Quyền Bính: Bản Chất, Thực Trạng Và Huấn Quyền

0
2466


Lm. Phaolô Bùi Đình Cao

 

Có thể nói rằng xã hội loài người sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu không có quyền bính; cũng có thể nói rằng một cộng đoàn, tổ chức, dù lớn hay nhỏ, không thể có trật tự ổn định và phồn vinh nếu không có quyền bính để sắp đặt, phân phối, điều hành và hướng dẫn. Nhận thấy tầm quan trọng của nó, Công đồng Vatican II đã lên tiếng: “Nếu không muốn một cộng đoàn bị xé nát ra khi mỗi người một ý, thì cần phải có một quyền bính để hướng dẫn nổ lực của mọi công dân nhằm tới công ích”[1]. Thế giới đang phát triển, cuộc sống con người đang dần được cải thiện đáng kể, điều này muốn nói rằng mỗi khi làn sóng văn minh càng lên cao, đời sống xã hội càng được cải thiện, thì quyền bính lại càng cần thiết được thi hành một cách nghiêm túc và càng phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình để phục vụ nhu cầu lợi ích các cá nhân và tập thể. Nói cách khác, nhu cầu càng cấp bách, quyền hành càng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm. Công đồng nói tiếp: sự hướng dẫn của quyền bính “không phải cách máy móc hay độc đoán, nhưng tiên vàn như một sức mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm”[2].

Dù sự thật là như vậy, nhưng trong thực tế, cách thế thi hành quyền bính đã và đang bị lung lay, khủng hoảng, do đó không thể tránh khỏi những lạm dụng quyền bính, từ đó dẫn đến các chế độ độc tài chuyên chế với những cá nhân lãnh đạo chuyên quyền độc đoán, luôn lạm dụng quyền bính để trấn áp, bóc lột và buộc người khác phải làm những điều trái ngược với lương tâm, lẽ phải. Trước thực trạng nan giải và phức tạp như vậy, rất nhiều người đã đặt vấn đề và không ngần ngại nói lên sự thật này để bênh vực cho quyền lợi con người. Trong tinh thần đó, người viết muốn nêu lên một cách hiểu và sử dụng quyền bính từ quan điểm luân lý Kitô giáo để độc giả có thể tham khảo và thấy rõ hơn được sự hiện hữu và ý nghĩa của quyền bính trong các tổ chức trần thế. Vấn đề được nêu lên là trên thực tế người ta đã sử dụng nó như thế nào? Căn cứ vào đâu để người có quyền ý thức được đây là một sứ vụ hơn là một quyền lợi. Một cách đích xác là quyền bính phải được sử dụng như thế nào để mang lại lợi ích cho xã hội nói chung và từng người nói riêng? Nhưng trước khi trả lời những vấn nạn đó, chúng ta cần làm rõ nội hàm của khái niệm quyền bính.

Quyền bính là gì?

Nói chung, khi nói đến quyền bính, ta có ngay khái niệm rằng quyền bính hệ tại ở chỗ nắm giữ những phương tiện cần thiết để đạt tới một lợi ích nào đó. Phương tiện cần thiết đó là khả năng ra lệnh, sự áp đặt trên người khác. Sự áp đặt đây chính là buộc người khác phải tuân theo một thứ lề luật vì công ích. Gọi là quyền bính khi chỉ ưu thế mà những con người hoặc những cơ chế được ban hành các mệnh lệnh cho những người khác và chờ đợi từ phía họ sự vâng phục. Quyền bính được hiểu ở đây là mối tương quan giữa hai chủ thể: một người ra lệnh và người bị áp đặt mệnh lệnh. Dù xét trên phương diện nào, khi nói đến quyền bính người ta thường đề cập đến những phạm trù tương quan trên mọi lãnh vực: “tương quan giữa người cai trị và người bị trị, giữa người trên và người dưới, giữa Nhà nước và công dân, giữa người ra lệnh và người tuân lệnh, v.v…”[3].

