Vũ Văn An
LỜI THIÊN CHÚA TRONG PHỤNG VỤ THÁNH
Khi coi Giáo Hội như “nhà của lời” [181], ta cần trước hết lưu tâm tới phụng vụ thánh, vì phụng vụ chính là khung cảnh tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta trong chính cuộc sống của ta; ngày nay, Người nói với dân Người, những người đang lắng nghe và đáp lại. Từ bản chất, mọi hành vi phụng vụ đều chìm ngập trong Sách Thánh. Theo lời Hiến Chế “Thánh Công Đồng”, “Sách Thánh có tầm quan trọng hết sức lớn lao trong việc cử hành phụng vụ. Từ Sách Thánh, các bài đọc được lấy ra để được giải thích trong bài giảng lễ, cả các thánh vịnh dùng để ca hát nữa. Từ Sách Thánh, các lời cầu xin, các kinh nguyện và phụng ca có được sự linh hứng và chất liệu của chúng. Từ Sách Thánh, các hành vi và dấu hiệu phụng vụ rút tỉa được ý nghĩa của chúng” [182]. Còn hơn thế nữa, ta phải nói rằng chính Chúa Kitô “hiện diện nơi lời của Người, vì chính người lên tiếng khi Sách Thánh được đọc lên trong Giáo Hội” [183]. Thực thế, “việc cử hành phụng vụ trở thành việc trình bày lời Chúa cách liên tục, trọn vẹn và hữu hiệu. Lời Chúa, khi được liên tục công bố trong phụng vụ, luôn là lời sống động và hữu hiệu nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần. Nó diễn tả tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu bao giờ cũng có hiệu lực đối với chúng ta” [184]. Giáo Hội luôn nhận ra rằng trong hành động phụng vụ, lời Chúa đi đôi với hành động bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho lời ấy thành hữu hiệu trong tâm hồn tín hữu. Nhờ Đấng Bảo Trợ, “lời Chúa trở nên nền tảng cho việc cử hành phụng vụ, và là qui luật và sự nâng đỡ cho trọn đời sống ta. Hành động của cùng một Chúa Thánh Thần này … sẽ đem đến cá nhân mỗi người mọi sự mà trong lúc công bố lời Chúa từng được nói tới vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn. Khi tăng cường sự hợp nhất mọi người, Chúa Thánh Thần cũng đồng thời cổ vũ tính đa dạng của ơn phúc và đẩy xa hơn nữa việc làm có tính đa dạng của các ơn phúc này” [185].
Như thế, để hiểu lời Chúa, ta cần biết lượng giá và cảm nghiệm được ý nghĩa và giá trị chủ yếu của hành động phụng vụ. Một cái hiểu đầy đức tin về Sách Thánh luôn phải tái qui chiếu trở lại phụng vụ, trong đó, lời Chúa được cử hành như một lời hợp thời và sống động: “Trong phụng vụ, Giáo Hội luôn trung thành gắn bó với cách Chúa Kitô đọc và giải thích Sách Thánh, bắt đầu với việc Người vào hội đường và yêu cầu mọi người tìm kiếm Sách Thánh [186].
Ở đây, ta được thấy khoa sư phạm đầy khôn ngoan của Giáo Hội; khoa sư phạm này công bố và lắng nghe Sách Thánh theo nhịp điệu của năm phụng vụ. Việc trải dài lời Chúa trong thời gian này trước nhất diễn ra trong việc cử hành Thánh Thể và trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ở tâm điểm mọi điều ấy, ta thấy mầu nhiệm vượt qua ngời sáng lên và quanh mầu nhiệm ấy, tỏa sáng mọi mầu nhiệm của Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi trở thành hiện tại một cách bí tích: “Nhờ nhắc lại các mầu nhiệm cứu chuộc cách đó, Giáo Hội mở tung cho các tín hữu mọi kho lẫm của hành động cứu rỗi và công nghiệp của Chúa mình, và làm chúng trở thành hiện tại đối với mọi thời, giúp tín hữu bước vào tiếp xúc với chúng và được tràn đầy ơn cứu độ” [187]. Vì lý do này, tôi khuyến khích các Mục Tử của Giáo Hội và mọi người dấn thân vào công trình mục vụ hãy lo liệu để mọi tín hữu học cách biết thưởng ngoạn ý nghĩa thâm hậu của lời Chúa đang được biểu lộ hàng năm trong phụng vụ, mạc khải cho ta các màu nhiệm nền tảng của đức tin. Điều này, ngược lại, chính là nền tảng của lối tiếp cận chính xác đối với Sách Thánh.
SÁCH THÁNH VÀ CÁC BÍ TÍCH
Khi thảo luận tầm quan trọng của phụng vụ đối với việc hiểu lời Chúa, Thượng Hội Đồng Các Giám Mục đã làm nổi bật mối tương quan giữa Sách Thánh và hành động của các bí tích. Ngày nay, đang có nhu cầu lớn muốn tìm tòi sâu xa hơn mối tương quan giữa lời và bí tích trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội và trong suy tư thần học [188]. Chắc chắn “phụng vụ lời Chúa là yếu tố quyết định trong việc cử hành mỗi bí tích của Giáo Hội” [189]; Tuy nhiên, trong thực hành mục vụ, tín hữu không luôn luôn ý thức được mối dây nối kết ấy; họ cũng không đánh giá được tính thống nhất giữa cử chỉ và lời nói. “Nhiệm vụ của linh mục và phó tế, nhất là khi họ cử hành các bí tích, là phải giải thích tính thống nhất giữa lời và bí tích trong thừa tác vụ của Giáo Hội” [190]. Mối tương quan giữa lời và cử chỉ bí tích chính là biểu thức phụng vụ của hoạt động Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi xét theo đặc điểm thực hiện (performative character) của lời. Trong lịch sử cứu rỗi, không hề có sự phân rẽ giữa điều Chúa nói và điều Người làm. Lời Người luôn tỏ ra sống động và linh hoạt (xem Dt 4:12) như chính hạn từ Hípri dabar đã chỉ rõ. Trong hành động phụng vụ, ta cũng thấy lời Người thực hiện đầy đủ những gì nó nói ra. Khi giáo dục Dân Chúa biết khám phá ra đặc điểm thực hiện của lời Chúa trong phụng vụ, ta sẽ giúp họ biết nhận ra hoạt động của Người trong lịch sử cứu rỗi và trong cuộc sống cá nhân của họ.
