Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Bắt đầu mùa Chay, Hội Thánh kêu gọi chúng ta: “Hãy ăn năn xám hối và tin vào Phúc Âm”[1] (Mc 1,15).
Câu Thánh Kinh này tiếng Latin: “Paenitemini et credite Evangelio”. Trong đó, chữ “Evangelio” (Evangelium) trước đây dịch là “Phúc Âm”, nhưng nay, càng ngày càng nhiều người thích dịch là “Tin Mừng”,[2] điều này xem ra không thể đảo ngược được.. .Vậy, chúng ta thử tìm hiểu nghĩa của thuật từ Phúc Âm và Tin Mừng
1. Tìm hiểu nguyên ngữ Evangelium
Evangelium phát xuất từ tiếng Hy Lạp là “Euaggelion” [eu = tốt lành, vui mừng; aggelion = tin tức, sứ điệp]. Theo nghĩa thông thường của người Hy Lạp, “Euaggelion” là một tin tốt, đặc biệt là tin báo chiến thắng. Trong thời bình của Đế quốc Rôma, những biến cố lớn của hoàng đế (người được xem như là thần linh và là cứu chúa) đều được ca tụng như những “evangelium”. Ngôn ngữ Kitô Giáo vay mượn động từ “euangelizomai” – “loan báo tin tốt lành” trong Cựu Ước, với ý nghĩa đặc biệt đã có sẵn: Loan báo ơn cứu độ (x. Is 40,9; 41,27; 52,7; 61,1).[3]
Đối với chúng ta, “Evangelium” chỉ bản văn kể lại cuộc đời Chúa Giêsu hoặc chỉ những phân đoạn của bản văn đó đọc trong Thánh Lễ.
Trên phương diện thần học, “Evangelium” được hiểu là:[4]
– Tin về ơn cứu độ do Đấng Messia mang đến cho loài người.
– Giáo huấn của Chúa Giêsu, do các Tông Đồ rao giảng.
– Sự ghi chép của lời giáo huấn này thành sách.
– Mỗi cuốn trong bốn cuốn ghi lại lời giảng dạy này và được nhận vào Thư Quy.
Trong Thánh Kinh, từ “Euaggelion” được sử dụng rất nhiều (khoảng 20 lần trong Cựu Ước và khoảng 150 lần trong Tân Ước).
Để dịch từ “Euaggelion”, các bản dịch tiếng Anh dùng những từ như: “Evangel”, “Gospel”, “Good news”, “Good tidings”, “Glad tidings”, “Joyful message”,… Các bản dịch tiếng Pháp cũng dùng những chữ như: “Évangile”, “Bonne nouvelle”, “Joyeuse messagère”,… Và ngay cả trong Nova Vulgata cũng dùng nhiều chữ như: “Evangelium”, “Adnuntiantes”, “Adnuntiantis bonum”, “Ostenderetur”, “Bona nuntians”,… Trong khi đó, các bản dịch tiếng Việt có thế giá nhất[5] thì chỉ dịch là Tin Mừng, không dùng đến từ Phúc Âm![6]
– Có thể trưng vài dẫn chứng như sau:
Bản văn |
Modern Greek |
Greek OT |
Nova Vulgata |
1Sm 31,9 |
aggelianeis |
euaggelizontes |
annuntiaretur |
2Sm 18,31 |
aggelias |
euaggelisthito |
Bonumapportonuntium |
Is 40,9 |
aggellias |
euaggelizomenos |
evangelizas |
Is 52,7 |
aeuaggelizomenou |
euaggelizomenou |
annuntiantis |
Is 52,7 |
beuaggelizomenou |
euaggelizomenos |
annuntiantis bonum |
Mc 1,1 |
euaggeliou |
euaggelio |
evangelii |
Bản văn |
Nhóm CGKPV |
Lm. Nguyễn Thế Thuấn |
Lm. Trần Đức Huân |
1Sm 31,9 |
báo tin mừng |
rao tin mừng |
kẻ loan tin |
2Sm 18,31 |
tin mừng |
tin mừng |
tin mừng |
Is 40,9 |
kẻ loan tin mừng |
người loan báo tin mừng |
ai giảng tin lành, ai rao tân ước |
Is 52,7a |
người loan báo tin mừng |
người sứ giả |
thông tín viên |
Is 52,7b |
người loan tin hạnh phúc |
kẻ đem tin mừng |
kẻ đem tin lành |
Mc 1,1 |
Tin Mừng |
Tin Mừng |
Phúc Âm |
Bản văn |
The Jerusalem Bible 1966 |
Jewish Publication Society 1917 |
King James Version |
1Sm 31,9 |
proclaim the good news |
to carry the tidings |
to publish |
2Sm 18,31 |
good news |
tidings |
Tidings |
