Phải Hiểu Câu Nói: "Ngoài Giáo Hội Không Có Ơn Cứu Độ" Thế Nào?

0
1207


Anh Phương

Đây là một định thức được coi như của thánh Cypriano, Giám mục Carthage, Bắc Phi, nhưng thực ra nó đã có từ trước. Bài này phác họa đôi nét chính yếu về các cách giải thích “Ngoài Giáo hội không có ơn Cứu độ”.

I. THEO CÁC GIÁO PHỤ

1. Thánh Inhaxio thành Antiochia

Có lẽ, thánh Inhaxio thành Antiochia là người đầu tiên tuyên bố câu này. Một trong những đề tài Người viết cho các cộng đoàn là cần phải có sự hợp nhất sâu sắc trong Giáo hội, hợp nhất trong Giám mục địa phương như là điều kiện hiệp nhất với Thiên Chúa.

“Đối với Thiên Chúa và Đức Giê-su thì cũng như đối với Giám mục. Hoán cải trở về hiệp nhất với Giáo hội làm cho con người thuộc về Thiên Chúa và sống hòa hợp với Đức Giê-su Ki-tô. Hỡi anh em, đừng lầm lạc nữa. Nếu ai đó muốn đi theo Đức Ki-tô mà lại ly khai khỏi Giáo hội, người đó sẽ không được thừa hưởng vương quốc Thiên Chúa. Nếu ai đó đi theo các tư tưởng kỳ lạ, người ấy không hòa hợp với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô” (Inhaxio, thư gởi Philadenphia, chương III).

Những lời trên chỉ được nói với những người Ki-tô giáo có toan tính tách khỏi Giáo hội, hoặc đã ly khai theo lạc giáo rồi, chứ không nói với những người ngoài Ki-tô giáo. Dẫu sau, vị Giám mục này cũng coi những người tách khỏi Giáo hội là phạm tội và họ phải chịu trách nhiệm bị loại khỏi ơn cứu độ. Người viết:

“Để họ đừng nghĩ rằng con đường cứu độ được mở ra cho họ, nếu họ từ chối vâng phục các Giám mục hoặc Linh mục… Lưỡi gươm của Thánh thần sẽ phanh thây sự cao ngạo và hỗn xược khi họ liều mình tách khỏi Giáo hội. Chỉ có một nhà của Thiên Chúa và không có ơn cứu độ cho những ai sống ngoài nhà này, là Giáo hội” (thư gởi Philadenphia, chương IV).

2. Thánh Gregori thành Nysse

Theo thánh Gregori thành Nysse, ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ được áp dụng rõ ràng cho dân ngoại và người Do thái, vốn là những người có cơ hội nhận biết và tin theo đức tin Ki-tô giáo, nhưng họ lại khước từ, từ đó họ bị loại khỏi ơn cứu độ. Vào thế kỷ IV, đế quốc Roma với hoàng đế Galerius (311) đã bách hại Ki-tô giáo. Nhưng đến thời Constantine (313) Ki-tô giáo lại được hưởng nhiều quyền lợi. Từ đó cho đến cuoi thế kỷ, Ki-tô giáo trở thành tôn giáo của đa số và là tôn giáo chính thức của đế quốc. Do đó, các tác giả Ki-tô giáo muốn nhắm đến thiểu số “ngoài Ki-tô giáo không có ơn cứu độ”. Các vị muốn kêu gọi thiểu số này gia nhập Giáo hội, đồng thời cũng muốn tuyên bố chống lại lạc giáo và ly giáo ngày càng phát triển tách ra khỏi Giáo hội. Lý do là vì Tin mừng được công bố cho mọi người tại bất cứ đâu. Thánh Gregori viết:

“Nếu chúng tôi công bố mầu nhiệm Tin mừng chính là nói lên rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn đó là nhân loại được bảo đảm ơn cứu độ nhờ đức tin của họ. Trong khi đó, có những người đứng bên ngoài và chống lại mạc khải này. Lời mời gọi của Thiên Chúa là cho tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác quốc gia…” (Gregori thành Nysse, các tác phẩm hộ giáo).

