Sứ Điệp Của Thư Gửi Tín Hữu Híp-Ri

0
3391


SỨ ĐIỆP CỦA THƯ GỬI TÍN HỮU HÍP-RI

Nguyên tác: Le message de L”építre aux hébreux, Cahiers Evangile, no. 19, February-1977

Tác giả: Albert Vanhoye, SJ.

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP. (Học Viện Đaminh – 2013)

***

 

***

Lời ngỏ

“Bài giảng cho các Ki-tô hữu đang mất phương hướng”. Đấy là cái tựa người ta đã từng đặt cho “thư gửi tín hữu Híp-ri”, một văn phẩm chẳng phải là thư, chẳng phải của thánh Phao-lô, mà cũng chẳng được gửi cho những người Híp-ri!

Có những con người nam nữ đã hăng hái gắn bó với Chúa Ki-tô. Nhưng rồi thời gian trôi đi, rồi những khó khăn báo trước sẽ có những cuộc bách hại khiến họ hơi nản. Nhưng họ lại là những Ki-tô hữu chân thực. Và thế là tác giả của chúng ta lay tỉnh họ: “Anh chị em đã phải khổ sở nhiều vì nhận biết Chúa Ki-tô. Lẽ nào bây giờ anh chị em lại để cho mình bị những khó khăn đang diễn ra đè bẹp? Vậy, nào hãy đào sâu niềm tin của anh chị em, hãy chăm chú ngắm nhìn vị thủ lãnh của đức tin chúng ta, tức là Chúa Ki-tô, vị Thượng Tế của chúng ta”. Lời nhắc nhở mạnh mẽ và không khoan nhượng ấy được gửi đến các Ki-tô hữu mọi thời, đến cả chúng ta hôm nay nữa: Nếu chúng ta muốn đứng vững trong đức tin giữa những lúc khó khăn, những lúc gian nan thử thách, thì cần phải tìm hiểu cho sâu xa niềm tin này và cố đạt tới điều cốt yếu. Những nghi lễ huy hoàng tráng lệ ngày xa xưa, những lễ hiến tế…  đấy lắm khi chỉ là điều phụ thuộc hoặc có khi còn lỗi thời. Còn điều quan trọng, điều chính yếu, điều cốt lõi, ấy là Chúa Ki-tô.

Phải chăng là mâu thuẫn khi bảo rằng bức thư này, hay nói đúng hơn là bài giảng này, là khó, là không đơn giản? Trong một bức thư của thánh Phao-lô, ta thường bị chìm ngập vì gặp nhiều vấn đề được nói tới. Còn ở đây, tác giả chỉ có mỗi một ý tưởng thôi: Đức Giê-su là vị Thượng Tế của chúng ta. Cái khó của Bài giảng này có lẽ nằm ở chỗ giáo lý sâu xa quá: tác giả xoay qua xoay lại mọi phía để làm cho những đường nét dệt nên điểm giáo lý ấy được bừng sáng lên. Nhất là, có thể nói, vì ông ngỏ lời với những người biết rõ các lễ nghi của Do-thái, cho nên ông không ngớt nhắc đến những định chế của Do-thái giáo nhằm chứng minh những định chế ấy chuẩn bị cho Đức Giê-su ở điểm nào, và Đức Giê-su đã hoàn tất và còn vượt xa các định chế ấy như thế nào. Cuối cùng, tác giả là một nhà văn có biệt tài và bản văn của ông là một áng văn chương, nhưng những phương thức biên soạn ông sử dụng lại đòi chúng ta phải cố gắng tìm hiểu.

Để vượt qua những khó khăn và đạt tới điểm cốt yếu, cần phải có một ông thầy. Cha Albert Vanhoye, Dòng Tên, giáo sư tại Viện Kinh Thánh Rô-ma, là người có khả năng và uy tín để làm công việc này. Công trình của cha về cấu trúc của thư gửi tín hữu Híp-ri đã để lại dấu ấn trong lịch sử việc giải thích văn phẩm này. Công trình này hiện vẫn còn được hầu như mọi người nhìn nhận và nhất là đã được ứng dụng vào Bản Dịch Đại Kết. Nhưng không phải vì công trình này có tính cách kỹ thuật mà hoá ra khô khan: nó giúp hiểu bản văn mà vẫn giúp có được tâm tình đạo đức. Tôi vẫn nhớ lúc còn là một giáo sư trẻ tuổi, tôi cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa sung sướng khi được nghe, nhân một khoá học, cha Vanhoye trình bày chủ đề này. Từ ngày ấy, thư Híp-ri đối với tôi là một bản văn ngời sáng và không ngừng được dùng để gẫm suy.

