SÁCH MƯỜI HAI NGÔN SỨ NHỎ

0
4849

fr. Giuse Nguyễn Đình Chiến, OP. 

Cách nói “Mười hai Ngôn sứ nhỏ” xem ra xa lạ với nhiều độc giả, vốn chỉ coi Hs, Gn, Am, Ôv, Gn, Mk, Nk, Kb, Xp, Kg, Dcr và Ml như là những cuốn sách đơn lẻ. “Trước lạ sau quen”. Điều mà chúng ta muốn xem xét, liên quan đến cách nói này, là tìm kiếm những dấu vết trong “Mười hai Ngôn sứ nhỏ”, vốn cho phép tồn tại một tương quan giữa chúng. Những tương quan đó có thể được xem là khởi đầu cho một tác phẩm tạm gọi là “sách Mười hai” (“sách XII”).

Ở đây, chúng ta lưu ý trước hai điểm. (1) Người ta đang nói đến một cách đọc rất truyền thống, đã có từ bao thế kỷ, trong thế giới Híp-ri và Ki-tô giáo, nhưng trong thời gian gần đây, nó bắt đầu được tái khám phá và đánh giá lại. (2) Liệu “Mười hai Ngôn sứ nhỏ” này có thể được đọc như một cuốn sách duy nhất chăng? Thực tế, xét vì mỗi cuốn ngôn sứ đã hình thành tự thân, cho nên bối cảnh, mà trong đó chúng được lồng vào liên tiếp nhau, có một ý nghĩa thần học nào chăng? Việc xem “Mười hai Ngôn sứ nhỏ” như một cuốn sách duy nhất không phải là sáng chế của thời hiện đại, nhưng là một xác nhận đã có trong thế giới cổ thời[1].

Tựa đề “sách Mười hai Ngôn sứ nhỏ”[2] có thể được viết dưới hai tựa đề vắn gọn khác: “sách Mười hai” hoặc “các Ngôn sứ nhỏ”. Tựa đề thứ nhất được ghi nhận bởi bản Ma-xo-ra (= M), khi đặt một ghi chú ở cuối sách Ml và cho biết tổng số câu của sách XII. Theo đó, các sách này được coi như một đơn vị duy nhất. Trái lại, tựa đề thứ hai (Prophetae minores) bắt nguồn từ bản Vulgata (= Vg), để phân biệt với bốn ngôn sứ lớn (Is, Gr, Ed và Đn). Trong lời tựa dẫn vào bản dịch Vg, Giê-rô-ni-mô khẳng định rằng Mười hai sách Ngôn sứ này làm thành một cuốn duy nhất: “Unum librum esse duodecim prophetarum”. Cũng vậy, bản LXX đặt δῷδεκαπροφητον (= sách Mười hai Ngôn sứ) như là tựa đề của các sách này, và ám chỉ đến một tác phẩm duy nhất.

1. Dữ kiện truyền thống

Ngoài ba bản M, LXXVg, chúng ta cũng tìm thấy sự ghi nhận của truyền thống xem sách XII như một đơn vị duy nhất.

Trước hết, Ben Xi-ra, trong bài ca tụng các bậc tổ tiên (x. Hc 44,1–50,24), sau khi nhắc đến các ngôn sứ I-sai-a, Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en, đã viết: “Còn về mười hai ngôn sứ, ước chi các xương cốt lại nảy mầm từ chỗ của họ; quả vậy, họ đã an ủi Gia-cóp, và cứu chuộc họ trong sự trung thành với niềm hy vọng” (Hc 49,10).

Giô-xếp Phơ-la-vi-ô, trong tác phẩm Contra Apionem (1,7-8)[3], đã nói đến 22 cuốn Cựu Ước. Cụ thể, ngoài 5 cuốn của Mô-sê (= St, Xh, Lv, Ds, Đnl) và 4 cuốn chứa đựng các thánh thi và mệnh lệnh  (= Tv, Cn, Dc, Gv), còn 13 cuốn khác trình thuật các sự kiện xảy ra giữa thời Mô-sê và vua Ác-tắc-sát-ta. Chúng ta nhận ra sách XII giữa 13 cuốn này như sau: (i) Gs, (ii) Tl + R, (iii) 1 2 Sm, (iv) 1 2 V, (v) Is, (vi) Gr + Ac, (vii) Ed, (viii) Mười hai ngôn sứ nhỏ, (ix) G, (x) Et, (xi) Đn, (xii) Er + Nkm, (xiii) 1 2 Sb.

