SIÊU HÌNH HỌC CỦA BONAVENTURA: MỘT SIÊU HÌNH HỌC MANG TÍNH THẦN HỌC

0
756

SIÊU HÌNH HỌC CỦA BONAVENTURA:
MỘT SIÊU HÌNH HỌC MANG TÍNH THẦN HỌC
[1]

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Cantebury, ENGLAND

Hành trình mà Bonaventura mô tả trong tác phẩm Itinerarium mentis in Deum (viết tắt IT) bắt nguồn từ các lời kêu gọi noi gương Chúa Ki-tô để được nên một với Ngài, và như đã trình bày ở trên, đối với Bonaventura, Thánh Phan-xi-cô được xem như mẫu mực cho hành trình về với Thiên Chúa và sách Đại Truyện cố làm rõ công cuộc tìm kiếm thần bí này.

Nhưng có một vấn đề khác tiềm ẩn trong tác phẩm IT cần phải khảo sát từ quan điểm Tri thức Phan Sinh: Cuộc hành trình như được phác thảo trong IT có phải đơn thuần là một phiên bản được Ki-tô giáo hóa của các ý niệm phát xuất từ triết học Pla-tô liên quan đến quá trình siêu thăng, hay Bonaventura thực sự đã đưa ra một điều gì đó sâu xa hơn qua cấu trúc siêu hình lấy Chúa Ki-tô làm Trung Tâm?

Vấn đề này quan trọng vì nó quyết định xem bản chất các nỗ lực thần học của Bonaventura là gì, và qua đó bản chất của toàn bộ công trình thần học và siêu hình Ki-tô giáo do Bonaventura thực hiện vì trong các tác phẩm của ngài không có sự phân cách giữa thần học với đời sống thiêng liêng và thần bí.

Ngay từ bước đầu đã có thể thấy quan niệm của Bonaventura về ‘siêu thăng để hiệp nhất’ khác với quan niệm của phái Tân Pla-tô ở chỗ phái Tân Pla-tô coi đấy như là một quá trình chủ yếu liên quan đến nỗ lực tri thức dựa trên triết lý và thần học. Còn trong lập trường lấy Đức Ki-tô làm trung tâm của Bonaventura, Đức Ki-tô đã tác động như là khởi đầu, diễn tiến và kết thúc của hành trành về với Thiên Chúa.

Điều đáng lưu ý ở đây là hai tác giả có ảnh hưởng lớn đến Bonaventura, Pseudo-Denis và Augustine, không đặt Đức Ki-tô làm trung tâm trong việc tìm kiếm cũng như việc trình bày quá trình siêu thăng để hiệp nhất. Đối với hai tác giả này,  người ta chỉ có tìm thấy chân lý bằng cách vượt lên trên các vết tích của thế giới khả giác để vươn lên thế giới khả tri.

Vẫn biết Bonaventura tiếp thu từ triết học Hy Lạp nhiều hơn là chúng ta có thể nghĩ,  tuy nhiên phải công tâm nhìn nhận rằng ngài đã tách biệt các nỗ lực tri thức luận của mình ra khỏi siêu hình học Hy Lạp.

Trong bài giảng “Đức Ki-tô, vị Thầy Duy Nhất của mọi người“, ngài nêu rõ trung tâm của tri thức chính Đức Ki-tô. Đức Ki-tô là trung tâm của chân lý và của sự hiểu biết vẹn toàn, vượt trên các khiếm khuyết của Siêu Hình Học Hy Lạp như được phác thảo trong Pla-tô và Aristotle.

Trong tác phẩm Hexaemeron ngài phê phán các nguyên lý chính của triết học Aristotle vì tách rời thế giới vật chất khỏi Đấng Tạo Thành, và không coi trọng  khả năng của linh hồn con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Bonaventura chủ trương rằng một thần học gia Ki-tô giáo không thể chấp nhận toàn bộ siêu hình học Hy Lạp [hoặc Cựu Ước] một cách thiếu phê bình, vì mọi hình thức triết học siêu hình đều phải chấp nhận để cho Tân Ước hiệu chỉnh và bổ túc.

