Những yếu tố cốt yếu của nếp sống tu trì Đaminh và Phan sinh

0
2175

Bài này muốn dành riêng để tìm hiểu bản tính của hai dòng Đaminh và Phansinh, mở màn cho các dòng hành khất, nhân dịp kỷ niệm 800 năm công đồng Lateranô IV (11-30/11/1215) cấm không được lập thêm dòng mới (constitutio  13: de novis religionibus prohibitis). Tục truyền rằng cả hai thánh Đaminh và Phansinh đều hiện diện tại công đồng để xin châu phê luật mới: nguồn sử liệu về thánh Đaminh thì chắc chắn hơn, còn nguồn sử liệu về thánh Phansinh thì không rõ lắm. Tuy nhiên, nhờ những tài ngoại giao và lách luật, các đức giáo hoàng vẫn cho phép thành lập những dòng mới. Công đồng Lyon II (1274) đã nhìn nhận bốn dòng hành khất đã được Tòa Thánh châu phê: đó là Giảng thuyết (1216), Hèn mọn (1209? 1223, regula bullata), Cát-minh (1226), Âu-tinh (1256). Cũng nên biết là con số các dòng hành khất không kết thúc tại đây. Sau  bốn dòng vừa kể, Tòa Thánh còn châu phê thêm năm dòng hành khất nữa, đó là: dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, dòng Chúa Ba Ngôi, Dòng Đức Mẹ cứu chuộc, Dòng Minimi của thánh Phanxicô de Paola (+1507), Dòng Bệnh viện của thánh Gioan Thiên Chúa (+1550).

Ở đây, chúng ta chỉ dừng lại ở hai dòng Đaminh và Phansinh: cả hai ra đời trong những hoàn cảnh xã hội và chính trị giống nhau, và mang nhiều đặc trưng giống nhau trong cách tổ chức đời tu, đến nỗi ta có thể nói được cả hai dòng đều có những nét cốt yếu giống nhau. Như đã nói trước đây,  Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã dành một bài huấn từ ngày 13-1-2010 để giới thiệu bản tính của hai dòng này. Chúng ta cùng nhau ôn lại bối cảnh ra đời của hai dòng, cũng như ý nghĩa của vài thuật ngữ mô tả giá trị đời tu mà hai vị tổ phụ đã mang lại cho Hội thánh, chẳng hạn như: nếp sống Tin mừng (vita evangelica, evangelismus), nếp sống tông đồ (vita apostolica, hoặc apostolica vivendi forma), .

Bài này được chia làm ba phần: 1/ Bối cảnh lịch sử thế kỷ XIII, 2/ Những nét đặc trưng của Dòng các anh em (Fraternitas). 3/ Vài cảm nghĩ.

I. Bối cảnh đời tu, bối cảnh xã hội, bối cảnh Giáo hội

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh của nếp sống tu trì, cũng như bối cảnh xã hội và Giáo hội vào thế kỷ XIII.

A. Bối cảnh đời tu trì

Hai thánh Đaminh và Phansinh đã đánh dấu một lối sống tu trì mới trong Giáo hội. Để hiểu thế nào là mới, chúng ta hãy so sánh với những lối sống tu trì trước đó, ít là bên các Giáo hội Tây phương. Tại đây, tiếp theo những phong trào canh tân và cải tổ trong Giáo hội, đời đan tu đã được tái tổ chức, đặc biệt qua việc tập hợp các đan viện thành các dòng tu, nổi tiếng nhất là cuộc cải tổ dòng Cluny (thành lập năm 909), và Citeaux (1098). Xét về cơ cấu, Dòng có một Tổng viện phụ (Cluny) và tổng hội (Citeaux). Các đan sĩ chuyên về phụng vụ, và sở hữu những cơ sở đồ sộ, trở thành một quyền lực trong xã hội. Chúng ta cũng biết là từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, đa số các đan sĩ trở thành giáo sĩ, nhưng tác vụ chính của các vị là dâng Thánh lễ, chứ không hoạt động tông đồ trực tiếp với  giáo dân. Các giáo dân đến tham dự phụng vụ tại đan viện, chứ các đan sĩ không đến với giáo dân.

