Sự thánh thiện nơi Tôma Aquinô

0
1141

“Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)

Marcello Semeraro

Đây là bài thuyết trình của Hồng y Tổng trưởng bộ Phong thánh tại vương cung thánh đường thánh Nicola, Bari, ngày 30-3-2023, được đăng trên mạng của Bộ. Nội dung gồm hai phần chính:

1/ Quan niệm thần học của Tôma về sự thánh thiện

2/ Đời sống thánh thiện của Tôma

Nguồn: La santità in Tommaso d’Aquino, https://www.causesanti.va/it/dicastero-delle-cause-dei-santi/prefetto-dicastero-cause-santi/interviste-del-prefetto/la-santita-in-tommaso-d-aquino.html

—————————–

“Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ chính yếu của đời tôi là diễn tả Thiên Chúa trong hết tất cả mọi lời nói và tâm tư của mình”[1]. Khi viết những dòng này – mở đầu bộ sách Summa contra Gentiles – tu sĩ Tôma mới được 25 tuổi và sắp trở về Italia sau kinh nghiệm giảng dạy tại Paris lần thứ nhất. Đặc trưng của nó là giọng điệu rất riêng tư, giàu tình cảm và nhiệt tình của tuổi trẻ. Nó bộc lộ ý định, không chỉ là của công cuộc nghiên cứu thần học, mà còn hơn thế nữa, của ý nghĩa cuộc đời. Lời tuyên bố mở đầu được bổ túc và kết thúc bởi một lời nói khác, cũng của Tôma, lúc đang cầu nguyện trước bức ảnh Thánh giá tại nhà nguyện thánh Nicola ở Napoli. Chúa Giêsu hỏi: “Tôma, con đã nói rất đúng về Ta, con ước mong điều gì làm phần thưởng?”. – “Lạy Chúa, con chẳng muốn gì khác ngoài Chúa mà thôi”[2].

Cả hai đoạn văn đều nói lên cách hùng hồn quan niệm của Tôma về sự thánh thiện: mối tương quan với Thiên Chúa, được diễn tả và bày tỏ qua lòng yêu mến đối với nhân tính của Đức Kitô, bởi vì, như chính người đã viết trong sách Tổng luận thần học, nhân tính của Đức Kitô dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa[3]. Đối với Tôma, lòng yêu mến đối với nhân tính của Đức Kitô là trường học nên thánh. Nhờ Đức Kitô, việc đi lên (ascensus) đến Thiên Chúa trải qua cũng con đường mà Thiên Chúa đi xuống (descensus) đến chúng ta, tức là thân thể Đức Kitô.

Thánh Tôma không viết một khảo luận như thánh Bonaventura mang tựa đề Itinerarium in Deum (Hành trình về với Thiên Chúa), nhưng tất cả bộ Tổng luận thần học (Summa Theologiae) được biên soạn theo chiều hướng ấy, với chóp đỉnh là mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Mặt khác, Tôma đã áp dụng mô hình reditus in Deum (đường trở về với Thiên Chúa) khi đề cập đến lòng tôn kính các thánh nhân. Người viết như thế này: “Sự kiện các thánh ở trên trời, gần gũi với Thiên Chúa, đòi hỏi rằng chúng ta là những kẻ còn đang sống trong thân xác và lữ hành xa cách Chúa, được các ngài dẫn đưa về với Chúa; điều này xảy ra khi qua các thánh, Thiên Chúa nhân lành đổ xuống trên chúng ta quyền năng của Ngài. Và cũng như hành trình của chúng ta trở về với Thiên Chúa cần phải tương ứng với sự tăng gia lòng nhân ái của Ngài đối với chúng ta, cũng giống như các hồng ân của Thiên Chúa đến với chúng ta nhờ lời chuyển cầu của các thánh thế nào, thì cũng nhờ lời chuyển cầu của các ngài mà chúng ta được dẫn về với Thiên Chúa như vậy để rồi lại lãnh nhận các hồng ân của Thiên Chúa thêm nữa; chính vì lý do ấy mà chúng ta cầu khẩn các thánh như là những người cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa, hoặc như là những trung gian khi chúng ta xin các ngài cầu nguyện cho ta”[4].

Các học giả thời nay đều cho rằng thánh Tôma không chỉ sử dụng mô hình exitus-reditus của ông Platon khi soạn quyển Scriptum super Sententiis, mà ngay cả khi soạn Summa Theologiae nữa. Chủ trương này do cha M.D. Chenu xướng xuất và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, tuy cũng có các ý kiến trái ngược[5]. Dù sao đi nữa, trong bộ Tổng luận thần học, Đức Kitô vẫn giữ một vị trí trung tâm.

Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã viết rằng Đức Kitô, xét như là con người, là đường dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa (secundum quod homo, via est nobis tendendi in Deum : Iª q. 2 pr.)[6], tương ứng với lời dẫn nhập vào phần thứ Ba, khi mà Đức Kitô được giới thiệu như là con đường của sự thật, nhờ đó chúng ta đạt được hạnh phúc bất diệt nhờ sự phục sinh (viam veritatis in seipso demonstravit, per quam ad beatitudinem immortalis vitae resurgendo pervenire possimus). Theo tôi, để biết thánh Tôma nghĩ gì về sự thánh thiện, thì đây là một dữ kiện nền tảng.

Sự thánh thiện: cùng đi với Đức Kitô về với Chúa Cha.

Quan niệm của thánh Tôma về sự thánh thiện có thể tóm lược nơi đoạn văn mà ngài chú giải trình thuật Bữa Tiệc ly theo Tin mừng Gioan vào lúc Chúa Giêsu sắp rửa chân cho các môn đệ: “Khi biết rằng Chúa Cha đã đặt mọi sự trong tay mình, và Người từ Thiên Chúa mà đến và trở về với Thiên Chúa, Người đứng dậy khỏi bàn…” (13,3-4), Khi phân tích bản văn Tin mừng, đến chỗ “về với Thiên Chúa”, tác giả viết như sau: “Sự thánh thiện của con người hệ ở đi về với Thiên Chúa. Đó là điều mà thánh Gioan muốn nói, bởi vì chính lúc đi về với Thiên Chúa mà Đức Kitô thi hành nhiệm vụ của mình, đó là dẫn đưa tất cả mọi người về với Thiên Chúa[7].  Do đó, thánh thiện là đi đến cùng Thiên Chúa; hay nói đúng hơn, để cho Đức Kitô dẫn dắt: trên con đường về với Chúa Cha, Người trở thành kẻ đồng hành của chúng ta.

