Lm. Đaminh Nguyễn Tuấn Anh
Bài thuyết trình cho giới y chức của giáo phận Xuân Lộc
nhân dịp Tĩnh tâm mùa Chay, ngày 16-03-2014
Dẫn nhập
Sáng 20-9-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 100 bác sĩ sản khoa tham dự Hội nghị lần thứ 10 của Liên hiệp quốc tế các hiệp hội bác sĩ Công Giáo với chủ đề bác sĩ Công Giáo và việc săn sóc người mẹ. Trong buổi tiếp kiến này, ĐTC đã nhận định về thực trạng nhiều mâu thuẫn của nghành y hiện nay:
“Trong nghề y khoa hiện nay, một đàng có sự hăng say tìm kiếm những tiến bộ trong việc trị bệnh, nhưng đàng khác người ta thấy có nguy cơ bác sĩ đánh mất căn tính của mình là người phục vụ sự sống, và nhiều khi không tôn trọng chính sự sống. Người ta cũng thấy tình trạng mâu thuẫn này qua hiện tượng: trong khi người ta gán cho con người những quyền mới, nhiều khi chỉ là quyền giả tạo, thì họ lại không luôn bảo vệ sự sống như giá trị đầu tiên và là quyền tiên quyết của mỗi người.”
Sau đó, Đức thánh cha nhắc lại rằng “mục tiêu tối hậu của hoạt động y khoa vẫn luôn là bảo vệ sự thăng tiến sự sống”, trong đó các bác sĩ công giáo có sứ mạng sống chứng tá Tin mừng bằng việc dấn thân bảo vệ sự sống.
Được gợi hứng từ bài nói chuyện của Đúc Thánh Cha, tôi xin có vài điều chia sẻ với cộng đoàn về đề tài: Y-Bác sĩ công giáo và sứ mạng bảo vệ sự sống, qua ba ý chính: 1/ Sự sống con người theo quan điểm kito giáo; 2/ sứ mạng của nghành y nói chung trong việc bảo vệ sự sống; 3/ và cuối cùng là sứ mạng bảo vệ và thăng tiến sự sống của các nhân viên Công giáo trong nghành y tế.
1. Sự sống con người theo quan điểm Kitô giáo
Sự sống con người có giá trị đặc biệt cho cả người có niềm tin cũng như không có niềm tin. Thông thường ai cũng yêu quý và bảo vệ mạng sống mình. Tuy nhiên, quan niệm khác nhau về sự sống dẫn đến cách hành xử khác nhau. Ẩn giấu sau những mâu thuẫn được Đức Thánh cha nhắc đến là những quan niệm khác nhau về sự sống. Quan niệm duy vật đánh mất chiều kích siêu việt của con người, giam hãm con người trong khung trời vật chất và giới hạn sự sống con người trong sự sống thể lý, sự sống ở đời này. Khi đó, tiêu chuẩn đánh giá con người không dựa trên điều “họ là” nhưng trên điều “họ có”, nghiã là dựa trên hiệu quả công việc, tài năng và tài sản… Như thế những người nghèo, tật nguyền, già cả có nguy cơ bị loại ra bên ngoài. Có quan niệm hạ giá sự sống con người thành một thiện ích trong những thiện ích khác, ngang hàng với an sinh xã hội, của cải, thú vui giải trí…
Đối với niềm tin công giáo, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa tạo dựng con người và vạn vật. Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài để nó sống mãi và sống hạnh phúc với Ngài. (x. Kn 1,13-14; 2,23-24).
a. Sự sống là một hồng ân của Thiên Chúa
Trong Thánh Kinh, sự sống con người xuất hiện như chóp đỉnh của công trình tạo dựng (x. St 1,26). Nó nhận được sự chúc lành của Thiên Chúa và trổi vượt trên mọi hình thức khác của sự sống (x. St 1,28). Sự sống này không chỉ giới hạn nơi sự tồn tại thể lý, nhưng còn trải rộng đến mọi chiều kích của cuộc sống. Tuy nhiên, ta không được coi sự sống là một giá trị tuyệt đối, tối thượng mà phải đặt nó trong sự phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống trần gian chỉ là một hình bóng, một sự chuẩn bị cho sự sống đích thực và dồi dào (x. Ga 10,10) mà Đức Kitô mang lại cho con người. Nếu sự sống tự nhiên là một ân huệ cao quý Chúa ban cho con người thì sự sống vĩnh cửu còn cao quý hơn nữa (x. Rm 6,11; C1 3,3). Thái độ của con người trước hồng ân này là đón nhận với lòng biết ơn và trân trọng ; đồng thời khám phá và tìm cách thực hiện chương trình Thiên Chúa muốn cho mỗi người (x. Ga 3,16).
