Những yếu tố cốt yếu đời thánh hiến: cuộc tranh luận từ Vaticanô II

0
1992

Phan Tấn Thành

Nội dung

Bài này gồm ba phần:

1/ Những cách đặt vấn đề liên quan đến những yếu tố cốt yếu đời tu.

2/ Thần học đời tu: lối tiếp cận cốt yếu và tiếp cận lịch sử.

3/ Tông huấn Vita consecrata.

I. Những cách đặt vấn đề: những yếu tố cốt yếu đời tu

Đề tài mà ban tổ chức nêu lên là “những yếu tố cốt yếu của đời thánh hiến”. Ngay tựa đề đã đủ gây ra tranh luận rồi: yếu tố cốt yếu là gì? đời sống thánh hiến là gì?

-Thứ nhất: cốt yếu là gì?  chắc hẳn tất cả anh em đều biết rằng “cốt yếu” là từ dùng để dịch “essentialis” (tiếng Latinh, essentiel tiếng Pháp, essential tiếng Anh). Đây là một tính từ gốc bởi danh từ essentia tiếng Latinh, quen dịch là “bản tính”, “yếu tính”.Thế nhưng, “bản tính” là cái gì? Thưa rằng “bản tính” (essentia) chính là cái gì, cái xác định bản chất của sự vật, định nghĩa nó là cái gì đó (esse: to be). Trên thực tế, khi chúng ta nói đến những yếu tố cốt yếu của một vật thì chúng ta hiểu về những yếu tố căn bản cấu thành vật ấy; đối lại với những yếu tố thứ yếu, phụ thuộc, tạm bợ, hoặc thậm chí, những gì thừa thãi. Tuy nhiên, trước đây,  triết học cổ điển quen đối chọi giữa essentiaaccidens (chính yếu và phụ thuộc), còn triết học ngày nay thích đối chọi giữa essentiaexistentia (hữu thể và hiện sinh), hoặc giữa essentia historia (bản tính và lịch sử).

– Liên quan đến vế thứ hai của tựa đề (đời sống thánh hiến), cũng có khá nhiều câu hỏi. Thuật ngữ “đời sống thánh hiến” (vita consecrata) mới trở thành thông dụng kể từ khi ban hành bộ giáo luật 1983. Trước đó, tên gọi là “đời tu, các tu sĩ” (religiosi), chẳng hạn như tựa đề của chương 6 hiến chế Lumen gentium. Có gì khác biệt giữa hai từ ngữ ấy? Tại sao phải đặt ra từ ngữ mới? Xin lưu ý với anh em là chúng ta đang nói đến tiếng Latinh, chứ không nói đến tiếng Việt. Thật vậy, trong tiếng Việt, “tu sĩ” (hoặc tu trì, tu hành) chỉ nói lên sự sửa sang (tu bổ), chỉnh đốn, cải thiện (tu chính) chứ chưa nói gì đến tương quan với Thiên Chúa. Còn trong tiếng Latinh, tính từ religiosus gắn liền với religio, một danh từ không thể dịch tương đương sang tiếng Việt. Thật vậy, nếu mở từ điển Pháp-Việt hoặc Anh-Việt , thì religio được dịch là “tôn giáo” (nghĩa là lời dạy của tổ tông), đang khi religio tự nó nói lên việc phụng thờ Thiên Chúa (đức thờ phượng). Thánh Tôma đã hiểu như vậy khi định nghĩa religiosus là những người dâng hiến trót đời để phụng thờ Thiên Chúa[1] (như thế không thể dịch là tu sĩ được). Các từ ngữ “religio, religiosus” đã trở thành phổ thông trong Giáo hội từ thế kỷ V cho đến các văn kiện của công đồng Vaticanô II. Thế nhưng vào lúc tu chính bộ giáo luật, các tu hội đời (institutum saeculare)[2] yêu cầu tìm một từ ngữ mới, bởi vì tuy được tận hiến cho Thiên Chúa nhưng họ không muốn được gọi là “religiosi”. Thực vậy, theo quan điểm giáo luật thời ấy, các religiosi buộc phải sống thành cộng đoàn, xa cách với thế gian, phải mặc tu phục. Đó là điều mà các tu hội đời không muốn, bởi vì họ muốn sống âm thầm giữa đời như men. Sau nhiều dự thảo khác nhau, cuối cùng bộ giáo luật chấp nhận từ ngữ mới vita consecrata, một từ ngữ gây khá nhiều tranh cãi, bởi vì một đàng, consecratio vừa nói đến hành vi của Thiên Chúa (tạm dịch là “thánh hiến”) vừa nói đến hành vi của con người (tạm dịch là “tận hiến); đàng khác, tất cả các Kitô hữu đã được thánh hiến nhờ bí tích thánh tẩy; thử hỏi: có gì khác biệt giữa sự thánh hiến của các Kitô hữu và sự thánh hiến của các người tận hiến?