Sự mô tả này tóm gọn vào điều cốt yếu nhưng lại rất súc tích. Khi chú giải nó, cha Daniel Ols nêu bật rằng đối với thánh Tôma, sự thánh thiện không hệ ở những việc thống hối và hãm mình ép xác, và cũng không hệ ở các việc tốt lành, hoặc thi hành các nhân đức, nhưng cơ bản hệ ở tại mối tương quan với Đức Kitô[8]. Chúng ta hãy rảo qua vắn tắt.

Trước tiến, các việc đền tội và hãm mình ép xác. Theo thánh Tôma, chúng không có giá trị tự nó, nhưng chỉ khi nào được liên kết với việc thực hành một nhân đức[9]. Vì thế, cần xem xét một việc khước từ hoặc một hành động thống hối được thực hiện theo viễn tượng nào và nhằm mục đích nào. Chẳng hạn như một việc chay tịnh có giá trị tâm linh nếu nó biểu lộ nhân đức tiết độ, hoặc là trợ giúp việc thi hành nhân đức khiết tịnh (xc. STh II-II, q. 88 a. 2 ad 3). Và rồi, thánh Tôma nói tiếp và đây là điều quan trọng, những việc thống hối ấy không được bừa bãi nhưng cần phải cân nhắc – nghĩa là với sự quân bình và khôn ngoan – để không làm tổn thiệt sức khỏe (cum debita discretione et natura non nimis gravetur). Ở số 59 của tông huấn Gaudete et exsultate Đức thánh cha Phanxicô đã quy về giáo huấn của thánh Tôma Aquino, nhắc nhở rằng các mệnh lệnh mà Giáo hội thêm Tin mừng cần phải giữ chừng mực “đừng làm cho cuộc sống của các tín hữu trở nên nặng nhọc, kẻo mà đạo của chúng ta trở thành một thứ nô lệ”.

Còn đối với việc thi hành các việc lành và các nhân đức, thì thánh Tôma lưu ý rằng các công tác vĩ đại nhất sẽ không có ý nghĩa và chẳng có giá trị gì nếu chúng không phải biểu lộ và diễn đạt đức mến. Thực vậy, đức mến là tiêu chuẩn đo lường sự hoàn hảo của đời sống Kitô giáo[10]. Vì thế nếu thiếu đức mến thì ngay cả việc thực hành đức tin và đức cậy cũng chẳng có thể gọi là hoàn hảo và thậm chí không thể coi là nhân đức nữa[11].

Tuy không thể đi sâu vào chi tiết[12], nhưng thiết tưởng nên nhắc lại ở đây đạo lý của thánh Tôma về hai chiều kích của đức mến: xét theo đối tượng và xét theo cường độ của nó, hoặc xét theo các đối tượng và hiệu quả (“scilicet ut perfecte faciat”), hoặc xét theo mức độ tâm tình (“scilicet ut perfecte diligat”).

Đối với thánh Tôma, sự hoàn thiện của đời sống Kitô giáo chủ yếu được đo lường theo cường độ của đức mến. Dĩ nhiên điều này hàm ngụ và đòi hỏi việc chu toàn các công việc bày tỏ tâm tình, nhưng cường độ và sự to tác của tình yêu tự nó không gắn liền hoặc bị chi phối bởi các công việc mà ta thực hiện [13]. Do đó, có thể có một đức mến hoàn thiện tuy không làm việc gì khác thường[14]. Vì thế trong tông huấn Gaudete et exsultate ĐTC Phanxicô viết rằng các thánh “thôi thúc chúng ta đừng dừng lại trên đường, giục giã chúng ta hãy tiếp tục tiến đến mục tiêu. Và trong hàng các thánh có thể có chính bà mẹ của ta, một bà ngoại hoặc những người láng giềng. Đời sống của họ có lẽ chưa hẳn là hoàn thiện, nhưng ngay giữa những bất toàn và sai sót, họ vẫn tiến bước và làm đẹp lòng Chúa” (số 3)[15].

Sau khi đã nói như vậy, cần phải thêm vào đức mến một điểm quy chiếu khác, đó là chân lý. Ngay cả việc tuẫn giáo, để xứng đáng với danh hiệu này, cần phải quy chiếu về chân lý: pertinet ad rationem martyrii ut aliquis firmiter stet in veritate[16]. Nếu như đã nói ở đầu, sự thánh thiện là mối tương quan với Thiên Chúa trong Đức Kitô, thì một đoạn văn trong IIa-IIae giúp chúng ta hiểu rõ hơn: “được gọi là thánh thiện điều mà nhờ vậy tâm trí con người gắn bó bản thân và các hành vi của mình vào Thiên Chúa” (sanctitas dicitur per quam mens hominis seipsam et suos actus applicat Deo : ST II-II, q. 81, a. 8, c.).

Thánh Tôma vừa trích dẫn câu nói của Tông đồ: “dù là sự sống dù là sự chết… không có gì có thể tách rời chủng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Hẳn nhiên là niềm thâm tín của Phaolô được xây dựng trên chân lý về xác phàm của Đức Kitô, và trong khung cảnh ấy mà thánh Tôma giải thích rằng sự thánh thiện là điều mà nhờ thế tâm trí con người gắn bó bản thân và các hành vi của mình vào Thiên Chúa[17]. Chúng ta hãy dừng lại một chút để nhận xét.