Dù trong lãnh vực nào đi nữa, người ta thường phân biệt hai loại quyền bính, đó là do bản thân và do chức vụ. Quyền bính do bản thân là quyền bính dựa trên sự trổi vượt về tư chất thông minh, về chiều sâu hiểu biết, về kinh nghiệm dồi dào, về sở trường chuyên môn, các khả năng trổi vượt, về đặc sủng lãnh đạo, tâm linh hay đạo đức. Còn quyền bính do chức vụ là quyền bính mà một người có được do họ đang thi hành một chức vụ điều khiển hay quản trị mà xã hội, tôn giáo hay một cộng đoàn đã trao ban. Ví dụ: quyền bính của bề trên đối với bề dưới; của cha mẹ trên con cái; của thầy cô trên học sinh sinh viên…

Nói chung, dù dưới hình thức nào, quyền bính là điều luôn phải có trong bất kỳ một xã hội, một cộng đoàn hay một tổ chức nào. Bởi vì có quyền bính mới có trật tự, có quyền bính mới đảm bảo được hạnh phúc chung, riêng cho mọi người trên mọi bình diện xã hội cũng như tôn giáo. Vậy, quyền bính là sự trổi vượt của một người, nhờ đó đương sự có đủ tư cách để đưa ra những đòi hỏi cho người khác vì lợi ích của xã hội nói chung và tôn giáo, cộng đoàn, cá nhân nói riêng. Ý nghĩa quyền bính là vậy, tuy nhiên, trên thực tế quyền bính đã và đang bị lung lay, nó đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự lạm dụng ngày càng nghiêm trọng. Để thấy rõ thực tế này, ta thử nhìn nhận hiện trạng xã hội đang sử dụng quyền bính như thế nào.

Thực trạng xã hội

Hơn bao giờ hết, khắp mọi nơi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, ta thường nghe những tiếng kêu ca, ta thán của người dân về sự bóc lột, nhũng nhiễu, đàn áp, lắm lúc là tàn bạo của những kẻ có quyền có chức. Sự thực là người có quyền hầu như không ý thức được ý nghĩa của nó cũng như không thấy được bổn phận của quyền bính là để phục vụ, sắp xếp và bảo vệ quyền lợi cho người khác. Có thể người ta chỉ hiểu rằng quyền bính là để cai trị kẻ khác, để bắt người dưới phải tùng phục người trên mà không màng chi đến lợi ích của xã hội và cá nhân. Người có quyền là có tất cả, làm nên tất cả và có thể loại trừ tất cả. Kẻ bạo miệng hơn còn nói: có quyền mới có tiền, kẻ có quyền mới có thể tạo nên cơ đồ và sự nghiệp cho bản thân, con cái và người thân. Chính những hiểu biết bất cập về quyền bính đã tạo nên xã hội rối tung: kẻ chạy chức quyền, người cửa quyền, người này thì dùng quyền để thống trị, kẻ khác lại dùng mọi chiêu bài để bắt người khác khuất phục bất chấp lợi ích của cá nhân, xã hội và tôn giáo.

