Phái Tính Trong Thánh Kinh

0
813


Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Theo Eric Fuchs, le désir et la tendresse, Labor et Fides, 6 éd. Genève 1979. Ch. II : “Significations humaines de la sexualité”.
 
 

Hai nhận định căn bản trong lãnh vực phái tính là :

– Bất cứ xã hội nào cũng có những qui định kiểm soát chặt chẽ những hoạt động của phái tính,

– Phái tính luôn là một xung lực bùng nổ muốn thoát khỏi những qui định ràng buộc của xã hội. Lý do của hiện tượng này:

+ vì phái tính góp phần duy trì và phát triển đoàn thể.

+ phái tính mang trong mình năng lực phá hủy những trật tự xã hội.

Vì thế, người ta thấy tình dục luôn được xã hội hóa, và bị kiểm soát rất chặt. Nhưng nó vẫn tìm cách thoát khỏi những ảnh hưởng kiểm soát của xã hội để trở nên nơi khám phá và làm biểu lộ bản thân (surgissement de la personne), nơi qua đó, con người thoát khỏi áp lực của xã hội.

Do đó, ý nghĩa nhân văn của tình dục nằm trong cái tương quan này, một tương quan khó khăn và yếu ớt, giữa một bên là ngôn ngữ (langage) của xã hội để qui định phái tính, và bên kia là lời nói (parole) của cá nhân. Xã hội đặt ra những luật lệ và xác định ý nghĩa của tính dục, còn cá nhân qua kinh nghiệm tương quan tính dục, lại tìm được một nơi để khẳng định tự do của mình. Điểm chính yếu của luân lý nằm ở giữa một bên là nhu cầu của xã hội, những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của nó, và bên kia là niềm hy vọng giúp thực hiện dự án giải phóng của một số người. Vì thế cần định nghĩa tính hợp pháp của những luật lệ xã hội và tính hợp pháp của những dự án cá nhân vốn chống lại những định chế xã hội trong lãnh vực này.

Thực ra các nghiên cứu khoa học chỉ có thể đặt vấn đề, nhưng không phán quyết được tính hợp pháp của những giải pháp con người đã có thể đưa ra. Muốn trả lời cho câu hỏi, thiết tưởng không thể chỉ đưa ra sự kiện, nhưng còn phải có nhận định, và do đó phải nói được lý do tại sao như thế.

Câu trả lời của thần học

Thần học kitô giáo nhân danh cái gì để đối thoại với con người thời nay truớc những vấn nạn về giá trị của một số luật lệ trong vấn đề tình dục ? Thưa, nhân danh xác tín của chúng ta rằng Lời Chúa, như được Kinh Thánh cố gắng trình bày trong cái hàm hồ của ngôn ngữ con người, đã cho thấy ý nghĩa sâu xa cuối cùng của cuộc đời con người trong viễn tượng thần học của nó.

Cũng cần nói thêm rằng trở về Kinh Thánh để tìm ánh sáng cuối cùng ý nghĩa của cuộc đời con người không có nghĩa là chúng ta loại bỏ mọi tính phê bình khi đọc ngôn ngữ Kinh Thánh. Ngược lại là đằng khác !  Điều chúng tôi cố gắng trình bày, là làm sao trong cái hàm hồ của ngôn ngữ nhân loại, con người cố gắng lắng nghe, và nói lại Lời mà theo đức tin, do Thiên Chúa phán, tức là Thiên Chúa mặc khải cho biết Ngài là nguồn gốc và cùng đích cho mọi hiện hữu. Tất cả những thực tại liên quan đến con người đều cần được nhìn trong tương quan với Ngài.
 
Vì thế chúng ta cố gắng tra cứu truyền thống Kinh Thánh, qua hai phần : Trước tiên là những truyền thống nói lên cái nguy cơ của phái tính cũng như đề ra một sự qui định kiểm soát chặt chẽ. Những truyền thống cổ xưa này, được lưu truyền đặc biệt trong truyền thống tư tế dưới hình thức những khoản luật, và cho thấy một sọan thảo đầu tiên về luân lý tình dục. Ngòai ra chúng ta cũng gặp thấy những đoạn văn khác thuộc truyền thống khác trong Kinh Thánh có tính cách thần học hơn, chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp theo. Nếu những truyền thống thứ nhất nhấn mạnh về nguy cơ của tình dục thì những truyền thống sau lại nhấn mạnh vào tính trổi vượt của lời nói mà tình dục giúp thực hiện giữa ngưỡi nam và người nữ. Chúng tôi không có ý thiết lập trật tự giữa hai truyền thống, nhưng chỉ muốn nói rằng làm thế nào trong chính truyền thống Kinh Thánh có thể kết hiệp môt bên là trật tự xã hội của sự khác biệt, và đàng khác là trật tự có tính thần học hơn của tha thể.
 
