Phan Tấn Thành
Chúng ta đã điểm qua những văn kiện của Giáo hội về đời sống tu trì. Lý tưởng đời tu được định nghĩa qua ba thuật ngữ: đi theo Đức Kitô, thánh hiến, đặc sủng. Ba thuật ngữ này dựa trên căn bản của Tân ước, nhắm nêu bật mối tương quan giữa đời tu trì với Thiên Chúa Ba ngôi: Thiên Chúa kêu gọi con người hãy theo gương Đức Kitô dâng hiến trót đời để phụng sự Nước Trời; con người ý thức ơn gọi ấy và đáp trả nhờ đặc sủng của Thánh Linh. Lý tưởng tổng quát được diễn tả cụ thể qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đây là đặc trưng của sự thánh hiến của các tu sĩ, khác với những sự thánh hiến khác trong Giáo hội, như tông huấn Vita consecrata đã trình bày ở số 30. Nói khác đi, ba lời khuyên Phúc âm là yếu tố cốt yếu của đời thánh hiến. Đây là đề tài nghiên cứu của chương này, gồm bốn mục. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm tổng quát về ba lời khuyên Phúc âm (mục 1). Kế đến, ba mục 2-4 sẽ được dành cho mỗi đề tài cụ thể: khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Sau cùng, chúng tôi xin thêm mục 5 để bàn về “tình huynh đệ”, một yếu tố tuy không được coi như thành phần cốt yếu nhưng lại không thể nào thiếu trong đời sống thánh hiến.
Mục I
Khái niệm về các lời khuyên Phúc âm
Các văn kiện Toà thánh quen dùng ba lời khuyên Phúc âm để xác định bản chất của đời sống tu trì Kitô giáo. Tuy nhiên, không thiếu vấn nạn đã được nêu lên:
– Trước kia, giáo luật thường nói đến “ba lời khấn dòng”, còn ngày nay lại nói “ba lời khuyên Phúc âm”: có gì khác biệt giữa “lời khuyên” và “lời khấn” không?
– Tại sao gọi là “lời khuyên Phúc âm”? Phúc âm chỉ chứa đựng ba lời khuyên mà thôi, hay còn nhiều hơn nữa?
– Chỉ các tu sĩ mới buộc giữ ba lời khuyên Phúc âm (khiết tịnh, nghèo khó, vâng lời) hay sao? Còn những tín hữu khác có cần đếm xỉa đến các lời khuyên Phúc âm không?
Muốn trả lời cho những câu hỏi đó, chúng ta phải đi ngược lại dòng lịch sử, để tìm hiểu xem nguồn gốc của thuật ngữ “lời khuyên Phúc âm”, cũng như những quan niệm và cách giải thích bản chất của chúng.
I. Khái niệm
Tự nó, danh từ “lời khuyên” (Pháp: conseil; “nh: counsel) chỉ có nghĩa là: khuyên lơn, răn bảo, góp ý. Các triết gia Hy-lạp (cách riêng là trường phái Stoa) áp dụng vào lãnh vực luân lý để phân biệt các cấp độ nghĩa vụ: có điều chỉ khuyến khích và có điều bó buộc thi hành.
1. Có lẽ ông Origène là người đầu tiên du nhập sự phân biệt giữa “lời khuyên” (gnome, consilium) và “lệnh truyền” (epitaghe, preceptum) vào Kitô giáo, khi phân tích đoạn văn của thứ thư nhất thánh Phaolô gửi Côrintô (7,25): “Về vấn đề độc thân, tôi không có lệnh truyền nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người – nhờ Chúa thương – đáng được anh em tín nhiệm”.
Tiếp theo ông Origene, các giáo phụ (Ambrosiô, Augustinô, Ephrem, Gioan Kim-khẩu, Cassianô) nói đến nhiều lời khuyên trong Phúc âm, nhằm hướng dẫn con người tiến đến sự trọn lành, thí dụ như:
– từ bỏ tài sản và hôn nhân (Mt 19,21; Mt 19,11-12);
– từ bỏ thân nhân gia đình (Mt 10,37);
– từ chối không đòi hỏi những quyền lợi chính đáng (Mt 5,38-42);
– chay tịnh (Mt 6,16-18);
– từ bỏ mạng sống vì Tin Mừng (Mc 8,34-38).
Những lời khuyên đó dành cho tất cả những môn đệ của Chúa Kitô.
2. Đến khi đời đan tu xuất hiện trong Hội thánh (thế kỷ III-IV), một số tín hữu muốn sống Tin mừng cách triệt để hơn: họ thực sự từ bỏ gia đình, tài sản, để đi theo Đức Kitô. Họ sống khắc khổ, chuyên chú vào việc cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn của sư phụ lão luyện. Với sự phát triển của nếp sống cộng đoàn, các bản luật được soạn thảo nhằm quy định các nghĩa vụ của các phần tử. Trong luật thánh Biển-đức, đan sĩ hứa tuyên giữ “kiên trì, cải hoán, vâng phục” (stabilitas, conversatio morum, obedientia). Với các “tăng sĩ” cổ võ tình thông hiệp, nội dung cam kết được đổi thành “kiên trì, cộng đoàn, vâng phục” (stabilitas, communitas, obedientia).
3. Từ thế kỷ XI, phương thức ba lời khấn dòng bắt đầu được xác định. Các “tăng sĩ” Saint-Victor ở Paris (1090) khấn giữ: “khiết tịnh, thông hiệp, vâng phục” (castitas, communio, obedientia). Sự thông hiệp bao hàm việc chia sẻ tài sản. Bản luật Dòng Chúa Ba ngôi được Toà thánh châu phê năm 1198 đặt trong công thức khấn dòng lời cam kết sẽ “vâng phục bề trên, khiết tịnh và không có tư hữu” (Fratres Domus Sanctae Trinitatis sub oboedientia Prelati domus suae… in castitate et sine proprio vivant).