Những ai quan tâm đến vấn đề nóng bỏng này không thể không nhận ra rằng trong những thập niên gần đây, đủ mọi thứ bất công đã và đang xảy đến với những cộng đoàn, những người dân thấp cổ bé miệng cũng chỉ vì hai chữ quyền bính. Các vụ việc nổi cộm gần đây, trên mọi miền đất nước, đều cho thấy rõ tính cách cửa quyền và cách sử dụng quyền bính một cách bừa bãi của những kẻ có quyền, có chức. Cũng vì cách thi hành quyền bính ngang ngược như thế nên lắm lúc người có tội trở thành người vô tội, người vô tội lại là người phải chịu những năm tháng lao tù, mất đất, mất nhà, mất người thân. Một số tổ chức tôn giáo và dòng tu mất hết tài sản mà cũng đành phải ngậm ngùi nuốt đắng nuốt cay; một số cá nhân vì muốn bảo vệ sự thật và lẽ phải cũng đành phải chịu những cảnh bắt bớ tù đày cách oan nghiệt. Ngay trong môi trường giáo dục, y tế cũng không phải là một ngoại lệ. Cảnh đút lót, tham nhũng để có được một “ghế ổn định” đâu phải chuyện bất thường. Cảnh thầy dùng quyền để ép tình sinh viên, học sinh hòng trao đổi điểm chác là điều không phải hiếm trong những năm gần đây. Người ta còn bày ra đủ trò để bắt học sinh, sinh viên đóng góp hết phí này phí nọ mà đâu màng đến lợi ích của gia đình và bản thân học sinh, sinh viên. Hiện tượng những bệnh nhân nằm la liệt nơi các cửa bệnh viện đang chờ được sự đón nhận và săn sóc của y bác sĩ cũng không phải là chuyện hiếm hoi. Quá nhiều người còn nói rằng chưa có phong bì đi ngày đi đêm thì cứ ngồi đó mà chờ. Cảnh đề nghị khuyên nhủ và trực tiếp nạo phá thai của các y bác sĩ cũng là chuyện xảy ra như cơm bữa. Thử hỏi đâu rồi lời dạy của người xưa “lương y như từ mẫu”? Phải chăng lương y có quyền quyết định trên mạng sống của con người? Nếu cứ giải thích và hành xử quyền bính theo kiểu này sẽ dẫn đến một thứ chủ nghĩa thống trị đầy sức tàn phá.

Quyền bính là để lập lại công bằng xã hội, nâng cao phẩm giá con người, giúp con người sống đúng người hơn. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định: “Thông điệp Tin Mừng và Sự Sống là một lời bênh vực can đảm và cương quyết cho những người nghèo khổ nhất, những người yếu đuối nhất, những người không được bảo vệ, những người vô tội nhất; đó là những trẻ em sẽ được sinh ra, những người nghèo, những người quẩn bách…”[4]. Sự thật là vậy, thế nhưng có mấy phần trăm người có quyền quan tâm đúng mức theo tinh thần này? Cuộc sống minh chứng rằng có những người sử dụng quyền bính hầu phục vụ ý đồ riêng; thứ quyền bính độc tài, độc đoán, thiên vị, thay đổi trắng đen bất chấp công bằng và nhân phẩm con người. Một số người lại dùng quyền bính để tước đoạt quyền tự do của người khác, tự động áp đặt lên người dân những thứ lề luật bất nhân, bất nghĩa, như: luật phá thai, chết êm dịu, kế hoạch hóa gia đình… Quả thực, những người nắm quyền theo kiểu này không còn là người giữ trật tự mà là trở thành kẻ gây rối trong xã hội.

Ngay trong lãnh vực tôn giáo cũng không thiếu những trường hợp hành xử quyền bính cách lạm dụng không kém. Lịch sử thời Trung Cổ còn cho thấy một số giới chức Công Giáo nhân danh thần quyền và cậy dựa vào thế quyền để trấn áp những người lạc giáo hay được cho là lạc giáo. Không đâu xa, thực tế hôm nay cũng cho thấy ngày càng có nhiều người than phiền vì một số vị lãnh đạo của Giáo Hội dùng quyền để trị hay để áp đảo hơn là để phục vụ. Họ không ngần ngại đưa ra một số nội quy khác người, ngược lại với giáo luật trên cả bình diện sinh hoạt giáo xứ và quyền lợi bí tích của các Kitô hữu. Trong các cộng đoàn dòng tu cũng xảy ra những điều tương tự, lắm lúc bề trên dùng quyền để lấn lướt, thống trị hơn là để hướng dẫn, giúp đỡ bảo ban. Tất cả hầu như đang xảy ra trước mắt chúng ta. Phần thua thiệt, đau khổ lại là những người kém may mắn, yếu thế hay những người dân chân lấm tay bùn miệng kêu chẳng thấu trời. Vậy phải làm gì để có thể giải quyết được vấn đề đen tối này? Thiết tưởng, chỉ có giáo huấn Thánh Kinh mới giúp ta giải quyết được vấn đề nan giải này.