I. PHÁI TÍNH GIỮA CÁI SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Theo truyền thống Kinh Thánh, phái tính là nơi cho thấy một kinh nghiệm mơ hồ và rất đáng sợ. Vì thế, để soi sáng cho tính mơ hồ này, các truyền thống cổ xưa nhất đã đặt ra bao nhiêu khoản luật cấm kị nhằm bảo vệ sự an toàn của xã hội khỏi những nguy hiểm mà tình dục gây ra cho con người, và để cỗ võ những ý nghĩa tích cực giúp huớng năng lực tính dục vào một dự án xây dựng.

Truyền thống “tư tế”, nhất là trong sách Levi, còn ghi lại rất nhiều điều cấm kị như thế. Levi các chương 11-16 trình bày những khoản luật liên quan đến việc sạch và không sạch, và những qui định về phái tính cũng được đặt vào trong phần này. Một điểm đáng lưu ý là trong những chương pháp qui này lại có những khoản cấm đoán hoặc cho phép mà bề ngoài chẳng ăn nhập với nhau gì cả, chẳng hạn đang nói tới gia súc (11), lại nói sang người đàn bà mới sinh con (12), rồi lại nói tới bệnh phong cùi (13-14), và lại nhảy sang các qui định phái tính (15), rồi đến những nghi lễ thanh tẩy ngày lễ Đại Xá (16). Đâu là sợi dây liên đới những trường hợp này ? Thiết tưởng có thể giải thích như sau : được coi là không sạch những vật hay những người một cách nào đó không đáp ứng sự nguyên vẹn của mỗi vật theo như ý định của Thiên Chúa.

Về thú vật : đối với dân Do thái sống nghề chăn nuôi và định cư chứ không phải săn bắn, du mục, thì những con vật nào cần thiết cho sự sống con người đều được coi là sạch. Những con vật được Chúa chúc lành và trong sạch là những con vật tương đối gần gũi và phục dịch con người, cụ thể là những con vật nhai lại và có móng đôi, vì đó là trật tự của công trình sáng tạo, muôn vật được dựng nên để phục vụ con người, con vật nào không đáp ứng những điều kiện đó đều bị coi là không sạch. Như vậy, tiêu chuẩn phân biệt sạch hay không sạch tùy thuộc vào việc nó có giúp tổ chức trật tự thế giới và giúp con người sống trên trái đất này hay không. Chúng ta còn thấy rõ điều đó trong bảng sắp xếp thú vật.

Thú vật được xếp thành ba loại (theo trình thuật Sáng tạo, xc. St 1,20.25.28)[1] theo môi trường nó sinh sống. Loại thứ nhất là những thú vật sống trên mặt đất mà chúng ta đã nói tới tiêu chuẩn phân biệt sạch và không sạch. (Lv 11,2-8)[2]  

Lọai thứ hai là những con vật sống dưới nước (Lv 11,9-12):
 

9 Trong tất cả các loài sống dưới nước, đây là những loài các ngươi được ăn: Tất cả những loài sống dưới nước, ở sông hay ở biển, có vây và có vảy, thì các ngươi được ăn. 10 Còn tất cả những loài không có vây, không có vảy, ở sông hay ở biển, trong số mọi vật nhỏ sống dưới nước và mọi sinh vật sống dưới nước, thì các ngươi phải coi chúng là loài kinh tởm. 11 Các ngươi phải coi chúng là loài kinh tởm : thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi phải coi là vật kinh tởm. 12 Tất cả những loài sống dưới nước mà không có vây, không có vảy, các ngươi phải coi là loài kinh tởm.
Bộ thứ ba là những con vật có cánh (Lv 11,13-23)
 