Nhờ có cha, “Bài giảng tư tế” – cha thích gọi thư gửi tín hữu Hípri bằng cái tên như thế – thường vẫn được coi là khó, lại trở thành ánh sáng trên con đường của chúng ta. Đến lượt mình, chúng ta cũng có thể để cho mình được ngời sáng lên nhờ kho tàng phong phú là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa và là người anh em của chúng ta, đã học được qua đau khổ, cái giá để là một con người là thế nào. Trong Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta, những người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều tham gia vào chức tư tế của Người, và vì thế từ nay chúng ta có thể mạnh dạn mà tiến đến gần Chúa Cha.

Étienne Charpentier

***

CHƯƠNG I

LÀM QUEN

 

I. AI LÀ TÁC GIẢ THƯ HÍP-RI

1. Thánh Phao-lô?

Không phải. Bởi vì thư Híp-ri cho người đọc tiếp xúc với một con người khác hẳn:

– Phao-lô:

+ Văn phong đường bệ và sôi nổi

+ Thích những kiểu đối chọi mạnh

+ Thường đi tiên phong

+ Bênh vực thế giá tông đồ của mình : Ga 1,1.12 ; 2 Cr 11

+ Hay sử dụng kiểu nói “trong Đức Ki-tô”, “Đức Ki-tô Giê-su”, “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” hoặc “Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô”

+ Thường trích dẫn Kinh Thánh bằng kiểu nói : “Kinh Thánh nói”, “có lời chép”

+ Không hề nói đến chữ “tư tế”, “thượng tế”, “chức tư tế”.

– Tác giả thư Híp-ri:

+ Văn phong lúc nào cũng trau chuốt và bình thản

+ Thích những kiểu chuyển ý nhẹ nhàng

+ Đứng đằng sau tác phẩm của mình

+ Không cho biết mình là tông đồ: Hr 2,3

+ Không hề dùng những kiểu nói như trong thư Phao-lô, nhưng soạn những công thức đặc sắc riêng để dẫn người đọc đến với Danh thánh “Giê-su”: Hr 2,9 ; 3,1 ; 4.14 ; 6,20 ; 7,22 ; 12,2.24

+ Không hề theo kiểu nói của thư Phao-lô để cho thấy trích dẫn Kinh Thánh, nhưng thường chỉ dùng mỗi một động từ “nói”

+ Thường nói đến các từ “tư tế”, “thượng tế”, “chức tư tế”

N.B. Những nhận xét này áp dụng vào Bài giảng (Hr 1,1-13.21) chứ không áp dụng vào bức thư nhỏ (Hr 13,19.22-25). Có thể bức thư nhỏ này là do tay thánh tông đồ Phao-lô viết.

2. Tác giả có tương quan với thánh tông đồ Phao-lô?

Không những có, mà còn tương quan chặt chẽ về nhiều điểm quan trọng:

* Bút chiến mạnh mẽ đối với lề luật

Gl 2,16-21; 3,19-25     //     Hr 7,12.16.18-19.28

Rm 4,14-15; 5,20; 8,3     //     10,1.8-9; 13,9-10

* Nhấn mạnh đến sự vâng phục của Đức Ki-tô đem lại ơn cứu độ

– Rm 5,19; Pl 2,8     //     Hr 5,8-10; 10,9-10

* Cách diễn tả vinh quang thiên tính của Đức Ki-tô

– Cl 1,15-17     //     Hr 1,2-3

– Pl 2,9; Ep 1,21     //     Hr 1,4

– Cl 2,15; Ep 1,21     //     Hr 1,4-14

– 1 Cr 15,27; Ep 1,22     //     Hr 2,8

– 1 Cr 15,25     //     Hr 10,13

* Giáo lý trong thư Híp-ri về lễ hiến tế của Đức Ki-tô (9,14; 10,10.12; 13,12) có thể coi là được chuẩn bị kỹ lưỡng trong Ep 5,2.25 (x. Gl 2,20)

* Có 65 từ, trong Tân Ước, chỉ được thư Híp-ri và thánh Phao-lô sử dụng : chẳng hạn “cuộc chiến đấu”, “sự hãnh diện, “tuyên xưng đức tin”,…

* Bức thư nhỏ kèm theo có kể tên ông Ti-mô-thê (13,23), rất có thể đó là người bạn đồng thành của thánh Phao-lô (1 Tx 1,1; …)

