Sự thành hình triết học Kitô giáo

0
2871

Sự thành hình triết học Kitô giáo
Cuộc đối thoại của các giáo phụ với triết học cổ điển

 Phan Tấn Thành

 Thời sự Thần học, số  85 (tháng 8/2019).

—————————–

Nhập đề

Khái niệm về Triết học Kitô giáo

Khái niệm về các giáo phụ

Khái niệm về các triết học thời giáo phụ

I. Giai đoạn một: Ba thế kỷ đầu tiên

A. Khung cảnh xã hội

B. Các trường phái triết học trong Đế quốc Roma

C. Thái độ của các triết gia đối với Kitô giáo

D. Kitô giáo với triết học Hy lạp

1/ Đối thoại: Giustinô, Clêmentê Alexandria

2/ Chống đối: Taxianô, Tertullianô

E. Ngộ giáo

II. Giai đoạn hai: Từ thế kỷ IV-VIII

A. Sự thành hình văn hóa Kitô giáo

B. Việc áp dụng triết học vào việc giải thích chân lý đức tin

1/ Các giáo phụ Hy-lạp với mầu nhiệm Thiên Chúa

2/ Các giáo phụ La-tinh với vấn đề con người

Kết luận. Gia sản của các giáo phụ: Hy-lạp-hóa Kitô giáo hay Kitô-hóa triết học Hy-lạp?

—————————–

Nhập đề

Trước khi trình bày công trình của các giáo phụ trong việc thành hình triết học Kitô giáo, thiết tưởng cần xác định vài khái niệm: triết học Kitô giáo là gì? Các giáo phụ là ai? Các giáo phụ đã gặp gỡ những thứ triết học nào?

A. Khái niệm về triết học Kitô giáo

Có triết học Kitô giáo không? Nếu có thì bắt đầu từ lúc nào?

Ta có thể trả lời CÓ hoặc KHÔNG tùy theo cách hiểu ý nghĩa của từ “triết học”.

1/ Có ít là hai lý do để trả lời KHÔNG.

Thứ nhất, Kitô giáo không phải là triết học, hiểu như một hệ thống tư tưởng (chẳng hạn như: Platon, Aristote, Marx). Kitô giáo là một “tôn giáo” rao giảng ơn cứu độ cho loài người.

Thứ hai, Kitô giáo không phải là triết học, bởi vì đặc điểm của suy tư triết học là tự do truy tầm chân lý, không bị ràng buộc bởi một yếu tố ngoại lai nào. Đang khi đó, “các chân lý Kitô giáo” được mặc khải từ trời, và lý trí bắt buộc chấp nhận chứ không thể nói ngược lại.

2/ Có ít là hai lý do để trả lời CÓ.

Thứ nhất, trong suốt lịch sử của thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều tác giả đã trình bày Kitô giáo như philosophia theo nguyên ngữ của nó, nghĩa là tìm kiếm và yêu mến Sophia (tiếng Hy lạp, tương đương với: Sapientia tiếng Latinh, Sagesse tiếng Pháp, Wisdom tiếng Anh). Cựu ước đã nói đến một Đấng Sophia bên cạnh Thiên Chúa (x. Sách Huấn ca, chương 24; sách Khôn ngoan 7,22-8,8). Sang Tân ước, thánh Phaolô đã chứng tỏ rằng Đức Kitô là Sophia của Thiên Chúa (1Cr 1,24; Cl 2,3). Công cuộc tìm kiếm và yêu mến Đấng Sophia sẽ đưa đến sự gắn bó với Ngài, và dĩ nhiên, khiến cho con người trở nên hoàn thiện, hạnh phúc[1].

Thứ hai, Kitô giáo chứa đựng một toàn bộ tư tưởng có hệ thống liên quan đến Thiên Chúa, con người, vũ trụ, lịch sử.

3/ Cuộc tranh cãi giữa hai ý kiến vừa nói có thể khai triển thành nhiều pho sách. Trong bài này, chúng tôi chỉ muốn trình bày một khía cạnh lịch sử thiết tưởng vẫn còn ý nghĩa với chúng ta hôm nay, đó là tìm hiểu thái độ của các giáo phụ đối với triết học đương thời. Trước khi vào vấn đề, thiết tưởng cần thêm hai ghi nhận: a) Các giáo phụ là ai? b) Các ngài đã đối thoại với triết học nào?

B. Khái niệm về các giáo phụ

Trong tiếng Việt, danh xưng “giáo phụ” là gọi tắt “những người cha của Giáo hội”, dịch từ tiếng Latinh patres ecclesiae (tiếng Pháp: pères de l’Eglise; tiếng Anh: fathers of the Church), được sử dụng lần đầu tiên (bằng tiếng Hy lạp ekklesiastikoi pateres) do sử gia Eusêbiô Cêsarêa (+339).

Dựa theo đan sĩ Vincent Lérins (tác phẩm Commonitorium viết vào khoảng năm 435), truyền thống Kitô giáo nhìn nhận các giáo phụ “là những người đã luôn luôn dạy dỗ đức tin và trung thành với đức tin;  họ đã chết trong niềm trung thành với Chúa Kitô, thậm chí có người đã được phúc chết vì Chúa” (c.33,2). Tác giả đề ra bốn điều kiện để được kể làm giáo phụ: (a) thuộc về thời cổ (antiquitas); (b) đạo lý chính thống (orthodoxia); (c) đời sống thánh thiện (sanctitas), (d) được Hội thánh công nhận. Bốn điều kiện này trở thành cổ điển trong việc xác nhận một giáo phụ.

Các sử gia thường phân chia thời các giáo phụ thành hai giai đoạn chính, với mốc điểm là công đồng Nixêa (325).

1/ Giai đoạn thứ nhất tương ứng với thời kỳ Giáo hội bị cấm cách: từ đầu cho đến sắc chỉ của hoàng đế Constantinô cho phép Kitô giáo được tự do hành đạo (năm 313). Trong giai đoạn này, các giáo phụ còn được tái phân thành ba nhóm:

a) Các tông phụ (patres apostolici), kề sát các thánh tông đồ (cuối thế kỷ I và đầu thế kỷ II).

b) Các nhà hộ giáo (apologistae) thuộc thế kỷ II.

c) Bình minh của thần học vào thế kỷ III, với các giáo phụ ở Alexandria: thánh Clêmentê, linh mục Origène.

2/ Giai đoạn hai được đánh dấu bởi công đồng Nixêa, mở đầu cho những công đồng xác định những tín điều căn bản của Kitô giáo: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi và mầu nhiệm về thân thế của Đức Kitô. Trên thực tế, trong giai đoạn này, Giáo hội không những được tự do hành đạo mà còn được chính quyền hỗ trợ trong việc truyền bá đức tin.

Trong giai đoạn một, Giáo hội ở vào thế “tự vệ”, tìm cách biện minh cho sự hiện hữu của mình giữa lòng nhân loại. Sang giai đoạn hai, Giáo hội mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin của mình, và tìm cách diễn đạt đạo lý với những ngôn ngữ của triết học thời đại.

C. Khái niệm về các triết học thời các giáo phụ

Mặc dù chúng tôi chỉ muốn giới hạn việc nghiên cứu vào “triết học”, nhưng trên thực tế, vào thời xưa, thật khó phân biệt ranh giới giữa “triết học” và “tôn giáo”. Chúng ta có thể so sánh với tình trạng ở nước mình thì đủ rõ: khi nói đến “tam giáo” (Phật, Khổng, Lão), chúng ta hiểu đó là ba “tôn giáo” hay là ba “ triết học”, tuy biết chắc là là ba vị không hề nghĩ đến việc thiết lập một tôn giáo! Điều này cũng xảy ra đối với “ngộ giáo” (gnosticime) vào các thế kỷ đầu của Kitô giáo. Nói chung, các giáo phụ sẵn sàng đối thoại với các “triết học” nhưng tỏ ra dị ứng với các “tôn giáo”, thường bị đồng hóa với mê tín, dị đoan, ngẫu tượng (điều này đã có từ trong Cựu ước). Ngoài ra, cũng nên biết là vào thời các giáo phụ, có nhiều triết học thịnh hành, chứ không phải chỉ có một triết thuyết nào độc tôn (dù là Platon hoặc Aristote).

Sau đây, chúng tôi sẽ điểm qua quan điểm của các giáo phụ với triết học trải qua hai giai đoạn vừa kể.

I. Giai đoạn một: Ba thế kỷ đầu tiên

Như vừa nói, trong giai đoạn này, các giáo phụ có thái độ dè đặt đối với triết học “ngoại đạo”. Để hiểu tâm trạng này, chúng ta nên ôn lại khung cảnh xã hội của những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo.

A. Khung cảnh xã hội

Kitô giáo không phải là một hệ thống triết học nhưng là một sứ điệp cứu độ. Vì thế, không thể mong đợi nơi các giáo phụ thuộc giai đoạn này những khảo luận tư tưởng cao siêu. Mặt khác, khi loan báo Tin mừng, Giáo hội gặp phải một khung cảnh thù nghịch, từ phía các tôn giáo cổ truyền cũng như từ phía chính quyền Rôma. Không lạ gì mà các nhà lãnh đạo Giáo hội thường giữ một thái độ tự vệ, với kết quả là nhiều tác phẩm hộ giáo đã ra đời.

Đế quốc Rôma bách hại các tín hữu Kitô giáo vì nhiều lý do khác nhau. Họ bị tố cáo nhiều tội, trong đó có tội “vô thần”, bởi vì họ không tham gia các buổi tế tự công cộng suy tôn Hoàng đế.