LỜI CHÚA VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Những điều vừa nói một cách tổng quát về mối tương quan giữa lời và bí tích sẽ có ý nghĩa sâu xa hơn khi ta xét tới việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Tính thống nhất sâu sắc giữa lời và Bí Tích Thánh Thể đặt cơ sở trên chính chứng tá của Sách Thánh (xem Ga 6; Lc 24), được các Giáo Phụ chứng thực và được Công Đồng Vatican II tái khẳng định [191]. Ở đây, ta nghĩ tới lời Chúa Giêsu phán về bánh ban sự sống tại hội đường Caphácnaum (xem Ga 6:22-69), với việc so sánh hàm ẩn giữa Môsê và Chúa Giêsu, giữa người từng nói mặt đối mặt với Thiên Chúa (xemXh 33:11) và Đấng làm Thiên Chúa được biết đến (xem Ga 1:18). Lời Chúa Giêsu về bánh có ý nói tới ơn phúc của Thiên Chúa, mà Môsê nhận được cho dân ông với manna trong sa mạc, nhưng thực sự cũng là Tôra, lời ban sự sống của Thiên Chúa (xem Tv 119; Cn 9:5). Bằng chính con người mình, Chúa Giêsu làm nên trọn hình ảnh xưa: “Bánh Thiên Chúa là bánh từ trời, ban sự sống cho thế gian”… “Ta là bánh sự sống” (Ga 6:33-35). Ở đây, “lề luật đã trở nên một ngôi vị. Khi ta gặp gỡ Chúa Giêsu, ta được dưỡng nuôi bằng chính Thiên Chúa hằng sống, có thể nói như thế; ta thực sự ăn ‘bánh bởi trời’” [192]. Trong bài giảng tại Caphácnaum, Tự Ngôn của Thánh Gioan được nâng lên một bình diện sâu sắc hơn. Logos của Thiên Chúa trở nên xác phàm, còn ở đây xác phàm ấy trở nên “bánh” ban sự sống cho thế gian (xem Ga 6:51), có ý ám chỉ việc tự hiến của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thập giá, được củng cố bằng các lời nói về máu Người, được ban làm của uống (xem 6:53). Mầu nhiệm Thánh Thể tỏ lộ manna đích thật, bánh thực sự bởi trời: nó chính là Logos của Thiên Chúa đã thành xác phàm, tự hiến cho ta trong mầu nhiệm vượt qua.
Trình thuật của Thánh Luca về các môn đệ trên đường đi Emmau giúp ta suy niệm xa hơn về mối liên kết giữa việc nghe lời Chúa và việc bẻ bánh (xem Lc 24:13-35). Chúa Giêsu tiến gần lại các môn đệ sau ngày Sabát, lắng nghe họ nói về những hy vọng đã tan tành, và khi đang cùng đi một hành trình với họ, Người “giải thích cho họ mọi điều trong Sách Thánh liên quan đến Người” (24:27). Hai môn đệ bắt đầu nhìn Sách Thánh một cách mới hẳn khi cùng đi với người lữ khách lạ lẫm nhưng xem ra hết sức quen thuộc với đời họ này. Những điều xẩy ra trong mấy ngày qua xem ra không còn là thất bại đối với họ nữa, nhưng là một sự nên trọn và là một khởi đầu mới. Ấy thế nhưng, rõ ràng ngay những lời ấy cũng chưa đủ cho hai môn đệ. Tin Mừng Luca thuật lại rằng “con mắt của họ mở ra và họ nhận ra Người” (24:31) chỉ sau khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ, trong khi trước đó “mắt họ không nhận ra Người” (24:16). Sự hiện diện của Chúa Giêsu, đầu tiên bằng lời và sau đó bằng hành vi bẻ bánh, đã làm cho các môn đệ nhận ra Người. Giờ đây, họ có khả năng đánh giá theo cách mới tất cả những gì họ từng được cảm nghiệm với Người trước đây: “trái tim ta đã không bừng bừng trong ta khi Người nói với ta trên đường trong khi mở Sách Thánh cho ta đó sao?” (24:32).
Từ các trình thuật này, ta thấy rõ chính Sách Thánh chỉ cho ta biết đánh giá mối liên kết không thể nào bẻ gẫy giữa nó và Thánh Thể. “Không bao giờ có thể quên được rằng lời Chúa, được Giáo Hội đọc và công bố, có mục tiêu là hy lễ của giao ước mới và bàn tiệc ơn thánh là Phép Thánh Thể” [193]. Lời Chúa và Phép Thánh Thể gắn bó với nhau một cách sâu xa đến độ ta không thể hiểu được thực tại này mà không có thực tại kia: lời Chúa đã mặc lấy xác phàm một cách bí tích trong biến cố Thánh Thể. Thánh Thể mở đường cho ta hiểu Sách Thánh, cũng thế, về phần mình Sách Thánh soi sáng và giải thích mầu nhiệm Thánh Thể. Nếu không thừa nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, cái hiểu của ta về Sách Thánh sẽ mãi mãi không đầy đủ. Vì lý do này, “Giáo Hội vốn tôn kính lời Chúa và mầu nhiệm Thánh Thể với cùng một lòng tôn kính, dù không cùng một sự thờ phượng, và nhấn mạnh cũng như phê chuẩn lòng tôn kính ấy luôn luôn và ở mọi nơi. Được Đấng Sáng Lập ra mình thúc giục, Giáo Hội không bao giờ ngưng cử hành mầu nhiệm vượt qua này của Người bằng việc đến với nhau để đọc ‘những điều liên quan tới Người trong Sách Thánh’ (Lc 24:27) và tiến hành công trình cứu rỗi qua việc cử hành lễ tưởng niệm Người và qua các bí tích” [194].