b. Sự sống là một điều thánh thiêng
Sự sống là một điều thánh thiêng bởi vì nó phát xuất từ Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh, sự sống trước hết là chính Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa hằng sống. Tiếp đến, sự sống chính là phẩm tính riêng biệt của Thiên Chúa (x. Ga 5,26; 14,6) và Ngài thông truyền nó cho con người (x. St 2,7; Đnl 6,24; Ga 3,35; 5,26). Khác với các thụ tạo khác, con người tham dự vào sự sống của Thiên Chúa một cách đặc biệt: con người là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, được tạo dựng để trở nên giống Đấng Tạo Hóa. Vì thế, sự sống mà họ mang trong mình là một thực tại thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Làm tổn hại sự sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa ; và ngược lại bảo vệ và thăng tiến sự sống là tôn vinh Thiên Chúa. Thánh giáo phụ Iréné xác quyết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống động” (la gloire de Dieu, c’est l’homme vivant).
c. Chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống
Tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của con người còn phát xuất từ việc chỉ Thiên Chúa mới là chủ tể duy nhất của sự sống và sự sống con người phản ánh tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của chính Thiên Chúa. « Duy chỉ Thiên Chúa là chủ tể sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc, nên không ai trong bất cứ trường hợp nào có thể đòi cho mình quyền trực tiếp hủy diệt một con người vô tội ». Tuy nhiên, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên cũng được Ngài mời gọi và cho tham dự quyền chủ tể của Ngài đối với sự sống: “Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và bảo họ rằng: hãy sinh sôi nảy nở đầy dẫy trên mặt đất và bá chủ nó! Hãy cai trị trên cá biển chim trời và mọi loài sinh vật bò trên đất” (St 1,28). Con người được cộng tác với Thiên Chúa trong việc cai quản vạn vật và phục vụ sự sống được ban cho chính mình.
d. Sự sống con người phải được tôn trọng ngay từ lúc thụ thai cho đến khi chết
Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được đối xử như một con người và được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của người vô tội.
Sự sống con người, từ khởi đầu cho đến khi kết thúc, có thể nói là điều thiện hảo lớn nhất trên trần gian. Đón nhận, bảo vệ, và chăm sóc và chữa trị sự sống con người, nhất là sự sống thể lý, là sứ mạng cao quý, là mục tiêu tối hậu của nghành y.
2. Sứ mạng của nghành y: phục vụ và thăng tiến sự sống
ĐTC nói: ”Giáo Hội kêu gọi lương tâm của mọi người chuyên nghiệp và thiện nguyện trong y khoa, đặc biệt là các bác sĩ sản khoa, hãy cộng tác vào việc sinh sản những sự sống mới. Não trạng duy lợi ích hiện nay, thứ văn hóa ”xài rồi bỏ”, đang nô lệ hóa tâm trí nhiều người, đang tạo nên một thiệt hại lớn: nó đòi phải loại bỏ con người, nhất là những người yếu thế về mặt thể lý và xã hội. Câu trả lời của chúng ta cho não trạng này là quyết liệt, không chút do dự, trong việc bênh vực sự sống. Quyền đầu tiên của con người là quyền sống.”
a. Đón nhận và bảo vệ sự sống
ĐTC mời gọi các bác sĩ cộng tác vào việc sinh sản những sự sống mới. Ngày hôm nay, những tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực y khoa mang lại nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và cho phép việc chăm sóc các thai nhi được tốt hơn. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh giảm đáng kể, sức khoẻ của các bà mẹ được cải thiện. Tuy nhiên một thực tế khác khiến chúng ta phải giật mình là tỉ lệ phá thai gia tăng với nhiều nguyên do khác nhau: ưu sinh, đạo đức (bảo toàn danh dự), trị liệu, thí nghiệm… Sự hỗ trợ hữu hiệu của y khoa trong việc chẩn đoán tình trạng của thai nhi có thể trở thành bản án tử hình, quyết định vĩnh viễn số phận của thai nhi. Thay vì nhắm đến bảo vệ và thăng tiến sự sống, thì trong trường hợp này, y khoa lại phục vụ cho việc giết chết sự sống, nhất là sự sống của những thai nhi vô tội.