Mens hominis: đối với thánh Tôma, mens (tạm dịch là tâm trí) là trung tâm của con người[18], phân biệt con người với các loài thụ tạo khác, với đặc trưng là liên kết ký ức, trí tuệ và ý chí[19]. Vì thế sự thánh thiện không chỉ là câu chuyện của cảm tình mà thôi, tuy dù, như vừa nhắc đến trên đây, sự thánh thiện bao hàm khía cạnh tình cảm nữa. Một sự thánh thiện mà không có yêu thương thì đâu phải là thánh thiện! Tuy nhiên, trong sự thánh thiện cũng có sự hòa đồng với memoria salutaris, sự hiểu biết chân lý và lòng ước muốn điều tốt, sự thật, chính đáng, như chúng ta hát chúc tụng Thiên Chúa: Thật là công bình, chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Applicat (gắn bó): trong nhũng đoạn văn khác tương tự, thánh Tôma sử dụng các tử ngữ refert in Deum, nghĩa là quy hướng về Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là lấy Thiên Chúa làm cứu cánh: Thiên Chúa phải là cùng đích của tâm trí và các hành động của chúng ta. Đối với tâm trí, đặt Thiên Chúa làm cứu cánh có nghĩa là nỗ lực hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa: người thánh tìm cách hiểu biết Thiên Chúa, và bởi vì nhờ vậy càng khám phá ra Thiên Chúa đáng được yêu mến dường nào, và do đó lại càng yêu mến Ngài hơn nữa. Từ đó nảy ra một vòng xoắn giữa biết và yêu: càng biết Chúa thì càng nhận ra Ngài đáng mến; và rồi càng yêu mến thì ước ao được biết Ngài hơn nữa, và cứ như thế mà tiếp tục mãi. Trong con người chúng ta, có những hành vi khác mà mục đích trực tiếp không phải là Thiên Chúa, và không thể là Thiên Chúa; nhưng các hành vi ấy có thể hướng về Thiên Chúa như là cứu cánh tối hậu. Vì thế, người thánh chân chính là người đặt ý nghĩa cuộc đời nơi Thiên Chúa mà thôi, bởi vì cứu cánh mang lại ý nghĩa. Điều này đã được thể hiện cách hoàn thiện nơi Đức Giesu Kitô.

Tuy nhiên, cần phải thêm lưu ý một điều quan trọng nữa, đó là việc hiểu biết và yêu mến Chúa, như vừa mô tả vắn tắt trên đây, chỉ có thể thực hiện nhờ ân sủng. Đây là một chủ đề cổ điển trong đạo lý Kitô giáo. Nếu không có sự trợ giúp của ân sủng, thì không thể nào yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; nếu không có ân sủng thì không thể nào lập công trạng xứng với đời sống vĩnh cửu, không thể nào chỗi dậy khỏi tội lỗi. Điều này cũng có giá trị đối với việc hiểu biết chân lý. Thánh Tôma lặp đi lặp lại nhiều lần và khỏi cần phải nhắc lại ở đây. Ngài thích một câu nói được gán cho thánh Ambrosiô (được trích dẫn 18 lần): tất cả mọi chân lý, bất kỳ do ai nói ra, cũng đều bởi Thánh Linh (omne verum, a quocumque dicatur, a spiritu sancto est)! Ta gặp thấy lời trích dẫn này rải rác trong nhiều tác phẩm khác nhau[20].

Trong tông huấn Gaudete et exsultate, trong những trang dành cho thuyết Pêlagiô thời này, ĐTC Phanxicô nhiều lần nhấn mạnh khía cạnh này[21]. Sự thánh thiện là hoa trái của ân sủng, vì thế mà được gọi là “ơn thánh sủng” (ân sủng thánh hóa). Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả nó như là “ân huệ không công mà Thiên Chúa ban cho ta từ sự sống của Ngài, được Thánh Linh tuôn đổ vào linh hồn ta để chữa lành nó khỏi tội và làm cho nên thánh (số 2023). Thánh Tôma cũng gọi nó là “ơn của các nhân đức và ân huệ”[22], xét vì nó không chỉ thôi thúc hãy hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, mà còn sống hòa hợp với mục đích ấy, nhờ đó ta có thể đặt giá trị cho các công việc thống hối và các việc lành khác, như đã nói trên đây[23].

Theo thánh Tôma, cần sự thánh thiện ở nơi con tim, chân lý ở trên môi miệng và sự công chính nơi việc làm: sanctitas sit in corde, veritas in ore, iustitia in opere[24],  và đây thật là một tổng hợp quý giá của khái niệm nên thánh.

Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi

Sau khi đã nói tổng quát về đạo lý thánh Tôma về sự thánh thiện, bây giờ tôi muốn dừng lại ở khúc chú giải của ngài đoạn văn thánh Phaolô, phù hợp với những gì đã nêu bật, tức là mô tả sự thánh thiện như là mối tương quan toàn diện của người Kitô hữu đối với Đức Kitô. Đó là đoạn văn Gl 2,20: “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi< với một song song trong Pl 1,21: “Đối với tôi sống là Đức Kitô”[25].

Bản văn của thánh Phaolô có gía trị tự thuật và mang ý nghĩa toàn diện, bởi vì thánh Tông đồ, vừa mới tuyên bố sự kết hợp huyền nhiệm với Thập giá Đức Kitô (“tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô”, câu 19), bây giờ lại lật ngược công thức khi nói rằng Đức Kitô sống trong Người[26]. Sự mới mẻ thật là kinh ngạc: một chủ vị, Đức Kitô, trở thành cái Tôi trong một chủ vị khác, và căn tính của người này không bị hủy diệt mà lại mở rộng đến chiều kích rộng lớn hơn, đó là sự sống của Đức Kitô phục sinh. Ở đây, động lực chủ yếu không phải là sự kết hợp huyền nhiệm với Đức Kitô, được gắn liền với một thời điểm đặc biệt trong cuộc đời thánh Phaolô, nhưng đúng ra là tác động của cuộc Phục sinh của Đức Kitô vào cá nhân và toàn thể cuộc đời của Phaolô cũng như của mỗi người Kitô hữu”[27].