Như anh em đã thấy, nguyên tựa đề đã gợi lên nhiều thắc mắc rồi, và bây giờ chúng ta đi vào nội dung thì các thắc mắc càng tăng thêm nữa: đâu là cốt yếu của đời tu.

Câu hỏi được đặt lên nhiều cách khác nhau trải qua dòng lịch sử.

1/ Vào thời các giáo phụ (đời đan tu), chưa có các khảo luận về thần học đời tu. Tuy vậy, qua các bản luật và các tác phẩm huấn giáo, một câu hỏi thường được đặt ra cho các ứng sinh khi họ đến gõ cửa đan viện là  Anh đi tìm gì? Và câu trả lời thường được nghe là “con đi tìm Chúa” (quaerere Deum). Đan tu (monachos) cũng thường được định nghĩa theo chiều hướng ấy. Đành rằng monachos gốc bởi monos chỉ có nghĩa là “một” có thể giải thích là “độc thân” (không lấy vợ), hoặc sống cô tịch (đơn độc), nhưng thông thường, đan sĩ được hiểu như người chỉ đi tìm một mình Chúa, là điều cần thiết duy nhất (unum necessarium). Thực ra, như đã trình bày trong bài thuyết trình tại học viện Phanxicô hồi tháng 11 năm ngoái, văn chương đan tu trong ngàn năm thứ nhất còn nhắc đến nhiều động lực khác như là lý tưởng đời đan tu, chẳng hạn như:  tử đạo, phép rửa thứ hai, đời sống thiên thần, đời sống ngôn sứ, đời sống tông đồ[3]. (Dĩ nhiên, có thể còn nhiều khuôn mẫu khác nữa, chẳng hạn như: xuất hành, vào sa mạc, tĩnh tâm).

2/ Vào thời Trung cổ, và đặc biệt kể từ thời Cải cách, một câu hỏi được đặt lên: cái gì tạo nên sự khác biệt giữa các tu sĩ và các giáo dân? Như đã biết, ông Martin Luther phủ nhận sự khác biệt giữa chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác, cũng như ông phủ nhận sự khác biệt giữa hàng ngũ giáo dân và hàng ngũ tu sĩ. Theo ông, tất cả các Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh; Tân ước viết ra cho toàn thể dân Chúa, chứ không chỉ riêng cho các tu sĩ. Như chúng ta đã biết, thần học công giáo phải cố gắng biện minh cho sự phân biệt giữa chức tư tế thừa tác và hàng ngũ tu sĩ. Ở đây chúng ta không đụng đến vấn đề tư tế thừa tác, mà chỉ nói đến các tu sĩ.

Trong nhiều sách thần học luân lý trước công đồng Vaticanô II, sự phân biệt giữa các giáo dân và các tu sĩ thường được đặt trên sự phân biệt giữa các “điều răn” (lệnh truyền: praecepta) và các lời khuyên (consilia): các giáo dân chỉ buộc giữ các giới răn để được rỗi linh hồn; chỉ các tu sĩ mới khấn buộc mình trở nên trọn lành. Các tu sĩ thuộc về hàng ngũ trọn lành (status perfectionis). Yếu tố cấu thành hàng ngũ trọn lành là ba lời khấn dòng (vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo). Đó là quan điểm cổ điển của Hội thánh về bản chất của đời tu, nhưng đã bị xét lại sau Công đồng Vaticanô II, bởi vì công đồng đã nhấn mạnh đến nghĩa vụ nên thánh của tất cả các Kitô hữu: họ không thể nào chỉ an tâm với nếp sống bình thường (ăn ngay ở lành). Thế nhưng, nếu các giáo dân cũng buộc phải nên trọn lành, thì đâu là điểm khác biệt giữa các tu sĩ và các giáo dân?