Về phương diện tư tưởng, các văn gia Kitô giáo  phải đối chiếu niềm tin của mình với các tôn giáo trong Đế quốc, như chúng ta có thể đọc thấy ngay trong hành trình truyền giáo của thánh Phaolô được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ. Các nhà truyền giáo có cái nhìn tiêu cực đối với các tôn giáo vì  nhận thấy tục thờ các ngẫu tượng cũng như các thứ mê tín dị đoan nơi đó. Vì thế khó mà nói đến “mầm mống chân lý” nơi các tôn giáo; thậm chí thánh Phaolô còn vạch ra những khuyết điểm ngay cả nơi đạo Do thái, được thành hình do một giao ước mà Thiên Chúa thiết lập. Thật ra, khi tố cáo tục thờ tà thần ngẫu tượng, thánh Phaolô cũng các giáo phụ nhắm kêu gọi các tôn giáo khác hãy tìm về đạo chân thực do đức Kitô mặc khải, chứ không ngụ ý đả kích tất cả các tôn giáo. Nên biết là trong số các giáo phụ hộ giáo, ông Tertullianô đã nhìn nhận rằng khi con người biết phản tỉnh quay về với chính mình, thì nó sẽ gặp thấy Thiên Chúa duy nhất ngự trong linh hồn. Nói khác đi, cho dù giá trị của các tôn giáo thế nào đi nữa, nhưng mỗi người vẫn mang trong thâm tâm một mầm mống dẫn về đạo thật.

B. Các trường phái triết học

Nên biết là, vào thời cổ, sự phân biệt giữa tôn giáo và triết học chỉ có tính cách lý thuyết, chứ  trên thực tế không thể nào vạch ra ranh giới rõ rệt giữa đôi bên (cũng như không thể tách rời tôn giáo khỏi chính trị). Chính vì sự trà trộn đó cho nên không thiếu lần vài giáo phụ đã gạt bỏ toàn thể văn hóa Hy Lạp, bao gồm cả những suy tư siêu hình về Thượng đế lẫn những thần thoại và những tục lệ chiêm tinh bói tóan. Lúc khác, thì các giáo phụ chỉ trích  triết học Hy Lạp bởi vì nó đã gieo mầm mống cho các lạc thuyết.

Lãnh thổ của Đế quốc Rôma bao trùm một vùng chịu ảnh hưởng của các triết thuyết Hy Lạp: Platon, Aristote. Tuy nhiên, thế kỷ I của Công nguyên, học thuyết của Platon thịnh hành hơn là Aristote. Dù sao, có lẽ các lý luận siêu hình của ông không gây ảnh hưởng trong dân gian cho bằng các học thuyết về luân lý, trong đó nổi bật nhất là phái Stoa và phái Epicuriô mà thánh Phaolô đã gặp tại Athen (Cv 17,18).

1) Phái Stoa là những đồ đệ của ông Zênôn Ciziô (k. 336-263 trước CN), đề cao tình huynh đệ đại đồng và sự tu thân tích đức.  Vào thế kỷ thứ nhất của CN, một hiền triết nổi tiếng tại Rôma là ông Seneca (4 trước CN – 65 sau CN) thuộc phái Stoa. Nói chung, các đồ đệ của phái Stoa tuân giữ nếp sống khắc khổ; họ tỏ ra siêu thoát, không dính bén với tiền tài thế lực. Họ sinh sống bằng việc làm thủ công. Không thiếu sử gia cho rằng phái Stoa đã chuẩn bị lòng người để đón nhận tinh thần bác ái Kitô giáo. Trong diễn từ tại Athêna, ông Phaolô đã trích dẫn tư tưởng của một triết gia Stoa. Chắc là những khái niệm “lương tâm, luật tự nhiên, sự bình đẳng giữa hết mọi người” gặp trong các thư của Phaolô bắt nguồn từ nhóm Stoa.

2) Phái Epicuriô (341-270 trước CN) cũng khuyến khích các đồ đệ của mình hãy từ bỏ thế sự, tìm cảnh an nhàn và hưởng cảnh vui thú. Cần biết là họ không chủ trương hưởng lạc phóng túng, bởi vì họ biết rằng hạnh phúc đích thực thuộc về lãnh vực tinh thần (bằng việc rèn luyện nhân đức). Dù vậy, họ rất dễ bị hiểu lầm, bởi vì họ nghĩ rằng hạnh phúc hoặc là chỉ có ở đời này hay là sẽ không bao giờ có, chứ họ không tin một thứ hạnh phúc dành riêng cho linh hồn sau khi qua đời[2]. Epicuriô cũng không tin rằng các thần thánh có tác dụng đối với cuộc sống con người. Không lạ gì mà nhiều người đồng hoá thuyết này với nhóm hưởng lạc duy vật, tuy rằng gán ghép như vậy là oan uổng!

C. Thái độ của các triết gia đối với Kitô giáo

Nhiều tác phẩm của các triết gia Hy Lạp đả kích Kitô giáo đã bị thiêu hủy sau khi tôn giáo này được Đế quốc Rôma nhận làm quốc giáo. Vì thế chúng chỉ còn được lưu lại một cách gián tiếp, qua các tác phẩm của các nhà hộ giáo đã cầm bút để trả lời các cuộc tấn công đó. Dù sao, trước khi các luận điệu bài kích được viết thành sách vở, ta đã thấy xuất hiện những dấu hiệu biểu lộ thái độ bài xích ngay từ đầu thế kỷ II. Khi thuật lại cuộc hoả hoạn tại Rôma, sử gia Tacitus không nghĩ rằng các Kitô hữu thực sự là thủ phạm (theo như hoàng đế Nêrô đã đổ tội); tuy vậy ông đã mỉa mai liệt họ vào hạng người mê tín. Sử gia Suêtonius (Vita Neronis, 16) cũng đánh giá các tín đồ Kitô như lũ mê tín dị đoan.

Trong sách Hộ giáo (Apologia, quyển I), ông Giustinô thuật lại rằng giáo sư Crescens the Cynic tại Rôma chuyên môn đi tuyên truyền rằng các Kitô hữu là một “lũ vô thần vô đạo”. Sau khi được nghe giải thích về tôn giáo này cách công khai, ông ta đuối lý và đã tìm cách trả thù bằng cách đi tố giác với nhà chức trách rằng ông Giustinô là một tín đồ Kitô. Thế là ông Giustinô  bị giết, chiếu theo luật của hoàng đế Traianus. Cách cư xử của ông Crescens quả là thiếu cao thượng! Thế nhưng, người ta cũng gặp thấy thái độ thiển cận không kém ở nơi một số nhà trí thức  vào thời đó. Chẳng hạn như ông Fronto Cirta (100-174, thái sư của  hoàng đế Marcus Aurelius), đã thâu thập các luồng dư luận bôi nhọ các tín đồ theo đạo Kitô và rêu rao ngay ở giữa Thượng viện, tựa như: họ tụ họp nhau để ăn nhậu và diễn ra đủ thứ trò bỉ ổi loạn luân[3]. Vì thế không lạ gì, Hoàng đế Marcus Aurelius (161-180), một vị anh quân và một triết gia thuộc phái Stoa, đã không tỏ ra thiện cảm với Kitô giáo. Viết trong Nhật ký (Meditationes XI,3), khi chứng kiến cảnh tượng của các vị tử đạo, ông chê các tín đồ Kitô là cuồng tín và thích làm trò!

Ngoài những ác cảm nảy sinh do thiên kiến hay tư thù, còn có những chống đối khác đáng kể hơn, dựa trên lý luận đạo lý, của hai triết gia Celsus (cuối thế kỷ II) và Porphyrius (cuối thế kỷ III).

1/ Ông Celsus

Vào những thập niên chót của thế kỷ II, triết gia Celsus đã xuất bản một tác phẩm để bài kích Kitô giáo,  dưới tựa đề Logos aléthès (đạo lý chân thật). Nguyên bản đã bị thất lạc, và chỉ còn vài đoạn được lưu lại trong tác phẩm mà ông Origène viết để trả lời (Contra Celsum). Nên biết là ông Celsus sống vào cuối triều của hoàng đế Marcus Aurelius (khoảng 177-180);  còn sách của ông Origène thì viết vào năm 248 (tức là non 60 năm sau đó).

Ông Celsus là một triết gia thuộc trường phái Platon. Ông quan niệm rằng vũ trụ là một khối bao la có thứ tự lớp lang. Tạo Hóa là một đấng siêu việt bất biến. Từ tiền đề đó, ông đả kích cả đạo Do Thái lẫn đạo Kitô, bởi vì họ đã trình bày một Thiên Chúa để ý quan tâm đến thế sự. Cái chuyện Thiên Chúa nhập thể của đạo Kitô lại càng buồn cười hơn nữa: Thiên Chúa giáng trần để làm gì vậy? Có chuyện gì mà Ngài không biết? Tại sao Ngài lại phải xuống dưới trần thế này để quan sát cách ăn nếp ở của con người? Không, Thiên Chúa toàn thiện, bất biến, hằng cửu. Vì thế Ngài không thể nào thay hình đổi dạng được!

Ngoài chuyện phi bác đạo Kitô dựa theo luận cứ siêu hình, ông Celsus còn đả kích tôn giáo này dựa trên những chi tiết về cuộc đời của đức Giêsu mà ông biết được khi đọc sách Tin mừng của Matthêu hoặc thu thập được từ dư luận. Ông Giêsu là con người quê mùa dốt nát. Bà mẹ của ông làm nghề dệt, bị chồng đuổi vì phạm tội ngoại tình. Những phép lạ của ông ta chẳng qua chỉ là trò yêu thuật mà ông đã học được bên Ai cập. Chuyện ông ta chết đi rồi sống lại là do một cô gái điếm dựng lên. Các đồ đệ của ông ta được thu gom từ bọn thu thuế hay thuyền chài, khi  thấy lính tới thì hoảng sợ chạy tán loạn. Các tín đồ Kitô giáo của các thế hệ kế tiếp cũng xuất thân từ lũ người vô học, nghèo hèn.