Dòng Phanxicô đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc phát biểu ba lời khấn. Trong bản luật thứ nhất (Regula I), thánh Phan-sinh đề ra cho anh em “sống tuân phục, khiết tịnh, không tư sản, và dõi theo giáo huấn và lối đi của Chúa Giêsu” (Regula et vita istorum fratrum haec est, scilicet, vivere in obedientia, in castitate et sine proprio; et Domini nostri Iesu Christi doctrinam et vestigia sequi). Bản luật thứ hai (Regula II), được Toà thánh phê chuẩn năm 1223, thì gọn gàn hơn: luật sống của anh em hèn mọn hệ tại tuân giữ Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống trong tuân phục, không tư sản, và khiết tịnh (obedientia, sine proprio, castitate). Trong bức thư gửi cho dòng Clara năm 1253, đức thánh cha Innocentê IV tuyên bố rằng các chị chỉ buộc giữ luật thánh Biển đức trong những điều liên quan tới bản chất của tất cả các dòng tu, đó là “vâng phục, từ bỏ tư sản và trinh khiết suốt đời” (nisi ad oboedientiam, abdicationem proprii ac perpetuam castitatem quae substantialia cuiuslibet religionis existunt). Công đồng Vienne (1311-1312) bó buộc tất cả các dòng tu phải tuyên giữ ba lời khấn ấy.
4. Như vậy, kể từ thế kỷ XIV trở đi, ba lời khấn dòng được coi như yếu tố cấu tạo của đời tu trì. Vì lý do gì?
Thật khó tìm hết các lý do lịch sử để giải thích của sự tiến triển đó. Tuy nhiên, thánh Tôma Aquinô đã góp phần không ít trong việc hình thành thần học về ý nghĩa của ba lời khấn. Thánh Tôma là một phần tử của dòng Đaminh, và chiếu theo Hiến pháp của dòng, chỉ tuyên khấn vâng lời bề trên (nghĩa là chỉ có một lời khấn). Điều này không có gì khó hiểu bởi vì vào hồi thành lập dòng (1216), công thức tuyên khấn chưa được giáo luật xác định. Thế nhưng tình hình đã thay đổi khi thánh Tôma viết những tác phẩm bàn về đời tu (Contra impugnantes Dei cultum et religionem 1256; De perfectione vitae spiritualis 1269; Contra pestiferam doctrinam retrahentium homines a religionis ingressu và 1270). Cách riêng, Người đã trình bày một cách hệ thống đạo lý về các lời khuyên và sự trọn lành trong phần II của Summa Theologiae.
– Về sự phân biệt giữa “lời khuyên” và “lệnh truyền”. Theo thánh Tôma, sự phân biệt này là một đặc trưng của Tân ước, bởi vì Cựu ước chỉ biết lệnh truyền mà thôi (I-II, q.108, â.1.4). Thực vậy, Tân ước là thời đại của Thánh Linh và ân sủng, thời mà con người được mời gọi trở nên trọn lành nhờ tình yêu.
– Nói cho đúng, tất cả các Kitô hữu đều buộc phải nên trọn lành, bởi vì tất cả đều buộc phải tuân giữ luật yêu thương. Tuy nhiên, tình yêu có nhiều cấp độ, từ thấp lên cao, từ sơ đẳng đến thiện hảo. Tất cả mọi tín hữu có nghĩa vụ phải tuân giữ đức ái, theo nghĩa là không được làm điều gì trái nghịch với đức ái. Các tu sĩ muốn đi xa hơn nữa, khi họ muốn loại trừ hết những gì ngăn cản lòng yêu mến tinh tuyền. Các tu sĩ ước muốn được thuộc trọn về Chúa, muốn dâng hiến trọn đời để phụng sự Chúa. Việc khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm biểu lộ ý chí muốn nên trọn lành, bằng cách cắt đứt những gì ngăn trở sự kết hợp với Chúa.
– Như vậy, ba lời khấn là phương tiện để đạt đến đức ái trọn hảo, chứ chưa phải là chính sự trọn hảo. Các tu sĩ không đương nhiên đạt được sự trọn lành do việc tuyên khấn; đối lại, không thể khẳng định dứt khoát rằng những ai không tuyên khấn thì không tài nào nên trọn lành được, bởi vì thực tế cho thấy có những khấn mà chưa nên trọn lành, và có những người nên trọn lành tuy dù không khấn ! Nhờ lời khấn, tu sĩ gặp môi trường thuận tiện hơn để nên trọn lành, không những nhờ việc cắt đứt những mối ngăn trở, mà còn nhờ những phương thế tích cực khác, trong đó có việc khổ chế và cầu nguyện.
5. Vào thời cận đại, người ta không còn duy trì cái nhìn toàn bộ về thần học như thánh Tôma nữa. Thần học bị phân tán thành nhiều mảng biệt lập: tín lý một nơi, luân lý một nẻo. Cách riêng, thần học luân lý nhắm giúp các linh mục thi hành bí tích giải tội, do đó được xây dựng trên thập giới (mười điều răn) chứ không còn trên các nhân đức nữa. Hậu quả là sự phân biệt giữa “lời khuyên” và “mệnh lệnh” được đặt trên một bối cảnh khác: tất cả các tín hữu buộc phải giữ các mệnh lệnh để được rỗi linh hồn; còn ba lời khấn chỉ là lời khuyến khích dành cho những ai muốn nên trọn lành. Nói cách khác, các giáo dân không còn hy vọng gì làm thánh nữa, họ chỉ cần gắng làm sao ăn ngay ở lành để khỏi sa hoả ngục mà thôi.