13 Trong các loài chim, đây là những loài các ngươi phải coi là kinh tởm : người ta không được ăn, vì là loài kinh tởm : đại bàng, diều hâu, ó biển, 14 diều hâu đen, mọi thứ kền kền, 15 mọi thứ quạ, 16 đà điểu, cú, mòng biển, mọi thứ bồ cắt, 17 cú vọ, cóc, cú mèo, 18 chim lợn, bồ nông, ó, 19 cò, mọi thứ diệc, chim đầu rìu và dơi. 20 Mọi loài vật nhỏ có cánh đi bằng bốn chân, các ngươi phải coi là loài kinh tởm. 21 Trong các loài vật nhỏ có cánh đi bằng bốn chân, các ngươi chỉ được ăn những thứ sau đây : những con ngoài chân ra có thêm càng để nhảy trên đất. 22 Trong số những loài đó, đây là những loài các ngươi được ăn : mọi thứ cào cào, mọi thứ châu chấu, mọi thứ muỗm, mọi thứ dế. 23 Nhưng mọi vật nhỏ có cánh mà có bốn chân, các ngươi phải coi là loài kinh tởm.
Hai bộ vừa kể cũng có sạch và không sạch. Được coi là sạch những con vật có khả năng hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của mình, ít nhất là theo nhận xét bên ngòai có tính cách thực nghiệm. Chẳng hạn trong những sinh vật sống dưới nước những con nào có vảy và được trang bị bộ phận để bơi (11,9) là sạch, vì như thế là phù hợp với đời sống dưới nước. Cũng vậy những con chim có lông và có cánh để bay đều được coi là sạch. Còn những sinh vật nào không thích hợp với môi trường sống của mình thì bị coi là dơ: chẳng hạn những sinh vật sống dưới nước nhưng không có vảy và bộ phận để bơi, hoặc những con vật có cánh nhưng không bay được (11,20: Mọi loài vật nhỏ có cánh đi bằng bốn chân, các ngươi phải coi là loài kinh tởm), hoặc những con vật sống trên mặt đất nhưng không bước đi được (11,42: Mọi con vật bò bằng bụng, mọi thứ đi bằng bốn chân hay nhiều chân hơn, tóm lại mọi loài vật lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi không được ăn, vì chúng là vật kinh tởm.)
 
Tóm lại những sinh vật nào không phù hợp với các đặc tính của trật tự thế giới theo cách nhìn của người Itraen đều bị coi là dơ, tức là nó đe dọa những ai đụng chạm tới. Nguy hiểm nào vậy ? Thưa cái nguy hiểm của sự vô trật tự, giống như cái hỗn mang của thời nguyên sơ (xc. St 1,2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.) vốn có thể nhận chìm thế giới và con người. Tất cả những con vật nào mang trong mình dấu vết của cái vô trật tự như thế, dấu vết của cái không xác định, của cái lai tạp, đều phải tránh xa. Nhất là khi nó đã chết (Lv 11,24.28.32-38)
[3], vì lúc đó cái nguy hiểm tăng lên gấp đôi : vừa là sinh vật bất bình thường vừa là cái xác chết, nghĩa là thêm một cái lai tạp nữa vì vừa có vẻ bên ngoài một sinh vật, nhưng lại là một cái khác rồi, một cái xác đang tan rữa, xác đang trở thành cái không phải là thân xác.

Bản văn Levi dường như tiếp tục khẳng định giả thiết đó : trường hợp người đàn bà mới sinh con (Lv 12)[4]. Bà bị coi là không sạch vì trong lúc sinh nở, một cách nào đó bà đã trờ thành hai: chính bà và cái hữu thể sinh ra từ bà. Trong một lúc nào đó, bà đã trở thành mối nguy cơ của sự mất trật tự, giống như một khoảng không gian nguy hiểm mở ra trong cái trật tự của các sự vật: Một hữu thể chỉ có thể trở thành hai nếu trong giây phút xảy ra sự tách biệt đó, đã nổi lên cái mất trật tự ! cũng như trường hợp người bị bệnh phong (Lv 13-14), bệnh này bị coi là nguy hiểm do thời đó người ta chưa hiểu rõ căn bệnh, và là một thí dụ rõ ràng về con ma thể lý có nguy cơ truyền lan ra trong xã hội, giống như một sự mất trật tự nguy hiểm chết người. Bệnh phong cùi truyền nhiễm giống như cái mất trật tự phá hủy cơ chế của một đoàn thể và phá hủy đoàn nhóm đó như những kẻ nội thù.
 
