Những Văn Kiện Đời Tu (Tập 1) – Tu Sĩ Và Sự Thăng Tiến Con Người

0
3212

VĂN KIỆN
TU SĨ VÀ SỰ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI”

Văn kiện dựa trên quan điểm của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về sứ mạng của Giáo Hội đối với con người (MV) cũng như của Thượng hội đồng Giám mục 1971 về công bằng xã hội, và những thông điệp “Populorum progressio” (1967), “Redemptor Hominis” (1979). Các tu sĩ là những người tiên phong tham gia vào sứ mạng đó. Văn kiện muốn khuyến khích họ trong công cuộc dấn thân phục vụ, và đồng thời đề ra những tiêu chuẩn để phân định, ngõ hầu họ ý thức rõ rệt hơn về ý nghĩa của việc dấn thân : họ là những người truyền bá Tin Mừng của Đức Ki-tô chứ không phải là những nhà cách mạng chính trị.

Bố cục gồm có ba phần (35 số).

A. Phần thứ nhất (1-12) trình bày bốn vấn đề đã được nêu lên tại phiên họp khoáng đại:

  1. Việc lựa chọn đứng về phía người nghèo và công lý ;
  2. Những hoạt động và công cuộc xã hội của các tu sĩ ;
  3. Hội nhập vào thế giới lao động ;
  4. Dấn thân vào các cơ cấu chính trị ;

B. Phần thứ hai (13-31) đưa ra bốn tiêu chuẩn phân định : trung thành với :

  1. Con người và thời đại ;
  2. Đức Ki-tô và Phúc Âm ;
  3. Giáo Hội ;
  4. Đời tu và hội dòng.

(Bốn tiêu chuẩn này được lặp lại ở HL 18 ; TH 110).

C. Phần thứ ba (32-35) rút ra những hệ luận cho việc huấn luyện.

————————————–

 

NHẬP ĐỀ

TẦM QUAN TRỌNG VÀ SỰ CẤP BÁCH
CỦA VIỆC CÁC TU SĨ THAM GIA
CÁCH THÍCH HỢP
VÀO VIỆC THĂNG TIẾN TOÀN DIỆN CON NGƯỜI

(Vai trò ngôn sứ của các tu sĩ trong việc dấn thân hiện nay của Giáo Hội để phục vụ con người). Sự lựa chọn Tin Mừng của đời tu tìm được nơi các dấu chỉ thời đại” động lực canh tân. Những hiện tượng được coi như đặc điểm của thời đại tân tiến đã trở thành một thách đố nghiêm trọng đối với sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Chính chúng phác hoạ cho thấy những lãnh vực ưu tiên dành cho việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.

Cũng thế học thuyết của Giáo Hội ngày càng cho thấy rõ những ràng buộc sâu xa giữa những đòi hỏi Tin Mừng trong sứ mệnh của mình với nỗ lực truyền bá giữa mọi dân tộc việc thăng tiến con người và một xã hội xứng hợp với con người hơn.

Đối với Giáo Hội, loan truyền Phúc Âm” là đem Tin Mừng tới mọi tầng lớp nhân loại, và dùng tác động của Tin Mừng biến đổi nhân loại ngay từ bên trong ; những tiêu chuẩn tư duy, những giá trị căn bản, những nguồn cảm hứng, những khuôn mẫu đời sống, tất cả đều hướng về cái nhìn con người toàn vẹn (LB 18-19). Để có thể thực hiện sứ mạng này, phải duyệt xét các dấu chỉ thời đại, giải thích chúng dưới ánh sáng Tin Mừng, nhờ vậy có thể giải đáp những vấn nạn muôn thuở của con người (MV 4).

Trong bình diện ngôn sứ này, các tu sĩ được mời gọi cống hiến một chứng tá đặc biệt. Được những lời khuyên của Đấng Cứu Thế thúc giục và nâng đỡ, với tâm hồn hoán cải liên lỉ và có sự tự do thiêng liêng, các tu sĩ hiện diện giữa những người đương thời sẽ trở nên lời nhắc nhở mọi người rằng : việc xây dựng xã hội trần thế chỉ có thể đặt nền móng trên Thiên Chúa và phải quy hướng về Thiên Chúa (LG 46).

Và chính vì việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm liên kết các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội (GH 44, LH 8,10) mà họ được tin tưởng mời gọi phải sáng suốt canh tân để mở rộng trước các nhu cầu của con người, trước các vấn đề cũng như các tìm kiếm của nhân loại (CT 52-53).

