SÁCH XII TRONG PHỤNG VỤ

0
1594

 Fr. Giuse Nguyễn Đình Chiến, OP

Như một kết luận cho việc xem xét sách XII và nhất là chủ đề “ngày của ĐỨC CHÚA” trong sách này, chúng ta muốn điểm qua những tiêu chuẩn thần học cho việc chọn lựa các bản văn ngôn sứ nhỏ để công bố trong Phụng vụ Lời Chúa[1]. Nhưng, trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu việc sử dụng sách XII trong Phụng tự Hội đường Do-thái.

1. Sách XII trong Phụng tự Do-thái giáo

Việc cử hành Phụng tự Hội đường Do-thái vào ngày sa-bát gồm các phần chính: Sau lời chúc lành mở đầu, người ta đọc một đoạn Ngũ thư; tiếp đến là một đoạn sách được trích từ các Ngôn sứ; và cuối cùng là phần diễn giải[2].

Đối với truyền thống Do-thái, Mô-sê có một vị thế trổi vượt giữa các ngôn sứ: ông là vị trung gian giữa ĐỨC CHÚA và Ít-ra-en để ký kết giao ước, trong khi sứ vụ của các ngôn sứ là khích lệ dân trung thành với giao ước đó, loan báo hậu quả của tội và số phận tương lai của dân. Theo đó, các sách Ngôn sứ được coi là tùy phụ so với sách Ngũ thư (= Tôrāh). Và như vậy, đoạn Ngôn sứ được chọn để công bố phải làm nổi bật chủ đề của đoạn Ngũ thư và giải thích ý nghĩa của nó[3]. Việc chọn lựa này phải tính đến không chỉ những liên hệ về từ ngữ và chủ đề, mà còn tính đối xứng về lịch sử giữa các sự kiện, con người hay thể chế xuất hiện trong sách Ngũ thư và các sách Ngôn sứ.

– St 11,1-9 nói về câu chuyện tháp Ba-ben (“thành hỗn loạn”: cc. 8.9) và tại nơi đó (Ba-ben) con người bị “phân tán” (פּוּצַ hip`il) khắp mặt đất. Để nêu bật chủ đề “phân tán” và giải thích ý nghĩa của đoạn St này, Xp 3,9tt cũng sử dụng động từ פּוּצַ (c. 10) với ý nghĩa tích cực của bản văn: trong viễn tượng cánh chung, chư dân đã được thanh tẩy sẽ đến (“kề vai sát cánh” và “mang [lễ vật]”) thờ lạy và kêu cầu danh ĐỨC CHÚA tại Giê-ru-sa-lem. Rõ ràng, hai đoạn này liên hệ với nhau qua động từ “phân tán” và nói đến ý tưởng tản mác khắp nơi hay từ khắp nơi tựu về.

– St 25,19–28,9 trình thuật việc Gia-cóp và Ê-xau ra đời và thái độ thù nghịch giữa hai anh em. Cũng vậy, Ml 1,1–2,7 ám chỉ đến thái độ thù nghịch này, khi tập trung làm nổi bật sự cạnh tranh giữa dòng dõi của hai vị tổ phụ là Ít-ra-en và Ê-đôm.

– Việc Gia-cóp trốn khỏi gia đình La-ban trong St 28,10–32,3 sẽ được Hs 12,13–14,10 nhắc đến ngay ở câu mở đầu (x. Hs 12,13).

Việc chọn lựa như thế là nhằm tạo ra sự tương quan giữa sách Ngũ thư và sách các Ngôn sứ, đồng thời cho thấy tính liên tục trong toàn bộ Sách Thánh. Hơn nữa, ý định mà đoạn ngôn sứ nhắm đến chính là kêu mời sám hối, bằng cách tác động trên tâm hồn người nghe, giúp họ đạt tới một sự hiểu biết chín chắn và mới mẻ, thành tâm xưng thú tội lỗi và trở về với Thiên Chúa.

2. Sách XII trong Phụng vụ Ki-tô giáo

Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ hiện nay có liên hệ với Phụng tự Hội đường Do-thái[4]. Chúng ta có một bằng chứng cổ nhất, theo lời trình thuật của Giút-ti-nô (tk II sCN), cho biết rằng, các tín hữu họp nhau để đọc Lời Chúa, trong số đó có “ký ức các Tông đồ” và “các tác phẩm Ngôn sứ”[5]. Vào tk III, Giáo hội tại Rô-ma, như lời chứng của Téc-tu-li-a-nô, đã “đan xen Lề luật và các Ngôn sứ với các bản văn của Tin Mừng và của các Tông đồ”[6]. Như vậy, trong Phụng vụ Ki-tô giáo, “ký ức các Tông đồ”, tức là Bài đọc Tin Mừng, đã thay thế cho việc đọc Ngũ thư.