Thử hỏi: nếu đạo Kitô vừa phi lý vừa gồm bởi những thành phần bất lương như vậy, thì hơi đâu mà bận tâm làm gì? Câu trả lời không phải tại chỗ Kitô giáo hợp lý hay phi lý, nhưng là những hậu quả mà nó sẽ gây ra cho xã hội. Kitô giáo có nguy cơ sẽ làm đảo lộn các giá trị cổ truyền. Tôn giáo này sẽ nhúm mồi cho hạng bần đinh nổi dậy, khi thấy các người khai đạo cũng thuộc vào thành phần bần đinh như mình. Tôn giáo này sẽ làm lung lay các chế độ chính trị, bởi vì nó chủ trương Thiên Chúa có thể làm thay đổi trật tự vũ trụ. Tôn giáo này là một thách đố cho nhà cầm quyền bởi vì nó khẳng định sự tự do lương tâm trước mặt quyền bính xã hội.

Để phản biện lại, ông Origène cho thấy rằng đạo Kitô không làm rối loạn trật tự xã hội; ngược lại, nhờ đời sống đức hạnh của họ mà phong hóa xã hội được cải thiện. Đây là chứng cớ mạnh mẽ nhất để bênh vực tôn giáo mới.

2/ Ông Porphyrius (k.232-305)

Vào khoảng năm 270, triết gia Porphyrius (môn đệ của Plotinô, thuộc trường phái tân Platon) đã viết một tác phẩm tựa đề “Chống lại người Kitô giáo” (Contra christianos), gồm 15 quyển. Tiếc rằng tác phẩm này đã bị hoàng đế Constantinô ra lệnh đốt vào năm 325, vì thế nó chỉ còn được lưu lại vài mảnh, qua các sách mà các văn hào Kitô giáo viết để trả lời các luận cứ của ông.

Những công kích của ông Porphyrius chống lại Kitô giáo vừa dựa trên lý luận triết học vừa rút từ chính Kinh thánh.

Dưới khía cạnh triết học, ông đả kích chủ trương độc thần của Kitô giáo. Thế giới này phải có nhiều thần linh chứ không thể chỉ có một thần. Và tuy dù Kitô giáo chủ trương độc thần trên lý thuyết, nhưng trên thực tế thì họ cũng chấp nhận trên thiên giới có nhiều thiên thần.

Đi sâu vào các tín điều của Kitô giáo, ông Porphyrius còn vạch ra lắm điều phi lý hơn nữa. Kitô giáo chỉ trích các tôn giáo khác là thờ ngẫu tượng (thần linh hiện diện trong các tượng đúc bằng gạch đá), nhưng lại tin rằng Thiên Chúa đáp xuống lòng dạ của một trinh nữ. Làm thế nào mà Con Thiên Chúa lại có thể sinh ra, chịu khổ hình và chết được?

Bước sang đạo lý cánh chung, ông Porphyrius không thể nào chấp nhận được chuyện thân xác con người sẽ có thể sống lại, hay vũ trụ vật chất  sẽ được biến đổi.

Ông Porphyrius đã có cơ hội đọc Sách thánh của đạo Kitô giáo và ông đã vạch ra rất nhiều điều nghịch lý và vô luân trong đó. Không những ông Phêrô, ông Phaolô và các môn đồ là những con người tội lỗi đầy mình, mà chính ông Giêsu cũng chẳng phải là một nhà quân tử. Tại sao khi bị điệu ra trước toà án, ông Giêsu cứ giữ thái độ thinh lặng thay vì lợi dụng cơ hội để giảng giải chân lý cho tổng trấn Philatô và thượng hội đồng Do Thái để cải thiện họ? Tại sao sau khi sống lại, ông Giêsu không hiện ra cho nhà cầm quyền Rôma và Do Thái mà lại hiện ra cho mấy bà nhà quê?

Ông Porphyrius không quên vạch ra những điều mâu thuẫn trong các sách Cựu ước và Tân ước, chẳng hạn như giữa hai bản gia phả của đức Giêsu theo Matthêu và Luca, hay giữa bốn trình thuật về cuộc Tử nạn đức Giêsu.

Những vấn nạn của ông Porphyrius đã gợi lên việc xuất bản nhiều tác phẩm từ phía các giáo phụ để trả lời: Methôđius Olympus, Eusêbius Cêsarêa, Apollinaris Laođicêa, và thánh Giêrôrimô.

D. Kitô giáo với triết học cổ điển

Tuy rằng thế giới Hy Lạp và Rôma là nơi phát sinh của nhiều trường phái triết học cổ điển của Tây phương, nhưng vào đầu Công nguyên, trường phái mạnh thế hơn cả là thuyết Platon. Thực ra, vào thời này, giới trí thức không còn cảm thấy bị thu hút bởi những lý luận cao siêu. Nhiều người chỉ muốn tìm một triết lý thực dụng, và không ngại pha trộn nhiều học thuyết khác nhau. Vì thế học thuyết của Platon cũng được  dung hợp với học thuyết của Aristote và phái Stoa, như ta thấy nơi ông Plutarcô và hoàng đế Marcus Aurelius. Nhiều nhà tư tưởng của Kitô giáo cũng đã hấp thụ bầu khí văn hóa đó, và họ cũng muốn đối thoại với các đồng nghiệp của mình.

1/ Có lẽ giáo phụ đầu tiên đương đầu với triết học Hy Lạp là ông Giustinô[4], tác giả của hai quyển sách “Hộ giáo” (Apologia) và “Đối thoại với ông Tryphô” (Dialogus cum Tryphone).  Trong tác phẩm cuối, ông đã thuật lại hành trình của bản thân đi tìm chân lý. Sinh trưởng bên Palestina tại Flavia Neapolis, một thành phố đã hấp thụ văn hóa Hy Lạp, ông Giustinô đã đi tìm tòi chân lý nơi các trường phái Stoa, Aristote, Pytagoras, Platon, và sau cùng đã gặp được đức tin Kitô giáo khi chứng kiến cuộc tử đạo của các tín hữu. Theo ông, việc gặp gỡ Kitô giáo là đích điểm của cuộc hành trình tìm kiếm chân lý. Đức tin Kitô giáo không cắt đứt khỏi những gì mà ông đã học hỏi trước đây ở nơi các nền triết học. Lấy lại một tư tưởng của phái Stoa, Logos spermatikos (mầm mống của chân lý), ông Giustinô cho rằng Đức Giêsu Kitô là Logos trở thành nhục thể. Logos đã hiện hữu từ muôn thuở, và đã tỏ hiện không những là cho ông Môsê và các ngôn sứ của dân Do Thái nhưng còn gieo rắc những mầm chân lý cho các triết gia và các pháp gia của dân ngoại. Vì thế đạo Kitô là đích điểm của dòng trường giang của lịch sử nhân loại, khởi đầu từ triết học Hy Lạp và trải qua các ngôn sứ Do Thái. Các triết gia Hy Lạp cũng được thông dự vào Logos. Đạo Kitô đánh dấu mức độ sung mãn của Logos. Vì thế các triết gia hãy hướng đến đạo Kitô, nơi mà triết học sẽ được kiện toàn.

Trong số những giáo phụ tỏ ra thái độ cởi mở đối với văn hóa Hy Lạp, ngoài ông Giustinô vừa nói, cần phải kể đến ông Clêmentê và ông Origène (đầu thế kỷ III). Cả hai đều mở trường học tại Alexandria, thủ đô văn hóa của Ai cập, nơi  đã diễn ra cuộc đối thoại giữa văn hóa Hy Lạp và tư tưởng Do Thái ngay từ trước Công nguyên[5], đặc biệt nhờ ông Philô[6]. Ông Clêmentê tiếp tục hướng đi của ông Giustinô, khi chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã ban cho dân Hy-lạp những mầm mống chân lý, dường như chuẩn bị cho sự mặc khải chân lý toàn vẹn nơi Đức Kitô[7]. Ông Origène đi xa hơn nữa, khi khẳng định rằng các tín hữu cần phải học hỏi triết học Hy Lạp để vừa đào sâu thêm sự hiểu biết về Kinh thánh vừa bênh vực đức tin chống lại những cuộc tấn công của người ngoại giáo[8]. Chinh ông đã viết một khảo luận để trả lời những luận điệu vu khống của ông Celsus.

 2/ Tuy nhiên, đối lại thái độ cởi mở của ông Giustinô, cũng cần phải nhắc đến thái độ khép kín, điển hình nơi một đồ đệ của ông Giustinô là ông Taxianô. Trong tập sách “Đối thoại với người Hy Lạp” (Cohortatio ad Graecos), ông ta không cảm thấy hổ thẹn vì nhãn hiệu “man di” mà người Hy Lạp gán cho dân tộc Siria của mình. Trái lại, ông coi nền văn minh Hy Lạp chẳng có giá trị gì hết, bởi vì  toàn là góp nhặt từ các dân tộc bị coi là “man di”. Triết học Hy Lạp không bắt nguồn từ Logos nhưng là từ ma quỷ: bằng cớ là sự xuất hiện của biết bao nhiêu trường phái triết học bài kích chống đối lẫn nhau. Cái gọi là “Văn minh Hy Lạp” thực ra chỉ là văn hóa đồi trụy vô luân (gastrimargia) mà thôi.

Ông Tertullianô[9] cũng chủ trương triết học ngoại giáo với câu tuyên bố bất hủ: “Giêrusalem và Athenes không đội trời chung, cũng tựa như bọn lạc giáo với các tín đồ vậy”[10]. Lập luận tương tự cũng gặp thấy nơi ông Hippolytus, Epiphanius: họ cho rằng các lạc thuyết đều bắt nguồn từ các nền triết học.

