Phan Tấn Thành
I. Nữ vương các thánh tử đạo
1) Tại sao Đức Maria được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo?
2) Tại sao chọn Nữ vương các thánh tử đạo làm bổn mạng tỉnh dòng?
3) Tỉnh dòng có tình cảm gì đối với Nữ vương các thánh tử đạo?
II. Nữ vương các chứng nhân
1) Tân ước có nền tảng cho tước hiệu Đức Maria “Nữ vương các chứng nhân” không?
2) Đức Maria đã sống đời chứng nhân đức tin như thế nào?
3) Tước hiệu “Nữ vương các chứng nhân” có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
————-
Đây không phải là lần đầu tiên tôi được mời chia sẻ với anh em nhân dịp bổn mạng tỉnh dòng. Vì không muốn lặp lại những điều đã trình bày cho nên năm nay tôi muốn tìm một lối tiếp cận mới liên quan đến danh hiệu bổn mạng tỉnh dòng, qua tựa đề: “Nữ Vương các tử đạo hay Nữ vương các chứng nhân?” Xin anh em hãy kiên nhẫn chịu tử đạo khi nghe bài suy niệm hơi dài, và có thể gây nhiều cú sốc.
Thực ra, nếu xét theo tầm nguyên Hy-lạp và Latinh, thì dịch “Regina martyrum” là “Nữ vương các thánh tử đạo” hay “Nữ vương các chứng nhân” cũng như nhau[1]. Tuy nhiên, xét về nội dung thì không hẳn như vậy. Như vậy, anh em có thể hình dung được bố cục của bài này, gồm hai phần chính. Trong phần thứ nhất, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của tước hiệu “Nữ vương các thánh tử đạo”, với những hệ luận của nó. Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu cơ sở Kinh thánh biện minh cho tước hiệu “Nữ vương các chứng nhân”, cùng với những hệ luận của nó. Mỗi phần sẽ gồm có ba câu hỏi.
I. Nữ vương các thánh tử đạo
Trong phần này, tôi xin gợi lên ba câu hỏi: 1/ Tại sao gọi Đức Maria là Nữ vương các thánh tử đạo? 2/ Tại sao tỉnh dòng chọn Nữ vương các thánh tử đạo làm bổn mạng? 3/ Tâm tình của anh em như thế nào đối với tước hiệu này?
1) Tại sao Đức Maria được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo?
Đức Maria không chịu tử đạo. Tại sao tôn Người làm nữ vương các thánh tử đạo? Thánh Bênađô cũng như nhiều vị thánh khác đã trả lời rằng: Đức Maria không chịu tử đạo về thân xác, nhưng Người chịu tử đạo trong “tinh thần” (hoặc trong “tâm hồn”), như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai của giờ Kinh Sách: “Sau khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu đã không bị lưỡi tàn bạo đâm thấu lòng; nhưng chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn của Chúa chắc chắn không còn đó nữa, nhưng tâm hồn của Mẹ không tránh đâu được. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy chúng con thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác.. Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Maria được gọi là vị tử đạo trong tâm hồn”[2].
Tuy nhiên, xin lưu ý anh em rằng khi nói Chúa Giêsu là Vua các thánh tử đạo, thì nên hiểu Người là Đấng chịu đau khổ nhất trên đời: vua được hiểu như “người đứng đầu” (quán quân, vô địch) chứ không đương nhiên bao hàm ý niệm quyền bính của một ông vua. Một cách tương tự như vậy, khi nói rằng Đức Maria là Nữ vương các thánh tử đạo thì ta đừng hiểu theo nghĩa là các thánh tử đạo đến xin nhận Mẹ làm nữ hoàng. Không phải thế, điều này chỉ muốn nói rằng Mẹ là người đau khổ nhất trên đời này, người đã chia sẻ sâu đậm nhất những đau khổ của Chúa Giêsu. Thánh Alphonso Liguori còn đưa ra rất nhiều lý lẽ để cho thấy rằng, đừng kể Chúa Giêsu, không ai ở trên đời này đã chịu đau khổ cho bằng Mẹ Maria[3]. Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này vì anh em đã nghe nhiều trong các bài giảng nhân ngày lễ Mẹ sầu bi rồi.
