ÔNG THÁNH ALÊXÙ LÀ AI?

0
1969

Phan Tấn Thành

Trong nhiều quyển lịch ấn hành ở ngoại quốc, ngày 17 tháng 7 được ghi là kính thánh Alêxiô. Có phải thánh Alêxiô là Alêxù không? Tại sao tên vị thánh này không được ghi vào lịch phụng vụ?

Thánh Alêxiô đúng là thánh Alêxù đó. Alêxius là tiếng La-tinh, dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh là Alexis (bổn mạng của đức cha Phạm văn Lộc, nguyên giám mục Kontum). Đừng lẫn với thánh Aloysius, tên La-tinh của thánh Luigi Gonzaga, được phụng vụ kính vào ngày 21 tháng 6. Trước đây, thánh Alexis được phụng vụ kính ngày 17 thang 7, nhưng với cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Vaticanô II thì thánh Alexis bị gạt ra ngoài.

Vì lý do gì?

Ủy ban cải tổ lịch phụng vụ đã đề ra nhiều nguyên tắc làm việc. Một trong các nguyên tắc đó là loại trừ các vị thánh không có cơ sở lịch sử, cho dù nổi tiếng đến mấy đi nữa. Trong số các vị này, ta có thể kể đến thánh Alêxis và thánh Christophorus (tức là Christophe, bổn mạng của những người tài xế, trước đây kính vào ngày 25 thang 7. Thánh Christophe được vẽ như một người đang cõng Chúa Giêsu trên vai. Theo truyền kỳ, ông ta là một người Cana, thân hình to lớn vạm vỡ, và tuyên bố chỉ phục vụ người nào mạnh sức hơn mình mà thôi. Một đan sĩ đến thuyết phục ông hãy dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ tha nhân, bằng cách cõng đưa những người muốn sang sông mà không có thuyền. Ông ta đồng ý. Một bữa nọ, một em bé đến xin ông cõng, nhưng càng ra khơi, ông thấy sức nặng trên vai cứ tăng dần, đến độ khiến ông suýt chìm lỉm xuống nước. Khi qua bên kia bờ, ông được soi sáng cho biết là hài nhi đó là đức Kitô; từ đó ông xin theo đạo và nhận tên là Christophorus, tiếng Hy-lạp có nghĩa là “kẻ mang Chúa Kitô”. Thánh Alêxiô được tôn làm bổn mạng những người hành khất, và được thuật lại trong nhiều thi ca bình dân hoặc các vở kịch. Tại Việt Nam, truyện thánh Alêxiô đã được sáng tác thành tuồng kịch, ngay từ những thời buổi đầu của việc truyền bá Tin mừng. Nhiều tín hữu xưa kia đọc thuộc lòng vở tuồng này cũng như sách giáo lý vậy.

Sự tích thánh Alêxù ra sao?

Dĩ nhiên là các bản tuồng kịch viết bằng tiếng Việt đã thêm thắt nhiều tình tiết, và nhất là chỉ dựa theo một lưu truyền nào đó về thánh Alêxù mà thôi. Trên thực tế thì có nhiều phiên bản. Theo một thủ bản (viết vào khoảng cuối thế kỷ V, giữa năm 450 hoặc 475), thì Alêxù là con của một gia đình trưởng giả ở Rôma. Vào chính đêm thành hôn, chàng ta bỏ nhà đi biệt tích. Chàng đi đến mãi tận Edessa (nay là Urfa bên Thổ-nhĩ-kỳ), và sống đời cầu nguyện và khổ hạnh. Để có phương tiện sinh sống, chàng xin ăn ở cửa một nhà thờ. Nếp sống đạo hạnh của chàng đã khiến cho dân làng đặt tên là “con người của Thiên Chúa”. Mãi đến lúc gần chết, chàng ta mới tiết lộ tung tích cho ông từ coi nhà thờ. Ông này liền đi báo cho đức giám mục tên là Rabbula (412-435). Nhưng khi giám mục đến nghĩa trang nơi đặt thi thể của chàng, thì chỉ còn thấy vài mảnh giẻ rách mà thôi. Hiểu là thân xác của ông đã được về trời.

Đó là một lưu truyền. Còn những lưu truyền khác thì sao?

