SỨ ĐIỆP CỦA THƯ GỬI TÍN HỮU HÍP-RI
Nguyên tác: Le message de L”építre aux hébreux, Cahiers Evangile, no. 19, February-1977
Tác giả: Albert Vanhoye, SJ.
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP. (Học Viện Đaminh – 2013)
***
***
CHƯƠNG II
VẤN ĐỀ CHỨC TƯ TẾ
Nét độc sáng của tác giả thư Híp-ri là: trong toàn thể Tân Ước, chỉ có một mình ông quả quyết cách minh nhiên chức tư tế của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô không đề cập đến vấn đề này bao giờ. Người không hề nói đến tư tế, thượng tế, chức tư tế, dù chỉ là một lần. Còn các sách Tin Mừng, khi sử dụng các tước hiệu tư tế và thượng tế, thì luôn luôn chỉ các tư tế, thượng tế Do-thái, chứ không bao giờ chỉ Đức Giê-su. Sách Công vụ cũng ở vào tình trạng tương tự như thế, danh hiệu tư tế gần như có một lần, nhưng lại dùng để chỉ một ông tư tế ngoại giáo (14,13). Ngược lại, tác giả thư Híp-ri không do dự khi gọi chính Đức Giê-su là “tư tế” và là “thượng tế”. Ông mời độc giả “nhìn ngắm vị tông đồ và vị Thượng Tế trong tín điều của ta, Đức Giê-su” (Hr 3,1; x. 4,14.15; 5,10; 6,20…) và ông coi việc trình bày chức tư tế của Đức Giê-su là “điểm chủ chốt” trong giáo huấn của ông (8,1).
Một sự trái ngược như thế khiến ta phải ngạc nhiên. Tai làm sao một đạo lý không được thánh Phao-lô và các tác giả sách Tin Mừng biết đến lại có thể được trình bày là “điểm chủ chốt” trong một tác phẩm linh hứng khác? Giải thích như thế nào thời gian dài lúc ban đầu bị bỏ quên rồi sau đó lại được đưa ra trình bày và còn nhấn mạnh nữa?
Muốn hiểu hành trình của các Ki-tô hữu ban đầu trong lãnh vực này, phải cố tìm lại những điểm xuất phát, và điều đó đòi phải tạm gác qua một bên cách chúng ta vẫn hiểu các từ “tư tế”, “thượng tế”. Hơn nữa, cố gắng như thế sẽ giúp cho những quan điểm riêng của chúng ta được trong sáng hơn. Nó sẽ giúp chúng ta tháo gỡ được những lẫn lộn rất thường xảy ra và hiểu rõ hơn những dị biệt giữa chức tư tế của Đức Ki-tô với chức tư tế cổ xưa.
1. CHỨC TƯ TẾ CỔ XƯA
Khi nói đến tư tế, nói đến chức tư tế, người công giáo nghĩ ngay đến các linh mục đang phụ trách các giáo xứ, nghĩ ngay đến thừa tác vụ của họ. Ta cũng biết là mọi Ki-tô hữu tham dự vào chức tư tế theo một cách thức nào đó. Công đồng Vaticanô II đã nhắc đến điều này. Rồi ta cũng biết Đức Ki-tô là Đấng có chức tư tế hoàn hảo nhất, có cả một bài lễ tuỳ nhu cầu về “Chúa Ki-tô Linh Mục Thượng Phẩm” (x. Sách Lễ Rô-ma, trang 972-973). Phải khó khăn vất vả chúng ta mới nhận thấy là não trạng của chúng ta về tất cả những điểm trên rất xa não trạng của các Ki-tô hữu buổi đầu.
Đối với các Ki-tô hữu buổi đầu, khi nói đến tư tế và chức tư tế là họ hiểu ngay về các tư tế Do-thái, việc giết và tế lễ súc vật ở Đền Thờ Giêrusalem. Họ còn nghĩ đến những tư tế ngoại giáo, đến việc giết và tế lễ súc vật ở đền thờ các ngẫu thần. Họ không hề nghĩ đến việc xếp Chúa Giê-su vào cùng một loại như thế, các Tông Đồ lại càng không. Họ không thể có cái nhìn như thế, bởi vì họ cho là có những điểm dị biệt.
a) Chức tư tế và những mối tương quan liên vị
Các tư tế Do-thái cũng được phân chia thành nhiều cấp. Ta có thể liệt kê một cách tạp lục, từ những hy lễ theo nghi thức (Lv 1 – 9; 16) cho đến việc kiểm tra sức khỏe (Lv 13 – 14), qua việc rút thăm (Đnl 33,8; 1 Sm 14,36-42; 23,9-12;…), một số cấp thuộc phạm vi pháp lý (x. Ds 5,11-31), việc giảng dạy các quyết định của Thiên Chúa (Đnl 33,9-10; 31,9.26) và ban bố các lời chúc lành (Ds 6,22-27; Hc 45,15). Vả lại, theo dòng thời gian, những sự phân cấp này có những hình thức khác nhau.
