Sự Chuyển Mình Của Hội Thánh Trên Đường Loan Báo Tin Mừng: Từ “Ad Gentes” Đến “Evangelii Gaudium”

0
1684


Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt (SJ),

Giám mục Giáo Phận Bắc Ninh,

Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

 

 

Dẫn nhập

Kính thưa Đại Hội, nhằm kỉ niệm năm mươi năm Sắc lệnh “Ad Gentes” (Đến Với Muôn Dân) ra đời, chúng ta cùng nhau nhìn lại sự chuyển mình của Hội Thánh trên đường Loan báo Tin Mừng: từ “Ad Gentes” đến “Evagelii Gaudium”.

Công Đồng Vatican II đã khẳng định “bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”.[1] Đức Gioan Phaolô II tiếp tục kêu mời chúng ta nhận ra rằng “không được giảm bớt nỗ lực rao giảng Tin Mừng” cho những người ở xa Đức Kitô, “bởi vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh”. Vì thế, cho tới hôm nay “hoạt động truyền giáo hôm nay vẫn là thách thức lớn nhất cho Hội Thánh”,“nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu”.[2] Như vậy, mệnh lệnh truyền giáo của Thầy Giêsu chí thánh vẫn luôn được các Tông đồ và các đấng kế nhiệm không ngừng thi hành và đào sâu. Cụ thể, trong giới hạn của đề tài này, chúng ta nhìn lại bước đường loan báo Tin Mừng của Hội Thánh từ Ad Gentes đến Evangelii Gaudium.

Sắc lệnh Ad Gentes số 13 đã viết rằng: “Tại những nơi Thiên Chúa đã mở rộng lối vào cho việc rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô, phải tin tưởng và bền chí loan báo cho tất cả mọi người nhận biết Thiên Chúa hằng sống và Đấng Ngài sai đến cứu chuộc mọi người là Chúa Kitô, để những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng tự ý trở về với Chúa trong niềm tin, và thành tâm gắn bó với Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Đấng không chỉ đáp ứng, mà đúng hơn, còn vượt quá đến vô cùng những ước vọng thiêng liêng của con người”.[3]

Thượng Hội Đồng GM họp năm 2012 đã tái khẳng định tân phúc âm hoá là một lời kêu gọi được gửi tới mọi người và nhằm tới ba đối tượng chính:

1/. Thứ nhất là người sống đạo khô khan: chúng ta có thể nhắc đến lãnh vực  mục vụ thông thường, được “sinh động hoá bởi lửa của Thần Khí, để đốt cháy tâm hồn những tín hữu thường xuyên tham dự việc phụng tự cộng đoàn và tụ họp vào Ngày của Chúa để được nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh sự sống trường sinh của Ngài”. Trong số người này chúng ta cũng có thể kể những tín hữu vẫn duy trì một đức tin sâu xa và chân thành, biểu lộ đức tin bằng các cách khác nhau, nhưng ít khi tham dự việc thờ phượng.

2/. Thứ hai là người không sống đạo: “những người đã rửa tội nhưng không sống những đòi hỏi của phép Rửa”, những người thiếu một mối quan hệ có ý nghĩa với Hội Thánh và không còn cảm nghiệm niềm an ủi phát sinh bởi đức tin. Trong mối quan tâm từ mẫu của mình, Hội Thánh tìm cách giúp họ trải nghiệm một sự hoán cải để phục hồi niềm vui của đức tin cho tâm hồn họ và khơi dậy nơi họ một sự dấn thân cho Tin Mừng.

3/. Thứ ba là người chưa biết Chúa: chúng ta không thể quên rằng “loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài. Nhiều người trong số họ vẫn đang âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa, được dẫn dắt bởi ước vọng muốn thấy mặt Người”, kể cả tại những nước vốn có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Tất cả họ có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người, không loại trừ bất kỳ ai.

Một hình thức mới mà không mới mà Đức Phanxico trong Tông huấn “Evangelii Gaudium” mời gọi chúng ta đó là loan báo Tin Mừng bằng sức hút: “Thay vì tỏ ra muốn áp đặt những bó buộc mới, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng “bằng sức thu hút”.[4]

Vào thời chúng ta, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi thu thập môn đệ” vẫn là lời mời gọi cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh trong khung cảnh đổi thay và đầy thách thức mới, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.[5]

I. SẮC LỆNH “AD GENTES”: TRUYỀN GIÁO LÀ BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI

1. Chủ đích của việc rao giảng Tin Mừng

Chủ đích của việc rao giảng Tin Mừng là loan báo về “Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian” (x. Ga 19,36). Ngài đã nói về chính mình rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó… (Lc 4,18). Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã thực hiện để cứu rỗi nhân loại, “phải được công bố và loan truyền”, bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất, “như thế những gì đã được thực hiện chỉ một lần để cứu rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại”.[6]

