84 5 44   2 32 1  
Gioan Phaolô II

(1978-)

473 6 33 13 137 163 108 13

 

a Đối với triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II, các dữ liệu của Bộ Tuyên thánh Congregatio de Causis Sanctorum, Index ac status causarum, dừng lại ở năm 1999, được bổ túc thêm với hồ sơ tham khảo trên internet của Vatican, bao gồm cả những cuộc tuyên thánh vào tháng 5 năm 2003 tại Madrid và tháng 6 năm 2003 tại Rôma: www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/index_saints_sp.html.

b Trong số 120 vị tử đạo tại Trung Hoa được tuyên phong ngày 1/10/2000, người ta đếm được 4 thiếu nhi: hai em 9 tuổi (Phaolô Lang Fu và Anrê Wang Tianqing), một thiếu nữ 11 tuổi (Maria Zheng Xu) và một thiếu nữ 14 tuổi (Ana Wang), tất cả bị sát hại năm 1909, và chúng tôi xếp vào các thánh thuộc thế kỷ XX.

Một kết luận đầu tiên có thể rút ra từ biểu đồ này là các vị Giáo hoàng kể từ Đức Piô IX có khuynh hướng mở rộng việc tuyên thánh đến những người sống vào thời cận đại. Hiện tượng này được xác nhận bởi biểu đồ sau đây khi chúng tôi đối chiếu giữa năm qua đời và năm được tuyên thánh. Khi chú ý đến khoảng cách tối thiểu giữa hai nhật kỳ ấy, chúng ta có thể đo lường tính cận đại của vài cuộc tuyên thánh, cũng như những sự dè dặt về phía Giáo hội.

Biểu đồ 3. – Khoảng cách tối thiểu từ khi qua đời tới lúc được tuyên thánh

Giáo hoàng Vị thánh từ trần Tuyên thánh Khoảng cách
Piô VII 1640 1807  167 năm
Grêgôriô XVI 1787 1839 52
Piô IX 1791 1867 76
Lêô XIII 1783 1881 98
Piô X 1820 1909 89
Bênêđictô XV 1862 1920 62
Piô XI 1897 1925 28
Piô XII 1917 1946 31
Gioan XXIII 1922 1961 39
Phaolô VI 1925 1977 52
Gioan Phaolô IIa 1975 2002 27

a Chúng tôi ghi nhận trường hợp cụ thể của việc tuyên thánh cha Escrivá de Balaguer năm 2002. Trước đó, thánh Maximilianô Kolbe (qua đời năm 1941 và tuyên thánh năm 1982) và Adéodat Mandic (qua đời năm 1942 và tuyên thánh năm 1983) là những vị mà thời gian tuyên thánh được xếp vào hạng ngắn nhất.

Mặc dù mẫu nghiên cứu bị hạn chế, nhưng ta có thể nói rằng, nhìn chung vào thế kỷ XX, khoảng cách giữa lúc tạ thế và lúc tuyên thánh đã được thu hẹp lại. Một cuộc nghiên cứu về tất cả các vị thánh trong biểu đồ 2 cũng đưa tới kết luận tương tự.

Biểu đồ vừa rồi nghiên cứu các cuộc tuyên thánh cần được bổ túc với những dữ kiện rút ra từ các mẫu tuyên phong chân phước[32].

Biểu đồ 4. – Các chân phước được tuyên phong kể từ Đức Piô VII[33]

Giáo hoàng Chân phước
Piô VII (1800-1823) 1
Lêô XII (1823-1829) 4
Grêgôriô XVI (1831-1846) 1
Piô IX (1846-1878) 207
Lêô XIII (1878-1903) 16
Piô X (1903-1914) 35
Bênêđictô XV (1914-1922) 17
Piô XI (1922-1939) 347
Piô XII (1939-1958) 120
Gioan XXIII (1958-1963) 3
Phaolô VI (1963-1978) 23
Gioan Phaolô II (1978-)a 1267

a Đối với Giáo hoàng Gioan Phaolô II, các dữ liệu lấy từ Congregatio de Causis Sanctorum, Index ac status causarum, dừng lại ở năm 1999, được bổ túc thêm với thông tin của Vatican cho đến năm 2003.

Biểu đồ 5. – Khoảng cách tối thiểu từ khi qua đời đến lúc tuyên phong chân phước[34]

Giáo hoàng Từ trần Phong chân phước Khoảng cách
Piô VII 1713a 1818  105 năm
Grégoriô XVI 1710a 1834 124
Piô IX 1717a 1865 148
Lêô XIII 1815a 1893 78
Piô X 1840a 1904 64
Bênêđictô XV 1837a 1920 83
Piô XI 1860a 1926 66
Piô XII 1915a 1954 49
Gioan XXIII 1914a 1959 55
Phaolô VI 1922a 1967 45
Gioan Phaolô II 1997a 2003 6

a Ta có thể dễ nhận ra đây là trường hợp Mẹ Têrêsa Calcutta được phong chân phước ngày 19/10/2003.