Chúng ta biết rằng Bài đọc Tin Mừng chiếm vị trí trung tâm của Phụng vụ Lời Chúa và chủ đề của Bài đọc Tin Mừng được nêu bật trong các bài đọc khác, đặc biệt trong Bài đọc I. Khởi đi từ nguyên tắc giải thích này, các bài đọc Kinh Thánh phải được chọn lọc sao cho hài hòa với bản văn Tin Mừng và phù hợp với nhu cầu hiện tại. Cách nói “chọn lọc” cũng giả thiết lý do tại sao nhiều đoạn Ngôn sứ đã được đọc dưới hình thức rời rạc và mang tính hợp tuyển: chúng không còn nguyên vẹn như vốn có trong bản văn Kinh Thánh. Trong những đoạn rời rạc như thế, người ta đã xóa bỏ nhiều câu khó hiểu đối với độc giả Ki-tô hữu và cũng nhằm dễ dàng tạo sự hòa hợp giữa Bài đọc I và Bài đọc Tin Mừng. Quả thế, các bài đọc Cựu Ước đã được Giáo hội đọc dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Ki-tô (= Ki-tô học). Điều này đã được khẳng định trong Dei Verbum, số 16[7] và trong Ordo Lectionum Missae, số 67[8]. Theo những chỉ dẫn đó, chúng ta đã hiểu được đâu là tiêu chuẩn để chọn lựa các bản văn của sách XII dành cho các bài đọc trong Thánh lễ.

Sách XII Đoạn trích[9]
Hs

(8 lần)

2,16-17b-18.21-22; 2,16b.17b.21-22; 6,1-6; 6,3-6; 8,4-7.11-13; 10,1-3.7-8.12; 11,1.3-4.5c.8ac-9; 14,2-10;
Ge

(4 lần)

1,13-15; 2,1-2; 2,12-18; 3,1-5; 4,12-21;
Am

(9 lần)

2,6-10.13-16; 3,1-8; 4,11-12; 5,14-15.21-24; 6,1a.4-7; 7,10-17; 7,12-15; 8,4-7; 8,4-6.9-12; 9,11-15;
Ôv không
Gn

(4 lần)

1,2–2,1.11; 3,1-10; 3,1-5.10; 4,1-11;
Mk

(5 lần)

2,1-5; 5,1-4a; 6,1-4.6-8; 7,7-9; 7,14-15.18-20;
Nk

(1 lần)

2,1.3; 3,1-3.6-7;
Kb

(2 lần)

1,2-3; 2,2-4; 1,212–2,4;
Xp

(3 lần)

2,3; 3,12-13; 3,1-2.9-13; 3,14-18a
Kg

(2 lần)

1,1-8; 1,15b–2,9;
Dcr

(6 lần)

2,5-9.14-15a; 2,14-17; 8,1-8; 8,20-23; 9,9-10; 12,10-11; 13,1;
Ml

(5 lần)

1,14b–2,2b.8-10; 3,1-4; 3,1-4.23-24; 3,13-20a; 3,19-20a.

Sách Gn có lẽ được đọc nhiều nhất, gần như toàn bộ sách, chỉ trừ nhiều câu của ch. 2[10]. Thực ra, việc sử dụng sách Gn trong Phụng vụ Lời Chúa đã có từ lâu: nó đã được đọc trong suốt Tuần thánh, tại Giáo phận của Am-rô-xi-ô (340-397). Một trong những lý do sách được sử dụng: đó là chủ đề sự công chính của Thiên Chúa, lời mời gọi hoán cải, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho các hối nhân, ơn cứu độ được ban cho mọi dân, … Vào Thứ năm Tuần thánh, việc đọc sách Gn có mục đích dẫn vào mầu nhiệm Vượt qua và như là lời ngôn sứ tiên báo mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Ki-tô. Nhân vật Giô-na cũng xuất hiện trong các Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 12,38-40 // Mc 1,11-12 // Lc 11,29-32) như dấu chỉ của việc an táng, hơn là sự sống lại theo nghĩa chặt. Trong một bài giảng vào ngày Thứ năm Tuần thánh năm 387, giám mục Am-rô-xi-ô, theo lối giải thích Ki-tô học của các Giáo phụ, đã nói về Chúa Ki-tô như là “Giô-na đích thật”, Đấng đem lại sự thành toàn cho những điều Giô-na của Cựu ước đã tiên báo[11].