* Bức thư nhỏ kết thúc bằng lời chào kết thư riêng của thánh Phao-lô (13,25; x. Cl 4,18; Tt 3,15)

3. Các ứng viên tác giả thư Híp-ri

Có nhiều chứng từ cổ, nhưng lại rất ngần ngại, gán việc biên soạn thư Híp-ri cho thánh Lu-ca tác giả sách Tin Mừng, hay cho ông Ba-na-ba, một Ki-tô hữu thời đầu (Cv 4,36), rồi là bạn đồng hành của thánh Phao-lô (Cv 9,27; 11,22-30; 13 – 15; Gl 2), hoặc cho Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma (Pl 4,3 ?). Mỗi đề nghị trên đều có những người thời nay bênh vực, nhất là đề nghị ông Ba-na-ba. Nhưng không có đề nghị nào chiếm được ưu thế cả.

Người ta cũng đề nghị danh tánh Xin-va-nô hoặc Xi-la (Cv 15,22), bạn đồng hành của thánh Phao-lô (Cv 15,40 – 18,5; 1 Tx 1,1; 2 Tx 1,1; 2 Cr 1,19) và là thư ký của thánh Phê-rô (1 Pr 5,12). Thậm chí có người còn đề nghị chính thánh Phê-rô, rồi Giu-đa, người anh em của ông Gia-cô-bê, đã có viết một bức thư vắn, rồi ông Phi-líp-phê, “một trong nhóm Bảy” (Cv 6,5; 8 ; 21,8), bà Pơ-rít-ki-la vợ của ông A-qui-la (Rm 16,3-5; Cv 18), rồi ông A-pô-lô (1 Cr 1,12; 3,4-6.22; 16,12; Tt 3,13), ông A-rít-xi-ô, môn đệ của Chúa (theo Pa-pi-a). Hồi gần đây, người ta còn đi đến chỗ đưa ý kiến cho rằng giáo lý trong thư Híp-ri xuất phát từ Đức Ma-ri-a, thân mẫu của Đức Giê-su.

Như vậy, nhận diện tác giả thư Híp-ri quả là vấn đề nan giải! Cách thánh Lu-ca nói về ông A-pô-lô ở Cv 18,24-28 khá tương ứng với ý tưởng người đọc thư Híp-ri có đối với ông A-pô-lô: gốc D-thái, được hấp thụ nền giáo dục trong một thành phố lớn theo văn minh Hy-lạp như A-lê-xan-ri-a, hiểu biết sâu xa Cựu Ước, có biệt tài giảng thuyết, là Ki-tô hữu theo đường hướng của thánh Phao-lô. Nhưng bấy nhiêu không đủ để chứng minh rằng ông A-pô-lô quả thực là tác giả của thư Híp-ri, bởi vì tất cả những chi tiết ấy cũng có thể tìm được nời những con người tông đồ khác thuộc thời bấy giờ. Thế cho nên, cũng đành chịu có sự không chắc chắn vậy.

Lại càng không biết Bài giảng tư tế, tức là thư Híp-ri, được biên soạn vào thời gian nào, được đọc lên được gửi tới những nơi nào. Về điểm này thì ý kiến vô cùng đa dạng. Có lẽ đề nghị cho rằng thời điểm trước năm 70 một chút, tức là năm Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm và Đền Thờ bị phá hủy, là đề nghị có thể chấp nhận. Thật như thế, tác giả miêu tả phụng vụ ở Đền Thờ như thể vẫn đang diễn ra (10,1-3.11), trong khi lại cả quyết rằng phụng vụ ấy sắp sửa biến mất (9,10).

II. ĐỌC GIẢ THƯ HÍP-RI

“Gửi tín hữu Híp-ri” hay “Gửi các Ki-tô hữu”?

Mới đây, một nhà xã hội học người I-ta-li-a đã khảo sát các tên họ của người nam người nữ cư dân thành phố Bologna. Kết quả cuộc điều tra– do người viết thời luận cho tờ Corriere della sera – cho thấy có lẽ một cô gái sẽ rất khổ sở khi thấy tên họ của mình có vẻ là của phái nam và, ngược lại, một chàng trai cũng cảm thấy buồn không kém khi tên họ mình có vẻ là của phái nữ. Đó chính là trường hợp của người viết bài thời luận đó. Và ông nói vui rằng ông gặp phải nhiều điều bất tiện vì cái tên họ như thế!