6. Công đồng Vaticanô II muốn sửa đổi não trạng đó. Hiến chế về Hội thánh đã khẳng định rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh (chương V). Trọng tâm của sự thánh thiện là yêu mến Chúa qua đức ái. Tuy nhiên có nhiều con đường khác nhau để đạt đến sự trọn lành, trong đó các lời khuyên Phúc âm giữ một vị trí ưu việt. Như vậy, công đồng trở về với giáo huấn của thánh Tôma Aquinô, được trưng dẫn ở số 42 cùng với nhiều giáo phụ, coi các lời khuyên Phúc âm như là phương tiện để đạt đến đức ái, và con số các lời khuyên thì “nhiều” (chứ không phải chỉ có ba). Dù sao, tất cả các tín hữu cần phải giữ “tinh thần” của các lời khuyên Phúc âm, tuy dù không phải tất cả đều bó buộc phải thực hành cách triệt để.
Như vậy, công đồng Vaticanô II đã bàn về các lời khuyên Phúc âm trong bối cảnh của ơn gọi nên thánh nhắm tới tất cả mọi Kitô hữu. Ngoài ra, trước đây thần học cố gắng trưng dẫn những đoạn văn để chứng tỏ rằng đức khiết tịnh, nghèo khó, vâng lời có cơ sở trong Phúc âm (vì thế đáng được mang tên là “lời khuyên Phúc âm”). Công đồng Vaticanô II cũng áp dụng phương pháp đó ở số 42 của hiến chế về Hội thánh[1] và khi bàn đến từng lời khuyên trong Sắc Lệnh Perfectae caritatis (số 12-14); đồng thời, công đồng cũng xoay sang một hướng mới, đó là đặt nền tảng của các lời khuyên Phúc âm không phải trên các bản văn cho bằng trên bản thân của Chúa Giêsu: các lời khuyên Phúc âm muốn diễn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục: ta có thể nhận thấy rõ rệt chiều hướng đó khi bước sang chương VI (xem các số 44c; 46b). Nói cách khác, việc thực hành các lời khuyên Phúc âm là một hình thức diễn tả việc đi theo sát Chúa Kitô hơn cả, như công đồng tuyên bố ngay ở đầu Sắc Lệnh Perfectae caritatis.
7. Sau công đồng Vaticanô II, các văn kiện Toà thánh còn mở ra nhiều chiều kích mới trong việc trình bày gía trị và ý nghĩa của các lời khuyên Phúc âm, như sẽ thấy sau đây. Chúng tôi chỉ muốn ghi nhận tông huấn “Hồng ân cứu độ” của Đức Gioan Phaolô II, bởi vì văn kiện này không những vạch ra giá trị hiến tế của ba lời khuyên Phúc âm, nhưng còn móc nối ba lời khuyên đó với toàn thể Tân ước.
Trong Phúc âm có nhiều điều nhắn nhủ vượt mức độ của mệnh lệnh, chỉ bảo không những cái gì là “cần thiết” mà lại cả cái gì là “tốt hơn” nữa. Chẳng hạn như: khuyên đừng đoán xét (xc Mt 7,1), cho vay mượn mà “không mong được trả lại” (Lc 6,35); thoả mãn tất cả những yêu cầu và ước muốn của tha nhân (xx Mt 5,40-42), mời những người nghèo đến dự tiệc (xc Lc 14,13-14), tha thứ mãi (xc. Mt 6,14-15), và nhiều điều khác như thế. Nếu theo truyền thống, sự tuyên giữ những lời khuyên Phúc âm tập trung vào ba điểm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, thì tập tục này dường như muốn đề cao, một cách khá rõ ràng, tầm quan trọng của chúng là những chìa khóa, một cách nào đó, “tóm gọn” toàn thể nhiệm cục của ơn cứu độ. Trong Phúc âm, tất cả cái gì là lời khuyên đều được gián tiếp xung vào chương trình của con đường Đức Kitô mời gọi khi Người nói: “Hãy theo tôi”. Nhưng đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục thì mặc cho con đường đó một đặc tính hướng về Đức Kitô đặc biệt và được in dấu đặc thù của nhiệm cục cứu chuộc.
II. Ý nghĩa
Trải qua dòng lịch sử, từ “lời khuyên Phúc âm” đã nhiều lần thay đổi ý nghĩa: từ chỗ liệt kê nhiều lời khuyên mời thúc giục trong Phúc âm đến chỗ rút gọn vào ba lời khuyên khiết tịnh, thanh bần, vâng phục; từ chỗ đối chọi giữa “lời khuyên” với “mệnh lệnh” như là hai hình thức thực hành đức ái cho đến chỗ phân biệt hai hàng ngũ tu sĩ và giáo dân trong Giáo hội; từ chỗ đi tìm nền tảng lời khuyên Phúc âm trong những đoạn văn cụ thể của Tân ước đến chỗ mở rộng đến toàn thể cuộc đời Chúa Cứu thế.