Ông Giustinô và ông Taxianô là điển hình của hai thái độ trái ngược nhau trong hàng ngũ các giáo phụ khi đánh giá triết học Hy Lạp: một bên thì nhận thấy những vết tích của chân lý, một bên thì chỉ thấy mầm mống gieo rắc sai lạc. Tuy nhiên, cho dù có đả kích văn hóa Hy Lạp đi nữa, thì các giáo phụ cũng đã chịu ảnh hưởng cách nào đó do nền giáo dục đương thời mà họ đã hấp thụ.

Phải chờ đến các thế kỷ sau, chúng ta mới thấy các giáo phụ dứt khóat nghiêng về thái độ đối thoại với văn hóa, tựa như Eusêbiô, Basiliô, Augustinô. Dù sao, khi nói tới việc đối thoại với văn hóa Hy Lạp, chúng ta đừng nên chỉ giới hạn vào việc thâu thái các luồng triết học, nhưng cần phải thêm cả nền giáo dục nhân bản nữa, chẳng hạn như khoa biện luận, tu từ, cần thiết cho lối viết văn, nghị luận hay diễn thuyết, và kể cả tuồng kịch nữa.

E. Phái ngộ đạo

Khi bàn về bối cảnh văn hóa tôn giáo của thời các giáo phụ, cần phải dành ra một mục cho hiện tượng ngộ giáo. “Ngộ giáo” (hay: ngộ đạo) dịch bởi danh từ gnosticismus, (gốc bởi danh từ Hy Lạp gnosis: sự hiểu biết, tri thức; gnostikos: người tinh thông, hiểu biết, giác ngộ. Ngộ = biết). Triết gia Pytagoras (thế kỷ 6 trước CN) đã phân biệt hai loại hiểu biết: một thứ hiểu biết phổ thông (exôtica) và một thứ hiểu biết cao siêu (exôtêrica) mà chỉ có bậc siêu quần mới đạt thấu. Sự phân biệt sẽ còn được sử dụng nhiều lần trong lịch sử triết học và thần học, chẳng hạn như vào thế kỷ III, ông Clêmentê Alexandria phân biệt hai cấp độ hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa: một thứ hiểu biết thông thường nhờ đức tin, và một thứ hiểu biết cao siêu nhờ sự học hỏi thần học.

Tuy nhiên, danh từ “ngộ giáo” (gnosticismus) được đặt cho một trào lưu tín ngưỡng chủ trương đi tìm hiểu các mầu nhiệm thiên giới nhờ những phương pháp chiêm tinh và những học thuyết cao vời mà chỉ được truyền thụ cho những ai gia nhập đạo.

Có người coi nó như là một phong trào triết học, có người coi nó như một tín ngưỡng. Một điểm gây khó khăn trong việc xác định căn cước của nó  ở tại  chỗ sự “hiểu biết” nói đây không chỉ giới hạn vào lãnh vực trí tuệ, nhưng là một thứ hiểu biết mang lại sự cứu độ cho con người. Để được cứu độ, con người cần đạt đến mức nhận thức rằng mình mang một mầm mống thiên tính  trong người. Để đạt tới sự hiểu biết đó, con người không những chỉ học hỏi nghiền ngẫm đạo lý nhưng còn phải thực hành vài nghi thức huyền bí nữa. Nói cách khác, phong trào ngộ giáo được tổ chức thành từng nhóm, với cơ cấu phẩm trật, hệ thống đạo lý và lễ nghi không khác gì một tôn giáo. Nó xuất hiện vào thế kỷ II của Kitô giáo và phát triển cho đến thế kỷ IV.

1/ Bản tính và nguồn gốc

Về bản chất và nguồn gốc của ngộ giáo, các học giả đã chia thành nhiều khuynh hướng.

a) Một khuynh hướng (tượng trưng bởi A. Harnack, S. Petrement, M. Simonetti) cho rằng ngộ giáo là một lạc thuyết của Kitô giáo, nảy sinh từ những nhà hộ giáo muốn thích ứng mặc khải Kitô giáo vào triết học Hy Lạp. Họ muốn chứng minh cho thấy đức tin không trái nghịch với lý trí; ngược lại, đạo Kitô mang lại sự hiểu biết cao siêu mà các triết gia đang tìm tòi. Theo khuynh hướng này, yếu tố then chốt của “ngộ giáo” là triết học Hy Lạp. Vài nhà tư tưởng Kitô giáo đã tìm cách sử dụng những khái niệm siêu hình của triết học để giải thích mặc khải, thế nhưng họ đã thất bại. Tuy nhiên, ở mức độ này, có lẽ sự “thông biết” còn giới hạn vào lãnh vực trí tuệ chứ chưa trở thành một tín ngưỡng theo nghĩa “ngộ giáo”.

b) Một khuynh hướng khác nhấn mạnh đến các yếu tố huyền thoại trong thuyết ngộ giáo (chẳng hạn như W. Bousset, R. Reitzenstein, thuộc trường phái “Tôn giáo đối chiếu”, Religionsgeschichtliche Schule ). Theo họ, ngộ giáo là một hiện tượng đã xuất hiện trước và ngoài Kitô giáo, nó xâm nhập vào nhiều tôn giáo, thậm chí vào cả đạo Do Thái nữa. Nó bắt nguồn từ Iran rồi lan sang Tây phương. Ảnh hưởng của nó rất phổ quát, bởi vì nó đã để lại dấu vết nơi ông Philô Alexandria và thậm chí nơi các tác giả Kitô chống lại nó (như Plôtinô, Origène).

2/ Các khuynh hướng

Cho dù có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của ngộ giáo, nhưng trên thực tế, các sử liệu về ngộ giáo còn lưu lại đến nay là do các văn hào Kitô giáo viết ra, chẳng hạn: Irênê (Adversus haereses), Hippolytus (Refutatio omnium haeresium). Các giáo phụ đã phải đương đầu với ngộ giáo bởi vì thấy nó trái ngược với đức tin Kitô giáo do các thánh tông đồ truyền lại.

a) Thánh Irênêô cho rằng thủy tổ của ngộ giáo là ông phù thủy Simon (được nhắc đến ở Tông đồ công vụ 8,9-24). Ông đã dùng ma thuật để quyến rũ dân chúng Samaria. Ngộ giáo mang hình thù cụ thể với ông Saturnilô (hay Saturninô) vào đầu thế kỷ II. Ông ta giải thích sách Sáng thế theo hướng nhị nguyên: trên đời này có hai hạng người, người lành và người dữ. Cain điển hình cho người dữ, con cái của ma quỷ. Thế giới vật chất do Ác thần dựng nên; thân xác và hôn nhân cũng là hậu quả của hắn. Trong quyển Ngụy thư của Gioan, ông Saturnilô còn khẳng định rằng Thiên Chúa của Cựu ước (vị Hóa công dựng nên trời đất) là một con quỷ tên là Ialđabaoth. Hắn đi ăn ở với bà Evà, sinh ra hai đứa con Cain và Abel.

b) Tuy nhiên, xem ra đó chỉ là một hình thức ngộ giáo của đạo Do Thái, giải thích sách Sáng thế theo lối nhị nguyên. Vào năm 1945, tại Nag Hammađi (Ai cập), người ta tìm được một thư viện chứa các sách ngộ giáo viết vào hậu bán thế kỷ II bằng tiếng Coptic, với nhiều hình thức ngộ giáo khác nữa. Tuy cũng giải thích nguồn gốc vũ trụ theo hướng nhị nguyên, nhưng thuyết của ông Basilides phản ánh tư tưởng của thuyết Platon. Ông Basilides trình bày một vũ trụ như là phát xuất (emanatio) bởi bản tính thần linh, với các cấp độ suy thóai.

c) Thánh Irênê (Adversus Haereses, 3,4,3) còn nói đến một hình thức ngộ giáo xuất hiện tại Rôma vào giữa thế kỷ II (k.140-160) do ông Valentinô lãnh đạo. Ông đã tạo ra một phong trào lan rộng cả bên Đông lẫn bên Tây. Phía Đông, từ trung tâm là thành phố Alexandria, nó bành trướng sang Ai cập, Siria, Tiểu Á, với các nhân vật tiêu biểu là Têôđôtô, Marcô. Phía Tây, phong trào từ Rôma lan ra Italia và Gallia, với khuôn mặt tiêu biểu như Tolômêô và Hêraclêôn.

Ngoài hình thức của nhóm Valentinô, các giáo phụ của các thế kỷ II và III[11] còn phải đương đầu với vài nhóm khác không kém phần nguy hiểm, tựa như Markiôn (đã nói trên đây, khi bàn về tương quan với đạo Do Thái), Mani (nhóm Manikê).

3/ Học thuyết căn bản

Tuy mang nhiều nguồn gốc và hình thức khác nhau, nhưng các nhóm ngộ giáo gặp nhau ở vài điểm chung, đó là quan niệm về vũ trụ và về con người.

a) Điểm thứ nhất là quan niệm nhị nguyên (hai nguyên ủy) về vũ trụ. Thiên Chúa là một Hữu thể cao vời. Đối lại là Vật chất, nguyên ủy của sự Dữ. Hai nguyên ủy ấy đối lập với nhau. Tuy vậy giữa hai nguyên ủy ấy có rất nhiều cấp độ giao liên. Từ Thiên Chúa tối cao, phát xuất ra rất nhiều hữu thể theo chiều hướng sa đoạ tiệm tiến, từ cấp tinh thể cho đến cấp độ thuần túy vật chất.