Những kết luận mà chúng tôi đưa ra liên quan đến nhịp độ tuyên thánh cũng được áp dụng cho các cuộc tuyên phong chân phước. Khoảng cách từ khi vị đáng kính qua đời cho đến khi tuyên bố cho phép tôn kính công khai nhằm giới thiệu những khuôn mặt ngày càng gần gũi với thời đại hôm nay và giúp cho đời sống đức tin của các tín hữu. Rõ ràng là việc tuyên thánh nằm trong kế hoạch mục vụ: cho thấy sự thánh thiện luôn mang tính hiện thực, nghĩa là những mẫu gương thánh thiện vẫn sống động giữa những bối cảnh xã hội và lịch sử đang chuyển động.

Từ hình ảnh do xã-hội-học cung cấp, ta có thể phác họa một mẫu thánh nhân thời cận đại không? Theo thứ tự cổ truyền của Giáo hội, các thánh được xếp theo thứ bậc: tử đạo và tuyên tín, Giáo hoàng, tiến sĩ, giám mục, trinh nữ và quả phụ. Thứ tự này vẫn còn được duy trì trong các sách phụng vụ, nhưng ra như đã suy giảm trong tâm thức xã hội. Người thời nay chú ý đến các khuôn mẫu nhiều hơn. Ở điểm này có một sự thay đổi so với thời Trung cổ: trước đây, người ta chạy đến với các thánh để nhờ các ngài cầu xin ơn huệ; ngày nay, người ra nhìn lên các ngài như mẫu gương của đời sống đức tin[35].

Linh mục Dominique-Marie Dauzet đã nghiên cứu xã-hội-học về các thánh thời cận đại, dựa trên 157 vị được tuyên thánh sau năm 1900, đã đưa ra những kết luận như sau[36]: con số 157 vị được phân chia ra 87 nam và 70 nữ, 15 giáo dân (6 nam, 9 nữ) và 142 giáo sĩ: 128 là người Âu châu, nghĩa là 81,5% trên tổng số (trong đó 67 người Ý – 42,7% trong tổng số chung và 52,3% trong tổng số châu Âu –, 19 người Ba-lan – 12,1% trong tổng số – và 16 người Tây-ban-nha, nghĩa là hơn 10% một chút trên tổng số). Người ta nhận thấy con số đông đảo các giáo sĩ, và câu hỏi được đặt ra: phải chăng đó là hậu quả của thủ tục tuyên thánh rườm rà về hành chánh, đòi hỏi sự hiểu biết các ngóc ngách của hệ thống, cùng với sự huy động vật chất, nghĩa là tài chính? Hoặc là sự ưu tiên dành cho các giáo sĩ và tu sĩ tuân theo lý luận của Hiến chế Tín lý Lumen gentium, khi đặt hai hàng ngũ này đứng đầu những người được gọi nên thánh? Từ đó nảy ra một câu hỏi khác: tai sao các giáo dân lập gia đình hầu như vắng mặt trong số những người được đặt lên bàn thờ? Tại sao một nữ tu lập dòng trong một giáo phận bên Ý hay Tây-ban-nha, những người chỉ được vài trăm con cái hoặc đồng hương biết đến, lại được phong chân phước hơn là một người thợ nề, một y sĩ, một doanh nhân đã sống trung tín với Tin mừng, lắm lúc rất anh hùng[37]?

Phải chăng về mặt này, Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục đường hướng của các vị tiền nhiệm trước công đồng Vaticanô II (Piô XI và Piô XII) với quan niệm phẩm trật về Giáo hội, như có tác giả đã nghĩ[38]?