Chính trong cái nhìn đó mà truyền thống Tư tế nhận định về phái tính. Sách Levi chương 15 đưa ra nhiều trường hợp bị coi là “bị dơ vì tình dục”, đó là những trường hợp tình dục không sinh hoạt bình thường theo những trật tự được nhìn nhận. Khi một người đàn ông bị chứng “bệnh lậu” (15,1-15: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Khi bất cứ một người đàn ông nào mắc bệnh lậu trong thân thể, thì bệnh lậu đó làm nó ra ô uế. 3 Sự ô uế của nó khi có bệnh lậu là thế này : Dù thân thể nó tiết ra hay giữ lại mủ lậu, thì nó cũng mắc phải ô uế….) hay xuất tinh (15,16-17: 16 Khi một người đàn ông xuất tinh, thì phải lấy nước tắm rửa thân thể, và sẽ ra ô uế cho đến chiều, 17 khi có xuất tinh mà giây ra bất cứ áo hay đồ da nào, thì sẽ phải lấy nước mà giặt rửa, và những thứ ấy sẽ ra ô uế cho đến chiều.), trong hai trường hợp này ông bị coi là ô uế, lý do là tinh trùng của người đàn ông chỉ được xuất ra trong cơ thể người đàn bà (đây cũng là lý do khiến hành vi xuất tinh ra ngoài của Onan bị kết án). Cái phát xuất từ người đàn ông bị coi là nguy hiểm vì là hình ảnh của cái gì không được đóng kín của ông, những cái đổ vỡ của ông. Cái ra từ người đàn ông (tinh dịch) hay từ người phụ nữ (kinh nguyệt hay tương tự như thế xc. Lv15,19-27) đều là dấu hiệu của sự mất đi tính toàn vẹn : cái thoát ra đó vừa là thuộc về người đó vừa không thuộc về người đó, cái rõ ràng phá hủy giới hạn của thân xác. Hơn nữa tinh dịch và máu huyết có liên can đến chính sự sống (xc. Lv 17: về những cấm kị đặc biệt liên can đến máu, cơ sở của sự sống); khi thoát ra khỏi con người, những cái đó gây lẫn lộn cái giới hạn cốt yếu (giống như cái xác chết là cái ô uế nhất), cái biên giới phân cách sự sống với cái chết.

Cái “ô uế” khác cũng rất đáng lưu ý: “Khi một người đàn bà giao hợp với một người đàn ông, thì cả hai phải lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều” (Lv 15,18). Hành vi tính dục cũng có nguy hiểm vì nó làm cho ra ô uế. Tại sao ? theo thiển ý, tại vì trong khoảnh khắc thực hiện hành vi giao hợp, người đàn ông và người đàn bà xóa bỏ ranh giới khác biệt giữa họ, và như thế họ có thể trở thành một hữu thể lai tạp, một hữu thể lưỡng tính không còn phân biệt nam nữ. Như thế cũng là mối đe dọa xóa bỏ biên cương phân cách. Đây là một quan niệm rất chính xác, vì theo truyền thống Tư tế, trật tự sáng tạo luôn phải được bảo vệ, và vì thế, ngay cả trong hành vi phái tính, người đàn ông và nguời đàn bà không được quên vài trò của mình là một con người độc lập. Mối đe dọa căn bản mà truyền thống Tư tế muốn cảnh giác là vì hành vi phái tính có vẻ xóa bỏ sự phân biệt đó giữa người nam và người nữ, hoặc là vì những người thực hiện hành vi đó muốn biến người đối tác thành chính mình, như thế là không tôn trọng trật tự của sự khác biệt. Chính việc tôn trọng sự khác biệt đó sẽ bảo đảm trật tự xã hội.
 