Giáo huấn Thánh Kinh về quyền bính

Trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước quyền bính là ưu phẩm của Thiên Chúa; quyền bính biểu thị quyền tuyệt đối của Người, là Chúa Tể và là Đấng Tối cao. Mọi quyền đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và quan phòng (St 1, 28; Hc 10, 4). Những người nắm giữ quyền bính như: Môisê, Giôsuê, Đavit, Salômon… đều là những người thừa hành quyền bính của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng nói: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, các quyền bính hiện tại đều do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13, 1; Ga 19, 11). Các nhà cầm quyền là tôi trung và là tác viên của Thiên Chúa được đặt lên vì lợi ích của thần dân (cf Rm 13, 1-7).

Trong những năm tháng rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã có thái độ nào đối với quyền bính? Phải chăng Ngài lên án và huỷ bỏ quyền bính? Khi nghiên cứu Tân ước, ta cũng có thể thấy được rằng Đức Kitô không huỷ bỏ mà cũng chẳng thần thánh hóa quyền bính dân sự. Điều mà Tân ước nhấn mạnh đó là người cầm quyền chỉ là tôi tớ, là người phục vụ người khác. Mặc dầu Đức Giêsu không từ chối sự hiện hữu của quyền bính, nhưng trong một xã hội mà những nhà cầm quyền Do thái dùng quyền của mình để chống lại sứ điệp Tin Mừng (Mt 10, 17-18) và họ thường dùng quyền để áp đặt và thống trị dân chúng (Mt 10, 42), khi đó, Đức Giêsu thường lên tiếng để bênh vực cho quyền lợi của dân chúng, ví dụ: luật giữ ngày Sabat; việc đối xử với người thu thuế và người đàn bà tội lỗi… Sự bênh vực này cho thấy Đức Giêsu lên án cách hành xử quyền bính của các nhà cầm quyền không phù hợp với luật tự nhiên, lương tâm, tình yêu và lợi ích chung của con người.

Nói chung Đức Giêsu không chấp nhận thứ quyền bính áp đảo, bảo thủ, độc đoán của nhà nước cũng như của một số nhà cầm quyền trong lãnh vực tôn giáo đương thời. Trong những lãnh vực riêng của mình, trần thế cũng như tôn giáo, cộng đoàn cũng như gia đình, mọi quyền bính đều có giá trị và có ý nghĩa, nhưng cần phải ý thức rằng quyền bính là để phục vụ công ích, lập lại trật tự công bằng trong xã hội. Tất cả vì hạnh phúc của mọi phần tử trong xã hội trần thế và tôn giáo.

Để trung thành với Thầy Chí Thánh, các tông đồ luôn khuyên dạy các tín hữu hãy lấy đức ái mà phục vụ nhau. Với vợ chồng, Ngài khuyên rằng người chồng không dùng quyền làm chồng để áp đảo vợ, “chồng hãy yêu thương vợ mình và đừng gay gắt” (Ep 5, 25-30; Cl 3, 19). Với kẻ làm cha làm mẹ cũng thế, “cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, hãy khuyên răn, dạy dỗ và giáo dục chúng” (Ep 6, 9; Cl 4, 1). Chủ hãy đối xử công bình và ngay thẳng với tôi tớ và với nô lệ, không dọa nạt cũng không thiên vị (Ep 6, 9). Các bậc bô lão lo lắng cho những người dưới quyền “không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành và tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5, 1-4).