Trong sách Tal-mûḏ Ba-by-lon, ở khảo luận Baba Bathra 13b, chúng ta đọc thấy một ghi nhận như sau: “Giữa một trong 5 cuốn của Tôrāh và một cuốn khác của Tôrāh, có bốn dòng (phải được để trống) và, tương tự như vậy, giữa (sách) ngôn sứ này với (sách) ngôn sứ kia, có bốn dòng (phải được để trống), nhưng, với một ngôn sứ trong sách Mười hai, có ba dòng (phải được để trống)”[4].

Sách 4 Er 14,44-45 có lẽ đã coi sách XII như một trong 24 cuốn Cựu Ước: “Trong 40 ngày này, 94 cuốn sách đã được viết. Đã xảy ra là, khi ngày thứ 40 kết thúc, Đấng Tối Cao đã nói với tôi: ‘24 cuốn mà ngươi đã viết, trước hết hãy công bố chúng […]’”[5]. Hơn nữa, 4 Er 1,39-40 còn liệt kê tên gọi của sách XII theo trình tự của bản LXX[6].

Sách ngụy thư Cuộc tử đạo và lên trời của I-sai-a 4,22 trình thuật một danh sách 12 ngôn sứ theo trật tự như sau: Am, Hs, Mk, Ge, Nk, Gn, Ôv, Kb, Kg, Xp, Dcr và Ml[7]. Còn sách Cuộc đời các ngôn sứ, có từ tk I sCN, cũng đề nghị một trật tự 12 ngôn sứ nhỏ giống như bản LXX: Hs, Mk, Am, Ge, Ôv, Gn, Nk, Kb, Xp, Kg, Dcr, Ml[8].

Như vậy, từ các dữ kiện của truyền thống, chúng ta có thể kết luận rằng, trong thế giới cổ thời, đã tồn tại ý tưởng về sách XII như một đơn vị duy nhất. Tuy nhiên, điều khiến chúng ta suy nghĩ là, tại sao vị trí liên tiếp của các cuốn trong sách XII lại khác nhau, tùy theo mỗi dữ kiện.

2. Việc hình thành sách XII

Câu hỏi ở phần trên đặt ra vấn đề rằng sách XII được hình thành như thế nào. Nói cách khác, chúng ta muốn biết diễn tiến cụ thể của quá trình biên tập sách XII (= tiếp cận phê bình lịch sử). Dựa vào dữ kiện ở tiêu đề các sách, chúng ta thấy Hs, Am, Mk và Xp có lẽ đã hình thành tự thân một sưu tập. Tập hợp gồm Kg và Dcr 1–8, nói về việc xây dựng Đền thờ, có thể cũng đã là một sưu tập độc lập. Cũng vậy, Nk và Kb, xét vì có văn phong và tiêu đề khá giống nhau, cho nên có thể hình thành một sưu tập riêng.

Với quan sát tổng quát trên đây, người ta cho rằng sách XII đã trải qua các giai đoạn tăng triển dần dần qua việc gom góp các sưu tập. Về điểm này, có sự khác biệt ý kiến giữa các nhà nghiên cứu.

Collins đề nghị bốn giai đoạn hình thành sách XII[9]: (1) thời tiền lưu đày (Hs, Am, Mk, Nk, Xp, Ôv); (2) thời hậu lưu đày (Kg, Dcr 1–8, một vài phần thêm vào Xp, Gn và có lẽ cả Ge); (3) giữa tk V tCn (có thể Ge được lồng vào [nếu chưa có trước đó], Kb và Ml); (4) cuối cùng là Dcr 9–14 và Ml 3,22-24.

Về phần mình, D. Nogalski cho rằng đã tồn tại hai bộ sưu tập[10]: bộ thứ nhất gồm Hs, Am, Mk, và bộ thứ hai là Kg và Dcr 1–8. Việc sưu tập hai bộ này được liên kết chặt chẽ với việc soạn thảo sách Ge. Sau đó, người ta lồng Nk, Kb và Ôv vào trong chúng theo trật tự niên đại. Cuối cùng là việc lồng thêm Gn và Dcr 9–14, vào thời Hy-lạp.