Lưu truyền vừa nói được đặt tên là “Syria” (bởi vì phát sinh từ Edessa thuộc Giáo hội Syria) hoặc là Mar- Risha (hoàng thân, tước hiệu đặt cho Alêxù). Một lưu truyền khác (mang danh là Hy-lạp do xuất xứ của nó là Constantinopolis) được viết vào thế kỷ IX, thêm nhiều tình tiết khác lâm ly hơn, và được truyền sang Tây phương. Alêxù là con một của gia đình trưởng giả ở Rôma, song thân tên là ông Euphêmianô và bà Aglaê. Khi còn nhỏ, cậu ta đã có lòng thương người, và thường giúp đỡ những người nghèo mà cậu ta gặp. Vào chính ngày thành hôn, anh ta thỏa thuận với bà vợ sẽ giữ khiết tịnh hoàn toàn. Thế rồi, anh ta bỏ nhà ra đi đến phương trời vô định. 17 năm sau, anh trở về gia đình, nhưng không ai nhận ra. Anh được trao cho những công tác hèn hạ trong nhà như một người đầy tớ, và cho ngủ ở trong xó cầu thang trong vòng 17 năm trường. Tính tình của anh rất nhu mì hiền lành, và vì thế anh bị chính các gia nhân ăn hiếp. Mãi khi đến chết, thì một tiếng từ trời phán ra: “Hãy đi tìm con người của Thiên Chúa ở trong nhà ông Euphêmianô, bởi vì ông sẽ cầu bầu cho thành phố”. Đức thánh cha đến nhà ông Euphêmianô, và thấy trên tay của người hành khất một tờ giấy tiết lộ tông tích của mình. Dĩ nhiên đây là hồi bi thảm nhất của vở kịch: khi mà cha, mẹ, vợ thay nhau khóc than.

Cuộc đời của thánh Alêxù đã trở thành đề tài cho nhiều thi ca và tuồng kịch, kể từ thế kỷ XI. Việc tôn kính thánh Alêxù đã được phổ biến ở các Giáo hội bên Đông (Syria, Etiopia, Slavic, cách riêng bên Nga, nơi mà nhiều người mang tên là Alexis), cũng như bên Tây (Ý, Pháp, Tây-ban-nha).

Đó là những truyền kỳ về thánh Alêxù. Còn dưới khía cạnh lịch sử thì sao?

Truyện thánh Alêxù rất được phổ biến trong dân gian, ở nhiều nước bên Tây phương trước khi được truyền bá sang Việt Nam, dưới nhiều thể văn cũng như nhiều hoạ phẩm trong các thánh đường. Tuy nhiên, những cuộc phê bình lịch sử đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, khi cha Duchesne nhận thấy rằng thánh Alêxù tuy chết tại Rôma nhưng không thấy tên tuổi trong danh sách các thánh (martyrologium) của Giáo hội Rôma trước thế kỷ X. Về nơi an táng thì cũng có nhiều lưu truyền. Các Giáo hội bên Đông nói rằng thánh Alêxù được chôn cất ở đền thờ thánh Phêrô, một điều không thể kiểm chứng được. Tại Rôma thì người ta nói rằng thánh Alêxù được chôn ở nhà thờ thánh Bonifaxiô, trên đồi Aventinô. Một chi tiết khác nữa liên quan đến danh tánh của vị giáo hoàng. Truyền kỳ bên Hy-lạp nói đến giáo hoàng Marxianô đã khám phá ra thánh Alêxù ở chân cầu thang của nhà song thân. Nhưng trong lịch sử không có giáo hoàng nào tên là Marxianô cả. Lưu truyền La-tinh thì nói rằng đó là giáo hoàng Innôcentê I. Khi đối chiếu các lưu truyền lại với nhau, các nhà sử học cho rằng có lẽ lúc ban đầu, tại Edessa có một người hành khất sống đời khổ hạnh, và được nhiều người tôn kính như là một “con người của Thiên Chúa”. Về sau, người ta đặt tên cho ông là Alexis, và thêm thắt những tình tiết về nguồn gốc gia đình để càng làm tăng thêm thái độ khiêm tốn khổ hạnh của ông.

Ngày nay còn dấu vết gì của thánh Alêxù không?