Người ta thường ít lưu ý đến một yếu tố trong phần đóng góp của Bonaventura vào Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh, cả về mặt thần học-triết học lẫn linh đạo. Nay người ta đã thấy rõ hơn nhờ công trình nghiên cứu của Zach Hayes: thế giới quan của Bonaventura mang đậm tính chất Phan Sinh do đã trình bày một siêu hình học mới, một siêu hình học mang tính thần học bắt nguồn và đặt căn bản trên Đức Ki-tô là Trung Tâm.

Siêu hình học (Metaphysics) là một ngành của triết học chuyên khảo sát cấu trúc của thực tại. Meta = vượt ra ngoài, vượt lên trên, Phusis [physis] = vật lý. Do đó, siêu hình học chú tâm khảo sát để tìm hiểu cấu trúc của toàn bộ thực tại dựa trên các nguyên lý chi phối các thực tại riêng lẻ [Scotus có một quan niệm khác về bản chất của siêu hình học cũng như về chủ thể và đối tượng cá biệt của siêu hình học – điều này chúng ta sẽ xem sau].

Tạm gác qua sự kiện Bonaventura và Scotus khác nhau trong quan niệm về đối tượng chính của siêu hình học, điều cần nói ở đây, ít nhất là để tìm hiểu Bonaventura, đó là: vì thực tại mà siêu hình học khảo sát tạo nên thế giới quan của chúng ta, tức là tạo nên mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với thiên nhiên và với đồng loại, cho nên siêu hình học có ảnh hưởng quyết định trong việc hình thành thế giới quan của chúng ta.

Quan niệm về một ‘siêu hình học mang tính thần học’ được Bonaventura phác thảo trong tác phẩm Hexaemeron như sau:

“Cần phải khởi đầu từ trung tâm, tức là từ Chúa Ki-tô. Mặc dù nhà siêu hình học có thể vươn lên từ việc khảo sát các bản thể thụ tạo và riêng lẻ cho tới cảnh giới của cái phổ quát và bất thụ tạo và cho tới chính khái niệm về hữu thể, qua đó đạt tới các ý niệm về khởi thủy, trung tâm và kết thúc tối hậu, tuy nhiên vẫn không thể nào đạt tới các khái niệm về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Quả vậy nhà siêu hình học vươn lên tới khái niệm về hữu thể qua việc nghiên cứu dựa trên nguyên lý nhân quả, và trong quá trình này gặp gỡ khoa học vật lý là khoa nghiên cứu nguồn gốc sự vật. Nhà siêu hình học cũng có thể vươn lên tới khái niệm về hữu thể dựa trên nguyên lý cùng đích, và trong quá trình này gặp gỡ đạo đức học hay triết học về đạo đức, là môn học có mục đích đưa vạn vật trở về với mục đích  cuối cùng là Sự Thiện Tuyệt Đối qua việc nghiên cứu làm thế nào để đạt tới hạnh phúc, về phương diện lý thuyết cũng như thực hành. Nhưng khi nhà siêu hình học nhìn hữu thể dưới ánh sáng nguyên lý mẫu mực của vạn vật, ông không gặp một khoa học nào khác, và khi ấy ông  là một nhà siêu hình học đích thực. Từ trước vô cùng Chúa Cha sinh ra Chúa Con giống như mình và tự diễn tả trong một hữu thể giống như mình. Khi làm như thế Ngài bộc lộ toàn thể quyền năng của mình; Ngài bộc lộ những gì Ngài có thể làm, và những gì Ngài muốn làm. Ngài bộc lộ tất cả những gì có trong Ngài nơi Chúa Con, Đấng là chính trung tâm vạn vật. [Hex. 1,10.13].

Ở đây vấn đề siêu hình học, tức là vấn đề về nền tảng hữu thể, trùng hợp với vấn đề Ki-tô học, bởi vì vấn đề nguyên lý mẫu mực tạo nên vạn vật được đề cập trong siêu hình học trên phương diện triết học liên quan đến nguyên lý mẫu mực sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể trong Đức Giê-su Ki-tô trên phương diện thần học.