Giáo hội luôn lên tiếng bảo vệ quyền đầu tiên của con người là sống và chống lại việc phá thai. Các kito hữu làm việc trong lãnh vực y khoa, được mời gọi cách đặc biệt, cùng với GH dấn thân bảo vệ quyền sống của các thai nhi và chống lại hình thức giết người êm dịu. Quả là một thách đố cho các y bác sĩ Công giáo làm việc trong các bệnh viện tiến hành phá thai. Luân lý kito giáo không cho phép họ tham gia, cộng tác vào tội ác này.
b. Trong việc chăm sóc sức khoẻ và việc trị liệu
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có chia sẻ rằng: “Nghề y không thể coi là một ngành kinh doanh, một mũi nhọn kinh tế, vì nếu như thế người ta sẽ nghĩ đến việc khai thác tối đa lợi nhuận trên sức khỏe con người! Người thầy thuốc thường mất ăn mất ngủ trước một ca bệnh lý, thường bứt rứt ăn năn dài lâu trước một lỡ lầm đôi khi không sao tránh khỏi trong lúc hành nghề! Xã hội cần tôn trọng và đánh giá đúng sự đóng góp của người thầy thuốc để giúp họ sống xứng đáng với vai trò, chức năng mà xã hội đã giao phó.”
Sứ mạng cao quý và nền tảng của Bác sĩ là phục vụ bệnh nhân để cứu sống, để duy trì hoặc phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân. Giáo hội đánh giá rất cao vai trò và sự đóng góp của nghành y trong việc phục vụ sự sống con người; đồng thời bày tỏ quan điểm, đưa ra những định hướng, nhất là nhấn mạnh chiều kích nhân bản để nghành y thực hiện đúng ơn gọi của mình.
– Nhân bản hoá các mối liên hệ giữ bệnh nhân và tập thể những người có trách nhiệm giúp họ phục hồi sức khoẻ. Đó phải là mối tương quan nhân vị giữa bác sĩ với “người bệnh” chứ không phải là với “con bệnh”. Các bác sĩ chân chính là người biết ưu tiên quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân và làm hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân theo khả năng chuyên môn của mình. Ông còn phải làm những gì có lý mà bệnh nhân yêu cầu ông làm. Bởi đó, trước tiên bác sĩ có bổn phận phải nắm chắc các ước nguyện của bệnh nhân hay của những người đại diện bệnh nhân.
– Nhân bản hoá các sinh hoạt và các dịch vị y tế nhằm chăm sóc sức khoẻ và và cứu chữa bệnh nhân. Các nhân viên nghành y không được lạm dụng kỹ thuật bằng cách biến bệnh nhân thành phương tiện nghiên cứu và cũng không được điều trị bệnh nhân bằng mọi giá, bất chấp ý muốn của họ. Các y, bác sĩ không được phép gây hại các bệnh nhân do những động cơ chính trị hay do lợi lộc nào đó và cũng không được can thiệp một cách thô bạo sự sống con người.
Các bác sĩ và y tá có bổn phận không những phải chữa lành và giảm bớt sự đau đớn, mà còn phải kéo dài sự sống bao lâu có thể’. (tr. 238) Tuy nhiên, trong trường hợp việc kéo dài sự sống là kéo dài sự đau khổ một cách vô vọng, bác sĩ có thể đề nghị ngưng việc chữa trị và ngừng sử dụng các thiết bị. Dĩ nhiên, ta cũng phải tôn trọng và thực hiện những ước nguyện hợp lý của bệnh nhân trong việc sử dụng các phương pháp điều trị nhằm kéo dài sự sống.
– Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu sống, là chữa lành, là làm giảm bớt sự đau khổ. Để chu toàn sứ mạng của mình, thầy thuốc/bác sĩ cần cập nhật hóa những kiến thức của mình vì ‘nền y học hiện đại cùng với những khả năng và đòi hỏi gia tăng không ngừng đòi các thầy thuốc ngày phải chuyên môn hơn. Không phải bác sĩ nào cũng chuyên môn như nhau trong hết mọi lãnh vực của y học. Thế nên ý thức giới hạn của mình, họ sẽ tìm sự giúp đỡ của các thầy thuốc khác mỗi khi tình trạng của bệnh nhân đòi hỏi thế.
3. Sứ mạng của bác sĩ Công giáo: chứng nhân và người phân phát nền văn hoá sự sống
Ngoài những đức tính cần thiết mà y đức đòi hỏi và giáo huấn Hội thánh yêu cầu, các bác sĩ công giáo còn được mời gọi chiêm nhắm và thể hiện hai dung mạo gợi hứng từ Kinh thánh như sau:
– Khi phục vụ bệnh nhân, các bác sĩ công giáo được mời gọi để khám phá hình ảnh Đức Kito đau khổ nơi các bệnh nhân của mình (Mt 25,31-46). Khi phục vụ những người khổ đau, bệnh tật và đụng chạm đến nỗi đau của con người, họ đang phục vụ chính Đức Kitô.