Song song với việc “giáo sĩ hóa các đan sĩ” là việc “đan sĩ hóa các giáo sĩ”. Thực ra, vào thời các giáo phụ, nhiều giám mục đã tổ chức các đan viện giáo sĩ (monasterium clericorum): đó là các linh mục thi hành mục vụ nhưng giữ đời sống chung. Dần dần, với sự tăng gia các giáo xứ, nhất là ở miền quê, các giáo sĩ sống một thân một mình, với nhiều tệ đoan. Cuộc cải tổ của các giáo hoàng từ thế kỷ XI (bắt đầu với đức thánh cha Grêgôriô VII, 1073-1085) bắt buộc các giáo sĩ phải sống chung và tuân giữ một bản luật: đó là nguồn gốc của các dòng kinh sĩ (canonici regulares). Tuy nhiên, dự án này không được thành công lắm, và nói chung các kinh sĩ này (chẳng hạn dòng Prémontrés do thánh Norbertô sáng lập) chỉ giới hạn hạot động mục vụ trong phạm vị giáo xứ.

Mặt khác, dưới khía cạnh tiến triển đời tu, ta nên ghi nhận một khuynh hướng ngược chiều, đó là đang khi các đan viện liên minh với nhau thành Dòng (Ordo) thì vào thế kỷ XI, xuất hiện nhiều đợt trở về nếp sống ẩn sĩ, chẳng hạn như Camaldoli (1012) của thánh Romualdô, Vallombrosa (1039) của thánh Gioan Gualbertô, và nổi tiếng nhất là La Chartreuse (1084) của thánh Brunô. Chúng ta nên lưu ý đến khía cạnh này bởi vì sau này nếp sống ẩn sĩ cũng thu hút thánh Phansinh và nhiều đệ tử của ngài.

B. Bối cảnh xã hội

Vào thế kỷ XII-XIII, một cuộc thay đổi quan trọng đã xảy ra trong đời sống xã hội ở Âu châu, đó là sự thành hình nếp sống thành thị, gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống. Ở nông thôn, ông lãnh chúa nắm giữ mọi quyền hành; ở thành thị, người dân ý thức hơn quyền lợi của họ, và tham gia vào việc quản trị qua việc bầu cử. Hiện tượng bầu cử tranh luận không chỉ giới hạn vào công việc hành chính, mà còn trong các sinh hoạt khác, chẳng hạn nhưng hiệp hội, đoàn thể, nghiệp đoàn. Một sự thay đổi khác trong cuộc sống là nông dân sinh sống bằng trồng trọt, còn các người thành thị phát triển việc buôn bán; dần dần giai cấp tư sản ra đời, với những cuộc trao đổi hàng hoá giữa các thành thị, thậm chí giữa các lục địa.

Nếp sống thành thị, hoạt động thương mại đã tạo ra một não trạng mới: kinh tế đứng hàng đầu, nhưng người ta cũng sớm nhận thấy xuất hịên những người nghèo. Hiện tượng này phát sinh ra những phản ứng khác nhau về mặt tinh thần như sẽ thấy sau.

C. Bối cảnh Giáo hội

Sự nghèo khó có thể là một hậu quả của sự loại trừ trong một xã hội đặt tiền bạc lên hàng đầu. Nhưng vào thế kỷ XII, sự khó nghèo còn được nhìn dưới khía cạnh tâm linh, như là trở về với tinh thần đơn sơ khó nghèo của Tin mừng. Trong khi các giáo hoàng và các công đồng đề nghị con đường kỷ luật như là phương pháp để canh tân Giáo hội, thì có những phong trào “Thánh Linh” (Spirituales) đề cao vai trò của Chúa Thánh Linh: Giáo hội cần được những con người “tâm linh” (thần khí) lãnh đạo. Chống lại khuynh hướng làm giàu nơi giới thương gia, và nhất là trong hàng giáo phẩm và dòng tu (với những cơ sở đồ sộ) là những phong trào “Khó nghèo” (Pauperes Christi) chủ trương sống khó nghèo, dấn thân rao giảng Tin mừng.

Tiếc rằng nhiều phong trào này đã không gặp được sự ủng hộ của giáo quyền, và trở thành ly giáo. Công đồng Lateranô III (năm 1179) kết án các nhóm Humiliati. Công nghị Verona (năm 1184) ra vạ tuyệt thông cho các nhóm Cathari, Arnaldi, Vaudois. Nên biết là những nhóm này không chỉ mắc tội bất phục tùng quyền bính Giáo hội, nhưng còn chứa đựng nhiều sai lầm về Thiên Chúa (quan nịêm nhị nguyên về vũ trụ). Dù sao, đứng trước những sai lầm này, các giáo sĩ không đủ trình độ để đối phó bởi vì thiếu huấn luyện. Từ đó, ta mới hiểu được việc nhấn mạnh đến sự đào tạo thần học trong những dòng mới thành lập sắp nói.

