Phẩm Giá Hay Nhân Phẩm Con Người Trong Tư Tưởng Của Kant và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

0
4202


Lm. Nguyễn Hữu Thy

 

Những tương đồng và những khác biệt về nhân chủng học cũng như về đạo đức học giữa Kitô giáo và xã hội thế tục được bày tỏ rõ ràng trong quan niệm về nhân phẩm của triết gia Immanuel Kant và của thánh GH Gioan Phaolô II mà chúng tôi muốn trình bày tổng quát trong những dòng tóm tắt sau đây.

Quan điểm triết học Kitô giáo chủ trương trả lại cho con người „dignitas humana“ – nhân phẩm bất khả nhượng, mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng cho mỗi người khi Người dựng nên họ và cho họ được mang trên mình hình ảnh của Người (x. St 1,27). Nhân phẩm của con người lại một lần nữa đã được chính Thiên Chúa phê nhận và đề cao một cách đặc biệt trong biến cố Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mặc xác phàm để hiện thực kế hoạch cứu độ nhân loại.

Vâng, là phản ảnh của Thiên Chúa Tối Cao, tất nhiên con người được thủ đắc một nhân vị và phẩm giá bất khả xâm phạm, dù bởi xã hội, bởi môi trường ngoại cảnh hay bởi chính con người. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Làm Người, phẩm giá con người một lần nữa lại đã được Thiên Chúa chuẩn y qua một sự quan tâm hết sức đặc biệt, sự quan tâm đầy yêu thương của một Đấng Tạo Hóa đối với tạo vật của Người. Điều đó cũng muốn khẳng định rằng hình ảnh Thiên Chúa Tạo Hóa nơi và trong mỗi người không phải là một phẩm chất hay một sở hữu cá biệt của con người như một tài năng nào đó – ví dụ: khả năng hùng biện, ca hát, nghệ thuật, hội họa, v.v… –, nhưng là chính yếu tính của con người.

Điều đó muốn nói rằng, cụm từ „hình ảnh Thiên Chúa nơi hay trong con người“ chỉ là một cách diễn tả của ngôn ngữ thông thường mà thôi, chứ không hiểu theo „ngôn ngữ gợi hình“, nghĩa là hình ảnh Thiên Chúa không hiện hữu trong con người như trong một cái gì đó – ví dụ như bức tượng trong đền thờ, chiếc áo treo trong tủ hay hơi thở trong một người, nghĩa là một thực thể mà người ta có thể tách biệt ra khỏi vị trí mà nó đang hiện hữu –, nhưng hình ảnh ấy cùng đồng hiện hữu với con người, hay nói đúng hơn, nó đồng hóa với chính con người: Con người là chính hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa!

Nếu thế, nhân phẩm con người là bất khả nhượng và bất khả xâm phạm, nếu không, chính con người bị xâm phạm, và nhân phẩm không thể bị tách biệt ra khỏi con người, bởi vì tương tự như hình ảnh Thiên Chúa không thể bị tách biệt khỏi con người được, như đã nói trên.

Đó chính là đỉnh điểm của ý niệm về phẩm giá tuyệt đối của con người. Bởi vì nhân phẩm, bởi vì phẩm giá con người được gắn liền với một hữu thể tuyệt đối, với Thiên Chúa, Đấng đã trao ban cho con người phẩm giá tuyệt đối ấy, vì Người tuyệt đối yêu thương con người. Con người có trách nhiệm tôn trọng và bảo toàn phẩm giá ấy – nơi mình cũng như nơi người khác – như một hành động tri ân chân thành để đền đáp lại tình yêu ấy của Thiên Chúa. „Tôi yêu nên tôi hiện hữu“ là một điều xác tín mà người ta thấy được hiện thực một cách cụ thể nơi con người Karol Wojtyla và sau này là ĐGH Gioan Phaolô II và còn hơn thế nữa: là đại thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một điều xác tín mà người ta tìm gặp trong các công trình nghiên cứu triết học, trong các Tông Thư và các bút ký của ngài.

Qua đó, chúng ta thấy rằng theo quan điểm triết học của Gioan Phaolô II, con người không phải là một hữu thể lẻ loi cô độc, nhưng trước hết là một hữu thể được liên kết chặt chẽ với một mạng lưới các tương quan: tương quan với Thiên Chúa và tương quan với đồng loại của mình. Và từ mạng lưới tương quan ấy cái phẩm giá tuyệt đối của con người được phát huy một cách đúng đắn như là một nhân vị.