Ngoài các yếu tố vừa rồi, cần phải thêm những nhận xét về việc phong chân phước dưới triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trước hết người ta có yếu tố chính trị: khi tuyên dương những người đã bị giết “vì sự thù ghét đức tin”, ngài đã đề cao các nạn nhân của cuộc cách mạng Pháp, cuộc bài trừ tôn giáo ở Mexico, cuộc nội chiến Tây-ban-nha, Đệ nhị thế chiến. Việc lựa chọn này nằm trong tầm nhìn mục vụ của Giáo hoàng. Ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, chính sách phong thánh của ngài tuân theo ba tiêu chí. Thứ nhất là đạo lý của Lumen gentium về ơn gọi phổ quát nên thánh[39]. Thứ hai là làm rõ tính cách phổ quát của Giáo hội: các vị thánh và chân phước tượng trưng cho Giáo hội năm châu, tuy (tương tự như hồng y đoàn) phần lớn là người châu Âu nhưng đón tiếp các thành phần của các dân tội mới đón nhận Tin mừng. Tiêu chí thứ ba là tính cách hiện đại của các cuộc tử đạo, điều này nằm trong ý tưởng của Đức Giáo hoàng[40]. Theo Đức Gioan Phaolô II, vào cuối một thế kỷ trong đó quyền tự do tín ngưỡng bị dày xéo, và các quyền tự do khác cũng chung một số phận, Giáo hội có bổn phận không những tôn vinh những người đã lấy việc hy sinh mạng sống làm sự đối kháng thiêng liêng, mà còn chứng tỏ cho các tín hữu ngày nay thấy những hệ luận của đời sống đức tin dồi dào. Sự kết hợp giữa việc tử đạo với tính phổ quát của Giáo hội nằm trong Giáo-hội-luận của Đức Gioan Phaolô II; người muốn các Giáo hội địa phương hãy cắm rễ trong lịch sử thánh thiện của mình. Do đó, việc gia tăng các cuộc phong thánh không phải là việc tình cờ, nhưng muốn phác họa một lịch sử siêu nhiên của Giáo hội trong thế giới. Đó chính là con bài của sự thánh thiện thời nay: nó muốn nói lên rằng các nhân vật xuất chúng vẫn tiếp tục hiện diện, nhưng không nhằm kéo theo ơn lạ xuống cho nhân loại cho bằng dẫn đưa thế giới vào cõi siêu nhiên. Nói cách khác, đã có một sự thay đổi trong vai trò xã hội của các vị thánh: vào thời Trung cổ, các ngài giữ vai trò cầu bầu cho xã hội; ngày nay, các ngài đưa Giáo hội vào sự hiệp thông với cộng đoàn các phúc nhân[41].

Từ những suy tư vừa rồi, ta có thể rút ra ba kết luận. Kết luận thứ nhất là “hằng số” của sự thánh thiện. Điều này muốn rằng định nghĩa Công giáo về sự thánh thiện, tuy với những thể thức mới của thời cận đại, vẫn giống như thời xưa. Việc đối chiếu giữa Giáo hội của những thế kỷ đầu tiên với Giáo hội thời nay được đan kết với nhau nhờ các thánh tử đạo, những người đã họa lại hy lễ tình yêu cao vời của Đức Kitô. Về điểm này, ta có thể chấp nhận nhận xét của ông André Vauchez: xét như là cảm nghiệm cá nhân tìm kiếm sự hoàn thiện, sự thánh thiện Kitô giáo không thay đổi theo thời gian; về thực chất, nó vẫn y nguyên[42]. Như vậy, nhà sử học đành nhường chỗ cho nhà thần học.

Kết luận thứ hai nêu bật sự liên tục trong các chính sách tuyên thánh từ thời cận đại cho tới ngày nay. Sự tập trung quyền bính vào Rôma đã mang lại hiệu quả. Chính sách của Đức Gioan Phaolô II tuy gây nhiều ấn tượng dưới nhiều mặt nhưng vẫn tiếp tục đường lối các Giáo hoàng trong thế kỷ XX, có lẽ chỉ khác đôi chút dưới thời Đức Phaolô VI. Giá trị của sự tử đạo, tính phổ quát của Giáo hội, lòng bác ái truyền giáo, tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện và dấn thân cho người nghèo: tất cả những nét ấy tạo ra một khuôn mẫu của những vị thánh được tuyên phong trong hai thế kỷ gần đây. Việc tập trung thủ tục tuyên thánh vào Rôma có lợi cho những “ứng viên” giáo sĩ và tu sĩ. Cần phải chờ một thời gian nữa mới nhận ra những hiệu quả của giáo huấn công đồng Vaticanô II về vai trò của các giáo dân. Điều này sẽ được sáng tỏ trong các bài nghiên cứu về các cuộc tuyên thánh trong thế kỷ XXI.