– Khi chăm sóc và chữa lành những người bệnh, họ còn thể hiện dung mạo Đức Kito, Đấng chữa lành những người đau bệnh tật nguyền.
Chiều kích thiêng liêng này thúc đẩy anh chị em công giáo làm việc trong nghành y dấn thân cách hăng hái và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ và cổ võ nền “văn minh sự sống” dù đôi khi anh chị em phải chấp nhận “lội ngược dòng”. Môi trường làm việc của anh chị em có nhiều thách đố nhưng cũng đầy hứa hẹn cho việc loan báo Tin mừng tình thương của Chúa.
Kết luận
Xin mượn lời ĐTC trong buổi tiếp kiến các Bác sĩ ngày 20-3-2014 để kết luận bài chia sẻ này:
“Các bạn bác sĩ thân mến, là những người được kêu gọi săn sóc sự sống con người trong giai đoạn đầu tiên, xin các bạn hãy nhắc nhở cho tất cả mọi người, bằng việc làm và lời nói, rằng sự sống luôn luôn là thánh thiêng trong mọi giai đoạn và mọi lứa tuổi và luôn luôn có chất lượng. Đây không phải là một xác tín đức tin, nhưng còn là của lý trí và khoa học! Không có sự sống con người nào thánh thiêng hơn sự sống khác, cũng như không có một sự sống con người nào có ý nghĩa hơn về phẩm chất hơn sự sống khác. Uy tín của một hệ thống y tế không phải chỉ được đo lường bằng hiệu năng, nhưng nhất là bằng sự quan tâm và yêu thương đối với con người, sự sống của họ luôn có tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm”.
Các bác sĩ hãy sống và hoạt động phù hợp với ơn gọi Kitô. Đối với nền văn hóa ngày nay, hãy góp phần giúp người khác nhận ra chiều kích siêu việt, dấu vết công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong sự sống con người, ngay từ lúc đầu tiên sau khi được hoài thai. Sự dấn thân tái truyền giảng Tin Mừng như thế nhiều khi đòi tín hữu phải đi ngược dòng, trả giá bằng chính con người của mình. Chúa đang hy vọng nơi anh chị em để phổ biến Tin Mừng sự sống”.
Cầu chúc các y bác sĩ Công giáo luôn tự hào và sống xứng đáng với nghề y cao cả mà mình đã chọn lựa, theo tinh thần mà Chúa và Giáo hội mời gọi.
Xem: http://vi.radiovaticana.va/news/2013/09/20/đức_thánh_cha_tố_giác_mâu_thuẫn_trong_y_khoa/vie-730345
x. ĐGM Matthêô NGUYỄN VĂN KHÔI, Luân lý kitô giáo qua mười Điều răn, quyển 2, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2013, trang 111-116
« Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu » (Ga 15,13).
x. Gs 3,10; 1Sm 19,6; 1V 18,10.15; Tv 42,3; Đn 6,21
GIOAN PHAOLO II, Evangelium vitae, số 57 : Sự sống là điều thánh thiêng, là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để họ gìn giữ và phát huy. Do đó bất cứ hành động nào của con người khiến cho sự sống của chính mình hay của tha nhân bị giảm suy hay hủy diệt đều là những tội ác chống lại sự sống.
THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae, phần dẫn nhập, số 5.
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, số 2270
GLCG số 2322: Như thế, trực tiếp phá thai, như là mục đích hay phương tiện, đều là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật luân lý vì là tội giết người. Vì thế, Hội thánh ra vạ tuyệt thông cho hành vi này.
Theo báo Phụ Nữ ngày 16.8 và 24.10.2000 thì tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1998 có 138.222 ca phá thai, trong đó có 1.240 ca dưới 18 tuổi; năm 1999 có 131.653 ca phá thai, trong đó có 1.179 ca dưới 18 tuổi.
Theo số liệu được Thạc sĩ-Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại một hội thảo “Ngừa thai hormone – Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/3/2013, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Hiện Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới. (x. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/121505/giat-minh-nhung-con-so-nao-pha-thai-o-gioi-tre.html)
Bs ĐỖ HỒNG NGỌC, Nghĩ về người thầy thuốc, Tuổi trẻ ngày 27/02/2008. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/244693/nghi-ve-nguoi-thay-thuoc.html
DIONIGI TETTAMANZI và GUY DURAND, Nuova Bioetica cristiana (Tân đạo đức sinh học, ấn bản việt ngữ do Lm Anton Nguyễn văn Tuyến biên soạn, Đại chủng viện Huế, 2013, trang 393-402.
http://vi.radiovaticana.va/news/2013/09/20/đức_thánh_cha_tố_giác_mâu_thuẫn_trong_y_khoa/ vie-730345