Tình yêu phân biệt con người khỏi các tạo vật khác

Trong công trình khảo cứu với tựa đề „Tình yêu và trách nhiệm“ của mình vào thập niên 1960, Karol Wojtyla đã từng phát biểu: „Nhân vị là một hữu thể khách quan, liên kết chặt chẽ với thế giới ngoại cảnh như một chủ thể nhất định và nhờ vào tình cảm và đời sống nội tâm, là nơi mà chủ thể ấy đâm rễ sâu. Ngoài ra, chính nhân vị ấy không chỉ được liên kết với thế giới thực tiễn hữu hình, nhưng còn được gắn bó với Thiên Chúa vô hình. Đó chính là một dấu chỉ muốn nói lên rằng nhân vị con người trong thế giới hữu hình là một thực thể hoàn toàn đặc biệt.“ Điều đặc biệt của nhân vị con người hệ tại ở chính lý trí và lương tâm, đây là hai tài năng giúp con người có được khả năng nhận thức và yêu thương. Chính khả năng biết yêu thương là đặc điểm phân biệt con người khỏi thiên nhiên không có nhân tính, Karol Wojtyla viết: „Chỉ duy con người mới có khả năng tham dự vào tình yêu.“

Cũng tương tự như thế đối với triết gia người Đức Immanuel Kant – khi còn theo học triết học Karol Wojtyla đã từng nghiên cứu các tác phẩm thời danh của Kant và đã phiên dịch một số ra tiếng Đức để dùng riêng –, chính khả năng cũng như sự sẵn sàng nhận thức và cảm thông những tâm tư nguyện vọng cũng như những nỗi buồn và đau đớn của kẻ khác(1) là yếu tố quyết định khiến cho hữu thể con người trở thành một nhân vị biết „kính trọng luật luân lý.“ Nền tảng của sự nhận thức và cảm thông kẻ khác là chính sự tri kỷ, tức sự tự nhận thức chính mình. Khi người ta càng cởi mở và thông thoáng với những cảm xúc của mình thì người ta càng dễ dàng hiểu và thông cảm được những tâm tư tình cảm của kẻ khác.(2) Như thế, sự cảm thông và nhận thức không chỉ đóng một vai trò trong quá trình tương quan tới những người khác, nhưng nó còn mang tính cách quan trọng ngay trong chính phạm vi tự tri kỷ và tự cảm thông với chính mình nữa.Theo quan niệm triết học Kant thì lý do của phẩm giá con người tương tự với ý niệm của nó về Thiên Chúa, tuy nhiên rất trừu tượng. Siêu việt tính của nhân phẩm là một cái chi „siêu nghiệm“, tức „thiên chức làm người“ hay „nhân tính.“

Trong khi đó, dựa vào sự quyết đoán minh bạch rõ ràng của Phúc Âm và của nền đạo đức luân lý mà Đức Giêsu đã mặc khải ra trong đó, quan điểm của Karol Wojtyla có lẽ còn thực tiễn hơn. Vâng, chính tình yêu tam cấp – tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêu đối với tha thể và tình yêu đối với chính mình – làm tăng trưởng phẩm giá con người một cách thực tiễn và đúng đắn nhất. Qua đó, chính con người tự cảm nhận được chính mình trước hết trong tương quan với Thiên Chúa, một sự tương quan làm nền tảng cho mọi tương quan khác. Đối với Gioan Phaolô II, chính sự tương quan với Thiên Chúa đã làm cho hôn nhân trở thành biểu tượng của một tình yêu đã thiết lập nên một tương quan cụ thể trong „định hướng theo sự thiện hảo.“

Dưới ảnh hưởng của Kant, quan niệm thế tục về phẩm giá con người hầu như được khoanh vùng trong các quan hệ nhân loại, nghĩa là nhân phẩm chỉ mang tính cách nhân bản thuần túy, hay nói cách khác, một nhân phẩm không còn được gắn bó với nền tảng thần quyền, nhưng tìm cách đạt tới sự độc lập tự trị và sự tự quyết của một cá thể không còn muốn khép mình trong các giới răn Thiên Chúa cũng như các giới luật tự nhiên, nhưng tự đặt ra cho chính mình các luật lệ nhằm công nhận và củng cố bản sắc cũng như sự toàn vẹn của chính mình.