Đây không chỉ là sự thánh thiện của thánh Phaolô mà là của mỗi người Kitô hữu: ơn gọi dành cho mỗi người chúng ta. Theo Romano Guardini, với lời khẳng định của thánh Phaolô, chúng ta đi đến cốt lõi của quan niệm Kitô giáo về sự thánh thiện, bởi vì đây là sự “hiện hữu của Đức Kitô trong người Kitô hữu” (in-existentia). Tác giả bàn đến đề tài này ở nhiều nơi. Ở đây chỉ cần nhắc đến tác phẩm nổi tiếng nhất với tựa đề “Chúa Giêsu”, xuất bản năm 1937. Khi đề cập đến mầu nhiệm lễ Ngũ Tuần, tác giả nêu bật rằng công trình của Thánh Linh là tạo ra con người mới, tức là con người mang một hình thái sinh sống trong Đức Kitô. Ông viết rằng hình thái làm nên người Kitô hữu, hình thái thấm nhập vào trong hết mọi cách diễn đạt, thống nhất tất cả mọi dữ kiện của cuộc đời, làm tỏ lộ chân tướng của mình, đó là “Chúa Kitô ở trong họ”. Tác giả viết tiếp rằng Chúa Kitô, được thánh Phaolô nói tới, cũng sống ở trong người thứ hai và trong người thứ ba và trong tất cả những kẻ tin vào Người. Từ đó nảy ra một mối dây liên hệ chung, một “Chúng ta” của người Kitô hữu, nảy sinh từ cảm nghiệm chung về “Cha của chúng con”[28].

Thật là thú vị khi nhận thấy thánh Tôma cũng đưa bản văn của thánh Phaolô vào trong quan niệm về sự thánh thiện Kitô giáo, dựa trên mối tương quan năng động giữa Đức Kitô và con người, và ngược lại. Tôma trưng dẫn 18 lần đoạn văn của Phaolô, trong đó 4 lần trong chương IV của quyển chú giải De divinis nominibus của Dionigi Areopagita.

Hai lần trích dẫn đầu tiên được gặp thấy trong Chú giải Sententiae (của Petrus Lombardus), với hai điểm nhấn khác nhau. Lần thứ nhất được đặt trong cuộc tranh luận: “Phải chăng đức mến phải đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự? (Utrum Deus sit super omnia diligendus ex caritate)[29]. Câu trả lời đương nhiên là phải rồi, dựa trên động lực của tình yêu. Tình yêu dẫn đến sự kết hợp. Xét vì tình yêu của Thiên Chúa vượt ra tình yêu của con người muôn ngàn trùng, cho nên khi yêu thương con người, thì ngài đón tiếp và ôm ấp nó vào lòng đến nỗi có thể nói là cho nó sống bằng đời sống của ngài, như thánh Tông đồ nói ở Gl 2,20: Tôi sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi (sicut apostolus dicit Gal 2, 20: vivo ego, jam non ego, vivit vero in me Christus). Như vậy, câu trả lời thứ nhất được đặt trên lãnh vực tình yêu (ordo caritatis).

Điềm nhấn thứ hai đặt trong lãnh vực bí tích, và cụ thể là công hiệu của bí tích Thánh Thể [30]. Thánh Tôma nhắc lại rằng khác với lương thực vật chất, mất đi phẩm tính của mình và biến đổi nên người ăn nó; còn lương thực thiêng liêng thì biến đổi người ăn trở thành chính mình, vì thế công hiệu riêng của bí tích này là biến đổi con người trở nên Chúa Kitô[31]. Do đó, một công hiệu khác là sự tăng trưởng thiêng liêng, nhờ sự tăng trưởng về các nhân đức và chữa lành điều mà tội lỗi là làm mất.

Lúc khác, thánh Tôma trích dẫn đoạn văn khi diễn giải về cuộc đời thánh Phaolô, kẻ đã đặt Chúa Kitô làm động lực của cuộc đời[32], luôn hướng trí tuệ ý chí về Đức Kitô[33], dành hết cuộc sống nhằm phục vụ Đức Kitô và danh dự của Người[34]. Dĩ nhiên, thánh Tôma cũng đã chú giải bức thư gửi các tín hữu Ga-lat, cách riêng là chương hai nơi gặp thấy đoạn văn này: Đức Kitô đã tiêu hủy con người cũ (tội lỗi) của chúng ta và đổi mới chúng ta bằng đời sống của Người; thánh Phaolô cảm thấy trong mình sức sống mới của Kitô giáo, từ đó ông đặt tất cả tâm tình vào Đức Kitô và tìm thấy niềm vui vô biên nơi Người[35].

Sau cùng, về các trích dẫn nhân chú giải De divinis nominibus, thánh Tôma dừng lại ở chương Bốn (dài nhất), và giải thích các danh xưng của Thiên Chúa như là Thiện, Quang, Mỹ và Tình yêu. Đoạn trích dẫn thánh Phaolô được xen vào đây, khi giải thích danh xưng Tình yêu mà Dionisio gọi là agape tiếng Hy-lạp. Một trong những đặc trưng của tình yêu là extasis (xuất thần), nghĩa là ra khỏi chính mình. Chính Thiên Chúa là Đấng xuất thần “theo nghĩa là Ngài không cho phép các người yêu còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về những kẻ mà họ yêu”. Điều này được chứng minh:

– các thực thể ở cấp trên được làm ra để chu cấp cho các thực thể ở cấp dưới (theo nghĩa ngày Thiên Chúa ra khỏi chính mình để tuôn tràn xuống thụ tạo tất cả tình yêu và sự quan quan phòng của ngài);

– các thực thể ngang nhau được làm ra để ôm ấp lẫn nhau (điều này xảy ra nơi tình yêu loài người);

– do một sự hoán đổi thần linh, các thực thể cấp dưới có thể được nâng lên đến các thực thể cao hơn…

“Vì thế thánh Phaolô, được hoàn toàn chiếm đoạt bởi tình yêu Thiên Chúa và được thông chia mãnh lực xuất thần của Ngài, đã thốt lên lời linh hứng: “Không còn tôi sống nữa, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”, giống như một tình nhân đã được chuyển sang Thiên Chúa và không còn sống bằng sự sống của mình nữa, mà bằng sự sống của tình nhân đáng mến vô biên”[36].