Dựa theo các văn kiện Toà thánh từ công đồng Vaticanô II, chúng tôi xin tóm lược những chiều kích sâu xa của ba lời khuyên Phúc âm, được gom làm hai nhóm: tu đức (ascetica) và huyền nhiệm (mystica). Trong nhóm thứ nhất, các lời khuyên Phúc âm được nhìn như phương dược để chữa lành những thương tích của linh hồn, dẹp bỏ những chướng ngại cản trở đức ái. Trong nhóm thứ hai, các lời khuyên Phúc âm được nhìn như chứng tá cho Tin mừng, biểu hiệu của cuộc sống mai hậu, diễn tả mối tình liên kết với Ba ngôi Thiên Chúa.
A. Tu đức
Dựa theo Phúc âm, truyền thống Kitô giáo đã đặt trọng tâm của đời tu hành ở chỗ “đi theo Chúa Kitô”, theo gương của các môn đệ tiên khởi. Tuy nhiên, chính Phúc âm cũng cho thấy rằng việc đi theo Chúa đòi hỏi một sự từ bỏ: có người phải bỏ công ăn việc làm (nghề chài lưới, nghề thâu thuế), có người phải bỏ cả cha mẹ và thân nhân (Mt 19,29), và thậm chí phải từ bỏ cả bản thân (Lc 14,26). Ai không đủ khả năng từ bỏ thì cũng khó lòng mà đi theo tiếng Chúa gọi, điển hình là người thanh niên giàu có (Mt 19,22).
1. Đến khi đời đan tu thành hình, các sư phụ bắt đầu trình bày mạch lạc những thứ “khước từ” trước khi bước vào đời tu, và dĩ nhiên là họ không quên giải thích lý do. Đó lẽ ông Cassianô là tác giả đầu tiên đã mở đầu cho văn chương này. Như chúng ta đã biết, mục tiêu mà đan sĩ nhắm đến là tạo cho mình con tim tinh tuyền ngõ hầu chiêm ngưỡng Chúa. Đan sinh phải từ bỏ thế gian (gia đình, tài sản), từ bỏ bản thân (các đam mê dục vọng), từ bỏ những lo lắng thế sự[2]. Sự từ bỏ mới chỉ là bước đầu, chứ chưa phải là đích điểm của đời tu: ba đối tượng của sự từ bỏ được lồng trong việc chiến đấu chống lại tám nết xấu bằng việc thực hành các nhân đức đối nghịch.
2. Thánh Tôma Aquinô móc nối ba lời khấn dòng với ba thứ đam mê của thế gian mà thánh Gioan tông đồ mô tả trong thư thứ nhất (2,16): đam mê xác thịt, đam mê của con mắt, kiêu căng của con người. Vì thế việc đi tu bao hàm việc dứt bỏ ba mối đam mê (concupiscentia), đầu mối của tội lỗi: “qua lời khấn khó nghèo, tu sĩ từ bỏ của cải (đam mê của con mắt), qua lời khấn khiết tịnh trọn đời, tu sĩ từ bỏ những thú vui xác thịt); qua sự tùng phục vâng lời, tu sĩ từ bỏ kiêu căng của cuộc đời” (Summa Theologica, I-II, 103, 4). Ý tưởng này còn được lặp lại trong tông huấn Hồng ân Cứu chuộc của Đức Gioan Phaolô II (số 9).
3. Dĩ nhiên, một lối trình bày như vậy có thể đưa đến việc đánh giá sai lầm các thực tại trần gian (hôn nhân, tiền tài, tự do), coi chúng như là điều xấu xa bỉ ổi ! Vì thế thánh Tôma cũng như đức Gioan Phaolô II đã vội cải chính, khi cho thấy rằng giá trị hiến dâng của sự từ bỏ: người tu sĩ không khước từ điều xấu xa tội lỗi (mà tất cả mọi người có bổn phận phải tránh), nhưng họ đã dâng hiến điều tốt lành để bày tỏ lòng quý mến cái tuyệt đối. Thực vậy, những thực tại trần thế đều tốt đẹp bởi vì do Thiên Chúa dựng nên, tuy nhiên chúng chỉ tương đối khi đối chiếu với các giá trị thần linh, đến nỗi thánh Phaolô không ngại ví như rác rưởi (xc. Pl 3,8).
Theo thánh Tôma (II-II, q.186, a.7), qua ba lời khuyên Phúc âm, tu sĩ dâng cho Chúa những giá trị cao quý nhất của con người: tài sản, thân xác và tự do. Qua lời khấn khó nghèo, con người dâng cho Thiên Chúa những tài sản ngoại vật; qua lời khấn khiết tịnh, con người dâng cho Chúa thân xác; qua lời khấn vâng lời, con người dâng ý chí và tất cả những tài năng tinh thần. Như vậy, qua ba lời khấn, con người dâng tất cả những gì mình có, biến thành hiến lễ toàn thiêu.
Diễn tả thành ngôn ngữ thời đại, Đức Phaolô VI trong tông thư Chứng tá Tin mừng số 7 phát biểu như sau: qua lời khuyên khiết tịnh, chúng ta dâng khả năng yêu thương và muốn được yêu; qua lời khuyên nghèo khó, chúng ta hiến dâng khả năng chiếm hữu và tài sản trên đời; qua lời khuyên vâng lời chúng ta dâng khả năng tự do, muốn làm chủ định đoạt cuộc đời. Nói khác đi, chúng ta hiến dâng ba chiều kích quan thiết nhất của bản ngã, đó là: yêu đương, chiếm hữu và tự do.