Thư Rôma cũng cho chúng ta thấy rõ rằng không ai tự tạo nên cho mình một thứ quyền bính. Ta có được quyền bính là do Thiên Chúa ban cho, kể cả quyền bính chính trị, đó là trật tự Thiên Chúa thiết định và trao phó lại cho con người. Biết rằng, thánh Phaolô nói: “Ai chống lại quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa thiết định” (Rm 13, 1-2). Nhưng quyền bính nào? Thiên Chúa không thiết lập thứ quyền bính dùng để áp đảo, để lộng hành; thứ quyền bính không mang lại lợi ích thiêng liêng, không phù hợp với các nhu cầu hiện sinh hay đi ngược lại với lợi ích chung. Thực ra, điều mà Phaolô khuyên dân chúng hãy tùng phục một thứ quyền bính theo trật tự luân lý đòi hỏi, phát xuất từ Thiên Chúa, được thiết lập một cách hợp pháp; quyền bính mang lại lợi ích cho con người nói chung, đó là Nước Trời, là cuộc sống trật tự, ấm no và hạnh phúc.

Giáo huấn Thánh kinh đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về nguồn gốc và ý nghĩa của quyền bính; nêu lên những cách thức thi hành quyền bính đúng theo trật tự luân lý đòi hỏi, hợp với ý định của Thiên Chúa, với lương tâm và nhu cầu của con người. Đó chính là lý do quyền bính cần phải được tồn tại và không ngừng phát triển.

Lý do hiện hữu của quyền bính

Xã hội dù ở trong giai đoạn nào và trên lãnh vực nào cũng luôn cần có những người nắm giữ quyền bính để điều hành, duy trì và phát triển phúc lợi chung. Phải nói được rằng quyền bính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên xã hội. Nếu con người cần đến xã hội để thi hành nhiệm vụ của mình, thì con người cũng luôn cần đến quyền bính để lãnh đạo và điều phối các hoạt động chung. Thánh Tôma Aquinô nói: “Đời sống xã hội không thể có được, nếu không có người đứng ra lo cho ích chung, vì càng có nhiều người, càng có nhiều sở thích, và mỗi người chỉ muốn theo ý riêng của mình”[5]. Con người không ai giống ai, mỗi người mỗi tính và mỗi người có những nhu cầu riêng. Cha ông ta thường nói: bá nhân bá tính, trăm người trăm tính. Lắm lúc có người còn nói: chín người mười ý. Nếu mọi người cứ làm theo sở thích và ý riêng của mình, hậu quả là xã hội sẽ đi về đâu? Không thể sống đúng theo đạo làm người, đạo làm con Chúa, nếu không có người ban bố lề luật, ít là những nguyên tắc căn bản.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng dạy: “Xã hội loài người sẽ không thể được tổ chức tốt, cũng không thể thịnh vượng, nếu không có những người được trao quyền bính hợp pháp, để giữ gìn các cơ chế, và làm mọi điều cần thiết để tích cực bảo trợ lợi ích của mọi phần tử”[6]. Như vậy, chỗ nào cần thực hiện công ích, chỗ ấy phải có một quyền bính xã hội để hướng dẫn và phối hợp các hoạt động của mọi người. Những nhu cầu công ích… luôn đòi phải có “những người được trao quyền bính hợp pháp” để điều hành.

Quyền bính được lập nên là để giúp con người đạt tới trưởng thành và đầy đủ nhân cách, giúp con người phát huy các giá trị của cá nhân và xã hội. Quyền bính phải phục vụ công ích, bảo đảm trật tự và phát triển cộng đoàn trong mọi lãnh vực. Cha mẹ có quyền là giúp con cái trưởng thành; thầy cô có quyền là để chuyển thông kiến thức và thôi thúc học sinh, sinh viên cố gắng học tập, nghiên cứu và đóng góp các sáng tạo… Nói chung, một mặt, quyền bính là để giáo dục giúp người khác có điều kiện làm tốt và đạt tới sự trưởng thành cá nhân, có trách nhiệm và có khả năng phục vụ cộng đoàn. Mặt khác, quyền bính phải luôn có trách nhiệm bảo vệ trật tự xã hội, đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa các loại hình văn hóa xấu, tẩy trừ các lối sống vô luân, nghiện ngập xì ke, ma túy,…

