Quan Niệm Về Thần Học Luân Lý Theo Thánh Tôma Aquinô

0
2504


Kim Thao, OP.

 

Một vấn đề nóng bỏng của thần học luân lý sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II được nhắc đến đó là: Ki-tô giáo có một nền luân lý riêng hay không? Trong bài viết đó, chúng tôi đã nói qua rằng một trong những lý do đã gợi lên vấn đề là sự canh tân thần học luân lý mà Công Đồng đòi hỏi. Thần học luân lý không những phải tìm cách trình bày các vấn đề một cách có thứ tự mạch lạc, nhưng cần phải dựa vào Mạc Khải nhiều hơn. Chính vì yêu sách đó mà người ta mới đặt lên câu hỏi là Mạc Khải Ki-tô có đề ra một nền luân lý mới mẻ hay chỉ lặp lại những giá trị của luật tự nhiên?

Qua bài viết, “Những Đặc Trưng Của Luân Lý Kitô Giáo”, chúng tôi cũng đã trình bày những đặc trưng (tức là những điều mới mẻ) của luân lý Ki-tô giáo dựa theo giáo huấn của Va-ti-ca-nô II. Tuy nhiên, việc xác định những nét đặc thù của luân lý Ki-tô giáo không thể chỉ dừng lại ở những khẳng định tổng quát hoặc khi đối chiếu với từng điều ngăn cấm, nhưng còn cần phải được diễn tả qua việc trình bày toàn bộ hệ thống thần học luân lý nữa. Vấn đề này được đặt ra cấp bách khi soạn thảo sách Giáo lý Công Giáo. Trong các bản dự thảo đầu tiên, ủy ban soạn thảo đã muốn trở lại cơ cấu của sách giáo lý Công Đồng Tren-tô, nghĩa là dựa trên mười điều răn. Nhưng dự thảo ấy đã bị công kích dữ dội, xét vì nếu trình bày luân lý Ki-tô giáo dựa trên mười điều răn, thì thử hỏi nó có chi khác lạ với luật Mô-sê? Làm thế nào để nêu bật rằng đời sống của người Ki-tô hữu phải là đời sống mới như thánh Phao-lô đã nói? Sau nhiều lần bàn cãi, ủy ban soạn thảo đã chuyển hướng từ “luân lý 10 điều răn” sang “luân lý các nhân đức”.

Trong bài này, sau khi đã trình bày quan điểm của sách giáo lý Công Giáo, chúng tôi sẽ đối chiếu với thần học luân lý các nhân đức dựa theo thánh Tô-ma A-qui-nô.

I. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

Trong một bài trình bày bố cục của sách Giáo lý (đăng trên tuần báo “Osservatore Romano”, ngày 06/01/1993) Đức Cha Christoph von Schoenborn, thư ký ủy ban soạn thảo, đã lưu ý rằng đừng nên phân tích sách giáo lý này theo tâm thức của những sách giáo lý trước đây, theo đó đạo Công Giáo bao gồm những điều phải tin (kinh Tin kính), và những điều phải giữ (mười điều răn). Không phải như vậy: tất cả 4 phần của sách ăn khớp với nhau thành một toàn bộ, ví như cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Một đàng là Thiên Chúa đến với con người qua nhiệm cục cứu độ, qua việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa (Kinh Tin kính, phần thứ nhất); Người ban cho ta ơn thánh (các bí tích, phần thứ hai) cũng như những điều cần thiết khác để ta có thể sống đẹp lòng Ngài (sự cầu nguyện, phần thứ bốn). – Đối lại, con đường dẫn con người đến cùng Thiên Chúa không phải chỉ giới hạn trong phần thứ ba (mười điều răn), nhưng bao gồm tất cả bốn phần.

Thực vậy, phần thứ nhất, Kinh Tin kính biểu lộ tâm tình của con người khi lĩnh bí tích rửa tội: đó là ước muốn được lãnh nhận sự sống đời đời qua việc kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người tìm thấy nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa nhập thể, khuôn mẫu cho đời sống của mình cũng như sức mạnh để thực hiện lý tưởng đó. Các bí tích giúp cho con người thông dự vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Một cách đặc biệt, phần thứ ba mở đầu bằng việc trình bày lòng khao khát của con người muốn được hạnh phúc: sự khao khát ấy tương ứng với chương trình của Thiên Chúa kêu gọi con người vào thông hiệp với Người. Để có thể thực hiện nguyện vọng và ơn gọi ấy, Thiên Chúa đã dạy dỗ con người qua lề luật và trợ giúp cho con người bằng ơn thánh. Khi đi vào nội dung của mười điều răn, các soạn giả không bắt đầu những điều cấm, nhưng là với các nhân đức, và kết thúc với các Mối Phúc Thật. Phần thứ bốn, dành cho sự cầu nguyện, cũng nhằm quảng diễn hơn tinh thần Bát Phúc, lý tưởng của đời sống Ki-tô hữu.