Đứng giữa biên cương chuyển tiếp giữa thiên thể và hạ giới là một Vị Hóa công (Demiurgus), cai quản thế giới vật chất, nơi mà con người đang sống.

b) Con người vốn thuộc vào hàng thiên thể, nhưng vì sa đoạ nên bị đặt ở dưới quyền lực của Hóa công. Tinh thần của con người bị nhốt trong thân xác. Chính vì thế mà con người cảm thấy trong mình một cuộc giao chiến giữa thiện với ác, giữa tinh thần với vật chất. Vì bắt nguồn từ thiên giới, con người mong muốn được quay về với thiên giới. Tiến trình trở về có thể thực hiện nhờ sự mặc khải của một Đấng từ trên trời xuống.

c) Phái ngộ giáo đã áp dụng những quan điểm về vũ trụ và nhân sinh ấy vào mặc khải Kitô giáo. Đức Kitô chính là vị Cứu tinh từ trời xuống để mặc khải cho con người biết bản tính thiên thể của mình. Đức Kitô là một thiên thể, chứ không phải là một con người sinh bởi bà Maria. Đức Kitô không có thân xác. Đức Kitô chỉ truyền thông mặc khải cho một số ít người được tuyển chọn. Đức Kitô mặc khải cho biết một Thiên Chúa của tình yêu, đối lại với Đấng Hóa Công của Cựu ước.

d) Do quan điểm nhị nguyên về vũ trụ, phái ngộ đạo đối chọi thể xác với tinh thần, cũng như đối chọi giữa Cựu ước với Tân ước. Trong việc thực hành luân lý, các thành viên của phái ngộ đạo tuân theo một chế độ khắc khổ, hành hạ thân xác ngõ hầu giúp cho tinh thần sớm được giải thoát trở về thiên giới. Mục tiêu của việc thực hành khổ chế và nhiệm tích là trở về kết hiệp với Thiên Chúa, trở thành một với Ngài.

Các giáo phụ nhận thấy mối nguy hiểm mà ngộ giáo gây ra cho đức tin Kitô giáo ở chỗ nó bóp méo tất cả mầu nhiệm Nhập thể. Đức Kitô không còn phải là Thiên Chúa làm người, nhưng chỉ có vẻ dáng con người mà thôi. Một cách tương tự như vậy, chân lý về sự phục sinh thân xác bị coi nhẹ. Mặt khác, nhóm ngộ giáo coi thường truyền thống đạo lý của Hội thánh, bởi vì đối với họ, mặc khải chân chính chỉ được truyền thụ cách kín nhiệm cho những ai gia nhập nhóm (chứ không phải là qua giáo huấn đức tin).

II. Giai đoạn Hai

Trong bài này, chúng tôi dựa theo tình hình của Kitô giáo trong xã hội Rôma, để phân chia thời các giáo phụ làm hai giai đoạn chính, với dấu mốc là chiếu chỉ của hoàng đế Constantinô nhìn nhận cho Kitô giáo như tôn giáo hợp pháp (religio licita). Trong giai đoạn đầu, các Kitô hữu bị cấm cách, nên chưa thể hoạt động tự do. Thần học giới hạn vào lãnh vực hộ giáo. Sang giai đoạn hai, Kitô giáo không những được chính quyền cho phép hoạt động, mà còn được hưởng nhiều ưu đãi dành cho quốc giáo, kèm theo mặt phải và mặt trái của nó. Mặt phải là chính quyền hỗ trợ việc xây cất các thánh đường, tổ chức các cuộc họp của các giám mục. Mặt trái là chính quyền muốn dùng Giáo hội làm công cụ, và muốn áp đặt một chủ trương không luôn luôn phù hợp với đức tin, khiến cho nhiều giám mục phải nếm cảnh bắt bớ lưu đày vì dám bênh vực chân lý.

Bên cạnh dấu mốc chính trị (chiếu chỉ của hoàng đế Constantinô cho phép Kitô giáo hoạt động, năm 313), còn một dấu mốc nữa là công đồng Nixêa (năm 325). Công đồng đánh dấu một khúc ngoặt quan trọng trong lịch sử đức tin, khi các giám mục họp nhau để định nghĩa một tín điều bằng việc sử dụng một phạm trù triết học (Đức Giêsu Kitô “đồng bản thể” homoousios với Chúa Cha), mặc nhiên xác nhận sự ích lợi của việc đối thoại văn hóa. Tuy nhiên sự phát triển thần học diễn ra không đồng đều giữa các giáo phụ bên Đông (Hy-lạp) và bên Tây (La-tinh). Các giáo phụ Hy-lạp, với hai trường phái nổi bật là Alexandria và Antiôkia, tập trung vào các mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (công đồng Nixêa, Constantinopolis) và bản tính Đức Giêsu Kitô (công đồng Êphêsô và Calxêđônia). Các giáo phụ bên Tây chú ý đến ơn sủng và đời sống đạo, điển hình là thánh Augustinô. Chúng tôi sẽ trình bày hai mục: 1/ Sự thành hình văn hóa Kitô giáo. 2/ Việc áp dụng triết học vào đức tin.

A. Sự thành hình văn hóa Kitô giáo

Kể từ hoàng đế Constantinô, Kitô giáo đã được tự do hành đạo và sau đó trở thành quốc giáo trong Đế quốc Rôma. Phần đông các sử gia chỉ dừng lại ở chỗ nghiên cứu sự liên kết giữa chính quyền với Giáo hội, chứ ít người đi sâu hơn để tìm hiểu ảnh hưởng của Kitô giáo đối với sự thay đổi xã hội đương thời. Thực ra, không biết đã có vị giáo phụ đã hoạch định một kế hoạch quy mô phải đưa Tin mừng thấm nhập các môi trường xã hội hay không, nhưng chắc chắn là đã có hơn một vị đã ý thức được rằng việc rao giảng Tin mừng không thể nào chỉ giới hạn vào việc hoán cải cá nhân mà còn cần bao gồm sự thay đổi cả não trạng và lối sống của một cộng đồng xã hội nữa.

Công cuộc đối thoại giữa Tin mừng với văn hóa đương thời không phải là một chuyện đơn giản. Trước đây, ông Tertullianô đã không muốn cho Kinh thánh đội trời chung với triết học Hylạp. Giờ đây, những tín hữu đã từng bị Đế quốc Rôma bách hại cũng không chịu chấp nhận bắt tay với kẻ thù. Đối với họ, đời sống đạo sẽ sa sút trầm trọng khi được hưởng những ưu đãi của chính quyền. Theo nhiều sử gia, đây là lý do thúc đẩy một số tín hữu từ bỏ thành thị rút lên sa mạc, mở màn cho phong trào đan tu trong Hội thánh vào thế kỷ IV[12].

Dù sao, một điều không thể chối cãi là nhờ những hoàn cảnh thuận tiện của bối cảnh chính trị mới, một nền văn hóa Kitô đã thành hình, bắt nguồn từ việc các tín hữu hấp thụ triết học, văn chương, nghệ thuật cổ điển, và rồi họ sử dụng kiến thức ấy để diễn tả chân lý mặc khải. Điều này đã được khởi sự từ Alexandria với các ông Clêmentê, Origène, và bành trướng mạnh mẽ hơn kể từ khi môi trường xã hội và chính trị không còn thù nghịch với Kitô giáo nữa. Các bậc phụ huynh đã có thể gửi con em mình đến các trung tâm văn hóa thời danh[13]. Từ miền Cappađôxia, Basiliô và Grêgôriô Nazianzênô đã đi du học bên Athènes  để nghiên cứu triết học. Các nhà hùng biện, ngữ học tại Rôma (tuy không phải là Kitô hữu) đã lôi cuốn Augustinô từ Bắc Phi, Giêrônimô từ Đalmaxia. Đó là chưa nói đến các thẩm phán, các chính trị gia đã có kinh nghiệm trị nước trước khi trở thành giám mục hoặc giáo hoàng như trường hợp của Ambrôsiô, Grêgôriô I.

Sự thành hình của một nền văn hóa Kitô giáo được hiểu như là việc diễn tả đức tin Kitô qua các biểu tượng của văn hóa đương thời: từ nghệ thuật kiến trúc cho đến văn chương thi ca, từ các tư tưởng triết học cho đến các luật lệ luân lý chi phối cuộc sống xã hội.

– Nghệ thuật và kiến trúc được sử dụng trong việc xây cất các thánh đường, hoặc việc điêu khắc minh họa dựa theo các chủ đề Kitô giáo.

– Văn chương Kitô giáo mang nhiều hình thức: thi phú, biện luận, lịch sử. Đặc biệt là nhiều giáo phụ đã áp dụng các quy tắc về hùng biện trong việc rao giảng Lời Chúa hay tranh luận với các lạc thuyết, đó là chưa kể những phương pháp được sử dụng trong việc chú giải Kinh thánh; hoặc các hình thức văn chương bình dân (thí dụ thi ca, âm nhạc) được dùng trong công tác huấn giáo và cử hành phụng vụ.

– Pháp lý. Các công đồng sử dụng nhiều từ ngữ pháp luật để diễn tả các thực thể của đời sống Giáo hội (chẳng hạn: auctoritas, potestas, ordo, decreta, constitutio). Ngoài ra, ảnh hưởng của luật Rôma cũng chi phối đến các khế ước (cách riêng là hôn ước), cũng như tổ chức hành chánh (các giáo tỉnh: provincia). Đối lại, dân luật Rôma cũng được thay đổi do ảnh hưởng của Kitô giáo, chẳng hạn: hạn chế sự ly dị phá thai, cải cách chế độ nô lệ và tù nhân. Chính qua các sắc luật này mà phần nào Hội thánh có cơ hội áp dụng giáo huấn Tin mừng vào đời sống xã hội: các tổ chức từ thiện, việc bênh vực những kẻ yếu thế.

– Triết học. Nhiều từ ngữ triết học đã được các công đồng sử dụng để định nghĩa các tín điều, chẳng hạn như: bản thể, ngôi vị (substantia, persona). Dĩ nhiên là các giáo phụ còn sử dụng rất nhiều từ ngữ và tư tưởng triết học  trong việc trình bày đạo lý Kitô giáo. Ngoài ra, cũng nên ghi nhận tên tuổi của hai triết gia Kitô giáo vào thời này, đó là ông Boêtius (k.470-525) và ông Cassiodorus (k.485-580), cả hai đều thuộc dòng dõi quý tộc Rôma.

