Phúc Thay Ai Có Lòng Thương Xót

0
1745


LÒNG THƯƠNG XÓT

YẾU TÍNH CỦA TIN MỪNG VÀ CHÌA KHÓA DẪN VÀO ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Tác giả: Hồng Y Walter Kasper

Chuyển ngữ: Vinc. Vũ Văn An

***

Đức Hồng Y Walter Kasper

nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Hiệp Nhất Kitô Giáo

***

CHƯƠNG I: LÒNG THƯƠNG XÓT – CHỦ ĐỀ BỊ LÃNG QUÊN

CHƯƠNG II: NHỮNG CHỦ TRƯƠNG XẤP XỈ

CHƯƠNG III: SỨ ĐIỆP CỦA CỰU ƯỚC

CHƯƠNG IV: SỨ ĐIỆP ĐỨC GIÊSU VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

CHƯƠNG V: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA “HỆ THỐNG”

***

CHƯƠNG VI:

PHÚC THAY AI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT

 

 

Sứ điệp thương xót của Thiên Chúa không phải là một lý thuyết xa lạ đối với hành động và thực tại của thế giới, nó cũng không dừng lại ở bình diện phát biểu cảm xúc thương hại. Chúa Giêsu dạy ta phải có lòng thương xót như Thiên Chúa (Lc 6:36). Trong Bài Giảng Trên Núi, Người tuyên bố ai có lòng thương xót là người có phúc (Mt 5:7). Trong thư gửi tín hữu Éphèse, ta đọc thấy: “Bởi thế anh em hãy trở nên những người bắt chước Thiên Chúa, như những đứa con qúy yêu, và hãy sống trong tình yêu, như Chúa Kitô yêu thương chúng ta và phó mình cho chúng ta, như lễ dâng và hy lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa” (Ep 5:1-2). Chủ đề quán xuyến imitatio Dei, bắt chước Thiên Chúa và hành động của Người nơi Chúa Giêsu Kitô này, là điều nền tảng đối với Thánh Kinh.[1] Do đó, sứ điệp thương xót của Thiên Chúa có nhiều hậu quả đối với đời sống của mọi Kitô hữu, đối với triết lý hành động mục vụ của Giáo Hội, và đối với các đóng góp mà các Kitô hữu nên cung hiến cho việc cơ cấu hóa xã hội một cách nhân ái, công chính, và đầy lòng thương xót.

I. TÌNH YÊU: GIỚI RĂN CHÍNH CỦA KITÔ GIÁO

Trong Cựu Ước, các chữ “có lòng thương xót”“thương xót” ít khi xuất hiện để lên đặc điểm cho tác phong con người; tuy nhiên, thực tại mà các chữ này muốn ám chỉ quả có trong Cựu Ước.

Thánh Vịnh 15 trả lời câu hỏi: “Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa? Được ở trên núi thánh của Ngài? Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay” (Tv 15:1-5). Thánh Vịnh 112:5 cũng nói một điều tương tự: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình”.

Chúng ta cũng đã nói một cách chi tiết về trật tự xã hội trong Cựu Ước, vốn được sắp đặt cho việc bảo vệ người yếu và người nghèo. Chúng ta cũng đã nói đến sứ điệp của các tiên tri: lời chỉ trích của các ngài đối với các liên hệ bất công khiến ta không còn gì để nói thêm.[2] Tiên Tri Mikha tóm lược điều Thiên Chúa mong chờ ở con người: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6:8; x. Tb 12:8). Nghĩa vụ làm phúc bố thí đã được nhấn mạnh cách riêng (Tb 4:7-11; Hc 7:10,29). Trên nền tảng này, các việc yêu thương trong Do Thái Giáo sơ khai đóng một vai trò quan trọng.[3]

Chúa Giêsu đứng trong truyền thống Cựu Ước – Do Thái Giáo trên. Sự liệt kê các việc yêu thương trong diễn từ long trọng của Người về Phán Xét Chung đặc biệt tương hợp với truyền thống Do Thái này: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà đỗ nhờ, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ yếu đau và bị giam cầm (Mt 25:35-39). Điều ngạc nhiên trong bảng liệt kê này là: Chúa Giêsu hoàn toàn chỉ nêu các việc bác ái chứ không phải các việc đạo đức làm tiêu chuẩn để phán xét. Khi làm như thế, Người đã dựa vào lời tiên tri Hoses: “Ta muốn lòng thương xót, chứ không muốn hy lễ” (Mt 9:13; 12:7; x. Hs 6:6; Hc 35:3). Do đó, trong Bài Giảng Trên Núi, Người nói: “Bởi thế, khi các con dâng của lễ ở bàn thờ, nếu các con nhớ anh chị em các con có điều gì chống lại các con, các con hãy để của lễ lại trước bàn thờ và đi đi; trước nhất hãy giảng hòa với anh chị em các con đã, rồi mới trở lại và dâng của lễ của các con” (Mt 5:23-24; x. Mc 11:25). Nếu ta thực sự coi trọng các lời lẽ này của Chúa Giêsu, ta phải hỏi ta có hay tìm cách giảng hòa trước khi đến cử hành Thánh Thể không và có hay giữ mình đừng rước lễ hay không?

Chúa Giêsu giải thích giáo huấn của Người bằng các dụ ngôn đầy ngạc nhiên.[4] Dụ ngôn Người Samaria nhân hậu của Người đã trở thành châm ngôn. Thời ấy, người Samaria không được coi là người Do Thái chính thống. Thành thử, việc Chúa Giêsu chọn ngay người Samaria làm mẫu mực cho tác phong chân chính quả có tính khiêu khích, và Người phán: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:25-37). Trong dụ ngôn người đầy tớ không biết tha thứ, Chúa Giêsu lại giải thích một lần nữa rằng ta phải tỏ lòng thương xót với những ai mắc nợ ta, giống như Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót với ta (Mt 18:23-35). Nếu Thiên Chúa đã xử với ta một cách thương xót, thì ta, ta cũng phải tha thứ và tỏ lòng thương xót lẫn nhau. Trong các hành vi thương xót của ta, lòng thương xót của Thiên Chúa với người lân cận của ta được thể hiện một cách cụ thể. Trong các hành vi thương xót của ta, người lân cận của ta cảm nghiệm được một điều gì đó lạ lùng về sự thống trị vương giả của Thiên Chúa, một sự thống trị đã bắt đầu ló dạng một cách bí mật. Nhờ cách này, lòng thương xót có nghĩa hơn một phúc lợi an sinh xã hội hay một cơ quan bác ái hay chính trị xã hội (dù dĩ nhiên không loại bỏ các cơ quan này).

Do đó, chúng ta không ngạc nhiên bao nhiêu khi có người yêu cầu Chúa Giêsu nhận diện giới răn lớn nhất, trong tinh thần Cựu Ước, Người đã chó đó là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận (Mc 12:29-31; Mt 22:34-40, Lc 10:25-28).[5] Cả hai giới răn vừa kể đều có trong Cựu Ước, tuy ở hai chỗ khác nhau (Đnl 6:5; Lv 19:18), nhưng đã có khuynh hướng muốn đem chúng lại một chỗ.[6] Với Chúa Giêsu, chúng tạo thành một thể thống nhất hoàn toàn không thể phân ly. Khi làm như thế, Chúa Giêsu đã mở rộng quan niệm người lân cận, vượt quá các quan niệm của dân Do Thái, để áp dụng vào mọi người. Điều có tính căn bản từ nền tảng là phải giữ cho cả hai giới răn đi đôi với nhau; sẽ không có tình yêu Thiên Chúa nếu không có tình yêu người lân cận. Chỉ khi nào hai giới răn đi với nhau, chúng mới tóm lược và chu toàn được trọn bộ lề luật. Đi với nhau, chúng mới là tinh túy, là tóm lược, và là hình ảnh thu nhỏ của hiện sinh Kitô Giáo.

Thánh Augustino đã mô tả một cách đẹp đẽ cách hai giới răn này đi đôi với nhau: “Đừng có ai nói rằng: ‘Tôi không biết tôi phải yêu gì’. Họ hãy yêu người anh em của họ, và họ sẽ yêu chính tình yêu ấy… Đối tượng của tình yêu bác ái phải là một điều mà đức ái khiến ta phải yêu; và, nếu ta phải bắt đầu từ những người gần nhất, thì đó chính là người anh em của ta… Dòng tư tưởng làm sáng tỏ đủ điều này là cũng tình yêu huynh đệ này (tình yêu khiến ta yêu nhau) không phải… chỉ là tình yêu ‘ vì Thiên Chúa’ mà là tình yêu ‘Thiên Chúa’… Từ điều vừa nó, ta có thể suy ra rằng Hai Giới Răn này không thể tách biệt nhau”.[7]

Nếu ta xem xét sự nối kết trên một cách nghiêm túc, thì, lẽ dĩ nhiên, ta sẽ không thể để tình yêu Thiên Chúa bị tan hòa vào tình yêu người lân cận, là tình yêu chỉ có thể kết thúc bằng một chủ nghĩa nhân đạo một chiều, trong đó, tình yêu Thiên Chúa và mối tương quan với Thiên Chúa, nói chung, sẽ biến mất. Tình yêu triệt để đối với người lân cận mà Chúa Giêsu vốn đòi hỏi sẽ là điều bất khả nếu không có sức mạnh phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa.[8]

Đối với Thánh Phaolô cũng thế, tình yêu là chu toàn lề luật (Rm 13:10; Gl 5:14) và là mối dây liên kết tuyệt hảo (Cl 3:14). Giống Chúa Giêsu, Thánh Phaolô cũng tiếp nhận sứ điệp của Tiên Tri Hoses để khuyên ta, “vì lòng thương xót của Thiên Chúa”, hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12:1; x. Ep 5:1tt). Hành động thương xót và tha thứ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô phải là mẫu mực cho hành động của người Kitô hữu: “anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:32; x. Cl 3:12). Một lần nữa, ta không hành động dựa trên một cơ sở duy nhân đạo, mà đúng hơn, minh nhiên dựa trên một cơ sở yêu người lân cận của Kitô học.

