NIỀM TIN CỦA NGUYỆN NHÂN VÀ DUNG MẠO CỦA THIÊN CHÚA TRONG THÁNH VỊNH 3

0
3246

Phanxicô Xaviê Phú Anh Quốc, OP
(Sinh viên năm III,
Lớp Thần học, TTHV Đaminh)

1. Dẫn nhập

Thánh vịnh 3 có vị trí đặc biệt trong sách Thánh Vịnh. Nó là điểm nối giữa hai chuỗi Thánh vịnh Tv 1–3 và Tv 3–7. Đây là Thánh vịnh đầu tiên có sự xuất hiện của nhân vật Đa-vít, được nhà biên tập cuối cùng liên kết với Tv 1–2 để hoàn tất việc giới thiệu Đấng Mê-si-a – Vị Vua mà Dân Chúa đang mong đợi. Tuy nhiên, Đa-vít xuất hiện trong Thánh vịnh này lại là một vị vua bị làm nhục, phải chạy trốn địch thù, gặp đầy dẫy khó khăn. Điều này khiến nhà biên soạn đặt lại niềm hy vọng của mình dưới sự can thiệp của Thiên Chúa, khi ông đặt trên môi miệng của vị vua những khẩn nài đầy tin tưởng vào Thiên Chúa.[1] Vì thế, năm Thánh vịnh tiếp theo (Tv 3–7) là những lời cầu nguyện trong nhiều hoàn cảnh khó khăn: bị tấn công, bách hại, vu khống, bệnh tật, sắp chết. Trong những hoàn cảnh đó, nguyện nhân dùng lời cầu nguyện như là phương thế tốt nhất để tìm chốn nương náu nơi Thiên Chúa; và vì thế, ông được kể là người có phúc, như được xác quyết bởi câu cuối của Tv 2: “Phúc thay tất cả những ai nương náu nơi ĐỨC CHÚA!”.[2]

Chúng ta sẽ phân tích Thánh vịnh đặc biệt này để thấy niềm tin của nguyện nhân và dung mạo Thiên Chúa của ông.

2. Bản văn[3]

1Thánh vịnh. Của Đa-vít, khi ông chạy trốn Áp-sa-lôm, con ông.

2Lạy ĐỨC CHÚA, đối phương của con đông biết bao,
những người nổi dậy chống lại con thật quá nhiều!

3Quá nhiều kẻ đang nói về hồn con:
“Chẳng có ơn cứu độ cho nó nơi Thiên Chúa !”. Ngưng.

4Nhưng chính Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, là thuẫn đỡ cho con,
là vinh quang của con,
là Đấng làm ngẩng đầu con.

5Tôi cất tiếng kêu lên cùng ĐỨC CHÚA,
và Người đáp lại tôi từ núi thánh của Người. Ngưng.

6Phần tôi, tôi nằm xuống và tôi ngủ,
tôi thức dậy, vì ĐỨC CHÚA đỡ nâng tôi.

7Tôi chẳng sợ hãi
đám dân đông đảo đang vây quanh chống lại tôi.

8Xin trỗi dậy, lạy ĐỨC CHÚA,
xin cứu độ con, lạy Thiên Chúa của con,
vì Ngài đánh vào hàm mọi kẻ thù của con,
và phá huỷ các răng của những kẻ gian ác.

9Ơn cứu độ thuộc về ĐỨC CHÚA,
trên dân Ngài, phúc lành của Ngài. Ngưng.

3. Hình thức và cấu trúc

a. Hình thức

Thánh vịnh 3 là thánh vịnh đầu tiên trong sách Thánh Vịnh thứ nhất của Đa-vít (Tv 3–41). Phần tiêu đề (c. 1)[4] quy gán Thánh vịnh này cho vua Đa-vít, cũng như nối kết với sự kiện Áp-sa-lôm nổi loạn buộc vua Đa-vít phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem (2 Sm 15,13-23). Liệu tác giả của Thánh vịnh này thực sự có phải là vua Đa-vít không? Thật khó để xác minh rõ ràng! Dầu vậy, xét về nội dung, Thánh vịnh 3 là một lời than van của nguyện nhân (có thể là của một vị vua) đang bị quân thù vây hãm.[5] Vì thế, trước hết, đây là một thánh vịnh khẩn nài.