Kết luận thứ ba và cuối cùng: sự thánh thiện diễn tả một mối tương quan cụ thể giữa các người Công giáo với lịch sử Giáo hội nói riêng và lịch sử nói chung. Hiện tượng thánh thiện là một diễn tả tín điều về” sự hiệp thông các thánh” ra thực tại. Nó du nhập một nguyên tắc siêu thời gian vào trong lịch sử. Các cuộc tuyên thánh cho thấy những cá nhân được cảm nghiệm chân lý về sự thánh thiện và đã để cho nó tác dụng vào xã hội, qua những công tác truyền giáo hoặc bác ái. Còn rất nhiều công trường thi công dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử và xã-hội-học các tôn giáo liên quan đến lãnh vực này: ý nghĩa của việc tôn kính các thánh trong tâm thức các tín hữu thời nay (các phép lạ có vai trò như thế nào), ảnh hưởng của Giáo hội đối với xã hội[43]; khung cảnh văn hóa, chính trị, địa lý của những vị thánh (các ngài đến từ những hoàn cảnh, nghề nghiệp nào, hoạt động trong môi trường nào); ảnh hưởng của các ngài trong Giáo hội và trong xã hội (các thánh đã làm cho Giáo hội hiện diện như thế nào giữa lòng thế giới).

——————

Thư mục

Alberigo, Giuseppe (1988), « Jean-Paul II. Dix ans de pontificat », Études, 368 (5), pp. 669-681.

Ardura, Bernard (2002), « Béatifications et canonisations de Jean-Paul II », Communio. Revue catholique internationale pour l’intelligence de la foi, 37 (5-6), numéro thématique « La sainteté aujourd’hui », pp. 77-90.

Chanut, Frédéric (1999), « Une contribution à l’étude de la radiation des saints dans les ordos diocésains », dans Gérard Cholvy (éd.), La sainteté. Actes de la viie Université d’été du Carrefour d’histoire religieuse (Saint-Didier, Vaucluse, 9-12 juillet 1998), Montpellier, pp. 269-293.

Chiovaro, Francesco, Jean Delumeau, André Mandouze, Bernard Plongeron, Pierre Riché, Claude Savart et André Vauchez (1986-1988), Histoire des saints et de la sainteté chrétienne (10 t. en 11 vol.), Paris.

Cholvy, Gérard (éd.) (1999), La sainteté. Actes de la viie Université d’été du Carrefour d’histoire religieuse (Saint-Didier, Vaucluse, 9-12 juillet 1998), Montpellier.

Congregatio pro Causis Sanctorum, Index ac status causarum, Vatican, éd. de 1999.

Dauzet, Dominique-Marie (2002), « Faut-il encore canoniser? », Communio. Revue catholique internationale pour l’intelligence de la foi, 37 (5-6), numéro thématique « La sainteté aujourd’hui », pp. 99-114.

Delooz, Pierre (1969), Sociologie et canonisation, Liège-La Haye.

Dictionnaire de spiritualité ascétique et mystique: doctrine et histoire(17 vol.), Paris, 1932-1995.

Dictionnaire de théologie catholique: contenant l’exposé des doctrines de la théologie catholique, leurs preuves et leur histoire (15 t. en 30 vol.), Paris, 1903-1950.

Fouilloux, Étienne (1993), Au cœur du xxe siècle religieux, Paris.

Hilaire, Yves-Marie (dir.) (1996), Histoire de la papauté. 2000 ans de mission et de tribulations, Paris.

Jounel, Pierre (1986), Le renouveau du culte des saints dans la liturgie Rômaine, Rome.

Langlois, Claude (2002), Le poème de septembre. Lecture du manuscrit B de Thérèse de Lisieux, Paris.

Mayeur-Jaouen, Catherine (1998), « Saints coptes et saints musulmans de l’Égypte du xxe siècle », Revue de l’histoire des religions, 215 (1), numéro thématique « Les voies de la sainteté dans l’islam et le christianisme »,pp. 39-186.

Riccardi, Andrea (2002), Ils sont morts pour leur foi. La persécution des chrétiens au xxe siècle, Paris.

Sacrosanctum concilium ou La liturgie, constitution conciliaire et directives d’application de la réforme liturgique, Paris, 2e éd. 1966.

Sorrel, Christian (1999), « La sainteté entre hagiographie et histoire », dans Gérard Cholvy (éd.), La sainteté. Actes de la viie Université d’été du Carrefour d’histoire religieuse (Saint-Didier, Vaucluse, 9-12 juillet 1998), Montpellier, pp. 5-30.

Tallon, Alain (1999) « La sainteté au temps du concile de Trente » dans Gérard Cholvy (éd.), La sainteté. Actes de la viie Université d’été du Carrefour d’histoire religieuse (Saint-Didier, Vaucluse, 9-12 juillet 1998), Montpellier, pp. 98-107.

Vauchez, André (1988), La sainteté en Occident aux derniers siècles du Moyen Âge, d’après les procès de canonisation et les documents hagiographiques, Rome.

Vauchez, André (1999), Saints, prophètes et visionnaires. Le pouvoir surnaturel au Moyen Âge, Paris.

———–

Phụ lục

 Bài viết trên đây dừng lại ở các số thống kê vào năm 2003. Chúng tôi xin cập nhật các dữ kiện cho đến ngày 1/5/2021.