4. Qua những lối trình bày vừa kể, ba lời khuyên Phúc âm được nhìn trong chiều hướng “từ bỏ, khước từ”: hoặc từ bỏ một đam mê dục vọng, hoặc khước từ một giá trị tự nhiên để biểu lộ ý muốn hiến dâng. Dù nói thế nào đi nữa, sự “khước từ” vẫn hàm ngụ một sự mất mát nào đó, và như vậy mang tính cách tiêu cực. Có thể nghĩ đến cái gì tích cực hơn không? Chúng ta sẽ nói đến bộ mặt tích cực nhiều hơn khi chuyển sang khía cạnh “huyền nhiệm”; tuy vậy, ngay cả trong khía cạnh “tu đức”, tông huấn Vita consecrata cũng cố gắng vạch ra một khía cạnh tích cực khi cho thấy rằng, ba lời khuyên Phúc âm không giảm nhẹ các giá trị nhân bản, nhưng lại thăng tiến chúng. Nói khác đi, người tu sĩ sẽ trở thành “con người chân chính” hơn, chứ không phải là con người què quặt. Những điểm này được khai triển rộng ở các số 87-91.
-a) Đức khiết tịnh phát triển nhu cầu yêu đương nằm trong bản tính của mỗi người. Tiếc rằng bản năng ấy đã bị thương tích vì tội lỗi, cho nên dễ bị sử dụng lệch lạc, chẳng hạn khi đặt sự khoái lạc như một thần tượng. Đức khiết tịnh cho thấy thế nào là yêu thương chân thực, tình yêu tự do, không còn nô lệ cho đam mê, tình yêu trao hiến thay vì chiếm đoạt người khác; nói tắt là tình yêu thuần khiết múc lấy từ chính nguồn Thiên Chúa của tình yêu.
– b) Đức nghèo khó giải thoát con tim khỏi lòng tham lam, muốn vơ vét tất cả cho mình, bất chấp quyền lợi của tha nhân, cách riêng là của người nghèo túng. Đức thanh bần giúp cho con tim khỏi cảnh nô lệ của tiền tài, và giúp đánh giá đúng mức những tài nguyên thiên nhiên hay các tài vật khác.
– c) Đức vâng lời giúp cho con người hiểu biết thế nào là tự do đích thực: đó là tự do hành động theo chân lý, chứ không bị dục vọng thúc đẩy. Đức vâng lời tiên vàn đặt con người trong mối tương quan với Thiên Chúa, tìm cách nhận ra ý Chúa: đó là chính là tự do ở tột đỉnh, bởi vì con người biết cách cư xử cách khách quan nhất, dựa theo trật tự mà Đấng tạo hoá đã xếp đặt trong vũ trụ.
Nói khác đi, ba lời khuyên Phúc âm là trường đào tạo trở nên con người tự do đích thực, biết sử dụng khả năng lý trí và ý chí để điều khiển các hành động.
B. Huyền nhiệm
Nói đến khía cạnh huyền nhiệm của các lời khuyên Phúc âm không chỉ là vạch ra những giá trị tích cực của chúng, nhưng nhất là cho thấy rằng chúng hoạ lại chân dung sống động của Thiên Chúa.
Như đã nói trên đây, trong quá khứ, các nhà thần học gắng đi tìm những đoạn văn trong Tân ước để biện minh giá trị của việc tuân giữ khiết tịnh, thanh bần và vâng lời. Công đồng Vatican II thay đổi phương pháp: nguồn gốc của các lời khuyên Phúc âm không phải là một vài đoạn văn nào đó, nhưng chính là cuộc đời Chúa Giêsu. Ba lời khuyên Phúc âm muốn hoạ lại lối sống của Người. Đó cũng là hướng đi của các văn kiện Toà thánh từ sau công đồng, được tông huấn Vita consecrata đúc kết ở số 22.
Nhờ Thánh Linh thúc đẩy, đời thánh hiến “họa lại cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo hội” lối sống mà Đức Giêsu, Đấng đầu tiên được Chúa Cha thánh hiến và sai đi phục vụ Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu mời các môn đệ đi theo Người cũng như Người đã sống (xc Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Lc 5,10-11; Ga 15,16). Nhờ cuộc thánh hiến của Đức Giêsu soi dẫn, chúng ta có thể thấy nguồn gốc của đời thánh hiến nơi sáng kiến của Cha, nguồn mạch của mọi sự thánh hiến […] Một khi đón nhận ơn thánh hiến của Chúa Cha, Chúa Con lại hiến dâng bản thân cho Chúa Cha để phục vụ nhân loại (xc 17,19): đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Người diễn tả lòng gắn bó thảo hiếu và trọn vẹn của Người với chương trình của Chúa Cha (xc. Ga 10,30; 14,11). Chính vì cuộc hiến dâng hoàn hảo của Đức Kitô mà hết mọi biến cố trong cuộc đời tại thế của Người đều được thánh hiến.
Người là Đấng vâng phục tuyệt hảo, từ trời xuống không phải để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng sai phái Người (xc. Ga 6,38; Dt 10,5.7). Người ký thác bản thân và hành động vào tay Chúa Cha (xc. Lc 2,49). Bởi sự vâng phục thảo hiếu, Người chọn thân phận làm nô lệ: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8). Chính trong thái độ tuân phục đối với Chúa Cha, Đức Kitô đã chọn sống trinh khiết, tuy vẫn chuẩn nhận và bảo vệ phẩm giá và sự thánh thiện của đời sống hôn nhân, và như thế cho thấy cái giá phi thường và sự phong phú nhiệm mầu của sự trinh khiết. Vì hoàn toàn gắn bó với chương trình của Chúa Cha, Đức Kitô có thái độ siêu thoát đối với của cải trần thế: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Chiều sâu của sự nghèo khó của Người được tỏ bày trong việc Người dâng trọn vẹn cho Chúa Cha tất cả những gì thuộc về Người.