II. Những đặc trưng của Dòng các anh em: Fratres / Fraternitas

Dòng Đaminh và Dòng Phansinh thường được xếp vào hàng đầu các dòng hành khất. Tuy nhiên từ ngữ này có thể gây hiểu lầm là cốt yếu của đời tu nằm ở chỗ hành khất. Sự thật không phải như vậy. Ngoài cách thức thực hiện khó nghèo, họ còn muốn nêu bật những giá trị khác nữa, đó là: họat động tông đồ và tình huynh đệ.

1/ Khó nghèo tập thể

Ngay từ lúc khai sinh đời sống đan tu, việc từ bỏ tài sản được coi như một yêu sách tiên quyết để đi theo Chúa, như ta đọc thấy trong cuộc đời thánh Antôn : “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo…, rồi đến đây theo Thầy” (Mt 19,21).Thế nhưng dần dần sự khó nghèo chỉ còn được thực hành trên bình diện cá nhân chứ không phải ở bình diện cộng đoàn, nhất là với sự phát triển của các đan viện với những cơ sở rộng lớn và đồn điền mênh mông. Tài sản của các Dòng tu cũng kếch sù không thua kém tài sản của các giáo phận và các lãnh chúa.

Nằm trong luồng những phong trào canh tân Giáo hội, các dòng hành khất chủ trương thực hành sự khó nghèo cả trên bình diện cá nhân lẫn trên bình diện cộng đòan. Sự khó nghèo được nhìn dưới chiều kích tông đồ : nó biểu lộ sự siêu thoát để rao giảng Tin mừng, theo như chỉ thị của Chúa Giêsu khi phái các môn đệ đi truyền giáo (Mt 10,7 ; Mc 6,6-13). Cũng nên ghi nhận là lý tưởng khó nghèo được đánh giá khác nhau nơi thánh Phansinh và Đaminh. Thánh Phansinh coi sự khó nghèo như một lý tưởng tuyệt đối bởi vì nó họa lại cuộc đời của Đức Giêsu khó nghèo lúc sinh ra tại Belem, trong cuộc sống và khi chết trần trụi trên thập giá: nudus Christum nudum sequi[1]. Thánh Đaminh coi sự khó nghèo như một phương tiện chứng tá cho người rao giảng Tin mừng, nhằm nói lên sự phó thác nơi quyền năng của Lời Chúa chứ không phải nơi thế lực trần gian (xc. Summa Theologica, II-II, q.188, aa.4-5). Dù quan điểm hơi khác nhau về ý nghĩa của sự khó nghèo, nhưng cả hai đều thực hiện khất thực. Nếp sống khất thực giả thiết nhiều điều : (a) chỉ khất thực cho đủ ăn mỗi ngày, chứ không để dành cho tương lai; nếu dư thừa thì phải chia sẻ cho người nghèo, và hôm sau bắt đầu ngày khất thực mới. (b) Đi xa hơn nữa, cộng đồng tu viện không sở hữu tiền bạc, lợi tức, bất động sản. Như vậy, tất cả cộng đòan buộc phải sống khó nghèo, với những bấp bênh của mỗi ngày.

Trải qua dòng thời gian, việc tuân giữ nếp sống khất thực thay đổi khá nhiều. Công đồng Trentô (sessio 25, c.3) cho phép các Dòng hành khất được sở hữu tài sản. Sự khất thực được giải thích theo nghĩa tinh thần hơn là nghĩa vật chất, như sẽ nói sau.

2/ Hoạt động tông đồ

Các dòng hành khất ra đời để phục vụ các tín hữu bằng việc giảng dạy, huấn giáo. Trong bối cảnh lịch sử, hàng giáo sĩ (giám mục và linh mục) lơ là việc giảng Lời Chúa, đang khi nhiều phong trào giáo dân đòi hỏi cho mình quyền được giảng. Đáp lại lời mời của công đồng Lateranô IV (1215), thánh Đaminh lập dòng Giảng để hợp tác với hàng giám mục trong sứ vụ giảng Lời Chúa. Dòng Phansinh tuy vào lúc đầu chỉ gồm những giáo dân nhiệt thành rao giảng bình dân, nhưng cũng đã sớm đào tạo các giáo sĩ giảng ở các thánh đường và dạy ở các đại học[2]. Hai dòng Đaminh và Phansinh thiết lập tu viện (conventus) ở thành phố gần với nhân dân, khác với các đan viện được cất lên ở miền đồi núi. Các dòng hành khất còn lôi cuốn nhiều giáo dân vào các phong trào tông đồ, đặc biệt dưới hình thức Dòng Ba.