Nhưng nếu vượt qua sự đa dạng đó, để tìm lý do sâu xa của định chế tư tế, ta sẽ thấy đây là vấn đề về những mối tương quan giữa những con người. Hơn hẳn triết lý Hy-lạp, mặc khải Kinh Thánh ý thức về tầm quan trọng nền tảng của những mối tương quan liên vị đối với cuộc sống của con người. Điều này cũng thật ám hợp với một dòng tư tưởng quan trọng hiện nay cũng như những khoa học nhân văn, nhấn mạnh đến điểm này. Con người đơn độc được kể là con người không hiện hữu. Một em bé chỉ phát triển thành một ngôi vị con người nhờ toàn thể một hệ thống gồm những mối tương quan với những ngôi vị khác. Chính trong sự gặp gỡ người khác mà ngôi vị thức tỉnh và lớn lên. Việc chinh phục tiệm tiến thế giới ngoại tại chỉ trở thành khả dĩ khi thiết lập được những hình thức đa dạng của những mối tương quan liên vị.
Vậy mà trong số những mối tương quan kết thành ngôi vị con người, có một mối tương quan rất cơ bản cho dù người ta không ý thức. Các mối tương quan khác chỉ ảnh hưởng đến cấp độ này cấp độ kia trong cuộc đời, còn mối tương quan này thì lại ở sâu thẳm trong hữu thể và có một trương độ phổ quát. Đó là mối tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan ấy điều kiện hoá tất cả những mối tương quan khác. Con người là một hữu thể được mời gọi đi vào tương quan với Thiên Chúa, và không gì quan trọng đối với con người cho bằng đáp lại lời mời ấy. Trong nỗ lực nhằm đạt tới một cuộc sống thực sự là của con người, từ thời nào không biết, con người đã nhận ra nét cơ bản này trong hoàn cảnh của mình.
Nhưng trước sự chứng nhận này, có thể có ba thái độ. Thái độ thứ nhất hoàn toàn tiêu cực: từ chối chiều kích tôn giáo trong cuộc sống, một sự từ chối, mà để cho triệt để, đã đi tới chỗ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa (x. Tv 14,1; Rm 1,21). Giải pháp này bề ngoài xem ra đơn giản, nhưng lại đưa đến những tai hoạ khôn cùng (x. 1,18-32).
Thái độ thứ hai bên ngoài xem ra tích cực, nhưng thực tế cũng lại là một kiểu chối từ. Đó là chủ nghĩa cá nhân tôn giáo. Về mặt lý thuyết, người ta mở lòng ra chấp nhận tương quan với Thiên Chúa, nhưng người ta lại muốn tinh giản mối tương quan đó vào trong những giới hạn của một đời sống tâm lý cá nhân và không cho mối tương quan ấy lan tràn vào những cấp độ khác của cuộc đời. Thái độ rời rạc, không nhất quán (x. 1 Ga 4,20): mối tương quan với Thiên Chúa chỉ đích thực nếu nó được đón nhận như là mối tương quan cơ bản, tức là mối tương quan nâng đỡ và mở rộng tầm ảnh hưởng quyết liệt của nó đến mọi chiều kích của cuộc sống.
Vậy phải tìm một giải pháp thứ ba, giải pháp vừa tránh “thảm kịch của một thứ nhân bản vô thần”, vừa tránh được sự ngột ngạt của chủ nghĩa cá nhân tôn giáo, một giải pháp hoàn toàn ứng với ơn gọi của con người khi mở toang toàn thể cuộc đời của con người đón nhận mối tương quan với Thiên Chúa, một mối tương quan có khả năng làm cho sống. Đấy chính là yêu cầu mà định chế tư tế muốn đáp ứng. Thật vậy, tư tế là một con người có trách nhiệm xã hội trong những mối tương giao với Thiên Chúa. Tư tế phục vụ toàn thể nhóm – và, do đó phục vụ mỗi phần tử trong nhóm – trong tất cả những gì có liên quan đến mối tương quan với Thiên Chúa. Nói cách khác, tư tế có vai trò của người trung gian.
b) Chức tư tế và việc phụng tự theo nghi thức
Các dân tộc cổ xưa, và cách riêng dân Ít-ra-en, đã hiểu rõ công việc như nói trên là một việc khó khăn. Họ ý thức sâu sắc về khoảng cách ngàn trùng giữa con người với Thiên Chúa. Làm thế nào một hữu thể hèn yếu và khốn khổ lại có thể đi vào trong tương giao với Đấng Ba Lần Thánh, “Lửa thiêu” (Đnl 4,24; Hr 12,29)? Khi Thiên Chúa tỏ mình ra thì con người cảm thấy kinh hoàng sợ hãi (x. Is 6,5; Xh 20,18-19). Ánh sáng như sấm như sét của Thiên Chúa quá mạnh khiến mắt phàm không có khả năng tiếp nhận. Như vậy lòng yêu thương nồng nhiệt và quảng đại của Thiên Chúa đối với con người lại là một yêu cầu không thể chịu đựng nổi. Giữa việc sự sống của Thiên Chúa tỏa lan ra với sự mong manh của cuộc đời con người, con người nhận thấy có một sự khác biệt đáng sợ về nội dung, và con người nhìn nhận rằng không thể có mối tương quan với Thiên Chúa mà không có sự biến đổi triệt để hữu thể của mình, một sự biến đổi mà con người quan niệm như là một bước nhảy từ bình diện phàm trần sang bình diện thiêng thánh. Thiên Chúa là thánh. Để có thể đi vào tương quan với Thiên Chúa mà không bị thiệt hại, thì điều kiện tiên quyết được đặt ra là chính bản thân con người phải được chìm đắm trong sự thánh thiện, nhờ một sự “thánh hiến”.