Mặt khác, như chúng ta đã biết, nếu một tu sĩ nào đã giữ trọn tất cả ba lời khấn thì chưa đương nhiên đã nên thánh, nếu họ chưa cầu nguyện, chưa thực hiện các mối phúc thật.

II. Thần học đời tu: tiếp cận cốt yếu và tiếp cận hiện sinh

Mặc dù các trong lịch sử Giáo hội, nhiều tác phẩm về đời tu đã được viết, nhưng có thể nói được rằng thần học về đời tu mới ra đời từ sau công đồng Vaticanô II (Ta có thể nói cách tương tự về Nhân học Kitô giáo: từ xưa đã có nhiều tác phẩm viết về con người, nhưng nhân học xét như một bộ môn hệ thống thì mới thành hình gần đây). Thực vậy, các tác phẩm cổ điển thường chỉ bàn về khía cạnh luân lý tu đức của đời tu (đặc biệt về những nghĩa vụ gắn liền với ba lời khấn), chứ chưa được bàn một cách có hệ thống: thần học đời tu cần được đặt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, nghĩa là trong tương quan với Thiên Chúa Ba ngôi, với Giáo hội, với thế giới, vv.

Mặt khác, trong thế kỷ XX, chúng ta đã thấy một sự chuyển hướng quan trọng trong lối tiếp cận các đề tài thần học: lối tiếp cận “cốt yếu” (hoặc hữu thể) và lối tiếp cận “hiện sinh” (hoặc lịch sử). Xin đan cử vài thí dụ.

– Mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự phân biệt giữa Theologia Oikonomia, giữa cuộc sống nội tại của Tam vị (Trinitas ontologica), và tác động của Tam vị trong lịch sử cứu độ (Trinitas oeconomica).

– Mầu nhiệm Đức Kitô: sự phân biệt giữa Christologia ontologica (Đức Kitô một ngôi vị, hai bản tính) và Christologia functionalis (Đức Kitô là gì đối với tôi: là Chúa, là Vua, là mục tử, là đấng cứu chuộc, vv).

– Mầu nhiệm Thánh Thể. Lối tiếp cận cốt yếu: bản thể của bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu thánh Chúa Giêsu (nhưng phụ thể bánh và rượu vẫn tồn tại). Lối tiếp cận hiện sinh: Mình được trao ban, Máu được đổ ra; đây là bí tích tình yêu, bí tích hiệp thông, bí tích sự sống.

Bởi vậy, có thể tóm tắt sự tiến triển thần học đời tu trong 50 năm qua sự chuyển hướng từ lối tiếp cận cốt yếu (bản chất, hữu thể) sang lối tiếp cận hiện sinh (lịch sử)[4]. Lối tiếp cận thứ nhất thường gặp thấy nơi các văn kiện của công đồng Vaticanô II và các văn kiện Toà thánh cũng như các tác phẩm cổ điển về đời tu trì. Lối tiếp cận thứ hai mới phát triển từ sau công đồng, đặc biệt nơi các hội dòng hoạt động tông đồ.

Theo khuynh hướng “cốt yếu” (bản chất), đời tu trì là một dự phóng sống Tin mừng, nhằm đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân, bước theo Đức Kitô dưới sự dìu dắt của Thánh Linh. Tuy nhiên dự phóng này được phân tích qua những đặc trưng khác biệt với các hàng ngũ khác trong Dân Chúa. Nói khác đi, dự phóng này được định nghĩa qua ba lời khuyên Phúc âm, kèm theo những động lực của đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ. Trong bối cảnh này, “sự thánh hiến qua ba lời khuyên Phúc âm” (điểm cốt yếu) nâng đỡ và thúc đẩy sứ vụ cũng như những hình thức phục vụ và hiệp thông huynh đệ.

Khuynh hướng “hiện sinh” (hoặc lịch sử) nhìn các hình thức đa dạng của ĐSTH như là những dự phóng cụ thể để sống ơn gọi Kitô hữu, trong đó đặc trưng chuyên biệt được nhìn như một toàn bộ gồm nhiều yếu tố, tựa như sứ vụ, phục vụ, hiệp thông, cầu nguyện. Dưới viễn ảnh này, sự thánh hiến, hiệp thông, sứ vụ, việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin mừng đều được coi là những yếu tố cấu thành một dự phóng của đời tu.