Đời sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người. Đời sống thánh hiến là truyền thống sống động về cuộc sống và sứ điệp của Đấng Cứu thế.
Như vậy người tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm muốn bắt chước nếp sống của Đức Giêsu: tại sao? để làm gì?
Câu trả lời đơn giản nhất có thể là “tại vì sức quyến rũ của nếp sống đó”. Ta có thể thấy một thí dụ từ những kẻ “mê” một nghệ sĩ nào đó: không những họ mang theo một tấm ảnh trong đầu hoặc trong người, nhưng họ còn muốn trở nên giống “thần tượng” của mình từ mái tóc, cách phục sức, nét đi đứng.
1. Tông huấn Vita consecrata cũng lý luận như vậy khi trình bày đời thánh hiến như là “say mê vẻ đẹp” (philokalia) của Đức Giêsu, một đề tài khá quen thuộc của thần học đan tu bên Đông phương (xc. số 19). Tuy nhiên để tránh khỏi rơi vào ảo tưởng và vỡ mộng, Đức Gioan Phaolô II đã lấy lại một đề tài đã được bàn đến trong tông huấn Hồng ân cứu chuộc (số 10), nghĩa là người tu sĩ không nên bị quyến rũ bởi những vẻ huy hoàng chóng qua, nhưng hãy tìm cách hòa đồng với con tim của Đức Giêsu, Đấng đã tự huỷ mình để cứu chuộc nhân loại. Nói cách khác, việc ôm ấp ba lời khuyên Phúc âm là một hình thức chính xác nhất để họa lại mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu: ba lời khuyên Phúc âm giúp cho tu sĩ được thông dự vào sự “tự huỷ” của Đức Kitô (xc Pl 2,6-7) cho đến chết trên Thập giá ngõ hầu chia sẻ vào cuộc canh tân đổi mới của mầu nhiệm Phục sinh, sự canh tân khởi đầu ngay từ con tim của mình (xc. TH số 24).
2. Dù sao, ba lời khuyên Phúc âm hoạ lại toàn thể cuộc đời tại thể của Chúa Giêsu từ khi Nhập Thể đến lúc Phục sinh, chứ không chỉ giới hạn vào mầu nhiệm Thập giá. Trong số những người đã đi theo sát Chúa Giêsu hơn cả, ta cần phải kể đến Đức Maria, người mẹ và cũng là môn sinh của Người, đặc biệt kể từ lúc đáp trả lời Thiên sứ truyền tin. Tông huấn Vita Consecrata dành trọn số 28 để nói đến Mẹ Maria: Người không chỉ là một mẫu gương để các tu sĩ noi theo, nhưng còn là người mẹ nâng đỡ họ trong việc đáp lại tiếng Chúa mỗi ngày.
3. Tông huấn Vita consecrata còn mở thêm một viễn tượng mới khi bàn đến chiều kích huyền nhiệm của ba lời khuyên Phúc âm, đó là nhìn trong mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Số 21 viết rằng “các lời khuyên ấy diễn tả tình yêu Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần”, và giải thích như sau:
Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (xc 1Cr 7,32-41), là phản ánh của tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi; tình yêu mà Ngôi Lời nhập tể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống; tình yêu “được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh” (Rm 5,5), tình yêu thúc bách chúng ta đáp trả với trọn tình thương dành cho Thiên Chúa và anh em.
Sự nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con người. Sống theo gương Đức Kitô, Đấng “vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở nên nghèo khó” (2Cr 8,9), sự nghèo khó trở thành một cách diễn tả Ba Ngôi Vị Thần Linh trao ban trọn vẹn cho nhau. Việc trao ban dạt dào ấy trào ra trong công cuộc sáng tạo và được biểu lộ viên mãn trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người.
Sự vâng phục, thực hiện theo gương Đức Kitô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (xc Ga 4,34), biểu lộ vẻ đẹp giải phóng của sự tùng phục như con cái chứ không như nô lệ, một sự tùng phục chất chứa tinh thần trách nhiệm và được sống động bởi một niềm tin tưởng hỗ tương, phản ánh ra lịch sử mối hoà hợp tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
C. Những chiều kích
Tóm lại, dựa theo tông huấn Vita consecrata, ta có thể vạch ra những chiều kích sau đây của ba lời khuyên Phúc âm:
1/ Huyền nhiệm: biểu lộ sức quyến rũ của Đấng Tuyệt đối, giống như người đã khám phá ra viên ngọc quý thì sẵn sàng bán hết tài sản hầu mong chiếm hữu nó (xc Mt 13,45-46).
2/ Tin mừng: làm sống lại cuộc đời của Chúa Kitô ở trần gian này; tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua để cứu chuộc nhân loại
3/ Thánh Linh: hồng ân tình yêu, một đặc sủng Thánh Linh
4/ Hội thánh: diễn tả mối tình phu thê với Đức Kitô (TH số 19; 34; 105)
5/ Truyền giáo: hiến thân phục vụ Nước Trời
6/ Cộng đoàn: xây dựng một gia đình mới, không còn dựa trên huyết nhục
7/ Nhân bản và cánh chung: loan báo một nhân loại mới sẽ được biến đổi vào thời cánh chung.
8/ Thêm vào đó, không thiếu tác giả đã trình bày ba lời khuyên Phúc âm như là cách thức diễn tả ba nhân đức “hướng Chúa”: khiết tịnh có nghĩa là dâng trọn tình yêu cho Chúa (Mến), khó nghèo có nghĩa là phó thác cho Chúa an bài (Cậy), vâng lời có nghĩa là lắng nghe và thi hành Lời Chúa (Tin).