1/ Đức Gioan Phaolô II (1978-2005): tuyên phong 482 thánh1341 chân phước.

2/ Đức Bênêđictô XVI (2005-2013): tuyên phong 44 thánh, (trong đó có 1 sắc lệnh aequipollens dành cho thánh nữ Hildegard Bingen (1098-1179), và 869 chân phước.

3/ Đức Phanxicô: từ 2013 đến 2021, ĐTC Phanxicô đã tôn phong 899 vị thánh. Đây là con số kỷ lục, hơn cả ĐTC Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, cũng nên biết sở dĩ con số lên cao như vậy là vì trong buổi cử hành đầu tiên, (ngày 12/5/2013), ngài đã tôn phong 813 vị tử đạo ở Otranto ngày 14/8/1480. Một đặc điểm của triều Giáo hoàng này là 7 sắc lệnh aequipollens dành cho các vị đã qua đời từ lâu và đã được tôn kính, đó là:

– Năm 2013 (9/10): Angela da Foligno (1248-1309) giáo dân dòng Ba Phan Sinh, (17/12): Pietro Favre S.J. (1506-1546).

– Năm 2014 (3/4): Giuseppe de Anchieta S.J. (1534-1597); Maria dell’Incarnazione Guyart (1599-1672), sáng lập dòng Ursuline ở Canada; François de Montmorency-Laval (1623-1708), giám mục Québec.

– Năm 2019 (5/7): Bartolomeo Fernandes dei Martiri O.P. (1514-1590), giám mục Braga.

– Năm 2021 (24/4): Margherita da Città di Castello (1287-1320), giáo dân Dòng Ba Đa Minh.

Việc phong thánh “aequipollens[44] liên quan đến các nhân vật đã qua đời từ lâu, và được tôn kính như vị thánh. Đối lại, nên ghi nhận việc tuyên phong những nhân vật khá quen biết trong thời đại chúng ta:

– Ba Giáo hoàng của công đồng Vaticanô II: Gioan XXIII (1881-1963) và Gioan Phaolô II (1920-2005) được tuyên phong ngày 27/4/2014; Phaolô VI (1897-1978) được tuyên phong ngày 14/10/2018.

– Hai thiếu nhi Fatima: Francesco Marto (1908-1919) và Giacinta Marto (1910-1920) được tuyên phong vào ngày giáp 100 năm Đức Mẹ hiện ra, ngày 13/5/2017.

– Mẹ Terêsa Calcutta (1910-1997) được tuyên phong ngày 4/9/2016.

– Giám mục Oscar Romero (1917-1980) của San Salvador, được tuyên phong ngày 14/10/2018.

—————————-

[1] Chẳng hạn như Claude Langlois khi nghiên cứu linh đạo của thánh nữ Thérèse Lisieux (xem Langlois) và Étienne Fouilloux về thần học đương đại (xem Fouilloux, 1993).

[2] Sorrel, 1999.

[3] Ngày 6/2/1930, ĐTC Piô XI đã thiết lập một ủy ban sử học trong Bộ Tuyên thánh, để cứu xét tính xác thực của các chứng cớ và nhận định thu thập liên quan đến những nhân vật được xin phong thánh mà đã qua đời từ lâu. Ngày 18/8/1883, ĐTC Lêô XIII, trong một lá thư gửi các hồng y de Luca, Pitra et Hergenroether, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nhà sử học trong việc nghiên cứu phê bình các nguồn sử liệu.

[4] Lumen gentium, § 40.

[5] Ibid., § 42

[6] “Xét theo bản chất, sự thánh thiện được đồng hóa với đức mến, nghĩa là Tình yêu theo nghĩa tinh tuyền nhất, và sự thánh hóa không là gì khác ngoài sự tiến tới đức mến lớn hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đức mến bắt nguồn không phải từ con người nhưng là từ Thiên Chúa”. Xem « Sainteté-sanctification », in: Dictionnaire de spiritualité ascétique et mystique, vol. 13, col. 192.

[7] « Culte des saints », Dictionnaire de théologie catholique, t. xiv (1), col. 974.

[8] Giáo hoàng Urbanô VIII đã nhấn mạnh đến điểm này, để tránh những hậu quả tự phát ở ngoài vòng kiểm soát của giáo quyền.

[9] Trong tông hiến Divinus perfectionis magister năm 1983, Đức Gioan Phaolô II nêu bật đặc tính tập đoàn của việc điều tra và cho thấy nó phù hợp với đường lối của công đồng Vaticanô II.