Dù sao, như chúng ta đã biết, các nghệ phẩm về Nữ Vương các thánh tử đạo thường tập trung vào cảnh Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá (chủ đề cho ca tiếp liên ngày lễ: Stabat mater dolorosa, gợi hứng cho các bài thánh ca trong tiếng Việt: “Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái sầu”). Một cảnh khác cũng trở thành chủ đề cho các nghệ phẩm nổi tiếng là bức tượng Pietà của Michelangelo, Mẹ ẵm xác con trên lòng sau khi đã được tháo đinh khỏi thập giá.
2) Tại sao, tỉnh dòng Việt Nam chọn danh hiệu “Nữ vương các vị tử đạo”?
Có lẽ ít anh em trẻ biết điều này. Trong bản kỷ yếu xuất bản vào dịp thành lập tỉnh dòng (18/3/1967), ban biên tập nêu lên ba lý do: “Nhớ nguồn – Định hướng đi – Cầu xin sức mạnh”.
a) Trước hết, về mặt lịch sử, có thể nói tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam là thành quả xương máu của các vị tử đạo thuộc gia đình Đa Minh trên đất nước Việt Nam thân yêu, trong số đó có 38 vị đã được phong Hiển thánh[4]. Trải qua bao thử thách gian khổ, các bậc tiền bối hào hùng của Tỉnh Dòng vẫn luôn trung kiên, đem lời giảng, gương sống và cả xương máu của mình xây dựng Hội thánh Việt Nam và Tỉnh Dòng tương lai … Hẳn rằng trong những năm tháng chịu đựng cấm cách, bách hại ác liệt đó, các tiền bối đã nhận được nguồn trợ lực rất lớn, rất hiệu lực từ chính người Mẹ hiền muôn thuở của Dòng Thuyết Giáo. Chọn thánh hiệu Nữ vương Các Thánh Tử Đạo, Tỉnh Dòng vừa muốn chính thức và trân trọng bày tỏ lòng tôn kính, tri ân Mẹ hiền, vừa muốn tự nhắc nhở phải kế thừa xứng đáng gia sản vô giá của cha anh trối lại, đồng thời phải sống chết với sứ vụ của Dòng để khỏi phụ công lao các bậc tiền bối hiển hách.
b) Thứ đến, bức chân dung Đức Mẹ Sầu Bi diễn đạt rất đúng tinh thần và lý tưởng Anh em Đa Minh Việt Nam hằng phải luyện tập và thực hiện. Đời nội tâm tu sĩ Thuyết Giáo cũng họa theo từng đường nét của Đức Maria trong tinh thần, cung cách làm người môn đệ trung thành của Đức Kitô : bước theo Ngài đi bất cứ nơi đâu, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau thương thập giá, với đức tin và hy vọng vào quyền năng Thiên Chúa, luôn đứng vững dưới chân Thập Giá, dưới giông tố phũ phàng của những thế lực thù nghịch với Tin mừng, ghi nhận mọi biến cố, kể cả biến cố bi thảm nhất trong cuộc đời của tất cả và từng con người anh em gặp gỡ, phục vụ, cũng như của chính bản thân anh em, trên đường thi hành sứ vụ, âm thầm, cẩn trọng suy niệm trong lời cầu nguyện khiêm tốn, phó thác.
c) Sau cùng, danh hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo còn nêu rõ đường hướng của Tỉnh Dòng hôm nay và mai sau, đó là một Tỉnh Dòng cống hiến trọn vẹn nhân tài vật lực của mình cho công cuộc tông đồ truyền giáo, với bước chân thanh thoát của đức Maria, của các thánh Tông đồ, của các vị thừa sai cha anh trên đất Việt, đem tin vui giải thoát cho hết mọi tâm hồn, tại bất kỳ một biên cương nào với trái tim yêu thương nồng nàn và quả cảm của các ngài, khi cần phải minh chứng chân lý của lời mình truyền giảng, ngay cả bằng máu đào, bằng sinh mạng của mình.