Trong triết học Tân-Pla-tô không có một gạch nối nào giữa lĩnh vực các Ý Tưởng và thế giới vật thể, còn Bonaventura thì chủ trương rằng Đức Ki-tô, Ngôi Lời, đấng không được tạo thành và đã nhập thể, là sự diễn tả toàn diện của Thiên Chúa, và do đó, là nguyên mẫu của tất cả các Ý Tưởng.

Trong cương vị là nghệ thuật thần linh của Chúa Cha, Ngôi Lời diễn tả Chúa Cha và diễn tả vạn vật đã được hình thành qua Ngài, đồng thời Ngôi Lời cũng là tác nhân chính yếu dẫn đưa chúng ta đến sự hiệp nhất với Chúa Cha. Bonaventura viết trong Hex. 1.17:

Vì lý do đó Ngài là cây sự sống, vì qua trung tâm ấy chúng ta trở về và được ban sự sống nơi nguồn mạch sự sống. Ngài là trung tâm siêu hình học của chúng ta, tổng thể nội dung siêu hình học của chúng ta: lưu xuất, nguyên lý mẫu mực và hoàn tất, hướng dẫn chúng ta bằng các tia sáng thiêng liêng để chúng ta trở về với Đấng Tối Cao.

Vì Ngôi Lời bất thụ tạo là điều kiện nền tảng của hữu thể, là nguồn cội và nguyên thủy cho sự hiện hữu của thực tại hữu hạn, và vì cũng một Ngôi Lời ấy khi nhập thể đã cứu độ và đưa thế giới đến mức thiện toàn, nên chính trong Ngôi Lời nhập thể, chân lý của lý trí và của đức tin được hợp làm một và dẫn đưa con người về lại cùng Thiên Chúa. Bởi vậy, Bonaventura khởi sự với trung tâm điểm của thực tại là Đức Ki-tô.

Từ trung tâm điểm ấy chúng ta có thể hiểu được vạn vật hình thành và được đưa đến mức hoàn thiện ra sao. Ngôi Lời, vốn ở chính trung tâm của sự sống thần linh,  nay là nền tảng hữu thể cho mọi sự ở bên ngoài Chúa Cha. Tương quan giữa Ngôi Lời và Chúa Cha là tương quan nguyên thủy đầu tiên và là nền tảng cho mọi tương quan khác.

Nếu đúng là Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng vạn vật theo hình ảnh của Ngài, tức là dựa theo Ngôi Lời, hệ luận là bất cụ thụ tạo nào cũng đều mang trong bản chất sâu xa của mình một mối tương quan với Ngôi Lời bất thụ tạo. Hơn thế nữa, những gì được tạo thành đều là một biểu hiện của Ngôi Lời và mang dấu ấn của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một triết gia sẽ đi tìm nguyên nhân mẫu mực nơi bản tính Thiên Chúa duy nhất, nhưng theo Bonaventura thì nhà thần học đã được biết nguyên nhân ấy chính là Ngôi Lời, trung tâm của sự sống thần linh và mẫu mực qua đó toàn thể cấu trúc Ba Ngôi của bản tính Thiên Chúa  tự biểu hiện như là khuôn mẫu cho toàn thể thụ tạo.

Chính nhờ  mầu nhiệm của Ngôi Lời và khả năng biểu hiện bản thể Thiên Chúa của Ngôi Lời, mà Bonaventura đã có thể biến lý tưởng của triết học Tân Pla-tô thành một lý tưởng mang tính chất Ki-tô qui hướng, qua đó tổng hợp được quan điểm thần bí qui hướng về Chúa Ki-tô  của Th. Phan-xi-cô với triết học Tân Pla-tô.

Quả thực, Bonaventura đã Phan Sinh hóa triết học Tân Pla-tô, làm cho triết học Tân Pla-tô trong tác phẩm IT hòa nhập vào một sự kiện lịch sử cụ thể là cây Thánh Giá. Có thể nói Bonaventura đã vận dụng triết học Tân Pla-tô để đem lại cho sự kiện độc nhất và riêng lẻ này một ý nghĩa có tầm mức vũ trụ.