Hai khuynh hướng này ảnh hưởng đến cách thức quy chiếu về Kinh thánh, về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về Thánh Linh, về Giáo hội, về con người, về lịch sử. Chúng ta có thể mô tả sơ lược như sau.

1) Về Kinh Thánh. Trong việc tìm hiểu những nền tảng Kinh thánh của ĐSTH, khuynh hướng “cốt yếu” chú trọng đến các lời khuyên tin mừng và những đề tài liên hệ;  khuynh hướng “hiện sinh” nghiên cứu những đoạn văn liên quan đến cảm nghiệm tâm linh và tông đồ của hội dòng và móc nối với toàn bộ sứ điệp Tin mừng.

– Khuynh hướng “cốt yếu” dựa theo một vài bản văn chứng tỏ sự khác biệt giữa các tu sĩ với các tín hữu khác, chẳng hạn: Mt 19,21 (nếu muốn nên trọn lành); Mc 3,13 (Chúa gọi những người Chúa muốn để sống với Người); 1 Cr 7,32-34 (đặc sủng trinh khiết).

– Khuynh hướng “hiện sinh” dựa trên những icôn của Chúa Giêsu (cầu nguyện trên núi; rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh nhân), hoặc những lối sống của Chúa Giêsu (luôn làm theo ý Cha, sống cho sứ vụ), cách riêng, dựa trên những đoạn văn đã từng cảm kích các vị thánh lập dòng, khiến các ngài đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa hoặc thiết lập một lối tu trì mới (thí dụ đoạn văn sai các môn đệ đi giảng Tin mừng trong tinh thần nghèo khó, hoặc mẫu gương cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem).

Khi bàn về đặc sủng của đời thánh hiến, khuynh hướng “cốt yếu” phân tích ý nghĩa của từ ngữ charisma trong Tân ước và áp dụng vào đời tu, qua việc móc nối với các nhân đức hướng Chúa, hoặc với ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, hoặc móc nối với nếp sống của các thánh tông đồ. Khuynh hướng “hiện sinh” không dừng lại ở việc tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ trong Tân ước, nhưng đi thẳng vào sứ vụ của hội dòng, khám phá ra tác động của Thánh Linh nơi cuộc đời của vị sáng lập và nơi các tiền bối, nơi các tác vụ mà các phần tử đã hay đang thực hiện.

2)  Về Thiên Chúa.

Khuynh hướng thứ nhất nhấn mạnh đến tác động của Thiên Chúa là nguồn gốc của ĐSTH: Thiên Chúa là Đấng bởi lòng yêu thương đã kêu gọi một người và đã gợi lên trong lòng họ sự đáp trả qua việc dâng hiến trót đời cho Ngài, thực hành các lời khuyên tin mừng, cùng với những hệ quả khác đối với việc tông đồ, thi hành tác vụ, hiệp thông huynh đệ.

Khuynh hướng thứ hai nêu bật rằng trong cuộc đời cụ thể của một tu sĩ tông đồ, tác động thánh hiến của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở những điểm vừa nói, nhưng còn bao gồm cả sứ vụ, sự phục vụ nhân loại nữa. Về phía người tu sĩ,  sự tận hiến không chỉ được thể hiện qua việc tuyên giữ ba lời khuyên tin mừng mà còn bao gồm sự tận hiến tông đồ, bởi vì tất cả được bao hàm trong một dự phóng lịch sử. Đối với một tu sĩ linh mục, sự tận hiến tu trì được gắn chặt với sự tận hiến tác vụ trong một ơn gọi duy nhất.

3)   Đối với mầu nhiệm Đức Kitô.

Khuynh hướng thứ nhất quy chiếu vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, kẻ được Thiên Chúa thánh hiến, cũng như quy chiếu vào nếp sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà Người đã lựa chọn theo tinh thần của bát phúc; quy chiếu về mầu nhiệm Vượt qua như là biểu hiệu tột đỉnh của sự gắn bó với Thiên Chúa, cũng như quy chiếu về tình thương của Người dành cho nhân loại.