Đó là ba lý do nổi. Còn một lý do chìm nữa! Theo chỗ tôi biết, khi vào tập viện, cha Gioankim Nguyễn Văn Liêm (giám tỉnh tiên khởi) đã chọn tên bổn mạng là “Regina martyrum”, và ngài muốn cho tỉnh dòng cũng mang tên ấy. Tôi không rõ tại sao ngài thích tên ấy, mà chỉ biết rằng “Nữ vương các vị tử đạo” cũng là tước hiệu của ngôi thánh đường của Dòng Đa Minh tại Khoái đồng (Nam Định), được cất gần khu đất Bảy Mẫu, nơi nhiều tín hữu đã tuẫn đạo. Nếu tôi không lầm, vào thời ấy tại Bắc Việt chỉ có hai nhà thờ mang tước hiệu Nữ Vương các thánh tử đạo: nhà thờ Khoái đồng khởi công năm 1934 và thánh lễ được cử hành năm 1941; và nhà thờ ở Cửa Bắc Hà Nội, được xây cất năm 1925 và khánh thành năm 1932. Thực ra vào lúc đầu người ta muốn dâng kính các tử đạo Việt Nam, nhưng vì hồi đó các ngài mới chỉ là chân phúc, cho nên Tòa Thánh bảo phải dâng hiến cho Nữ Vương các thánh tử đạo (chứ không thể dâng hiến các chân phúc tử đạo)[5]. Tình hình hiện nay đã thay đổi: các thánh đường mang tước hiệu Nữ Vương các thánh tử đạo khá nhiều, đó là chưa kể các thánh đường dâng kính các thánh tử đạo Việt Nam.
3) Tình cảm của anh em tỉnh dòng như thế nào đối với Nữ vương các thánh tử đạo?
Dù các lý do lịch sử và thần học như thế nào đi nữa, thử hỏi: trên thực tế, anh em Đa Minh Việt Nam đã sống linh đạo Nữ vương các thánh tử đạo như thế nào trong thời gian suốt 53 năm qua? Xin vô phép trả lời rằng: tước hiệu này chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống của anh em ta. Mỗi năm chúng ta chỉ nhắc tới một lần vào ngày 15 tháng 9, thế là hết!
Thoạt tiên câu nói có vẻ gây sốc, nhưng thực tế là vậy, và khởi đi từ dấu triện của tỉnh dòng. Dấu triện không khắc họa chân dung “Nữ vương các thánh tử đạo”, nhưng là “Đức Mẹ Sầu bi”. Nên biết là hai tước hiệu khác nhau chứ không thể đồng hóa với nhau. Tại sao vậy? Tại vì “Đức Mẹ sầu bi” chỉ đứng có một mình, đang khi lẽ ra “Nữ vương các thánh tử đạo” phải được vây quanh bởi đoàn ngũ các vị tử đạo. Về điểm này, bức tranh của cha Albert Carpentier O.P. (4/9/1918-20/3/2020) vẽ cho tu viện Ocana (Tây-ban-nha) vào dịp phong thánh tử đạo Việt Nam thật có ý nghĩa: Đức Mẹ ngồi giữa, bế Chúa Giêsu cầm tràng chuỗi Mân côi, với các thánh tử đạo thuộc đủ hàng ngũ (giám mục, linh mục, giáo dân Dòng Ba) đứng hai bên tả hữu.
Một hệ luận tiêu cực nữa là không ai trong tỉnh dòng đứng ra cổ vũ lòng tôn kính Đức Mẹ Sầu bi. Lý do dễ hiểu: nên để cho Dòng Đồng Công quảng bá lòng tôn kính bảy sự đau đớn Đức Bà, còn dòng Đa Minh đã có Đức Mẹ Mân côi rồi!