Đồng thời, chủ đích của hoạt động truyền giáo cũng là việc gầy dựng cộng đoàn nơi các dân tộc hay những cộng đồng chưa có sự hiện diện của Giáo Hội.[7]

Sắc lệnh Ad Gentes số 8 khẳng định rằng: “Không ai có thể nhờ sức riêng để tự giải thoát khỏi tội lỗi và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát khỏi sự yếu đuối, nỗi cô đơn hay tình trạng nô lệ, trái lại, mọi người đều cần đến Chúa Kitô là mẫu gương và là Thầy dạy, là Đấng giải thoát, Đấng cứu độ và là Đấng ban sự sống”.[8] Vì vậy, loan báo Tin Mừng là hơi thở của Giáo Hội.

2. Ai là người Loan Báo Tin Mừng?

Loan báo Tin Mừng không phải là của riêng ai mà “toàn thể Giáo Hội đều phải truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hóa là nhiệm vụ căn bản của đoàn Dân Chúa, vì thế, Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thực hiện cuộc canh tân từ nội tâm, để khi đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mỗi người trong việc truyền bá Tin Mừng, tất cả cùng tham gia vào công cuộc truyền giáo cho muôn dân”.[9]

Chính vì thế “phận vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô bằng cách sống cũng như bằng lời nói, trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp.  Họ cũng phải gieo rắc niềm tin vào Chúa Kitô nơi những người có chung môi trường sống hay cùng chung ngành nghề; đây là một nhiệm vụ khẩn thiết vì nhiều người chỉ có thể nghe Tin Mừng và nhận biết Chúa Kitô nhờ những giáo dân sống gần bên họ”.[10]

Tuy nhiên, không phải chỉ cần hiện diện và được thiết lập trong một dân tộc nào đó, hay chỉ cần làm việc tông đồ bằng gương lành là đã đủ, nhưng đoàn dân Kitô hữu được thiết lập và hiện diện chính là để dùng lời nói và việc làm loan báo Chúa Kitô cho anh chị em đồng bào ngoài Kitô giáo, và giúp họ đón nhận Chúa Kitô cách trọn vẹn.[11]

Cũng thế, liên quan đến việc truyền giáo cho lương dân, phải thật sự đề cao công lao to lớn của đội ngũ giảng viên giáo lý, nam cũng như nữ, những người thấm nhuần tinh thần tông đồ, đã vất vả rất nhiều để mang lại sự hỗ trợ đặc biệt và vô cùng cần thiết cho việc truyền bá đức tin và mở rộng Giáo Hội.[12]

3. Tại sao phải Loan Báo Tin Mừng khi Công đồng Vatican II khẳng định những người ở ngoài Giáo Hội cũng có thể được cứu độ?

Thật vậy, những ai “không vì lỗi của mình” mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại “thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa”, và dưới tác động của ơn thánh, họ “cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm”, thì vẫn “có thể đạt được ơn cứu độ” vĩnh cửu. Cả những người “không vì lỗi của mình mà chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng cố gắng sống đời chính trực”, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ “được cứu độ”.[13]

Chúng ta có bổn phận loan báo Tin Mừng để mọi người được biết Đức Kitô là Đấng Cứu độ do Thiên Chúa sai đến. Mỗi người có quyền từ chối hay đón nhận, và phải chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình. Riêng đối với những ai vì lý do nào đó (không phải do lỗi của họ) mà không biết Tin Mừng ấy, thì Chúa sẽ phán xét họ theo cuộc sống của họ. Nếu họ cố gắng sống theo tiếng lương tâm, họ có thể được Chúa ban ơn cứu độ.

Dù những người chưa biết Chúa cũng có thể được ơn cứu độ, chúng ta vẫn vui sướng được Loan Báo Tin Mừng cho mọi người. Được biết Đức Giêsu một cách rõ ràng là hạnh phúc lớn. Chúng ta không muốn giữ hạnh phúc đó cho riêng mình. Hơn nữa, niềm tin minh nhiên vào Đức Giêsu làm cho con người được gắn bó chặt chẽ với Đấng Cứu độ do Thiên Chúa sai đến, nhờ đó họ có thể được ơn cứu độ một cách “vững chắc” hơn.