[10] X. Vauchez, 1999, tr. 36. Ngay trong kết luận của luận án, A. Vauchez đã nhận thấy vào năm 1431, trong vụ án dẫn đến cái chết của Jeanne d’Arc, đã biểu lộ “việc phủ nhận [về phía các giáo sĩ] sự thánh thiện được giới bình dân nhìn nhận”; Vauchez, 1988, tr. 629.

[11] Vauchez, 1999, trang 36.

[12] Về điểm này, xem Jounel, 1986.

[13] Đó là các thánh Thomas Becket, Bênađô Clairvaux, Phanxicô Assisi, Đaminh, Clara, Tôma Aquinô, Bonaventura và vua Louis IX.

[14] Thánh Carôlô Borromêo, qua đời năm 1584, được tuyên thánh năm 1610, được kính như lễ bậc ba (semi duplex) từ năm 1652, rồi tăng lên bậc hai (duplex) từ năm 1659. Thánh Inhaxiô Loyola, qua đời năm 1556, phong thánh năm 1622, được ghi vào lịch phụng vụ năm 1644 (bậc ba rồi lên bậc hai vào năm 1667). Thánh Vinh-sơn Phaolô qua đời năm 1660, được phong thánh năm 1729, được vào lịch phụng vụ bậc ba vào năm 1753. Thánh Alphonsô Liguori qua đời năm 1787 được ghi tên vào lịch vào chính lúc được tuyên thánh vào năm 1839. Thánh Thérèse Lisieux được tuyên thánh năm 1925, và được ghi vào lịch vào năm 1927. X. Jounel, 1986. Lịch năm 1969 đã bỏ các bậc lễ hạng ba (simplex), hai (semi-duplex) và nhất (duplex), và thay thể bẳng phân biệt lễ nhớ tự do (memoria facultativa, các thánh địa phương), lễ nhớ bắt buộc (memoria obligatoria, mang tính phổ quát), và các lễ kính (festum, các thánh tông đồ).

[15] Ngày 15/5/1912, Đức Piô X yêu cầu tất cả các giám mục điều chỉnh các lịch riêng của giáo phận bằng cách loại bỏ các vị thánh đáng nghi ngờ hoặc không có bằng chứng. Chanut, 1999, đưa ra một thí dụ về công việc thực hiện trong giáo phận Toulouse dưới thời đức cha Saliège.

[16] “Giáo hội đã đưa vào niên lịch những lễ kính nhớ các thánh tử đạo và các vị thánh khác, những người đã đạt tới sự trọn lành nhờ ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa và đã lãnh nhận phần rỗi đời đời, giờ đây đang đồng tâm hát ca chúc tụng Thiên Chúa trên thiên quốc và vẫn luôn chuyển cầu cho chúng ta. Trong những ngày kính nhớ các thánh, Giáo hội công bồ mầu nhiệm Vượt qua nơi những người đã cũng chịu khổ nạn và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô, đồng thời cũng trình bày cho các tín hữu gương sống của các ngài, những mẫu gương đang lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Đức Kitô, và nhờ công nghiệp các ngài, Giáo hội lãnh nhận muôn ơn lành Chúa ban” (Sacrosanctum concilium, chương V, số 104). “Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong Giáo hội và các thánh tích đích thực cũng như ảnh tượng của các ngài vẫn được sung kính. Lễ kính các thánh loan tuyền những việc kỳ diệu Chúa Kitô đã làm nơi các tôi tớ của Người và trình bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu noi theo. Để lễ kính các thánh không lấn át các lễ kính nhớ những mầu nhiệm cứu chuộc, một số lễ các thánh sẽ được cử hành riêng nơi các Giáo hội địa phương, quốc gia hay dòng tu, và chỉ những lễ kính các vị thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát mới được cử hành chung trong toàn thể Giáo hội” (ibid., số 111).

[17] Lịch phụng vụ phổ quát ghi tên các thánh tử đạo ở Bắc Mỹ hồi thế kỷ XVII (Isaac Jogues, Jean de Brébeuf và các đồng bạn được tuyên thánh năm 1930), Nam Mỹ có thánh Martinô Porrès (qua đời ở Lima năm 1639 và được Đức Gioan XXIII tuyên thánh năm 1962); Phi châu có các thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo trong những năm 1886 và 1887 (được Đức Phaolô VI tuyên thánh năm 1964); Nhật Bản có thánh Phaolô Mikivà 25 vị tử đạo năm 1597 tại Nagasaki và được Đức Piô IX tuyên thánh năm 1862; châu Đại dương có thánh Pierre Chanel, bị ám sát ngày 28/4/1841 và được Đức Piô XII tuyên thánh năm 1954. Đức Gioan Phaolô II thêm thánh Maximiliano Kolbe, chết ở Auschwitz, và 103 vị tử đạo Triều Tiên.