Tuy nhiên, tâm tình than van, khẩn nài chỉ được nguyện nhân diễn tả trong phần đầu (cc. 2-3); còn phần sau, chiếm không gian lớn hơn (cc. 4-9), lại diễn tả và nhấn mạnh đến tâm tình tin tưởng, phó thác vào sự chở che của Thiên Chúa giữa lúc ngặt nghèo. Nói cách khác, hoàn cảnh khó khăn của nguyện nhân chỉ là nguyên cớ và là bối cảnh làm nổi bật niềm tin vào Thiên Chúa uy quyền, đầy dũng lực, luôn bảo vệ và giải thoát người công chính. Do đó, Thánh vịnh 3 cũng được xếp vào loại thánh vịnh tin tưởng, phó thác. [6]

b. Cấu trúc

Ngoài phần tiêu đề (c. 1), Thánh vịnh 3 được chia thành năm phần dựa vào các lời kêu cầu “Lạy ĐỨC CHÚA”:[7]

cc. 2-3: Lời cầu khẩn và tình cảnh khốn cùng của nguyện nhân.

c. 4: Lòng tin tưởng và trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa.

cc. 5-7: Tường thuật kinh nghiệm đức tin.

c. 8: Xin ơn giải cứu.

c. 9: Lời chúc tụng và tuyên xưng đức tin.

4. Bối cảnh và niên đại

Việc xác định bối cảnh và niên đại soạn thảo hệ tại ở câu hỏi: nguyện nhân là ai? Nếu chỉ dựa vào phần tiêu đề, chúng ta dễ dàng xác định nguyện nhân là vua Đa-vít, còn bối cảnh là vua đang phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem vì hoàng tử Áp-sa-lôm nổi loạn. Sự kiện này diễn ra khoảng năm 975-970 tCN.[8]

Tuy nhiên, hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại không chấp nhận lối giải thích này, bởi lẽ, Thánh vịnh 3 diễn tả một thái độ tin tưởng, phó thác khác hẳn với tâm thế của vua Đa-vít khi chạy trốn Áp-sa-lôm trong 2 Sm 15–19.[9] Họ đưa ra nhiều giải đáp khác nhau. H. Gunkel cho rằng, nguyện nhân là một người dân thường đang gặp một khó khăn nào đó. Còn R. Kittel lại khẳng định nguyện nhân thuộc đội quân của Ít-ra-en đang bị vây hãm trong một trận chiến. Và, B. Duhm còn nói rõ hơn khi đặt Thánh vịnh này vào bối cảnh cuộc nổi dậy và đấu tranh của anh em nhà Ma-ca-bê (thế kỷ II tCN). Ông còn cho rằng, nguyện nhân, có lẽ, là một vị lãnh đạo quan trọng về quân sự, hay chính trị…, bởi vì, một người dân thường không thể có nhiều kẻ thù như vậy (cc. 2.7). Cuối cùng, A. Bentzen và A. Weiser xác định nguyện nhân là một vị vua, vì từ ngữ được sử dụng như trong một thánh vịnh vương đế.[10]

Về việc xác định bối cảnh và niên đại của Thánh vịnh 3, H. J. Kraus đề nghị đặt Thánh vịnh vào khung cảnh phụng vụ, và liên kết ba yếu tố thánh vịnh – phụng vụ – lịch sử.[11] Theo đó, Thánh vịnh này là “công thức” cầu nguyện của nguyện nhân, và ông mượn lời Thánh vịnh để diễn tả hoàn cảnh riêng của mình. Có lẽ, ông đặt mình vào vị trí của một vị vua đang bị quân địch vây hãm trong một trận đánh. Mặt khác, Thánh vịnh 3 còn được gọi là “lời ca ban mai”. Bởi lẽ, dựa vào câu 6, người ta suy luận rằng, Thánh vịnh này được hát vào buổi sáng sớm,[12] và theo S. Mowinckel, có thể là sau một đêm canh thức ở Đền Thờ. Vì thế, theo W. Beyerlin, nếu cho Thánh vịnh này là một công thức cầu nguyện, thì có lẽ, nó bắt nguồn từ thời Đền Thờ thứ nhất hơn là thời tiền lưu đày.[13]

5. Đặc điểm ngôn ngữ

Dưới đây là một số đặc điểm ngôn ngữ nổi bật của Thánh vịnh 3:

Thứ nhất, trong Thánh vịnh này, ta thấy có một sự thay đổi ngôi thứ khi nói về Thiên Chúa. Nguyện nhân có khi gọi Thiên Chúa cách trực tiếp (ngôi thứ 2) (cc. 2-4.8.9b), nhưng có khi lại gọi Thiên Chúa ở ngôi thứ ba (cc. 5-7.9a). Craig C. Broyles giải thích sự thay đổi này bằng cách đặt Thánh vịnh 3 vào trong bối cảnh phụng vụ. Trong đó, có lúc, nguyện nhân cầu nguyện với Thiên Chúa (ngôi thứ 2), rồi có lúc chuyển sang làm chứng về niềm tin của mình trước cộng đoàn (ngôi thứ ba).[14] Đây cũng là một tiêu chí dùng để phân chia cấu trúc của Thánh vịnh này.

Thứ hai, trừ câu 7, câu nào trong Thánh vịnh này cũng nói đến “ĐỨC CHÚA” (YHWH) hoặc “Thiên Chúa” (Ê-lô-him) (c. 3).[15] Đặc biệt, khi kêu cầu danh “ĐỨC CHÚA”, nguyện nhân cho thấy Thiên Chúa là Đấng giải thoát ông.

Thứ ba, Thánh vịnh này xuất hiện hạn từ selāh (“ngưng”) đến 3 lần (cc. 3.5.9). Nó xuất hiện 71 lần trong sách Thánh Vịnh và là thuật ngữ phụng vụ Do-thái.[16] Có lẽ, đây là một ký hiệu dùng để chỉ dẫn cho việc chơi các nhạc cụ. Dầu vậy, nói cho cùng, người ta không biết ý nghĩa chính xác của nó.[17]

Thứ bốn, tác giả lặp lại và đối lập động từ “trỗi dậy” ở câu 8 với động từ “nổi dậy” ở câu 2. Một mặt, phép lặp này là dấu hiệu phân đoạn các đơn vị sách Thánh Vịnh. Mặt khác, sự “trỗi dậy” của Thiên Chúa dùng để đối lại với sự “nổi dậy” của thù địch.

Thứ năm, tác giả còn dùng cấu trúc song đối trong lời cầu nguyện của mình. Trước hết là cấu trúc song đối đồng nghĩa ở câu 2 để nhấn mạnh sự đông đảo của địch thù (“Lạy ĐỨC CHÚA, đối phương của con đông biết bao, những người nổi dậy chống lại con thật quá nhiều!”). Thứ đến là song đối tổng hợp ở câu 5 (“Tôi cất tiếng kêu lên cùng ĐỨC CHÚA, và Người đáp lại tôi từ núi thánh của Người”).

6. Giải thích

a. Lời cầu khẩn và tình cảnh khốn cùng của nguyện nhân (cc. 2-3)

Giống như các thánh vịnh khẩn nài, Thánh vịnh 3 mở đầu bằng việc hướng về Thiên Chúa như là đối tượng trực tiếp của lời cầu khẩn (ngôi thứ hai): “Lạy ĐỨC CHÚA” (c. 2). Trong bối cảnh đang bị địch thù vây bủa, lời cầu khẩn này cho thấy Thiên Chúa của nguyện nhân là ai: Người là Đấng cứu độ.

Tiếp đến, nguyện nhân mô tả tình cảnh bi đát, khốn cùng của mình. Ông đang phải đối diện với địch thù đang nổi dậy chống đối. Tác giả dùng một vài biện pháp tu từ để diễn tả tình trạng này. Trước hết là phép lặp. Việc sử dụng một lần động từ rabbû “đông” và hai lần tính từ rabbîm “quá nhiều” vừa diễn tả vừa nhấn mạnh sự đông đảo của địch thù đang vây bủa. Nguyện nhân nhận thức được sự chênh lệch tuyệt đối về số lượng: địch thù thì rất đông, mà nguyện nhân chỉ có một mình, không thể kháng cự. Thêm nữa, hạn từ māh “biết bao” ở câu 2 khẳng định tính nghiêm trọng của hoàn cảnh: nguy hiểm đến tính mạng và không thể nào thoát ra được. [18] Những lời mô tả này cho thấy nguyện nhân bất lực trước hoàn cảnh, ông chỉ biết trông cậy vào Thiên Chúa, và chỉ có Người mới có sức mạnh giải cứu; đồng thời, nó cũng cho thấy tính cấp bách của hoàn cảnh và ngầm thúc giục Thiên Chúa mau ra tay can thiệp cho nguyện nhân.[19]