Giải pháp được phụng tự cổ xưa đề nghị để thoả mãn đòi hỏi này là một giải pháp thuộc nghi thức. Nó hệ tại một hệ thống phân cách do nghi thức đặt ra.
MÁU hay SỰ SỐNG ĐƯỢC TIẾN DÂNG Việc sử dụng máu trong các lễ hiến tế hoặc việc thư Híp-ri năng nhấn mạnh đến máu khiến cho ta có thể thấy ngạc nhiên. Nhưng cần nhớ rằng, theo Kinh Thánh, “máu chính là sự sống”. Trong các lễ hiến tế, người ta không dâng tế vật (bởi vì con vật một khi đã bị sát tế thì chỉ còn là một thây chết), nhưng dâng “máu nóng” hoặc “sống”, nghĩa là sự sống của tế vật. Đối với nhiều bản văn Kinh Thánh, nếu chúng ta cứ thay thế – trong trí chúng ta thôi – “máu” bằng “sự sống được dâng tiến”, thì thay vì thấy lạ lẫm hay kinh dị, có lẽ ta lại thấy được nhiều gợi ý hay và mới lạ. E. C. |
Dân không có sự thánh thiện cần phải có để đến gần Thiên Chúa. Nếu cứ gắng thử, người đó sẽ chết (x. Xh 19,12; 33,3). Vì thế, người ta dành riêng ra một chi tộc, chi tộc này được thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa. Trong chi tộc này, người ta lại để riêng ra một gia đình, gia đình này sẽ được thánh hiến cách đặc biệt. Trong gia đình này, người ta chọn lấy một người làm tư tế, có nhiệm vụ bảo đảm cho dân có được những tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa.Vị tư tế được tách biệt khỏi thế giới phàm trần bằng một việc thánh hiến, việc thánh hiến này chuyển con người ấy vào trong cảnh vực thánh thiêng. Sự thánh hiến này được miêu tả chi tiết tỉ mỉ trong sách Xuất hành và sách Lê-vi (Xh 29; Lv 9): tắm rửa theo nghi thức để thanh tẩy cho sạch những chung đụng phàm tục, xức dầu để làm cho người ấy thấm nhuần sự thánh thiện, các y phục đặc biệt diễn tả việc người ấy thuộc thế giới thánh thiêng, các hy lễ thánh hiến. Và do đó, sự thánh thiện đã có ấy cần phải được duy trì cẩn thận: có những lệnh truyền nghiêm ngặt buộc tư tế phải tránh bất cứ điều gì có thể làm cho tư tế rơi trở lại bình diện phàm tục (Lv 21). Nếu vi phạm những lệnh truyền ấy, tư tế sẽ không thể đến gần Thiên Chúa được.
Đàng khác, việc tư tế gặp gỡ Thiên Chúa còn tùy thuộc những điều kiện khác nữa. Người ta không thể gặp Thiên Chúa ở bất cứ chỗ nào cũng được, mà chỉ ở trong một nơi thánh. Ở đây cũng vậy, lại nói về sự tách biệt. Nơi thánh là một không gian dành riêng cho việc phụng tự. Dân chúng bị cấm không được vào. Muốn vào trong nơi thánh này, vị tư tế phải theo một nghi thức, nghi thức này truyền dạy tư tế phải chu toàn trong những thời gian thánh thiêng những nghi lễ thiêng thánh mà một trong những nghi lễ ấy là “dâng lễ hy sinh”.
Ở đây, một lần nữa chúng ta lại phải cố gắng thoát ra khỏi cái ý nghĩa mà chúng ta thường gán cho các từ ngữ trên. Đối với chúng ta, nói đến hy sinh là tự nhiên liên tưởng đến sự mất mát, “lễ hy sinh” tương đương với “sự làm mất đi”. Nhưng ý nghĩa cổ xưa của từ này hoàn toàn khác. Từ này xưa diễn tả không phải một sự mất mát, nhưng là một sự biến đổi. “Lễ hy sinh” theo nguyên tự là “làm cho nên thánh thiêng” (sacri-ficare), cũng như “thanh tẩy” theo nguyên tự là “làm cho nên thanh sạch” (puri-ficare) và “lễ kỳ an” nghĩa là “làm cho được bình an” (paci-ficare). Lễ hy sinh là một hành vi theo nghi thức. Nghi thức này làm cho một lễ phẩm chuyển từ thế giới phàm tục sang thế giới thánh thiêng.