Có chứ. Tại Rôma, một thánh đường nổi tiếng mang tên thánh Alêxù, nằm trên đồi Aventinô, bên cạnh nhà thờ thánh Sabina, trụ sở dòng Đaminh, nơi mà hàng năm Đức thánh cha đến khai mạc mùa Chay. Ngôi nhà thờ này được đức thánh cha Hônôriô III dâng kính thánh Alêxù, trước đó mang tước hiệu thánh Bônifaxiô. Tuy nhiên kiến trúc của ngôi thánh đường hiện nay không còn giữ được vẻ nguyên thủy nữa, nhưng đã được tân trang hồi thế kỷ XVIII. Trong ngôi nhà thờ này, còn lưu giữ một cầu thang bằng gỗ mà tục truyền là nơi mà thánh Alêxù đã ở trong suốt 17 năm. Theo các nhà khảo cổ, nhà thờ thánh Alêxù không phải là căn nhà của ông Euphêmianô, nhưng chỉ là một nhà thờ trước đây kính thánh Bonifaxiô. Vào năm 997, khi tổng giám mục Sergiô từ Đamascô buộc phải rời bỏ giáo phận để sang tá túc ở Rôma, thì được đức thánh cha trao nhà thờ thánh Bonifaxiô làm trú sở. Đức cha Sêrgiô đã thiết lập một đan viện tại nhà thờ này, và truyền bá lòng sùng kính thánh Alêxù. Thánh nhân trở thành mẫu gương cho những khất sĩ. Trước đây lịch phụng vụ của Giáo hội La-tinh kính vào ngày 17 tháng 7, còn lịch Giáo hội Hy-lạp kính ngày 17 tháng 3. Như đã nói trên, bên Đông phương nhiều người đã nhận thánh Alexis làm bổn mạng, từ các hoàng đế đến các thượng phụ giáo chủ. Bên Tây phương, không những thánh Alêxù được đặt làm bổn mạng cá nhân, mà còn được nhận làm bảo trợ cho vài dòng tu nữa. Dù sao, nếu ai nghĩ rằng thánh Alêxù chỉ là một nhân vật dã sử cho nên hết giá trị, thì có thể tìm thấy một nhân vật lịch sử khác với một cuộc sống tương tự. Đó là thánh Benoit Labre, sinh năm 1748 tại Amettes (nay là Arras, miền Bắc nước Pháp), trưởng nam trong một gia đình tiểu thương, với 15 người con. Khi còn nhỏ, anh đã được nhiều giáo sĩ quen biết trong gia đình giúp đỡ để học làm linh mục. Nhưng anh không thấy ý Chúa gọi vào hàng giáo sĩ. Anh cũng đi thử nghiệm đời khổ tu với Dòng Chartreux, rồi dòng Xitô, nhưng cũng không thỏa mãn. Sau cùng, anh quyết định sống đời lãng tử. Rời nước Pháp, anh đi bộ qua Italia, kính viếng các đền thờ cổ kính (Assisi, Loreto), và rồi sau cùng đến Rôma. Tại đây, trong vòng 7 năm, anh đi viếng các nhà thờ trong giáo đô, ban ngày đi cầu nguyện, và ban tối thì ngả lưng ở một vỉa hè hay núp bóng hí trường Colosê. Anh qua đời ngày 16/6/1783, lúc chưa đầy 35 tuổi. Lạ thay, khi nghe tin người hành khất này qua đời, thì cả thành phố Rôma đến viếng xác của anh, trong suốt một tuần lễ. Benoit Labre được phong chân phước 70 năm sau (1853) và được phong thánh ngày 8/12/1881. Thánh Benoit Labre tượng trưng cho một khuôn mẫu thánh nhân mới của thời đại, một vị thánh không phải là giáo sĩ, tu sĩ, cũng chẳng phải là giáo dân thuộc hạng trưởng giả, nhưng là một giáo dân sống tầm thường. Nhờ sống đời cầu nguyện và nghiền ngẫm Lời Chúa, anh không những sống cuộc đời đạm bạc, mà còn tiếp xúc với mọi hạng người, nhất là những hạng cùng đinh trong xã hội. Anh trở nên một người nghèo truyền giáo cho người nghèo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here