Địch thù không chỉ vây bủa, tấn công nguyện nhân về mặt thể lý, mà còn tấn công vào đức tin và niềm hy vọng của nguyện nhân, khi nói: “Chẳng có ơn cứu độ cho nó nơi Thiên Chúa !” (c. 3). Quân thù muốn phá đổ niềm hy vọng duy nhất của nguyện nhân, và muốn cắt đứt tương quan của ông với Thiên Chúa.[20] Nguyện nhân đưa lời chế nhạo này của quân thù vào lời cầu nguyện của mình, một mặt, nhằm diễn tả tình cảnh bi đát của mình, mặt khác, nhằm thúc đẩy Thiên Chúa mau chóng ra tay hành động.[21]

b. Lòng tin tưởng và trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa (c. 4)

Liên từ “nhưng” thay đổi giọng văn, báo hiệu một sự thay đổi so với phần trước. Lời cầu nguyện chuyển từ giọng điệu cầu khẩn, than vãn sang thái độ tin tưởng vững vàng vào Thiên Chúa cứu độ.[22] Có một điểm đáng lưu tâm là lời tuyên xưng đức tin này bắt đầu bằng cách nhắm tới Thiên Chúa: “Nhưng chính Ngài, lạy ĐỨC CHÚA”. Điều này khẳng định rằng: niềm tin của nguyện nhân đặt nền trên chính Thiên Chúa chứ không phải bản thân hay một thụ tạo nào khác. [23]

Đối với nguyện nhân, Thiên Chúa là “thuẫn đỡ”, là “vinh quang”, là Đấng “làm ngẩng đầu”. Trước hết, hình ảnh chiếc thuẫn diễn tả sự bảo vệ. Đang khi bị quân thù bao vây tứ phía, dưới ánh sáng của đức tin, nguyện nhân nhận ra rằng mình được Thiên Chúa bao bọc, chở che như chiếc thuẫn. Từ baʿăḏî có thể dịch là (thuẫn đỡ) “cho con”, nhưng cũng có bản dịch là “bao quanh con” hay “ở gần con”.[24] Vì thế, H. Gunkel mới bình luận: “Chiếc khiên bình thường chỉ che đỡ được một phía, còn Thiên Chúa chở che từ muôn hướng”.[25] Nguyện nhân tin vào Thiên Chúa là Đấng ở gần bên và đem lại sự an toàn tuyệt đối cho mình.

Kế đến, nguyện nhân tin tưởng Thiên Chúa là Đấng phục hồi phẩm giá cho mình: Thiên Chúa là vinh quang của ông và làm cho ông được ngẩng đầu. Theo Duhm, từ “vinh quang” và cử chỉ “ngẩng đầu” diễn tả sự chiến thắng, vị trí cao trọng (trước địch thù); còn theo G. von Rad, từ “vinh quang” diễn tả cái làm nên uy tín của một người, làm cho ai đó được tôn trọng. Trong cái nhìn của phàm nhân, tình cảnh bất lực trước sự vây hãm, tấn công của địch thù cũng hàm ẩn sự tủi hổ, nhục nhã, mất danh dự, làm cho người ta phải cúi đầu. Còn dưới ánh sáng của đức tin, nguyện nhân nhận ra rằng, chính Thiên Chúa sẽ đem lại chiến thắng, lấy lại công lý, phục hồi danh dự cho ông, cất đi nỗi nhục nhằn và làm cho ông được “ngẩng đầu” trước địch thù.[26]

Như thế, khi bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa, nguyện nhân đã đảo ngược tình thế. Một Thiên Chúa – Đấng có sức mạnh vô song để bảo vệ, đem lại chiến thắng và vinh quang – giờ đây ở bên nguyện nhân, chống lại địch thù vốn chỉ là loài thụ tạo; dù chúng có đông đảo nhưng sức mạnh lại có giới hạn.[27]

c. Tường thuật kinh nghiệm đức tin (cc. 5-7)

Đoạn này nói đến Thiên Chúa ở ngôi thứ ba. Sở dĩ có sự thay đổi này, có lẽ, là vì thay đổi đối tượng trò chuyện: nguyện nhân đang đứng trước cộng đoàn (có lẽ là cộng đoàn phụng vụ), và kể lại kinh nghiệm được Thiên Chúa giải cứu.[28] Điều này cho thấy lời tuyên xưng đức tin ở câu 4 đến từ kinh nghiệm về việc Thiên Chúa trợ giúp bản thân (hoặc cộng đoàn) trong quá khứ.[29]