Tại sao vị tư tế lại phải dâng tiến “những lễ hy sinh”? Bởi vì chính bản thân tư tế không thể bước hẳn vào trong thế giới thần thiêng được. Cho dù đã được lãnh nhận những nghi lễ thánh hiến, ông vẫn là một con người thuộc địa giới. Vì vậy cho nên ông phải chọn một sinh vật có khả năng thực hiện việc đi qua, vượt qua nói trên. Nghi thức truyền cho ông phải chọn con vật này con vật kia, ý tứ không được chọn con vật có tật có vết. Con vật này sẽ được hoàn toàn rút khỏi thế giới phàm tục, khi nó được sát tế và được dâng tiến trên bàn thờ. Vì được đốt, nó sẽ lên đến tận trời khi được biến đổi thành khói (x. St 8, 20-21; Lv 1,9.17…) hoặc, một biểu tượng khác, máu nó như thể được đưa đến tận ngai của Thiên Chúa (Lc 16, 14.15).
Đó chính là đỉnh cao của công việc làm trung gian đã được phụng tự cổ xưa quan niệm. Ta sẽ thấy, đó là một sự tìm kiếm sự thánh hoá càng ngày càng toàn vẹn hơn, được thực hiện nhờ một loạt các sự tách biệt theo nghi thức. Vị tư tế được tách biệt khỏi dân chúng để dành riêng làm việc phụng tự. Vị tư tế rời bỏ thế giới phàm tục để đi vào trong nơi thánh. Ông bỏ những hoạt động phàm tục để chu toàn các nghi lễ thánh. Các lễ phẩm trong lễ hy sinh được tách ra khỏi cuộc sống địa giới để đi lên tới Thiên Chúa.
Đằng sau hướng đi lên của những tách biệt liên tiếp như thế, người ta rõ ràng hy vọng một hướng đi xuống là Thiên Chúa ban xuống những ơn lành. Nếu lễ hy sinh xứng đáng với Thiên Chúa, thì lễ vật hiến tế được Thiên Chúa chiếu nhận. Vị tư tế đã dâng lễ hiến tế ấy có thể có được những liên lạc với Thiên Chúa và sẽ thấy những lời cầu xin của mình được Thiên Chúa đoái nhận. Dân chúng được đại diện nhờ vị tư tế sẽ được sống – qua người trung gian của mình – trong những tương quan với Thiên Chúa và sẽ nhận lãnh được những ân huệ mình mong ước: a) ơn tha thứ những lỗi lầm và chấm dứt những tai ương do tội lỗi gây ra; b) những huấn dụ của Thiên Chúa giúp tìm ra con đường công chính, giữa biết bao điều ngổn ngang phức tạp của cuộc nhân sinh; c) những phúc lành của Thiên Chúa, tức là sự ứng dụng, ở mọi giai tầng của cuộc đời, ảnh hưởng tốt do tương quan tích cực với Thiên Chúa sản sinh ra.
Như thế, ta có lược đồ sau, trong đó mọi phẩm tính của chức tư tế có vị trí của nó và có một ý nghĩa:
Nên biết là lược đồ này có vận hành tốt hay không tùy thuộc hoàn toàn vào chuyển động đi lên có hiệu quả tốt hay không. Như thế, nói cho cùng, tất cả hệ tại ở hệ thống những tách biệt về nghi thức như vừa nói trên. Và chính vì thế người Do-thái dành cho hệ thống ấy tầm quan trọng bậc nhất. Những vi phạm đối với hệ thống này bị trừng phạt bằng việc tử hình (x. Ds 1,51; 3,10.38; Cv 21,27-31).
2. ĐỨC GIÊ-SU VÀ CHỨC TƯ TẾ CỔ XƯA
Các Ki-tô hữu tiên khởi thấy giữa định chế tư tế cổ xưa như vừa miêu tả với cuộc hiện hữu của con người Đức Giê-su có những mối tương quan nào? Thoạt nhìn thì chẳng có mối tương quan nào cả. Đức Giê-su chẳng thuộc về định chế này: sứ vụ của Người không được đưa vào định chế cũ ấy và ngay cái chết của Người cũng xa với định chế ấy nữa.
a) Về con người Đức Giê-su, nhiều câu hỏi từng được nêu ra. Người ta đã thắc mắc không biết con người này là ai và đã từng nêu lên nhiều câu hỏi, ủng hộ cũng có mà nghịch cũng có: “Đó là một vị ngôn sứ”, “một người bị quỉ ám”, “Đấng Mêsia”, “người mê hoặc dân chúng”. Điều ý nghĩa nhất, đó là không bao giờ người ta có ý tưởng Đức Giê-su là tư tế. Nhưng không có gì phải ngạc nhiên cả, rõ ràng Đức Giê-su không phải là tư tế theo Luật Do-thái. Người không thuộc về một gia đình tư tế hoặc thượng tế, cũng chăûng thuộc chi tộc được dành riêng để phục vụ việc phụng tự. Trong cấp bậc những tách biệt từ cấp sơ đẳng đến cấp cao, Người thuộc về cấp sơ đẳng nhất, cấp dân chúng.