Từ năm 504, ông Boêtius bắt đầu dịch các tác phẩm của Platon và Aristote từ tiếng Hy-lạp sang tiếng La-tinh, và ông được nổi danh trong suốt thời Trung cổ nhờ tác phẩm De consolatione philosophiae (viết vào cuối đời, trong thời gian bị giam tù vì tình nghi âm mưu lật đổ chính quyền). Ông đã tìm lời giải đáp cho vấn nạn: tại sao trên đời này, người gian ác thì thành công còn kẻ ngay chính thì gặp hoạn nạn? Nội dung của tác phẩm bàn về những đề tài then chốt của triết học tựa như: định mạng, hạnh phúc, tự do, thiện ác, may rủi, phúc họa,v.v… Tác giả lập luận dựa theo các phương pháp triết học cổ điển, chứ không sử dụng tới các đạo lý mạc khải.

Ông Cassiođorus cũng thuộc dòng quý tộc Rôma và cũng đã tham dự chính quyền, nhưng không bị rơi vào cảnh thất sủng như ông Boêtius. Sau khi chấm dứt họat động  chính trị, ông rút lui về một đan viện ở Calabria (miền nam nước Italia). Tại đây ông biên sọan các tác phẩm (nổi tiếng nhất là Institutiones divinarum litterarumInstitutiones saecularium litterarum) nhằm truyền thụ văn minh La-tinh cổ điển (triết học, văn chương, nghị luận) cho những ông chủ mới đến chiếm đóng. Với một thư viện đồ sộ mà ông trang bị cho đan viện Vivarium, ông muốn góp phần vào việc đào tạo các đan sĩ sẽ lên đường đi truyền giáo cho Âu châu do người man di cai trị.

B. Việc áp dụng triết học vào việc giải thích đức tin

Một đặc tính của văn hóa Kitô giáo vào thời hoàng kim của các giáo phụ là sự xuất hiện của các trường phái. Lúc đầu, các trường phái được hiểu theo nghĩa chặt như là hai trường học Kinh thánh tại AlexandriaAntiôkia: mỗi trường phái áp dụng một phương pháp khác nhau trong việc giải thích Kinh thánh. Trường Alexandria chú trọng đến nghĩa ám dụ (sensus allegoricus); trường Antiôkia nhấn mạnh đến nghĩa văn (sensus litteralis). Kèm theo chủ trương về phương pháp chú giải Kinh thánh, mỗi trường cũng thiên về một  triết thuyết  khác nhau: Alexandria nghiêng về thuyết Platon, Antiôkia ngả theo thuyết Aristote.

Sự khác biệt về phương pháp nghiên cứu sớm muộn gì cũng đưa tới những đường hướng khác nhau về kết luận thần học, đặc biệt khi bàn về mầu nhiệm Đức Kitô. Trường Alexandria nặng về chiều hướng huyền bí, đề cao thiên tính của ngài; trường Antiôkia chú trọng trên thực tại lịch sử và chú trọng đến nhân tính của ngài. Nói cho cùng, nguồn gốc của các “lạc giáo” là sự khó khăn dung hòa giữa tư tưởng triết học với mặc khải đức tin. Điều này thúc đầy các giáo phụ “chính thống” phải tìm những ngôn ngữ để diễn tả chính xác chân lý mặc khải. Câu chuyện này khá dài, và chúng tôi chỉ xin trưng ra hai thí dụ để minh họa: 1/ Các giáo phụ Đông phương với mầu nhiệm Thiên Chúa. 2/ Các giáo phụ Tây phương và con người.

1/ Mầu nhiệm Thiên Chúa.

Bảy công đồng hoàn vũ đầu tiên đều diễn ra bên Đông phương, bàn đến các vấn đề liên quan đến Thiên Chúa tam vị và Đức Kitô.

a) Các thách đố

Khi trình bày đạo lý về Thiên Chúa, các giáo phụ phải đương đầu với ba thách đố lớn:

(i) Đối với xã hội đương thời chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần, cần phải nhấn mạnh đến Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo dựng vũ trụ và Chủ tể vạn vật.

(ii) Đối với đạo Do Thái vốn đã tin vào Thiên Chúa duy nhất, cần phải dung hoà niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất với niềm tin Đức Kitô là Chúa.

(iii) Đối với vài nhóm ngộ giáo chủ trương có hai Chúa (Thiện và Ác), đặc biệt là nhóm Markiôn đối chọi giữa Thiên Chúa của Cựu ước và Thiên Chúa của Tân ước, cần nhấn mạnh rằng chỉ có một Thiên Chúa chung cho cả hai giao ước. Ngoài chủ trương nhị nguyên, một khuynh hướng khác của nhóm ngộ giáo cho rằng Thiên Chúa rất cao vời và không đụng tới vật chất. Vì vậy họ chối bỏ mầu nhiệm Nhập thể: theo họ, Đức Giêsu chỉ có dáng vẻ là con người chứ không phải là người thật (thuyết ảo nhân: docetismus). Một hệ luận khác là việc tạo dựng thế giới được trao cho vị Hóa công (Demiurgus): vị Hóa công là trung gian giữa Thiên Chúa thuần thiêng và thế giới vật chất. Con đường cứu độ hệ tại việc thoát ly khỏi vật chất và trở về với sự hiểu biết (giác ngộ: gnosis).

Chúng ta nói đến ba “thách đố” chứ không phải là ba “kẻ thù”, bởi vì trên thực tế khi tìm cách đối thoại tôn giáo hoặc hội nhập văn hóa, Giáo hội cũng tìm thấy đồng minh nơi đó. Cụ thể là khi đương đầu với thách đố của các tôn giáo đa thần, các giáo phụ tìm thấy đồng minh ở nơi đạo Do thái cũng như nơi các triết gia Hy lạp. Thực vậy triết học Hy lạp đã cung cấp không những là luận cứ chứng minh sự hiện hữu của một Thiên Chúa mà cả những từ ngữ diễn tả các ưu phẩm của Ngài, chẳng hạn như: siêu việt, hằng hữu, vô hình, bất biến, căn nguyên của mọi chuyển động. Tuy vậy, các đồng minh này cũng đặt ra nhiều vấn nạn.

Các triết gia Hy lạp nhấn mạnh đến sự siêu việt của Thiên Chúa cho nên không muốn cho Ngài nhúng tay vào lịch sử nhân loại; thuyết ngộ giáo bắt nguồn từ đó. Ngược lại, đạo Do thái quan niệm rằng Thiên Chúa là một Đấng quan phòng đến cuộc sống con người, Đấng đã can thiệp vào lịch sử và đã thiết lập giao ước với một dân tộc.

Nói đến đây, chúng ta có thể hiểu được rằng thách đố lớn nhất cho sứ điệp Kitô giáo là: làm thế nào dung hoà giữa niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất với niềm tin vào Đức Kitô là Chúa: phải chăng là có hai Chúa? Hay là Đức Kitô chỉ là Chúa cấp hai?

Thắc mắc: tại sao các câu hỏi lại được đặt lên vào thời các giáo phụ, chứ không được đặt ra cho các thánh tông đồ? Xin thưa rằng tại vì bối cảnh văn hóa đã thay đổi. Thật vậy, thánh Phaolô và thánh Gioan đã trình bày Đức Kitô cho những người sống trong vùng văn hóa Do thái. Hai thánh tông đồ muốn đề cao tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của mình cho họ. Việc nghiền ngẫm chân lý ấy sẽ đưa ta đến tâm tình cảm mến ngợi khen. Nhưng các tín hữu chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp thì không dừng lại ở đây. Sau khi nghe trả lời cho câu hỏi: “Đức Kitô đã làm gì cho tôi?”, họ còn muốn biết thêm: “Đức Kitô là ai?”. Nói khác đi, văn hóa Hy lạp mang não trạng truy tầm về bản thể (ontologia), chứ không dừng lại ở cấp độ hành động hay sự nghiệp (functio). Các giáo phụ đã cố gắng sử dụng những phạm trù tư tưởng Hy lạp để đào sâu các dữ kiện mạc khải. Vào thế kỷ III, công tác này chỉ mới manh nha, và chỉ được kiện toàn tại các đại công đồng vào hai thế kỷ IV và V.

Chúng ta vừa nói đến những thách đố được đặt ra cho các giáo phụ khi trình bày sứ điệp Tin mừng, đặc biệt từ phía triết học Hy lạp và từ phía đạo Do thái. Những thách đố này ảnh hưởng cách riêng đến bản thân của Đức Giêsu. Kitô giáo tuyên xưng một Thiên Chúa, chứ không thể nào chấp nhận có hai hoặc ba Thiên Chúa. Vì vậy, để dung hòa với niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là điều phù hợp với lý trí, nhiều giải pháp đã được đề ra:

-Đức Giêsu chỉ có dáng vẻ con người, chứ không phải là người thật (thuyết ảo nhân: docetismus).

-Đức Giêsu là người thật, được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa (thuyết dưỡng tử: adoptionismus).

