Những Yếu Tố Cốt Yếu Đời Tu: Lịch Sử – Vấn Đề 29

0
729


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 29

NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU ĐỜI TU: LỊCH SỬ

(xem các vấn đề 6 và 12)

 

Trong Giáo Hội vẫn có những người nam nữ được chinh phục bởi Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài: họ đã tìm cách bước theo Ngài và dấn thân phụng sự Ngài.

Lời mời gọi bước theo Đức Giêsu, cùng với tất cả những yêu sách của Phúc âm, nhắm đến tất cả mọi người. Tất cả mọi Kitô hữu đều đã chết cho tội lỗi và được thánh hiến cho Thiên Chúa nhờ Bí tích Rửa Tội.[1] Lòng trung thành với Chúa Kitô có thể được thực hiện qua những tình cảnh rất khác nhau và có thể dẫn tới việc chết vì đạo.

Để đáp lại tiếng gọi riêng biệt, một số người đã chọn những lối sống để theo sát Chúa hơn. Đó là nguồn gốc của những lối sống khác nhau của đời ẩn tu, đan tu, Dòng Tu.

Noi theo các Thánh Tông đồ, các Trinh nữ và các Ẩn sĩ muốn sống trọn các lời hứa khi chịu phép Rửa Tội qua việc “từ bỏ thế gian”. Kế đến là hình thức tu trì cộng đoàn: các tu sĩ cam kết tuân giữ bản luật của cộng đồng đã đón nhận mình, vì nhận thấy rằng việc gắn bó với một cộng đoàn là hình thức thích hợp nhất để diễn tả tiếng gọi mà Chúa Thánh Linh dành cho mình.

Với Thánh Basilio, Thánh Benedicto, người ta thấy cần phải phát biểu sự cam kết trong lòng ra bên ngoài bằng một cử chỉ, “votum professionis”, việc tuyên khấn trước mặt các Bề trên trong Giáo Hội.

Các tu sĩ Dòng Biển Đức tuyên khấn vĩnh cư, hoán cải và vâng phục. Bộ ba “Khiết Tịnh – Khó Nghèo – Vâng Phục” chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ XII. Hồi thế kỷ XIII, các tu sĩ Phanxicô tìm cách “tuân giữ Tin Mừng của Đức Giêsu bằng cách sống trong tuân phục, không có tư sản, và khiết tịnh”.[2]

Đức Thánh Cha Innocente IV (năm 1253) minh xác với các nữ tu Dòng Thánh Clara rằng: Luật của Thánh Benedicto đòi hỏi các chị em phải sống vâng phục và khiết tịnh, bằng cách từ bỏ quyền tư hữu: đó là những giá trị chủ yếu của mọi đời tu.

Năm 1405, với Đức Thánh Cha Innocente VII, bộ ba “Khiết Tịnh – Khó Nghèo – Vâng Phục” đã trở thành cổ điển, tuy dù Giáo Hội chính thống bên Đông phương không biết đến bộ ba ấy, và các tu sĩ Đaminh chỉ tuyên khấn vâng lời.

Vào thế kỷ XVI, vì muốn chấn chỉnh một số lạm dụng trong các Dòng Tu, Đức Thánh Cha Pio V đã ban hành hai Tông hiến “Circa pastoralia” (1566) cho nữ giới, và “Lubricum vitae genus” (1568) cho nam giới. Giáo Hội sẽ chỉ nhìn nhận là tu sĩ: những ai tuyên khấn trọng thể (điều này gây ra một công hiệu tương tự như là cái chết dân sự), đọc kinh Nhật Tụng, và giữ nội vi Giáo Hoàng nếu là nữ tu.

Kế đó, bên cạnh các Dòng lớn, người ta thấy nảy sinh sinh và phát triển những Tu Đoàn Tông Đồ gồm các thành viên được thánh hiến cho Thiên Chúa, đôi khi bằng những lời khấn đơn và sinh sống theo những điều kiện thích hợp với chủ đích tông đồ của mình.

Với cuộc cách mạng Pháp năm 1789, luật dân sự không còn nhìn nhận giá trị pháp lý của các lời khấn trọng thể nữa. Để theo đuổi đời sống tu trì, một vài Tu Đoàn Tông Đồ và nhiều Hội Dòng mới đã yêu cầu các thành viên tuyên giữ khiết tịnh, vâng phục, khó nghèo bằng lời khấn đơn, và tuân giữ vài quy tắc của đời sống đan tu.

Để các Hội Dòng có lời khấn đơn được công nhận như là Dòng Tu, người ta còn phải đợi:

Năm 1900, Sắc chiếu “Conditae a Christo” đối với các Hội Dòng được Giáo Hoàng phê chuẩn.

Bộ Giáo luật 1917 đối với các Hội Dòng giáo phận.

Các Hội Dòng phải duyệt lại các bản Hiến Pháp của mình cho hợp với các “quy tắc” do Bộ Tu Sĩ ban hành năm 1921, với nguy cơ đánh mất nét độc đáo của mình.[3]

Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng tất cả các Hội Dòng phải duyệt lại Hiến Pháp của mình, lưu ý đến tinh thần của Đấng sáng lập và những chủ đích riêng của mình.

Trong phần bàn về đời sống thánh hiến, Bộ Giáo Luật 1983 không còn nói đến sự phân biệt giữa các “lời khấn trọng” và các “lời khấn đơn”. Tuy vậy, đ. 598 §1 nói rằng: “mỗi Hội Dòng phải quy định trong Hiến Pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên Phúc âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong lối sống của mình, chiếu theo đặc tính và cứu cánh riêng”. Ngoài ra, điều 668§5 cũng đòi hỏi phải duy trì những hậu quả của lời khấn trọng thể về khó nghèo, chiếu theo bản chất của Dòng. Khi đề cập đến các lời khấn nói chung, điều 1192 §2 tuyên bố: “Lời khấn sẽ là trọng thể, nếu được Giáo Hội công nhận như thế; nếu không, sẽ là lời khấn đơn”.

Sau khi đã quan sát cách Thánh Linh hành động và làm trổ sinh những hoa trái thánh thiện trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã khiêm cung trung thành với Thánh Linh khi vạch ra một vài những yếu tố nhất định phải có trong bất cứ đời sống tu trì nào:

Hiến dâng bản thân mình cách dứt khoát và không thể rút lại: đó là sự thánh hiến.

– Trong đời sống độc thân, vâng lời, khó nghèo.

– Sống trong cộng đoàn.

– Sự thánh hiến công, nghĩa là được cộng đoàn Kitô hữu nhận biết.

– Nhằm đến một sứ vụ Phúc âm.

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (về Giáo Hội), số 44.

[2] Regula II, điều l.

[3]Văn kiện của Bộ Giám mục và Tu sĩ Normae secundum quas Sacra Congregatio Episcoporum et Regularium procedere solet in approbandis novis Institutis votorum simplicium (1901) phác thảo một mẫu hiến pháp mà các dòng phải hoạ theo, và như vậy nói được là “dòng nào cũng như dòng nào”.