3. Thánh Augustino giám mục Hippo

Thánh Augustino khẳng định ơn cứu độ cho tất cả mọi người sống công chính trước khi Chúa Giê-su đến. Hơn nữa, qua đức tin vào Đức Giê-su, con người được cứu độ. Thánh nhân không giải thích rõ ràng làm thế nào con người có thể đạt được mạc khải về Đức Ki-tô. Tuy nhiên, một đức tin “không rõ ràng” vào Đức Ki-tô cũng đủ vào thời tiền Ki-tô giáo.

“Con người không thể được cứu độ ngoại trừ trong Giáo hội Công giáo. Ngoài Giáo hội Công giáo, con người có mọi sự ngoại trừ ơn cứu độ. Nó có danh dự, có các Bí tích, hát lên Alleluia, đáp lại Amen, có Tin mừng, có và rao giảng đức tin nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; nhưng không bao giờ có được ơn cứu độ ngoại trừ trong Giáo hội Công giáo” (diễn từ gởi cho Giáo hội Cesare, cuốn 3).

Ơn cứu độ cho nhân loại dựa trên Đức Ki-tô, là đầu và trên chi thể của Người- Giáo hội -vốn luôn hoạt động và hiện diện,. “Giáo hội và Đức Ki-tô làm thành một con người duy nhất” (Giáo phụ học , cuốn 4, 1986).

Theo thánh Augustino, Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, tuy nhiên con người cần cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa để đạt được ơn cứu độ. Con người có tự do chọn lựa hay không? Người cho rằng những người không tin, không – Ki-tô giáo, lạc giáo, ly giáo là chống lại ý muốn Thiên Chúa. Do đó, họ bị loại khỏi ơn cứu độ.

“Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, nhưng Ngườicũng không lấy đi tự do chọn lựa của họ, chọn lựa giữa tốt hoặc xấu, theo đó họ sẽ bị xét xử. Như vậy, những người không tin chắc chắn hành động ngược với ý muốn Thiên Chúa khi không tin vào Tin mừng của Người (Niềm tin của các Giáo phụ tiên khởi, cuốn 3, 1970).

Theo thánh Augustino, những người không tin, không lãnh phép rửa tội là đứng ngoài Giáo hội và bị loại khỏi ơn cứu độ. Tội nguyên tổ kết án cả người lớn không có đức tin Ki-tô giáo cũng như trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội. Theo Ngài, ân sủng của Đức Ki-tô còn vượt quá mọi công trạng, nhưng là ơn huệ Gratis.

II. THỜI TRUNG CỔ

Thánh Toma Aquinas lý luận ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ vì chỉ trong Giáo hội con người mới có đức tin và các Bí tích là phương tiện cần thiết giúp đạt tới ơn cứu độ. Là đầu của thân mình Hội thánh, Đức Ki-tô đổ tràn ân sủng của Người cho mọi thành phần của Giáo hội vốn có sự thông hiệp trong thân thể nhiệm mầu. Khi nói về Bí tích Thánh Thể cần thiết cho ơn cứu độ, thánh nhân nói:

“Bí tích thật sự thống nhất toàn thân thể nhiệm mầu, nếu không sẽ không có ơn cứu độ; con người không có ơn cứu độ ngoài Giáo hội, cũng như vào thời đại hồng thủy, không một ai ngoài con tàu của Noê – ám chỉ về Giáo hội, theo 1Pr 3,20-21 được cứu sống. (Tổng luận thần học III, vấn đề 73, mục 3).

Như thế, cần ở trong Giáo hội để được ơn cứu độ vì cần phải chia sẻ các phương tiện để được cứu độ là đức tin và các Bí tích, hai điều vốn chỉ có trong Giáo hội.

Thánh nhân cũng nói mọi người buộc phải lãnh nhận Bí tích Rửa tội thì mới có ơn cứu độ, vì Bí tích này là Bí tích tháp nhập vào Đức Ki-tô.