Tư tưởng đó cũng được trình bày trong Levi chương 18, chúng ta đọc thấy bảng liệt kê rất dài những cấm kỵ liên quan đến tính dục : loạn luân (7-18), quan hệ tính dục với người phụ nữ trong thời gian kinh nguyệt (19), ngoại tình (20), hiến tế trẻ em (21: 21 Ngươi không được lấy đứa nào trong con cái ngươi mà nhượng lại cho thần Mô-léc và không được xúc phạm đến danh của Thiên Chúa ngươi. Ta là ĐỨC CHÚA.), đồng tình luyến ái (22), quan hệ tình dục với súc vật (23). Những tội đó làm ô uế đất nước. Tất cả những điều đó phát xuất từ một nguyên nhân sâu xa: bị cấm tất cả những hành vi nào gieo mầm sự hỗn độn, ở đây là những gì phá hủy sự khác biệt phái tính : chẳng hạn đồng tính luyến ái, bị coi là trụy lạc. Hoặc những gì phá bỏ sự khác biệt giữa con người và thú vật: quan hê với thú vật, hay hiến tế trẻ em. Sau cùng, những gì phá bỏ sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài bộ tộc, tức tôi loạn luân. Trong tất cả các trường hợp, luật Chúa bị xúc phạm, lề luật mà sách Lêvi tóm tắt trong nguyên tắc sau: “hãy nên thánh, như Ta là Đấng Thánh, Tà là Chúa các Chúa” (11,44;19,2). Điều đó có nghĩa là phải tôn trọng trật tự sự vật do Chúa xác định, trật tự mà truyền thống tư tế ca tụng như một bài thơ trữ tình trong bài trường ca sáng tạo (St 1,1-2,4). Vì thế chúng ta đọc thấy trong sách Levi 19,19 (Dnl 22,9-11): “Các ngươi phải giữ các quy tắc của Ta. Ngươi không được cho hai con vật khác giống giao cấu với nhau, không được gieo trong cánh đồng của ngươi hai thứ hạt khác nhau, không được mặc áo vải hỗn hợp, dệt bằng hai thứ sợi khác nhau ».
 
Thánh thiện, là từ chối sự lai tạp (Lv 21,16-23) :
 

Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng : 17 “Hãy nói với A-ha-ron : Qua các thế hệ, người đàn ông nào trong dòng dõi ngươi có tật, thì không được lại gần để tiến dâng thức ăn dành cho Thiên chúa của nó. 18 Thật vậy, bất cứ người nào có tật không được lại gần : người đui mù, què quặt, dị tướng, dị hình, 19 người bị gãy chân gãy tay, 20 gù, còi, bị đốm ở mắt, ghẻ, hắc lào, hay bị giập tinh hoàn. 21 Bất cứ người đàn ông nào trong dòng dõi tư tế A-ha-ron có tật, thì không được đến gần để tiến dâng các lễ hoả tế lên ĐỨC CHÚA ; nó có tật, nó không được đến gần để tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của nó.
22 Thức ăn dành cho Thiên Chúa của nó, những của rất thánh, và những của thánh, nó được ăn, 23 nhưng nó không được tới chỗ màn trướng, không được đến gần bàn thờ, vì nó có tật ; như vậy nó sẽ không xúc phạm đến các nơi thánh của Ta, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hoá những nơi ấy.”
Có một trật tự Thiên Chúa đã qui định và phải qui chiếu theo đó để nhận định về tình dục. Đọc tiếp các đoạn khác theo truyền thống tư tế, chúng ta cũng thấy được những điểm chính yếu :

A. Trật tự của Thiên Chúa để chống lại những sức mạnh của hỗn mang luôn đe dọa (st 1,2). Thiên Chúa truyền cho vũ trụ phân cách những yếu tố khác nhau (st 1,4.6), Ngài định cho mỗi loại một nơi riêng bằng cách làm cho chúng khác biệt nhau. Thay vào sự hỗn mang nguyên thủy, qua công trình sáng tạo, một trật tự của thế giới được đánh dấu bằng sự khác biệt. Vì thế các loại sinh vật được tạo « loại nào theo giống nấy » (1,11.12.21.24.25). Sau cùng đến lượt con người, giống  hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên có nam có nữ, đánh dấu trong thân thể của mình sự khác biệt (1,27 ; xc 5,2).
 