TÍNH BÍ TÍCH CỦA LỜI CHÚA
Suy niệm về đặc điểm thực hiện của lời Chúa trong hành động bí tích và việc mỗi ngày biết đánh giá nhiều hơn mối tương quan giữa lời Chúa và Thánh Thể còn dẫn ta tới một chủ đề có ý nghĩa nữa từng được nêu ra tại Thượng Hội Đồng, đó là tính bí tích của lời Chúa [195]. Ở đây, thiết tưởng sẽ có ích nếu ta nhớ lại rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nhắc tới “đặc điểm bí tích của mạc khải” và cách riêng tới “dấu chỉ của Phép Thánh Thể trong đó sự hợp nhất bất khả tiêu giữa điều chỉ dấu và điều được chỉ dấu giúp ta nắm vững các sâu sắc của mầu nhiệm” [196]. Ta sẽ thấy ra rằng ở tâm điểm tính bí tích của lời Chúa chính là mầu nhiệm nhập thể: “Lời thành xác phàm” (Ga 1:14), thực tại của mầu nhiệm mạc khải đã được biếu tặng ta trong “xác phàm” Chúa Con. Lời của Thiên Chúa nay có thể được đức tin lĩnh hội nhờ “dấu chỉ” là lời và hành động con người. Đức tin nhìn nhận Lời của Thiên Chúa bằng cách chấp nhận các lời và hành động Người dùng để tự mạc khải cho chúng ta. Đặc điểm bí tích của mạc khải, ngược lại, chỉ cho ta thấy lịch sử cứu rỗi, thấy cách thế lời Chúa bước vào thời gian và không gian và nói với con người, những chủ thể được mời gọi đón nhận hồng ân của Người trong đức tin.
Như thế, ta có thể hiểu tính bí tích của lời Chúa bằng cách so sánh với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới các hình bánh và rượu đã được truyền phép [197]. Khi tiến lên bàn thờ và tham dự tiệc Thánh Thể, ta thực sự dự phần vào mình và máu Chúa Kitô. Việc công bố lời Chúa lúc cử hành kéo theo việc nhìn nhận rằng chính Chúa Giêsu đang hiện diện, rằng Người nói với ta [198], và Người muốn được ta nghe Người. Thánh Giêrôm nói tới cách ta phải tiếp cận cả Thánh Thể lẫn lời Chúa như sau: “Chúng ta đang đọc Sách Thánh. Đối với tôi, Tin Mừng là Thân Thể Chúa Kitô; đối với tôi, Sách Thánh là giáo huấn của Người. Và khi Người nói: Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta (xem Ga 6:53), thì dù những lời này được hiểu về Mầu Nhiệm (Thánh Thể), nhưng thân thể và máu Chúa Kitô quả là lời Sách Thánh, giáo huấn của Thiên Chúa. Khi ta tiếp cận Mầu Nhiệm (Thánh Thể), nếu một vụn rơi xuống đất, ta bối rối lo lắng. Ấy thế mà khi nghe lời Chúa, và Lời Thiên Chúa cùng Mình và Máu Chúa Kitô ồ ạt đổ vào tai ta, nhưng ta lại không hề chú ý, há ta lại không cảm thấy liều lĩnh quá hay sao?” [199]. Hiện diện thực sự dưới hình bánh và rượu, Chúa Kitô cũng hiên diện tương tự như thế trong lời được công bố trong phụng vụ. Như thế, hiểu sâu xa hơn tính bí tích của lời Chúa sẽ dẫn ta tới một cái hiểu thống nhất hơn về mầu nhiệm mạc khải, vốn xẩy ra qua “việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau” [200]; biết đánh giá điều đó nhất định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đời sống thiêng liêng của tín hữu và sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội.
SÁCH THÁNH VÀ SÁCH CÁC BÀI ĐỌC
Khi nhấn mạnh tới mối liên kết giữa lời Chúa và Thánh Thể, Thượng Hội Đồng cũng rất đúng khi muốn kêu gọi ta chú ý tới một số khía cạnh của việc cử hành có liên hệ tới việc phục vụ lời Chúa. Trước nhất, tôi muốn nhắc tới tầm quan trọng của Sách Các Bài Đọc. Cuộc canh tân do Công Đồng Vatican II kêu gọi [201] đã mang lại kết quả qua việc ta tiếp xúc phong phú hơn với Sách Thánh mà hiện nay được cung cấp dồi dào, nhất là trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Cấu trúc hiện nay của Sách Các Bài Đọc không những cho thấy nhiều bản văn quan trọng hơn của Sách Thánh được cung cấp thường xuyên hơn, mà còn giúp ta hiểu tính thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa nhờ tác động qua lại giữa các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước, một tác động qua lại “trong đó, Chúa Kitô là khuôn mặt trung tâm, được tưởng niệm trong mầu nhiệm vượt qua của Người” [202]. Bất cứ các khó khăn còn tồn đọng nào chưa giúp ta nhìn ra mối tương quan giữa các bài đọc này cần phải được giải quyết dưới ánh sáng lối giải thích hợp qui điển (canonical interpretation) nghĩa là phải qui chiếu tới tính thống nhất cố hữu của Thánh Kinh như một toàn bộ. Bất cứ khi nào cần, các cơ quan và nhóm có khả năng nên cung cấp các ấn phẩm nhằm trình bày mối liên hệ qua lại giữa các bài đọc của Sách Các Bài Đọc, tất cả những ấn phẩm này nên được công bố cho hội nghị phụng vụ tùy theo nhu cầu phụng vụ của từng thời kỳ. Các vấn đề hay khó khăn khác nên được trình cho Bộ Phụng Thờ Thánh và Kỷ Luật Bí Tích.