Vì thế, vâng lệnh Chúa Kitô, đồng thời được ân sủng và tình yêu của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác, “dẫn đưa tất cả đến với đức tin”, đón nhận ơn giải thoát và bình an của Chúa Kitô, “nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô”.[14]

II. ĐỨC PHAOLÔ VI: TÔNG HUẤN EVANGELII NUNTIANDI

Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (Loan Báo Tin Mừng) ra đời trong bối cảnh kết thúc năm thánh, kỉ niệm mười năm bế mạc Công Đồng Vatican II và vấn đề Phúc Âm hóa của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974. Qua Tông huấn này, ngài muốn khuyến khích các Kitô hữu trong sứ mệnh Phúc Âm hóa để họ thêm lòng yêu mến, nhiệt thành và hân hoan mà chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Mọi Kito hữu đều được mời gọi trở thành những sứ giả Tin Mừng.

1. Sứ giả Tin Mừng – những chứng nhân chân thực

Thời nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng thế kỷ này thèm khát sự chân thực. Nhất là đối với giới trẻ, người ta nói rằng họ ghê tởm sự giả trá, ngụy tạo và trên hết mọi sự họ tìm kiếm sự thật, sự trong suốt.[15]

Những “thời điểm này” phải làm cho chúng ta tỉnh thức. Người ta vẫn luôn luôn đặt câu hỏi cách âm thầm hay lớn tiếng: “Anh có thực sự tin điều anh loan truyền không? Anh có sống đều anh tin không? Anh có thực sự rao giảng điều anh sống không? Hơn bao giờ hết, cái chứng tích đời sống đã trở nên một điều kiện thiết yếu cho hiệu quả thâm sâu của việc rao giảng. Chính vì thế, chúng ta đây, trong một mức độ nào đó, đều có trách nhiệm về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta loan truyền,…”.

Trong sự đòi hỏi khắt khe của công cuộc loan báo Tin Mừng bằng những chứng nhân chân thực, ngài nhắn nhủ “các chư huynh trong hàng Giám Mục là những người đã được Thánh Thần cắt đặt để điều khiển Giáo Hội (Cv 20,28). Các Linh Mục và các Phó tế, những cộng tác viên của Giám Mục trong việc tụ tập dân Chúa và cổ võ đời sống thiêng liêng của các cộng đoàn địa phương. Các tu sĩ, những chứng nhân của một Giáo Hội được mời gọi nên thánh và là những người tận hiến làm chứng cho các mối phúc thật. Các gíao dân: các gia đình công giáo, những người trẻ và những người trưởng thành, tất cả những người đang làm việc trong bất cứ ngành nghề nào, những người lãnh đạo, cả những người nghèo khổ nhưng thường giàu lòng tin cậy, tất cả mọi giáo dân đang ý thức về vai trò rao giảng Tin Mừng để phục vụ Giáo Hội hoặc giữa lòng xã hội và thế giới”.[16]

Và cuối cùng ngài nhắn nhủ với tất cả mọi người: “lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta phải được xuất phát từ sự thánh thiện thật sự của một cuôc sống được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, và nhất là bằng lòng yêu mến đối với phép Thánh Thể. Hơn nữa, như Công Đồng đã nêu rõ việc rao giảng cũng phải làm cho người rao giảng lớn lên trong đường thánh thiện”.[17]

2. Sứ giả Tin Mừng – người xây dựng hiệp nhất

Sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng sẽ giảm sút nhiều nếu những người loan truyền chia rẽ nhau bằng mọi rạn nứt. Phải chăng đó không phải là một khó khăn lớn cho việc Phúc Âm hóa ngày nay? Lời di chúc thiêng liêng của Chúa cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp nhất giữa các môn đệ Ngài không những chỉ là bằng chứng chúng ta là môn đệ Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô.[18]

Là những người rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải đưa ra cho các tín hữu của Đức Kitô, không phải hình ảnh của những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp không chút xây dựng, nhưng là hình ảnh của những con người trưởng thành trong Đức tin, có khả năng gặp nhau bên trên những căng thẳng thực tế, nhờ việc cùng nhau tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi. Đúng thế, số phận của việc rao giảng Tin Mừng liên kết chặt chẽ với chứng tá hiệp nhất của Giáo Hội. Đó vừa là nguồn trách nhiệm và cũng là nguồn an ủi.