Phái tính không phải là một tai nạn đáng tiếc như huyền thoại về việc con người uy lực bị phân thành hai nửa, suốt đời chạy đi tìm nhau. Ngược lại phái tính là cùng đích hoàn tất của tác động sáng tạo của Thiên Chúa : con người không phải chỉ được sáng tạo khác với thế giới, hay khác với thú vật, con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, bằng một tương quan trong cấu trúc với một người khác mình, cảm nghiệm ngay trong chính con người mình cái trật tự khác biệt (là vũ trụ) mà họ làm bá chủ. (st 1,28).

Cái trật tự khác biệt này, chúng ta thấy được tầm quan trọng ngay trong giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Abraham, tổ phụ của dân được chọn : cắt bì. Chính qua dấu hiệu cắt bì mà giao ước tuyển chọn của Thiên Chúa sẽ được lưu truyền qua các thế hệ (xc St 17,10-14)[5]. Đâu là ý nghĩa của nghi thức này ? Cách giải thích của truyền thống Do thái cho ta một hướng khá lý thú : họ nhìn thấy trong nghi thức cắt bì một hành vi của nam tính, của sự khác biệt rõ ràng về phái tính : “thật là sai lầm nếu đồng hóa việc cắt bì với thiến hoạn, cho dù qua một vài ảnh hưởng văn hóa tây phương việc cắt bì có thể mất đi ít nhiều hoặc hoàn toàn ý nghĩa đích thực của nó, và bị lây nhiễm bởi mặc cảm thiến hoạn… sách Zohar gọi qui đầu là “đầu của người công chính”. Như thế đó là một dấu hiệu của nam tính. Còn phần bao qui đầu, vì theo giải thích của một số giả thiết phôi thai học, và vì nó có hình dạng của cái bao, hoặc cái áo bó sát người, nên lại là biểu tượng của phụ nữ. Việc cắt bì như thế sẽ làm cho nam tính nổi bật lên trên tính thú vật cùng lúc với sự khác biệt một cách quyết định hơn so với nữ tính”[6] .

Như thế, chính vào lúc Thiên Chúa đóng dấu với Abraham giao ước quyết định, Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khác biệt phái tính, và xác định dấu khác biệt này như dấu chỉ của giao ước. Vì con người đi vào tương quan giao ước với Thiên Chúa, nên họ có thể chấp nhận sự khác biệt : khác biệt với Thiên Chúa mà khác biệt phái tính là biểu tượng. Con người có thể nhìn nhận trong yếu tố làm cho mình bị giới hạn – khi phái tính của họ được nhìn nhận trọn vẹn – có điều kiện của một tương quan tình yêu, nhìn nhận người khác như là đối tác của một giao ước. Giao ước giữa người nam và người nữ có thể là hình ảnh của giao ước Thiên Chúa ký kết với con người, không phải là không có khác biệt, lẫn lộn, nhưng là một tương quan giữa hai phía khác nhau và phân biệt nhau.

Là đỉnh cao của trật tự khác biệt xác định cơ cấu cho thế giới, phái tính phải được người nam và người nữ sống như ý nghĩa của mọi sự khác biệt ; được nhìn nhận như là lời mời gọi vào sống tương quan, một tươntg quan có khả năng tổ chức và sáng tạo, như một lời mời gọi chiến đấu chống lại cái vô trật tự và cái hỗn mang luôn luôn đe dọa, mà hình thức âm ỉ nhất là sự lẫn lộn phái tính.
 

B. Chính từ đó mới hiểu hết ý nghĩa phúc lành của Thiên Chúa trên đời sống tính dục. Trong trình thuật sáng tạo, lời chúc phúc : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” là kết quả của việc sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa, “nam – nữ”. Cần tránh cho rằng việc truyền sinh có một ý nghĩa trước tiên hay duy nhất của phái tính. Bản văn cho thấy phái tính chẳng là gì. Một phần vì lời chúc lành như thế cũng dành trước đó cho thú vật (St 1,22), nó không phải là đặc tính của tương quan người nam và người nữ. Mặt khác, chính phái tính như là sự khác biệt, chứ không phải như là khả năng sinh sản, mới được bản văn trên coi như là dấu hiệu của hình ảnh Thiên Chúa. Ghi nhận này quan trọng để có thể hiểu được ý nghĩa thần học của mối liên hệ được Kinh Thánh thiết lập giữa phái tính và truyền sinh. Chỉ có phúc lành của Thiên Chúa mới có thể làm cho việc sinh sản thành một tác động sáng tạo, tham dự vào chính công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Theo nghĩa Kinh Thánh, đôi hôn nhân chỉ thực sự sinh sản con cái khi họ chấp nhận sống sự khác biệt như một nơi lý tưởng để có thể phát triển và đón nhận người khác (Thiên Chúa, người bạn đời, con cái…). Việc sinh sản tự nó không phải là ý nghĩa của phái tính, nhưng lời hứa đi liền với nó, nếu nó không quên ý nghĩa của hình ảnh Thiên Chúa mà nó biểu hiện.
 