Đoạn trên phác họa, như một ví dụ điển hình, việc đọc sách Gn theo lối chú giải của các giáo phụ và trong bối cảnh phụng vụ. Nói cách khác, đó là một cách thích nghi bản văn Kinh Thánh vào bối cảnh cụ thể (của các giáo phụ và trong phụng vụ). Việc đọc sách XII theo cách này (= “Lối tiếp cận nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn”[12]), xét cho cùng, thực sự có một khoảng cách so với “nghĩa chữ” của bản Híp-ri, nhưng điều này không có gì tiêu cực[13]. Thật vậy, việc áp dụng bản văn vào trong bối cảnh hiện tại cho thấy sức sống của Sách Thánh: nó đem lại ý nghĩa mới cho đời sống của cộng đoàn đức tin.

Nguy cơ hiểu sai bản văn là vẫn có thể xảy ra, nhưng chúng ta kiểm soát được nguy cơ này, với điều kiện là không được đóng khung việc giải thích bản văn. Trái lại, độc giả cần biết rút ra được ý nghĩa của nó trong bối cảnh mới, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

——————

[1] X. D. Scaiola, “L’uso liturgico dei Dodici”, I Dodici Profeti: perché “Minori?”, tr. 233-238.

[2] X. E. Kopciowski, I libri dei profeti e la Torah oggi (Genova: Marietti, 1992).

[3] Các đoạn Ngũ thư được đọc cách liên tục và toàn bộ. Có sự khác nhau trong việc chọn đoạn Ngôn sứ phù hợp và có lẽ cũng được theo cách thức như thế (liên tục và toàn bộ). Chúng ta thấy rõ điều này trong 3 ví dụ: St 11,1-9 và Xp 3,9tt; St 25,19–28,9 và Ml 1,1–2,7; St 28,10–32,3 và Hs 12,13–14,10.

[4] X. Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ tổng quát (Tp. HCM: Đại Chủng viện thánh Giuse, 2001), tr. 135-136.

[5] X. Iustinus, “Apologies”, 1,66, Iustinus, Apologies, Bt., L. Pautigny (Texte et documents pour l’étude historique du christianisme; Paris: Picard, 1904).

[6] X. Tertulliano, De praescriptione haereticorum 36 (PL 2,58).

[7] “Bởi thế, Thiên Chúa, Đấng linh hứng và là tác giả của các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước […]. Các sách Cựu Ước, được đón nhận trọn vẹn trong lời rao giảng Tin Mừng, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước […]. Đàng khác, Tân Ước cũng được soi sáng và giải thích nhờ Cựu Ước”.

[8] “Hình thức hòa hợp tốt nhất về chủ đề giữa các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước là hình thức đã sẵn có trong Sách Thánh, bởi vì những giáo huấn và các sự kiện được nói đến trong các bản văn Tân Ước tương quan khá rõ với các sự kiện và giáo huấn của Cựu Ước. Trên hết, đây chính là tiêu chuẩn đã xác định, trong việc sắp xếp các bài đọc hiện nay, việc chọn lựa các bản văn Cựu Ước: chúng phải gần với các bản văn của Tân Ước đã được công bố trong Thánh lễ, và đặc biệt gần với bài Tin Mừng”.

[9] Đối với một bảng liệt kê chi tiết và việc tham chiếu đến ngày mà đoạn ngôn sứ tương ứng được đọc trong Thánh lễ, x. Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Pd., Lắng nghe và đáp lại Lời Chúa trong Thánh lễ (Hà Nội, Tôn giáo, 2017), tr. 1922.

[10] X. D. Scaiola, I Dodici Profeti: perché “Minori?”, tr. 89-110: “Giona, il risentimento dell’eletto” và 237-238.

[11] X. Amrosius, Epistula XX ad Marcellinum 14,25 (PL 16,1040.1044).

[12] “Lối tiếp cận (nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn) dựa trên hai nguyên tắc: a) Bản văn trở thành một tác phẩm văn chương chỉ khi nó gặp được những độc giả đem lại cho nó sức sống, bằng cách thích nghi nó cho chính mình; b) Việc thích nghi bản căn có thể được thực hiện theo cách cá nhân hay cộng đoàn, với những hình thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (văn chương, nghệ thuật, thần học, khổ chế và thần bí), góp phần làm cho hiểu chính bản văn tốt hơn” (Uỷ ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Sđd., tr. 59-60). Phần chữ in đậm là của chúng ta.

[13] X. Uỷ ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh, Dg. Học viện Đa Minh (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2004), tr. 106-109: “chú giải của các Giáo phụ” và 136-139: “việc sử dụng Kinh Thánh trong phụng vụ”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here