Chúng ta cũng không nên bỏ qua sự kiện này là Sách Các Bài Đọc hiện nay thuộc Nghi Lễ La Tinh vốn có một ý nghĩa đại kết, vì nó cũng đang được sử dụng và trân quí bởi nhiều cộng đồng chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Vấn đề Sách Các Bài Đọc vốn được xem sét cách khác trong nền phụng vụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương; Thượng Hội Đồng yêu cầu rằng vấn đề này cần được “xem sét một cách có thẩm quyền” [203], phù hợp với truyền thống và năng quyền riêng của các Giáo Hội độc lập, cũng như quan tâm tới ngữ cảnh đại kết.
VIỆC CÔNG BỐ LỜI CHÚA VÀ THỪA TÁC VỤ ĐỌC SÁCH
Thượng Hội Đồng về Thánh Thể đã từng kêu gọi phải thận trọng hơn trong việc công bố lời Chúa [204]. Như đã biết, trong truyền thống La Tinh, dù Tin Mừng do linh mục hay phó tế công bố, nhưng bài đọc một và bài đọc hai do một người được chỉ định đọc sách, cả nam lẫn nữa, công bố. Tôi muốn nhắc lại lời các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khi các ngài nhấn mạnh một lần nữa nhu cầu huấn luyện thích đáng [205] cho những người thi hành nhiệm vụ (munus) đọc sách trong các cử hành phụng vụ [206], và đặc biệt những người thi hành thừa tác vụ (ministry) đọc sách, một thừa tác vụ tự nó vốn thuộc giáo dân theo nghi lễ La Tinh. Tất cả những ai được trao phó nhiệm vụ này, ngay cả những người không được lập (instituted) vào thừa tác vụ đọc sách, phải là người thực sự xứng đáng và được huấn luyện cẩn thận. Việc giáo dục này phải đặt nặng thánh kinh và phụng vụ cũng như kỹ thuật: “Mục đích của việc huấn luyện về Thánh Kinh là để giúp người đọc sách có khả năng hiểu các bài đọc trong bối cảnh của chúng và nhờ ánh sáng đức tin, họ nhận thức được điểm chính yếu trong sứ điệp mạc khải. Việc huấn luyện về phụng vụ phải trang bị cho người đọc sách nắm vững phần nào ý nghĩa và cấu trúc của phụng vụ lời Chúa và tầm ý nghĩa trong mối liên kết của nó với phụng vụ Thánh Thể. Việc chuẩn bị kỹ thuật nên giúp người đọc sách có kỹ năng trong nghệ thuật đọc trước công chúng, nhờ sức mạnh của giọng nói hay với sự trợ giúp của dụng cụ âm thanh” [207].
TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÀI GIẢNG LỄ
Mỗi thành phần Dân Chúa “đều có bổn phận và trách nhiệm khác nhau liên quan tới lời Chúa. Theo đó, tín hữu lắng nghe lời Chúa và suy niệm lời ấy, nhưng những ai có nhiệm vụ giảng dạy nhờ đã được truyền chức thánh hay đã được trao phó việc thi hành thừa tác vụ này” tức các giám mục, linh mục và phó tế “sẽ giảng giải lời Chúa” [208]. Bởi thế, ta hiểu được việc Thượng Hội Đồng rất chú ý tới bài giảng lễ. Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, tôi đã nhấn mạnh rằng “vì tầm quan trọng của lời Chúa, phẩm tính bài giảng cần được cải thiện. Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’ và có mục tiêu phát huy một cái hiểu lời Chúa sâu sắc hơn để nó mang lại hoa trái cho đời sống tín hữu” [209]. Bài giảng lễ là phương tiện đem lại sự sống cho một đoạn Sách Thánh theo nghĩa giúp tín hữu hiểu ra rằng lời Chúa hiện diện và hành động trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nó nên dẫn đến việc hiểu biết mầu nhiệm đang được cử hành, đóng vai trò thúc đẩy nhận lãnh sứ mệnh và chuẩn bị cộng đoàn cho phần tuyên xưng đức tin, cho lời nguyện chung và cho phụng vụ Thánh Thể. Thành thử, những ai có trọng trách giảng dạy do thừa tác vụ chuyên biệt phải coi trọng trách nhiệm này. Cần phải tránh những bài giảng chung chung và trừu tượng chỉ có tác dụng làm mờ nhạt tính minh bạch của lời Chúa, cũng phải tránh những kiểu giảng giải vòng vèo vô bổ nhằm lôi kéo chú ý vào người giảng chứ không vào trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Tín hữu phải nhận ra một cách rõ ràng rằng vị giảng thuyết thực sự có ý nguyện tha thiết muốn trình bày Chúa Kitô, Đấng phải nằm ở trọng tâm mọi bài giảng. Vì lý do này, các vị giảng thuyết cần tiếp xúc một cách gần gũi và thường xuyên với bản văn thánh [210]; họ nên chuẩn bị bài giảng bằng cách suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và lòng say mê. Thượng Hội Đồng yêu cầu ta nên để ý những câu hỏi như sau: “Sách Thánh đang được công bố muốn nói gì? Nó nói đích danh điều gì với bản thân tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn dưới ánh sáng hoàn cảnh cụ thể của họ?” [211]. Vị giảng thuyết “phải là người trước nhất nghe lời Chúa, lời mà ngài sẽ công bố” [212] vì như Thánh Augustinô từng nói: “Người giảng dạy lời Chúa ở bên ngoài mà không nghe lời ấy trong nội tâm chắc chắn là người vô bổ (barren)” [213]. Bài giảng Chúa Nhật và lễ trọng phải được chuẩn bị kỹ càng, nhưng trong các thánh lễ ngày thường có giáo dân, vẫn không quên cung cấp những suy niệm vắn tắt và hợp thời giúp tín hữu chào đón lời Chúa vừa được công bố và đem lại ích lợi cho đời sống hàng ngày của họ.