“Không ai có thể đạt được ơn cứu độ ngoại trừ qua Đức Ki-tô… nhưng Bí tích Rửa tội là mục tiêu cần thiết, qua đó mọi người được tái sinh vì tháp nhập vào Đức Ki-tô, trở nên chi thể của Người. Bí tích Rửa tội được ban cho bất cứ ai, nhưng không phải chỉ vì ước muốn của họ: chẳng hạn, khi một người muốn lãnh Bí tích Rửa tội, nhưng mắc bệnh có thể chết trước khi lãnh Bí tích Rửa tội, họ vẫn có thể được cứu độ tuy chưa được Rửa tội nhưng do ước muốn được Rửa tội của họ, mà ước muốn này là hậu quả của đức tin” (Tổng luận thần học, quyển 3, vấn đề 68, mục 1 và 2).

Như thế, “ước muốn rửa tội cũng đủ để được cứu độ vì khi con người bắt đầu sử dụng lý trí, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi cũng như tội lỗi của mình. Điều trước tiên họ cần nghĩ đến là giải thoát chính mình và nhờ ân sủng họ sẽ nhận được xóa bỏ tội tổ tông” (Tổng luận thần học, quyển 1, phần II, vấn đề 89, mục 6).

III. THỜI HIỆN ĐẠI

1. Nhà thần học Emile Mersch đã thay thế “thân thể” và “linh hồn” của Giáo hội bằng “thân thể huyền nhiệm” và “Giáo hội hữu hình”. Ông muốn giải thích rằng mọi người được cứu độ trong Giáo hội. Một người không được cứu ngoài Giáo hội, nhưng do ân sủng, tuy không là thành viên của Giáo hội hữu hình, họ là thành viên của thân thể huyền nhiệm Đức Ki-tô.

Ông phân biệt giữa Giáo hội và thân thể huyền nhiệm như là hữu hình và vô hình:

“Thân thể huyền nhiệm” có ý nói đến toàn thể những người sống đời sống Đức Ki-tô… trong khi từ “Giáo hội” lại chỉ nói về một tập thể những tín hữu đã được lãnh Bí tích Rửa tội, được tổ chức và điều hành dưới các vị mục tử theo luật. Hai thực thể này có tương quan chặt chẽ với nhau nhưng hoàn toàn không đồng nhất với nhau. (Francis A. Sullivan. “Ơn Cứu độ ngoài Giáo hội ? Phác họa lịch sử các câu trả lời của Công giáo, 1992)

Như thế, việc giải thích này có thể hòa hợp giữa ơn cứu độ cho những người không phải Ki-tô giáo với ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ.

2. Theo cha Yves Congar, một Thần học gia Dòng Đa Minh, những người không Công giáo được xem như thuộc về Giáo hội “vô hình, bất toàn nhưng có thực”. Cha Congar quan niệm các Bí tích là những dạng thức qua đó Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta cách hữu hình, đồng thời qua đó chúng ta có thể nhận được hành vi của Người cách thiêng liêng. Ngườikhẳng định rằng Kinh thánh, con người, nơi chốn hoặc một biến cố có thể coi như là một thứ Bí tích. Khi nói về Giáo hội, cha Congar thấy:

“Giáo hội là một giải thích hữu hình hoặc cơ chế vốn đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, nhưng không phải cho từng cá nhân, nhưng theo toàn diện và phổ quát của kế hoạch Thiên Chúa cứu độ con người. Kế hoạch này được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa, vì các Bí tích là sự liên tục và thay thế cho sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể.” (Yves Congar, “Giáo hội Tôi yêu”, 1969).

Cha đã giải thích về giá trị của 7 Bí tích trong Giáo hội, mỗi Bí tích có cách thế riêng như là cách thế dấn thân đặc biệt của Thiên Chúa để cho con người được cứu độ. Bí tích Rửa tội và Thánh thể được Đức Giê-su lập ra như là phương tiện để con người tháp nhập vào Đức Ki-tô trong kế hoạch ân sủng của Người.