3/ Tình huynh đệ

Những tu sĩ của các dòng này không phải là “đan sĩ” (monaci) nhưng là “anh em” (fratres) : ngoài tình huynh đệ dựa theo tinh thần Phúc âm (Mt 23,8 : “đừng gọi ai là cha, là thầy.. tất cả đều là anh em với nhau”), các dòng này muốn xóa bỏ những phân biệt giai cấp thịnh hành trong các đan viện thời đó, dựa theo dòng tộc và giai cấp. Đừng kể ảnh hưởng của tinh thần Phúc âm, ta không nên bỏ qua tinh thần thời đại, khi các chức vụ cai quản tại các thành thị và đại học đều tiến hành theo lối bầu cử (chẳng hạn tại đại học Bologna, viện trưởng là một sinh viên do các sinh viên bẩu ra). Đó là chưa nói đến các quyết nghị quan trọng đều được đem ra bàn thảo công khai tại các hội nghị. Trong các dòng hành khất, các tu nghị (capitulum) giữ vai trò lãnh đạo tối cao, ở trên các bề trên. Các tu nghị (cấp dòng và cấp tỉnh) họp thường xuyên hằng năm trong dòng Đaminh, dòng Phanxicô thì họp cấp tỉnh hằng năm và cấp dòng ba năm một lần. Ta thấy đây là một cuộc cách mạng về quan niệm quyền bính: quyền bính do dân và vì dân, chứ không phải trên trời ban xuống.

Việc thay đổi não trạng cũng làm thay đổi các danh xưng trong hiến pháp. Các bề trên không còn được gọi là “abbas” (viện phụ: cha), mà chỉ là “prior” (người đứng đầu, anh trưởng), “minister” (kẻ phục vụ), “custos” (kẻ trông coi). Chúng ta sẽ trở lại đặc tính fraternitas trong bài tới, bởi vì đây là một yếu tố cốt yếu của dòng Phansinh (fraternitasminoritas).

4/ Di động và cố định

Các đan sĩ dòng Biển đức khấn giữ “vĩnh cư” để tránh cảnh lang thang: ai đã nhập đan viện nào thì trụ trì tại đó suốt đời. Đặc tính này cũng được duy trì nơi các kinh sĩ. Nhưng các tu sĩ dòng hành khất thì chỉ khấn “bền đỗ” ở trong dòng, chứ không ở tại một tu viện nhất định, bởi vì họ phải di chuyển đây đó để rao giảng Lời Chúa. Tuy vậy, các dòng hành khất cũng duy trì nhiều yếu tố đã trở thành gia sản đời tu trì Kitô giáo, tựa như : việc cử hành phụng vụ cộng đòan, các kỷ luật khổ chế (ăn chay, kiêng thịt, thinh lặng). Mặc dù phải di động để đi giảng, mặc dù sống gần gũi với nhân dân, nhưng các tu sĩ vẫn giữ một khỏang cách với đời, qua cơ cấu của tu viện, nơi mà họ chăm chuyên cầu nguyện, học hành, tu luyện. Về điểm này, các dòng hành khất khác với các dòng “giáo sĩ kỷ luật” thành lập vào thế kỷ XVI (điển hình là Dòng Tên).

Xét về tương quan với giáo quyền, các dòng hành khất được đặt dưới sự điều động của Toà thánh, không còn lệ thuộc vào giám mục địa phương nữa. Nói khác đi, các dòng hành khất được giáo luật xếp vào hạng “miễn trừ”. Ngày từ thế kỷ XIII, họ được cử đi rao giảng Tin mừng khắp nơi: hai dòng đã đi truyền đạo ở miền Đông Âu, Trung Đông, và đến tận Ấn độ và Trung Hoa.