b) Chẳng bao giờ Đức Giê-su cho thấy Người giữ một chức năng của tư tế Do-thái. Tác vụ của Người không phải là tác vụ tư tế, hiểu theo nghĩa cổ xưa của từ này. Đúng hơn, hoạt động của Người tiếp nối hoạt động của các ngôn sứ, tức là những người công bố Lời Thiên Chúa và loan báo cho biết việc Thiên Chúa can thiệp sắp tới. Cần chú ý là có một sự căng thẳng giữa việc giảng của các ngôn sứ với định chế tư tế cổ xưa. Mối nguy của định chế là khiến cho người ta tin rằng muốn sống hợp với Thiên Chúa thì chỉ cần chu toàn những nghi thức bên ngoài và tôn trọng sự cách biệt như đã được đòi hỏi là đủ. Các ngôn sứ đứng lên chống lại tệ vụ hình thức ấy và đòi phải có một sự ngoan ngoãn đích thực đối với Thiên Chúa trong đời sống cụ thể, nhất là trong đời sống xã hội và chính trị. Đức Giê-su đặt mình vào hàng truyền thống ngôn sứ này. Các sách Tin Mừng làm chứng cho thấy Đức Giê-su không ngớt dùng lời nói và việc làm chống lại quan niệm tôn giáo trọng nghi thức. Người cho thấy Người không bận tâm nhiều, không cho là quan trọng tuyệt đối nhũng gì nghi thức đòi phải có để được coi là thanh sạch (Mt 9,10-13; 15,1-20 và ss). Người không cho luật nghỉ ngày sa-bát một giá trị tuyệt đối (Mt 12,1-13; Ga 5,16-18; 9,16). Người loại bỏ cách hiểu cổ xưa về sự thánh hoá. Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, hai lần Người dùng Lời Thiên Chúa đã được ngôn sứ Hô-sê công bố để đối đáp với các kẻ chống đối Người: “Ta muốn lòng thương xót chứ không phải hy lễ” (Hs 6,6; Mt 9,13; 12,7). Như thế, Người đi ngược lại hệ thống phân cách do nghi thức đặt ra, mà đỉnh cao – như vừa nói – là việc dâng tiến “hy lễ”, và Người chọn hướng đi ngược lại, tức là hướng đi lo tìm cách tôn vinh Thiên Chúa khi làm cho lòng thương xót từ Thiên Chúa mà đến được lan toả. Thay vì sự thánh hoá có được nhờ phân cách với những người khác, Người đề nghị một sự thánh hoá có được nhờ tiếp nhận những người khác. Mối quan tâm lo sao cho được thanh sạch theo như nghi thức đòi bị hủy bỏ, nhường chỗ cho một cố gắng giải hoà và hiệp thông. Thay vì gia tăng những rào cản, Người đã bỏ hết đi.
c) Như thế, tác vụ của Đức Giê-su có một hướng đi ngược với hướng của chức tư tế cổ xưa. Nhưng sự đảo ngược phải chăng cuối cùng đã không thể thực hiện được? Trong cái chết của mình, phải chăng Đức Giê-su đã không gặp lại được chức tư tế? Cái chết của Đức Ki-tô chẳng lẽ không phải là một lễ phẩm tư tế, một “hiến tế”? Dĩ nhiên, ta quen trả lời có đối với những câu hỏi như trên và trả lời như thế quả không sai. Nhưng có thể ta không để ý đủ đến tính cách phức tạp của tình trạng này. Để khỏi đơn giản hoá, có lẽ phải để câu trả lời ở cuối cùng, sau khi đã suy nghĩ bắt đầu từ một câu trả lời tiêu cực, không. Trước hết, cần nhìn nhận rằng cái chết của Đức Giê-su không phải là một hy lễ theo nghĩa cổ xưa của từ ngữ này, tức là theo nghĩa nghi thức. Theo quan niệm xưa, hy lễ không hệ tại việc giết chết một con vật hy sinh, lại càng ít hệ tại những đau khổ, nhưng hệ tại những nghi lễ dâng tiến được hoàn tất trong nơi thánh. Vậy mà cái chết của Đức Ki-tô lại không diễn ra trong nơi thánh và chẳng có nét nào chung với một nghi lễ phụng vụ. Thậm chí nó còn trái ngược là đàng khác: cái chết đó là việc hành hình một người bị kết án. Đối với người Ít-ra-en – và cả các Ki-tô hữu thuở đầu nữa – việc hành hình một người bị kết án với việc hoàn tất một lễ hy sinh theo nghi thức là hai việc khác nhau hoàn toàn. Các nghi thức của một lễ hy sinh khiến cho lễ tế đó thành một hành vi trang trọng, tôn vinh, thánh hoá, một hành vi kết hợp với Thiên Chúa và là nguồn mạch phát sinh ra các phúc lành. Còn cái chết của một người bị kết án tử thì ngược lại, không phải chỉ như là những hình phạt tệ hại nhất, nhưng còn như là một sự “loại trừ”, mặt trái của việc “thánh hiến”. Vì bị chặt đứt ra khỏi Dân Thiên Chúa (x. Ds 15,30), người mang án bị nguyền rủa và là nguồn của mọi lời chúc dữ (Đnl 21,23; Gl 3,13). Trong trường hợp của Đức Giê-su, việc kết án hiển nhiên là bất công và biến cố mang lấy – từ bên ngoài – một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nhưng không vì thế mà nó trở thành nghi thức và do đó trở thành một “lễ hy sinh” hiểu theo nghĩa cổ xưa của từ này. Đúng hơn, về phía Đức Giê-su, đó là một hành vi của “lòng thương xót” được đẩy tới cực độ. Đức Giê-su đã đi tới chỗ “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Người đã chết “cho tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3; Rm 5,6-8). Hành vi thương xót này ứng với điều Thiên Chúa muốn, Thiên Chúa muốn “lòng thương xót chứ không phải lễ hy sinh” (Mt 9,13; x. Mc 12,33).