III. Vài nhận xét
Tuy rằng các văn kiện Toà thánh thường định nghĩa sự thánh hiến của các tu sĩ qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, nhưng chúng ta sẽ lầm to nếu nghĩ rằng các lời khuyên Phúc âm không ràng buộc các Kitô hữu khác; hoặc ngược lại, các tu sĩ chỉ cần giữ ba lời khuyên Phúc âm là đủ nên trọn lành. Không phải như vậy: bởi vì một đàng, tất cả các Kitô hữu đều buộc giữ các lời khuyên Phúc âm; và đàng khác, các tu sĩ còn phải đi xa hơn ba lời khuyên Phúc âm.
A. Ba lời khuyên Phúc âm trong đời sống Kitô hữu
Như đã trình bày, ba lời khuyên Phúc âm không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà các tu sĩ cam kết tuyên giữ trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Thánh Tôma giải thích rằng ba lời khuyên Phúc âm là phương tiện để đạt đến đức ái trọn hảo. Công đồng Vaticanô II giải thích rằng ba lời khuyên Phúc âm hoạ lại nếp sống tại thế của Đức Giêsu. Nếu được hiểu theo nghĩa này, thì tất cả các Kitô hữu đều phải giữ ba lời khuyên Phúc âm, xét vì tất cả các tín hữu đều được mời gọi nên trọn lành, và tất cả các tín hữu đều được mời gọi sống theo Phúc âm. Sự khác biệt giữa các giáo dân và các tu sĩ nằm ở chỗ “cách thức” sống ba lời khuyên đó. Các nhà thần học nói rằng tất cả các tín hữu có bổn phận sống “tinh thần” của ba lời khuyên Phúc âm, còn các tu sĩ thì phải đem ra thực hành “sát nút”. Tông huấn Vita consecrata (số 30b) diễn tả sự khác biệt như thế này: “Phàm ai đã được tái sinh trong Đức Kitô thì đều được kêu gọi nhờ sức mạnh Thánh Linh ban, sống khiết tịnh tương ứng với bậc sống của mình, vâng phục Thiên Chúa và Giáo hội, dứt bỏ lòng quyến luyến của cải vật chất, bởi vì mọi người đều được mời gọi sống thánh hiến trong việc đạt tới mức hoàn hảo của đức ái”. Còn các tu sĩ được kêu gọi sống độc thân, từ bỏ sở hữu của cải, vâng phục một bề trên[3].
Cách riêng, ba lời khuyên Phúc âm không thể nào thiếu được trong đời sống tâm linh các linh mục, như các văn kiện Giáo hội không ngừng nhắc nhở, chẳng hạn: Sắc lệnh Presbyterorum ordinis của công đồng Vaticanô II (số 15-17); Tông huấn Pastores dabo vobis của đức Gioan Phaolô II (số 27-30). Điều này lại càng rõ rệt hơn nữa đối với các giám mục, như ta đọc thấy trong tông huấn Pastores gregis (số 18-21).
B. Ba lời khuyên Phúc âm trong đời sống thánh hiến
Đối với các tu sĩ, việc thực hành ba lời khuyên Phúc âm khá đa dạng, như chúng ta sẽ thấy khi phân tích lời khuyên nghèo khó và vâng lời. Dù sao, sự kiện là các dòng tu được thành lập trước thế kỷ XII không minh thị tuyên hứa “khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời” cho thấy rằng mục tiêu của đời tận hiến không nhất thiết tóm lại trong ba đối tượng ấy. Chúng ta cũng có thể nói ngược lại cũng được: nguyên việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm chưa đủ để tạo ta một tu sĩ tốt, một người thánh hiến trọn vẹn.
Thực vậy, theo quan điểm của thánh Tôma Aquinô, ba lời khuyên Phúc âm chỉ là phương tiện để đạt tới đức ái trọn hảo. Tuy nhiên, để đạt được đức ái trọn hảo ta còn phải thực hành nhiều nhân đức khác nữa, đứng đầu là đức ái! Một cách tương tự như vậy, theo quan điểm của công đồng Vaticanô II, ba lời khuyên Phúc âm diễn tả việc đi theo Chúa Kitô sát hơn. Tuy nhiên, Chúa Kitô muốn các môn đệ hãy bắt chước Người không chỉ ở ba đối tượng vừa kể, mà còn bắt chước về “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29), phục vụ (Mt 20,28; Ga 13,14), và cách riêng là tám mối phúc thật (Mt 5,3-12).
Mặt khác, trải qua lịch sử, nếu có dòng chỉ có một lời khấn (Dòng Đaminh chỉ khấn vâng lời), thì cũng có dòng lại tăng đến bốn, năm lời khấn. Thêm vào đó, bộ giáo luật (điều 1192) còn phân biệt giữa lời khấn trọng (votum solemne) và lời khấn đơn (votum simplex); hoặc giữa khấn công (votum publicum) và khấn tư (votum privatum); hoặc giữa lời khấn (votum) – lời thề (juramentum) – lời hứa (promissio), dùng làm tiêu chuẩn cho sự phân biệt giữa “Dòng” (Ordo), “Hội dòng” (Congregatio), “Tu hội đời” (Institutum saeculare), “Tu đoàn” (Societas vitae apostolicae). Những sự phân biệt này liên quan đến hậu quả pháp định, và mang dấu vết của nhiều giai đoạn lịch sử. Chúng ta cần biết nhận định thế nào là hình thức pháp lý và thế nào là thực tại thần học. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến sự trao hiến toàn thân, chứ không đặt điều kiện giới hạn !