Khác với quá trình siêu thăng của triết học Tân Pla-tô, Hành trình của Bonaventura không hẳn là một quá trình mang tính tri thức, nhưng là một biện chứng tiệm tiến của tri thức và tình yêu. Tri thức liên kết chặt chẽ với tình yêu qua mỗi giai đoạn của quá trình vươn lên cho đến Thiên Chúa, ngoại trừ bước vượt cuối khi chỉ có tình yêu hoạt động.

Điều này có phần khác với quan niệm của Pseudo-Denis.  Khi Pseudo-Denis cho rằng trong tình trạng ngất trí vô ngôn, mọi hoạt động tri thức đều thôi hoạt động, ông muốn nói là tri thức được đưa đi quá những gì tự nó có thể làm và được dẫn vào vùng bóng tối sáng ngời. Bonaventura có thể phát biểu cùng một cách nhưng ý lại muốn nói: tình yêu thay chỗ tri thức, để lại tri thức ở phía sau.

Yếu tố này giúp chúng ta phân biệt siêu hình học của Bonaventura với triết học Tân Pla-tô. Triết học Tân Pla-tô dựa trên căn bản là tìm kiếm chân lý, nhưng Bonaventura lại thấy rằng chân lý và tri thức dựa trên căn bản là Đức Ki-tô. Nơi Đức Ki-tô, nền tảng của hữu thể là nền tảng của tri thức. Nơi Đức Ki-tô, Ngôi Lời đã được lịch sử hóa một cách minh nhiên đến mức kể từ thời điểm ấy mọi thực tại đều được chiếu sáng.

Đức Ki-tô là Alpha và Omega. Qua Ngài vạn vật được tạo thành, nhờ Ngài vạn vật trở về với Thiên Chúa. Zach Hayes nói rằng nếu phân tích cho rốt ráo, cuối cùng chỉ có một siêu hình học, và siêu hình học trong mầu nhiệm Đức Ki-tô trở thành khuôn mẫu giúp chúng ta hiểu biết mọi thực tại.

Nếu cho rằng Bonaventura biến đổi học thuyết Tân Pla-tô thành một ‘siêu hình học nhập thể’ thì mới chỉ là nói đến phần khởi đầu của cái nằm ở trung tâm của hệ thống thần học của ngài, và trung tâm đó chĩnh là siêu hình học về sự Thiện, hay một ‘siêu hình học về tình yêu’.

Chắc chắn là tri thức có một vị trí trong tư tưởng của Bonaventura,  tuy nhiên quá trình hoàn thiện qua đó vạn vật qui hồi Thiên Chúa, về mặt siêu hình, không dựa trên tri thức, nhưng dựa trên tình yêu. Tất nhiên là cần phải có một công trình  khảo sát chi tiết ‘siêu hình học về sự Thiện’ của Bonaventura, nhưng không thể tiến hành ở trong kỳ tĩnh tâm này! Vì vậy tôi sẽ chỉ khảo sát nền siêu hình học ấy trong một lãnh vực duy nhất, đó là siêu hình học của Bonaventura về Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

Quan điểm thần học về Ngôi Lời của Bonaventura cho phép ngài trình bày một siêu hình học trong đó Thiên Chúa, đấng Tuyệt Đối, liên hệ chặt chẽ với thế giới thụ tạo qua Ngôi Lời Nhập Thể là Đức Giê-su Ki-tô. Trong bối cảnh ấy, toàn bộ hệ thống siêu hình học của Bonaventura có thể nói đều qui hướng về Chúa Ki-tô bởi vì ngài qui hướng mọi thực tại về cùng một nguồn mạch – Ngôi Lời.

Trong hệ thống của Bonaventura , nền tảng hữu thể của tất cả mọi tương quan là tương quan giữa Ngôi Lời và Chúa Cha. Tương quan này lại bắt nguồn từ phẩm tính tốt lành tự ban phát của Chúa Cha, nhờ đó Ngôi Lời được sinh ra từ vĩnh cửu.

Chính về mặt này mà ba chương cuối của tác phẩm Itinerarium có tính cách quyết định đối với việc trình bày quan điểm siêu hình của Bonaventura về sự Thiện mà đỉnh cao là Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Trong Itinerarium, Bonaventura chiêm ngắm duy nhất tính của Thiên Chúa qua tên gọi cơ bản là ‘Hữu Thể’.