Khuynh hướng thứ hai không chỉ quy chiếu vào những mầu nhiệm vừa kể mà còn liên kết với các danh hiệu khác của Đức Kitô: Người là Tông đồ của Chúa Cha (= sứ vụ được hiểu như tình yêu được hiện thực), được sai đến thế gian để thực hiện kế hoạch hiệp thông và giải phóng của Thiên Chúa (= cứu độ, Vương quốc Thiên Chúa), nhờ việc phục vụ con người qua những tác vụ khác nhau (tương ứng với những tước hiệu khác nhau: Mục tử, Lương y, vv); trong một bối cảnh văn hóa (= hội nhập văn hóa) như một bí tích sống động (= dấu chỉ, chứng nhân) của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng lịch sử nhân loại, tình yêu đạt đến tột đỉnh nơi mầu nhiệm Vượt qua.

 4)  Thánh Linh.

Khuynh hướng thứ nhất quy hướng đời tận hiến về sự hiện diện của Thánh Linh, Đấng chiếm hữu người tu sĩ, ban cho họ khả năng chiêm niệm và chúc tụng Thiên Chúa, bước theo Đức Kitô qua việc ôm ấp nếp sống của ba lời khuyên tin mừng, gia nhập vào đời sống huynh đệ và sẵn sàng phục vụ công tác tông đồ.

Khuynh hướng thứ hai quy hướng về Thánh Linh không những khi nói đến cảm nghiệm tâm linh (với những nét vừa kể) nhưng còn gắn liền với những yếu tố của đặc sủng: dự phóng tông đồ của vị sáng lập và tác vụ. Chính Thánh Linh đã gợi lên những vị sáng lập với sứ mạng đặc thù của các tác vụ, và Thánh Linh tiếp tục giúp cho các đồ đệ của họ tiếp tục dự phóng qua việc phục vụ nhân loại.

 5)  Giáo hội và nhân loại.

Khuynh hướng thứ nhất liên kết ĐSTH với sự thánh thiện  của Giáo hội: việc tuyên giữ các lời khuyên tin mừng dẫn đến đức ái trọn hảo và làm chứng cho các thực tại cánh chung trước mặt thế giới. Chứng tá của các tu sĩ là một hình thái bổ túc cho chứng tá của các đôi hôn nhân.

Khuynh hướng thứ hai liên kết ĐSTH không những với sự thánh thiện của Giáo hội mà còn với các khía cạnh khác, cách riêng tính cách tông đồ và phục vụ của Giáo hội. Một cách cụ thể hơn, các tu sĩ thực hiện ơn gọi chung của Giáo hội và sự thánh hiến của bí tích thánh tẩy trong một ơn gọi đặc thù và  trong sự thánh hiến tông đồ. Các tu sĩ thể hiện cảm nghiệm hiệp thông của Giáo hội qua đời sống của cộng đoàn mình cũng như qua sự hiệp thông với các nếp sống khác trong Giáo hội. Các tu sĩ thực hiện sứ mạng duy nhất của Giáo hội trên thế giới qua sứ vụ đặc thù của mình. Các tác vụ của các tu sĩ được thực hiện như là biểu hiện tính cách phục vụ của Giáo hội qua nhiều hình thức khác nhau. Các tu sĩ thực hiện sự thánh thiện chung của Dân Thiên Chúa trong nếp sống tu trì và các tác vụ gắn liền với nó. Các tu sĩ làm chứng cho Chúa Phục sinh do hiệu năng của tất cả những yếu tố thuộc dự phóng của hội dòng chứ không chỉ do việc tuyên khấn các lời khuyên tin mừng.

 6)  Lịch sử.

Khuynh hướng thứ nhất tìm cách nhận ra trong lịch sử những yếu tố nằm trong bản chất của đời sống tu sĩ. Nói khác đi, chiều kích lịch sử và hiện sinh chỉ là thứ yếu.

Khuynh hướng thứ hai cố gắng khám phá ra nơi lịch sử của vị sáng lập và của hội dòng những yếu tố làm nên dự phóng của mình, và tìm cách phân biệt giữa những giá trị cần phải bảo vệ với những hình thức chịu ảnh hưởng của một khung cảnh văn hóa cần được liên tục cập nhật.