Trong Tân Ước có một trường hợp tương tự, nhưng không phải là đối với một con người, mà là một văn phẩm. Do những hoàn cảnh thế nào không rõ, mà một Bài giảng tuyệt vời về chức tư tế của Đức Ki-tô – tức là văn phẩm đó – lại mang tựa đề là “gửi các tín hữu Híp-ri”. Tựa đề quả là không tương xứng với nội dung! Hậu quả đương nhiên của cái tựa đề hơi “không tương xứng” đó là các Ki-tô hữu ít chú ý đến tác phẩm này hay, ít ra, nếu có thích thì lại có thể bị lạc mất hướng nhìn ngay từ bước đầu.

Phải nói đó là một mất mát lớn, bởi vì Bài giảng này thực sự là một kho tàng. Tác phẩm này gồm chứa nhiều điểm giáo lý và thiêng liêng phong phú không thể khai thác cho cạn được, và những điểm ấy lại được trình bày bằng một loại văn chương hoàn hảo, ít có tính cách đại chúng. Tác phẩm ấy không chỉ bằng lòng với những quan điểm lý thuyết, nhưng lo làm thế nào để kích thích cộng đoàn các Ki-tô hữu sống đức tin của mình. Điểm mới mẻ nhất của tác phẩm, đó là dành cho Đức Ki-tô những tước hiệu vẫn dành cho vị tư tế và vị thượng tế. Đó là điểm đặc sắc nhất so với các tác phẩm khác trong Tân Ước. Hơn nữa, tác phẩm này còn thực hiện được một tổng hợp vững chắc về đức tin Ki-tô giáo, khi tập trung vào đề tài về chức tư tế. Đó là những điều mà tựa đề “gửi các tín hữu Híp-ri” tự nó không cho thấy một tí nào cả!

Vì thế, cần lưu ý là cái tựa đề ấy không phải là thành phần của tác phẩm. Nó đã được thêm vào, mà không dựa vào một chỗ nào rõ rệt trong bản văn. Ở đây, ta thấy có một khác biệt rất rõ so với các thư thánh Phao-lô. Các thư thánh Phao-lô có những tựa đề mà ta có thể tìm thấy điểm tựa trong chính bản văn. Ví dụ “thư gửi tín hữu Ga-lát” rõ ràng là gửi cho “các hội thánh miền Ga-lát” (Gl 1,2) và gọi độc giả thư ấy là “những người Ga-lát ngu xuẩn” (3,1). Trái lại, trong văn phẩm chúng ta đang tìm hiểu đây, có tìm hoài cũng chẳng thấy bản văn nhắc tới “những người Híp-ri”, cho dù chỉ là nhắc phớt qua thôi!

Danh xưng “những người Híp-ri” không có đã đành. Ngay cả từ “Do-thái”, năng được thánh Phao-lô dùng, từ “Ít-ra-en”, hay chỗ nào ám chỉ việc “cắt bì” cũng không có nốt. Mà thực như vậy, bản văn không hề có chỗ nào nói cho thấy rõ độc giả của nó là ai cả. Rõ ràng là tác phẩm ngỏ lời với các Ki-tô hữu (x. Hr 3,14), và là các Ki-tô hữu đã có quá trình lâu dài (x. Hr 5,12). Nhưng tác giả lại chẳng xác định cho biết độc giả đang ở đâu, họ thuộc sắc dân nào. Tác giả không cho biết trước khi trở lại, các Ki-tô hữu đó như thế nào, mà cũng chẳng cho thấy người Do-thái khác với dân ngoại ở chỗ nào. Chỉ có một điều thực tế này là tác giả chú ý nhiều vào ơn gọi làm Ki-tô hữu. Tác giả dồn hết nỗ lực để cổ võ việc triển khai ơn gọi đó (x. 2,3-4; 3,1; 4,14; 10,19-25; 12,22-25; 13,7-8). Nhân dịp này, chắc chắn tác giả đã xem xét vấn đề về những quan hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Đàng khác, tác giả đứng vào lập trường chống lại một số khuynh hướng Do-thái giáo ở thời ông. Có thể khía cạnh này đã tạo điều kiện cho việc chọn một tựa đề theo truyền thống chăng. Xin nhắc lại, thật là lựa chọn không may bởi vì nó không phù hợp với hướng đi chủ yếu của tác phẩm là đào sâu lòng tin vào Chúa Ki-tô và tạo cho đời sống của người Ki-tô hữu một đà tiến mới. Thay vì đề tựa là “gửi tín hữu Híp-ri”, có lẽ phải đặt là “gửi các Ki-tô hữu” thì mới phải.

III. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC

1. Bức thư hay bài giảng?

Cách chung, người ta bổ túc tựa đề truyền thống này bằng cách thêm vào đó một chữ “thư” và gọi là “thư gửi tín hữu Híp-ri”. Cũng nên hiểu chữ “thư” này cho đúng! Nhưng như thế lại có một bất tiện khác. Thực ra, đây không phải là một “bức thư” mà là một “bài giảng”, ở phần kết thúc có đính thêm một lá thư nhỏ được viết kèm theo để gửi cho một cộng đoàn ở xa. Lá thư nhỏ chỉ là vài hàng viết vội. Đó là bốn câu cuối cùng trong bản văn hiện thời (13,22-25), thêm vào đó là một câu rất ngắn (13,19) được thêm vào ngay trước câu kết long trọng của bài giảng (13,20-21). Kiểu cách đơn sơ và thân mật của mấy câu kết này (13,19.22-25) khác hẳn với toàn thể Bài giảng, như ta sẽ thấy, được soạn theo đúng những qui luật của khoa hùng biện.

Giả như muốn đổi thể văn của một tác phẩm, chỉ cần đính vào cuối tác phẩm dăm ba câu chào hỏi, thì cách gọi “thư gửi tín hữu Híp-ri” cũng có thể được coi là chính đáng. Nhưng khi đó phải hiểu như thế nào? Giả sử bạn viết một bài suy niệm mùa chay thật là tuyệt, ai đọc cũng phải thấy là hay, là sâu sắc. Đức giám mục cũng đọc, người cũng nhận thấy y như thế. Và người xin bạn bài đó, thêm vào vài lời mở đầu, thêm ở cuối vài lời chào, lời hứa cầu nguyện cùng phép lành để dùng làm lá thư luân lưu của người gửi cho toàn giáo phận nhân dịp mùa chay. Thử hỏi liệu có vì thế mà bài suy niệm kia của bạn được xếp vào hàng văn chương thư từ bên cạnh những bức thư thông thường không? Chắc chắn là không. Trước hết “thư gửi tín hữu Híp-ri” không phải là một bức thư. Từ đầu (1,1) chí cuối (13,20-21), văn phẩm này thuộc về loại văn giảng giải. Trong Tân Ước, chúng ta chỉ có mỗi thư này là tiêu biểu cho loại văn hoàn toàn giảng giải. Còn trong các trường hợp khác, luôn luôn hoặc là những đoạn văn giảng giải nho nhỏ được xen vào các thư, hoặc những biên soạn được sáp nhập vào các trình thuật.

Trong các sách Kinh Thánh của chúng ta, Bài giảng Ki-tô giáo mang tựa đề “thư gửi tín hữu Híp-ri” được xếp vào cuối các thư thánh Phao-lô, bởi vì truyền thống của Hội Thánh Đông phương cho thư ấy là của thánh Phao-lô. Thực tế, ta lại thấy trong đó chẳng có điểm nào liên hệ với giáo huấn của thánh Tông Đồ cả! Nhưng nói như giáo phụ Origène, thế kỷ III, thư này có nguồn gốc là thánh Phao-lô, hiểu theo nghĩa rộng, thì lại thích hợp. Thư gửi tín hữu Híp-ri không do thánh Phao-lô viết ra. Con người của tác giả Bài giảng này được bộc lộ qua cách dụng ngữ, thể văn uyển chuyển, hướng đi của tư tưởng, rõ ràng là khác với con người thánh Phao-lô.

2. Bài giảng về chức tư tế

Qua những gì vừa nói trên, theo nguyên tắc có lẽ nên đổi tên gọi “thư gửi tín hữu Híp-ri”, bởi vì tên gọi, tựa đề như hiện có dễ làm cho người đọc lẫn lộn. Có ba điểm khiến người đọc chú ý đến kiểu nói “thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Híp-ri”:

a) Đó không phải là một bức thư,

b) Không phải của thánh Phao-lô

c) Và không được gửi cho tín hữu Híp-ri.

Vậy phải gọi bằng tên nào? Có lẽ nên gọi là “Bài giảng về chức tư tế của Chúa Ki-tô” hay, vắn tắt hơn, “Bài giảng tư tế” giống như “Lời nguyện tư tế” trong sách Tin Mừng theo thánh Gio-an, chương 17.