Về điểm này, Ta muốn nhấn mạnh rằng, dấu chỉ hiệp nhất giữa các Kitô hữu là đường lối và khí cụ của việc Phúc Âm hóa. Việc chia rẽ giữa các Kitô hữu là một tình trạng nghiêm trọng làm hoen ố công cuộc của Chúa Kitô…

3. Sứ giả Tin Mừng – người phục vụ của chân lý

Tin Mừng mà chúng ta có trọng trách rao giảng cũng là lời chân lý. Chân lý đem lại tự do (Ga 8,32) và chỉ nó mới ban sự bình an tâm hồn, đó chính là những điều người ta tìm kiếm khi đến nghe chúng ta rao giảng Tin Mừng. Chân lý về Thiên Chúa, chân lý về con người và số phận huyền nhiệm của con người, chân lý về thế gian. Đó là chân lý khó khăn mà chúng ta tìm được trong Lời Chúa và chúng ta không phải là chủ, là người sở hữu nhưng chỉ là người quản lý, người phát ngôn và đầy tớ phục vụ chân lý đó.[19]

4. Trở thành dấu chỉ của tình yêu: xây dựng nền văn minh tình thương

Công việc Phúc Âm hóa đòi hỏi người rao giảng phải có một tình huynh đệ luôn lớn mạnh đối với những người mình truyền giảng. Mẫu gương của người truyền giảng Tin Mừng là Thánh Phaolô tông đồ đã viết cho tín hữu Thesalonica lời sau đây mà tất cả chúng ta có thể lấy làm chương trình hành động: “Chúng tôi thật gắn bó với anh em đến nỗi không chỉ muốn chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với anh em mà còn thí cả mạng sống chúng tôi nữa, bởi chưng anh em trở nên những người thân mến của chúng tôi” (1Tx 2,8). Tình yêu này là gì? Hơn cả tình cảm của môt nhà giáo, đó là tình yêu của một người cha và hơn thế nữa đó là tình yêu của một người mẹ. Chính Đức Kitô mong đợi nơi mỗi nhà rao giảng Tin Mừng, nơi mỗi người thợ xây dựng Giáo Hội thứ tình yêu này. Một dấu chỉ của tình yêu này chính là biết lo lắng ban phát chân lý và dẫn tới hiệp nhất. Một dấu chỉ khác đó là tận hiến hoàn toàn cho việc loan báo Đức Kitô.[20] Ta xin đề cập thêm vài dấu chỉ khác của tình yêu này trong số 79.

Trước hết là tôn trọng tình trạng tôn giáo và tinh thần của những người mà ta rao giảng. Tôn trọng tiết điệu của họ mà ta không có quyền cưỡng ép. Tôn trọng lương tâm và xác tín của họ để không cưỡng bách họ.

Một dấu chỉ khác của tình yêu này là biết lo lắng không làm tổn thương người khác, nhất là những người còn yếu đức tin (x. 1Cr 8,9-13; Rm 14,15) bằng những lời nói tuy có thể rõ ràng đối với những người thông thạo, nhưng đối với các tín hữu thì đó có thể là nguồn bối rối và vấp phạm như một vết thương lòng.

Trước tiên Tin Mừng phải được công bố bằng chứng tá. Chẳng hạn giữa cộng đoàn nhân loại mà họ đang sống, một Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu, biểu lộ khả năng cảm thông và đón nhận, chia sẻ đời sống và số phận với những người khác, tỏ tình liên đới trong những nỗ lực chung nhằm đạt được những gì là cao qúy và tốt đẹp nhất. Hoặc là, một cách thực đơn giản và tự nhiên, họ chiếu tỏa niềm tin của mình nơi những gía trị vượt xa những giá trị thông thường, niềm trông cậy vào điều mà người khác không thấy và có lẽ không dám mơ tưởng tới. Nhờ chứng tá không lời này, Kitô hữu gợi lên những vấn nạn bất khả kháng trong tâm hồn những kẻ trông thấy họ sống: Tại sao họ là những người như thế? Tại sai họ sống như vậy? Cái gì hoặc ai đã thôi thúc họ? Tại sao họ ở giữa chúng ta? Một chứng tá như vậy đã là sự công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và hiệu nghiệm. Đó là động tác khai mào của việc Phúc Âm hóa. Đó có thể là những vấn nạn đầu tiên mà nhiều người không thật sự là Kitô hữu đặt ra, họ là những người chưa bao giờ được nghe nói về Đức Kitô, họ là những người đã chịu phép rửa nhưng không hành đạo, họ là những người sống trong cộng đoàn Kitô hữu nhưng lại không hề theo những nguyên tắc Kitô giáo, hoặc là những vất vả tìm kiếm một cái gì hay một Đấng nào đó mà họ đoán là có, nhưng không thể biết tên là gì. Rồi sẽ có những vấn nạn khác sâu xa hơn, đòi hỏi hơn, phát sinh từ chứng tá ấy, một chứng tá bao gồm sự hiện diện, sự chia sẻ, tình liên đới. Chứng tá đó là một yếu tố chính yếu, tiên quyết của việc Phúc Âm hóa.

Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi sống chứng tá đó và như thế họ có thể là những người rao giảng Tin Mừng đích thực. Ta đặc biệt nghĩ đến trách nhiệm của những người di cư trong những xứ tiếp nhận họ.

III. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II: GIÁO HOÀNG CỦA NHỮNG CHUYẾN CÔNG DU

Đức Phaolô VI đã ra khỏi nước Ý, và Đức Gioan Phaolô II là người mang lại ý nghĩa cho việc ra khỏi nước Ý. ĐGH Gioan Phaolô II đã “chạm” đến cuộc đời xa hơn biên giới của Giáo Hội. Ngài giúp thay đổi thế kỷ XX bằng vai trò chủ đạo. Qua việc thể hiện niềm tin tôn giáo sâu sắc, dựa trên lòng tôn trọng đối với từng cá nhân mong muốn tìm kiếm chân lý, vị Giáo Hoàng đặc biệt xuất thân từ Ba lan đã biểu lộ lòng nhân đạo và giúp mọi người biết cách xử lý các hiểm họa đe dọa thế kỷ XXI. Lúc sinh thời, ĐGH Gioan Phaolô II đã được coi là vị thánh sống, hiện thân của lòng nhân hậu. Người ta gọi Ngài là “Giáo hoàng của mọi thời đại”.

Trong Tông huấn Redemptoris Custos” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế), ngài nói Giáo Hội là truyền giáo do tự bản tính, chứ không do từ mệnh lệnh của Chúa Kitô.

Lý do căn bản của việc truyền giáo là sự mạc khải cuối cùng mà Thiên Chúa đã mạc khải về chính mình trong Đức Giêsu Kitô, vì thế tự bản tính, Giáo Hội có tính cách thừa sai. Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng, tức chân lý toàn vẹn mà Thiên Chúa đã tỏ bày.[21]

Một nét độc đáo của thần học được canh tân là sự liên kết chặt chẽ giữa mạc khải Tin Mừng của Tình yêu Thiên Chúa  đối với mọi người và sự cấp bách phải truyền giáo: “Giáo Hội không được phép từ bỏ việc loan báo rằng Chúa Giêsu đã đến mạc khải Dung Mạo của Thiên Chúa, qua Thập Giá và Phục Sinh, Người đã đem lại Ơn Cứu Độ cho mọi người… sự sống mới trong Người là Tin Mừng cho con người thuộc mọi thời đại…”.[22]

Tiếp nối chủ đề “Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu độ, với sứ mạng yêu thương và phục vụ tại Á Châu, để cho họ được sống và được sống dồi dào” của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Đức Gioan Phaolô II muốn mời gọi Giáo Hội Tại Á Châu xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống qua việc dành tình thương yêu tiên cho người nghèo và phục vụ sự sống.[23]

Nhưng để có thể xây dựng được một nền văn minh tình thương và sự sống, ngài  đòi hỏi toàn thể Giáo Hội phải  trở thành “chứng tá Kitô hữu chính hiệu, bởi vì “ngày nay dân chúng tin các chứng nhân hơn là các Thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là lời giảng dạy, và tin vào đời sống và hành động hơn là vào lý thuyết”. Điều này càng đúng trong bối cảnh Á Châu, nơi mà dân chúng được thuyết phục do đời sống thánh thiện hơn là do lý lẽ trí thức.[24]

IV. TỪ “AD GENTES” ĐẾN THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI VÀ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU

1. Sứ giả Tin Mừng: Bạn là ai?[25]

Biết mình bất xứng, cần hoán cải, nhưng xác tín vào sức mạnh của Thánh Thần.

– […] Để có thể Phúc Âm hóa thế giới, trước tiên Giáo Hội phải đặt mình lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi Phúc Âm hóa được thể hiện thành một tiếng gọi hoán cải.

Chúng ta chân thành cảm thấy bổn phận hoán cải bản thân trước tiên theo sức mạnh của Chúa Kitô, Đấng duy nhất có khả năng canh tân mọi sự, nhất là cuộc sống nghèo nàn của chúng ta. Cách khiêm tốn, chúng ta phải nhìn nhận rằng những nghèo nàn và yếu hèn của các môn đệ của Chúa Giêsu, cách riêng của các thừa tác viên của Ngài, đè nặng trên tính khả tín của việc truyền giáo. Chắc chắn, chúng ta ý thức, trước tiên các giám mục chúng tôi, không bao giờ có thể xứng với lời kêu gọi của Chúa và với việc gìn giữ Tin Mừng mà Ngài giao phó cho chúng ta để loan báo Ngài  cho muôn dân.

