Sự Đa Dạng Của Các Hội Dòng Dựa Theo Các Đặc Sủng – Vấn Đề 6

0
416


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

(Điều 573 – 606)

***

VẤN ĐỀ 6

SỰ ĐA DẠNG CỦA CÁC HỘI DÒNG DỰA THEO CÁC ĐẶC SỦNG

(đ. 577)

 

A. Lịch sử

Một cái nhìn tổng quan về lịch sử “đời sống thánh hiến” cho thấy sự phát sinh ở mỗi thời đại những hình thức mới, tương ứng với “các đặc sủng” của các vị sáng lập Dòng, là những người nhạy cảm đối với các nhu cầu của thời đại mình. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin trình bày một sơ đồ tóm tắt:

– Những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, chúng ta thấy xuất hiện “nếp sống ẩn tu”[1] và các trinh nữ tận hiến.

– Những bản luật “nếp sống cộng đoàn” đã sớm được thảo ra: bản luật quen thuộc hơn cả bên Tây phương là “Tu luật Thánh Augustino”.

– Sau Thánh Colombano và được cảm hứng từ nhiều Giáo phụ Đông phương, Thánh Benedicto là tổ phụ đời đan tu bên Tây phương. Thánh Bruno, Thánh Bernardo cũng tiến theo hướng này, tuy mỗi vị có những nét độc đáo trong tổ chức của mình.

– Đến thế kỷ XII, chúng ta thấy xuất hiện “các kinh sĩ kỷ luật” (canonici regulares) với Thánh Noberto và các tu sĩ Prémontrés,v.v…

– Thế kỷ XIII được ghi dấu sâu đậm bởi sự xuất hiện của các “Dòng hành khất”. Chỉ cần nhắc đến Thánh Phanxicô, Thánh Đaminh, các Ẩn sĩ Thánh Augustin, Dòng Carmelo,v.v…

– Thế kỷ XVI chứng kiến sự ra đời của các “giáo sĩ kỷ luật” (clerici regulares): Dòng Thêatinô, Dòng Barnabê của thánh Antôn Zacaria, Dòng thánh Camillô, Dòng Scola pia,… và nổi bật nhất là Dòng Tên.

– Đa số các “Hội Dòng” (congregationes) đều được thành lập vào thế kỷ XIX.

– Nhiều hình thức tu trì mới đã xuất hiện trong thế kỷ XX. Trên đây chúng tôi đã nhắc tới “các Tu hội đời” (institutum saeculare).

Danh sách thiếu sót này cần được bổ túc thêm với nhiều Hội Dòng khác, từ những tổ chức của các phụ nữ tông đồ ở thế kỷ XIII cho đến tu hội phụ nữ của Thánh Phanxicô de Sales và của Thánh Jean-Baptiste de la Salle ở thế kỷ XVII. Nhiều tu hội phải đợi đến đầu thế kỷ XX mới được nhìn nhận là “dòng tu”, tuy đã tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm.[2]

Chúng tôi không nhắc đến các Tu Đoàn của Thánh Jean Eudes, của Thánh Vincent de Paul, và các Hội Truyền Giáo bởi vì họ không được Bộ Giáo luật xếp vào các Hội Dòng Tận Hiến; họ thuộc về các “Tu đoàn tông đồ” (Societas vitae apostolicae).

Sự nở rộ các hình thức tu trì, với những nét phong phú và đa dạng, là kết quả của Chúa Thánh Thần tác động trong Giáo Hội. Ở tất cả mọi thời đại và tùy theo các nhu cầu, Chúa Thánh Thần làm nảy sinh những hình thức mới của “đời sống thánh hiến”. Đôi khi ngay giữa lòng của những Dòng đã hiện hữu, ta thấy nảy sinh những tổ chức mới nhằm nêu bật những khía cạnh đã bị lãng quên hoặc chưa được nhấn mạnh đủ. Tất cả những điều này tạo ra nét phong phú của Giáo hội.

B. Bước theo Đức Kitô

Giáo hội tôn trọng sự đa dạng vừa nói, đón nhận các lời khuyên Phúc Âm như “hồng ân của Chúa ban”, bởi vì những lời khuyên này “được xây nền trên giáo huấn và các gương lành của Thầy chí Thánh là Chúa Kitô” (đ. 575). Điều 577 của Bộ Giáo Luật ghi nhận rằng: “Trong Giáo Hội có rất nhiều Hội Dòng Tận Hiến với những linh ân khác nhau, tùy theo ân sủng và đã được ban cho họ”.

Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng, đối với đời sống tu trì điều quan trọng là“phải tỏ bày Chúa Kitô” cho các tín hữu cũng như cho những người chưa có đức tin; Công Đồng cũng phác họa vài khía cạnh căn bản cho sứ mạng ấy, tức là tỏ bày “hoặc Đức Kitô chiêm niệm trên núi, hoặc bằng việc loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành các bệnh nhân, những người tàn tật và dẫn đưa các tội nhân trở về với đời sống tốt đẹp, cũng như khi chúc lành cho các trẻ em và làm việc lành cho hết mọi người, luôn luôn tuân phục ý muốn của Chúa Cha là Đấng đã sai Người”.[3]

Bộ Giáo Luật lấy lại ý tưởng của Công Đồng, và nhấn mạnh rằng, tất cả những hồng ân đó, tức là các đoàn sủng, được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, đều làm nổi bật điều chủ yếu, đó là qua những nẻo đường khác biệt, tất cả đều diễn tả mối quyết tâm duy nhất làm theo ý của Chúa Cha. Vì thế không thể nói đến những cấp bậc cao thấp trong các hình thức đời sống thánh hiến, mà chỉ là những chiều hướng khai triển sự sung mãn các hồng ân của Chúa, bởi vì tất cả đều nhắm đến việc đi theo Chúa Kitô, trong khi tìm kiếm ý muốn duy nhất của Chúa Cha.

 

 


[1] Một hình thức đang được hồi phục vào thời nay

[2] Xem thêm ở vấn đề 29

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Lumen Gentium”, số 46.