Trong các tác phẩm của mình, thánh Tôma trích dẫn đoạn văn của Đionisio vừa kể: với trót cả bản thân mình, thánh Tông đồ lao mình vào Đức Kitô, Đấng đã yêu thương đến độ quên đi bản thân và gắn bó với với người yêu. Ai đã yêu thì không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về người yêu. Phaolô cũng vậy, si tình đến độ không còn biết cầm hãm mình nữa nhưng lao mình vào Đức Kitô. Để giải thích chiều kích xuất thần, thánh Tôma dùng từ ngữ incontinentia, không phải theo nghĩa là “vô tiết độ”, nhưng để nói đền tình trạng không thể nào cầm hãm được một thực thể quá mức sung túc[37]. Như thế, thánh nhân đã bàn thêm bản văn của ông Dionisio thế này: “Vị đại thánh Phaolô, chăm chú vào tình yêu của Thiên Chúa bao trùm toàn thân ông và dùng sức mạnh để lôi ông đi ra khỏi chính mình, đã thốt lên lời dường như từ miệng Chúa: Tôi sống, không còn là tôi nữa, nhưng là Đức Kitô sống trong tội”.

 Tôma Aquino đã làm thánh như thế nào.

Qua những điều Tôma viết về sự thánh thiện và cách riêng về thánh Phaolô, ta không thấy khó khăn gì nhận ra con đường thánh thiện của ngài. Thánh thiện là đi tới Thiên Chúa, như đã nói ở đầu, và thánh Tôma đã trải qua con đường ấy bằng việc học hành, giảng dạy, luôn luôn trong sự khiêm tốn, đơn sơ và vui tươi.

Đó là những đức tính được tóm lược bởi Guglielmo di Tocco (mà ta có thể sánh với vai trò Thỉnh nguyện viên vụ án phong thánh): “ngài được biết đến như một người rất khiêm tốn, thanh tịnh cả xác và hồn, sốt sắng trong việc cầu nguyện, khôn ngoan khi bàn luận, điềm đạm khi nói năng, quảng đại trong đức mến…”[38]. Tiếp theo đó, cha nêu bật phong cách tinh tế của ngài và như vậy đã tỏ ra phù hợp với khuôn mẫu là Đức Kitô[39]. Tất cả các sử gia đều nhận thấy nơi ngài một con người bình tĩnh, vui tươi, có khả năng bông đùa với các sinh viên. G. Di Tocco cũng ghi nhận rằng niềm hân hoan toác ra từ thân thể laetanter exivit de corpore.

Một đặc tính khác của sự thánh thiện của Tôma là lòng yêu mến Thánh Thể, được cụ thể hóa qua việc cử hành Thánh lễ, Guglielmo di Tocco nhận xét rằng một đàng ngài được ơn viết về Thánh Thể rất sâu sắc, thì đàng khác ngài cũng được ơn cử hành Thánh Lễ sốt sắng hơn nữa. Trừ khi nào bị ngăn trở vì đau ốm, mỗi ngày ngài cử hành một Thánh lễ và giúp một lễ khác do một anh em cử hành. Đang lúc cử hành Thánh lễ, ngài thường ngất trí “với lòng sốt mến đến nỗi nước mắt trào ra, khi đắm chìm trong mầu nhiệm cực thánh và được bổ dưỡng bởi các ơn thiêng”[40].

Một đặc tính nữa của sự thánh thiện của Tôma là việc cầu nguyện trước Thánh giá. Trên đây tôi đã nhắc đến cảm nghiệm tâm linh ở Napoli về cuộc đối thoại với tượng Chúa chịu đóng đinh[41]. Về điều này, Guglielmo di Tocco ghi nhận (cũng như các sử gia khác) rằng cảm nghiệm này diễn ra khi ngài đang viết phần thứ ba của bộ Tổng luận thần học, đến các vấn đề liên quan đến mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Tất cả các sử gia đều thêm rằng kể từ đó, Tôma ngưng viết, ra như đã hoàn tất sứ mạnh của mình. Điều này muốn nói rằng ngài quan niệm rằng công tác thần học cũng là một cuộc đi lên tới Thiên Chúa (ascensus in Deum).

Bởi đó, ngài luôn liên kết việc học hành và chiêm niệm, được biểu lộ qua trạng thái abstractio mentis, mà các anh em trong Dòng đều biết đến. Tôma là một con người nghiên cứu, sẵn sàng rời bỏ tất cả vào lúc thấy lóe lên điều mà mình đang tìm kiếm. Trong viễn ảnh đó, ta có thể hiểu được những lời tâm sự vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Với Reginaldo thân tín, cha nói rằng “đã đến lúc kết thúc chuyện viết lách, bởi vì tôi đã được Chúa mặc khải cho biết rằng những gì đã và dạy, thì chẳng là gì hết (venit finis scripturae meae, quia talia sunt mihi revelata, quod ea quae scripsi et docui, modica mihi videntur). Tuy nhiên, Guglielmo di Tocco[42], khi ghi lại lời khai của Bartolomeo da Capua ở phiên tòa Napoli, đã sử dụng từ ngữ “rơm rác” (Omnia que scripsi videntur michi palee respectu eorum quae vidi et revelata sunt michi[43]. Có lẽ sự trưng dẫn này chính xác hơn, bởi vì như cha J.-P. Torrel nhận xét, từ “rơm rác” được truyền thống Kitô giáo sử dụng để phân biệt với lúa mì. Sau khi đã cảm nghiệm được thực tại như thế nào, Tôma thấy rằng không cần đến những lời mà mình đã viết: cha không phủ nhận giá trị của chúng, nhưng giờ đây, cha đã vượt xa hơn.

Vào lúc lâm chung tại đan viện Fossanova, khi lãnh nhận của ăn đàng, thánh Tôma tuyên xưng kính cẩn rằng: “Con lãnh nhận Chúa là giá cứu chuộc linh hồn con, con lãnh nhận Chúa như là lương thực cho cuộc lữ hành của con. Vì yêu mến Chúa mà con đã học hành, canh thức, và làm việc, con đã giảng dạy Chúa…” (Sumo te pretium redemptionis animae meae, sumo te viaticum peregrinationis meae, pro cuius amore studui, vigilavi, et laboravi, te praedicavi et docui …).