Đỉnh cao và cũng là hệ quả thực tiễn mà quan điểm Kitô học này dẫn ta tới đã trở nên hết sức rõ ràng, trước hết, trong bài ca ngợi tình yêu mà Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corinto (1Cr 13).[9] Vì tính phê phán cao độ và trổi vượt của nó, ta phải hiểu đoạn văn này ngược với sự phấn khích của những người cực đoan. Chống lại thứ phấn khích này, Thánh Phaolô muốn dẫn khởi tình yêu làm thuốc sửa sai duy nhất cần thiết. Không có tình yêu, mọi điều khác, nói tiên tri, hiểu biết các mầu nhiệm, kiến thức, đức tin, ngay cả các công trình vĩ đại và việc bác ái, đều là số không; tất cả đều vô ích, không mang lại hiệu quả nào. Điều này cũng đúng đối với những bài giảng chải chuốt nhất về mỹ từ học, những nền thần học bác học nhất, những dấn thân nhiệt thành nhất với đức tin chính thống, nếu chúng có tính tự cho mình là công chính, giáo điều, cao ngạo, và thiếu yêu thương. Ngay việc tử đạo, ngay trong nó, cũng không đáng kể. Các người lạc giáo, các người cộng sản, và nhiều nhóm khác cũng có các tử đạo của họ vậy. Tình yêu mới là đặc điểm phân biệt người Kitô hữu đích thực.[10] “Nếu tôi… không có tình yêu, tôi là số không” (1Cr 13:2-3).

Tuy nhiên, ta không nên nói tới một thứ ca khúc yêu đương, vì bài mô tả của Thánh Phaolô không hề có tính cảm tình sướt mướt. Nó có tính cụ thể và hết sức hiện thực. Chúa Giêsu Kitô chỉ cho ta con đường tình yêu. Con đường Chúa Giêsu đã dùng để leo xuống với chúng ta là con đường duy nhất để ta leo lên tới Người.[11] Xét cho cùng, mọi điều khác đều sẽ qua đi; chỉ có tình yêu là tồn tại. Tình yêu là cao cả nhất trong mọi sự vật (13:13). Nếu chỉ có tình yêu là tồn tại, thì các việc làm của tình yêu cũng sẽ tồn tại. Chúng là những điều duy nhất ta có trong tay vào lúc phán xét cánh chung và, có thể nói, chúng là những điều duy nhất mà chúng ta có thể trưng ra trước khi bị phán xét. Chúng còn mãi trong sự hiện hữu liên tục của thực tại. Trong cái say sưa của tình yêu, sự việc cuối cùng (eschaton) đã bắt đầu ló dạng ngay từ bây giờ.

Thánh Gioan đã khai triển thêm các ý tưởng trên và hoàn toàn đào sâu chúng. Theo ngài, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương (Ga 14:21) để ta có thể yêu thương nhau (Ga 13:34). Dưới ánh sáng của nền tảng thần học chặt chẽ này, Thánh Gioan nói đến giới răn yêu thương mới như đặc điểm để nhận biết người Kitô hữu: “Thầy ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau. Bởi điều này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13:34-35). Trong diễn trình này, Người nói rõ: tình yêu là dấu ấn đặc biệt của lối sống Kitô Giáo. Thước đo tình yêu này vượt quá mọi thước đo bình thường của con người; nó được đo bằng tình yêu được Chúa Giêsu chứng tỏ cho chúng ta bằng cách hiến mạng sống Người. “Đây là giới răn của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu này là hiến mạng sống mình vì bạn bè” (Ga 15:12-13).

Thư thứ nhất của Thánh Gioan đã tiếp nhận các câu quả quyết trên: “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng,… Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối, và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng… Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 2:10-12; 4:20-21; x. 5:3; 2Ga 5tt). Tất cả các điều trên đều tùy thuộc câu khẳng định chính này: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8,16).

Ta có thể trích dẫn vô vàn chứng từ của các Giáo phụ liên quan tới ý nghĩa nền tảng và trung tâm của tình yêu người lân cận và lòng thương xót. Tôi chỉ xin nhắc đến hai Giáo phụ Hy Lạp mà thôi. Vào thời suy thoái kinh tế dẫn tới cảnh thiếu thốn thảm thương cho nhiều bộ phận dân số, Thánh Basilio đã cương quyết bênh vực các người lao động ăn công ngày không một chút tài sản, các người nô lệ, các nông dân nghèo khổ, các thợ thủ công và các thợ có tay nghề. Khi nạn đói xảy tới, ngài đả kích những kẻ kiếm lời và đầu cơ vô lương tâm và kêu gọi họ phân phối của cải của họ.[12] Giống như Chúa Giêsu, Thánh Chrysostom vạch trần mọi thứ đạo đức giả hình. Theo ngài, tình yêu người lân cận là mẹ của mọi đức tính tốt và là đặc điểm để phân biệt ai là Kitô hữu.[13] Vì lý do này, Thánh Basilio mạnh mẽ kêu gọi lương tâm nhà giầu và bảo họ một cách chắc chắn rằng mọi việc làm đạo đức của họ sẽ hoàn toàn vô ích nếu không có lòng từ nhân.[14] Đối với Thánh Chrysostom, tình yêu người lân cận tốt hơn mọi việc nhân đức khác hay mọi hành vi đền tội, thậm chí hơn cả phúc tử đạo.[15] Ngài nói: không có đức khiết trinh, người ta vẫn thấy Thiên Chúa, nhưng nếu không có lòng thương xót, họ không thể thấy Thiên Chúa.[16] Do đó, khi nói đến các việc bề ngoài, Thánh Thomas Aquinas cho rằng lòng thương xót là summa religionis christianae (tóm lược Kitô Giáo).[17]

Mối phúc của người có lòng thương xót là một thuyết minh cụ thể của tình yêu người lân cận. Nơi Dietrich Bonhoffer, ta tìm được lời giải thích đầy thuyết phục về mối phúc này: “Những người không có tài sản hay quyền lực này, những kẻ xa lạ trên trái đất này, những kẻ tội lỗi này, những kẻ theo chân Chúa Giêsu này, trong đời họ, họ đã cùng với Chúa Giêsu từ bỏ phẩm giá của mình, vì họ là người có lòng thương xót. Như thể các nhu cầu riêng của họ và nỗi khốn khổ của họ chưa đủ, họ đã mang lấy các khốn khổ và nhục nhằn cũng như tội lỗi của người khác. Họ có một lòng yêu thương không cưỡng lại được dành cho người bị chà đạp, người ốm đau, người bất hạnh, người bị đối xử bất công, người bị xua đuổi và mọi người bị hành hạ lo âu. Họ ra đi, tìm kiếm tất cả những ai đang vướng mắc vào các lao đao của tội lỗi và mặc cảm tội lệ. Không nỗi khốn khổ nào quá lớn, không tội lỗi nào quá kinh khủng đối với lòng từ bi của họ. Nếu một ai đó sa vào một nhục nhã, người có lòng thương xót sẽ hy sinh chính danh dự của mình để che chở họ, và chuốc lấy sự nhục nhã này. Người ta sẽ thấy họ đi an ủi các người thu thuế và các người tội lỗi, bất chấp sự nhục nhã do việc này gây ra. Để có thể thương xót, họ đã ném bỏ gia bảo vô giá nhất của đời người, là chính phẩm giá và danh dự bản thân. Vì danh dự và phẩm giá duy nhất họ biết là lòng thương xót của Chúa đối với họ, và đời họ chỉ mang ơn lòng thương xót này mà thôi. Người đã không xấu hổ vì các môn đệ của Người, Người đã trở nên bằng hữu của nhân loại, và mang lấy nỗi nhục của họ đế chết trên thập giá. Đó là cách Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, thương xót. Các môn đệ của Người hoàn toàn nợ lòng thương xót này chính sự sống của họ”.[18]

II. “THA THỨ CHO NHAU” VÀ GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Lệnh truyền yêu thương người lân cận của Chúa Giêsu không những chỉ có tính trung tâm, nó còn triệt để nữa, triệt để đến nỗi có thể làm bạn hết hơi. Trong các phản đề của Bài Giảng trên Núi, cùng với mệnh lệnh phải chính trực hoàn hảo hơn nữa (Mt 5:20), Chúa Giêsu vượt quá không những truyền thống Do Thái, mà còn vượt quá mọi biện pháp của con người nói chung. Điều này rõ nhất trong lệnh truyền từ bỏ bạo lực: “Đừng chống cự kẻ làm điều ác”. Theo cách này, Người bác bỏ điều vẫn gọi là ius talionis (quyền trả đũa), tức qui luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24) và thiết lập ra một qui luật khác thay thế: “Nhưng nếu ai vả má phải của anh em, anh em hãy chìa má kia cho họ…” (Mt 5:38-42; x. Lc 6:29tt). Điều này vượt xa sức con người bình thường. Nó đòi ta một sự hào phóng nhân bản và Kitô Giáo và sự tự chế biết phá bỏ hết mọi vòng sự ác và cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và phản bạo lực, bằng cách thiết lập hòa bình thay thế cho chúng.

Đối với Chúa Giêsu, tuyệt đỉnh và biểu thức cao nhất của lòng thương xót và của tình yêu vốn được đòi hỏi trong Bài Giảng trên Núi chính là lệnh truyền yêu thương kẻ thù của ta: “Anh em hãy yêu thương các kẻ thù của anh em và cầu nguyện cho những người bách hại anh em”. Chúa Giêsu thiết lập lệnh truyền tột cùng này, tột cùng theo tầm nhìn hoàn toàn nhân bản, dựa trên tác phong tột cùng của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi. Người phán: “Để các con có thể trở thành con cái của Cha các con ở trên trời;… Do đó, các con hãy hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:43-48; x. Lc 6:27-29, 32-36). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu xin Thiên Chúa tha nợ chúng ta như chúng ta tha cho những người mắc nợ chúng ta (Mt 6:12; Lc 11:4). Chúa Giêsu nói thêm rằng ta nên tha thứ không phải một lần, cũng không phải bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy (Mt 18:21-22) có nghĩa là vô kể lần. Chúa Giêsu minh họa lệnh truyền này trong dụ ngôn người đầy tớ không chịu tha thứ (Mt 18:23-35). Chính Chúa Giêsu đã tha thứ khi Người đang hấp hối trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ đang làm” (Lc 23:34). Phó tế và là vị tử đạo đầu tiên, Thánh Stephano, đã nói lên cùng một lời van xin như thế khi ngài bị ném đá và đang hấp hối (Cv 7:60).