SỰ THÍCH ĐÁNG CỦA MỘT CUỐN HƯỚNG DẪN GIẢNG LỄ
Nghệ thuật giảng dựa trên Sách Các Bài Đọc muốn tốt phải là một nghệ thuật cần được vun trồng. Do đó, để liên tục với ý muốn được Thượng Hội Đồng trước phát biểu [214], tôi yêu cầu các cơ quan có năng quyền, dựa vào đường hướng của cuốn Hợp Tuyển Thánh Thể [215] cũng sẽ chuẩn bị các ấn phẩm có tính thực tiễn giúp các thừa tác viên thi hành trách vụ của họ cách tốt nhất: thí dụ một cuốn Hướng Dẫn Giảng Lễ chẳng hạn, trong đó, các vị giảng thuyết có thể tìm được sự trợ giúp hữu ích trong việc chuẩn bị thi hành thừa tác vụ của mình. Như Thánh Giêrôm từng nhắc nhở ta, việc giảng lễ cần đi đôi với chứng tá một đời sống tốt lành: “hành động của anh em không được mâu thuẫn với lời anh em nói, kẻo khi anh em đang giảng trong nhà thờ, có người dám nghĩ: ‘như thế tại sao ông không hành động như thế đi?’… nơi vị linh mục của Chúa Kitô, tư tưởng và lời nói phải đi đôi với nhau” [216].
LỜI CHÚA, HÒA GIẢI VÀ XỨC DẦU BỆNH NHÂN
Dù Thánh Thể chắc chắn vẫn là trung tâm đối với mối liên hệ giữa lời Chúa và các bí tích, ta vẫn phải nhấn mạnh tầm quan trọng của Sách Thánh trong các bí tích khác, nhất là các bí tích chữa lành, tức Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Vai trò của Sách Thánh trong các bí tích này thường bị bỏ qua, ấy thế nhưng ta cần phải dành cho chúng một chỗ đứng thích đáng. Ta không bao giờ được quên rằng: “lời Chúa là lời hoà giải, vì trong lời ấy, Thiên Chúa đã giao hòa mọi sự với chính Người (xem 2 Cor 5:18-20; Eph 1:10). Sự tha thứ đầy yêu thương của Thiên Chúa, thành xác phàm nơi Chúa Giêsu, đã làm tội nhân trỗi dậy” [217]. “Qua lời Chúa, Kitô hữu nhận được ánh sáng để nhìn ra tội lỗi mình và được mời gọi hồi tâm và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa” [218]. Muốn cảm nghiệm một cách sâu sắc hơn sức mạnh hòa giải của lời Chúa, các hối nhân cá thể phải được khuyến khích chuẩn bị việc xưng tội bằng cách đọc hay lắng nghe những lời khuyên của Thánh Kinh như những lời được cung cấp trong nghi thức. Khi ăn năn tội, điều tốt là hối nhân nên sử dụng “lời cầu nguyện dựa vào lời lẽ của Sách Thánh” [219], như những lời đã được ghi trong nghi thức. Khi có thể, điều tốt là trong một số dịp đặc biệt trong năm, hay bất cứ khi nào có cơ hội, việc xưng tội cá thể của một số hối nhân nên diễn ra trong buổi cử hành thống hối như đã được dự trù trong nghi thức, với điều kiện phải tôn trọng các truyền thống phụng vụ khác nhau; ở đây, phải dành nhiều thì giờ hơn cho việc cử hành lời Chúa qua việc dùng các bài đọc thích hợp.
Trong trường hợp Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cũng thế, không nên quên rằng: “sức mạnh chữa lành của lời Chúa là lời mời gọi liên tục để người lắng nghe đích thân hồi tâm” [220]. Sách Thánh chứa vô số các trang nói tới sự an ủi, nâng đỡ và chữa lành mà Chúa muốn mang đến. Một cách riêng, ta có thể nghĩ tới sự gần gũi của Chúa Giêsu đối với người đang đau khổ và cách mà Người, trong tư cách Lời nhập thể của Thiên Chúa, đã gánh lấy đau khổ của ta và chịu đau đớn vì thương yêu ta, nhờ thế đã mang lại ý nghĩa cho bệnh tật và sự chết. Điều tốt là trong các giáo xứ và bệnh viện, tùy theo hoàn cảnh, nên tổ chức các buổi cả cộng đoàn cử hành Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Trong những dịp này, phải dành nhiều chỗ hơn cho việc cử hành lời Chúa và giúp người bệnh chịu đựng đau đớn trong đức tin, trong kết hợp với lễ hy sinh cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã giải thoát ta khỏi sự ác.
LỜI CHÚA VÀ PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH
Trong các hình thức cầu nguyện biết nhấn mạnh tới Sách Thánh, Phụng Vụ Các Giờ Kinh hiển nhiên có một chỗ đứng. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng gọi nó là “hình thức ưu tuyển của việc nghe lời Chúa, theo nghĩa nó giúp tín hữu tiếp xúc với Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội” [221]. Trên hết, ta nên suy niệm về phẩm tính thần học và giáo hội học sâu xa của lối cầu nguyện này. “Trong Phụng Vụ các Giờ Kinh, Giáo Hội, khi thực thi chức vụ tư tế của Đấng làm Đầu mình, đã ‘không ngừng’ (1 Tx 5:17) dâng lên Thiên Chúa lễ hy sinh ngượi khen nghĩa là hoa trái miệng lưỡi tuyên xưng danh Người (xem Dt 13:15). Lối cầu nguyện này chính là ‘giọng nói của một nàng dâu thỏ thẻ cùng chú rể mình, nó chính là lối cầu nguyện mà chính Chúa Kitô, cùng với Nhiệm Thể Mình, ngỏ cùng Chúa Cha’” [222]. Về phương diện này, Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng “tất cả những ai tham gia lối cầu nguyện này không những chu toàn bổn phận của Giáo Hội, mà còn chung chia vinh dự lớn được làm hiền thê của Chúa Kitô; vì nhờ cử hành lời ngợi ca Thiên Chúa, họ đứng trước ngai của Người nhân danh Giáo Hội, Mẹ của họ” [223]. Phụng Vụ các Giờ Kinh, trong tư cách lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội, nêu ra lý tưởng thánh hóa người Kitô hữu cho ngày sống của họ, được đánh dấu bằng nhịp độ nghe lời Chúa và đọc các Thánh Vịnh; bằng cách này, mọi sinh hoạt đều tìm được điểm qui chiếu trong lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa.