Lý luận của ngài cốt yếu lập lại lý luận của Anselm [Scotus cũng dùng lại lý luận này trong chứng cứ của mình về Đệ Nhất Hữu Thể]: ‘Thiên Chúa là đấng người ta không thể nghĩ có gì cao trọng hơn’. Thiên Chúa hiện hữu vì hiện hữu luôn cao trọng hơn là không hiện hữu.

Mặc dù Thiên Chúa được gọi là ‘Đệ Nhất Hữu Thể’, Bonaventura không quan niệm đấy là điểm tối hậu nhưng là khởi đầu của mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài viết: “Ở đây bạn có một điểm để nâng lên bạn lên cao, [IT 5,8] tức là nâng bạn đi quá khái niệm Thiên Chúa như ‘Đệ Nhất Hữu Thể’.

Theo Bonaventura, nơi Thiên Chúa và chỉ nơi Thiên Chúa, những phẩm tính trái ngược có thể cùng hiện hữu. Bonaventura gọi đó là đặc tính ‘dung hợp các trái nghịch’. Qua một loạt các tập hợp của những điều trái nghịch nơi Thiên Chúa như: đầu tiên/cuối cùng, vĩnh cửu/hiện tại, đơn giản nhất/rộng lớn nhất, đúng thời/bất khả chuyển, toàn vẹn/vô biên, độc nhất/bao gồm tất cả, khởi đầu/hoàn tất, Alpha/Omega, hiện tại/vĩnh cửu, Bonaventura dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Thiên Chúa: Thiên Chúa “bao gồm tất cả không phải vì Ngài là bản chất của vạn vật, nhưng vì Ngài là nguyên nhân tối hảo và tối phổ quát và đầy đủ nhất của mọi bản thể”.

Theo Bonaventura, đặc tính của sự cao cả nơi Thiên Chúa là Thiên Chúa tuyệt đối đơn nhất và bao gồm tất cả và do đó Ngài là tất cả đối với tất cả vạn vật. Bonaventura loại trừ mọi giới hạn của khái niệm ‘hữu thể’ khi áp dụng cho Thiên Chúa, qua việc nhận ra Thiên Chúa là Đấng ‘đơn nhất và bao gồm tất cả’, nghĩa là cũng bao gồm cả hữu thể.

Tương tự như thế, Pseudo-Denis đã viết:

Bởi vì Thiên Chúa vượt trên hết vạn vật, bản tính của Ngài không bị giới hạn bởi hình thể nhưng là nguyên lý tạo thành tất cả mọi hình thể. Nơi Ngài, cái vô thể thực sự lại vượt quá cái hữu thể. Đấy không phải là sự sống, nhưng là sự sống tràn đầy. Đấy không phải là trí tuệ, nhưng là Khôn Ngoan dư dật. Bật cứ điều gì được thông phần vào sự Thiện đều thông phần vào Đấng tạo hình thể cho mọi thứ không có hình thể. Và người ta còn có thể nói rằng chính cái vô thể cũng hướng về sự Thiện, vì sự Thiện vượt trên hữu thể’ [Các Tên Gọi Thiên Chúa, 42].

Rõ ràng là Bonaventura chịu ảnh hưởng nặng nề của Pseudo-Denis vì đối với Pseudo-Denis sự Thiện là tên gọi Thiên Chúa và chủ trương rằng Thiên Chúa là nguyên lý của hữu thể. Từ nơi Ngài phát xuất vạn vật, trong đó bao gồm cả chính hữu thể. Theo Pseudo-Denis trình bày:

Ân huệ thứ nhất của sự Thiện tuyệt đối siêu việt, đó là ơn ban hữu thể, và sự Thiện được ca tụng ngợi khen bởi  những gì đã nhận được một phần hữu thể như ân huệ đầu tiên và chính yếu.  Từ sự Thiện và trong sự Thiện có chính Hữu Thể, nguồn mạch của các hữu thể riêng lẻ. Vạn vật và mọi thứ khác đều nhận được một phần hiện hữu từ sự Thiện” [Các Tên Gọi Thiên Chúa, 55].