Thay vì rút ngắn khoảng cách giữa Đức Giê-su với chức tư tế cổ xưa, biến cố trên đồi Can-vê đã làm tăng thêm khoảng cách.
Tất cả những nhận xét trên đem lại câu trả lời cho những câu hỏi đã được nêu lên: những nhận xét đó giúp ta hiểu tại sao trong những thời đầu của Hội Thánh, không ai nghĩ phải áp dụng vào Chúa Ki-tô những tước hiệu tư tế hoặc thượng tế, mà cũng chẳng gán cho Người chức tư tế. Giải thích tại sao lại có giai đoạn dài khởi đầu quên lãng đó không mấy khó khăn: không có gì bên ngoài, cũng chẳng có gì trong con người của Đức Giê-su, chẳng có gì trong tác vụ của Người, cũng chẳng có gì trong cái chết của Người tương ứng với hình ảnh mà lúc đó người ta đang có về chức tư tế.
3. VẤN ĐỀ SỰ HOÀN TẤT KINH THÁNH
Hiểu như thế rồi, giờ đây ta phải để ý tới sự thay đổi được thực hiện sau đó. Lại chẳng phải vì sơ sót nên bây giờ phải bổ sung? Tại sao đề tài về chức tư tế lại được đưa vào để làm cách diễn tả đức tin Ki-tô giáo? Phải chăng đó là một chỗ thêm không cần thiết, một sự thiếu trung thành với thông điệp tiên khởi? Hoặc giả đó là một sự đào sâu đức tin thật? Câu trả lời chắc chắn là: đó đúng là đào sâu đức tin, là một điều cần thiết nhờ một vấn đề người ta không thể lược bỏ được.
Tuy ban đầu là bình thường, sự thiếu sót không thể để lâu mà không tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Nó khơi lên những câu hỏi bất lợi cho đức tin Ki-tô giáo. Phải chăng đây là một tôn giáo không có chức tư tế? Phải chăng các Ki-tô hữu làm thành một cộng đoàn không cần tư tế? Một tình trạng như thế liệu có thể chấp nhận được không? Câu trả lời dễ dãi không đủ, vì những vấn đề trên đụng chạm đến một điểm cơ bản của đức tin Ki-tô giáo. Đức tin này công bố và tuyên xưng rằng Đức Ki-tô đã hoàn tất Kinh Thánh, Người đã thực hiện cách hoàn hảo kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu Ước. Nhưng giải thích xác quyết ấy như thế nào, nếu mầu nhiệm Đức Ki-tô hoàn toàn thiếu chiều kích tư tế, một chiều kích đã chiếm nhiều vị trí trong Cựu Ước?
a) Đọc Cựu Ước, ta không thể không thấy tầm quan trọng của định chế tư tế. Một phần lớn Lề Luật của Mô-sê liên quan đến tổ chức việc phụng tự và chức tư tế ( Xh 25 – 31; 35 – 40; Lv 1 – 10; 16-17; 21 – 24; Ds 3 – 4; 8; 15 – 19;…). Trong các sách lịch sử, ta thấy vị thượng tế càng ngày càng có ảnh hưởng lớn. Sau Lưu đày, thượng tế thậm chí còn trở thành thủ lãnh độc nhất của dân tộc, nắm giữ cả quyền bính tôn giáo lẫn quyền hành chính trị (x. Hc 50,1-4). Đến thế kỷ II trước CN, chính một gia đình tư tế đã cổ suý và cầm đầu cuộc nổi dậy chống lại nhà Seleucides, và lý do nổi dậy rõ ràng thuộc về phạm vi tế tự: không thể để cho những người ngoại giáo làm cho Đền Thờ bị tục hoá. Bằng mọi giá phải phục hồi việc phụng thờ Thiên Chúa chân thật (1 Mcb 1 – 2; 4,36-59). Thành quả của cuộc nổi dậy là đem lại cho gia đình tư tế này quyền hành và xác nhận thêm tầm quan trọng của chức tư tế. Đến thời Đức Ki-tô, thượng tế đương kim vẫn là giới chức thẩm quyền tối cao của dân tộc. Ông chủ tọa Thượng Hội Đồng, cơ quan được người Rô-ma nhìn nhận là quyền bính địa phương.