Guglielmo di Tocco cũng kể lại rằng một tu sĩ lão thành dòng Đaminh rất được quý mến, anh, fr. Paolo de L’Aquila, đang ở tại tu viện Napoli thì nằm mơ thấy Tôma đang chú giải các thư thánh Phaolô cho môn sinh. Cùng lúc ấy, anh thấy thánh Phaolô đi vào phòng và Tôma lập tức đứng lên, nhường ghế giảng cho ngài. Thế nhưng, thánh Phaolô làm dấu hiệu bảo Tôma cứ tiếp tục. Tôma hỏi ngài xem mình có giải thích các thư có đúng không. Thánh Phaolô trả lời: “Dựa theo khả năng của một người còn ở dưới trần thế, con đang chú giải rất tốt. Nhưng bây giờ ta muốn cho con đi với ta bởi vì ta sẽ dẫn con đến một nơi mà tất cả sẽ trở nên rõ ràng”. Đang nói như vậy, thì thánh Tông đồ cầm lấy áo choàng của Tôma và lôi ra khỏi phòng học. Anh Phaolô tỉnh giấc và la lên: “Anh em ơi, chạy đi, bởi vì người ta đang cướp mất thầy Tôma kìa”. Các tu sĩ khác hỏi anh vì sao mà la lối như vậy, và anh kể lại giấc mơ. Thế rồi từ Fossanova, người ta đưa tin là Tôma đã qua đời. Bấy giờ họ hiểu ý nghĩa của giấc mơ.[44].

Thực vậy, tất cả các sử gia đều tuyên bố rằng thánh Tôma rất quý chuộng tông đồ Phaolô. Tôi xin kết luận bằng những lời mà thánh tiến sĩ chú giải Điônisio về những lời: Không còn là tôi sống nữa nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi: “Người ra khỏi chính mình và hoàn toàn lao mình vào Thiên Chúa, không tìm kiếm điều gì cho mình, mà chỉ tìm điều của Chúa, Người giống như một tình nhân đã cảm nghiệm nỗi đam mê ngây ngất: Người sống vì Thiên Chúa và không còn sống bằng sức sống riêng mình mà là bằng sức sống của Đức Kitô, Đấng mà người say mê, và không còn thấy có gì đáng mến hơn nữa”. Tôma Aquinô cũng nên thánh như vậy đó.

———————————

Phụ thêm

1/ Nguồn sử liệu cuộc đời thánh Tôma cũng như biên bản vụ án phong thánh

Fontes Vitae S. Thomae Aquinatis notis historicis et criticis illustrati, ed. D. Prümmer and M.-H. Laurent, Toulouse, n.d. (6 fasc., lúc đầu xuất bản trong Revue thomiste từ 1911 đến 1937).

– Processus canonizationis S. Thomae, Fossae Novae, ed. M. -H. Laurent, in Fontes, fasc. 5 (pp. 409-532).

– Processus canonizationis S. Thomae, Neapoli, ed. M. -H. Laurent, in Fontes, fasc. 4 (pp. 265-407).

– Vita S. Thomae Aquinatis auctore Guillelmo de Tocco, in Fontes, fasc. 2 (131). 59-160).

– Vita S. Thomae Aquinatis auctore Bernardo Guidonis, in Fontes, fasc. 3 (131). 16l-263).

2/ Đời sống nội tâm của thánh Tôma dựa theo các tài liệu trên

Martin Grabmann, The interior life of St Thomas Aquinas presented from his works and the acts of his canonization process, Bruce, Milwaukee 1951 (nguyên tác tiếng Đức năm 1924).

[1] Summa contra Gentiles, l. 1, c. 2: trích dẫn thánh Hilariô, De Trinitate, l. 1, c. 37: PL 84, 48 (conscius sum, ut te omnis sermo meus et sensus loquatur).

[2] Sự kiện này được Guglielmo di Tocco, thuật lại trong chương 34 của Vitae sancti Thomae Aquinatis: “Doctor conversus erat ad orandum cum lacrymis, hujuscemodi vocem prodire de imagine Crucifixi: Thoma bene scripsisti de me, quam recipies a me pro tuo labore mercedem? Qui respondit: Domine, non nisi te”. Tác giả cũng ghi chú thêm là thánh Tôma lúc đó đang viết phần thứ Ba cuốn Tổng luận thần học bàn về cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Một câu nói tương tự cũng được Bernardo Gui thuật lại, xc. D. Prümmer, Fontes vitae S. Thomae AquinatisNotis historicis et criticis illustrati, Tolosae [1912], 38. 108. 189.

[3] “Ea quae pertinent ad Christi humanitatem, per modum cuiusdam manuductionis, maxime devotionem excitant, cum tamen devotio principaliter circa ea quae sunt divinitatis consistat”: STh IIª-IIae q. 82 a. 3 ad 2.

[4] “Unde cum sancti qui sunt in patria, sint Deo propinquissimi, hoc divinae legis ordo requirit, ut nos qui manentes in corpore peregrinamur a domino, in eum per sanctos medios reducamur; quod quidem contingit, dum per eos divina bonitas suum effectum diffundit. Et quia reditus noster in Deum respondere debet processui bonitatum ipsius ad nos; sicut mediantibus sanctorum suffragiis Dei beneficia in nos deveniunt, ita oportet nos in Deum reduci, ut iterato beneficia ejus sumamus mediantibus sanctis; et inde est quod eos intercessores pro nobis ad Deum constituimus, et quasi mediatores, dum ab eis petimus quod pro nobis orent”: Super Sent., lib. 4 d. 45 q. 3 a. 2 co.

[5] C. A. Vendemiati, La struttura della Summa Theologiae di San Tommaso d’Aquino, in “Salesianum” 73 (2011), 237-280.

[6] Ở đây mầu nhiệm Nhập thể cần được hiểu cách toàn diện, bao gồm không chỉ các mầu nhiệm khổ nạn- chết-phục sinh của Chúa, mà cả khối bí tích trong phần Ba nữa. Thật vậy, đối với Tôma, các bí tích cũng là thành phần của Kitô học: “Post consideratione eorum quae pertinent ad mysteria Verbi incarnati, considerandum est de Ecclesiae sacramentis, quae ab ipso Verbo incarnato efficaciam habent”: STh III, q. 60, a. 1, pr. Điều này có nghĩa là các bí tích là sự nối dài sự nhập thể của Ngôi Lời.