-Đức Giêsu là người thật, là tôi trung của Thiên Chúa, một nhân vật siêu việt. Ngài là Logos của Thiên Chúa, nhưng là Logos được tạo thành.

b) Câu trả lời của các công đồng

Để xác định bản tính của Đức Kitô cũng như những tương quan giữa Ba ngôi Thiên Chúa, các công đồng thuộc thế kỷ IV và V đã phải sử dụng các thuật ngữ triết học. Chúng ta hãy nghe hai đoạn 251 và 252 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo:

  1. Để công thức hoá tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh phải triển khai một thuật ngữ riêng, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học, như: “bản thể” (substantia), “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis), “tương quan” (relatio) v.v…. Làm như vậy, Hội Thánh đã không giao phó đức tin cho sự khôn ngoan phàm nhân, nhưng đã cho các từ ngữ này một ý nghĩa mới, chưa từng biết đến, những từ ngữ này từ nay sẽ được sử dụng để nói lên mầu nhiệm khôn tả, vốn “vô cùng vượt trên mọi điều chúng ta có thể hiểu được theo cách thức phàm nhân”.
  2. Hội Thánh sử dụng từ “bản thể” (substantia) (hoặc “yếu tính”, essentia hoặc “bản tính”, natura) để chỉ Hữu Thể thần linh trong sự duy nhất của Ngài, từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự phân biệt thật sự với nhau giữa các Ngài, còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sư phân biệt của các Ngài trong vấn đề các Ngài quy chiếu về nhau.

Khuôn khổ của bài báo không cho phép chúng tôi bình luận dài dòng. Chúng ta bước sang thí dụ thứ hai, liên quan đến con người.

2/ Các giáo phụ Tây phương và những vấn đề của con người

Đang khi bên Đông phương, các cuộc tranh luận xoay quanh bản tính của Đức Kitô (với những hệ luận liên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị). Bên Tây phương, các cuộc tranh luận liên quan đến sự đạo đức thánh thiện của Giáo hội cũng như của con người: mối quan tâm là những vấn đề luân lý hay đạo đức, hơn là các vấn đề trừu tượng. Trong lãnh vực này, hai vị thánh đáng được chú ý: thánh Ambrôsiô (339-397) và thánh Augustinô (354-430).

a) Thánh Ambrôsiô

Bên cạnh các tập chú giải Kinh thánh, khảo luận thần học, ngài biên soạn một tác phẩm luân lý, mang tựa đề De officiis ministrorum (Nghĩa vụ của các tác viên). Tuy viết cho hàng giáo sĩ nhưng nó chứa đựng nòng cốt của đời sống luân lý Kitô giáo, vì thế có thể áp dụng cho tất cả các tín hữu. Có thể xem đây là quyển cẩm nang luân lý Kitô giáo tiên khởi được trình bày cách hệ thống. Tác giả dựa theo cuốn sách cùng tựa đề của ông Ciceron. Sách được chia làm 3 quyển. Quyển Một bàn về bốn nhân đức: khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ. Đó là những điều cần thiết để sống “ngay chính” (honestum). Quyển Hai bàn về những điều “hữu ích” (utile) cho cuộc sống: bác ái, hiền hòa, quảng đại. Quyển Ba bàn về sự kết hợp giữa sự “ngay chính” với sự “hữu ích”. Khi lấy lại tư tưởng của ông Ciceron, tác giả cho thấy luân lý Kitô giáo có thể thu nhận luân lý của triết học như thế nào: điều gì có thể chấp nhận, điều gì cần được thanh luyện nhờ đức tin (chẳng hạn trong những vấn đề liên quan đến sự thưởng phạt đời sau).

Như vậy, thánh Ambrôsiô đã du nhập bốn nhân đức từ luân lý Hy-lạp và La-tinh vào Kitô giáo, và đặt tên cho chúng là “trụ chốt” (cardinales) vì là trụ cột cho đời sống luân lý. Các nhân đức này được ví như dòng sông bốn nhánh tưới vườn Địa Đàng nói trong sách Sáng thế (x. St 2,10). Dòng sông tượng trưng cho Chúa Kitô, nguồn mạnh sự sống, nguồn mạch ân sủng thiêng liêng. Xét vì bốn nhân đức phát sinh từ một nguồn cho nên chúng liên hệ với nhau: ai có một nhân đức thì cũng có ba nhân đức kia.

b) Thánh Augustinô

Ngài là một giáo phụ lớn nhất bên Tây phương, không những vì số các tác phẩm đã biên sọan mà còn vì ảnh hưởng đến tư tưởng thần học trong lịch sử Giáo hội.

Danh mục các tác phẩm của thánh Augustinô rất dài (93 tựa đề và 232 tác phẩm), và may mắn là được duy trì hầu như toàn vẹn. Các tác phẩm có thể xếp theo thứ tự thời gian biên soạn (để hiểu biết hoàn cảnh ra đời) hoặc theo văn thể, thuộc nhiều lọai khác nhau: tự thuật, triết học, hộ giáo, tín lý, phi bác lạc thuyết, chú giải Kinh thánh,  luân lý, thư tín, diễn từ. Trong các tác phẩm triết học, tác giả đề cập đến nhiều vấn đề: khả năng của con người đạt đến chân lý (Contra Academicos); về đời sống hạnh phúc (De vita beata); về sự dữ (De ordine); về tính bất tử của linh hồn (De immortalitate animae), về ý chí tự do (De libero arbitrio), về giáo dục (De magistro).

Thật khó lòng tóm tắt lại toàn bộ tư tưởng về triết học và thần học của vị đại tiến sĩ. Chúng tôi chỉ muốn nêu bật vài điểm chính của gia tài mà ngài để lại cho hậu thế.

1/ Về triết học

Tác giả đã tìm cách hòa hợp giữa triết học của Platon và Kitô giáo. Ngoài Platon, thánh Augustinô cũng đã đọc Porphyrius, Plotino, và Ciceron. Nhiều vấn nạn đã được nêu lên, chẳng hạn như:

– Tri thức: ta có thể biết chân lý không? Câu trả lời là con người có thể biết chân lý. Đáp lại vấn nạn của phái hoài nghi, tác giả trả lời chính lúc ta hoài nghi là lúc ta chấp nhận rằng có chân lý mặc dù vào lúc này tôi chưa nhận biết được. Nếu các triết gia cãi nhau, thì ít là họ đã mặc nhiên chấp nhận một sự thật: sự thật là các triết gia đang tranh luận, không đồng ý với nhau.

– Nguồn tri thức. Theo tác giả, có 3 loại tri thức: a) tri thức khả giác, do linh hồn thâu nhận qua giác quan; b) tri thức về các định luật của vũ trụ, nhờ lý trí; c) tri thức về các chân lý hằng cửu (cũng như các ý tưởng về công bình, thiện, mỹ, vv) do sự soi sáng. Về điểm này, tác giả sửa lại ý kiến của ông Platon (giải thích bằng sự hoài niệm của linh hồn hiện hữu từ kiếp trước).

– Lý trí và đức tin. Đức tin Kitô giáo cũng giúp cho Augustinô điều chỉnh tư tưởng của Platon liên quan đến nguồn gốc vũ trụ: vũ trụ do Thiên Chúa tạo dựng chứ không phải xuất phát (emanatio) từ Đấng Tạo hóa. Trong việc giải thích sự xấu, tác giả khẳng định rằng chỉ có một Thiên Chúa (chứ không có hai thần Thiện và Ác theo chủ trương của  đạo Manikê). Sự xấu bắt nguồn từ giới hạn của thụ tạo, và nhất là do tội lỗi của con người.

– Con đường tâm linh. Thánh Augustinô coi trọng con đường nội tâm, như phương thế để khám phá chân lý và Thiên Chúa[14]. Sự hiện hữu của Thiên Chúa được minh chứng bằng sự hiện diện của những chân lý hằng hữu ở trong linh hồn. Những chân lý này đòi hỏi sự cần thiết của một lý lẽ cân xứng. Khi quay về với nội tâm, con người gặp gỡ Thiên Chúa (“biết mình biết Chúa”). Biết con người là biết Thiên Chúa; biết Thiên Chúa là biết con người (“Ubi Deus ibi homo” –  “ubi homo ibi Deus”).

– Lý trí và đức tin không đối lập với nhau, nhưng hỗ trợ cho nhau trên con đường tìm kiếm chân lý: đức tin dẫn đưa lý trí đến chỗ mà tự sức nó không đến được: “intellige ut credas, crede ut intelligas” (Sermo 43,7).

2/ Về con người. Trong cuộc tranh luận với phái Pelagio, thánh Augustinô đã khai triển thần học về sự cứu chuộc, sự công chính hóa và ân sủng, cũng như về các ham muốn, tội nguyên tổ, tình liên đới nhân loại. Tất cả mọi người đều cần đến ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Ơn cứu chuộc bao hàm sự tha thứ tội lỗi và canh tân nội tâm, một tiến trình khởi sự từ đời này nhưng chỉ đạt được sự viên mãn vào lúc phục sinh. Để đạt được sự công chính và trung kiên trong tình trạng ấy, con người cần dến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tác giả đã nói rất nhiều về sự cần thiết, hiệu lực và tính ban-không của ân sủng. Điều này được áp dụng cách riêng khi bàn về sự tiền định: tác giả cho thấy rằng từ khởi sự cho đến hoàn tất đức tin, tất cả đều là do ơn Chúa. Cần thêm rằng những khẳng định của tác giả không chỉ dựa trên nền tảng Kinh thánh mà còn dựa trên kinh nghiệm bản thân: tác giả đã rơi vào đủ thứ lầm lạc về đức tin và luân lý, nhưng nhờ quyền năng của ân sủng mà ông đã trở về với Chúa. Nói cách khác, khi bàn về con người, tác giả không chỉ nhìn dưới khía cạnh tâm lý học, nhưng nhất là dưới khía cạnh ơn cứu độ.

Kết luận. Thành quả của cuộc tiếp xúc đức tin và triết học

Cuộc gặp gỡ giữa đức tin Kitô giáo với triết học Hy-lạp đưa đến triết học Kitô giáo hay là thần học? Thật khó nói, bởi vì xét về nội dung tư tưởng, làn ranh giữa đôi bên không lúc nào cũng rõ rệt. Mặt khác, các giáo phụ không ngại gọi philosophia điều mà ngày nay chúng ta gọi là “thần học” hoặc “linh đạo”, bởi vì các ngài theo sát tầm nguyên của hạn từ: đi tìm sự khôn ngoan, không những để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết mà còn để sống thánh thiện.