Đức Cha Von Schoenborn không ngần ngại kết luận rằng cơ cấu này dựa theo sách Tổng Luận Thần Học của thánh Tô-ma A-qui-nô. Nói thế có nghĩa là nếu chúng ta muốn hiểu cơ cấu của sách giáo lý, chúng ta cần phải tham chiếu thánh Tô-ma. Đó là mục tiêu của chúng tôi trong phần còn lại của bài này.

II. THẦN HỌC LUÂN LÝ THEO THÁNH TÔ-MA A-QUI-NÔ

Thực ra, trước đây không thiếu gì sách luân lý mệnh danh là được soạn theo học thuyết của thánh Tô-ma; thế nhưng phải nói là đa số các sách ấy hoặc là bỏ qua phần tinh túy nhất của thánh nhân (tỉ như những chương bàn về hạnh phúc, Chúa Thánh Thần) thậm chí còn đi ngược lại với Ngài (tỉ như khi trình bày luân lý dựa trên 10 điều răn).

Nói như thế có nghĩa là ta có thể tóm lại thần học luân lý của thánh Tô-ma vào 3 điểm: a) luân lý các nhân đức; b) luân lý hạnh phúc; c) luân lý của Chúa Thánh Thần.

A. Luân Lý Các Nhân Đức

Thực vậy, thánh Tô-ma đã tổ chức hệ thống luân lý dựa trên các nhân đức: ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) và bốn nhân đức trụ (khôn ngoan, mạnh bạo, tiết độ, công bằng), chứ không dựa trên 10 điều răn. Điều đó có nghĩa là gì?

– Trước hết, nó có nghĩa là luân lý không phải chỉ gồm những điều ngăn cấm (đừng làm cái này vì Chúa cấm, có tội), nhưng còn gồm những điều tích cực (hãy làm điều thiện). Hơn thế nữa, vào cuối mỗi nhân đức, thánh Tô-ma còn gắn thêm một linh ơn của Chúa Thánh Thần và một chân phúc của bài giảng trên núi, ra như muốn nói rằng đời sống luân lý của người Ki-tô giáo cần phải đạt đến sự trưởng thành siêu nhiên, khi con người biết để cho Thánh Thần hướng dẫn để sống theo tinh thần mà Đức Ki-tô đã đề ra trong Bài giảng trên núi.

– Khi bàn về các nhân đức, thánh Tô-ma đã dùng các chất liệu của các triết gia thượng cổ: Aristote, Ciceron,… Tuy nhiên ngài đã biến hóa chúng rất nhiều. Đứng đầu các nhân đức, là ba nhân đức đối thần: tin cậy mến, một điều không có trong các sách đạo đức học của các triết gia nói trên. Khi đặt đức tin đứng đầu trong các nhân đức, Tô-ma cho thấy rằng sở dĩ luân lý Ki-tô giáo khác với các nền luân lý khác bởi vì nó phản ánh một thực tại mới về con người, mà do đức tin chúng ta biết được do Thiên Chúa mạc khải.

Thiết tưởng nên nói sơ qua cơ cấu của bộ Tổng Luận Thần Học của Thánh Tô-ma. Nó được chia làm ba phần: phần đầu nói về Thiên Chúa (sự hiện hữu, các ưu phẩm, mầu nhiệm nội tại và công trình tạo dựng). Phần thứ hai nói về luân lý. Phần thứ ba dành cho chương trình cứu chuộc: Đức Ki-tô, các bí tích, cánh chung.

Tại sao thánh Tô-ma đã chia làm ba phần như vậy: đó là một câu hỏi mà nhiều người đã đặt lên nhưng chúng tôi không muốn dài giòng ở đây. Chỉ cần biết rằng phần luân lý (tức là sách thứ hai) gắn chặt với phần tín lý (sách thứ nhất).

Theo thánh Tô-ma, chân lý nền tảng của luân lý là: con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Điều đó giả thiết rằng con người cần phải luôn nhìn ngắm Thiên Chúa để tìm ra mẫu mực mà cư xử; mặt khác, con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc và triển nở toàn vẹn khi được kết hợp với Đấng đã tạo dựng nên mình đồng thời cũng là mẫu mực và cứu cánh của mình.

B. Luân Lý Hạnh Phúc

Ngoài việc xếp đặt thần học luân lý dựa theo các nhân đức, chúng ta cần ghi nhận đặc điểm thứ hai của thánh Tô-ma là: xây dựng luân lý ở trên hạnh phúc con người.