III. Vài cảm nghĩ

Xin gợi ý suy nghĩ chung quanh ba điểm: vita evangelica, vita apostolica, mendicitas

A. Vita evangelica

Trong những năm gần đây, chúng ta thường nghe nói đến “Phúc âm hóa” hoặc “Tân Phúc âm hóa”, nhưng có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của nó. Thực ra, trước khi bàn đến nội dung, thiết tưởng cần phải xét đến vấn đề dịch thuật. Nguyên văn của nó là evangelizatio, hoặc nova evangelizatio. Danh từ này đơn giản chỉ có nghĩa là loan báo Tin mừng (hoặc loan báo Phúc âm).

Tuy nhiên, thú vị hơn nữa là theo dõi việc dịch thuật từ evangelium sang tiếng Việt. Trước đây 70 năm, evangelium được dịch là “sách Êvang” (nghĩa là chuyển âm chứ không dịch nghĩa). Dần dần người ta mới dịch là “sách Phúc âm”, và gần hơn nữa, là “sách Tin mừng”. Đang khi đó, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của “Hội thánh Tin Lành” (evangelical Church), nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng “Phúc âm, Tin mừng, Tin Lành” (và anh em Phan-sinh cũng dịch là “Tin vui”) cũng là một thôi.

Điều quan trọng hơn nữa là các từ ngữ vừa rồi thường chỉ giới hạn vào cuốn sách (sách Phúc âm, sách Tin mừng), hoặc vào sứ điệp (loan báo, rao giảng Phúc âm), và quên rằng Tin mừng tiên vàn là một cuộc sống, hơn thế nữa Tin mừng là chính Đức Kitô.

Vì thế sống Tin mừng là sống theo lời giảng và hành động của Chúa Giêsu, sống theo những lời khuyên của Chúa Giêsu (tóm lại trong bài giảng trên núi, hoặc bát phúc). Hiểu như vậy, có rất nhiều lời khuyên Tin mừng (chứ không chỉ có ba lời khuyên Tin mừng).

Các phong trào canh tân thế kỷ XIII (thời chúng ta đang bàn) và thế kỷ XVI (phong trào Tin lành của Luther) hiểu Tin mừng theo nghĩa đó: họ kêu gọi trở về với tinh thần Tin mừng, bắt chước Đức Kitô (imitatio Christi). Tin mừng phải là nên luật sống cho tất cả các tín hữu. Thánh Phansinh đã hiểu như vậy, khi các anh em xin viết một bản luật. Nói khác đi, yếu tố cốt yếu của đời tu là chính Tin mừng.

B. Vita apostolica

Thế hệ đầu tiên của các tu sĩ (nghĩa là các đan sĩ) từ bỏ thế gian (fuga mundi), lên sa mạc tìm Chúa (quaerere Deum). Sang thế hệ mà chúng ta đang bàn, các tu sĩ quan niệm việc tông đồ nằm trong ơn gọi của mình. Đó là khởi điểm của các dòng “tông đồ” trong lịch sử Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta nên cẩn thận, cần hiểu cho rõ ý nghĩa của “tông đồ”: tính từ này không ám chỉ một hoạt động cho bằng một nếp sống.

Nói đúng ra, thuật ngữ “đời sống tông đồ” (vita apostolica) đã mang nhiều mầu sắc khác nhau, tùy theo  thời đại. Nói chung, “đời sống tông đồ” có nghĩa là đời sống hoạ  theo nếp sống của các thánh tông đồ. Hiểu như thế nào? Trong Giáo hội, “tông đồ” thường được hiểu về các giám mục, những người kế vị các thánh tông đồ, và có nhiệm vụ bảo vệ đạo lý các thánh tông đồ, ban hành các bí tích, cai quản dân Chúa. Các dòng tu thì hiểu “đời sống tông đồ” theo nghĩa khác, tuỳ theo hoặc là các đan sĩ, các kinh sĩ, các Dòng hành khất thời trung cổ, hoặc các Dòng cận đại.