Trong thế giới cổ thời, tha thứ, theo nghĩa ân xá, được coi là nhân đức của vua chúa. Nó là một hành vi hào hiệp vốn giả thiết quyền tối thượng. Thực vậy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ. “Ai có thể tha tội được nếu không phải một mình Thiên Chúa?” (Lc 5:21). Cho nên, tha thứ chỉ có thể có trong quyền lực và với sự thúc đẩy của hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô (Rm 3:25tt). Nó chỉ có thể có dưới ánh sáng lời quả quyết rằng Thiên Chúa đã giao hòa chúng ta với Người trong khi chúng ta vẫn còn đang thù nghịch với Người (Rm 5:10). Theo khuôn mẫu tác phong của Thiên Chúa, cả ta nữa cũng phải có lòng thương xót: “(Xin Cha) tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chung con” (Mt 6:12; Lc 11:4).

Như thế, tha thứ cũng là điều cần thiết. Bởi thế, “[Hãy tha thứ] cho nhau, như Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã tha thứ cho anh em” (Ep 4:32). “Như Chúa đã tha thứ cho anh em thế nào, anh em cũng phải tha thứ như vậy” (Cl 3:13).

Điều rõ ràng là: xét về phương diện nhân bản, yêu kẻ thù của mình có lẽ là lệnh truyền khó khăn hơn cả của Chúa Giêsu, ấy thế nhưng, đồng thời, nó là một trong những giới răn trung tâm nhất của Kitô Giáo. Nó bắt nguồn trong yếu tính thâm sâu nhất của mầu nhiệm Kitô Giáo, và do đó, tượng trưng cho đặc điềm chuyên biệt của tác phong Kitô Giáo.[19] Các Giáo phụ tin rằng giới răn này là một yếu tính thuộc riêng Kitô Giáo và là một điều mới mẻ đối với cả Cựu Ước lẫn triết lý ngoại giáo.[20] Thư thứ hai của Thánh Clemente viết thế này: “bất cứ ai không yêu người ghét mình thì không phải là Kitô hữu”.[21] Tertuliano gọi tình yêu kẻ thù của mình là “lề luật nền tảng”;[22] đối với Thánh Chrysostom, nó là sự thuyết minh cao nhất của nhân đức.[23]

Dĩ nhiên, các Giáo phụ cũng biết tới các khó khăn trong việc thể hiện cụ thể giới răn này khi giáp mặt với các phức tạp và cơ cấu tội lỗi trên thế giới. Để đạt tới một giải pháp, các ngài đã khai triển một thứ đạo đức học hai bậc. Theo Thánh Ambrosio, lấy ác báo ác không phải là một nghĩa vụ; nhưng lấy thiện báo ác mới là sự hoàn thiện.[24] Theo Thánh Augustino, hình thức bố thí cao nhất là tha thứ những ai xử tệ với chúng ta.

Đã đành, ngài hiện thực đủ để biết rằng đại đa số người ta không có được nhân đức này vì nó vốn là một hồng ân cho các con cái hoàn hảo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, mọi tín hữu phải cố gắng theo đuổi nhân đức này, và cầu xin cho có nó. Ít nhất, tín hữu cũng nên tha thứ cho những người xin họ tha thứ. Trong trường hợp này, bất cứ ai không tha thứ đều sẽ không được Cha trên trời tha thứ (Mt 6:15). Thánh Augustino nói tới điều này với một lời cảnh cáo đáng sợ: bất cứ ai không chịu thức tỉnh đối với lời kêu gọi này, họ không phải chỉ đang thiếp ngủ, mà thực sự đã chết rồi.[25] Một chủ trương tương tự như thế nhưng được đặt thang bậc cũng đã tìm thấy nơi Thánh Thomas Aquinas: điều cần thiết đối với tình yêu là phải chuẩn bị tâm hồn để khi cần, phải yêu kẻ thù của mình, trong một trường hợp cụ thể, nhưng, mặt khác, hành động yêu kẻ thù của mình, độc lập với bất cứ sự cần thiết nào, mà chỉ vì lòng yêu mến Thiên Chúa, thì không cần thiết để được cứu rỗi. Trong trường hợp này, yêu kẻ thù không thuộc sự cần thiết mà thuộc sự hoàn thiện của tình yêu.[26] Dù người ta có thể nhìn thấy tính hiện thực Kitô Giáo trong các cố gắng vừa kể nhằm làm dịu hay giảm nhẹ độ khắc nghiệt của lệnh truyền phải yêu kẻ thù, ta cũng vẫn không nên quá dễ dãi trong việc coi nhẹ lệnh truyền này. Đối với các Giáo phụ này, việc thể hiện trọn vẹn tình yêu đối với kẻ thù không còn là một tập chú như đối với Chúa Giêsu nữa. Đúng hơn, nó áp dụng vào những hoàn cảnh hạn chế, hay là mục đích tối hậu của việc thực hành đức tin Kitô Giáo.[27] Yêu kẻ thù lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh, không thể giới hạn tình yêu kẻ thù vào đòi hỏi phải thắng các cảm xúc thù hận có tính bản thân, do đó, giới hạn tình yêu kẻ thù vào thiên hướng cá nhân. Chúa Giêsu muốn hành vi cụ thể.[28]

Không những các cá nhân Kitô hữu, và không những các quốc gia, nhưng cả Giáo Hội cũng phải vật lộn với việc thể hiện tình yêu đối với kẻ thù. Vì Kitô Giáo đã hành xử ra sao trong trường hợp bách hại người Do Thái và các người lạc giáo, thời thập tự chinh và thời chiến tranh tôn giáo? Giáo Hội đã đối xử thế nào với những người đối nghịch với mình trong các cuộc bút chiến và tranh cãi, mà thường vốn không được khách quan và công bình? Và biết bao bài giảng về chiến tranh cũng đã để lại nhiều ấn tượng rùng rợn. Cho nên, không những các cá nhân Kitô hữu mà chính Giáo Hội đôi khi cũng không tuân theo lệnh truyền yêu thương kẻ thù. Ở đây cũng thế, lý tưởng và thực tế thường cách xa nhau.

Các câu hỏi được nêu lên không phải chỉ liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình, mà còn liên quan đến người hàng xóm không thân thiện, đến đối thủ nghề nghiệp, và người cạnh tranh trong kinh doanh, chính trường, và các lãnh vực khác của đời sống. Trong các lãnh vực kinh tế và chính trị, không thể tránh các tình thế phải cạnh tranh, trong đó, người ta muốn hạ giá và đem kẻ đối nghịch chính trị và địch thủ kinh doanh đến chỗ phải qui hàng, không về phương diện bản thân, thì chắc chắn về phương diện kinh tế và chính trị. Và trên thế giới, như ta thấy cụ thể hiện nay, người ta buộc phải làm như vậy. Trong các tình huống như thế, người ta không thể trung thực loay hoay đưa ra các thứ phân biệt như ta thấy nơi Thánh Augustino và Thánh Thomas Aquinas.

Nhưng, họ có thể hỏi thêm, giới răn yêu thương kẻ thù liệu có thực tiễn không? Há giới răn này không phải là một không tưởng hay sao? Há nó không đòi hỏi người ta quá đáng đó ư? Làm thế nào một bà mẹ có thể yêu thương kẻ đã giết con mình? Bà có thể tha thứ cho kẻ sát nhân không? Chúng ta sẽ đi tới đâu nếu ta không đưa ra bất cứ sự chống đối nào đối với sự ác, nếu ta tha thứ, không đòi hỏi công lý? Trong trường hợp này, há người ta đã không tưởng thưởng cho kẻ hành động một cách bất công đó sao? Heirich Heine, Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud, và nhiều người khác đã nêu ra các câu hỏi như thế, một cách có phê phán và bút chiến. Đối với Freud, giới răn yêu thương kẻ thù thuộc thứ credo quia absurdum est (tôi tin vì đây là điều vô lý).[29]

Nhưng ngược với câu hỏi: chúng ta sẽ đi tới đâu nếu từ khước bạo lực bằng cách tha thứ, người ta có thể hỏi: chúng ta sẽ đi tới đâu nếu không có ân xá và tha thứ, khi ta đáp trả mọi sự ác làm cho ta bằng một sự ác khác, khi ta lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng? Sau kinh nghiệm kinh hoàng do các tàn bạo của thế kỷ XX đem đến, vấn đề tha thứ và yêu thương kẻ thù đã trở thành một vấn đề phổ biến đáng buồn và ở nhiều giới, dẫn tới sự khẩn thiết đòi phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, mọi người đều thấy rõ: dù thương xót, tha thứ và ân xá có là các hành vi siêu nhân bao nhiêu đi chăng nữa, chúng vẫn có tính hợp lý cao độ.

Chỉ khi nào ta biết vươn tay ra một lần nữa, quá bên kia các giao thông hào phân rẽ, để xin tha thứ cũng như để tha thứ, thì các cuộc tranh chấp đổ máu và gây chấn thương mới được xử lý; diễn trình hàn gắn các vết thương từng phải chịu trước đó mới được khởi động; và cái vòng luẩn quẩn bạo lực và phản bạo lực, cũng như cái vòng luẩn quẩn của tội phạm và trả đũa (hận máu) mới bị bẻ gẫy. Người ta không thể chỉ đơn giản quên đi điều tai hại đã làm; người ta lại càng không được phép đơn giản mưu toan che lấp nó. Họ phải trung thực đối diện với điều tai hại mình đã làm và thừa nhận nó. Chỉ có thế, nó mới dẫn ta tới một ký ức hòa giải, trong đó, các mối tương quan được giải độc và mất hết tính chất thù nghịch của nó. Nhờ ký ức hòa giải hàn gắn các vết thương của quá khứ này, một khởi đầu mới được tạo ra và một tương lai mới và của chung mới có thể có.[30]

Điều trên đúng không phải chỉ đối với lãnh vực tương quan bản thân, mà còn cả trong lãnh vực chính trị nữa. Ở đây, có lẽ ta có thể nghĩ tới các cuộc hoà giải giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo, giữa Đức và Do Thái, giữa Đức và Pháp, hay giữa Đức và Ba Lan từng diễn ra sau Thế Chiến II. Ta cũng có thể nghĩ tới Ủy Ban Sự Thật ở Nam Phi, ở Ireland, và nhiều nơi khác.[31] Cuối cùng, ta có thể nghĩ tới các liên hệ đại kết và liên tôn đã được thay đổi, trong đó, bất chấp mọi dị biệt khách quan tồn đọng, các thù hận cũ và việc suy nghĩ theo lối bè phái và tranh chấp phần lớn đã được vuợt qua, nhừng chỗ cho việc hợp tác để xây dựng công lý và hòa bình trên thế giới. Do đó, lòng yêu thương kẻ thù không hề là thứ credo quia absurdum est mà đúng hơn là loại credo quia rationale est (tôi tin vì đây là điều hợp lý).