Kinh nghiệm đức tin ở đây là nguyện nhân đã cầu khẩn Thiên Chúa và Người đã đáp lời ông từ núi thánh của Người. Núi thánh là Xi-on, nơi Thiên Chúa ngự; và vì thế, lời đáp trả của Người phát ra từ đây sẽ chắc chắn, bảo đảm, không thay đổi.[30] Và, dấu chỉ cho sự lắng nghe và đáp lời của Thiên Chúa là nguyện nhân được gìn giữ bình an suốt một đêm giữa cảnh nguy hiểm (c. 6). Thiên Chúa cho thấy Người là thuẫn đỡ, là chốn nương ẩn cho những ai tin vào Người.

Dựa vào niềm tin đó, nguyện nhân không còn sợ hãi khi phải đối diện với đám đông đang tấn công (c. 7). Đám đông được mô tả bằng hạn từ mēriḇəbôṯ “đám đông, đông đảo, vô số, mười ngàn”. Ở đây, nguyện nhân không muốn nói đến số lượng địch thù, cho bằng muốn nói đến thái độ đối diện với địch thù: ông không còn sợ hãi đám dân đông đảo đang bao vây, vì Thiên Chúa đang ở với ông và bao bọc lấy ông.[31] Nguyện nhân không những được gìn giữ và giải thoát khỏi những mối nguy từ bên ngoài, mà còn được giải thoát khỏi nỗi bất an cả trong tâm hồn.

d. Xin ơn giải cứu (c. 8)

Nguyện nhân tiếp tục lời cầu khẩn bằng cách quy hướng trực tiếp về Thiên Chúa: “Xin trỗi dậy, lạy ĐỨC CHÚA, xin cứu độ con, lạy Thiên Chúa của con” (c. 8). Lời cầu khẩn này là lời thúc giục Thiên Chúa mau chóng can thiệp cho nguyện nhân. Trước hết, ông xin Thiên Chúa “trỗi dậy”. Động từ “trỗi dậy” ở câu 8 dùng để đối lại và cân bằng với động từ “nổi dậy” ở câu 2: trước tình cảnh rất đông người đang “nổi dậy” chống đối, nguyện nhân nài xin Thiên Chúa đứng dậy, đại diện mình chống lại địch thù. Kế đến, ông xin Thiên Chúa ban ơn cứu độ để giải thoát mình và cũng là để chống lại lời chế giễu của chúng: “Chẳng có ơn cứu độ cho nó nơi Thiên Chúa !” (c. 3). Thực ra, hai điều nguyện nhân nài xin có liên hệ nhân quả với nhau: Việc Thiên Chúa “trỗi dậy” trở nên ơn cứu độ của nguyện nhân; thậm chí, hai điều này là một, bởi lẽ, Thiên Chúa “trỗi dậy” và đứng về phía ai, thì người đó chắc chắn được cứu.[32]

Câu 8 là lời cầu nguyện của đức tin. Trong đó, điều nguyện ước được diễn tả bằng một mệnh đề nguyên nhân với liên từ “vì”. Có một điểm đáng chú ý là các động từ “đánh” và “bẻ gãy” trong mệnh đề nguyên nhân này được chia ở thì hoàn thành, và ý nghĩa của câu này tùy thuộc vào cách hiểu thì hoàn thành này. A. P. Ross hiểu theo nghĩa của thì hiện tại hoàn thành. Theo đó, chính lúc lời cầu xin được cất lên thì hiệu quả của nó đã được thực hiện, được hoàn tất.[33] Còn theo J. Botterweck, thì hoàn thành của các động từ này có thể hiểu theo nghĩa quá khứ. Theo đó, nguyện nhân đã có kinh nghiệm về sự trợ giúp của Thiên Chúa trong quá khứ, và vì thế, trong niềm tin, ông biết chắc Thiên Chúa sẽ tiếp tục giúp đỡ mình trong hiện tại.[34] Như vậy, dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, câu này diễn tả sự tin tưởng mãnh liệt và tuyệt đối của nguyện nhân vào sức mạnh và sự trợ giúp của Thiên Chúa; niềm tin đó đến từ kinh nghiệm cá nhân, và mạnh mẽ đến độ đoan chắc điều mình cầu xin sẽ trở thành hiện thực ngay khi cất lời.