Schart cũng giải thích ba giai đoạn biện tập sách XII[11]: (1) trước hết là bộ sưu tập Đệ nhị luật (= Hs, Am, Mk, Xp); (2) tầng biên tập bao gồm Nk–Kb, Kg–Dcr và Ge–Ôv; (3) tầng biên soạn cuối cùng là việc thêm vào Gn–Ml.

3. Sách XII trong tình trạng hiện tại

Ngoài phương pháp phê bình lịch sử, được áp dụng để nghiên cứu sách XII, chúng ta còn ưu tiên và lưu ý đặc biệt đến việc tiếp cận đồng đại, tức là xem xét sách trong tình trạng hiện tại của nó. Việc này sẽ giúp hiểu tốt hơn thần học của sách cách tổng quát, nhờ vào những yếu tố hình thức (chẳng hạn: các tiêu đề, phần đóng khung, các từ khóa lặp lại, những chủ đề nổi trội, …).

Các tiêu đề. Chúng ta nhận ra đa số các cuốn trong sách XII đều có phần tiêu đề, chỉ trừ Gn, Kg và Dcr. Các tiêu đề này, thường được coi như lời mở đầu (= incipit) của mỗi cuốn, chứa đựng những thông tin về vị ngôn sứ, niên đại và thể loại lời ngôn sứ. Liên quan đến thể loại lời ngôn sứ, có hiện tượng đón nhận lời ngôn sứ đến từ ĐỨC CHÚA với công thức “Lời ĐỨC CHÚA phán với …” (xuất hiện trong Hs, Ge, Am, Mk, Xp, Ml) và khía cạnh thị kiến (nơi Ôv, Nk, Kb). Các tiêu đề cũng góp phần quan trọng cho việc đọc từng cuốn ngôn sứ[12].

Phần đóng khung. Sách XII được mở đầu với Hs 1–3 và được đóng lại bởi cuốn Ml[13]. Hai phần đóng-mở này, về mặt nội dung, nhấn mạnh đến tình yêu bao la của ĐỨC CHÚA dành cho Ít-ra-en và, do đó, lên án việc “rẫy vợ” (x. Hs 1–3 và Ml 2,16). Ngoài ra, cả hai còn nói về chủ đề “đất” (x. Hs 1,2 và Ml 3,24).

Các từ khóa lặp lại thường được bố trí ở vị trí cuối của một cuốn và tại vị trí đầu của cuốn khác liền tiếp. Theo cách đó, chúng hình thành những móc nối liên tiếp giữa các cuốn với nhau và hình thành một đơn vị chặt chẽ[14].

Lời hứa phục hồi “lúa mì, vườn nho, rượu” trong Hs 14,1-9 đối lập với việc thiếu đi hoàn toàn “lúa mì, vườn nho, rượu” trong Ge 1,2-12.

Cũng thế, trong lời tiên báo phục hưng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem của Ge 4,1-21 xuất hiện các từ khóa “Tia, Xi-đôn, Phi-li-tinh, Ê-đôm” và “Giu-đa, Giê-ru-sa-lem, Xi-on”. Chính những hạn từ này được gặp lại ngay sau đó trong lời tố cáo của Am 1,2–2,16 liên quan đến các quốc gia đó. Thậm chí Am 1,2a gần như lặp lại Ge 4,16a: “Từ Xi-on ĐỨC CHÚA gầm lên, từ Giê-ru-sa-lem tiếng Người vang dội”.

Tiếp đến, Ê-đôm bị kết án, bên cạnh hai hình ảnh tích cực khác “chư dân” và “núi đồi”, trong viễn tượng phục hưng Ít-ra-en ở Am 9,11-15, sẽ được nhắc lại trong lời kết án của Ôv 1-10.

Tiếp nữa, các hạn từ “bắt thăm” và “tai họa” trong lời kết án Ê-đôm ở Ôv 11-14 sẽ được thấy lại trong trình thuật Gn 1,1-8.

Hiện tượng các từ khóa lặp lại còn tiếp tục kéo dài cho đến cuốn Ml để nối kết với cuốn Dcr. Thật vậy, ngoài các hạn từ “yêu, ghét, cha”, còn có thành ngữ “giữa chư dân” và nhất là “làm cho nét mặt Thiên Chúa dịu lại” xuất hiện trong Dcr 8,9-23Ml 1,1-14.