III. CÁC VIỆC THƯƠNG XÓT PHẦN XÁC VÀ PHẦN HỒN

Tương hợp với truyền thống Do Thái Giáo, Tân Ước có nhiều danh mục liệt kê các nhân đức đề cập tới và giải thích giới răn thương xót (1Pr 3:8; x. Rm 12:8, 15; Pl 1:8; 2:1; Cl 3:12; Dt 13:3). Một danh mục như thế cũng tìm thấy trong diễn từ của Chúa Giêsu về Phán Xét Sau Cùng (Mt 25). Dựa trên căn bản này của Tân Ước, truyền thống Kitô Giáo đã bổ sung ý nghĩa cụ thể của lòng thương xót. Để làm việc này, nó đã phân biệt và kể rõ chi tiết của bẩy việc thương xót phần xác và bẩy việc thương xót phần hồn.[32]

Các việc thương xót phần xác là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt (cùng kẻ tù rạc), cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi và chôn xác kẻ chết. Các việc thương xót phần hồn là: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Trong Luật của ngài, Thánh Benedicto đã thêm vào các việc này, hay như ngài nói, các dụng cụ của việc làm tốt này, một việc đó là “đừng bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa”.[33]

Liên quan tới các việc thương xót phần xác, và nhất là các việc thương xót phần hồn, điều đáng lưu ý là chúng ta không xử lý với việc ngăn cấm các vi phạm giới răn minh nhiên của Thiên Chúa. Giống như trong diễn từ của Chúa Giêsu về Phán Xét Sau Cùng, không kẻ tội lỗi phạm tội sát nhân, trộm cướp, ngoại tình, gian dối hay lừa đảo nào bị lên án cả. Lời lên án của Chúa Giêsu không liên quan tới các vi phạm giới răn Thiên Chúa, mà đúng hơn liên quan tới việc không làm điều tốt. Một lần nữa, đây là vấn đề công chính cao hơn (Mt 5:20). Vì vậy, người ta có thể phạm tội không những vì vi phạm giới răn Thiên Chúa mà còn vì không chịu làm điều tốt, một điều, bất hạnh thay, thường ít được lưu ý.

Như thế, lòng thương xót được quan tâm nhiều hơn công lý; đây là vấn đề chú ý tới và mẫn cảm với các nhu cầu cụ thể của chúng ta. Đây là vấn đề thắng vượt việc quá chú ý tới ta khiến ta điếc và mù đối với các nhu cầu phần xác và phần hồn của người khác. Đây là vấn đề làm trái tim ta ra mềm mại trước lời mời gọi của Thiên Chúa mà ta nghe được trong cuộc chạm trán với nghịch cảnh của người khác.[34]

Việc kể ra một cách rõ rệt các việc thương xót phần hồn phần xác, do đó, không ngây thơ cũng không tùy tiện. Nó tương ứng với việc phân biệt bốn cảnh nghèo. Dễ hiểu nhất là cảnh nghèo thể lý và kinh tế: không mái nhà để che đầu và không có thực phẩm trong nồi trong niêu, đói và khát, hay không có quần áo và nơi trú ẩn để bảo vệ mình khỏi các nghịch cảnh thời tiết và khí hậu. Ngày nay, người ta còn có thể thêm nạn thất nghiệp vào danh sách này. Thêm vào đó, còn có các bệnh tật hay khuyết tật trầm trọng chưa có may mắn được y khoa chữa trị và chăm sóc thỏa đáng.

Không kém phần quan trọng so với cảnh nghèo thể lý là cảnh nghèo văn hóa: mà trường hợp cùng cực nhất chính là nạn mù chữ; kém một chút những vẫn trầm trọng là không có cơ hội hay ít có cơ hội được giáo dục, và do đó, ít có viễn ảnh tương lai. Cảnh nghèo văn hóa cũng bao gồm việc không được tham gia vào sinh hoạt xã hội và văn hóa. Hình thức thứ ba của cảnh nghèo là thiếu các mối liên hệ. Là một tạo vật có tính xã hội, con người có thể kinh qua nhiều hình thức nghèo khổ: cô đơn và cô lập, mất người bạn đời, mất các thành viên trong gia đình hay mất bạn bè, các trở ngại về thông đạt, bị loại khỏi các giao tiếp xã hội, hoặc do chính họ gây ra hay do người khác áp đặt, bị kỳ thị và bị cách ly, trong đó, hình thức cùng cực nhất là bị tù đầy hay biệt xứ. Hình thức nghèo sau cùng cần phải nhắc đến là nghèo tâm thần hay tâm linh, một vấn đề rất nghiêm trọng tại Tây Phương: thiếu hướng dẫn, trống rỗng nội tâm, tuyệt vọng và phiền muộn, thất vọng về ý nghĩa cuộc hiện sinh của chính mình, lầm lạc về luân lý và thiêng liêng đến độ sao lãng chính linh hồn mình.

Tính đa dạng và đa chiều của các tình trạng nghèo khổ trên đòi phải có một đáp ứng đa chiều. Trợ giúp vật chất hiển nhiên là điều nền tảng. Vì chỉ khi nào đời sống hay việc sống còn có tính căn bản về thể lý được bảo đảm, thì cảnh nghèo về văn hóa, về xã hội và về tâm linh mới được chữa trị. Tuy nhiên, lòng thương xót Kitô giáo không thể và có lẽ không tự giới hạn vào việc xử lý cảnh nghèo khổ thể lý, vì lòng thương xót chỉ nhân đạo nếu nó không đặt người túng thiếu vào tình huống liên tục phải lệ thuộc, mà đúng hơn, cung cấp cho họ một sự trợ giúp để họ tự giúp họ. Điều này chỉ có thể có nếu tình huống văn hóa, xã hội và tâm linh của nghèo khó cũng được chữa trị. Do đó, đức ái Kitô Giáo đòi phải có một phương thức toàn diện, biết nhìn các chiều kích khác nhau của cảnh nghèo trong các mối tương quan hỗ tương của chúng và nhờ thế giúp dự phòng không những cho việc sống còn, mà đúng hơn còn giúp dự phòng cho một cuộc sống ít nhất cũng mãn nguyện đôi chút về phương diện nhân bản.

Trong một lời cầu nguyện năm 1937, Nữ Tu Faustina đã phát biểu một cách rất đẹp đẽ sự tinh tế trong cảm nhận thương xót đã tiến rộng và tiến sâu như thế nào, nó có ý nghĩa cụ thể nào đối với một Kitô hữu, và nó có thể thực hiện được điều gì cách cụ thể:

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để mắt con biết thương xót, ngõ hầu con không bao giờ nghi ngờ hay phán đoán từ các dáng vẻ bề ngoài, nhưng tìm kiếm những gì đẹp đẽ trong linh hồn các người lân cận của con và chạy tới cứu giúp họ”.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để tai con biết thương xót, ngõ hầu con có thể lưu ý tới nhu cầu của các người lân cận của con và đừng dửng dưng với các nỗi đau và buồn thảm của họ”.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để lưỡi con biết thương xót ngõ hầu con không bao giờ nói tiêu cực về các người lân cận của con, nhưng có lời an ủi và tha thứ mọi người”.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để tay con biết thương xót và đầy những việc làm tốt lành, ngõ hầu con chỉ làm điều tốt cho các người lân cận của con và con tự mang lấy những trách vụ khó khăn và vất vả hơn”.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để chân con biết thương xót, ngõ hầu con mau mắn giúp đỡ người lân cận của con, bất chấp sự mệt mỏi và kiệt sức của riêng con. Sự nghỉ ngơi thực sự của con là được phục vụ người lân cận của con”.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con, để trái tim con biết thương xót ngõ hầu con biết cảm nhận mọi đau khổ của người lân cận của con. Con sẽ không từ khước lòng mình cho bất cứ ai. Con sẽ thành thực với cả những người con biết sẽ lạm dụng lòng tốt của con. Và con sẽ nép mình vào Trái Tim hay thương xót nhất của Chúa Giêsu. Con sẽ chịu các đau khổ của riêng con trong im lặng. Ôi lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa ngự trên con”.

“Chính Chúa truyền cho con thi hành ba mức độ của lòng thương xót. Mức thứ nhất: hành vi thương xót, thuộc bất cứ loại nào. Mức thứ hai: lời nói thương xót, nếu con không thi hành được việc thương xót, con sẽ phụ giúp bằng lời nói của con. Mức thứ ba: cầu nguyện, nếu con không thể biểu lộ được lòng thương xót bằng việc làm hay bằng lời nói của con, con luôn luôn có thể làm như thế bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của con vươn tới cả những nơi con không thể vươn tới bằng thể lý”.

“Ôi lạy Chúa Giêsu của con, xin Chúa biến đổi con thành ra Chúa, vì Chúa có thể làm mọi sự”.[35]

IV. ĐỪNG THƯƠNG XÓT GIẢ HIỆU KIỂU ĐỂ MẶC!

Ngay lòng thương xót và tôn giáo cũng có thể bị lạm dụng. Giới răn yêu thương người lân cận của Kitô Giáo, và nhất là giới răn yêu thương kẻ thù, phải được thể hiện trong các điều kiện của thế giới. Điều này có thể dẫn tới chỗ lòng thương xót trở thành lưỡng nghĩa, thậm chí bị hiểu sai và lạm dụng trong bầu khí lưỡng nghĩa của thế giới hiện nay. Người ta hầu như có thể làm đồi trụy lòng thương xót đến độ biến nó thành điều trái ngược với chính nó và làm cho lời kêu gọi thương xót trở thành một thứ “chất làm mềm” tâm thức Kitô Giáo.