2. Sứ giả Tin Mừng: Bạn được sai đến đâu?[26]

Đến với một thế giới đầy thách đố, nhưng đồng thời có nhiều cơ hội

– Chúng ta không cảm thấy bị đe dọa bởi những điều kiện của thời đại chúng ta đang sống. Đó là một thế giới đầy những mâu thuẫn và những thách đố, nhưng nó vẫn là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, chắc chắn bị sự dữ làm tổn thương, nhưng luôn được Thiên Chúa yêu thương, trong đó có thể nảy sinh một lần nữa hạt giống của Lời Chúa để nó có thể mang lại hoa trái mới.

3. Sứ giả Tin Mừng: Bạn được sai đến với ai?

– Kề cận với những ai đang khát khao ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống[27]

[…] Chúng tôi để cho một trang Tin Mừng soi sáng chúng tôi: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritanô bên giếng nước Gia-cóp (x. Ga 4, 5-42). Không có người nam hay người nữ nào mà, vào một thời điểm nào đó trong đời mình, không ở gần bên một giếng nước với một cái vò rỗng và niềm hy vọng tìm được sự thể hiện khát vọng  sâu xa nhất của tâm hồn, niềm hy vọng duy nhất có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống. Ngày nay, có nhiều giếng nước được đề tặng cho cơn khát của con người, nhưng một sự phân định là cần thiết để tránh những thứ nước ô nhiễm.

– Đến với những người đã rời xa đức tin[28]

“Dẫn đưa con người của thời đại này đến với Chúa Giêsu, đến gặp gỡ với Ngài, là một sự cấp bách liên quan đến mọi vùng đất trên thế giới, những vùng đất hoàn toàn gần đây cũng như những vùng đất được Phúc Âm hóa xưa. Quả thế, khắp nơi đều cảm thấy nhu cầu làm tươi mới lại một đức tin đang có nguy cơ mờ tối đi trong những khung cảnh văn hóa làm ngăn trở sự bén rễ cá nhân, sự tỏa sáng xã hội, sự sáng sủa nội dung và những hoa trái tương hợp của nó…”.

4. Sứ giả Tin Mừng: Bạn thi hành sứ vụ như thế nào?

a. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ[29]

Công cuộc Tân Phúc Âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Ðối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Ðặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Ðối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Ðối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.

b. Hiện diện khiêm hạ[30]

Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Ðó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.

5. Vai trò ngôn sứ

– Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo[31]

Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công bình, lòng nhân từ và thành tín (Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.

– Liên đới với những nạn nhân[32]

Trong Hội nghị, chúng tôi đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc Âm hóa.

V. TÔNG HUẤN “EVANGELII GAUDIUM”

Sau năm mươi năm Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxico cho ra Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng). Tông huấn này vừa như phác họa lại những bước đường cơ bản Giáo Hội đã đi, nhưng đồng thời cũng đưa ra những gợi ý cụ thể cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội đầu thế kỷ XXI. Cụ thể Giáo Hội phải được gây dựng được những cộng đoàn tràn đầy niềm vui và niềm vui ấy sẽ lan tỏa ra đến tận các vùng ngoại biên, qua việc gặp gỡ văn hóa và chiếu tỏa lòng thương xót.

1. Gây dựng cộng đoàn rao giảng Tin Mừng[33]

Hội Thánh “đi ra” là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng biết rằng Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã yêu chúng ta trước (x. Ga 4,19), và vì thế chúng ta có thể dấn bước, mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề. Một cộng đoàn như thế có một ước muốn khôn nguôi là tỏ lòng thương xót, kết quả của kinh nghiệm bản thân của cộng đoàn về sức mạnh lòng thương vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy thử cố gắng hơn một chút để đi bước trước và dấn thân. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Chúa dấn thân và mời gọi các môn đệ dấn thân, khi Ngài cúi xuống rửa chân họ. Ngài bảo các môn đệ: “Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17). Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; cộng đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ.

Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đoàn này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và sự chịu đựng tông đồ. Loan báo Tin Mừng phần lớn hệ tại sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian. Trung thành với ơn Chúa, nó cũng sinh hoa kết quả”. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng luôn luôn để tâm tới kết quả, vì Chúa muốn nó sinh hoa kết quả. Nó chăm sóc hạt giống và không mất kiên nhẫn với cỏ dại. Người gieo giống khi thấy cỏ dại mọc lên giữa hạt giống thì không càu nhàu hay phản ứng thái quá. Họ tìm cách để cho Lời được nhập thể trong một hoàn cảnh nhất định và phát sinh những hoa quả của đời sống mới, dù những kết quả này có vẻ chưa hoàn hảo hay đầy đủ. Người môn đệ sẵn sàng mạo hiểm đời mình, thậm chí chấp nhận tử đạo, để làm chứng cho Đức Giêsu, nhưng mục tiêu không phải là muốn có kẻ thù, mà là để thấy Lời của Thiên Chúa được chấp nhận và sức mạnh giải thoát và đổi mới của Lời được tỏ lộ.

Sau cùng, một cộng đoàn loan báo Tin Mừng thì chan chứa niềm vui; nó biết cách để luôn luôn vui mừng. Nó ăn mừng trước mỗi chiến thắng nho nhỏ, mỗi bước tiến trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan tỏa lòng nhân hậu. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.

2. Gầy dựng giáo xứ hướng về truyền giáo[34]

Giáo xứ không phải là một cơ chế lỗi thời; lý do chính là nó có tính linh động cao, nó có thể tiếp thu những tình huống khá khác biệt tùy theo sự cởi mở và óc sáng tạo truyền giáo của người mục tử và của cộng đoàn. Chắc chắn giáo xứ không phải là cơ chế duy nhất loan báo Tin Mừng, nhưng nếu nó tỏ ra có khả năng tự canh tân và thích nghi không ngừng, nó vẫn tiếp tục là “Hội Thánh sống giữa các gia đình của các con trai con gái mình”. Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi duyệt lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ đến gần người dân hơn, biến các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo.

3. Lòng đạo đức bình dân

Trong nhiều điểm nhấn của Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxico đã không quên nhắc lại tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Ngài nói “tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa”.[35]

4. Trong Thánh Thần của Đức Chúa Phục Sinh

a. Đức Kitô Phục Sinh là nguồn gốc sâu xa của mọi niềm hy vọng[36]

Trong chương 2, chúng ta đã suy tư về sự thiếu vắng một linh đạo thâm sâu dẫn đến thái độ bi quan, tất định và hoài nghi. Một số người không dấn thân cho truyền giáo bởi vì họ nghĩ sẽ chẳng thay đổi được gì và có cố gắng bao nhiêu cũng vô ích. Họ nghĩ: “Sao tôi phải từ bỏ các tiện nghi và thú vui nếu tôi chẳng thấy có kết quả gì?” Thái độ này khiến người ta không thể làm người truyền giáo. Đây chỉ là một cái cớ dối trá để tiếp tục bị vướng mắc trong tiện nghi, lười biếng, bất mãn một cách vu vơ và ích kỷ, trống rỗng. Nó là một thái độ tự hủy diệt,“người ta không thể sống mà không có hy vọng: cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa và không thể chịu đựng nổi”. Nếu chúng ta nghĩ rằng không cái gì thay đổi được, chúng ta phải nhớ rằng Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và bây giờ là Đấng toàn năng. Đức Giêsu Kitô đang sống thực sự. Nói cách khác, “nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng” (1 Cr 15,14). Tin Mừng kể cho chúng ta rằng khi các tông đồ bắt đầu đi rao giảng, “Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20). Đó cũng là điều xảy ra hôm nay. Chúng ta được mời gọi khám phá và trải nghiệm điều đó. Đức Kitô sống lại và được tôn vinh là nguồn suối hy vọng của chúng ta, và Ngài sẽ không từ chối giúp đỡ chúng ta trong việc thực thi sứ mạng Ngài đã ủy thác cho chúng ta.

b. Sức sống của Đấng Phục Sinh đã thấm nhập vào thế giới[37]

Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một biến cố của quá khứ; nó chứa đựng một sức mạnh cốt thiết đã thấm nhuần thế giới này. Ở đâu mà tất cả có vẻ như đã chết, ở đó các dấu hiệu phục sinh đột nhiên xuất hiện. Đó là một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Thường chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ như không hiện hữu: chúng ta thấy khắp quanh mình những cảnh bất công, tội ác, thờ ơ, tàn bạo không ngớt. Nhưng cũng đúng là giữa cảnh tối tăm luôn luôn có một cái gì mới phát sinh và sớm hay muộn sẽ sinh hoa kết quả. Trên mặt đất bị san bằng, sự sống vẫn bùng dậy một cách ngoan cường. Bất kể hoàn cảnh đen tối đến đâu, sự thiện luôn luôn xuất hiện trở lại và lan tỏa. Mỗi ngày trong thế giới của chúng ta, cái đẹp luôn luôn tái sinh, nó lớn lên xuyên qua những bão tố của lịch sử. Các giá trị luôn luôn có khuynh hướng xuất hiện trở lại dưới những dạng mới, và loài người cũng đã tái sinh hết lần này qua lần khác từ những tình huống xem như là đã tận số. Sức mạnh của sự sống lại là như thế, và tất cả những người loan báo Tin Mừng là những công cụ của sức mạnh ấy.