[18] “Đã rõ là Đức Gioan Phaolô II coi việc tuyên phong các thánh và chân phước như một trong những ưu tiên của hoạt động mục vụ, như con số các lễ nghi diễn ra trong các cuộc tông du khắp năm châu” (Ardura, 2002).

[19] Về cách tiếp cận xã hội học của các cuộc tuyên thánh, xem Delooz, 1969, tr. 5-22.

[20] Tất cả những dữ kiện được trích từ Ardura, 2002. Chú thích của người dịch: Những con số này sẽ được cập nhật trong phụ lục ở cuối bài.

[21] Ardura, 2002, tr. 83

[22] Tertio millennio adveniente, 1994, §37.

[23] Các cuộc tuyên phong diễn ra vào những năm 1987, 1989, 1990, 1992, 1993, 1995, 1997, 1998, nghĩa là với một sự cách quãng đều đặn đã lôi kéo nhiều chú ý. Nên biết là lần tuyên phong đầu tiên vào năm 1987 đã kéo theo một cuộc xích mích ngoại giao với chính phủ do thủ tướng Felipe González thuộc đảng xã hội lãnh đạo.

[24] Xét dưới khía cạnh thủ tục, khoảng cách giữa lúc qua đời của cha Escrivá (1975) việc tuyên chân phước (1992) và tuyên thánh (2002) xem ra ngắn ngủi. Nhưng đó chưa phải là cuộc phong thánh nhanh chóng nhất trong lịch sử Giáo hội. Vào thời Trung cổ, người ta cũng thấy một khoảng cách 27 năm đối với vua thánh Louis. Dù sao, nên ghi nhận là hồ sơ phong thánh của người kế vị cha Escrivá trong chức vụ lãnh đạo Opus Dei là đức cha Álvaro del Portillo cũng đã được tiến hành. Đây là một chiến lược cổ điển trong Giáo hội: các dòng tu cố gắng cổ động việc tôn kính vị sáng lập của mình. Điều này không tránh khỏi những sự ganh đua, áp lực và hệ quả chính trị minh nhiên hoặc ám tàng.

[25] Vào năm 1999, trong số 295 vị thánh được tuyên phong từ năm 1978, 235 vị thuộc châu Á, 57 thuộc châu Âu và 7 thuộc châu Mỹ. Ngược lại, đối với các chân phước, con số các vị thuộc châu Âu vượt trội (884), trong khi chỉ có 20 thuộc châu Mỹ, 30 thuộc châu Á, 5 thuộc châu Phi và 1 thuộc châu Đại-dương.

[26] Đức Phaolô VI đã tuyên thánh cho các ngài năm 1964 tại Kampala, nhân cuộc tông du sang châu Phi (Hilaire [dir.], 1996, tr. 472-473).

[27] Hilaire (dir.), 1996, pp. 443 et 480.

[28] Một cách tương tự như vậy, việc nghiên cứu lễ cung hiến các thánh đường cũng có thể là cơ hội đánh giá sự sống động của việc tôn kính các thánh.

[29] Tất cả những dữ liệu thống kê dựa trên hồ sơ của Bộ Tuyên thánh Congregatio de Causis Sanctorum, Index ac status causarum.

[30] Tallon, 1999.

[31] Để được chính xác hơn, chúng tôi phân biệt những vị thánh trong một thế kỷ và những vị sống vào buổi giao thời hai thế kỷ.

[32] Hai mẫu này không hoàn toàn trùng hợp với nhau, bởi vì các thánh (trước đó đã là chân phước) không còn được tính trong số các chân phước nữa sau khi đã được tuyên thánh.

[33] Con số đông đảo các vị chân phước dưới các triều Giáo hoàng Piô IX, Piô XI, Piô XII và Gioan Phaolô II là vì có những cuộc tuyên phong chân phước tập thể. Đức Piô IX đã tôn vinh 205 vị tử đạo Tây-ban-nha bị giết bên châu Mỹ hồi thế kỷ XVII. Trong số các chân phước dười thời Đức Piô XI, ta có thể ghi nhận nhóm 32 nữ tu chịu chết tại Orange năm 1794 trong thời cách mạng Pháp, cũng như 191 vị tử đạo vào tháng 9 năm 1792 trong khung cảnh cuộc cách mạng ấy. Năm 1929, Đức Piô XI đã phong chân phước cho 106 vị tử đạo trong thời Cải cách bên Anh vào thế kỷ XVII. Dưới thời Đức Gioan Phaolô II, trong số các cuộc tuyên phong chân phước tập thể, ta có thể kể đến các nạn nhân của cuộc cách mạng Pháp (153 vị, nghĩa là 12,1% trong tổng số các chân phước được tuyên phong năm 2003), của cuộc nội chiến Tây-ban-nha (449, nghĩa là 35,4%), các vị tử đạo Ba Lan trong thời Đệ nhị thế chiến (108, tức là 8,5%). Nếu chúng ta thêm con số 25 linh mục bị sát hại ở Mexico vào thập niên 1920, được Đức Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước và hiển thánh – điều này gây ra rắc rối trong các số thống kê vì xuất hiện hai lần –, thì tổng số các chân phước và hiển thánh chịu chết vì đức tin trong một khung cảnh chính trị cụ thể đạt đến 58% tổng số các chân phước dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Ngược lại, dưới thời Đức Phaolô VI không có cuộc phong chân phước tập thể, điều này gắn liền với một sự dè đặt ngoại giao vì không muốn gợi lại những kỷ niệm đau thương của những biến cố chính trị trong thế kỷ XX (cụ thể là cuộc nội chiến ở Tây-ban-nha).