Thiên Chúa ban hữu thể cho vạn vật vì Ngài có trước vạn vật và ban cho vạn vật ơn hiệu hữu. Hữu Thể vượt trên vạn vật, nhưng ơn ban hiện hữu còn vượt trên Hữu Thể, và Đấng ban ơn hiện hữu vượt trên Hữu Thể.

Ý tưởng cho rằng sự Thiện có trước hữu thể là một khái niệm khó nắm bắt, nhưng nơi Bonaventura đó là một khái niệm hàm chứa một năng lực lớn, ảnh hưởng cách đáng kể đến cách Bonaventura trình bày mầu nhiệm Ba Ngôi và có thể cũng ảnh hưởng đến cách hiểu của chúng ta.

Bởi vì Thiên Chúa thường được quan niệm như là Hữu Thể nên chúng ta hình dung các ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa theo dạng nhân loại. Nhưng nói rằng sự Thiện vượt trên hữu thể sẽ có tác dụng  là loại trừ được hết mọi cách hình dung Thiên Chúa theo dạng con người. Chúa Cha, do đó, sẽ không còn mang hình dáng một tổ phụ, nhưng là sự Thiện siêu việt.

Chua Cha là Ngôi vị Thiên Chúa không có nguồn cội, và là nguồn cội vô biên của sự Thiện tự phân phát. Nói như thể có thể khiến người ta có một quan niệm phi ngôi vị về Ngôi Nhất trong Ba Ngôi, tuy nhiên nghịch lý là chính điều ấy lại làm nổi bật ngôi vị của Ngôi Nhất là Chúa Cha, bởi vì sự Thiện vô cùng siêu việt và tự lan tỏa, tự phân phát, đã thông ban chính mình chính mình cách trọn vẹn cho  một Ngôi Vị khác là Chúa Con trong sự sống vĩnh cửu của Ba Ngôi.

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, sự Thiện tuyệt đối, tức Chúa Cha, là nguồn phát sinh Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi vậy có thể nói sự Thiện có trước hữu thể vĩnh cửu, và bản tính hữu thể của Thiên Chúa chính là sự Thiện của Thiên Chúa.

Hữu thể là ân huệ có được từ sự Thiện của Thiên Chúa. Mọi thực tại phát xuất từ lòng tốt của Thiên Chúa. Chính sự tốt lành của Thiên Chúa làm nẩy sinh và duy trì vạn vật, cho nên việc thiên nhiên vạn vật hiện hữu thực sự là một ân huệ.

Điều này làm rõ hơn quan điểm siêu hình của Bonaventura về sự Thiện trong tương quan với Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Bonaventura không những tiếp thu khái niệm của Pseudo-Denis về sự Thiện tuyệt đối nhưng còn minh giải thêm rằng sự Thiện chính là chính năng lực tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ngài đi xa hơn Pseudo-Denis khi qui sự Thiện không phải về Nhất Thể bất khả tư duy [Thiên Chúa của Pseudo-Denis] nhưng về Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị, là Đấng tự ban truyền và tự bày tỏ. Sự Thiện, như Bonaventura trình bày trong Itinerarium 6, mang tính tự lan tỏa. Bản tính của sự Thiện là ban phát chính mình.

Trong siêu hình học của Bonaventura, ‘sự Thiện tự lan tỏa’ là nền tảng của đặc tính Đơn Nhất và bao hàm tất cả của Thiên Chúa, và qua đó là nền tảng của vạn vật, vì tự bản chất, sư Thiện không thể tự giới hạn nơi chính mình nhưng phải lan tỏa đến một thực tại khác không phải là mình.

Trong sự sống vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa, năng lực hoạt động của sự Thiện làm phát sinh ba ngôi vị, qua đó cho thấy rằng sự Thiện tự bản chất cần phải thông truyền ở mức độ cao nhất. Bonaventura xác định, khi nói bản tính của Thiên Chúa là sự Thiện tuyệt đối, tức nói rằng Ngôi Vị căn nguyên  [tức Chúa Cha] thông ban cho Ngôi Vị kia toàn thể bản tính và thực tại của mình.