Trong Cựu Ước, có ý kiến khác nhau về điểm này. Truyền thống Tư tế có khuynh hướng đề cao tính tích cực của việc sinh sản như cách thức duy trì hậu duệ của dân “từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Phúc lành của Thiên Chúa là không thể suy suyển, nó bảo đảm cho tính liên tục của lịch sử trong đó người nam và người nữ chỉ phải cộng tác bằng việc sinh sản con cái. Truyền thống Giavit và Elohit lại lưu ý đến việc sinh sản như là một hồng ân lạ lùng của tình yêu Thiên Chúa : việc sinh sản ‘tự nhiên’ không đủ để bảo đảm tính liên tục của lời hứa. Không phải Ismael, người con tự nhiên của Abraham được đón nhận lời hứa, nhưng là Isaac, đứa con của ân sủng, dường như người được đón nhận phép lạ (xc.St 17,15-21 ; 18,10-14). Điều mà các truyền thống đều muốn nhấn mạnh, đó là việc sinh sản chỉ có ý nghĩa khi được liên kết trong chương trình của Thiên Chúa. Cho ra đời một người con, tức là chấp nhận điều này : cuộc sống mà họ vừa sinh ra không hoàn toàn thuộc về người đã sinh ra, nhưng được ủy thác cho họ như một lời hứa và là một ân huệ. Tước tiên, đó là một ơn huệ, một sự trao ban, một sự trao ban của Thiên Chúa và mở rộng ra là một sự trao ban của người nam cho người nữ và ngược lại, của người nữ cho người nam (xc St 24, theo truyền thống, cuộc trao ban trong tình yêu giữa Isaac và Rebecca), mà đứa con là dấu chỉ sống động. Vì thế, người nam và người nữ có kinh nghiệm về thực tại sáng tạo của tình yêu, nó xây dựng và đi trước thực tại sinh sản của phái tính. Các truyền thống Giavit và Elohit nhấn mạnh rằng việc sinh sản là lời chúc lành của Thiên Chúa xét như là nó diễn tả tính liên tục của lời hứa Thiên Chúa thiết lập với người nam và người nữ để họ có thể đón nhận nhau trong tình yêu (điều mà các trình thuật vể tình yêu giữa Isaac và Rebecca, Giacop và Raken nói rõ St 24 và 29).

Cho dù có những khác biệt trên, rõ ràng truyền thống Kinh Thánh một cách chung chung đều liên kết phái tính với phúc lành của Thiên Chúa của sự sống. Phái tính là sáng tạo : Thiên Chúa không thay đổi lời hứa, con người, nam va nữ, có kinh nghiệm về điều đó. Nhưng phái tính chỉ sáng tạo đúng nghĩa nhất khi nó chấp nhận đi theo sau, và mặt khác phải được huớng dẫn. Nó đi theo sau Lời sáng tạo của Thiên Chúa : con người không phải là nguyên ủy của chính mình, và phái tính không là cơ hội để khẳng định tham vọng hay ước mơ toàn năng của mình, ngược lại đó là cơ hội để chấp nhận giới hạn và bất toàn của mình; và từ đó cảm thấy vui vẻ về điều đó, cũng như nhận ra dấu vết của một tình yêu đi trước làm nền tảng cho nó. Phái tính còn được hướng dẫn vào cuộc chiến lớn lao mà Kinh Thánh chỉ cho để chống lại ngẫu thần. Bởi vì Thiên Chúa là đấng Sáng tạo trời đất, chứ không phải là trời đất hay một phần của trời đất. Ngài là đấng Khác, hoàn toàn khác biệt, phái tính nói lên nhân tính của chúng ta, chứ không phải là sự tham dự vào năng lực thánh trong vũ trụ. Sự khác biệt phái tính nói lên thân phận của con người, chúng ta không phải là Thiên Chúa. Hơn nữa, sự khác biệt được ban cho như là một khả năng để con người thiết lập tương quan với nhau, không bao giờ người này bị giản lược vào người kia, như mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Một khả năng tương quan trong đó mỗi người được đón nhận, nhìn nhận và yêu thương. Mọi toan tính giản lược sự khác biệt đó đều dẫn đến cái chết, vì thế nó được coi như là một điều ghê tởm. Nó là ngẫu thần vì nó cho thấy sự say mê chính mình, tự giam lại trong chính bản thân, một sự từ chối người khác đến chết người. Bởi vì phái tính của con người có thể được hướng đến sự nhìn nhận sự khác biệt, đồng thời cũng có thể là sự tôn vinh của ham muốn ngẫu thần nơi con người, nên nó luôn luôn nằm giữa cái sống và cái chết.