Thường thường chúng ta thường quan niệm luân lý như việc tuân giữ một số điều mà Chúa truyền hay Chúa cấm. Quan niệm như vậy dễ đưa đến chỗ ấm ức, kiểu như đứa bé không được làm theo sở thích vì bị cha mẹ cấm đủ thứ, và nếu không tuân thì bị phạt.

Thánh Tô-ma thì quan niệm hơi khác. Ngay từ đầu của phần luân lý, thánh nhân bàn đến hạnh phúc của con người. Con người tự bản năng muốn được sung sướng hạnh phúc, và tìm hết mọi cách để đạt tới hạnh phúc ấy. Thánh Tô-ma đã dừng lại khá lâu để bàn về hạnh phúc: tìm đâu ra hạnh phúc thật? Tiếp theo đó, ngài trình bày các hành vi luân lý như là những phương thế để đạt tới hạnh phúc: cái gì mà dẫn tới hạnh phúc là tốt, cái gì làm cho ta mất hạnh phúc là xấu.

Hiểu như vậy, việc ấn định điều thiện ác không phải là do từ một sự truyền buộc hay cấm đoán bên ngoài, nhưng là nằm trong bản chất nội tại của con người, tùy theo nó giúp cho con người đạt được cứu cánh của cuộc đời hay không.

C. Luân Lý Của Chúa Thánh Thần

Chắc chắn sẽ có người chất vấn: thánh Tô-ma có nói đến luật trong khi bàn về luân lý, nghĩa là cũng có điều truyền điều cấm đấy chứ?

Thưa rằng quả thực là ngài có nói tới luật ở trong phần luân lý; thế nhưng cần phải hiểu ngài quan niệm vai trò của luật như thế nào. Như đã nói, con người khao khát đi tìm hạnh phúc, và cố gắng đạt tới hạnh phúc qua những hành vi tự do của mình: điều gì tốt xấu là tùy theo nó đưa ta tới cứu cánh hay không; thế nhưng làm sao biết được điều gì đạt tới cứu cánh hay không? Lý trí con người đâu phải lúc nào cũng sáng suốt để nhận biết điều ấy? Chính vì vậy mà cần có người chỉ bảo cho nó.

Thánh Tô-ma quan niệm luật như là cách thế mà Thiên Chúa dậy dỗ con người. Khi trình bày về luật, thánh Tô-ma đã theo sát lịch sử của Mạc Khải: trước tiên là mạc khải qua sự tạo dựng, nghĩa là Luật Tự Nhiên; kế đó là Luật Cũ và tiếp theo là Luật Mới. Các nhà thần học ngày nay đã lưu ý rất nhiều đến thiên bàn về luật mới của thánh Tô-ma. Luật Mới (Lex Nova) hệ tại chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta. Luật Mới không viết trên bia đá, nhưng in sâu trong tâm khảm của ta.

Như đã nói trên đây, trước đây rất nhiều sách luân lý vẫn tự hào là viết theo đạo lý của thánh Tô-ma, nhưng không đả động gì đến Luật Mới cả, trong khi mà Luật Mới chính là điểm đặc trưng của luân lý Ki-tô giáo: người Ki-tô phải sống theo Thánh Thần, Đấng đã được ban cho ta nhờ cuộc cứu chuộc của Đức Ki-tô, mà ta lĩnh nhận qua đức tin và các bí tích. Thực vậy, đặc trưng của chế độ Luật Mới, theo như thánh Tô-ma cho thấy, hệ tại chỗ không những Chúa chỉ dậy cho ta con đường phải đi, nhưng Ngài còn ban cho ta ơn thánh để ta có thể chu toàn nó, để phát sinh những hoa trái của Thánh Thần và các chân phúc nữa. Luân lý Ki-tô không gồm những điều cấm cứng nhắc của bộ hình luật, nhưng gồm chứa những sinh lực năng động thúc đẩy con người đi tìm những gì tuyệt hảo nhất để biểu lộ sức sống mới của Thánh Thần, của tình yêu.

Đó là đại khái thần học luân lý Ki-tô giáo theo cái nhìn của thánh Tô-ma: nó được trình bày theo một hệ thống chặt chẽ, gắn liền với lịch sử Mạc Khải, với Thiên Chúa, đồng thời hòa hợp với những khuynh hướng bản nhiên của con người (mong muốn hạnh phúc, muốn sống, muốn biết sự thực, muốn liên lạc với tha nhân). Thánh Tô-ma đã lấy nguồn suy tư vừa chính từ Kinh Thánh vừa từ các tác giả của Thánh Truyền và các tư tưởng gia của nhân loại.