Ngày nay, một hình thức thương xót giả hiệu đang được bàn luận nhiều là hình thức nhằm bảo vệ người làm điều xấu hơn là nạn nhân của họ. Thứ dung túng diễn ra do một tình bằng hữu hay tình hợp đoàn sai lầm. Nó cũng có thể diễn ra vì người ta muốn bảo vệ một định chế, bất kể đó là Giáo Hội, là nhà nước, một dòng tu, hay một câu lạc bộ, chống lại bất cứ hậu quả tai hại nào nếu điều làm sai bị vạch trần và bị khởi tố. Một não trạng như thế đi ngược lại tinh thần Tin Mừng, một tinh thần luôn cổ vũ việc ưu tiên chọn người nghèo và bênh vực cho bất cứ ai yếu thế hơn. Do đó, việc bảo vệ nạn nhân phải ưu tiên hơn việc bảo vệ kẻ phạm tội.

Còn nhiều hình thức khác hiểu sai lòng thương xót không kém trầm trọng. Trước nhất, phải đề cập tới quan điểm để mặc (laissez-faire) nghĩa là để mặc mọi việc xảy ra và diễn tiến. Nó khởi đầu với việc cha mẹ dung túng con cái mình trong mọi sự, vì một lòng thương xót lầm lẫn. Thái độ dị thường này được biểu lộ khi người ta bỏ qua một tác phong xấu hay tội lỗi, thay vì đòi người ấy thay đổi.

Trong sách tiên tri Edekiel, ta thấy lời cảnh cáo mạnh mẽ. Ngài nói nếu lính canh không thổi kèn sừng cừu khi nguy hiểm tới gần và không cảnh giác để dân chúng ý thức được nguy cơ cận kề, thì anh ta phải chịu tính sổ về khoản máu đổ ra. Rồi, Edekiel nói tiếp: nếu các ngươi không lên tiếng để cảnh giác kẻ xấu, nói với chúng rằng chúng sẽ chết vì tội lỗi của chúng, thì kẻ xấu sẽ chết vì tội lỗi của chúng. “Nhưng máu của chúng Ta sẽ đòi từ bàn tay các ngươi”. Nhưng nếu các ngươi cảnh giác kẻ xấu và chúng không quay đầu khỏi con đường của chúng, “kẻ xấu sẽ chết vì tội lỗi của chúng, nhưng các ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33:6-9).

Thánh Phaolô quả quyết rõ ràng rằng người khác không thể là một vấn đề dửng dưng đối với chúng ta; đúng hơn, ta chịu trách nhiệm lẫn cho nhau do tình yêu và lòng thương xót. Do đó, Thánh Phaolô không do dự cảnh cáo cộng đoàn của ngài (Rm 12:1); và quả tình, vì mục đích này, ngài nại tới thẩm quyền cao nhất (2Cr 5:20). Một cách khá tổng quát, ngài nhắc cộng đoàn của ngài nhớ đến việc phải quan tâm và chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa các Kitô hữu: “Hãy dạy dỗ và khuyên răn nhau” (Cl 3:16). Do đó, Tân Ước đã nói đến việc anh em sửa trị lẫn nhau (1Tx 5:11, 14; 2Tx 3:15; 2Tm 2:25; Tt 1:13; 2:15). Nếu lời khuyên răn này không tự coi mình là công chính, nhưng nói ra với ý thức rằng mình cũng có các sai lạc và thất bại, thì đây quả là một việc thương xót phần hồn.[36] Theo cách này, lòng thương xót cũng là thuốc đắng và là thuốc cần thiết.[37] Đôi khi nó gây thương tích, hệt như bác sĩ, khi mổ xẻ, cũng gây nên đau đớn và phải cắt phải mổ, không phải để gây hại, mà đúng hơn để giúp đỡ và chữa lành.[38]

Một hiểu lầm trầm trọng khác về lòng thương xót xảy ra khi, nhân danh lòng thương xót, ta tưởng ta có thể làm ngơ giới răn công bình của Thiên Chúa và hiểu tình yêu và lòng thương xót, không phải như việc chu toàn và vượt quá công bằng, mà đúng hơn như việc cắt xén và tiêu hủy nó. Do đó, ta không thể đi ngược lại các giới răn cơ bản về công bằng vì hiểu lòng thương xót theo lối cảm xúc. Ta không thể cố vấn hay trợ giúp một cuộc phá thai vì một cảm thức thương xót giả mạo, nếu việc sinh hạ một trẻ nhỏ có khuyết tật xem ra là một kỳ vọng quá đáng đối với người mẹ hay đứa con. Cũng thế, người ta không thể, vì thương xót một người bệnh không thể chữa được, mà tích cực giúp đỡ để họ tự tử hầu “giải thoát” họ khỏi đau đớn và đau khổ. Những thứ thương xót giả mạo như thế không hề mô phỏng lòng thương xót của Thiên Chúa; đúng hơn, chúng bác bỏ giới răn của Người “Ngươi không được giết người” (Xh 20:13; Đnl 5:17).

Không phạm tội thương xót giả mạo không có nghĩa phải cư xử bất thiện cảm với những người, trong tình huống của họ, phải lao đao len lỏi đối với giới răn của Thiên Chúa hay, thực sự, đã vi phạm nó. Vì lòng thương xót đúng nghĩa, ta phải trình bày và giải thích giới răn của Thiên Chúa, nhưng phải làm việc này một cách đầy cảm thương. Tuy nhiên, phải giúp người ta, bằng lời lẽ và bằng việc làm, để họ thực thi các đòi hỏi của giới răn trong tình huống thường phức tạp và khó khăn của họ, một việc mà các dịch vụ huấn đạo của Giáo Hội đặc biệt giả thiết phải làm. Trong các trường hợp, khi người ta quá bị đè nặng bởi tội lỗi, tội lỗi vốn nặng chĩu trong linh hồn họ, thì ta nên đáp ứng họ bằng phương thức mục vụ, như Chúa Giêsu từng đáp ứng đối với những người tội lỗi. Ta không nên ngồi tòa phán xét lạnh lùng đối với họ, nhưng đúng hơn, nên giúp đỡ họ, không phải để chối bỏ tội lỗi, mà để thừa nhận nó, rồi phó thác cho lòng thương xót luôn lớn lao hơn của Thiên Chúa và sự sẵn sàng tha thứ của Người.

Mối liên hệ giữa lòng thương xót và việc nói sự thật cũng tương tự như thế. Vấn đề này trở nên thích đáng khi ta giả thiết phải cho người bệnh nguy kịch hay đang hấp hối biết sự thật về tình huống của họ. Dấu sự thật vì hiểu sai lòng thương xót hoặc cung cấp cho họ những kỳ vọng hoàn toàn không thực tiễn thực sự không giúp gì cho những người liên hệ, mà chỉ cản trở, không cho họ đối diện với sự thật và bằng lòng với tình huống của họ một cách nhân đạo và tâm linh. Lòng thương xót chân chính phải nói sự thật trong các tình huống như thế, không phải một cách tàn nhẫn vô cảm, nhưng phải mẫn cảm yêu thương (Ep 4:15). Lòng thương xót đích thực phải phát biểu sự thật một cách giúp người bệnh chấp nhận sự thật và bằng lòng đối với nó. Muốn làm được điều này đòi ta phải có khả năng tương cảm đáng kể cũng như một tài ứng biến mục vụ đầy nhân từ.

V. GẶP GỠ CHÚA KITÔ NƠI NGƯỜI NGHÈO

Trong diễn từ quan trọng của Người về sự Phán Xét Sau Cùng, Chúa Giêsu nói đến chiều kích sâu xa nhất của lòng thương xót mà ta phải đem ra thực hành. Người nói rằng: “Khi các con làm điều ấy cho một trong những người thấp bé nhất trong những người này, là các con làm cho Ta” (Mt 25:40; x. 45). “Người là Đấng giầu có đã trở nên nghèo vì chúng ta” (2Cr 8:9) và đã mang lấy thân phận nô lệ (Pl 2:7). Người không những thiết lập tình liên đới với người nghèo, mà còn đồng nhất hóa với họ nữa. Do đó, ta có thể gặp gỡ Người nơi người nghèo.

Thánh Augustino liên tiếp nhắc đến nền tảng Kitô học của tình yêu đối với người lân cận. Trong công trình của ngài, người ta tính được ngài đã trích Chương 25 của Tin Mừng Matthew hơn 275 lần.[39] Trong một bài giảng, ngài viết (bằng một văn phong Latin cô đọng đến nỗi khó mà dịch được, chỉ có thể dẫn giải mà thôi): Các ngươi đã cho điều gì khác ngoài điều các ngươi đã nhận lãnh từ Ta? Các ngươi cho đi một điều trần thế; các ngươi nhận lãnh một điều thiên giới. Các ngươi cho đi một điều vốn là của Ta. Chính Ta hiến mình cho các ngươi. Chúa Kitô đã hiến mình cho ta; làm thế nào ta lại không cho Chúa Giêsu, Đấng gặp gỡ ta trong những người thiếu thốn? Chúa Kitô ban lương thực cho ta và, vì ta, người trở thành túng thiếu. Người ban phát và Người trở thành túng thiếu. Nếu Người ban, anh chị em có muốn nhận không? Tuy nhiên, nếu Người túng thiếu, há anh chị em lại không muốn cho Người sao? Chúa Kitô túng thiếu khi người nghèo túng thiếu. Đấng muốn ban sự sống đời đời cho mọi người đã hạ cố tiếp nhận một điều tạm bợ dưới lốt người nghèo. Anh chị em muốn gặp Chúa Kitô đang ngự trên trời. Hãy mong gặp Người khi Người nằm ở gầm cầu; hãy mong gặp Người khi Người đói khát và run rẩy giữa giá lạnh; hãy mong gặp Người khi Người là khách lạ.[40]

Mọi vị thánh vĩ đại của đức ái Kitô Giáo đều thấy tình cảnh trên và sống tình cảnh ấy: Phó Tế Laurenso, Thánh Martin thành Tours, Thánh Nicolas thành Myra, Thánh Elizabeth thành Thuringia, Thánh Camillo thành Lellis, Thánh Vincent de Paul, Thánh Damiano thành Veuster. Từ đầu cuộc hành trình của ngài, Mẹ Theresa thành Calcutta đã thần nghiệm được Chúa Kitô khi ngài gặp một người bệnh sắp chết.[41] Ngài đã phát biểu chiều kích Kitô học, và ta dám gọi là chiều kích thần nghiệm học của lòng yêu người này qua lời cầu nguyện sau đây:

“Lạy Chúa, xin cho con gặp Chúa ngày hôm nay và mọi ngày trong con người của người bệnh và khi chăm sóc họ, con được phục vụ Chúa”.