[7] Super ev. Ioannis, c. 13, lect.1, n. 4.

[8] Tôi muốn trưng dẫn một bài viết tuy ngắn nhưng sâu sắc của cha Daniel Ols O.P. mang tựa đề “In che cosa consiste la santità? Il contributo di Tommaso d’Aquino”, ở trên mạng https://www.dominicanes.it/predicazione/meditazioni/1266-in-che-cosa-consiste-la-santita-un-contributo-di-tommaso-d-aquino.html. Tác giả cũng cho biết rằng thánh Tôma không thực hành các việc thống hối khác thường là vì ngài có ý thức về sứ mạng của mình là công tác thần học: dốc hết tâm lực để tìm hiểu chân lý về Thiên Chúa và viết về Thiên Chúa. Thánh nhân đã dấn thân vào sứ vụ được Chúa trao phó và nhằm phục vụ Thiên Chúa.

[9] “Maceratio proprii corporis, puta per vigilias et ieiunia, non est Deo accepta nisi inquantum est opus virtutis” (STh II-II, q. 88 a. 2 ad 3).

[10] “In spirituali vita simpliciter quidem homo perfectus dicitur ratione eius in quo principaliter spiritualis vita consistit… Consistit autem principaliter spiritualis vita in caritate: quam qui non habet, nihil esse spiritualiter reputatur” (De perfectione spiritualis vitae, cap. 1 co). Sự hoàn thiện của đời sống Kitô giáo hệ ở đức mến: điều này không thể nào hồ nghi được: “Secundum caritatem specialiter attenditur perfectio vitae christianae”: STh II/II, q. 184 a. 1 co.).

[11] Xc. Chẳng hạn: “fides et spes sine caritate possunt quidem aliqualiter esse, perfectae autem virtutis rationem sine caritate non habent” (STh I-II, q. 65 a. 4 co); “virtutes morales sine caritate esse non possunt” (STh I-II, q. 65 a. 2 co.)

[12] Xc. A. Pigna, Consigli, precetti e santità secondo san Tommaso, in “Ephemerides Carmeliticae” 25 (1974/1-2), 318-376.

[13] Xc. Super Sent., lib. 3 d. 29 q. 1 a. 8 qc. 2 co.

[14] Khi trình bày đạo lý, thánh Tôma còn thêm vài trạng từ để định nghĩa một hành vi nhân đức, chẳng hạn như: prompte et delectabiliter (mau lẹ và thích thú), firmiter et delectabiliter (kiên vững và thích thú), faciliter et delectabiliter (dễ dàng và thích thú), sponte et delectabiliter (tự nguyện và thích thú)…

[15] Cha Daniel Ols giải thích: “Như thế chúng ta hiều rằng, trước mặt Chúa, giá trị của việc làm không hệ ở sự khó khăn khách thể nhưng là ở đức mến, nghĩa là lòng yêu mến Chúa khi ta làm công việc. Vì thế thánh Teresa Lisieux giặt giũ áo quần cho những chị ở nhà hưu dưỡng có thể đã thưc hiện một công tác lớn lao và có công hơn là một đan sĩ Ai-len cam kết đọc ba thánh vịnh khi ngâm mình trong một thùng nước băng giá”.

[16] STh II-II, q. 124 a. 1 co

[17] Trong Summa contra gentiles ScG lib. 3 cap. 130 n. 3, thánh Tôma viết rằng summa perfectio humanae vitae in hoc consistit quod mens hominis Deo vacet, muốn nói rằng sự hoàn thiện của đời người hệ ở chỗ dành chỗ trống để cho Thiên Chúa ngự trị. Vacare Deo là một thuật ngữ của đời đan tu muốn nói lên khoảng thời gian hoàn toàn dành cho Thiên Chúa, tức là đời chiêm niệm.

[18]  STh I-II, q. 29 a. 4 co.: homo maxime est mens hominis

[19] “Mens non est una quaedam potentia praeter memoriam, intelligentiam et voluntatem, sed est quoddam totum potentiale, comprehendens haec tria” (De veritate, q. 10 a. 1 ad 7).

[20] Chỉ cần trích dẫn một đoạn là đủ: “nullus potest dicere quodcumque verum, nisi a spiritu sancto motus, qui est spiritus veritatis, de quo dicitur Io. XVI, 13: cum autem venerit ille spiritus veritatis, docebit vos omnem veritatem. Unde et in Glossa Ambrosius, hoc in loco dicit: omne verum a quocumque dicatur, a spiritu sancto est. Et specialiter in illis quae sunt fidei, quae per specialem revelationem spiritus sancti sunt habita”, Super I Cor., cap. 12 l. 1.

[21] Xc. Các số 47-56. Các số 57-59 được dành cho những đồ đệ mới của Pêlagiô! Để đào sâu đề tài, xc. M. Borghesi ne Il dissidio cattolico. La reazione a Papa Francesco, Jaca Book, 2022, 241-247 (“Pelagianesimo e gnosticismo in Gaudete et exsultate”). Trước đó, vào ngày 22-2-2018, Bộ Giáo lý đức tin đã phát hành lá thư “Placuit Deo” gửi các giám mục công giáo về một vài khía cạnh của sự cứu độ Kitô giáo. Xc. A. Villafiorita, “Un nuovo ordine di relazioni in Cristo: note in margine alla Placuit Deo”, in Rassegna di Teologia 59 (2018), 181-196; M. Semeraro, “Le ‘eresie’ pastorali secondo Evangelii gaudium”, ne il Regno-Documenti 7/2017, 246-256.

[22] Theo thánh Tôma, gọi là “ơn của các nhân đức và ân huệ (gratia virtutum et donorum) bởi vì nó hướng con người đến điều thiện của nhân đức và ân huệ (Super Sent., lib. 4 d. 7 q. 2 a. 2 qc. 2 ad 2)

[23] Có nghĩa là các việc lành chỉ có giá trị trước mặt Thiên Chúa nếu đặt Ngài làm cứu cánh tối hậu. Đó chính là ý nghĩa của câu nói thường thức: yêu tha nhân vì lòng mến Chúa! Ngược lại, nếu mục đích chỉ là thuần túy tự nhiên, thì nói đúng ta, nó không phải là công việc thánh thiện.