b) Hoàn cảnh lịch sử này chắc chắn còn có những khía cạnh chưa được biết đến. Những cuộc manh động của một số thượng tế ham hố mà thiếu thận trọng đã gây nên những hậu quả cay đắng (x. 2 Mcb 4). Nhưng có một điểm không thể đặt vấn đề, đó là định chế tư tế là thánh thiêng, vì không phải chỉ có Luật Mô-sê, mà ngay cả các ngôn sứ cũng đã xác nhận định chế này, cho dù các ngôn sứ không phải là không phê phán các tư tế cũng như việc phụng tự của các tư tế (x. Hs 5,1; 8,13; Am 5,21-25; Ml 2,1-9; Is 1.10-16; Gr 2,8). Chẳng hạn ngôn sứ Giê-rê-mi-a, người cả dám loan báo việc Đền Thờ sẽ bị phá hủy (Gr 7,12-14), cũng đã đứng về phía Thiên Chúa không ít để loan báo rằng các tư tế Lê-vi sẽ không thiếu người kế vị để dâng những lễ hy sinh (Gr 33,18). Còn sách Huấn ca thì nhắc đi nhắc lại rằng chức tư tế của ông A-ha-ron được bảo đảm nhờ một giao ước vĩnh cửu (Hc 45,7.15.24-25).
Do vậy, khi đề cập đến việc hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa đã được hứa cho thời của Đấng Mêsia, ta cũng phải kể tới việc canh tân chức tư tế (Ml 3,3) nữa. Nhiều văn phẩm Do-thái thế kỷ I trước CN chứng nhận rằng lúc bấy giờ người ta đợi chờ một vị tư tế của thời cuối cùng. Nhất là các thủ bản Qumrân còn để lại cho chúng ta nhiều bản văn nói rõ rệt theo hướng này. Sự mong chờ như thế là bình thường, vì để cho xứng danh, việc hoàn tất chung cuộc không được bỏ qua bất cứ một yếu tố cốt yếu nào trong chương trình của Thiên Chúa. Và sự trung gian tư tế rõ ràng được coi là một trong những yếu tố cốt yếu đó.
c) Như thế, một vấn đề được đặt ra cho các Ki-tô hữu, do chính sự kiện các Ki-tô hữu quả quyết là đã thấy nơi Đức Ki-tô sự hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa. Vấn đề này là quan trọng và không thể tránh né được: đó là việc hoàn tất do Đức Ki-tô thực hiện có bao gồm chiều kích tư tế hay không?
Nếu câu trả lời là không, vị thế của Ki-tô giáo có nguy cơ trầm trọng là không vững. Nhưng sau những gì vừa được nói trên kia thì đưa ra câu trả lời có như thế nào? Chẳng lẽ không thể, vì thiếu mối tương quan – tệ hơn nữa, vì đối nghịch – giữa cuộc đời của Đức Giê-su với chức tư tế cổ xưa? Và cố gắng canh tân về điểm này lại không đưa đức tin Ki-tô giáo đến những nguy hiểm trầm trọng có thể làm biến chất Ki-tô giáo hay sao? Chướng ngại vật ở phía trước, vực thẳm ở đằng sau, thật là tiến thoái lưỡng nan: tình trạng xem chừng không có lối thoát. Thực ra thì giải pháp đã có đấy. Nhưng muốn thấy, cần phải đi sâu vào vấn đề. Đó là điều tác giả thư Híp-ri đã thực hiện, dưới ánh sáng của đức tin.
Thay vì dừng lại ở những chỉ thị có tính cách nghi thức của phụng tự cổ xưa, tác giả đem phụng tự ấy ra phân tích đến nơi đến chốn, phân tích dưới sự hướng dẫn của chính Kinh Thánh. Việc phân tích này đưa đến chỗ phân biệt, trong phụng tự cổ xưa, chương trình cơ bản với việc thực hiện cụ thể chương trình đó. Chương trình dĩ nhiên là có giá trị, không hồ nghi gì nữa. Nhưng việc thực hiện cụ thể lại cho thấy là khiếm khuyết, do sự kiện con người không có khả năng. Chính Cựu Ước làm chứng về điểm này.
Tác giả nhìn mầu nhiệm Đức Ki-tô với một nỗ lực suy tư tương tự. Vượt qua những hoàn cảnh thất vọng, tác giả tập trung chú ý vào thực tại thâm sâu của những biến cố và ông khám phá thấy rằng Đức Ki-tô đã thực hiện chương trình nền tảng của chức tư tế và Người đã thành công mỹ mãn.
Hiển nhiên nỗ lực suy tư kép như thế kéo theo sự thay đổi nếp suy nghĩ về nhiều điểm. Phải bỏ đi hình ảnh cổ xưa về chức tư tế để nhường chỗ cho một quan niệm đầy đủ hơn về thực tại. Đàng khác, một số khía cạnh của mầu nhiệm Đức Ki-tô được đặt nổi lên theo một cách thức mới.