“Cho dù Chúa ẩn dưới lốt kín đáo của một người cáu kỉnh, hay đòi hỏi, hoặc không khoan nhượng, xin cho con vẫn nhận ra Chúa và thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa Giêsu, bệnh nhân của con, được phục vụ Chúa là điều tốt biết chừng nào’”.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa ban cho con đôi mắt đức tin, nhờ thế, việc làm của con sẽ hết độc điệu. Con sẽ luôn tìm được niềm vui khi phải chịu đựng tính khí và thoả mãn ý muốn của mọi người nghèo đang đau khổ”.

“Ôi bệnh nhân yêu qúy của tôi, bạn thân thiết gấp đôi với tôi dường bao khi bạn là hiện thân của Chúa Kitô; và tôi hân hạnh biết bao khi được phục vụ bạn”.

“Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết nhận ra phẩm giá ơn gọi cao cả của con và trách nhiệm lớn lao của nó. Xin Chúa đừng để con tỏ ra bất xứng bao giờ đối với ơn gọi này bằng cách sa vào sự cứng lòng, bất thân thiện hoặc thiếu kiên nhẫn. Và rồi, ôi lạy Thiên Chúa, vì Chúa là Chúa Giêsu Kitô, bệnh nhân của con, xin cũng đoái thương làm bệnh nhân Giêsu của con. Xin nhân từ đối với các lỗi lầm của con và xin chỉ nhìn đến quyết tâm yêu Chúa của con và quyết tâm phục vụ Chúa trong con người của mỗi người đau yếu này. Lạy Chúa, xin Chúa gia tăng đức tin của con, xin chúc phúc cho cố gắng và việc làm của con, bây giờ và mãi mãi. Amen.”.[42]

Lời lẽ của Chúa Giêsu và của các thánh vừa nhắc tới, xét cho cùng, đều cho thấy điều trọng yếu trong lòng thương xót và tình yêu người lân cận của Kitô Giáo. Đây là một vấn đề không chỉ nói đến tình yêu thương nhân loại nói chung, một điều không thể bác bỏ nếu không phải chỉ là những lời sáo rỗng, nhưng còn nói đến hành động cụ thể. Đây cũng không phải là việc chỉ biết cảm thương người đau khổ, một điều vốn tích cực so với sự cứng lòng hay vị kỷ. Thậm chí, đây cũng không phải là vấn đề có ý tưởng muốn làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Về phương diện này, Thánh Kinh hết sức thực tiễn. Nó biết rõ: “Các con luôn có người nghèo với các con” (Ga 12:8). Xét cho cùng, điều quan trọng trong lòng thương xót của Kitô Giáo là việc gặp gỡ chính Chúa Giêsu Kitô nơi và qua những người đau khổ. Do đó, lòng thương xót chủ yếu không phải là vấn đề luân lý, mà là vấn đề tin vào Chúa Kitô, là trở thành môn đệ, là gặp gỡ Người. Như dụ ngôn người Samaria nhân hậu đã cho thấy, trọng tâm của vấn đề là người thiếu thốn, người mà tôi gặp gỡ cụ thể, người tùy thuộc sự giúp đỡ của tôi, và là người tôi trở thành kẻ lân cận (Lc 10:25-37). Nơi người nghèo khổ này, tôi gặp gỡ chính Chúa Giêsu Kitô.

Tình yêu đối với người lân cận có những hậu quả xã hội và chính trị vượt quá lãnh vực cá nhân, đây là điều không thể nghi vấn. Ta sẽ sớm nói đến các hậu quả này một cách chi tiết.[43] Dĩ nhiên, việc can dự có tính xã hội và chính trị chỉ đáng tin nếu nó đưa ra các đòi hỏi không những cho người khác hay cho các định chế xã hội và Giáo Hội, nhưng trong chính đời sống mình và trong khu vực mình gây ảnh hưởng bản thân, nó còn đòi ta phải đem ra sống ý nghĩa của việc làm môn đệ Chúa Kitô và việc “hiện hữu vì [người khác]” (pro-existence), một cách cụ thể và đầy gương sáng. Một chứng tá như thế sẽ lôi cuốn và thúc đẩy người khác dấn thân một cách cụ thể. Như thế, việc đồng hóa với Chúa Giêsu Kitô nơi người nghèo vượt quá cuộc gặp gỡ cá nhân; nó có ý nghĩa đối với người khác và đối với Giáo Hội.

VI. LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ SỰ HIỆN HỮU KITÔ GIÁO VÌ NGƯỜI KHÁC

Liên kết bản thân với Chúa Giêsu Kitô có nghĩa phải tham dự vào việc hiện hữu vì [người khác] của Người. Do đó, hình thức thương xót của Kitô Giáo, xét cho cùng, là sự hiện hữu vì người khác của Chúa Kitô (Stellvertretungs-Existenz). Điều này sẽ hiển nhiên khi ta lưu ý tới những tầng ý nghĩa khác nhau trong lời kêu gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu.[44] Lời kêu gọi này không phải chỉ là lời mời gọi bước theo chân Chúa Giêsu và đồng hành với Người trên mọi nẻo đường của Người. Làm môn đệ bao gồm việc cùng sống và cùng thực hiện một sứ mệnh (Mc 3:14 và những câu song hành); cuối cùng, nó có nghĩa chịu chung một số phận, một đau khổ, một thập giá. “Nếu ai muốn làm môn đệ của Tôi, họ hãy từ bỏ mình, vác lấy thập giá của họ và hãy theo Tôi” (Mc 8:34 và các câu song hành). Như Chúa Giêsu đã tự biến mình thành đầy tớ cho mọi người thế nào, thì các môn đệ của Người cũng phải như thế. Bất cứ ai muốn là người thứ nhất trong các môn đệ của Người, họ phải làm đầy tớ cho mọi người (Mc 10:45; x. Ga 13:15). Giống Chúa Giêsu Kitô, việc “chết” với Chúa Kitô này có thể đòi phải theo Chúa Giêsu tới tận thập giá và bỏ mạng sống mình vì Người (Mc 8:34tt và các câu song hành).

Vào đêm trước khi chịu thống khổ của Người, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ Người một tấm gương cụ thể, khi Người làm cho các ông một việc phục dịch thấp hèn của nô lệ là rửa chân cho các ông, để cả họ nữa, cũng nên làm như thế (Ga 13:14tt). Từ nay, các môn đệ của Người phải biến đời họ, đời mà Chúa Giêsu đã ban cho họ, thành một tặng phẩm cho người khác. Điều này có thể dứt khoát dẫn tới cực điểm. Vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bằng hữu (Ga 15:13; x. Ga 12:25tt). Giống hệt như sự hiện hữu của chính Chúa Giêsu, sự hiện hữu như một tông đồ được hiểu có nghĩa là hiện hữu cho người khác, hay hiện hữu vì (người khác).

Việc tham dự vào cái chết thay, cái chết đền tội và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô qua phép rửa (1Cr 12:13; Gl 3:28) và qua việc cử hành Thánh Thể (1Cr 10:16tt) đã kết hợp chặt chẽ tư tưởng này một cách mới mẻ và sâu sắc hơn sau Phục Sinh. Hiện hữu trong Chúa Kitô là hiện hữu với và cho người khác trong thân xác Chúa Kitô. “Một chi thể đau, mọi chi thể cùng đau với nó; một chi thể được vinh dự, mọi chi thể cùng mừng rỡ với nó” (1Cr 12:26). Như thế: “Hãy mang gánh nặng của nhau, và nhờ thế, anh em sẽ chu toàn lề luật của Chúa Kitô” (Gl 6:2). Do đó, Thánh Phaolô đã sẵn sàng trở thành nô lệ để có thể cứu được càng nhiều người càng tốt. “Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để có thể bằng mọi cách cứu được một số” (1Cr 9:22). Ngài để ngài hao mòn và hao mòn thật sự, điều được ngài coi như lễ hy sinh của cộng đoàn ngài, dâng lên trong đức tin (Pl 2:17; x. 2Cr 12:15). Phục vụ tông đồ và mục vụ, theo nghĩa đen của chữ “service” (phục vụ), có nghĩa là để mình chịu hao mòn và chính trong sự đau khổ tông đồ và mục vụ này, là để Chúa Giêsu Kitô, để cái chết của Người, và sự phục sinh của Người trở thành hiện diện vì người khác. Sự hiện hữu tông đồ diễn ra không chỉ bằng lời, mà còn bằng và qua cả toàn bộ cuộc hiện sinh của ta nữa. Theo cách này, ý niệm đền tội thay hay đền tội đại diện [Stellvertretungsgedanke] đã trở thành ý niệm chủ chốt trong hiện hữu Kitô Giáo.[45]

Ý niệm làm môn đệ như một sự đền tội thay đã mặc lấy nhiều hình thức khác nhau trong dòng lịch sử.[46] Trước nhất, với các vị tử đạo, mà máu đã trở thành hạt giống gieo các Kitô hữu mới,[47] rồi tới các vị ẩn tu và đan sĩ, với các đan sĩ Ireland và Scotland nay đây mai đó, không nhà không cửa vì Chúa Kitô và vì sứ mệnh của mình (peregrinatio proper Christum). Với Thánh Francisco thành Assisi, việc làm môn đệ còn mặc lấy hình thức nghèo nàn và khiêm nhường nữa.