1/ Đối với các đan sĩ, đời sống tông đồ có nghĩa là bắt chước các tông đồ khi họ bán hết các tài sản để theo Chúa. Thực vậy, thánh Athanasiô khi thuật lại hạnh  thánh Antôn đã giải thích rằng vị tổ phụ của đời đan tu đã bán hết tài sản để vào sa mạc rừng là vì muốn bắt chước các thánh tông đồ từ bỏ nhà cửa gia đình để đi theo Chúa (Vita Antonii, n.2). Thánh Pacômiô cũng quả quyết tương tự: các đan sĩ là những kẻ bắt chước các thánh tông đồ, bởi vì họ đã từ bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa (Mt 19,21.26), cũng như họ bắt chươc cộng đoàn các tông đồ ở Giêrusalem theo như sách Tông đồ công vụ kể lại (2,44-45; 4,32.34-35), trong đó mọi người đặt tất cả tài sản làm của chung (Sancti PachomiiVita I, n.2). Đến khi đời sống cộng đoàn phát triển, thánh Basiliô (Regulae fusius VII,4) và thánh Augustinô (Regula) thêm một chi tiết nữa trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem: ngoài việc từ bỏ tài sản,  cần phải lưu ý đến yếu tố đồng tâm nhất trí (koinonia: thông hiệp; một trái tim một linh hồn). Kế đó, thánh Biển đức (Regula c.48,8) và thánh Isiđôrô Sevilla (Regula c.6) còn khuyên các đan sĩ hãy bắt chước các thánh tông đồ trong việc lao động chân tay.

2/ Sang thời Trung cổ, ta thấy nảy thêm hai chi tiết mới trong việc bắt chươc các thánh tông đồ.

– a) Các Kinh sĩ (canonici phần lớn giữ luật thánh Augustinô) đề cao đời sống chung (ăn chung, ngủ chung, kỷ luật chung dươi sự điều khiển của bề trên) và sự khó nghèo.

– b) Các Dòng hành khất thì nhấn mạnh đến sự khó nghèo và rao giảng Tin mừng . Bản văn Kinh thánh mà các Dòng hành khất căn cứ không còn là Matthêo 19,21 nữa, nhưng là Luca 9, 3-5; 10,1-16, tức là trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi giảng Tin mừng trong cung cách khó nghèo, không mang theo túi gậy (xc. Mc 6,8-11; Mt 10,5-16).

3/ Vào thời cận đại, người ta chú trọng tới sứ mạng của các tông đồ hơn là đời sống khó nghèo. Nói cách khác, người ta nhấn mạnh đến “hoạt động” tông đồ hơn là “đời sống” tông đồ. Hoạt động tông đồ bao gồm không chỉ rao giảng Phúc âm mà còn tất cả những công tác bác ái nhằm mở mang Nước Chúa. Thực ra, lúc đầu chỉ có các công tác của các giáo sĩ mơi được mang danh là  “việc tông đồ” (rao giảng, dạy dỗ,  ban bí tích); nhưng dần dần, tất cả các công tác bác ái xã hội cũng có thể gọi là công tác tông đồ khi được thi hành vơi tinh thần tông đồ nhằm phục vụ Nước Chúa. Điển hình cho quan niệm này là định nghĩa về Tông đồ giáo dân trong sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (số 2) của công đồng Vaticanô II.

Một khi đồng hoá “đời sống tông đồ” với các “hoạt động”, thì tất nhiên là chỉ phù hợp với các Dòng hoạt động, còn các Dòng chiêm niệm thì bị loại trừ! Từ đó mới có sự phân chia giữa hai nếp sống (vita apostolica / vita contemplativa). Thế nhưng, sự nghiên cứu cứu lịch sử cho thấy rằng quan niệm như vậy là thiếu sót lớn, bởi vì một đàng trong quá khứ các dòng đan tu chiêm niệm cũng mang tính cách tông đồ, và đàng khác, đời tông đồ tiên vàn nằm ở “nếp sống” (đức ái, lòng nhiệt thành, tinh thần phụng sự) chứ không phải ở “công tác”!

C. Mendicitas

Vào thế kỷ XIII, nếp sống khất thực là một đặc trưng của hai dòng mới, nhằm biểu lộ việc thực hành khó nghèo không những trên bình diện cá nhân mà còn cả trên bình diện cộng đoàn: dòng không sở hữu tài sản. Tuy nhiên, công đồng Trentô đã tuyên bố kết thúc chế độ ấy. Tuy nhiên, điều này không làm tiêu huỷ căn tính của các dòng hành khất, bởi vì các dòng này còn mang nhiều đặc trưng khác nữa. Dù vậy, thử hỏi, ngày nay, tính “hành khất” còn có ý nghĩa gì nữa không? Đó là đề tài của một lá thư mà cha Bruno Cadoré, bề trên tổng quyền dòng Đaminh, đã gửi cho anh em cách đây một năm (ngày 24-5-2014).