Giáo hội được xem như là một định chế “siêu ngôi vị” được Đức Ki-tô thừa nhận. Do đó Giáo hội là dấu chỉ của ân sủng của Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Như thế, Giáo hội Duy nhất, Công giáo và Tông truyền chính là sự hiện diện hữu hình của Đức Ki-tô duy nhất, mang lại ơn cứu độ phổ quát cho con người. Hơn nữa, Giáo hội là Bí tích không phải chỉ là “dấu chỉ” (tính chất 1 của Bí tích) – sự hiện diện của ân sủng Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, nhưng còn là “hữu hiệu tính” (tính chất 2 của Bí tích) của Bí tích. .” ( Sđd)

Các Bí tích và Giáo hội là nơi mà chính Đức Ki-tô giao ước và Đấng cứu độ đã và đang hiện diện , đồng thời hướng về tương lai của thế giới nhờ Thánh Thần. Nơi các Bí tích chúng ta nhận thấy một thế giới sẽ đến, được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô theo quan điểm cách chung. Bí tích là một thực tại vừa thuộc về hiện tại, vừa thuộc về thế giới sẽ đến. Giáo hội tương quan hoàn toàn với Thiên Chúa không phải là tận điểm của nhân loại, nhưng là khởi đầu của ơn cứu độ. Cần phải thuộc về Giáo hội không phải theo nghĩa tuyệt đối nhưng theo nghĩa: nơi Giáo hội Đức Ki-tô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Giáo hội là trung gian (mediatrix) không như Đức Ki-tô là Đấng trung gian (mediator). Đức Ki-tô là Đấng trung gian thực sự nhờ công trình cứu độ của Người, trong khi Giáo hội là trung gian nhờ các phương tiện của ân sủng.

“Giáo hội có toàn bộ các phương tiện hay trung gian của ân sủng. Giáo hội là phương tiện hay trung gian vì chính Đức Ki-tô đã lập nên Giáo hội, hoạt động trong Giáo hội nhờ Thánh Thần của Người. Giáo hội gìn giữ kho tàng Lời Chúa, các Bí tích và những công việc phụng vụ tương ứng”. (Sđd)

Theo cha Congar, Giáo hội là dân Thiên Chúa, dân của một tôn giáo mạc khải, dân này mang Đức Ki-tô (Christopher), rao giảng chân lý của Người và thông hiệp với ân sủng của Người. Theo nghĩa rộng, dân này gồm tất cả mọi người đã hay sẽ được cứu độ nhờ ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Theo nghĩa hẹp, mỗi người đều có thể chia sẻ Bí tích của Đức Ki-tô hoặc Bí tích của ơn cứu độ. Nơi mỗi người Thiên Chúa đang hành động và làm cho chính mình được mọi người nhận biết. Khi nói về sự khác nhau giữa Bí tích có nơi con người và nơi Giáo hội, cha Congar đã phân biệt rõ ràng: Giáo hội chỉ là cơ hội để tìm kiếm Thiên Chúa; Giáo hội lãnh nhận mạc khải tích cực chân lý của Thiên Chúa, ân sủng của Người. Giáo hội cũng là Bí tích công khai và phổ quát của ơn cứu độ, trong khi đó con người chỉ là Bí tích riêng tư, đặc biệt và tùy hoàn cảnh.

Giáo hội là Bí tích phổ quát ơn cứu độ được thiết lập cho mọi người, đủ cho mọi người. Một Giáo hội duy nhất có thể thâu tập con người thành một dân Thiên Chúa hữu hình, chi thể của Đức Ki-tô, đền thờ của Chúa Thánh Thần. Đó là ý muốn của Thiên Chúa.

Như thế cha Congar nói về “ Giáo hội, Bí tích phổ quát của ơn cứu độ”, thay thế cho định thức cổ điển “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”.