Hình ảnh Thiên Chúa “đánh vào hàm” và “bẻ gãy răng” không được hiểu theo nghĩa đen. Nhưng đúng hơn, Thiên Chúa giúp nguyện nhân thực hiện điều đó. Mặc dù những hình ảnh này gợi lên khung cảnh của một trận chiến, nhưng điều mà nguyện nhân chú tâm diễn đạt chỉ là niềm tin tưởng sẽ được giải thoát khỏi địch, thù vì Thiên Chúa giúp ông chống lại chúng.[35]

e. Lời chúc tụng và tuyên xưng đức tin (c. 9)

Thánh vịnh 3 kết thúc bằng một lời chúc tụng Thiên Chúa, như thường thấy trong các thánh vịnh tín thác. Câu này mang đậm màu sắc phụng vụ: khi trở lại Đền Thánh, nguyện nhân muốn dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn vì Người đã giải thoát.[36] Ông cùng với cộng đoàn Dân Chúa chúc tụng: “Ơn cứu độ thuộc về ĐỨC CHÚA, trên dân Ngài, phúc lành của Ngài” (c. 9).

Hạn từ “cứu độ” được lặp lại lần thứ ba ở đây (x. cc. 3b. 8b) có dụng ý phản bác lại lập luận của địch thù ở câu 3: “Chẳng có ơn cứu độ cho nó nơi Thiên Chúa”. Nguyện nhân tuyên xưng “ơn cứu độ thuộc về ĐỨC CHÚA”, và phúc lành của Người luôn đổ tràn trên dân được tuyển chọn, trong đó có ông. Phúc lành đó chính là cuộc giải thoát Thiên Chúa đã thực hiện cho con cái Ít-ra-en trong biến cố xuất hành xưa kia (x. Xh 14–15). Nguyện nhân tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng cứu độ. Và, trong Đền Thánh, ông cùng với cộng đoàn Dân Chúa làm chứng cho chân lý này.[37] Lời chúc tụng và tuyên xưng cho thấy kinh nghiệm đức tin của cá nhân liên kết mật thiết với kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn.[38]

7. Ý nghĩa thần học

a. Dung mạo Thiên Chúa

Lời cầu nguyện của dân Ít-ra-en hướng đến một Chủ Thể, chứ không phải một quyền lực vô hình. Lời cầu khẩn của nguyện nhân trong Thánh vịnh 3 phác họa một vài nét về dung mạo của Chủ Thể ấy.

Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng cứu độ. Chân lý này thể hiện rõ khi danh “ĐỨC CHÚA” lặp lại đến 6 lần (trừ c. 7; c. 3 dùng “Ê-lô-him”). Danh này giúp độc giả liên tưởng đến biến cố Thiên Chúa mạc khải danh của Người cho Mô-sê, trao cho ông sứ vụ giải cứu Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập (x. Xh 3,7.10), và liên tưởng đến biến cố thiết lập giao ước (x. Xh 20,1-17), trong đó, Thiên Chúa xưng mình là “Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ”.[39] Niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng cứu độ là niềm tin căn bản của Ít-ra-en dựa trên mạc khải.

Ý thức mình thuộc về đoàn dân Chúa chọn, nguyện nhân cũng nối tiếp niềm tin này trong hoàn cảnh riêng của mình. Khi gặp khó khăn, bi đát tột độ, không thể tự mình thoát ra được, nguyện nhân chỉ biết cầu khẩn Thiên Chúa như là chỗ nương tựa duy nhất của đời mình: “Xin trỗi dậy, lạy ĐỨC CHÚA, xin cứu độ con” (c. 8). Niềm tin vào Thiên Chúa cứu độ không trừu tượng hay lý thuyết, nhưng được cụ thể hóa nơi kinh nghiệm của mỗi cá nhân, trong những cảnh huống cụ thể của đời sống.