[34] Đức Lêô XII (1823-1829) đã tuyên phong 4 chân phước. Khoảng cách giữa lúc qua đời và phong chân phước là 86 năm (qua đời năm 1739, tuyên phong năm 1825).

[35] X. Vauchez, 1999, chap. « Un surnaturel efficace et accessible: la sainteté », trang 19-39, cách riêng các trang 36-39.

[36] Dauzet, 2002.

[37] Ibid., tr. 105.

[38] Trong bản tổng kết hoạt động 10 năm triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II, không thấy nhắc đến các cuộc phong thánh. Thật ra, trong giai đoạn hai của vị Giáo hoàng, hiện tượng này mới trở nên phổ biến hơn. Dù vậy, ông Giuseppe Alberigo, một sử gia công đồng Vaticanô II, đã nhận định: “Đức Giáo hoàng này đã trung thành đi theo chiều hướng của công đồng, tuy vậy, về những gì liên quan đến đức tin Kitô giáo và sự dấn thân xã hội của Giáo hội, ngài vẫn giữ một nhãn quan tiền công đồng” (Alberigo, 1988, tr. 676).

[39] Lumen gentium, § 39-42.

[40] Riccardi, 2002. Xem tông thư Tertio millennio adveniente của ĐTC Gioan Phaolô II (ngày 10/11/1994). Ở số 24, ngài nhắc nhở rằng “Giáo hội của thiên niên kỷ thứ nhất được sinh ra nhờ máu các thánh tử đạo, và nói thêm “vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, Giáo hội lại trở thành Giáo hội của các thánh tử đạo”. Nếu Giáo hội của những thế kỷ đầu “đã ghi lại chứng tá các vị tử đạo trong các tử-đạo-thư”, thì “trong thế kỷ của chúng ta, khi các vị tử đạo trở về”, cần tránh làm mất chức của họ trong Giáo hội … Các Giáo hội địa phương hãy gắng hết sức để đừng đánh mất ký ức về những người đã chịu tử đạo, bằng việc thu thập các thông tin cần thiết. Điều này cũng sẽ có một đặc tính đại kết đáng kể… Hướng đến thiên niên kỷ thứ ba, Tòa thánh sẽ cập nhật các tử-đạo-thư cho Giáo hội phổ quát bằng cách lưu ý hơn đến sự thánh thiện của những người, ngay cả vào thời đại hôm nay, đã sống trọn vẹn trong chân lý của Chúa Kitô”.

[41] Về phương diện này, cuộc tuyên thánh cho cha Piô là một ngoại lệ xác nhận quy luật. Việc tôn kính bình dân dành cho cha làm nêu bật vai trò chuyển cầu của người.

[42] Vauchez, 1988, tr. 8.

[43] Vauchez, 1988, p. 8.

[44] Thể thức canonisatio aequipollens (“phong thánh tương đương”) cho phép tôn phong một vị chân phước lên hàng hiển thánh với các điều kiện: đã được tôn kính từ lâu; có danh tiếng vì những phép lạ đã thực hiện; và được các sử gia đáng tin cậy lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Nếu có đủ những điều kiện này, Đức Giáo hoàng có thể mở rộng việc tôn kính vị chân phước cho toàn Giáo hội và ghi tên vị ấy vào sổ bộ các thánh mà không cần tuyên thánh chính thức, không cần tiến hành các thủ tục theo luật, không cần thực hiện những nghi lễ thông thường. Các tiêu chuẩn này đã được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV ấn định trong quyển “Về việc tôn phong Chân phước cho các Tôi tớ Chúa và tôn phong Hiển thánh cho các Chân phước” (De Servorum Dei Beatificatione et Beatorum Canonizatione).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here