Những ai, vì bậc sống của mình, buộc phải đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh nên thi hành nhiệm vụ này một cách trung thành vì lợi ích của thể Giáo Hội. Các giám mục, linh mục và phó tế đang chuẩn bị thụ phong linh mục, tất cả những ai được Giáo Hội trao trọng trách cử hành phụng vụ này, buộc phải cầu các Giờ Kinh này hàng ngày [224]. Còn đối với việc bó buộc cử hành phụng vụ này trong các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương độc lập, thì phải tuân theo các qui định riêng của luật lệ họ [225]. Tôi cũng khuyến khích các cộng đoàn sống đời tận hiến nêu gương sáng trong việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh, và nhờ thế, trở thành điểm qui chiếu và gây cảm hứng cho đời sống thiêng liêng và mục vụ của toàn thể Giáo Hội.
Thượng Hội Đồng yêu cầu để lối cầu nguyện này trở nên phổ biến hơn trong Dân Chúa, nhất là việc đọc các Giờ Kinh Sáng và Kinh Tối. Điều này nhất định sẽ dẫn tới việc làm quen hơn nữa với lời Chúa nơi các tín hữu. Cũng cần nhấn mạnh tới giá trị của Phụng Vụ Các Giờ Kinh đối với Giờ Kinh Tối Thứ Nhất của các Chúa Nhật và Lễ Trọng, đặc biệt trong các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Để đạt mục đích này, tôi khuyên, bất cứ khi nào có thể, các giáo xứ và và các cộng toàn tu sĩ nên cổ vũ lối cầu nguyện này với sự tham dự của tín hữu giáo dân.
LỜI CHÚA VÀ SÁCH PHÉP LÀNH
Cũng thế, khi sử dụng Sách Phép Lành, cần lưu ý đến phần dành cho việc công bố, nghe và vắn tắt giải thích lời Chúa. Thực vậy, trong các trường hợp được Giáo Hội dự trù và được tín hữu yêu cầu, hành vi chúc lành không nên bị coi như một điều đơn độc tách biệt nhưng có liên hệ, theo mức độ riêng của nó, với đời sống phụng vụ của Dân Chúa. Theo nghĩa ấy, trong tư cách một dấu chỉ thánh thực sự, nó “đã rút tỉa được ý nghĩa và tính hiệu lực từ chính lời Thiên Chúa đang được công bố” [226]. Như thế, điều cũng quan trọng là sử dụng các hoàn cảnh này làm phương tiện đánh thức một lần nữa nơi tín hữu lòng đói khát mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (xem Mt 4:4).
CÁC GỢI Ý VÀ ĐỀ NGHỊ THỰC TIỄN ĐỂ CỔ VŨ VIỆC THAM GIA TRỌN VẸN HƠN VÀO PHỤNG VỤ
Sau khi thảo luận một số yếu tố căn bản trong mối liên hệ giữa phụng vụ và lời Chúa, giờ đây, tôi muốn tiếp nhận và khai triển một số đề nghị và gợi ý được các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đưa ra nhằm mục đích làm cho Dân Chúa mỗi ngày một thân quen hơn với lời Chúa trong bối cảnh sinh hoạt phụng vụ hay, trong bất cứ hoàn cảnh nào, với việc qui chiếu vào sinh hoạt ấy.
a) Cử hành lời Chúa
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khuyến khích mọi mục tử phát huy thời giờ dành cho việc cử hành lời Chúa trong các cộng đoàn được ủy thác cho các ngài [227]. Các cử hành này là những dịp tuyệt vời để gặp gỡ Chúa. Thực hành này chắc chắn mang lợi ích lại cho tín hữu và nên được coi như yếu tố quan trọng của việc huấn luyện phụng vụ. Các cử hành loại này đặc biệt có ý nghĩa đối với việc chuẩn bị Thánh Thể Chúa Nhật; chúng cũng là cách giúp tín hữu đào sâu hơn vào sự phong phú của Sách Các Bài Đọc, biết cầu nguyện và suy niệm Sách Thánh, nhất là trong các mùa phụng vụ lớn là Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.
Các buổi cử hành lời Chúa phải được đặc biệt khuyến cáo nhất là trong các cộng đoàn, vì thiếu giáo sĩ, nên không thể cử hành được hy lễ Thánh Thể vào các Chúa Nhật và ngày lễ buộc. Nhớ đến các chỉ dẫn đã được nêu ra trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis liên quan tới các cuộc cử hành Chúa Nhật mà không có linh mục [228], tôi xin khuyên các vị có thẩm quyền hãy soạn ra các sách hướng dẫn nghi thức, căn cứ vào kinh nghiệm của các giáo hội đặc thù. Trong những hoàn cảnh như thế, việc ấy sẽ cổ vũ các buổi cử hành lời Chúa có khả năng nuôi dưỡng đức tin của tín hữu, trong khi tránh được nguy cơ lẫn lộn hình thức cử hành này với việc cử hành Thánh Thể: “trái lại, chúng là những giây phút tuyệt vời để cầu xin Chúa sai tới các linh mục thánh thiện như lòng Người mong muốn” [229]. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo việc cử hành lời Chúa trong các cuộc hành hương, các ngày lễ đặc biệt, các tuần đại phúc bình dân, các buổi tĩnh huấn thiêng liêng và các ngày đặc biệt dành cho thống hối, đền tạ hay xin tha thứ. Các biểu thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân, dù không phải là các hành vi phụng vụ và không được lẫn lộn chúng với các cuộc cử hành phụng vụ, tuy nhiên vẫn nên được các cuộc cử hành này gây cảm hứng và trên hết phải dành chỗ thích đáng cho việc công bố và nghe lời Chúa; “lòng đạo đức bình dân có thể tìm thấy nơi lời Chúa một nguồn linh hứng bất tận, những mẫu mực cầu nguyện khó có thể vượt qua và những điểm phong phú để suy niệm” [230].