Bản tính tự thông ban của sự Thiện giúp ta thấy nơi Ba Ngôi Thiên Chúa một tình yêu rộng lớn vô biên, không thể nghĩ tưởng đến một sự tốt lành nào rộng lớn hơn. Bonaventura viết trong  Itinerarium 6:

“Nếu có thể, bạn hãy lấy con mắt của tâm hồn chiêm ngưỡng sự Thiện tinh tuyền, tức là chiêm ngưỡng hành vi yêu thương tinh tuyền của Nguyên Lý [Đệ Nhất], yêu thương bằng một tình yêu vừa tự ý cho không vừa có nghĩa vụ phải cho”.

Nếu hình thức cao cả nhất của sự Thiện là tình yêu, thì theo Bonaventura lý luận, phải nói Thiên Chúa yêu thương trước khi có hữu thể. Thiên Chúa nói lên vạn vật qua Ngôi Lời; Thiên Chúa ban tặng mọi ân huệ qua Ân Huệ. Bởi đó mới nói Thiên Chúa là tình yêu và Ngài tự diễn tả chính mình trong Ngôi Lời và tự ban phát chính mình như Ân Huệ.

Con người biết được Thiên Chúa trong mức độ ngài tự mở ra cho chúng ta, tức là trong mức độ Ngài tự ban phát chính mình. Ban tặng vừa là thể thức vừa là nội dung của mặc khải. Đích thực thì ân huệ của Thiên Chúa chỉ trao ban chính mình, qua ân huệ ấy hoàn toàn hết mọi sự.

Bonaventura làm rõ vị thế ưu việt của sự Thiện trên hữu thể bằng việc liên kết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là sự Thiện tự thông ban với mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Trong Itinerarium 6, ngài viết: khi chiêm ngắm tính tự truyền thông của sự Thiện ở mức độ cao nhất trong Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần, đừng nghĩ  là mình đã trấu triệt được điều bất khả thấu triệt. [Thực vậy, trong Ba Ngôi hiện hữu cùng lúc những đặc tính vẫn thường được coi là trái nghịch: thông truyền tất cả nhưng mỗi Ngôi Vị vẫn có phẩm tính riêng, cùng chung một bản thể nhưng nhiều Ngôi Vị, đồng dạng ở mức độ cao nhất nhưng khác nhau trong Ngôi Vị, bình đẳng hoàn toàn nhưng có trật tự, cùng hiện hữu từ vĩnh cửu, nhưng lại có sự phát sinh].[2] Các ngôi vị thần linh được phân biệt với nhau qua các phẩm tính đặc thù, và sự khác biệt về ngôi vị nhưng vẫn là một trong bản thể, phẩm giá, hiện hữu, trong vĩnh cửu, và vô biên.

Mầu nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chịu đóng đinh, chính là sự Thiện tối cao trao ban tất cả chính mình, được tượng trưng bằng hình ảnh Nắp Xá Tội trên Hòm Bia giao ước. [Hai bên nắp Hòm Bia, có hai thiên thần Cherubim cùng nhìn vào Nắp Xá Tội. Hình ảnh này nhắc nhở bạn không nên chỉ xét riêng các phẩm tính của bản thể thần linh hay các đặc tính của từng Ngôi Vị, nhưng còn phải chiêm ngắm mối tương quan của các đặc tính ấy với sự phối hợp diệu kỳ giữa Thiên Chúa và loài người nơi Đức Giê-su Ki-tô].[3] Nơi Đức Giê-su Ki-tô, nguyên lý thứ nhất được liên kết với nguyên lý cuối cùng, Thiên Chúa với loài người, vĩnh cửu với thời gian, đơn thuần nhất với phức tạp nhất, cái hiện thực nhất với cái đã qua và đã chết, điều hoàn thiện nhất và vô biên nhất với điều rất bình thường, điều cao cả nhất và điều thấp bé nhất.

Trong mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Bonaventura thấy có ‘sự Thiện tự trao ban’ cùng với ‘sự dung hợp các điều trái ngược’. Ngài chỉ rõ, chính vì Thiên Chúa là sự Thiện tự trao ban nên Đức Ki-tô chịu đóng đinh là hình thức diễn tả mầu nhiệm của Thiên Chúa tình yêu trong thế giới thụ tạo.