Kết luận: thế thì sao? Phải chăng đã đến lúc chúng ta chia tay Nữ vương các thánh tử đạo, để đón nhận Nữ vương các chứng nhân về nhà mình (Ga 19,27)? Đó là điều tôi cố gắng trình bày trong phần thứ hai.
II. Nữ vương các chứng nhân
Trong phần này, tôi cũng xin đặt ba câu hỏi: 1/ Tân ước có nền tảng nào cho tước hiệu Đức Maria Nữ vương các chứng nhân không? 2/ Đức Maria đã sống đời chứng nhân đức tin như thế nào? 3/ Tước hiệu này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Trước khi vào đề, thiết tưởng cần xác định ý nghĩa từ ngữ. Như đã nói ở đầu, Regina martyrum có thể dịch là “Nữ vương các vị tử đạo” (nên lưu ý là không có “thánh” ở đây), hoặc là “Nữ vương các chứng nhân”. Thuật ngữ “chứng nhân” được hiểu như là “chứng nhân đức tin”, hay nếu muốn theo sát với tinh thần Dòng Đa Minh, thì đó là các “môn đệ của Lời Chúa”, các “chứng nhân của sự thật”.
1) Tân ước có nền tảng nào cho tước hiệu Đức Maria Nữ vương các chứng nhân không?
Có chứ. Vào ngày 15 tháng 9, Sách lễ Rôma đề nghị hai bài đọc Tin mừng: Gioan 19,25-27 (Đức Maria đứng dưới chân thánh giá) và Luca 2,33-35 (Ông Simêon nói tiên tri về hài nhi Giêsu và thân mẫu của Người). Như chúng ta đã biết, đoạn văn Tin mừng Gioan đã trở thành nền tảng của tước hiệu Nữ vương các thánh tử đạo (được diễn tả qua ca-tiếp-liên Stabat mater dolorosa); đoạn văn của Luca cũng được giải thích theo chiều hướng “tử đạo” trong tâm hồn: “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”, và nhiều bức tranh đã vẽ 7 lưỡi gươm xuyên qua trái tim mẹ, chủ đề suy gẫm của tràng chuỗi bảy sự đau đớn Đức Mẹ: (1) Ông Simêon tiên báo đau khổ; (2) Trốn sang Ai-cập; (3) Lạc mất con ba ngày; (4) Gặp con trên đường thập giá; (5) Chúa chịu đóng đinh trên thập giá; (6) Hạ xác Chúa khỏi thập giá; (7) An táng Chúa trong mộ[6].
Tuy nhiên, theo các nhà chú giải, trong Kinh Thánh, hình ảnh “lưỡi gươm” còn mang nhiều nghĩa khác nữa, và tôi chỉ dừng lại ở biểu tượng Lời Chúa[7]. Đây là một hình ảnh đã có trong Cựu ước, chẳng hạn như Is 49,2 khi nói về người Tôi trung: “Giavê đã làm cho lưỡi tôi biến thành lưỡi gươm sắc bén”, hoặc Kn 18,15: “Lời của Chúa từ trời cao thẳm đã mang lệnh truyền của ngài xuống đất, như lưỡi gươm sắc bén”. Đặc biệt trong Tân ước, có đến bảy đoạn văn so sánh Lời Chúa (và cụ thể là Lời của Chúa Giêsu) như lưỡi gươm sắc bén, cách riêng là sách Khải huyền (1,16; 2,12.16; 19,15.21). Hình ảnh sống động nhất được mô tả trong đoạn văn thư gửi Hipri 4,12: “Lời Thiên Chúa là lời sống động hữu hiệu, và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”[8].
Trong bối cảnh này, câu nói của ông Simêon có thể giải thích như sau: “Này bà, tâm hồn của bà sẽ bị xâu xé bởi lời của Chúa” hoặc: “Lời Chúa mà bà cưu mang sẽ gây ra cho bà rất nhiều xáo trộn trong cuộc đời”. Đức Maria sẽ phải vất vả suốt đời để uốn nắn tư tưởng và tâm tình cho phù hợp với Lời Chúa.