Như đã nói trên, các văn kiện Tòa thánh thường nghiêng theo khuynh hướng thứ nhất, đang khi các hiến pháp các dòng tu được soạn sau công đồng đi theo khuynh hướng thứ hai, nghĩa là định nghĩa căn tính của mình dựa theo một “dự phóng”. Khuynh hướng này cũng mang tên là “lịch sử” theo nghĩa là theo dõi tiến trình lịch sử của các hội dòng: người ta không đi từ những khái niệm trừu tượng tổng quát nhưng đi từ một kế hoạch cụ thể. Mỗi vị lập dòng muốn thực hiện một dự phóng toàn diện (tuy rằng dự phóng này còn bất toàn) để sống Tin mừng, bước theo Đức Kitô trong việc tôn sùng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Trong dự phóng này, tất cả các yếu tố đều gắn bó chặt chẽ với nhau, làm thành một tổng bộ. Mỗi vị lập dòng đã phác hoạ dự phóng này từ một cách thức riêng biệt khi đọc Tin mừng hoặc từ một cảm nghiệm độc đáo về Thiên Chúa hay khi nắm bắt một nhu cầu của đồng loại. Trực giác này trở thành điểm tựa cho một kiến trúc thiêng liêng để đáp ứng với những thách đố của thời đại hoặc với những chờ đợi của Giáo hội. Dù sao, dự phóng này mang tính cách năng động chứ không khép kín, sẵn sàng đón nhận những đóng góp mới của các môn đệ để đáp ứng với những đòi hỏi mới cũng từng thời đại hoặc nơi chốn[5].

Chúng ta có thể lấy một vài thí dụ. Đối với đời đan tu, yêu sách căn bản là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa (quaerere Deum) trong chiêm niệm, dần dần được mở ra đến hiệp thông huynh đệ (koinonia) của đời sống cộng đoàn. Yếu tố kết hợp của dự phóng này là “phục vụ Thiên Chúa” (servitium Dei), hoặc “cầu nguyện và lao động” (ora et labora). Trong dự án tông đồ của thánh Đaminh, động lực loan báo Tin mừng (sứ vụ) trở thành yếu tố xây dựng cộng đồng huynh đệ và đời sống tông đồ, đặt dưới khẩu hiệu “truyền đạt cho tha nhân những gì đã chiêm niệm” (contemplata aliis tradere). Đồng thời với Người, thánh Phanxicô lại lấy tình huynh đệ (fraternitas) và sự bé nhỏ của Tin mừng (minoritas) làm nền tảng cho việc thực hành các lời khuyên Tin mừng và hoạt động tông đồ. Đối với thánh Inhaxiô, việc phục vụ Giáo hội tại vùng biên cương được linh hoạt với sự chiêm niệm (in actione contemplativus) tạo nên dự phóng của đời tận hiến và định hướng cho việc tổ chức cộng đoàn và thực hành các lời khuyên tin mừng. Trong dự phóng của các dòng tông đồ cận đại (thánh Camillô Lellis, thánh Vinh-sơn Phaolô, thánh Gioan Bosco …), một công tác phục vụ theo tinh thần Tin mừng (nhằm đến một vài hạng người đặc thù nào đó) được thúc thấy với đức ái mục tử đã định hướng toàn thể cấu trúc sống tình huynh đệ, thực hành các lời khuyên tin mừng và việc cầu nguyện.

III. Tông huấn Vita consecrata

Tông huấn này đúc kết cả hai lối tiếp cận vừa nói, và đặc biệt là truyền thống thần học Đông Phương (với nhiều đề tài đôi khi xa lạ với thần học Tây phương, chẳng hạn như đi tìm vẻ đẹp Philokalia (số 19)[6]. Nói cách khác, tông huấn phản ánh tính đa dạng phong phú của đời sống thánh hiến, như ta có thể nhận thấy qua việc giới thiệu các dạng thức tu trì ở các số mở đầu (số 6-12)[7], nhưng đồng thời cố gắng đưa ra một cái nhìn tổng hợp.

Sự tổng hợp đầu tiên có thể ghi nhận là tông huấn diễn tả “căn tính” của ĐSTH bằng cách quy chiếu về cả ba chiều kích: ĐSTH bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị (confessio Trinitatis)[8], là dấu hiệu hiệp thông trong Giáo hội (signum fraternitatis) và là sự bộc lộ tình yêu Thiên Chúa trên thế giới qua những việc phục vụ (servitium caritatis). Chúng ta nên lưu ý đến việc kết hợp cả ba chiều kích với nhau, mặc dầu trên thực tế có những hội dòng nhấn mạnh đến một chiều kích này hơn chiều kích kia. Đại khái, ta có thể nói rằng các dòng đan tu chú trọng đến chiều kích thánh hiến, các dòng huynh đệ thời Trung cổ nêu bật chiều kích cộng đoàn, còn các dòng hoạt động thời cận đại thì đặt sứ vụ lên hàng đầu.