[24] Super Eph., cap. 4 l. 7.

[25] Thật là gợi cảm cách giải thích của thánh Bênađô theo chiều hướng phu thê “Linh hồn mà bạn thấy từ bỏ tất cả để hết lòng gắn bó với Ngôi Lời, sống với Ngôi Lời để rồi sinh ra Ngôi Lời, để có thể nói rằng: Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi, linh hồn tự coi mình là hiền thê kết hôn với Ngôi Lời..” Sermones in Cantica canticorum, LXXXV, 12:  PL 183.1194. Một cách gọn gàng hơn, thánh Tôma viết rằng: “tantum Christum habeo in affectu, et ipse Christus est vita mea. Mihi vivere Christus est…” (Tôi yêu mến Đức Kitô đến nỗi Đức Kitô là lẽ sống của tôi), Super Gal., cap. 2 l. 6.

[26] A. Pitta nhìn tương quan giữa Đức Kitô với Phaolô như một vòng tròn: từ sự kết hợp của Phaolô với Đức Kitô qua thập giá, đến sự kết hơp của Đức Kitô với Phaolô qua sự sống phát sinh từ cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Lettera ai Galati. Introduzione, versione e commento, EDB, Bologna 1996, 153. Xem thêm A. Vanhoye, Lettera ai Galati. Nuova versione, introduzione e commento, Paoline, Milano 20226, 75-77; và R. Penna, “Non sono più io che vivo, ma Cristo vive in me” (Gal 2,20), in https://www.fmgb-prov.it/2017/07/08/non-piu-vivo-cristo-vive-gal-220/

[27] F. Bianchini, Lettera ai Galati, Città Nuova, Roma 2009, 58.

[28] Xc. R. Guardini, Il Signore. Riflessioni sulla persona e sulla vita di Gesù Cristo, Vita e Pensiero, Milano 19777, 563. 567. Về chủ đề “Chúng ta” của Kitô giáo, xin coi bài viết của M. Semeraro, “Il ‘Noi ecclesiale’: una prospettiva includente”, in Catechetica ed Educazione 6 (2021) 1, 47-61.

[29] Xc. Super Sent., lib. 3 d. 29 q. 1 a. 3 ad 1.

[30] Xc. Super Sent., lib. 4 d. 12 q. 2 a. 1 qc. 1 co.

[31] “spiritualis cibus non convertitur in manducantem, sed eum ad se convertit. Unde proprius effectus hujus sacramenti est conversio hominis in Christum, ut dicat cum apostolo, Gal 2, 20: vivo ego, jam non ego; vivit vero in me Christus”. Trước đó thánh Augustino đã viết: “Cibus sum grandium; cresce, et manducabis me. Nec tu me in te mutabis, sicut cibum carnis tuae; sed tu mutaberis in me”, Confessiones, VII, 10: PL 31, 732.

[32] Xc. Super Io., cap. 5 l. 5 (Đức Kitô sống trong tông đồ như là linh hồn mang sức sống cho thân thể).

[33] Xc. Super I Cor., cap. 11 vs. 1; cap. 11 l. 1.

[34] Super II Cor., cap. 5 l. 3.

[35] Xc. Super Gal, cap. 2 l. 6; và cap. 6 l. 4. Những đoạn văn khác trích dẫn Gl 2,20 là: Super Eph., pr.; cap. 4 l. 6.

[36] I Nomi Divini IV, 13, 170: cf. Dionigi Areopagita, Tutte le Opere a cura di P. Scazzoso, E. Bellini, Rusconi, Milano 1983, 310-311.

[37] Trường hợp này được nghiên cứu ở S.Th. IIª-IIae, q. 156 a. 2 co: “ex vehementia divini amoris aliquis fit incontinens”. Thánh Tôma giải thích rằng không nên hiểu từ ngữ incontinentia theo nghĩa đen, nhưng là nghĩa so sánh (non proprie, sed secundum similitudinem), vì thế nó không phải là tội lỗi mà là nhân đức (talis incontinentia non est peccatum, sed pertinet ad perfectionem virtutis).

[38] Prümmer, Fontes cit. cap. 23.

[39] Xc. Ibidem cap. 24.

[40] Ibidem cap. 29. Khi được gọi làm chứng trong cuộc điều tra phong thánh ở Napoli, tu sĩ Bartôlomêo di Capua kể là chứng tích tận mắt của một đồ đệ của Tôma: “mỗi ngày, trước khi đi lớp, cha thức dậy sớm, cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện thánh Nicola; sau  khi dâng Thánh lễ, cha tham dự Thánh lễ do một anh em khác cử hành. Xong rồi, cha cởi phẩm phục phụng vụ, cha ra lớp và bắt đầu giảng dạy …”, P. M.-H. Laurent O.P. (cur.), Fontes Vitae S. Thomae Aquinatis. Fasc. IV. Processus Canonizationis S. Thomae. Neapoli, Revue Thomiste, in Prümmer, Fontes vitae S. Thomae Aquinatis. 373.

[41] Linh đạo của Tôma mang đậm nét Kitô luận. Nếu chúng ta muốn vẽ Tôma Aquinô như vị thánh, thì cần phải vẽ ngài quỳ trước Thánh Giá, hoặc (tương tự như vậy). Về điểm này, Tôma noi gương thánh tổ phụ Đaminh, như được trình bày trong Các cách thức cầu nguyện của thánh Đaminh, Xc J.-P. Ravotti, Le nove maniere di pregare. San Domenico maestro di preghiera, ESD, Bologna 2004. Mặt khác, vào thời thánh Tôma, Chúa Giêsu chịu đóng đinh được coi là cuốn sách duy nhất, Kinh thánh sống động.

[42] Così G. di Tocco, ma pure P. Calò e B. Gui (Prümmer, Fontes cit. 43. 120. 193).

[43] Laurent, Fontes Vitae S. Thomae Aquinatis cit., 377.

[44] Prümmer, Fontes cit. cap. 60.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here