Chúng ta sẽ tiếp tục đào sâu ý nghĩa của lời ông Simêon trong câu hỏi tiếp theo.
2) Đức Maria đã sống đời chứng nhân đức tin như thế nào?
Câu hỏi này có thể hiểu là Đức Maria đã cố gắng hòa hợp đời sống của mình với đức tin; nhưng trước hết và trên hết, chúng ta nên hiểu là Đức Maria đã để cho Lời của Chúa rèn luyện uốn nắn tâm tư của mình; và điều này gây ra nhiều đau khổ, nhất là vì hai mẹ con không hiểu nhau!
Hẳn chúng ta còn nhớ lời của Đức Maria thưa với sứ thần vào lúc Truyền tin: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Và sang chương 2, Luca viết: “Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19), nhưng nhất là ở cuối chương 2 (sau khi đã tìm được hài nhi trong đền thờ): “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (2,51). Trong nguyên bản Hy-lạp, “ghi nhớ” là “symballo”, có nghĩa là đối chiếu, ghép lại, tổng hợp để tìm hiểu ý nghĩa. Thực vậy, trong thông điệp Redemptoris mater (số 16) Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã ghi nhận rằng Luca đã để lại hai cảnh “truyền tin” trái ngược nhau: cảnh thứ nhất (của thiên sứ Gabriel) giới thiệu chức vụ cao cả của Đức Maria (gắn với địa vị huy hoàng của Chúa Giêsu ngự trên ngai vua Đavit), nhưng Mẹ chẳng thấy thực hiện trong cuộc đời dương thế của Chúa; còn lời truyền tin thứ hai của ông Simeon sát với thực tế hơn: nó đánh dấu hành trình thanh luyện đức tin của Đức Maria, kéo dài cho tới lúc Chúa Giêsu phục sinh. Như vậy, hai cuộc truyền tin đã để lại hai sứ điệp tương phản nhau. Ông Simêon tiên báo là “trẻ này sẽ trở thành dấu chỉ mâu thuẫn” (signum contradictionis, Lc 2,34). Và đây chính là nguồn gốc của những sự xáo trộn trong đời của Mẹ. Tôi xin tạm xếp vào hai loạt sự kiện cho gọn: a) những sự kiện liên quan đến sứ mạng của Đức Giêsu; b) những sự kiện liên quan đến tương quan giữa hai mẹ con.
a) Những sự kiện liên quan đến sứ vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta dễ bị ấn tượng bởi những phép lạ của Người, khiến cho dân chúng hăm hở chạy theo, mà quên rằng ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Người đã gặp những chống đối từ quê hương Nazareth (Lc 4,28-29), từ gia đình họ hàng (họ cho rằng Người đã mất trí: Mc 3,20-21). Có người tố cáo là Người bị quỷ ám (Mc 3,30), dùng sức của Beelzebul tướng quỷ để trừ quỷ (Mc 3,22). Đức Giêsu đã nhiều lần đụng độ với giới lãnh đạo Do thái chung quanh vấn đề giữ luật Môsê. Những sự chống đối này dẫn đến âm mưu loại trừ khỏi xã hội với cái chết trên thập giá (Mc 3,6). Đức Giêsu có tội tình gì mà bị người đời xử tệ như vậy? Chắc hẳn đã hơn một lần Mẹ Maria tự hỏi như vậy.