Is 40,9 |
joyful messenger |
good tidings |
good tidings |
Is 52,7a |
who rings good news |
the messenger of good tidings |
that bringeth good tidings |
Is 52,7b |
(who) brings happpiness |
the harbinger of good tidings |
that bringeth good tidings of good |
Mc 1,1 |
Good News |
The Gospel |
|
Bản văn |
French-Darby |
French – Louis |
Segond Biblique De Jérusalem, 1956 |
1Sm 31,9 |
annoncer la bonne nouvelle |
annoncer ces bonnes nouvelles |
annoncer la bonne nouvelle |
2Sm 18,31 |
une bonne nouvelle |
la bonne nouvelle |
la bonne nouvelle |
Is 40,9 |
bonnes nouvelles |
bonne nouvelle |
joyeuse messagère |
Is 52,7a |
qui apporte de bonnes nouvelles |
qui apporte de bonnes nouvelles |
porteur de bonnes nouvelles |
Is 52,7b |
qui apporte des nouvelles de bonheur |
qui apporte de bonnes nouvelle |
qui apporte le bonheur |
Mc 1,1 |
lӎvangile lӃvangile |
|
La Bonne Nouvelle |
2. Tìm hiểu từ Phúc Âm
a/. Phúc, có 4 chữ Hán: 福, 腹, 覆, 輻, ở đây là chữ 福, có nghĩa: Điều may mắn, tốt lành, trái với họa.
Thật vậy, phúc là một trong cửu trù Hồng Phạm do Trời ban cho vua Vũ để “di luân di tự” (luân thường vì thế mà bày ra có thứ tự), và Kinh Thư chia phúc ra năm loại, gọi là ngũ phúc gồm:[7]
– (1) Trường thọ (sống lâu dài, không đoản mệnh).
– (2) Phú quý (tiền của nhiều, địa vị tôn quý).
– (3) Khang ninh (thân thể khỏe mạnh, tâm hồn yên lành).
– (4) Hiếu đức (tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh).
– (5) Thiện chung (“chết lành”: có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. Khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian).
Cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn khi được cả ngũ phúc, nếu thiếu điều nào thì vẫn chưa được phúc hoàn toàn. Ví dụ: người trường thọ mà nghèo khổ, người phú quý mà yểu mệnh, người sang giàu nhưng luôn phải lao tâm khổ xác, người nghèo hèn mà thiện chung, người phú quý, trường thọ nhưng cuối đời gặp tai họa chết bất đắc kỳ tử… Cảnh ngộ cuộc đời phức tạp nhiều không kể hết. Đó là mới nói đến sự biến hoá của ngũ phúc. Chỉ khi toàn bộ ngũ phúc đều có cả mới được gọi là thập toàn thập mỹ, còn các trường hợp còn lại đều là tốt đẹp không trọn vẹn.
Trong ngũ phúc, hiếu đức (phúc thứ tư) là quan trọng nhất. Đức là nguyên nhân và là cái gốc của phúc. Phúc là biểu hiện và là kết quả của đức. Người có phúc hiếu đức thì lương thiện, nhân hậu, hiền hoà, thuần khiết, lúc nào cũng bố thí, hay làm việc thiện, tích nhiều ân đức, nhờ đó có thể bồi dưỡng bốn phúc khác, làm cho nó không ngừng phát triển. Do đó, hiếu đức được xem là “phúc tướng”.
Theo Lục Thư,[8] chữ phúc (福) thuộc “hình thinh”. Viết bộ thị (示 còn đọc kỳ) và thinh bức (畐 bị), có nghĩa phù hộ, là thần ban điều lành giúp con người, nên viết bộ thị (示) và dùng bức (畐) với âm bị, có nghĩa là mãn (nghĩa là có đầy đủ, không gì không thuận lợi là phúc), tức là: trời đất ban xuống những điều tốt lành để thoả mãn nguyện vọng của con người, nên dùng thinh 畐.
Thuyết Văn dùng chữ phúc với nghĩa là bị (bị là mọi việc đều thuận lợi). Chữ 福 đọc âm “phúc”, có nghĩa là mình xin cho được nhiều phúc.
b/. Âm, có 3 chữ Hán: 陰, 音, 瘖, chữ liên quan là 音, có 3 nghĩa: (1) Tiếng nói, cái mà tai có thể nghe được. (2) Đơn vị ngữ âm nhỏ nhất. (3) Tin tức.