Từ thời Thánh Bernard thành Clairvaux, một nền thần nghiệm thập giá có tính chủ quan đã được khai triển nhằm tái tạo và nội tâm hóa tình yêu Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Chúa Kitô đau khổ, qua việc tham dự đồng cảm. Thánh Bernard thành Clairvaux được mô tả bằng hình ảnh Chúa Kitô từ trên thập giá cúi xuống với ngài và ôm lấy ngài. Ngài phát biểu ý nghĩa của biến cố này như sau: “Nhờ mặc lấy hình thức Chúa Kitô tự hiến sinh, chúng ta được biến đổi” (transformamur cum conformamur).[48] Linh đạo này, một lần nữa, được tìm thấy nơi thần nghiệm học của Meister Eckhart, John Tauler và Henry Suso; nó cũng được tìm thấy nơi Gương Chúa Kitô của Thomas à Kempis và cuối cùng, trong Linh Thao của Thánh Ignatio thành Loyola, trong đó, việc chăm chú và đầy tương cảm bước theo đời sống và cuộc thống khổ của Chúa Giêsu cung cấp nền tảng cho việc hợp nhất đời sống chiêm niệm với đời sống hoạt động.

Nền thần nghiệm học thập giá này cũng bước vào cả nghệ thuật nữa. Trong khi các tranh ảnh về việc đóng đinh của Byzantine và Romanesque vẽ Chúa Kitô như Đấng Toàn Năng Chiến Thắng (pantocrator),[49] thì nghệ thuật Gothic vẽ Người như một con người buồn sầu. Đặc biệt, người ta có thể nhớ tới các cây thập giá bệnh dịch thời hậu trung cổ, mà người bị bệnh vốn gắn bó chặt chẽ với trong nhiều thế kỷ và trên đó họ được nâng lên.[50] Nền linh đạo này được biến cải thành một lòng đạo đức bình dân dưới hình thức đàng thánh giá. Khi đồng cảm và sốt sắng suy niệm về sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, các tín hữu có thể đồng hóa với các chặng thánh giá khác nhau. Tại thị trấn Wangen quê tôi thuộc vùng Allgau, việc thờ kính Chúa Cứu Thế bị tù ngục rất phổ thông. Thực hành sùng kính này có nguồn gốc từ các hình thức đạo đức cổ hơn thời trung cổ. Thế kỷ thứ XVIII, nó được cổ vũ nhờ các thị kiến của Crescentia Hoss quê ở Kaufbeuren, vị đã được phong hiển thánh năm 2001. Ai mà lại không thể đồng hóa với các hình thức giam hãm khác nhau: những người bị bắt giam và các tù nhân chiến tranh, những người bị giam giữ tại các trại tập trung, các tù nhân chính trị, những người bị liệt giường hay xe đẩy, những người bị giam hãm trong tội lỗi, những người bị buộc vào các tình thế khó khăn và vô vọng vì các vấn đề tài chánh hay các hình thức giam hãm khác.

Việc tự đồng hóa với sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu cũng có thể dẫn tới các sai lạc. Ngay trong hai phong trào devotio moderna (lối sùng mộ tân thời)duy mộ đạo (pietism), và sau đó hoàn toàn trong phong trào Ánh Sáng, Kitô học kiểu bắt chước đã tự mình đi ra ngoài nền tảng khách quan, bí tích và Giáo Hội của nó để trở thành thứ Giêsu học (Jesusology) có tính bắt chước. Chúa Giêsu trở thành mẫu mực đáng để đua tranh. Điều khởi đầu vốn là dấu chỉ một hành vi cứu rỗi có tính trung gian bí tích thì nay đã trở thành một mệnh lệnh buộc người ta phải đi theo con đường luân lý của Chúa Giêsu.[51] Một nguy hiểm khác nữa là giản lược việc noi gương Chúa Kitô vào một cái hiểu có tính cá nhân chủ nghĩa về ơn cứu rỗi. Việc giản lược này có nguy cơ quên mất rằng: đặc tính bao gồm trong việc đền tội thay [Stellvertretung] của Chúa Giêsu có nghĩa chúng ta tích cực can dự vào hành vi đại diện cho chúng ta của Chúa Giêsu. Và, do đó, “việc đại diện” này vượt quá sự nối kết chân thành và có tính bản thân của ta với Chúa Giêsu và phải trở thành việc làm môn đệ vì người khác.

Thánh Phaolô tuyên bố rằng ngài sẵn sàng bị nguyền rủa như một người đại diện cho anh chị em Do Thái của ngài (Rm 9:2). Lời tuyên bố này đã đưa đến cả một lịch sử hậu quả dài trong truyền thống thần nghiệm. Ta biết nhiều vị thánh, trong hoang địa, giữa đêm đen đức tin, và bị Thiên Chúa bỏ rơi như đã bỏ rơi Chúa Giêsu trên thập giá, vẫn có thể chịu đựng, một cách đại diện [stellvertretend], cho những người đang sa vào đêm tối đức tin và xa cách Thiên Chúa. Ý tưởng này tìm thấy trước nhất trong nền thần nghiệm Cát Minh của Thánh Gioan Thánh Giá.[52]

Thánh Theresa thành Lisieux đã đem lại một biểu thức lâu dài cho ý tưởng của nền thần nghiệm Cát Minh này. Bà muốn tự trình bày bà như một lễ toàn thiêu của tình yêu. Bà hiểu ơn gọi và vị trí của bà trong Giáo Hội như một ơn gọi đối với nhiệm thể Chúa Kitô trong tình yêu. Để dập tắt các ngọn lửa của nó, bà muốn mưa xuống trên Giáo Hội đau khổ trận mưa hoa tình yêu từ trời cao; bà muốn mưa xuống trên Giáo Hội chiến đấu [53] cũng một trận mưa hoa như thế để Giáo Hội này chiến thắng.[54] Ngay bây giờ, bà cầu nguyện cho các anh chị em bất tín của bà. Với thiên hướng này, bà sẵn sàng đi vào đường hầm đen tối, trong đó, làm người thay thế cho họ, bà kinh qua nỗi kinh hoàng của cảnh không thấy Thiên Chúa của thời hiện đại. Do đó, bà cầu nguyện cho các anh chị em bất tín của bà để ít nhất họ nắm được một tia sáng nào đó của đức tin.[55] Bà, một người hết lòng muốn trở thành nhà truyền giáo, có ý định giúp đỡ các nhà truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh.[56] Theo tầm nhìn của bà, lòng nhiệt thành của một tu sĩ Cát Minh phải bảo bọc toàn thể thế giới.[57]

Thánh Edith Stein (Benedicta Thánh Giá) cũng đứng trong truyền thống Cát Minh trên. Thời Quốc Xã bách hại người Do Thái, bà vào phòng hơi ngạt Auschwitz như một đại diện của dân tộc Do Thái, dân tộc bà luôn cảm thấy gắn bó.[58] Thánh Maximilian Kolbe đã được đánh động bởi cùng một tinh thần khi ngài tự ý hiến mạng sống mình vì một người tù khác vốn là người cha của một gia đình. Ngay Mẹ Theresa, sau cảm nghiệm thần nghiệm rạng rỡ ban đầu, đã sống trong một đêm tối thần nghiệm cho tới lúc qua đời. Ai cũng biết lời tuyên bố của Mẹ: “Nếu có bao giờ tôi trở thành một vị thánh thì chắc chắn đó là một ‘vị thánh của đêm tối’. Tôi sẽ mãi mãi xa vắng thiên đàng, ngõ hầu đốt lên một tia sáng cho những ai sống trong đêm tối trần gian”.[59]

Người ta cũng có thể nghĩ tới các thi sĩ như Léon Bloy, Charches Péguy, và nhiều thi sĩ khác, những người đã hủy diệt lối hạn chế cá nhân chủ nghĩa trong ý niệm đại diện và đã tái sinh chiều kích Giáo Hội và phổ quát của nó. Một lần nữa, họ đã hiểu ý niệm đại diện [Stellvertretung] như là tâm điểm của việc làm Kitô hữu và họ đã nắm được việc hiện hữu như là hiện hữu vì, hiện hữu vì người khác.

Dietrich Bonhoeffer đã phát biểu rất hay cảm thức đại diện hay hành động thay thế sâu sắc hơn này. Đối với ông, việc che khuất Thiên Chúa là chứng bệnh hiện nay của thế giới. Ông nói như sau về hình thức đau khổ này: “Đau khổ cần được chịu đựng mới mong nó qua khỏi. Một là thế giới phải mang lấy trọn gánh nặng và ngã quỵ dưới nó, hai là gánh nặng này phải giáng xuống Chúa Kitô để được vượt qua ở nơi Người. Do đó, Người chịu đau khổ thay cho thế gian. Sự đau khổ của Người là sự đau khổ duy nhất có hiệu lực cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội biết rằng thế giới vẫn đang tìm một ai đó để gánh lấy các đau khổ của nó, và do đó, khi theo chân Chúa Kitô, sự đau khổ cũng trở thành số phận của Giáo Hội và khi mang nó, nó cũng được Chúa Kitô vác. Và khi theo chân Người tới chân thập giá, Giáo Hội cũng đứng trước nhan Thiên Chúa trong tư cách người đại diện của thế giới”.[60]

Nền linh đạo đứng lên vì người khác và nhận lấy chỗ của họ này sẽ phá vỡ xu hướng chỉ biết nhìn vào trong của nhiều cộng đồng trong tình huống phân tán hiện nay của thế giới tục hóa, và nó có thể trở thành bảng chỉ đường thiêng liêng cho cả ngày nay lẫn ngày mai. Như thế, tình yêu người lân cận, nếu được sống triệt để, sẽ cho thấy chiều kích Giáo Hội, một chủ đề nay ta phải hướng tới.

 

 

 

 


[1] Martin Buber, “Nachahmung Gottes” trong Gesammelte Werke (Frankfurt-a-Main: S. Fischer, 1964), 2: pp. 1953-1965; Ulrich Luz, Matthew 1-7: A Commentary, bản dịch của James E. Crouch (Minneapolis: Fortress, 2007), pp. 289.

[2] Xem Chương III: Sứ Điệp Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Trong Cựu Ước, https://catechesis.net////index.php/than-hoc/tong-quat/3410-su-diep-long-thuong-xot-cua-cuu-uoc

[3] Paul Billerbeck và Hermann Leberecht Struck hiệu đính, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch (Munich: Beck, 1922-1961) I: pp. 203-205; IV: pp. 559-610.