Cha cho rằng nên bỏ định thức cổ điển này đi, bởi vì nó đã không được hiểu cho đúng. Theo cha Congar, trong định thức này cần phải công nhận hai chân lý:

(1) Giáo hội là định chế duy nhất được Thiên Chúa thành lập và chuẩn y để mang ơn cứu độ cho con người là chính Đức Giê-su Ki-tô.

(2) Giáo hội đã đón nhận từ Đấng sáng lập và là cứu Chúa của mình mọi điều cần thiết để được ơn cứu độ cho nhân loại. Đây chính là nội dung của quan điểm Giáo hội, Bí tích phổ quát ơn cứu độ. (Sđd)

Nói tóm lại, theo cha Congar Đức Giê-su Ki-tô là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát, cho dù Giáo hội có vai trò thế nào trong kế hoạch cứu độ. Giáo hội cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho ơn cứu độ của con người.

3. Công đồng Vatican II khẳng định lại ơn cứu độ có được do bởi Đức Ki-tô, bởi niềm tin và bởi Bí tích Rửa tội. Tuy nhiên công đồng cũng coi việc thuộc về Giáo hội là cần thiết để được cứu độ, nhưng những người không Ki-tô giáo cũng có thể được cứu độ, do họ có liên hệ với Giáo hội cách này hay cách khác. Có hai cách cơ bản trong tương giao với Giáo hội: thuộc về Giáo hội (các tín hữu) có tương giao với Giáo hội (không Ki-tô giáo). Những người không Ki-tô giáo này gồm 5 nhóm: (1) Do thái giáo, kiến thức của Do thái giáo về Thiên Chúa rất gần với đức tin Ki-tô giáo vì dựa trên mạc khải. Theo đó, họ có một mối tương quan đặc biệt đối với Đức Ki-tô và Giáo hội của Người. (2) Hồi giáo: Người Hồi giáo tuyên xưng đức tin có từ thời Abraham; cùng với Ki-tô hữu họ tôn thờ một Thiên Chúa nhân từ. (3) Những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa: Họ là những người thuộc về các tôn giáo ngoài Ki-tô còn lại. (4) Những người không do lỗi của họ chưa khám phá ra được Thiên Chúa cách minh nhiên. (5) Những người tuy không có ân sủng, vẫn sống một cuộc đời tốt lành theo lương tâm ngay thẳng. Theo nghĩa này, họ không thuộc về bất cứ một tôn giáo nào, họ chỉ là những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa hoặc không do lỗi của họ.

Tất cả 5 nhóm trên đều có chung một yếu tố là: họ được đưa vaò kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa ban cho ân sủng cứu độ. Do đó, được đón nhận ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, họ được coi là có tương giao với Giáo hội. An sủng hướng họ tới ơn cứu độ thế nào thì cũng hướng họ đến với Giáo hội như vậy.

Công đồng Vatican II coi Giáo hội là Bí tích phổ quát của ơn cứu độ (Hiến chế vui mừng và hy vọng số 45).

Công đồng Vatican II cũng nhìn nhận nơi các tôn giáo khác cũng có những giá trị tích cực, có thể chuẩn bị cho Tin mừng. Như thế các tôn giáo không Ki-tô được xem như có cùng một nguồn gốc và định mệnh với Giáo hội. Mọi tôn giáo đều tìm kiếm câu trả lời cho những khắc khoải của kiếp người, vấn đề nhân sinh. Tất cả mọi dân tộc làm nên một cộng đồng, chia sẻ một định mệnh chung. Nơi đó có những “hạt giống của Lời” (Nostra Aetate số 11), “những tia chân lý soi sáng con người” (Lumen Gentium số 17) và có hoa trái của Chúa Thánh Thần. Nơi các tôn giáo này có chứa đựng những yếu tố siêu nhiên, ngay cả đức tin cứu độ. Bỏ qua những giới hạn, sai lầm và tội lỗi, các tôn giáo này là một chuẩn bị cho Tin mừng. Tuy nhiên công đồng không trả lời rõ ràng những người không Ki-tô giáo có thể được cứu độ ngoài hay trong chính tôn giáo của họ? Phải chăng các tôn giáo này tự nó có những giá trị cứu độ hay không?.

4. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nói đến thái độ Giáo hội cần phải có đối với các tôn fgiáo khác trên thế giới: đối thoại huynh đệ. Thiên Chúa đã đối thoại với nhân loại qua dòng lịch sử cứu độ, ngày nay Giáo hội tiếp tục cuộc đối thoại này để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Giáo hội phải đối thoại vời (1) toàn thế giới (2) các phần tử của các tôn giáo khác (3) Các giáo hội Kitô khác và (4) ngay chính trong lòng Giáo hội. Đức giáo hoàng Phaolo VI cũng khẳng định cần phải tôn trọng các gía trị luân lý và tâm linh nơi các tôn giáo khác.

“Giáo hội kính trọng và đánh gía cao các tôn giáo Không-Kitô giáo, bởi vì các tôn giáo đó là cách diễn tả sống động tâm hồn của vô số các nhóm dân tộc. Chúng mang trong mình tiếng vang vọng cuộc tìm kiếm Thiên Chúa từ hàng ngàn năm nay, một cuộc tìm kiếm tuy bất toàn nhưng được thực hiện với thành tâm thiện ý….Chúng có vô số “các hạt giống của Lời” và do đó, hình thành một “chuẩn bị đích thực cho Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi 53).

5. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng cứu thế), Đức Giáo Hoàng Giao Phaolô II đã khẳng định: Giáo hội cần cho ơn cứu độ vì Giáo hội được thiết lập do ý muốn của Thiên Chúa và Giáo hội tham dự vào kế hoạch cứu độ của Người. Ơn cứu độ không chỉ ban cho những ai là thành viên của Hội thánh, minh nhiên tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nhưng cũng được ban cho những ai sống ngoài ranh giới của Giáo hội (RM số 10). Hơn nữa sứ vụ của Giáo hội chính là làm cho mọi người nhận biết Đức Giê-su tình yêu của Người và Người chính là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Theo chiều hướng đối thoại và tôn trọng các tôn giáo khác, Đức Giáo Hoàng khẳng định: Đối thoại không bắt nguồn từ những quan tâm lợi ích riêng mình nhưng là một hoạt động có những nguyên tắc hướng dẫn. Cần phải kính trọng sâu sắc đối với mọi điều đã được Thánh Thần thổi bất cứ nơi đâu Ngườimuốn. Qua đối thoại, Giáo hội muốn khám phá “hạt giống Lời” nơi các tôn giáo khác. Tuy nhiên, đối thoại không thể thay thế cho sứ vụ rao giảng Tin mừng của Giáo hội, vì đối thoại liên tôn là một phần của sứ vụ Giáo hội. Đối thoại là con đường hiểu biết lẫn nhau và làm phong phú lẫn nhau. Đối thoại và sứ vụ rao giảng Tin mừng liên hệ mật thiết với nhau nhưng không hoán vị nhau.

Tuyên ngôn Dominus Jesus: Theo tuyên ngôn này, chỉ duy một mình Đức Ki-tô là Đấng cứu độ. Tuy nhiên, hành vi cứu độ của Thiên Chúa qua trung gian Đức Ki-tô chứ không nói gì đến Giáo hội, thân thể của Người. Tuyên ngôn cũng khẳng định chỉ có Giáo hội là phương tiện của ơn cứu độ, điều này có căn bản trên chỉ một mình Đức Ki-tô Đấng cứu độ duy nhất của con người.

Kết luận:

Chúng ta đã lướt qua một số giải thích về “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”. Có thể kết luận: Giáo hội là phương tiện mang lại ơn cứu độ cho nhân loại theo như kế hoạch của Thiên Chúa. Chỉ có một lịch sử là lịch sử cứu độ, qua lịch sử này, Thiên Chúa mạc khải dần dần kế hoạch cứu độ của Người. Đỉnh cao của lịch sử, ơn cứu độ tuyệt đối và mạc khải là chính Đức Giê-su Ki-tô.