Âm (音) trong từ phúc âm (福音) có nghĩa là tiếng, tin, thuộc loại “chỉ sự”. Viết chữ ngôn (言 – lời) ngậm dấu ngang (—) là cái dấu để tạo chữ, không phải là chữ nhất (一), quy định dấu ngắn thì đặt ở trên dấu ngang, dấu dài đặt ở dưới. Thí dụ: chữ thượng (上) cách trình bày của loại chỉ sự là dấu ngang (二); chữ hạ (下) là (二) . Như vậy, chữ ngôn (言) phần dưới có chữ khẩu (口), chữ khẩu ngậm dấu ngang (—). Thinh do tâm sinh ra, biểu lộ ra ngoài là âm, tức là cái hợp thinh mà được nhịp nhàng hoà hợp với các thinh để thành văn, thì gọi là âm.
c/. Phúc âm: Nếu hiểu theo nghĩa hẹp, phúc âm (福音) có nghĩa là “tiếng nói may mắn, tin tốt lành lớn”. Nhưng nếu tìm hiểu rộng hơn, thì chữ phúc – theo triết lý Đông phương – bao hàm tất cả những điều thiện hảo mà con người có thể hình dung hay mơ tưởng.
3. Tìm hiểu từ tin mừng
a/. Tin, là tiếng Nôm, có 3 nghĩa:
– (1) Cho là thật; là chắc chắn, đáng trông cậy vào, đáng được trao tâm tình, của cải, trách nhiệm.
– (2) Điều được truyền đi (hay báo cho biết) về sự việc, tình hình xảy ra.
– (3) Trúng, đúng, đạt đến độ chính xác cao.
b/. Mừng, là tiếng Nôm, có 2 nghĩa:
– (1) Cảm thấy thích thú, vui sướng.
– (2) Tỏ ý chia vui bằng lời nói hay tặng phẩm.
c/. Tin mừng: là tin tức đem lại niềm vui.
4. Nhận xét
Thuật từ tin mừng có nội dung đơn giản là tin tức (đem lại) niềm vui mừng, “hỉ tín”. Trong khi từ phúc âm, theo văn hoá Á Đông, bao hàm nhiều ý tưởng phong phú và sâu sắc hơn rất nhiều. Phải chăng vì có sự khác biệt giữa những tin vui phàm tục (tin thắng trận, tin kẻ thù bị tiệu diệt, tin người son sẻ có mang,…) với tin mừng bất diệt (tin loan báo ơn cứu độ, lời hằng sống của Chúa Giêsu,…) mà các bản Thánh Kinh La ngữ, cũng như những bản dịch ngoại ngữ khác, đã phải dùng thêm nhiều từ khác ngoài từ Evangelium, nhưng vẫn không lột tả được hết ý nghĩa.
Các ngôn ngữ phương Tây, vì không có từ ngữ khả dĩ nên hầu hết đều vay mượn từ hoặc âm evangelium để diễn tả nội dung tin mừng bất diệt. Ngày xưa, các vị thừa sai cũng đã dịch âm evangelium sang tiếng Việt là “Evang”, Sách “Evang”. Nhưng sau đã có từ Phúc Âm với ý nghĩa triết lý Đông phương rất thâm thuý mà tiếng các nước phương Tây không thể có được.
Kết luận
Vậy, vì lí do gì, căn cứ vào đâu chúng ta lại bỏ qua từ Phúc Âm, mà chỉ dùng một từ Tin Mừng với ý nghĩa không có gì sâu sắc cả?
[1]Kinh Thánh, Lm. Trần Đức Huân chuyển dịch, Sài Gòn, 1968.
[2]Không tìm thấy chữ “Phúc Âm” trong toàn bộ Kinh Thánh do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch, ấn bản điện tử của VietCatholic Bible 2000-2003.
[3]Hippri: mebassèr (annunciation, message, news, tidings), mebasseret (Is 40,9): good tidings.
[4]Xc.Olivier de La Brosse, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE: Évangile
[5] Các bản Kinh Thánh của: Ủy Ban Phụng Vụ thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, cha Nguyễn Thế Thuấn (dựa vào các bản Hy Lạp).
[6] Bản dịch của cha Trần Đức Huân dựa vào Bản Phổ Thông (Vulgata) thì dịch là Tin Lành, Phúc Âm, Người đem tin,…
[7] “Cửu ngũ phúc: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh, tứ viết du hiếu đức, ngũ viết khảo chung mệnh” (Kinh Thư, Thiên Hồng Phạm, 33)
[8] Sáu qui tắc tạo nên chữ Hán gọi là Lục Thư: (1) Tượng hình; (2) Chỉ sự; (3) Hội ý; (4) Hình thinh; (5) Chuyển chú; (6) Giả tá.