Một quan niệm về nhân phẩm như vừa được đề cập tới – nếu người ta thực sự muốn đề cập một cách nghiêm túc ở đây tới nhân phẩm – sẽ không chỉ loại bỏ các khái niệm thuần túy tín ngưỡng mà còn loại bỏ cả sự đòi hỏi về tính tuyệt đối và tính bất khả nhượng, về đạo đức tính đặc biệt và về trách nhiệm cực kỳ nghiêm trọng của phẩm giá con người. Nhưng như đã đề cập tới ở trên, nhân phẩm mang tính chất tuyệt đối, vì nó phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, nên nó trở thành bất khả xâm phạm. Nó đòi hỏi mọi nhà nước cũng như mọi đơn vị xã hội khác phải tuyệt đối tôn trọng và phải đặt nhân phẩm lên trên tất cả các quyền lợi và trật tự khác trong xã hội. Đó cũng là điều luật được ghi rõ ràng ngay từ đầu bộ luật hình sự của mỗi nhà nước.

Nếu được hiểu như thế, thì nhân phẩm mới thực sự có một chỗ đứng trong khuôn khổ trật tự của luật pháp, hay nói cách khác, thì phẩm giá con người mới thực sự được biện minh như là một khái niệm độc lập và có khả năng giải phóng con người ra khỏi cơ cấu nhằm mưu cầu lợi ích của xã hội nhân loại, dù là lợi ích chính trị hay kinh tế. Nhưng đó là điều khả dĩ, chỉ khi nào ý niệm về nhân phẩm, dù xuất phát từ ảnh hưởng tín ngưỡng hay xã hội thế tục, loại bỏ được phạm vi do các qui luật điều hợp và hướng tới phạm vi siêu việt, một phạm vi vượt khỏi „tầm tay“ khả năng tiếp cận tùy tiện của con người. Chính phạm vi siêu việt này phải đối mặt với hai khuynh hướng triết học:

1. Hoặc theo quan điểm triết học Karol Wojtyla: Phạm vi ấy biện minh cho con người như là một hữu thể có khả năng tiến tới tự siêu việt hóa chính mình, mà ngôn ngữ bình dân gọi là nỗ lực „nên thánh“, và đồng thời định hướng cho con người tìm về thực thể siêu nghiệm tuyệt đối, tức Thiên Chúa;

2. Hoặc theo quan điểm triết học Immanuel Kant: Phạm vi ấy định hướng về một chủ thể tính siêu nghiệm, tức tiến tới một quyền lực siêu nghiệm nội tại trong chính con người.

Hay nói cách khác, hoặc: nhân phẩm mang tính chất tuyệt đối và bất khả nhượng, hoặc: ý niệm „nhân phẩm“ chỉ là một khái niệm của lý trí thuần túy và là một danh từ trống rỗng, vô nghĩa.

Theo I. Kant, nhân phẩm mang giá trị tối thượng

Trong tư tưởng triết học nền tảng của ông về siêu hình học luân lý, Kant hoàn toàn loại bỏ tất cả những tính chất khách quan hóa chủ thể, tức tất cả những tính chất dụng cụ hóa con người, vì theo Kant những quyền lợi cơ bản của con người không thể bị đánh giá sai được, dù để đạt tới một „mục đích tốt“ cũng không. Đối với Kant những hành động như thế là hoàn toàn phản luân lý. Dạng thức chuyên biệt của phạm trù quyết lệnh của Kant là: „Anh hãy hành động ra sao để khi anh sử dụng tính nhân đạo trong anh cũng như trong một người khác luôn luôn là mục đích, chứ không bao giờ là phương tiện.“(3) Con người tự bản chất là mục đích, con người là mục đích tự nội! Trong khi đó, ngược lại, nếu bất cứ ở đâu con người bị lợi dụng như phương tiện thuần túy, dù cho một mục đích cao thượng nào đó, thì lập tức nhân phẩm của họ bị xúc phạm trắng trợn. Đây là sự xác tín được tất cả mọi luật pháp các nhà nước đều ghi nhận ngay từ trang đầu. Phẩm giá con người bị xúc phạm khi chính con người cụ thể bị hạ thấp xuống hàng đối tượng, bị sử dụng như một phương tiện thuần túy, như một giá trị có thể thay thế được.(4)