C. Thứ tự xếp đặt
Sau khi đã giới thiệu tổng quát ý nghĩa của ba lời khuyên Phúc âm, bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từng lời khuyên. Trước đó, thiết tưởng nên giải thích thứ tự xếp đặt.
1/ Dựa theo truyền thống đan tu, bộ giáo luật 1917 và bộ giáo luật Đông phương liệt kê các lời khuyên Phúc âm theo thứ tự: vâng lời, khiết tịnh, thanh bần. Thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica II-II, q.186, a.9) giải thích lối xếp đặt đó dựa theo hệ thống các giá trị mà ta dâng cho Thiên Chúa: qua sự thanh bần, chúng ta dâng hiến của cải vật chất; qua sự khiết tịnh, chúng ta dâng hiến thân xác; qua sự vâng lời, chúng ta dâng hiến ý chí tự do, giá trị cao quý nhất của con người.
2/ Công đồng Vaticano II và các văn kiện hậu công đồng đi theo một thứ tự khác: khiết tịnh, thanh bần, vâng lời, chẳng hạn: DT 1. 12-14; CT 7.13-29; H” 9.11-13; Bộ giáo luật đ.573 ‘2. 598-601. Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy rằng khi bàn về các linh mục thì công đồng lại theo một thứ tự khác, tức là: vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis số 15-17; tông huấn Pastores dabo vobis số 28-30 cũng vậy).
Tại sao đối với các tu sĩ thì lời khuyên khiết tịnh được xếp vào hàng đầu? Công đồng không trả lời. Nhưng khi chú giải các văn kiện của Tòa thánh thì các tác giả cho rằng có tới ba lý do để đặt lời khuyên khiết tịnh ở hàng đầu: lý do lịch sử, kinh thánh và tu đức.
a/ Lý do lịch sử. Bởi vì ngay từ thời manh nha của đời thánh hiến, – tức là hình thức các trinh nữ (virgines), các nhà khổ hạnh (asceti, continentes) -, người ta đã giữ khiết tịnh độc thân, còn sự khó nghèo và vâng phục thì được phát triển dần dần. Mặt khác, trải qua lịch sử, việc thực hành lời khuyên khiết tịnh xem ra nhất thống, còn sự khó nghèo và vâng phục thì thay đổi tùy nơi tùy thời tùy Dòng.
b/ Lý do nền tảng Kinh thánh. Xem ra sự “độc thân vì Nước Trời” được Tân ước nói rõ hơn cả như là một đặc sủng dành cho một ít người (Mt 19,10-12; 1 Cor 7); còn sự khó nghèo và vâng phục là điều mà tất cả các Kitô hữu phải cố gắng thực hành.
c/ Lý do tu đức. Sự độc thân khiết tịnh biểu lộ tâm tình hiến dâng hùng hồn hơn cả, tức là việc dành con tim không chia sẻ cho riêng một mình đức Kitô, để phục vụ Nước Chúa và đồng loại.
Ngoài ra, xem ra việc đặt sự khiết tịnh ở hàng đầu cũng nằm trong tâm khảm của đại chúng. Người đời coi các tu sĩ khác với họ ở chỗ không lập gia đình; và có lẽ họ dễ tha thứ cho một tu sĩ có vẻ ngổ ngáo hay trưởng giả; nhưng họ sẽ không chấp nhận cho tu sĩ nào tư tình, lăng nhăng. Dù sao, như chúng ta sẽ còn có dịp trở lại nhiều lần, cả ba lời khuyên đều hỗ trợ cho nhau. Thực vậy, tâm tình và nếp sống khó nghèo sẽ giúp việc tuân giữ sự khiết tịnh cũng như sự vâng lời. Mặt khác, hiến lễ tình yêu mà Thiên Chúa mong đợi nơi con người là sự vâng lời (Dt 10,5-7), khiến thánh Phaolô đã định nghĩa đức tin như sự vâng lời (Rm 1,5; 16,26); hậu nhiên, có thể nói được là sự vâng lời quan trọng hơn hết. Đó cũng là lập luận của thánh Tôma “quinô, theo đó qua sự vâng lời con người dâng hiến giá trị cao quý nhất của mình tức là sự tự do, đồng thời kết hiệp sát với Thiên Chúa hơn cả khi hòa hợp ý muốn của mình với ý của Chúa (II-II, q.186, 8).
Trong ba mục tiếp theo, chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu nội dung của sự khiết tịnh, nghèo khó, vâng lời, xét về ý nghĩa trải qua lịch sử, nền tảng Kinh thánh, giá trị thần học. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào khía cạnh giáo luật, vì đã được giải thích trong quyển “Dân Thiên Chúa”: tập 3 và tập 4 (Các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, Rôma 1993-94).
—————————–
[1] Độc thân vì nước Trời (Mt 19,11; 1 Cr 7,7); thanh bần (Mt 5,3; 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22); vâng phục (Ga 4,34; 6,38; Pl 2,8-10; Dt 10,5-7).
[2] Collationes III, 6-9: xc Đời sống tâm linh tập V trang 103. Trong bài giảng nhân dịp thâu nhận một tập sinh, viện phụ Pinufius liệt kê ba đối tượng cần phải từ bỏ sự chiếm hữu, đó là: tài sản, con tim, bản thân.
[3] Về ba lời khuyên Phúc âm trong đời sống tín hữu giáo dân, xem tông huấn Christifideles laici, số 16-17; 55-56. Janusz A. Ihnatowicz, Consecrated Life among the Laity. “Theological Study of a vocation in the Church, PUST Romae 1984.