Thứ hai, Thiên Chúa vừa siêu việt vừa gần gũi. Để có thể giải thoát nguyện nhân, tiên vàn, Thiên Chúa phải siêu việt và có quyền năng vượt trên mọi sức mạnh. Thiên Chúa là Đấng ngự trên “núi thánh” của Người (c. 5). Hình ảnh “núi thánh” cho thấy Thiên Chúa cao cả, vượt lên trên thế giới thụ tạo, không một sức mạnh nào có thể sánh với Người. Trong Thánh vịnh này, sức mạnh của Thiên Chúa thể hiện ở các từ ngữ: “đánh vào hàm mọi kẻ thù”, “bẻ gãy răng của những kẻ gian ác” (c. 8). Tuy nhiên, Thiên Chúa siêu việt ấy cũng ở gần bên nguyện nhân, là Đấng mà con người có thể kêu cầu khi gặp nguy khốn. Thiên Chúa là Đấng ngự trên “núi thánh” nhưng cũng là “thuẫn đỡ”, là “vinh quang” cho con người (c. 4), là Đấng “đáp lại” lời kêu khấn của những kẻ tin cậy nơi Người (c. 5).

b. Đức tin và việc cầu nguyện

Thiên Chúa mạc khải Người là Đấng cứu độ Ít-ra-en qua lời nói và qua hành động. Người chọn họ làm dân riêng và ký kết giao ước với họ. Họ được mời gọi đáp trả bằng niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa. Ý thức mình thuộc về đoàn dân được tuyển chọn, nguyện nhân công bố niềm tin của mình trước cộng đoàn.

Lời cầu nguyện và lời chứng trong Thánh vịnh 3 cho thấy nguyện nhân là người có đức tin vững mạnh. Ông nhìn thấy sức mạnh khủng khiếp của địch thù, nhưng cũng nhìn thấy quyền năng vô song của Thiên Chúa, Đấng luôn ở gần bên để chở che và giải thoát ông. Nhờ cái nhìn của đức tin, ông bình an và tự tin trước mọi mối nguy. Đức tin này, một phần, đến từ hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân về phẩm tính của Thiên Chúa và về những lần được Thiên Chúa trợ giúp, và phần khác, đến từ kinh nghiệm về sự hiện diện và chăm sóc của Người đối với cộng đoàn (dân tộc) mình.[40] Như thế, để được tăng triển, đời sống đức tin không những cần đến kinh nghiệm cụ thể và cá vị trong tương quan với Thiên Chúa, mà còn cần đến kinh nghiệm và cảm thức đức tin của cộng đoàn.

Thánh vịnh 3 còn làm nổi bật vai trò của việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện trong ở đây vừa cho thấy con người ý thức về chính bản thân mình: đầy giới hạn, yếu đuối, và còn phải đối diện với sự dữ, vừa thể hiện niềm tín thác, trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa.[41] Nhờ cầu nguyện, lời kêu cứu của con người gặp được sự đáp ứng của Thiên Chúa. Một mặt, cầu nguyện bày tỏ nhu cầu cần sự giúp đỡ và xin Thiên Chúa đến ở gần bên chở che, trợ giúp. Mặt khác, khi cầu nguyện, ta cũng cần tin tưởng vững vàng vào sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa.[42] Việc cầu nguyện cần đến đức tin, và đức tin cũng nhờ việc cầu nguyện mà được lớn mạnh.

8. Kết luận

Thánh vịnh 3 phác họa một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, trong đó, con người thấy mình hoàn toàn bế tắc và thất vọng. Nhưng hoàn cảnh ấy chỉ là bối cảnh để làm nổi bật niềm tin tưởng vững vàng của nguyện nhân vào Thiên Chúa – Đấng toàn năng, siêu việt nhưng cũng gần gũi, luôn ở gần bên con người để lắng nghe và giải cứu.

Thánh vịnh 3 cũng cho thấy vai trò và ý nghĩa lớn lao của lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện là chiếc cầu nối giúp con người đối thoại với Thiên Chúa. Trong những lúc khó khăn, lời cầu nguyện cho thấy giới hạn của con người và quyền năng của Thiên Chúa; cho nên, lời cầu nguyện trở thành chỗ dựa và lời đáp trả của con người trước nghịch cảnh. Cũng vì thế, lời cầu nguyện giúp con người đứng vững trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

Thánh vịnh 3 là lời cầu nguyện của những người đau khổ và bị bách hại. Trong cái nhìn của Tân Ước, xét theo nghĩa chặt, Đức Giê-su Ki-tô là người đầu tiên và là người duy nhất cất lên Thánh vịnh này. Thật vậy, Người là Đấng Mê-si-a, là vị Vua chịu bách hại, bị bỏ rơi và bị nhận chìm xuống tận cùng của thất vọng. Nhưng Người đã khẩn nài và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Người đã “nằm xuống và thiếp ngủ” trên thập giá, rồi “thức dậy” trong vinh quang phục sinh vì Thiên Chúa đỡ nâng Người. Các Ki-tô hữu đọc Thánh vịnh này trong cái nhìn quy Ki-tô.[43] Chính Đức Giê-su Ki-tô làm nên ý nghĩa tròn đầy của Thánh vịnh này. Ý nghĩa đó không phải là điều thêm vào sau này, nhưng là ý nghĩa được khám phá trong cái nhìn tổng thể về lịch sử cứu độ.