Một vài chủ đề thần học quan trọng của sách XII cũng được đề cập: “đọc lại lịch sử”[15], “ngày của ĐỨC CHÚA”[16], công lý của Thiên Chúa[17], tương quan giữa Ít-ra-en và chư dân[18], yếu tố cánh chung[19], và trích dẫn Xh 34,6-7. Liên quan đến chủ đề cuối cùng, chúng ta thấy xuất hiện trong Ge 2,13; Gn 4,2; Mk 7,18 và Nk 1,2-3. Đoạn Xh 34,6-7 được coi như một soạn thảo tên gọi của ĐỨC CHÚA. Nó diễn tả hai thuộc tính của Người: ân sủng và công lý báo phục. Sách XII sẽ chứng minh hai thuộc tính này nơi ĐỨC CHÚA, không chỉ qua lời công bố ngôn sứ, mà còn được bày tỏ trong dòng lịch sử của Ít-ra-en[20].

Trong cấp độ bao quát toàn bộ, với chủ đề lớn hơn, sách XII có lẽ còn mô tả lịch sử của Ít-ra-en theo sơ đồ bộ ba “tội lỗi – hình phạt – phục hồi”[21]. Yếu tố “tội lỗi” được phản ánh trong các cuốn Hs, Ge, Am, Ôv, Gn và Mk. Chúng bàn đến tội lỗi không chỉ của Ít-ra-en, mà còn của chư dân. Các cuốn Kb và Xp đề cập chính yếu đến hình phạt dành cho các tội đó. Trái lại, những cuốn cuối cùng (Kg, Dcr và Ml) lại tập trung vào khía cạnh phục hồi Ít-ra-en.

Việc sắp xếp hiện tại (của M) các cuốn liên tiếp nhau được thực hiện theo tiêu chuẩn niên đại, cách rõ ràng hay ám tàng, như được chỉ ra trong các tiêu đề của mỗi cuốn. Sáu ngôn sứ đầu tiên hoạt động vào tk VIII tCn: Hs, Ge, Am, Ôv, Gn, Mk. Ba ngôn sứ tiếp theo là thuộc tk VII tCn: Nk, Kb, Xp. Và, cuối cùng, Kg, Dcr, Ml là ba ngôn sứ còn lại, thuộc tk VI tCn. Tuy nhiên, thực tế, tiêu chuẩn này không đúng cho trường hợp của Ge, Ôv, Gn và Ml, có lẽ bởi vì các sách này không thuộc loại “ngôn sứ lịch sử”, đúng hơn, chúng thuộc loại “ngôn sứ văn chương”.

Sau cùng, một số tác giả khác lại xem xét sách XII dựa trên tiêu chuẩn địa lý. Theo đó, người ta xếp 12 ngôn sứ theo từng cặp sao cho một vị đến từ miền Bắc và vị kia đến từ miền Nam: Os và Ge, Ôv và Am, Gn và Mk, Nk và Kb, …[22] Nhưng, giống như tiêu chuẩn niên đại, cả tiêu chuẩn này xem ra cũng không giải thích thỏa đáng cách bố trí hiện tại của sách XII.

———————————-

[1] X. D. Scaiola, “Il libro dei dodici profeti”, Parole di Vita, số 54 (tháng 1-2, 2009) 1: tr. 7-8.

[2] Tính từ “nhỏ” ở đây không được hiểu theo tầm quan trọng của nội dung, nhưng theo tính vắn gọn của bản văn ngôn sứ.

[3] X. W. Whiston – P.L. Maiyer, Bt., The New Complete Works of Josephus (Grand Rapids, MI: Kregel Publications, 1999), tr. 939.

[4] Đoạn này được dịch từ I. Epstein, Bt., The Babylonian Talmud (London: The Soncino Press, 1935), tr. 66.

[5] Đoạn này được dịch từ P. Sacchi, Bt., Apocrifi dell’Antico Testamento, tập II (Torino: UTET, 1989), tr. 376-377.

[6] X. Bản New Revised Standard Version (1989): “Ta sẽ ban cho chúng (các vị này) làm thủ lãnh: Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Hô-sê, A-mốt, Mi-kha, Giô-en, Ô-va-đi-a, Gio-na, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, và Ma-la-khi, cũng được gọi là sứ giả của ĐỨC CHÚA”.

[7] X. J.H. Charlesworth, Bt., The Old Testament Pseudepigrapha, tập II (Garden City, ID: Doubleday, 1985), tr. 162-163.