Để cho công bằng, cần phải nhận rằng tác giả thư Híp-ri không khởi đầu từ số dê-rô. Trong giáo lý Tin Mừng, trong lời giảng của các Tông Đồ và trong cộng đoàn Ki-tô hữu đã có sẵn nhiều yếu tố chuẩn bị cho con đường tác giả sắp thực hiện. Hiển nhiên yếu tố quan trọng nhất vẫn là Lời Đức Giê-su, trong Bữa Tiệc Ly, tuyên ra trên chén rượu, lời xác nhận việc thiết lập một giao ước trong máu và như thế là nhắc đến một lễ hy sinh của giao ước (Mt 26,28 và Mc 14,24; Lc 22,20 và 1 Cr 11,25). Như thế, cái chết của Đức Giê-su và lễ hy sinh theo nghi thức được hoàn tất do ông Mô-sê trên núi Xi-nai (Xh 24,6-8) được đặt gần nhau. Cộng đoàn Ki-tô hữu vẫn họp nhau đều đặn để sống lại “Bữa ăn tối của Chúa” (1 Cr 11,20) này và để cùng nhau lại nghe những lời ấy. Ta biết thánh Phao-lô đã có ý tưởng đặt đối nhau – và vì thế song song với nhau – việc hiệp thông lễ Tạ Ơn với việc tham dự các lễ hiến tế nghi thức của ngoại giáo (1 Cr 10,14-22). Đàng khác, thời điểm Đức Giê-su chịu đóng đinh gợi cho thấy một sự ráp nối khác. Điều này các tác giả sách Tin Mừng nêu lên cách kín đáo và thánh Phao-lô làm cho thành rõ rệt: “Đức Ki-tô, lễ Vượt Qua của chúng ta, đã chịu sát tế” (1 Cr 5,7). Như thế, Đức Ki-tô được trình bày như là một tế vật được dâng tiến làm lễ hy sinh. Sau này một bản văn khác của thánh Phao-lô, khi lấy lại một công thức không chỉ về lễ hy sinh: “Đức Ki-tô đã yêu mến tôi và nộp mình vì tôi” (Gl 2,20), đã bổ túc công thức đó bằng cách đặt công thức đó vào trong viễn tượng của lễ hy sinh: “Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta và đã nộp mình vì chúng ta làm lễ phẩm và lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa…” (Ep 5,2).
Những chỉ dấu đầu tiên này – có thể thêm một số nữa – không phải là không có giá trị. Tuy nhiên, các chỉ dẫn ấy không tạo nên câu trả lời đầy đủ, vì không trực tiếp đụng chạm đến vấn đề chức tư tế: các Ki-tô hữu có một vị tư tế nào không? Và các chỉ dẫn đó không cho thấy đâu là những thay đổi cần phải có trong cách hiểu chức tư tế và lễ hy sinh để có thể dùng những khái niệm ấy mà diễn tả mầu nhiệm Đức Ki-tô. Khi liên kết với đội ngũ tông đồ mà mình là thành phần, tác giả thư Híp-ri cố công đào sâu vấn đề này và ông bàn vấn đề này ở mức độ rộng nhất. Hội Thánh đã nhìn nhận rằng tác phẩm ông viết ra là tác phẩm được Thần Khí linh hứng, là Lời của Thiên Chúa, được gửi tới Dân Thiên Chúa, và như thế là thành phần của Tân Ước.
ĐỐI VỚI THÁNH LU-CA, ĐỨC GIÊ-SU LÀ TƯ TẾ? Thư Híp-ri là bản văn duy nhất trong Tân Ước khai triển một thần học về Đức Giê-su là Thượng Tế. Có thể ta cũng sẽ tìm được một vài ám chỉ liên quan đến đề tài này trong thánh Lu-ca. Ở một đôi chỗ, thánh Lu-ca cũng có một vài nét giống với thư Híp-ri. Đáng lưu ý là sách Tin Mừng thứ ba kết thúc bằng quang cảnh Chúa Ki-tô đang chúc lành cho các Tông Đồ: “Người giơ tay, chúc lành cho các ông; và đang lúc Người chúc lành cho các ông…” (Lc 24,50-51). Ở đây, cử chỉ của Chúa Ki-tô là cử chỉ của vị Thượng Tế đang chúc lành cho dân. Ta thấy trong Cựu Ước có hai chỗ như thế: lần thứ nhất là sau khi nói về việc thánh hiến thầy thượng tế (Lv 9,22-24), còn lần thứ hai là ở cuối phụng vụ Xá tội (Hc 20,50). Còn bản văn của thánh Lu-ca đây cùng với phần mở đầu sách Tin Mừng làm thành một phương thức mở-đóng: sách Tin Mừng mở đầu bằng một phụng vụ chưa kết thúc, thầy thượng tế Da-ca-ri-a bị câm rồi, không thể chúc lành cho dân được nữa. Còn đến lúc thôi không còn hiện diện như trước đây với các môn đệ (tức là Thăng Thiên), vị Thượng Tế Giê-su kết thúc phụng vụ này bằng cách chúc lành cho dân. Đàng khác, thánh Lu-ca còn cho chúng ta thấy người phong hủi thứ mười cùng với các bạn không may của mình ra đi để “các tư tế” chứng thực là mình đã được chữa lành, đã quay trở lại gập Chúa Giê-su: phải chăng thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh rằng người gốc Sa-ma-ri này đã nhận chân được rằng “vị tư tế” đích thật không ở Đền Thờ, mà ở ngay đây này, đó chính là Đức Giê-su. E. C. |