Ở một nơi khác, Kant còn xác quyết cách rõ ràng hơn: „Trong thế giới của những mục đích, tất cả đều: hoặc có một cái giá nào đó hoặc có một phẩm giá. Một cái gì đó có được một cái giá, thì người ta cũng có thể thay thế vào đó một giá trị khác tương đương. Ngược lại, khi một cái gì đó chứa đựng một giá trị cao quý vượt lên trên tất cả mọi giá trị, thì người ta không thể thay thế vào vị trí của nó bất cứ một cái gì khác có giá trị tương đương được, và cái giá trị cao quý vượt trên mọi giá trị cao quý khác, đó chính là nhân phẩm, là phẩm giá con người. Một cái gì đó còn có quan hệ với các khuynh hướng và điều kiện tất yếu của con người, thì có một thị giá; Và cái gì, dù không có quan hệ với điều kiện tất yếu, nhưng còn tùy thuộc vào một thị hiếu nào đó, nghĩa là còn chịu ảnh hưởng hay tùy thuộc vào các dữ kiện và các tác động của tâm lý, thì có được cái giá tình cảm; còn một cái gì đó lại là chính nguyên nhân hay điều kiện để một cái gì khác có thể trở thành mục đích cho chính mình, thì không chỉ có một giá trị tương đối, tức một cái giá, nhưng là chiếm hữu một giá trị nội tại, nghĩa là nhân phẩm.“

Tất cả những điều đó muốn nói rằng một phẩm giá (vô tận) thì không thể đồng thời lại có một cái giá (tương đối) được và như thế không thể có cái gì khác còn có thể đem so sánh được với nó. Vâng, chính con người là một hữu thể với một phẩm giá nội tại, một hữu thể có khả năng đặt ra những mục đích và tự vươn mình lên thành mục đích. Ở đây Kant muốn nói đến „nhân tính“ mà mỗi người đều chiếm hữu. Dĩ nhiên, Kant không muốn nói đến cái toàn khối những tổng hợp đúc kết nên con người thực nghiệm, nhưng ông muốn nói đến điều làm cho mỗi một con người (homo phaenomenon) thành con người thực sự trong chính mình (homo noumenon), tức chủ quan tính siêu nghiệm của nó. Chính chủ quan tính siêu nghiệm với đầy đủ ý thức và sự tự lập nơi mỗi người đòi buộc người ấy phải tôn trọng và tuân thủ luật luân lý vì phúc lợi chung của xã hội. Điều đó muốn nói rằng luật luân lý là nhịp cầu nối kết con người với xã hội đồng loại của mình.
 

Theo K. Wojtyla, tình yêu là nền tảng của nhân vị

Trong khi đó Karol Wojtyla thì đơn giản gọi trọng điểm và đích điểm của luân lý đạo đức là tình yêu, là đức ái. Bởi vì tình yêu làm cho mọi tương quan của con người đạt được thành tựu, vâng, chỉ có tình yêu mới làm cho con người thành nhân vị thực sự: „Nhân vị tìm gặp trong tình yêu sự sung mãn của bản thể mình, của sự hiện hữu khách quan của mình. Tình yêu là hành động làm phát huy sự hiện hữu của nhân vị một cách trọn vẹn nhất“(5), một điều được ẩn chứa trong chiều kích luân lý của sự hiện hữu, vì „Agapê“, tức tình yêu chân chính, trọng tâm „giới luật tình yêu“ của Đức Kitô, luôn nhằm tới sự thật và sự thiện hảo, và nhờ thế, con người ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực xây dựng cho cuộc sống chung được thành công, và không chỉ trong hôn nhân, nhưng cả trong xã hội nữa, một nơi mà tình cảm thân hữu hỗ tương – dù hiểu theo nghĩa philia hay eros(6) – giữa những nhân vị hay những nhóm các nhân vị tác nhân không luôn được thể hiện và được chấp nhận như một điều tất yếu. Trách nhiệm này chỉ có thể được chấp nhận và được thực thi trong sự tự do mà thôi, tương tự như từng được thể hiện trong tương quan tình yêu hoàn toàn tự nguyện giữa Thiên Chúa và con người.

Theo quan điểm của Karol Wojtyla thì con người hoàn toàn tự do, và vì thế có trách nhiệm. Vâng, con người chỉ có trách nhiệm, khi con người thực sự được tự do. Đó cũng là quan điểm của Kant. Nhưng trong khi theo Kant, tự do trước hết được hiểu là thoát khỏi sự ràng buộc và lệ thuộc, là sự độc lập và – theo nghĩa trách nhiệm – là pháp chế hầu để không quên bổn phận phải tôn trọng luật luân lý, thì đối với Karol Wojtyla tự do được hiểu là tự do để yêu thương, để từ bỏ chính mình hầu con người có thể gắn bó chặt chẽ và bền vững với Thiên Chúa – vì theo Kitô giáo, Thiên Chúa là một ngôi vị – và với nhau. Đó là một sự khác biệt cơ bản giữa Immanuel Kant và Karol Wojtyla.