Căn cứ vào Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Bonaventura cho rằng việc Thiên Chúa nhập thể là việc nhập thể của sự Thiện tự ban phát. Hữu thể là tình yêu nhập thể – một tình yêu không giữ một điều gì cho mình, trái lại tự ban phát hết chính mình một cách trọn vẹn cho tha nhân, giống như Chúa Cha từ muôn đời lan truyền toàn thể sự tốt lành, sự thiện hảo của mình cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bonaventura không phân biệt giữa agape eros vì tình yêu qua đó Thiên Chúa ao ước có chúng ta (eros) cũng là tình yêu thương xót được bộc lộ trên thánh giá. Như sự Thiện ao ước tự ban phát chính mình, Thiên Chúa ao ước ban chính mình Ngài cho chúng ta trong Con Một yêu dấu. Bonaventura cho rằng không có sự Thiện nào lớn lao vị Thiên Chúa trao ban chính mình cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh.

Tình yêu ban phát là nền tảng của mọi thực tại. Do đó chúng ta có thể diễn giải Bonaventura bằng cách nói rằng vạn vật thực sự được yêu thương và được đưa vào hiện hữu bởi tình yêu. Qua việc liên kết sự Thiện với ‘sự dung hợp các điều trái ngược’ trong mầu nhiệm thập giá, Bonaventura làm rõ một siêu hình học về tình yêu lấy thánh giá làm trung tâm.

Theo quan điểm của Bonaventura,  sự  hoàn thành của vạn vật không phải là được thông phần vào hữu thể tuyệt đối nhưng thông phần vào sự Thiện tuyệt đối, tức là tình yêu. Vì sự sống của Thiên Chúa chính là tình yêu, nên được sống trọn vẹn có nghĩa là được thông phần vào tình yêu là Thiên Chúa. Tình yêu ấy theo Bonaventura đã được tỏ lộ nơi Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.

Sống kết hợp với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh là thông phần vào sự Thiện – nói cách khác, là trở nên năng động và tự ban phát như Thiên Chúa tự ban phát trong tình yêu dâng tràn nơi Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Nơi Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, Thiên Chúa thâm nhập vào hữu thể của nhân vị và đem đến một sự hiện diện năng động và sáng tạo, khai mở cho dự phóng nhân loại những khả năng sáng tạo và siêu việt vô biên.

Vì sự Thiện đặt nền tảng siêu hình cho việc tham dự vào sự sống năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa, nên con người cũng phải ban phát như Thiên Chúa. Đối với Bonaventura, nên ‘giống như Thiên Chúa’ có nghĩa là thông phần vào cường độ ban phát của chính sự Thiện.

Đối với Bonaventura, Thánh Phan-xi-cô Á-xi-di là nhà thần bí mẫu mực trong việc qui hướng về Chúa Ki-tô, người đạt đến sự chiêm ngắm Thiên Chúa cách trọn hảo trong sự kết hiệp với Chúa Ki-tô. Dựa vào gương của Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, Bonaventura nói rằng sự đồng nhất với Chúa Ki-tô là sự đồng nhất với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, và điều này đưa con người vào bên trong Thiên Chúa và vào bên trong thế giới.

Quá trình song hành hướng về Thiên Chúa và hướng đến thụ tạo là một quá trình dẫn chúng ta luôn đi sâu hơn nữa vào tình yêu thần linh cùng với Đức Ki-tô. Đó cũng là quá trình tăng trưởng trong tình yêu, qua đó dự phóng của con người đạt tới mức thể hiện sự Thiện cách trọn vẹn nhất, trở nên tình yêu hoàn toàn ban phát như tình yêu của Thiên Chúa hoàn toàn ban phát trong đau khổ của thập giá. Bonaventura khẳng định, chỉ khi nào mỗi người nên đồng hình với Chúa Ki-tô, toàn thể thụ tạo mới thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa và đạt tới sự sống trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

—————————-

[1] Giáo Trình Triết Học Phan Sinh. Học Viện Phanxicô, Thủ Đức, 2021.

[2] Đoạn trong [ ] do người dịch thêm vào từ nguyên bản của Bonaventura.

[3] Id.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here