Các giáo phụ đã sử dụng nhiều thuật ngữ triết học để giải thích đức tin (chẳng hạn như bản tính, bản thể, ngôi vị, vv…). Vì vậy, có người tố cáo rằng các ngài đã Hy-lạp-hóa Kitô giáo[15]. Ngày nay, chúng ta cần phải lột lớp áo Hy-lạp ấy ngõ hầu Tin mừng có thể hội nhập vào các nền văn hóa khác.

Chúng tôi không thể đi vào vấn đề này, nhưng chỉ xin lưu ý rằng để du nhập tư tưởng Hy-lạp vào Kitô giáo, các giáo phụ đã phải “rửa tội” cho chúng. Vì thế, công trình của các giáo phụ không chỉ là Hy-lạp-hóa Kitô giáo nhưng còn Kitô-hóa triết học Hy-lạp. Thật vậy, nếu đi sâu vào nội dung tư tưởng giữa đôi bên, ta thấy có nhiều điểm xung khắc không nhỏ.

  • Triết học Hy-lạp đặt Thiên Chúa trong tương quan với vũ trụ (như là nguyên nhân tác thành và cứu cánh). Kitô giáo đặt Thiên Chúa trong tương quan với Lịch sử.
  • Theo Triết học Hy-lạp, Thiên Chúa là Đấng Hoàn thiện, bất biến, ở bên trên những biến thiên lịch sử. Kitô giáo trình bày Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, cách riêng bằng việc Con Thiên Chúa làm người.
  • Triết học Hy-lạp nhấn mạnh đến giới hạn cho tri thức của con người. Kitô giáo đề cao chân lý được Thiên Chúa mặc khải, vượt trên các học thuyết.
  • Triết học luân lý Hy-lạp mang tính trí thức: tội là dốt nát. Luân lý Kitô giáo cho rằng tội lỗi là do ý chí con người ngả theo sự dữ; tuy nhiên con người có thể phạm tội và cũng có cơ hội thống hối.
  • Triết học Hy lạp quan niệm sự diễn tiến của vũ trụ theo vòng chu kỳ sinh tử. Kitô giáo quan niệm lịch sử theo đường thẳng: lịch sử sẽ kết thúc với sự phục sinh thân xác.

Như vậy các giáo phụ không chỉ du nhập tư tưởng triết học Hy-lạp nhưng còn thanh tấy và nâng cao nó nhờ mặc khải nhận được từ Đức Kitô. Đây là bài học cho hết mọi thế hệ trong tiến trình “hội nhập văn hóa”: đưa Tin mừng vào các nền văn hóa, và đón nhận các tinh hoa của văn hóa vào Tin mừng.

—————————–

Thư tịch

Phan Tấn Thành, Về nguồn. Tập 2. Thời các giáo phụ, Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, TPHCM 2017.

Werner Jaeger, Early Christianity and Greek Paideia, Oxford University Press, London, 1962.

Nicola Abbagnano,Storia della filosofia. I, Filosofia antica. Filosofia patristica. Filosofia scolastica, UTET, Torino 1946.

Josep-Ignasi Saranyana, La filosofía medieval. Desde sus orígenes patristicos hasta la escolástica barroca, Segunda edicion, EUNSA, Navarra 2007.

—————————–

[1]  GBardy, Philosophie et philosophedans le vocabulaire chrétien des premiers siècles, in: Revue d’ascetique et de mystique 25 (1949), pp. 97-108. J. Leclercq, Pour l´histoire de l´expression “philosophie chrétienne”», in : Mélanges des Sciences Religieuses 9 (1952), 221-226.

[2] Epicuriô nổi tiếng vì câu nói: “Đối với ta, cái chết không có nghĩa lý gì hết. Bao lâu ta sống, thì không có cái chết. Khi cái chết đến, thì ta không còn nữa!”

[3] Minutius Felix, Octavius 9,6; 31,2.

[4] Thánh Giustinô (100?-165) xuất thân từ một gia đình ngoại đạo ở Palestina, ông lên đường sang Hy-lạp để tìm kiếm chân lý nơi các triết gia, và sau cùng đã gặp được Kitô giáo. Ông đã mở trường để truyền đạt triết học, và tại đây ông chịu tử đạo vào khoảng năm 165, vì bị một triết gia khác tố giác là Kitô hữu.  Ông đã viết nhiều sách, nhưng chỉ còn lưu lại ba tác phẩm: hai quyển “Hộ giáo” (Apologia) đệ lên Hoàng đế Anoninus Pius (viết khoảng năm 150), và một quyển “Đối thoại với Tryphô” (người Do thái). Trong bản điều trần lên nhà cầm quyền Rôma, ông yêu cầu chỉ nên tuyên án các Kitô hữu sau khi đã nghe họ phân trần chứ đừng trừng phạt họ duy chỉ vì họ theo đạo Kitô. Liền đó, tác giả trình bày đạo Kitô, liên quan đến các đạo lý, luân lý và phụng tự.

[5] Nên nhớ là tại Alexandria, Kinh thánh Do thái được dịch sang tiếng Hy lạp (bản LXX) và công tác chuyển dịch đòi hỏi việc sử dụng nhiều từ ngữ chuyên môn của nền văn hóa này, chẳng hạn như logos, dianoia.

[6] Ông Philô (sinh k. năm 25 trước CN và mất k. năm 45 sau CN) cho rằng các triết gia cũng nhận được mặc khải của Thiên Chúa qua trung gian của các ngôn sứ. Tuy rằng ngôn sứ vĩ đại nhất là ông Môsê, nhưng ông Philô cho rằng Thiên Chúa siêu việt còn dùng Logos (được nói nhiều trong các sách Khôn ngoan) để làm môi giới với loài người.

[7] Sinh tại Athènes khoảng năm 150, trong một gia đình ngoại giáo, ông Clêmentê đã trở lại Kitô giáo vào tuổi trưởng thành, trên hành trình tìm kiếm chân lý. Ông đã du hành nhiều nơi (Nam Italia, Siria, Palestina) để thụ giáo với các triết gia thời đó. Sau cùng ông dừng lại Alexandria, trở thành môn sinh của ông Pantêna, và trở thành cộng sự viên tham gia vào việc điều khiển trường học (khoảng năm 190). Cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Septimius Severus đã  buộc ông phải rời bỏ Alexandria (khoảng năm 202), sang lánh nạn bên Tiểu Á và được giám mục Alexanđrô (môn sinh của ông) tiếp đón. Ông qua đời khoảng năm 215. Ông Clêmentê được coi như là kẻ tiên phong trong việc du nhập triết học Hy Lạp (Platon) vào việc suy tư các mầu nhiệm Kitô giáo. Ông nhìn nhận giá trị của triết học như là một hồng ân của Chúa ban để dẫn đưa con người đến chân lý đức tin. Các triết gia đi tìm sự  minh triết ư? Thì đây đức tin Kitô giáo được giới thiệu như là sư thượng trí cao minh bởi vì nó cho phép con người được hiểu biết những mầu nhiệm cao vời của Thiên Chúa. Dù sao, con đường dẫn tới sự thượng trí không phải chỉ là suy tư lý luận, nhưng là sự chiêm niệm và cầu nguyện.

[8] Chính ông Origène đã thụ huấn triết học với ông Ammonios Saccas (người sáng lập thuyết Tân-Platon và là thầy của triết gia Porphyrius), và ông áp dụng học thuyết này vào việc chú giải Kinh thánh, với việc vạch ra nghĩa “ám dụ” đàng sau “nghĩa văn chương”.

[9] Tertullianô  là văn hào tiên khởi và nổi tiếng nhất của Bắc Phi. Ông chào đời ở Cartago khoảng năm 155, trong một gia đình ngoại giáo, và có truyền thống luật học. Ông sang Rôma hành nghề luật sư, và trở lại đạo Kitô  khoảng năm 193 có lẽ vì cảm phục tấm gương can đảm của các vị tử đạo. Sau đó, ông trở lại quê nhà. Không chắc ông có thụ phong linh mục hay không. Các tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian từ năm 197 đến năm 220. Khoảng năm 207, ông chuyển sang giáo phái Montanô. Ông qua đời khoảng năm 230. Đừng kể thánh Augustinô, ông Tertullianô là một văn hào La-tinh quan trọng nhất. Ông thông thạo triết học và văn chương La-tinh và Hy-lạp. Lối hành văn của ông sống động, với những câu ngắn gọn, thích sử dụng lối nói nghịch lý, để bắt bẻ đối phương

[10]  “Quid ergo Athenis et Hierosolymis? Quid academiae et ecclesiae? Quid haereticis et Christianis? Nostra institutio de porticu Salomonis est, qui et ipse tradiderat dominum in simplicitate cordis esse quaerendum. Viderint qui stoicum et platonicum et dialecticum Christianismum protulerunt” (De praescriptione haereticorum 7,9-11). Thái độ tương phản của các giáo phụ được Đức Gioan Phaolô II nhắc đến trong thông điệp Fides et ratio (Đức tin và lý trí, 14/9/1998), số 38-41.

[11] Tertullianô, Adversus Valentinianos, Adversus Marcionem. Hippolytus, Elenchos hay còn gọi là Philosophumena.

[12] X. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh tập VI). NXB Phương Đông, TPHCM, 2017, trang 45.

[13]  Học trình căn bản trong xã hội Hy-La gồm 7 môn (artes liberales), chia thành 2 khối: nhân văn (trivium: grammatica, rhetorica, dialectica), khoa học (quadrivium: aritmetica, musica, geometria, astronomia)

[14] “Noli foras ire,in teipsum gredi: in interiore homine habitat veritas” (De vera religione, 39).

[15] Adolf von Harnack, Das Wesen des Christentums, Leipzig 1900.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here