b) Lời Chúa và sự im lặng
Trong các góp ý của mình, số đông các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của im lặng trong tương quan với lời Chúa và việc tiếp nhận nó trong đời sống tín hữu [231]. Thực vậy, lời Chúa chỉ có thể nói và nghe trong im lặng, cả bề ngoài lẫn bề trong. Thời đại ta không phải là thời đại người ta cổ vũ việc tĩnh tâm; có lúc, ta có cảm tưởng người ta sợ phải tách mình, dù chỉ là giây lát, ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày nay, vì lý do đó, điều cần thiết là phải giáo dục Dân Chúa biết giá trị của sự im lặng. Tái khám phá tính trung tâm của lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội cũng có nghĩa là tái khám phá cảm thức tĩnh tâm và thanh thản nội tâm. Truyền thống vĩ đại của các Giáo Phụ dạy ta rằng các mầu nhiệm của Chúa Kitô đều bao gồm sự im lặng [232]. Chỉ trong im lặng, lời Chúa mới tìm được nơi cư ngụ trong ta, như đã tìm được nơi Đức Maria, người phụ nữ của lời nhưng một cách không thể tách biệt, cũng là người phụ nữ của im lặng. Các nền phụng vụ của ta phải làm dễ thái độ lắng nghe chân chính này: Lời càng lên cao, ta càng thiếu lời (Verbo crescente, verba deficiunt) [233].
Tầm quan trọng của điều ấy thấy rõ một cách đặc biệt trong Phụng Vụ Lời Chúa, “một phụng vụ nên được cử hành một cách thiên về suy niệm” [234]. Khi được yêu cầu, im lặng phải được coi là “một phần của việc cử hành” [235]. Do đó, tôi xin khuyến khích các mục tử cổ vũ các giây phút tĩnh lặng nhờ thế, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lời Chúa tìm được sự nghinh đón trong trái tim ta.
c) Công bố lời Chúa một cách long trọng
Một gợi ý nữa được nêu ra trong Thượng Hội Đồng là việc công bố lời Chúa, cách riêng Tin Mừng, phải được thực hiện cách long trọng hơn, nhất là trong các ngày lễ phụng vụ lớn, bằng cách sử dụng Sách Tin Mừng để rước kiệu trong nghi thức đầu lễ và sau đó, được một phó tế hay một linh mục cung nghinh lên bục đọc sách để công bố. Việc này sẽ giúp Dân Chúa hiểu ra rằng “đọc Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ lời Chúa” [236]. Theo các chỉ dẫn trong Ordo Lectionum Missae (Qui định các bài đọc trong Thánh Lễ), điều tốt đẹp là lời Chúa, nhất là Tin Mừng, sẽ được tăng giá trị nhờ được công bố bằng cách hát, đặc biệt trong một số lễ trọng. Lời chào, lời công bố khởi đầu: “Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh…” và những lời kết thúc “Tin Mừng của Chúa” (một số nơi: Đó là Lời Chúa) rất có thể được hát như là cách nhấn mạnh tầm quan trọng của điều được đọc [237].
d) Lời Chúa trong các giáo hội Kitô Giáo
Để làm dễ việc nghe lời Chúa, ta cần xem sét các biện pháp có thể giúp kéo chú ý của tín hữu. Nên chứng tỏ có sự quan tâm tới việc vang âm nhà thờ (church acoustics), dĩ nhiên phải tôn trọng thích đáng các qui luật phụng vụ và kiến trúc. “Trong việc xây dựng các nhà thờ, khi được trợ giúp một cách thích đáng, các giám mục nên thận trọng để chúng thích ứng với việc công bố lời Chúa, với việc suy niệm và với việc cử hành Thánh Thể. Các nơi thánh, ngay dù xa hẳn hành vi phụng vụ, cũng nên có nhiều tính diễn cảm (eloquent) và trình bày mầu nhiệm Kitô Giáo liên quan tới lời Chúa” [238].
Phải đặc biệt chú trọng tới bục đọc sách (ambo) như là không gian phụng vụ từ đó lời Chúa được công bố. Nên đặt nó ở một nơi ai cũng thấy rõ khiến tín hữu tự nhiên chú tâm tới nó trong phần phụng vụ lời Chúa. Nó nên ở một nơi nhất định và được trang trí một cách hài hòa thẩm mỹ đối với bàn thờ, để nói lên một cách hữu hình ý nghĩa thần học của chiếc bàn kép cả lời Chúa lẫn Thánh Thể. Các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và kinh Exultet (Hãy Vui Lên) phải được công bố từ bục đọc sách; bục này cũng có thể được sử dụng cho bài giảng và phần lời nguyện giáo dân [239]. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng đề nghị các nhà thờ nên dành một chỗ danh dự để đặt Sách Thánh, ngay cả ở bên ngoài các cử hành phụng vụ [240]. Cuốn sách chứa lời Chúa đương nhiên phải được hưởng chỗ danh dự ai cũng thấy ở bên trong đền thờ Kitô Giáo, mà không phương hại tới vị trí trung tâm dành riêng cho Nhà Chầu để chứa Mình Thánh Chúa [241].
e) Chỉ dùng bản văn thánh trong phụng vụ
Thượng Hội Đồng cũng tái khẳng định một cách rõ ràng một điểm vốn đã được luật phụng vụ qui định [242] tức việc không bao giờ được thay thế các bài đọc rút từ Sách Thánh bằng các bản văn khác, dù các bản văn khác này có ý nghĩa đến bao nhiêu về phương diện thiêng liêng hay mục vụ: “Không một bản văn tu đức hay văn chương nào có thể ngang tầm giá trị và sự phong phú chứa đựng trong Sách Thánh, tức lời Chúa” [243]. Đây là một qui luật rất cổ xưa của Giáo Hội mà ta cần duy trì [244]. Đứng trước một số lạm dụng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng lặp lại tầm quan trọng của việc không bao giờ được dùng các bài đọc khác thay thế cho Sách Thánh [245]. Cũng cần ghi nhớ rằng Thánh Vịnh Đáp Ca cũng là lời Chúa, và do đó, không được thay thế nó bằng các bản văn khác; thực sự, điều thích hợp hơn cả là hát thánh vịnh này.