[4] Xem Chương IV: Sứ Điệp Của Đức Giêsu Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa, https://catechesis.net////index.php/than-hoc/tong-quat/3454-su-diep-cua-chua-giesu-ve-long-thuong-xot-cua-thien-chua

[5] Về việc giải thích và lịch sử giải thích giới răn này, xem: Joachim Gnilka, Das Evangelium nach Markus (Neukirchen-Vluyn: Neukirchener Verlag, 1979), pp. 162-168; Luz, Matthew 21-28: A Commentary, bản dịch của James E. Crouch (Minneapolis: Fortress, 2005), pp. 75-87.

[6] Về lối giải thích Do Thái Giáo, xin xem: Billerbeck và Struck, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch, I: pp. 900-908.

[7] Thánh Augustino, Về Chúa Ba Ngôi, VIII, 8. Theo bản tiếng Anh Augustine: Later Works của John Barnaby (Philadelphia:Westminster, 1955), pp. 52-53. Nhiều đoạn trong T.J. Van Bavel, “Love” trong Augustine through the Ages: An Encylopedia, do Allan Fitzgerald và nhiều người khác hiệu đính (Garnd Rapids, MI: W.B. Eerdmans, 1999), pp. 510f.

[8] Xem: Luz, Matthew 21-28, pp. 81-85. Chúng ta biết ơn Karl Rahner về các suy tư mạnh mẽ của ngài, dù có hơi một chiều, về sự hợp nhất giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận cũng như về ý nghĩa hiện nay của chúng: Karl Rahner, “Reflections on the Unity of the Love of Neighbour and the Love of God” trong Theological Investigations, cuốn 6, bản dịch của Karl H. và Bonfiace Kruger (Baltimore: Helicon, 1969), pp. 231-249; cũng nên xem: “‘Commandment’ of Love in Relation to the other Commandments” trong Theological Investigations, vol. 5, bản dịch của Karl-H. Kruger (Baltimore: Helicon, 1966), pp. 439-459.

[9] Xem: Wpolgang-Schrage, Der erste Brief an die Korinther (Zurich: Benziger, 1999), pp. 273-373, nhất là phần tóm lược ở các trang 319 tt.

[10] Thánh Augustino, In evangelium Ioannis, 76, 2.

[11] Đức Giáo Hoàng Léo Cả, Tractatus, 74.

[12] Thánh Basilio, Bài Giảng, 6.

[13] Thánh Gioan Chrysostom, Chú Giải Thánh Matthew, Bài Giảng 18, n.8.

[14] Thánh Basilio, “Bài giảng cho Người Giầu”, 3.

[15] Thánh Chrysostom, Chú Giải Thánh Matthew, Bài Giảng 77, n.5tt.

[16] Thánh Chrysostom, Bài Giảng 47, n.4.

[17] Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, pt. II/II q.30, a.4, ad.2.

[18] Dietrich Bonhoeffer, The Cost of Discipleship, bản dịch của R.H. Fuller (New York: Macmillan, 1972), pp. 100-101.

[19] Luz, Matthew 1-7, pp. 285-287.

[20] Athenagoras, A Plea for the Christians, 11; Tertullian, To Scapula, 1; Origen, Against Celsus, 59-61.

[21] 2 Clement, 13tt.

[22] Tertullian, Of Patience, 6.

[23] Thánh Chrysostom, Chú Giải Thánh Matthew, Bài Giảng 18, n.3.

[24] Thánh Ambrosio, Về Các Nghĩa Vụ của Hàng Giáo Sĩ, 48, nn.242-248.

[25] Thánh Augustino, Handbook on Faith, Hope, and Love, 73-74.

[26] Thánh Thomas Aquinas, Summa theoligiae, pt. II/II, q.25, a.8; x. a.9.

[27] Luz, Matthew 1-7, pp. 290-291.

[28] Ibid., pp. 291. Về vấn đề chiến tranh, xem Chương VII.

[29] Ibid., pp. 292.

[30] Về vấn đề này, xem tài liệu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Memory and Reconciliation : The Church and the Faults of the Past (1999). Bản văn có tại http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20000307_memory_reconc-itc_en.html

[31] Xem: Paul M. Zulehner, Gott is grӧẞer als unser Herz (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006), pp. 146-152.

[32] Xem: Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2447.

[33] Tu Luật Thánh Benedicto, IV, 74.

[34] Christoph Schӧnborn, We Have Found Mercy: The Mystery of Divine Mercy, bản dịch của Michael J. Miller (San Francisco, Ignatius, 2012), pp. 102-105.

[35] Tagebuch der Schwester Maria Faustyna Kowalska (Hauteville: Parvis Verlag, 1990), pp. 80tt.

[36] Heinrich Schlier, “Vom Wesen er apostolischen Ermahnung” trong Die Zeit der Kirche (Fraeiburg i.Br.: Herder, 1958), pp. 74-89.

[37] Thánh Iréne, Chống Lạc Giáo, III, 25,7.

[38] Thánh Ephraim Người Syria, Thánh Ca chống Lạc Giáo, 1.

[39] A. Fitzgerald, “Mercy, Works of Mercy” trong Fitzgerald, Augustine through the Ages, 558.

[40] Thánh Augustino, Bài Giảng 38, 8; 53A, 6; 206,2; 236, 3.

[41] Thí dụ, xem: Navin Chawla, Mother Teresa: The Authorized Biography (Rockport, MA: Element, 1997).

[42] Mẹ Theresa, Worte der Liebe, bản dịch của Franz Johna (Freiburg I.Br.: Herder, 1997), pp. 117tt.

[43] Xem Chương VIII.

[44] Karl Hermann Schelkle, Jüngerschaft und Apostelamt (Freiburg i.Br: Herder, 1957); Hans Dieter Betz, Nachfolge und Nachhmung Jesu Christi im Neuen Testament (Tübingen: Mohr Siebeck, 1967); Martin Hengel, Nachfolge und Charisma: Eine exegetisch-religionsgeschichtliche Studie zu Mt 8, 21 tt. und Jesu Ruf in die Nachfolge (Berlin: A. Tӧpelmann, 1968); Bonhoeffer, The Cost of Discipleship.

[45] Karl-Heinz Menke, Stellvertretung: Schlüsselbegriff christlichen Lebens und theologische Grudkategorie (Einsiedeln: Johannes, 1997).

[46] Ulrich Luz và những người khác, “Nachfolge Jesu”, Theologische Realenzyklopӓdie, do Gerrad Müller, Horst Balz và Gerhard Krause hiệu đính (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 23: pp. 678-713.

[47] Tertullian, Hộ Giáo, 50,14.

[48] Thánh Bernard thành Claivaux, Song of Songs, 62,5. Xem: Thánh Bernard thành Clairvaux, Rückkehr zu Gott: Die Mystischen Schriften, bản dịch của Bernardin Schellenberger (Düsseldorf: Patmos, 2001), pp. 27-33.

[49] Ghi chú của bản tiếng Anh: Ảnh “pantocrator” vẽ Chúa Giêsu như Đấng Toàn Năng hay như Đấng Thống Trị và Duy Trì thế giới. Các hình ảnh như thế có thể tìm thấy nơi các nhà thờ cổ xưa, như Nhà Thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem.

[50] Ghi chú của bản tiếng Anh: Lúc xảy ra bệnh dịch, người mắc bệnh đến viếng các đền thánh với cây thập giá bệnh dịch; tại đây, họ có thể tự đồng hóa mình với sự đau khổ của Chúa Kitô chịu đóng đinh và tự nâng họ lên cây thập giá với Người.

[51] Karl-Heinz Menke, Jesus ist Gott der Sohn: Denkformen und Brennpunkte der Christologie (Regensburg: Friedrich Pustet, 2008), pp. 291-299.

[52] Về các chủ đề quán xuyến vô vị hóa (kenosis) và đêm đen, xem: Paul Rheinbay, “Voller Pracht wird die Nacht, weil dein Glanz sie angelacht” trong Gott denken und bezeugen: Festschrift für Kardinal Walter Kasper zum 75. Geburtstag, do G. Augustin và K. Krӓmer (Freiburg i.Br.: 2008), pp. 384-386.

[53] Ghi chú của bản tiếng Anh: “Giáo Hội đau khổ” hay ecclesia penitens chỉ các linh hồn trong luyện ngục; bởi thế, Thánh Theresa nhắc đến việc dập tắt các ngọn lửa của nó. Giáo Hội chiến đấu hay ecclesia militans chỉ các Kitô hữu còn sống ở đời này, họ đang chiến đấu chống lại các sức mạnh tội lỗi và sự ác.

[54] Story of a Soul: The Autobiography of St. Therese of Lisieux, bản dịch của John Clark (Washingotn, DC: Institute of Carmelite Studies, 1975), pp. 193-196. Xem: Hans Urs von Balthasar, Schwestern im Geist: Therese von Lisieux und Elisabeth von Dijon (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1970), pp. 316-320; Balthasar, Dare We Hope “That All Men Be Saved?” with a Short Discourse on Hell, bản dịch của David Kipp và Lothar Krauth (San Francisco: Ignatius, 1988), pp. 101-106.

[55] Story of a Soul: The Autobiography of St Therese of Lisieux, pp. 211-212.

[56] Ibid., pp. 217-217,252.

[57] Ibid., 253.

[58] Romaeus Leuven, Heil im Unheil: Das Leben Edith Staeins; Briefe und Vollendung, Edith Steins Werke, Bd. 10 (Freiburg i. Br.: Herder, 1983), pp. 166: “Komm, wir gehen für unser Volk”. Về điều này, xem: A. Ziegenaeus, “Benedicta a Cruce – Jüdin und Christin” trong Edith Stein: Leben, Philosophie, Vollendung, do Leo Elders hiệu đính (Würzburg: Verlag J.W. Naumann, 1991), pp. 129-143, nhất là 137tt.

[59] Mother Teresa: Come Be My Light: The Private Writings of the “Saint of Calcutta” do Brian Kolodiejchuk hiệu đính (New York: Doubleday, 2007).

[60] Bonhoeffer, The Cost of The Discipleship, pp. 81-82.