Theo cha Cadoré, vào thế kỷ XIII, tính hành khất biểu lộ một tâm tình phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và đặc biệt là một cách thực hành thái độ của kẻ rao giảng Tin mừng, theo như lời dạy của Chúa Giêsu khi sai các môn đệ (Lc 9,3; 10,4). Ngoài ra, sự khất thực còn muốn biểu lộ tình liên đới đối với những người nghèo, những kẻ vô gia cư, vô tài sản, sống bấp bênh qua ngày. Chưa hết, sự khất thực còn muốn nói đến sự lệ thuộc vào các ân nhân, những người đón nhận Tin mừng mà chúng ta rao giảng. Nói khác đi, nếp sống khó nghèo đặt chúng ta trong tình trạng tương quan, nương tựa lẫn nhau. Điều này đi trái ngược với não trạng của nhà tư bản, tạo ra một nếp sống tự lập, không cần dựa vào ai khác. Nói thế có nghĩa là tính hành khất bao hàm tình liên đới, bắt đầu từ trong cộng đoàn, khi các anh em cùng tương trợ với nhau, không phải để xây dựng một cơ nghiệp đồ sộ, nhưng để hỗ trợ cho nhau có phương tiện thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng. Tính hành khất cần được nhìn trong bối cảnh của việc rao giảng Tin mừng qua chứng tá của nếp sống khó nghèo. Trên thực tế, thật khó nói được rằng các tu viện của chúng ta là dấu chứng của đức khó nghèo. Tuy vậy, điều quan trọng là phát triển sự lệ thuộc liên đới giữa các anh em trong cộng đoàn, cũng như giữa các cộng đoàn trong cùng tỉnh dòng và giữa các tỉnh dòng với nhau để hỗ trợ nhau trong việc phục vụ một sứ mạng chung. Kết luận, cha Cadoré định nghĩa tính hành khất như là văn hóa của liên đới, tương trợ, chia sẻ.

Để kết luận cho bài hôm nay, tôi muốn mời anh em không chỉ suy nghĩ về nếp sống khó nghèo của các cộng đoàn của chúng ta, cho bằng nghĩ tới việc đọc ra các “dấu chỉ thời đại”, như đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nói khi giới thiệu hai dòng Phan sinh và Đaminh vào thế kỷ XIII. Xã hội thời ấy đang chuyển mình từ nông thôn lên thành thị, một đàng người ta chạy theo kinh tế thương mại nhưng đàng khác cũng có những người muốn quay về với các giá trị đơn sơ của Tin mừng. Giáo hội không nắm bắt được những giá trị của các trào lưu ấy, khiến cho nhiều nhóm trở thành ly giáo, lạc giáo. Thánh Đaminh và Thánh Phansinh thì khác: các ngài đón nhận thách đố trở về với nếp sống Tin mừng mà vẫn duy trì  mối hiệp thông với Giáo hội. Phải chăng điều này lại chẳng đang diễn ra vào thời đại chúng ta, cách riêng tại Việt Nam. Đồng tiền là gía trị cao nhất trong xã hội. Tuy nhiên, phải chăng người ta cũng đang khát khao một Giáo hội bình dị, huynh đệ, liên đới với người nghèo? Một giáo hội làm chứng cho những giá trị tâm linh, của niềm vui, bình an? Liệu chúng ta có thể đáp ứng với những thách đố ấy?

——————————————–

[1] Công thức này bắt nguồn từ thánh Giêrônimô, nhưng được truyền bá vào cuối thế kỷ XI (khoảng 1080). J. Chatillon. Nudum Christum nudus sequere. Note sur les origines et la signification du thème de la nudité spirituelle dans les écrits de saint Bonaventure, in: Le mouvement canonical au Moyen Age. Réforme de l’Eglise. Spiritualité et culture. Bibliotheca Victorina 2, Paris 1992, p.201-254.

[2] Lúc đầu, anh em giáo sĩ và không giáo sĩ đều được đối xử ngang nhau. Vị Tổng phục vụ tiên khởi là anh Elia (1230-1239) không thuộc hàng giáo sĩ. Vị tổng phục vụ tiếp theo là một giáo sĩ,  anh Aimon Favershal (1240-1244). Từ thánh Bonaventura trở đi, khuynh hướng giáo sĩ thắng thế.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here