———————-

[1] X. Nguyễn Đình Chiến, “Tìm kiếm Thiên Chúa: Dẫn vào Thánh Vịnh và Các sách Giáo huấn” (Giáo trình, Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2019), tr. 32-33.

[2] X. James H. Waltner, Psalms (Believers Church Bible Commentary; Scottdale, PA: Herald, 2006), tr. 43.

[3] Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Các sách giáo huấn (Kinh Thánh Cựu Ước; Hà Nội: Tôn Giáo, 2018), tr. 140-141.

[4] Viết tắt: “c. ” = câu; “cc. ” = các câu.

[5] X. John S. Kselman – Machael L. Barré, “Psalms” trong bt. Raymond E. Brown – Joseph A. Fitzmyer – Roland E. Murphy, The New Jerome Biblical Commentary (Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1990), tr. 527.

[6] X. Allen P. Ross, A Commentary on the Psalms, tập 1 (Grand Rapids, MI: Kregel, 2011), tr. 216-217.

[7] X. Hans J. Kraus, Psalms 1-59, dg. Hilton C. Oswald (A Continential Commentary; Minneapolis, MN: Fortress, 1993), tr. 137; x. José M.Casciaro và tgk., The Psalms and the Song of Solomon (The Navarre Bible; Dublin: Four Courts – New York, NY: Scepter Publishers, 2003), tr. 43; x. Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Sđd., tr. 140.

[8] X. Nguyễn Ngọc Rao, Lịch sử Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước (không rõ nhà xuất bản, năm xuất bản), tr. 199-207.

[9] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 217; James H. Waltner, Sđd., tr. 41; x. bt. Thoralf Bilbrant, Psalms (The Old Testament Study Bible; Springfield, MO: World Library, 1996), tr. 19-21.

[10] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 137-138.

[11] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 62-65.

[12] Tv 3–7 là những lời cầu nguyện theo trình tự thời gian: Tv 3 (sáng), Tv 4 (tối), Tv 5 (sáng), Tv 6 (đêm), Tv 7 (ban ngày).

[13] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 138.

[14] X. Craig C. Broyles, Psalms (New International Biblical Commentary 11; Peabody, MA: Hendrickson,1999), tr. 49.

[15] X. Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Sđd., tr. 140.

[16] X. Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Sđd., tr. 141.

[17] X. James H. Waltner, Sđd., tr. 41

[18] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 139.

[19] X. Bênêđictô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Kinh Thánh, tập 1, bs. và dg. Vương Nghi – Khổng Thành Ngọc (Hà Nội: Tôn giáo, 2013), tr. 110.

[20] X. Bênêđictô XVI, Sđd., tr. 111.

[21] X. Craig C. Broyles, Sđd., tr. 49.

[22] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 222.

[23] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 139.

[24] X. Bt. Thoralf Bilbrant, Sđd., tr. 19-21.

[25] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 139.

[26] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 140.

[27] X. Bênêđictô XVI, Sđd., tr. 113.

[28] X. Craig C. Broyles, Sđd., tr. 49.

[29] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 223-224.

[30] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 140.

[31] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 225.

[32] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 225.

[33] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 226.

[34] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 141.

[35] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 226.

[36] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 141-142.

[37] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 226-227.

[38] X. Craig C. Broyles, Sđd., tr. 50.

[39] X. Nguyễn Đình Chiến, “YHWH – Danh Thiên Chúa của Ít-ra-en (Xh 3,13-15),” truy cập ngày 20/11/2019, https://catechesis.net/yhwh-danh-thien-chua-cua-it-ra-en-xh-313-15/.

[40] X. Allen P. Ross, Sđd., tr. 227.

[41] X. Phan Tấn Thành, Cầu nguyện Kitô giáo: Lịch sử và Thần học (Đời sống tâm linh 7; Sài Gòn: Phương Đông, 2015), tr. 58-59.

[42] X. Bênêđictô XVI, Sđd., tr. 114.

[43] X. Hans J. Kraus, Sđd., tr. 143.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here