b) Nhưng chắc nỗi khổ tâm còn lớn hơn nữa là những lần hai mẹ con không hiểu nhau. Sau khi tìm lại hài nhi Giêsu sau ba ngày thất lạc, thay vì nhận được lời xin lỗi, bà mẹ lại nghe câu trách móc: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Luca bình luận: “Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói” (2,50). Trong cuộc đời công khai của Chúa, một lần kia, Đức Mẹ đến tìm gặp con, hẳn là nhớ nhung sau một thời gian xa cách. Bởi vì đám đông vây quanh Chúa khiến cho bà mẹ không thể đến gần được, nên người ta nhắn lại cho Người. Thế nhưng, thay vì vồn vã ra tiếp đón, Người nói: “Ai là mẹ tôi và ai là anh em tôi? Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ tôi” (Mc 2,31). Một lần khác, một người phụ nữ cất tiếng nói giữa đám đông: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông và vú mà ông đã bú!” Thay vì dừng lại một chút để bày tỏ lòng biết ơn nghĩa của mẹ mình thì Chúa trả lời: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ” (Lc 11,27-28).
Đường lối của Chúa quả là khó hiểu (Rm 11,33)! Không chỉ các nhà lãnh đạo Do thái mà thậm chí các môn đệ cũng vấp ngã vì Chúa Giêsu. Người ta mong chờ một vị Mêsia vinh quang, nhưng đó không phải là con đường của Chúa Cha. Trái lại, Đức Maria không để cho mình bị vấp ngã, nhưng đã cố gắng “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”, đi theo con đường “trở thành môn đệ”. Từ vị trí của người mẹ, có một thứ uy quyền nào đó đối với con của mình, Đức Maria đã trở thành một người học trò, tuân theo sự dẫn dắt của Con mình.
3) Tước hiệu “Nữ vương các chứng nhân” có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Qua những điều vừa trình bày, chúng ta dễ khám phá tương quan giữa tước hiệu này với ơn gọi Dòng Đaminh, Dòng phục vụ Lời, Dòng truy tầm và rao giảng Chân lý.
Trước hết, chúng ta cần cảnh giác cao độ: chúng ta phục vụ Lời Chúa, chứ không được phép lèo lái Lời Chúa. Chúng ta cần phải để cho Lời Chúa điều khiển cuộc đời chúng ta. Tiếc rằng kinh nghiệm cho thấy là chúng ta muốn bắt Lời Chúa phải hội nhập vào não trạng của chúng ta, thay vì uốn nắn đầu óc của chúng ta phù hợp với Lời Chúa. Và thế rồi, đến một lúc nào đó, Lời Chúa can thiệp để vạch trần sự giả dối của chúng ta. Tôi chỉ xin đưa một thí dụ thôi. Chúng ta đang bị đe dọa bởi vì nạn dịch Cô Vi. Đã có nhiều bài suy niệm chung quanh hiện tượng này, trong đó có các bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô vào ngày thứ tư hằng tuần. Một đề tài khá thú vị là Cô Vi tạo ra cơ hội để áp dụng những gì đã viết trong thông điệp Laudato si, giúp cho thiên nhiên dễ thở hơn. Một người anh em chúng ta đã tâm sự với tôi rằng nhờ Cô Vi mà anh khám phá ra ơn gọi linh mục. Trong thời gian tĩnh tâm chịu chức, anh lo nghĩ đến chuyện viết thiệp mời dự ngày lễ truyền chức. Đùng một cái, lễ truyền chức bị hoãn lại. Quả là một cơ hội quý giá để phân biệt lễ truyền chức thánh với lễ hội tiến chức ở ngoài xã hội.