f) Phụng ca lấy hứng Thánh Kinh
Như một phần trong việc nâng cao lời Chúa trong phụng vụ, ta cũng nên lưu tâm tới việc sử dụng các ca khúc trong những lúc cần, theo một nghi lễ đặc biệt nào đó. Ưu tiên nên dành cho các ca khúc rõ ràng lấy cảm hứng từ Thánh Kinh và là các ca khúc diễn đạt vẻ đẹp của lời Chúa qua sự hòa hợp giữa nhạc và lời. Ta nên cố gắng hết sức để sử dụng tối đa các ca khúc từng được lưu truyền tới ta từ truyền thống của Giáo Hội, một truyền thống luôn tôn trọng tiêu chuẩn vừa nói. Tôi nghĩ cách riêng tới sự quan trọng của lối hát Grêgôrianô [246].
g) Lưu tâm cách riêng tới những người khuyết tật về thính thị
Ở đây, tôi cũng muốn nhắc lại khuyến cáo của Thượng Hội Đồng khi cho rằng cần lưu tâm đặc biệt tới những ai gặp khó khăn trong việc tham gia tích cực vào phụng vụ; thí dụ, tôi nghĩ tới những người khuyết tật về thính thị. Tôi khuyến khích các cộng đồng Kitô Giáo chúng ta cung ứng mọi trợ giúp thực tiễn có thể có cho các anh chị em đang chịu các khuyết tật này, để cả họ nữa cũng có khả năng cảm nhận được sự tiếp xúc sống động với lời Chúa [247].
Chú Thích
[181] Thông Điệp Cuối Cùng, III, 6.
[182] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 24.
[183] Đã dẫn, 7.
[184] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 4.
[185] Đã dẫn, 9.
[186] Đã dẫn, 3; xem Lc 4:16-21; 24:25-35, 44-49.
[187] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 102.
[188] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 44-45: AAS 99 (2007) 139-141.
[189] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993) IV, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3123.
[190] Đã dẫn, III, B, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3056.
[191] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 48, 51, 56; Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 21, 26; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 6, 15; Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Các Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 18; Sắc Lệnh về Canh Tân Đời Sống Tu Sĩ Perfectae Caritatis, 6. Trong Truyền Thống vĩ đại của Giáo Hội, ta thấy nhiều cách phát biểu có ý nghĩa như “Corpus Christi intelligitur etiam […] Scriptura Dei” (“Sách Thánh của Thiên Chúa cũng được hiểu là Thân Thể Chúa Kitô”): Waltramus, De Unitate Ecclesiae Conservanda, 1, 14, do W. Schwenkenbecher chủ biên, Hanoverae, 1883, tr. 33; “Thịt Chúa là của ăn thực sự và máu Người thực là của uống; đây là sự tốt lành đích thực được dành cho ta ở đời này, để dưỡng nuôi ta bằng thịt của Người và uống máu của Người, không những chỉ trong Thánh Thể mà cả lúc đọc Sách Thánh nữa”: Thánh Giêrôm, Commentarius in Ecclesiasten, III: PL 23, 1092A.
[192] J. Ratzinger (Bênêđíctô XVI), Chúa Giêsu Thành Nadarét, New York, 2007, 268.
[193] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 10.
[194] Đã dẫn.
[195] Xem Đề Nghị 7.
[196] Thông Điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 13: AAS 91 (1999), 16.
[197] Xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 1373-1374.
[198] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7.
[199] In Psalmum 147: CCL 78, 337-338.
[200] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 2.
[201] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 107-108.
[202] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 66.
[203] Đề Nghị 16.
[204] Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 45: AAS 99 (2007), 140-141.
[205] Xem Đề Nghị 14.
[206] Xem Bộ Giáo Luật, cc. 230 §2; 204 §1.
[207] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 55
[208] Đã dẫn, 8.
[209] Số 46: AAS 99 (2007), 141.
[210] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 25.
[211] Đề Nghị 15.
[212] Đã dẫn.
[213] Sermo 179, 1: PL 38, 966.
[214] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 93: AAS 99 (2007), 177
[215] Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Compendium Eucharisticum (25/03/2009), Vatican City, 2009.
[216] Epistula 52, 7: CSEL 54, 426-427.
[217] Đề Nghị 8.
[218] Nghi Thức Thống Hối, 17.
[219] Đã dẫn, 19.
[220] Đề Nghị 8.
[221] Đề Nghị 19.
[222] Các nguyên tắc và qui luật dành cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh, III, 15.
[223] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 85.
[224] Xem Bộ Giáo Luật, cc. 276 § 3, 1174 § 1.
[225] Xem Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương, cc. 377; 473 § 1 và, 1°; 538 § 1; 881 § 1.
[226] Sách Chúc Lành, nhập đề, 21.
[227] Xem Đề Nghị 18; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 35.
[228] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 745: AAS 99 (2007), 162-163.
[229] Ibid.
[230] Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, Các Nguyên Tắc và Chỉ Dẫn (17/12/2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 2461.
[231] Xem Đề Nghị 14.
[232] Xem Thánh Ignaxiô Thành Antiốc, Ad Ephesios, XV, 2: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, Tubingae, 1901, I, 224.
[233] Thánh Augustinô, Sermo 288, 5: PL 38, 1307; Sermo 120, 2: PL 38, 677.
[234] Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 56
[235] Đã dẫn, 45; Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 30.
[236] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 13.
[237] Xem đã dẫn, 17.
[238] Đề Nghị 40.
[239] Xem Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 309.
[240] Xem Đề Nghị 14.
[241] Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 69: AAS 99 (2007), 157.
[242] Xem Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 57.
[243] 14.
[244] Xem Qui Định 36 Của Thượng Hội Đồng Hippo năm 399: DS 186.
[245] Xem Gioan Phaolô II, Tông thư Vicesimus Quintus Annus (04/12/1988), 13: AAS 81 (1989) 910; Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (25/03/2004), 62: Enchiridion Vaticanum 22, No. 2248.
[246] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 116; Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 41.
[247] Xem Đề Nghị 14.