“Tất cả mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa” (Rm 13, 1). Nơi khác, khi đối diện với Philatô, người tự xưng mình là người có quyền, Chúa Giêsu liền nói với ông: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19, 11). Trong tinh thần này, một mặt thần học khẳng định nguồn gốc quyền bính là Thiên Chúa, nhưng mặt khác, giáo huấn Kinh Thánh muốn gửi tới những người đang nắm giữ quyền bính nói chung sứ điệp: phải bắt chước Đức Kitô, con Thiên Chúa, hãy dùng quyền bính để phục vụ muôn người vì lợi ích trần thế và lợi ích Nước Trời.

Quyền bính là để phục vụ

Đến đây ta có thể khẳng định rằng, dù trên phương diện xã hội hay tôn giáo, quyền bính không phải là một phương thế để thống trị, sai khiến hay đàn áp, nhưng để phục vụ công ích cho mọi người[7]. Ngay từ lúc bắt đầu đời sống công khai của mình, đám đông dân chúng nghe và thấy những công việc của Chúa Giêsu. Thấy vậy, họ tự hỏi về quyền bính của Ngài (Mc 1, 27b); họ ngạc nhiên khi thấy Ngài yêu cầu quỷ dữ và chúng vâng lời Ngài (Mc 1, 27c); đám đông cũng thấy khi Ngài “có quyền tha tội trên trái đất” (Mc 2, 10) hay Ngài là “chủ của ngày Sabat” (Mc 2, 27). Quyền này còn được thể hiện nơi việc Ngài kêu gọi các môn đệ (Mc 3, 13-14) và sai các ông đi rao giảng Tin mừng. Cuối cùng, Ngài còn có quyền trên gió, trên biển (Mc 4, 39.41) và trên cả sự chết (Mc 5, 35-42)[8].

Đức Giêsu có tất cả mọi quyền bính, tuy nhiên, cách sử dụng quyền bính của ngài lại hoàn toàn ngược lại với tâm ý người trần thế. Nơi xã hội trần thế, xưa cũng như nay, người ta thường dùng mưu lược, địa vị của mình để thực hiện điều mình muốn, áp đặt trên người khác ý muốn của mình. Người có quyền thường là người lấn lướt người khác. Ngược với tinh thần đó, một Đức Giêsu có đủ mọi quyền bính, thế nhưng Ngài không dùng quyền đó để phô trương thế lực, tìm lợi ích riêng tư hay để trừng trị. Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói: “Tương quan huynh đệ theo giáo huấn của Tin Mừng triệt để loại trừ tham vọng quyền bính và óc thống trị”[9]. Cách hành xử quyền bính nơi Đức Kitô là hiến thân phục vụ anh chị em: giúp đỡ những người kém may mắn, người nghèo khổ, đau yếu, bệnh tật để họ có được cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Vì thế, trong mọi nơi và mọi lúc, Đức Giêsu đến là để phục vụ và hiến mạng sống mình cho con người (Mc 10, 45). Sự phục vụ cao cả đến nỗi Ngài không còn sở hữu gì hết (Mt 8, 20), thậm chí còn trở thành đối tượng cho người ta nhạo cười, chế diễu (Mt 11, 19); bị người ta tấn công (Mt 12, 32); miệt thị và phải đau khổ (Mc 9, 12); bị nộp và bị giết chết như một tên gian phi (Mc 8, 31).