[8] X. G. Lusin, “Vite dei Profeti”, Apocrifi dell’Antico Testamento, tập IV, Bt. P. Sacchi (Brescia: Paideia, 2000), tr. 530-570.

[9] X. T. Collins, The Mantle of Elijah. The Redaction Criticism of the Prophetical Books (Biblical Seminar 20; Shieffield: Shieffield Academic Press, 1993).

[10] X. J.D. Nogalski, Literary Precursors to the Book of the Twelve (BZAW 217; Berlin-New York: Walter de Gruyter, 1993), tr. 276-282; Id., Redactional Processes in the Book of the Twelve (Beihefte zur Zeitschrift für die alttestamentliche Wissenschaft [= BZAW] 218; Berlin – New York: Walter de Gruyter 1993), tr. 274-280.

[11] X. A. Schart, Die Entstehung des Zwölfprophetenbuchs. Neu bearbeitungen von Amos im Rahmen schriftenübergreifender Redaktionsprozesse (BZAW 260; Berlin – New York: Walter de Gruyter, 1998), tr. 41-46; Id., “Das Zwölfprophetenbuch als redaktionelle Großeinheit”, Theologische Literature Zeitung [= ThLZ], số 133 (2008): tr. 234-246.

[12] Đối với một phần bàn chi tiết, chúng ta xem J.D.W. Watts, “Superscriptions and Incipits in the Book of the Twelve”, Reading and Hearing the Book of the Twelve, Bt. J.D. Nogalski – M.A. Sweeney (Sociaty Biblical Literature Symposium Series [=SBLSymS] 15; Atlanta, GA: SBL, 2000), tr. 110-124; E.W. Conrad, “Forming the Twelve and Forming Canon”, Thematic Threads in the Book of the Twelve, Bt. P.L. Redditt – A. Schart (BZAW 325; Berlin-New York: Walter de Gruyter, 2003), tr. 90-103.

[13] X. J.D.W. Watts, “A Frame for the Book of the Twelve: Hosea 1–3 and Malachi”, Reading and Hearing the Book of the Twelve, Bt. J.D. Nogalski – M.A. Sweeney (SBLSymS 15; Atlanta, GA: SBL Press, 2000), tr. 209-217.

[14] X. J. Nogalski, Literary Precursors to the Book of the Twelve (BZAW 217; Berlin-New York: Walter de Gruyter, 1993), tr. 21-57 và Id., Redactional Processes in the Book of the Twelve (BZAW 218; Berlin-New York: Walter de Gruyter, 1993).

[15] X. D. Scaiola, “Una lettura della storia”, I Dodici Profeti: perché “Minori?”. Esegesi e teologia, Bs. Id. (Bologna: EDB, 2011), tr. 216-218.

[16] Chủ đề này sẽ được triển khai trong bài “Tổng quan về ‘Ngày của ĐỨC CHÚA’ trong sách XII”.

[17] X. J.L. Crenshaw, “Theodicy in the Book of the Tewlve”, Thematic Threads, tr. 175-191.

[18] X. D. Scaiola, “Una lettura della storia”, tr. 227-231.

[19] X. M.A. Sweeney, “Form and Eschatology in the Book of the Twelve Prophets”, The Book of the Twelve and the New Form Criticism, Bt. M.J. Boda – M.H. Floyd – C.M. Toffelmire (Ancient Near East Monographs [= ANEM] 10; Atlanta, GA: SBL Press, 2015), tr. 137-161.

[20] X. R.C. van Leewen, “Scribal Wisdom and Theodicy in the Book of the Twelve”, In Search of Wisdom. Essays in Memory of J.G. Gammie, Bt. L.G. Perdue – B.B. Scott – W.J. Wiseman (Louisville, KY: Westminter John Knox Press, 1993), tr. 31-49; R. Scoralick, Gottes Güte und Gottes Zorn. Die Gottesprädikationem in Exodus 34,6F und ihre intertextuellen Beziehungen zum Zwölfprophetenbuch (Herders Biblische Studien [= HBS] 33; Freiburg-Basel-Wien: Herder, 2002).

[21] X. P.R. House, The Unity of the Twelve (BiSe 27; Sheffield: Almond Press, 1990).

[22] X. C.F. Keil, The Minor Prophets (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 21980), tr. 3.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here