Kết luận

Giáo Hội Việt Nam sau hơn 400 năm truyền giáo nhưng tỉ lệ vẫn chưa tới 10% dân số. Năm mươi năm qua với biết bao thay đổi trong phương pháp truyền giáo, với ánh sáng của Vatican II, với các thông điệp về truyền giáo nhưng tỉ lệ người Công Giáo không tăng hoặc có tăng thì không đáng kể; có những nơi dậm chân tại chỗ, có những nơi suy giảm. Chúng ta cũng cần nhìn lại sau năm mươi năm khởi đầu truyền giáo: từ số không lên khoảng 150 ngàn. Đây là con số cho chúng ta suy nghĩ.

Chúng ta cần so sánh với với các tông đồ thời Hội Thánh sơ khai; so sánh với cha Đắc Lộ, những thừa sai, thầy giảng và giáo dân đầu thế kỷ XVII.

Khi đưa ra những nhận định và những gợi ý trên nhằm để chúng ta đặt ra câu hỏi là chúng ta phải làm gì? Xin hãy không đỗ lỗi cho hoàn cảnh: Múa vụng chê đất lệch!

Chúng ta hãy cùng xét mình với kinh tôi thú nhận: lỗi tại tôi mọi đàng!

Nhìn lại công cuộc truyền giáo từ Hội Thánh sơ khai cho đến hôm nay chúng ta dễ dàng nhận ra rằng khó khăn xuất hiện ở mọi thời đại.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng là hoàn cảnh thuận lợi hơn, nhiều phương tiện truyền giáo hơn. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy rằng chúng ta đang sống chủ nghĩa “túm tụm”. Giáo Hội mình tốt rồi, giáo xứ mình mạnh rồi, gia đình mình thánh thiện rồi nên phải bảo vệ cái tốt, cái mạnh và cái thánh thiện đó bằng việc co cụm lại.

Thay vì những gợi ý, xin có một vài đề nghị:

Năm tới Giáo Hội sống năm Phúc Âm hóa xã hội, nhưng trước tiên cần Tân Phúc Âm hóa nội bộ để Phúc Âm hóa xã hội.

– Tập trung vào Tin Mừng về con người và xã hội

– Tôn kính tổ tiên

– Hoạt động bác ái

– Sân chư dân

– Gặp gỡ và đối thoại

– Hướng về Trời mới đất mới (Kh 21,1)

– Mỗi người chúng ta có thể có những góp ý cụ thể nữa

 

 

(Bài tham luận tại Đại Hội Truyền Giáo toàn quốc lần thứ III, từ ngày 01 đến 04/09/2015, được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế).

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 2

[2] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 15

[3] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”,số 13

[4] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 14

[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 20

[6] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 3

[7] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 6

[8] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 8

[9] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 35

[10] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 21

[11] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 15

[12] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 17

[13] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 16

[14] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 5

[15] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi”, số 76

[16] Mọi thành phần đều được mời gọi để loan báo Tin Mừng

[17] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi”, số 76

[18] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi”, số 77

[19] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi”, số 78

[20] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi”, số 79

[21] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Redemptoris Custos”, số 5

[22] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn “Redemptoris Custos”, số 11

[23] Xc. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn “Ecclesia in Asia”, số 34-35

[24] Xc. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn “Ecclesia in Asia”, số 42

[25] Trích “Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2012 về Tân Phúc Âm hóa”, số 5

[26] Trích “Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2012 về Tân Phúc Âm hóa”, số 6

[27] Trích “Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2012 về Tân Phúc Âm hóa”, số 1

[28] Trích “Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2012 về Tân Phúc Âm hóa”, số 2

[29] Trích “Sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu 2012 về Canh Tân Sứ Giả Tin Mừng”, số 5

[30] Trích “Sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu 2012 về Canh Tân Sứ Giả Tin Mừng”, số 6

[31] Trích “Sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu 2012 về Canh Tân Sứ Giả Tin Mừng”, số 7

[32] Trích “Sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu 2012 về Canh Tân Sứ Giả Tin Mừng”, số 8

[33] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 24

[34] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 28

[35] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 122

[36] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 275

[37] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 276