Điều đó cho thấy rằng ý niệm về yếu tính và phẩm giá con người được Immanuel Kant và Karol Wojtyla quan niệm và lập luận theo hai cách thức khác biệt. Tuy nhiên, giữa hai quan niệm vẫn có điểm gặp gỡ chung, khi cả hai cùng đồng quan điểm trong thái độ đạo đức của con người cần phải có đối với thiên nhiên, đối với môi trường ngoại cảnh. Chính phương thức humanitas, phương thức nhân bản của phạm trù quyết lệnh Kant hoàn toàn tương hợp với quan điểm Kitô giáo về nhân vị, một thực tại bất khả nhượng và bất khả tráo đổi hay lẫn lộn với bất cứ gì khác, ngay từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc cuộc sống, tức từ khi được cưu mang trong dạ mẹ cho tới lúc chết tự nhiên.

Lý do của sự hỗ trợ cho việc bảo vệ phẩm giá con người – sự sống con người trước khi sinh ra, cuộc sống con người tàn tật, đau ốm và già nua – chỉ nhìn nhận một nền tảng chắc chắn, đó là:

• Sự thánh thiện của nhân vị được trào dâng từ nguồn thánh thiện vô biên của Thiên Chúa.

• Tình yêu đối với tha nhân, một tình yêu được phát xuất từ nguồn tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi trật tự pháp lý của xã hội trần thế muốn mang đầy đủ tinh thần nhân bản chân chính và sâu xa, thì có thể và cần phải được sự hỗ trợ và củng cố của tinh thần Kitô giáo. Điều đó muốn nói rằng trong trường hợp này Immanuel Kant có thể học hỏi nơi Karol Wojtyla.

Quả là một dấu chỉ hoàn toàn tích cực, khi Karol Wojtyla, ĐGH Gioan Phaolô II được tôn phong lên bậc hiển thánh, vì điều đó biện minh một cách hùng hồn cho quan điểm về nhân phẩm và hệ thống tư tưởng triết học sâu xa và đầy nhân bản của ngài. Và vì thế, là một điều hoàn toàn hợp lý và hữu ích, nếu như các đại học tại các quốc gia trên khắp thế giới đem phổ biến hệ thống tư tưởng triết học của nhà đại tư tương Kitô giáo này qua các giáo trình cũng như lịch trình nghiên cứu của mình như các trường cao đẳng và các phân khoa thần học Công Giáo đã thực hiện. Hy vọng rằng điều cần thiết và hữu ích ấy sẽ được hiện thực trong một tương lai gần.

___________________

1. x. J. A. Hall & F. J. Bernieri, Interpersonal Sensitivity, Theory and Measurement, London, 2001, trang. 21 tt. und Paul Ekman, Gefühle lesen, Spektrum Verlag 2007, trang. 249 (2. Auflage 2010, (Taschenbuch)); englischsprachiges Original 2003: Emotions revealed. Understanding faces and feelings.

2. x. Marshall B. Rosenberg “Gewaltfreie Kommunikation”, (2011), trang. 171 tt.

3. X. Grundlegung zur Metaphysik der Sitten.

4. x. Kommentar zu Art. 1 Abs. 1 Grundgesetz, trong: Maunz, T./Dürig, G. (Hrsg): Grundgesetz. Kommentar. München 1958, Rn.58.

5. x. Karol Wojtyla (Johannes Paul II): Liebe und Verantwortung, eine ethische studie. Sách dày 420 trang. www.kath.net).

6. Philia (trong tiếng Hy Lạp là φιλíα philía) trong văn chương và triết học Hy-lạp thời thượng cổ có nghĩa là một hình thức tình yêu giữa những người bạn, hay nói đúng hơn, là tình bạn. Philia khác với Eros. Eros là tình yêu tính dục hay cũng được gọi là tình luyến ái xác thịt. Philia được đặt trên ba cơ sở: cả hai đối tác cùng có sở thích chung, cùng có niềm vui chung và cùng công nhận và chấp nhận lẫn nhau. Chính Aristote đã gọi thái độ công nhận và chấp nhận lẫn nhau là thái độ cao thượng nhất của philia.