Bài nói chuyện đã dài. Tôi xin kết thúc. Chúng ta còn ở giai đoạn bắt đầu niên học. Chúng ta có một mẫu gương tìm kiếm chân lý nơi thánh Tôma. Tôi đã nhắc đến Đức Maria nhận được hai sứ điệp truyền tin tương phản, và Mẹ cố gắng kết hợp với nhau. Chúng ta thấy rằng vào lúc cuối đời, thánh Tôma cũng nhận được hai sứ điệp tương phản. Một lần tại nhà nguyện thánh Đaminh ở Napoli, anh Domenico di Caserta đã thấy Chúa Giêsu hiện ra với thánh Tôma đang cầu nguyện và hỏi Người: “Con đã viết rất đúng về Ta, con muốn phần thưởng gì?” Thánh Tôma trả lời: “Con chỉ muốn một mình Chúa mà thôi” (Non nisi Te, Domine). Đó là một sứ điệp tích cực: Tôma viết rất hay, rất đúng[9]. Mấy tháng sau, vào lễ thánh Nicola, Người lại được một thị kiến khác, và từ đó Người ngưng viết. Bị nài ép hãy cố gắng hoàn tất bộ Tổng luận thần học đang viết dở dang ở bí tích Thống hối, Người trả lời: “Tôi không thể viết được nữa. Tất cả chỉ là rơm rác”[10]. Sứ điệp này hoàn toàn trái ngược! Phải chăng thánh Tôma đã sai hết? Hay là cần phải trải qua một cú thanh luyện, lột bỏ tất cả, thì mới có thể đạt tới chân lý là Thiên Chúa?
Từ Đức Mẹ và thánh Tôma, chúng ta rút ra một bài học. Nếu chúng ta chưa trở thành những chứng nhân loan báo chân lý toàn vẹn của Phúc âm, thì ít là chúng ta xin ơn cho biết làm chứng cho một chân lý này mà thôi, đó là: Chúng ta không nắm bắt chân lý, nhưng hãy để cho chân lý nắm bắt ta.
———————————-
[1] X. Phan Tấn Thành, Chứng tá và tử đạo, Thời sự thần học, số 82 (thasng11/2018) trang 48-78.
[2] Bài đọc hai giờ Kinh sách trích từ: Homilia in dominica infra octava Assumptionis
[3] Trong quyền sách “Vinh quang Đức Mẹ Maria”, phần thứ hai, thánh Alphonsô đã trưng dẫn rất nhiều ý kiến của các thánh (trong đó có cả thánh Alberto Cả và thánh Tôma) bàn về những đau khổ của Mẹ Maria cũng như tước hiệu nữ vương các vị tử đạo. X. Bản dịch Việt ngữ của Phạm Duy Lễ (Saigon 1967, in lần thứ 5 năm 2002, Lưu hành nội bộ, trang 231-316
[4] Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam đã được xây dựng bởi máu các tử đạo. Trong số 117 thánh Tử đạo Việt Nam, người ta đếm được 6 giám mục và 16 linh mục Dòng Nhất, 1 linh mục và 12 giáo dân Dòng Ba Đaminh. Dưới một phương diện khác, trong hai thế kỷ XVIII-XIX, đã có 35 (trên tổng số 134, tức là hơn 26%) anh em Đa Minh Việt Nam tuẫn giáo, mặc dù chỉ có 11 vị được tôn kính trên bàn thờ.
[5] Ngày nay, tước hiệu của Nhà thờ Cửa Bắc đã được đổi thành “Đức Mẹ Hà nội”.
[6] Xem ra nguồn gốc của 7 sự đau đớn Đức Mẹ bắt nguồn từ một mặc khải tư của Đức Mẹ cho thánh nữ Birgitta (Revelationes, lib.2, cap.2). Dù sao, phong trào kính Trái Tim Đức Mẹ (Mẫu Tâm) cũng thường vẽ Trái tim Đức Mẹ với 7 lưỡi gươm.
[7] A. Serra, Maria secondo il Vangelo, Queriniana, Brescia 19872, pp. 112-119. Tác giả cũng trưng dẫn A. Vanhoye, La parola che giudica, in La Parola per l’assemblea festiva (PAF) n. 56, Queriniana, Brescia !976, pp. 60-69.
[8] Xem thêm Ep 6,17: “Hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”.
[9] Lúc ấy thánh Tôma đang viết phần thứ ba của Summa, có lẽ về bí tích Thánh Thể. X. J.P. Torrell, Saint Thomas Aquinas, vol.I, (The person and his work), CUA Press, Washington DC, 2005, p.285.
[10] Torrell, op.cit, p.293.