 

 

[1] 20 Thiên Chúa phán : “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.” 21 Thiên Chúa sáng tạo các thuỷ quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 22 Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển ; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.” 23 Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ năm. 24 Thiên Chúa phán : “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại : gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại.” Liền có như vậy. 25 Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.  26 Thiên Chúa phán : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,  Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”
 
[2]  2 “Hãy nói với con cái Ít-ra-en : Trong tất cả các loài vật sống trên đất, đây là những loài các ngươi được ăn : 3 Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì các ngươi được ăn. 4 Tuy nhiên, trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, các ngươi không được ăn các con này : con lạc đà, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là loài ô uế ; 5 con ngân thử, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là loài ô uế ; 6 con thỏ rừng, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là ô uế ; 7 con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại : các ngươi phải coi nó là loài ô uế. 8 Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến ; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế.

 

[3] 24 Vì các vật ấy, các ngươi sẽ ra ô uế : ai đụng vào xác chết của chúng, sẽ ra ô uế cho đến chiều, 28 Bất cứ ai mang xác chết của chúng, thì phải giặt quần áo và sẽ ra ô uế cho đến chiều ; các ngươi phải coi chúng là vật ô uế.
 
32 Trong những con vật đó, con nào chết mà rơi trên bất cứ vật gì, thì vật ấy sẽ ra ô uế, dù là đồ dùng bằng gỗ, quần áo, da, bị, mọi đồ dùng để làm một công việc gì ; phải nhúng vật ấy vào nước, nó sẽ ra ô uế cho đến chiều, rồi sẽ được thanh sạch. 33 Nếu một con vật rơi vào trong bất cứ bình sành nào, thì tất cả những gì trong đó sẽ ra ô uế, và các ngươi phải đập vỡ bình ấy. 34 Mọi thứ người ta ăn, nếu bị nước bình ấy đổ lên trên, thì sẽ ra ô uế ; mọi thứ người ta uống, đựng trong bất cứ bình nào nói trên, sẽ ra ô uế. 35 Một xác chết của chúng mà rơi trên bất cứ vật gì, thì vật ấy sẽ ra ô uế ; lò và bếp sẽ phải phá đi : các vật ấy là ô uế và các ngươi phải coi là những vật ô uế. 36 Tuy nhiên suối và hầm nước thì khối nước vẫn thanh sạch, nhưng ai đụng đến xác chết của chúng, sẽ ra ô uế. 37 Nếu một xác chết của chúng rơi trên hạt giống để gieo, thì hạt giống vẫn thanh sạch ; 38 nhưng nếu đã đổ nước vào hạt giống, mà một xác chết của chúng rơi trên đó, thì các ngươi phải coi hạt giống đó là ô uế.
 
[4] ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng : 2 “Hãy nói với con cái Ít-ra-en : Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. 3 Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. 4 Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy ; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình.
 
[5] 10 Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này : mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. 11 Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu : đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi. 12 Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các ngươi dùng bạc mà mua của bất cứ người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các ngươi. 13 Buộc phải cắt bì nô lệ sinh trong nhà cũng như nô lệ mua bằng bạc. Giao ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu. 14 Kẻ không được cắt bì, người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao quy đầu, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ : nó đã phá vỡ giao ước của Ta.”
 
[6] Eliane Amado Lévy-Valensi, le grand désarroi aux racines de l’énigme homosexuelle, Paris 1973, t. 91.