Chúng ta có thể hiểu được rằng trong một bản hiến pháp, hội dòng có thể lựa chọn một chiều kích phù hợp với lịch sử của mình, nhưng tông huấn nhằm đến toàn thể Giáo hội, trong đó cần biểu lộ tính duy nhất cũng như tính công giáo (phổ cập), không chỉ nhằm đến một hội dòng hay một hình thức tu trì nào riêng biệt nhưng là toàn thể các hình thức thánh hiến hiệp thông với nhau trong một Giáo hội phổ quát.

2)   Cốt yếu và lịch sử

Ba đặc tính vừa nêu xem ra chú trọng đến các yếu tố “cốt yếu” của ĐSTH. Thực ra,  cả hai nhãn quan “cốt yếu” và “lịch sử” (hay hiện sinh) đều được lưu ý trong khi trình bày ĐSTH

Khi đề cập đến Đức Kitô, tông huấn không chỉ giới thiệu một Đức Giêsu khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục (VC số 1a) theo khuynh hướng “cốt yếu” nhấn mạnh đến ba lời khuyên tin mừng; nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng là “kẻ được Chúa Cha sai đi” (VC 9b; 22a; 72c; 76a), “ngôn sứ” (VC 84a); người cầu nguyện trên núi (VC 8a;32d), kẻ phục vụ nhân loại (VC 75b; 76). Đức Kitô là khuôn mẫu cho đời đan tu (VC 6b), các nữ đan sĩ (VC 59ab), các dòng tông đồ (VC 32d), các dòng phục vụ bệnh nhân (VC 83b)

Thánh Linh không chỉ hiện diện trong việc thánh hiến các cá nhân, nhưng còn tác động trong toàn thể cuộc đời của người thánh hiến, đặc biệt là trong sứ vụ. Tác động quan trọng nhất của Thánh Linh được nhận thấy nơi các đặc sủng: Ngài là đấng ban phát các đặc sủng đa dạng (VC 62a).

Tông huấn khẳng định rằng đời thánh hiến không chỉ thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội, nhưng còn thuộc về tất cả các đặc điểm của Giáo hội, nghĩa là: duy nhất (VC 46c), công giáo (VC 2b; 19d), hôn thê của Đức Kitô (VC 34a), truyền giáo (VC 1b; 2c; 77), phục vụ, ngôn sứ (VC 84), cánh chung (VC 44a).

Đức Maria cũng được giới thiệu  như là “gương mẫu tuyệt vời của việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ thuộc trọn về Thiên Chúa và hiến dân trọn vẹn bản thân;… đồng thời, Đức Maria là mẫu mực cho việc con người đón tiếp ân sủng của Thiên Chúa;… Mẹ là thầy dạy cách bước theo Đức Kitô vô điều kiện và chuyên cần phục vụ Người… Đời thánh hiến nhìn nhận Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho việc tận hiến cho Chúa Cha, kết hơp với Chúa Con và ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần” (số 28).

Tông huấn đặt tình yêu dâng hiến (VC 75) làm trung tâm và linh hồn cho linh đạo thánh hiến (VC 75b), linh đạo hiệp thông (VC 41b; 46a), linh đạo tông đồ (VC 74b), là những yếu tố cấu thành đời sống tâm linh của các người thánh hiến (VC 93).