Nhưng nếu đối với một người, việc đổi một họ tên đã được ghi trong Chứng Minh Nhân Dân, trong Hộ Khẩu, lý lịch… là chuyện rất nhiêu khê phức tạp, thì việc thay đổi tựa đề của một tác phẩm đã ăn rễ sâu vào người đọc có tới 20 thế kỷ lại càng phức tạp nhiêu khê hơn rất nhiều. Thế cho nên đành phải chấp nhận cái statu quo, nghĩa là “thư gửi tín hữu Híp-ri” vẫn mãi mãi là đề tựa của Bài giảng tư tế và sẽ còn mãi được gọi là “thư”. Chỉ hy vọng có thể có một thay đổi là cách giải thích đề tựa ấy. Không nên giải thích đề tựa “thư gửi tín hữu Híp-ri” như thể nguyên tựa đề ấy đã nói lên hết ý nghĩa của tác phẩm. Cũng giống như trường hợp có ai đó tên là Thành, thì người ta không để ý đến ý nghĩa của chữ Thành, mà coi đó như là có giá trị “qui chiếu” về con người mang tên đó. Con người đó có thể nhỏ con, học giỏi… nhưng những điểm ấy không hàm chứa trong tên “Thành”. Kiểu gọi “thư gửi tín hữu Híp-ri” cũng vậy, nên coi nó như một tên riêng, một cách gọi qui ước dùng để gọi một trong các văn phẩm Tân Ước, mà không hề nói đến thể văn cũng như nội dung văn phẩm. Muốn dễ thay đổi kiểu cắt nghĩa ấy, chúng tôi thường rút vắn kiểu gọi như vẫn quen, và gọi là “thư Híp-ri”. Như thế chữ “Híp-ri” trở thành một danh từ riêng để gọi một tác phẩm chúng ta đã biết, không phải là một lá thư, không gửi cho người Híp-ri, nhưng là một Bài giảng tuyệt vời gửi đến các Ki-tô hữu thế kỷ I.

Khi đã tháo gỡ được những cái nhìn có thể khiến cho giới hạn cái nhìn như trên rồi, ta có thể đi sâu hơn nữa vào việc tìm hiểu tác phẩm.

Gợi ý tìm hiểu thêm:

Xác định thể văn của Hr 1,1 – 13,21

1. So sánh phần mở đầu (Hr 1,1-4) với phần mở đầu của bất kỳ thư nào của thánh Phao-lô

– Những yếu tố nào thường thấy có trong phần mở đầu của một bức thư? Trong Hr 1,1-4 có những yếu tố ấy không?

– Những yếu tố ấy có trong phần mở đầu của một diễn từ, một bài giảng, một bài diễn văn không?

Bản văn Hr 1,1-4 có phải là một mở đầu hay của một diễn từ không? Văn phong thân mật hay trang trọng? Các chủ đề của bài giảng có được chuẩn bị trước?

2. Phân tích câu văn Hr 13,20-21

– Văn phong thân mật hay trang trọng? Các chủ đề của bài giảng có được nhắc lại không? Câu này có kiểu của một câu kết?

3. Xem xét cách khai triển của 1,5 – 13,18

– Trong đó có dù chỉ một yếu tố đặc nét cho thấy đây là bức thư?

+ Tác giả đôi khi có nói rằng mình viết? So sánh Gl 1,20; 1 Cr 4,14; Rm 15,15…

+ Hoặc lúc nào tác giả cũng bảo rằng mình đang nói (Hr 2,5; 5,11…)?

+ Cách diễn tả của tác giả thường cho thấy ông không có mặt giữa những người được ông ngỏ lời? So sánh Gl 4,20; 1 Cr 5,3; 2 Cr 12,14; Rm 1,10-14; 15,22-25…

+ Ông có nói về những tin tức ông nhận được? x. 1 Tx 3,6; 1 Cr 1,11; 5,1…

+ Ông có thông báo những tin tức của ông? x. 1 Cr 2,8; 1 Cr 16,5-9; 2 Cr 1,8…

– Một bản văn như 5,11 – 6,12 đang bỗng nhiên chuyển từ những lời nghiêm khắc (5,11-12) sang những lời tán thưởng (6,9-10) thì ở trong một bài diễn từ (hiệu quả hùng biện) lại không thích hợp hơn là ở trong một bức thư hay sao?

– Việc biên soạn toàn thể có hợp với việc biên soạn một bức thư (uyển chuyển, tự nhiên) hay với một bài giảng (kết cấu chắc chắn và có sắp xếp)?