Trong câu chuyện bà mẹ của hai người con ông Dê-bê-đê xin gặp Chúa Giêsu để xin Ngài cho hai đứa con của bà được ngồi vào chỗ nhất, bên hữu và bên tả Chúa Giêsu, cũng cho thấy tính cách tham quyền cố vị của con người. Cũng từ đó nổi lên cuộc tranh cãi trong hàng ngũ các môn đệ về quyền bính. Để giải quyết tranh chấp, Đức Giêsu không gọi họ lại để phân chia, nhưng là để dạy họ bài học cách hành xử quyền bính. Ngài nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 27-28). Một thứ quyền bính mang tinh thần phục vụ và phục vụ đến hy sinh cả tính mạng mình vì con người, đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi đến cho tất cả mọi người. Cuối cùng, để diễn tả chân lý này Đức Kitô đã tự hạ mình xuống phục vụ mọi người bằng cách cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly (Ga 13, 1-7).

Kết luận

Trong đạo, ngoài đời hay trong bất cứ một cộng đoàn nào, ta cũng cần đến quyền bính. Tuy nhiên, người nắm quyền bính trong tay không phải để cai trị, nhưng là một phương thế để phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh của mình (Mc 10, 42-45; Ga 13, 1-17). Những người dưới không phải là những dụng cụ cho người nắm quyền đạt được mục tiêu hay để mưu cầu lợi ích riêng tư, nhưng là vì lợi ích của các cá nhân và của tập thể mà mình đang có nhiệm vụ coi sóc. Hơn nữa, người có quyền là những cộng sự viên của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Ngài, và được mời gọi góp phần mình vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Quyền bính đưa ra mục tiêu là hướng mọi người về lợi ích chung. Quyền bính làm trọng tài giữa sự đa dạng lạ lùng của những quyền lợi riêng; nó còn giải quyết và đưa ra những mệnh lệnh hầu phục vụ công ích. Ta cũng có thể nói rằng quyền bính đóng một vai trò trung gian trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nó được giao cho nhiệm vụ dẫn đưa loài người đến sự thiện đích thực. Đức Kitô khi trao quyền cho các Tông đồ không phải là để các ngài thống trị dân, nhưng là để tổ chức xây dựng Nước Trời trong lòng mọi người và loan báo Tin Mừng bình an cho muôn dân. Những người nắm giữ quyền bính đều là những người thừa hành của Thiên Chúa, nên họ phải học nơi Ngài để thi hành quyền trong tinh thần phục vụ và yêu thương. “Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ anh em; ai muốn đứng đầu trong anh em thì phải làm nô lệ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ” (Mc 10, 43-45).

 

————-

[1] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 74.

[2] Ibdem, số 74.

[3] Linh mục Nguyễn Thái Hợp, Thần học Luân lý Xã Hội, Bản sơ thảo dành cho Trung tâm học vấn Đaminh, Gò Vấp 2005, trang 111.

[4] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng và Sự Sống, 1995, tr. 8.

[5] Thánh Toma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, I. q. 96, a.4

[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 5 : AAS 83 (1991) 800. Trích từ Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 1897, Nhà xuất bản Tôn giáo-Hànội 2010.

[7] Biết rằng quyền bính Giáo hội và Xã hội mỗi bên đều có lãnh vực riêng, nhưng tất cả có cùng một mục đích là để phục vụ con người. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 76 nói : « Cộng đồng chính trị và Giáo hội mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dù dưới danh hiệu nào đi nữa, cả hai cùng đồng phục vụ con người trong sứ mện các nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, trên đó nếu cả hai đều duy trì được sự cộng tác lành mạnh thì cả hai cùng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu ».

[8] Xem Pierre Debergé, Enquête sur Le Pouvoir, Approche biblique et théologique, Nouvelle Cité 1997, trang 40-41.

[9] Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Thần Học Luân Lý Xã Hội, Sơ thảo dành cho sinh viên Trung tâm học vấn Đaminh, Gò vấp 2005, trang 123.