Kết luận

Tông huấn Vita consecrata đã cố gắng kết hợp nhiều luồng thần học về ĐSTH (VC số 4b; 13a), tôn trọng tính cách đa dạng trong một cái nhìn chung cho Giáo hội công giáo. Người ta thường chỉ giới hạn việc nghiên cứu bản chất của ĐSTH vào ba lời khuyên tin mừng, nhưng chúng ta thấy rằng thần học về ĐSTH phong phú hơn nhiều, nhờ việc sử dụng nhiều góc độ và nhãn quan khác nhau. Tông huấn muốn trình bày một cái nhìn tổng quan cho toàn thể Giáo hội, còn mỗi hội dòng chỉ giới hạn vào một dự phóng riêng dựa theo đặc sủng của mình. Để kết thúc bài này, chúng tôi xin trích dẫn đoạn mở đầu của tông huấn (số 1), qua đó chúng ta nhận ra được bộ mặt phong phú của ĐSTH, khi quy chiếu về mầu nhiệm Tam Vị, về Đức Kitô, về Giáo hội, về thế giới; vừa là thánh hiến vừa là hiệp thông và sứ vụ:

Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội của Người qua trung gian của Thánh Linh. Nhờ việc tuân giữ các lời khuyên tin mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một mẫu gương thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời. Qua các thời đại, luôn có những người nam nữ, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha và sự thúc đẩy của Thánh Linh, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Đức Kitô, sequela Christi, để tự hiến cho Chúa với một trái tim “không chia sẻ” (1Cr 7,34). [thánh hiến]. Như các thánh tông đồ, họ cũng đã từ bỏ mọi sự để ở với Người [hiệp thông] và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình [sứ vụ]. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo hội bằng muôn vàn đặc sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Thánh Linh đã ban cho họ, và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội.

Đó là những yếu tố cốt yếu của đời sống thánh hiến, nhìn qua các mối tương quan với Thiên Chúa Tam Vị, với Giáo hội, với xã hội và thế giới.

————————————

[1]  “specialiter religiosi dicuntur qui totam vitam suam divino cultui dedicant, a mundanis negotiis se abstrahentes” (Summa Theologica, II-II, q.81 a.1, ad 5m); “antonomastici religiosi dicuntur illi qui se totaliter mancipant divino servitio, quasi holocaustum Deo offerentes” (II-II,186,1).

[2]  Nên lưu ý là trong lịch sử giáo luật, “saecularis” thường đối lại với “religiosus” (hoặc regularis), chẳng hạn các giáo sĩ saecularis (tiếng Việt dịch là giáo sĩ triều), đối lại với các giáo sĩ religiosus, regularis.

[3] Giancarlo Rocca, Những khuôn mẫu của đời sống thánh hiến trong ngàn năm thứ nhất, Thời Sự Thần Học số 66, (tháng 11/2014), trang 11-36.

[4] Mario Midali, Thần học đời sống thánh hiến: những góc độ tiếp cận, Thời Sự Thần Học số 67 (tháng 2/2015), trang 190-215.

[5] Mỗi khuynh hướng nghiêng về việc sử dụng một thứ “phạm trù” trong Kinh thánh. Khuynh hướng “cốt yếu” tìm cách định nghĩa các khái niệm “hữu thể”, tựa như: thánh hiến (tận hiến), hiệp thông, các lời khuyên Phúc âm, sứ vụ. Khuynh hướng “hiện sinh” nhấn mạnh đến các yếu tố năng động: đi theo, chứng tá, dấu chỉ, ngôn sứ, phục vụ.

[6] Tông huấn Vita Consecrata  nói đến vẻ đẹp được ở kề bên Chúa Giêsu  (VC 15.29.40.95);  Đức Kitô tuyệt đẹp (VC 15.16.24.105); vẻ đẹp của Ba Ngôi Thiên Chúa  (VC 16.20.111); đời thánh hiến như dấu chỉ của vẻ đẹp Thiên Chúa  (VC 16.20.109);  Đức Maria tuyệt mỹ (VC 28), vẻ đẹp của Hội thánh (VC 19); vẻ đẹp của sự thông hiệp huynh đệ  (VC 41.101); vẻ đẹp của sự hiến thân (VC 64), vv

[7] X. Carlos Alfonso Azpiroz Costa, Thần học về các hình thái lịch sử của đời sống thánh hiến, Thời Sự Thần Học số 66 (tháng 11/2014), trang 37-46.

[8] Có thể khẳng định rằng một trong những điểm thần học mới mẻ của VC là chiều kích Tam Vị, được nhắc đến ở nhiều mạch văn khác nhau: nhập đề (số 1); ơn gọi (số 20a); các lời khuyên tin mừng (số 21);  đặc sủng (số 36c); hiệp thông (số 41b), đào tạo (số 66a); sứ vụ (số 72a)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here