Vượt lên trên những thảm kịch xã hội và chính trị, Giáo Hội phải ý thức mình được sai đi tiên vàn là để cống hiến một giải đáp quyết định cho những vấn nạn của cõi lòng con người (MV 10).

Do đó, những văn kiện Giáo Hội mới đây nhất, vì muốn một sự hội nhập thoả đáng giữa việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, đã khẳng định rằng mối tương quan giữa việc loan báo Tin Mừng và đời tu là kiến hiệu cho sứ mạng chung của Giáo Hội (LB 69), và công cuộc các tu sĩ qua các thời đại đã đóng góp rất nhiều cho việc thăng tiến các dân tộc về mặt nhân bản cũng như thiêng liêng (Populorum Progressio 12).

(Những do dự và khó khăn). Tuy nhiên, vẫn có nhu cầu phải xét lại kỹ lưỡng về tư duy cũng như thái độ (CT 17, MV 63, CT 52) mỗi khi muốn triển khai nỗ lực loan báo Tin Mừng ngay giữa các vấn đề thăng tiến con người thường khi rất cụ thể và cấp bách.

Tiến trình hoán cải” này, vì phải trực diện với những con người và những chọn lựa ưu tiên trong các sáng kiến tông đồ và trong các công việc, nên không thiếu những lúc do dự và khó khăn.

Ngoài ra, ngay trong suy tư đạo lý, mà tại nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra song song với những cố gắng đáng khen để tham gia vào các thực tế rất phức tạp của lịch sử, đã cho thấy có sự lẫn lộn giữa những cảm hứng tích cực và đáng khích lệ với những cái nhìn hẹp hòi và mơ hồ.

Suy tư của Thượng hội đồng giám mục về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (1974) và tiếp theo đó tông huấn “Loan báo Tin Mừng” đã đem lại một trợ lực quý giá giúp soi sáng và hướng dẫn.

Các nam nữ tu sĩ đã gặp phải những vấn đề chuyên biệt và khó khăn trong công tác, nhất là khi họ muốn biểu lộ mình cách rõ ràng hơn qua việc dấn mình vào những lãnh vực nhiều bất công và áp bức hơn cả. Rồi sự lượng định không tương xứng ngay bên trong cộng đoàn Giáo Hội và dòng tu làm cho việc tìm kiếm giải pháp càng gian nan.

Ngoài ra, bối cảnh xã hội và chính trị đổi thay đang tạo nên những tình huống mới, nhiều khi thật là bất ngờ. Những cách diễn tả đời tu thông thường qua lối hiện diện và lựa chọn việc tông đồ đang bị thách thức nghiêm trọng. Yêu cầu liên đới mật thiết hơn với con người đương thời, nhất là với những người nghèo khổ và bị bỏ rơi hơn cả, đang cuốn hút các nam nữ tu sĩ tới một sự tham gia ngày càng trực tiếp hơn, thậm chí nhiều khi cả trong thế giới thợ thuyền và các sinh hoạt chính trị nữa.

(Hướng dẫn thích hợp của Bộ Dòng tu và Tu hội đời). Chính vì tầm quan trọng và cấp bách của việc các tu sĩ tham gia thích đáng vào việc thăng tiến toàn diện con người mà Bộ Dòng tu và tu hội đời đã phải lưu tâm đặc biệt tới vai trò chuyên biệt của đời tu trong lãnh vực này thuộc sứ mạng của Giáo Hội.

Thiết tưởng nên khuyến khích nỗ lực canh tân quảng đại, và cống hiến với những tiêu chuẩn lượng định, đi từ những hoàn cảnh và kinh nghiệm cụ thể, phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, với bản chất và sứ mạng của đời tu, với những mục tiêu của việc loan báo Tin Mừng có liên quan mật thiết với sự thăng tiến con người trong thực tế lịch sử ngày nay.

Hội nghị khoáng đại các ngày 26-29 tháng 4 năm 1978 được dành riêng để nghiên cứu một loạt những vấn đề do cuộc tham khảo quốc tế rộng rãi đưa ra, trong đó có sự đóng góp của các Hội đồng Giám mục, các đại biểu Toà Thánh, số lớn các dòng tu nam nữ và Hội đồng bề trên thượng cấp.

Đặc biệt bốn vấn đề sau đây được đưa ra cho hội nghị suy tư :

  1. Sự lựa chọn đứng về phía người nghèo và công lý ngày nay.
  2. Những hoạt động và công cuộc xã hội của tu sĩ.
  3. Việc hội nhập vào thế giới lao động.
  4. Dấn thân trực tiếp vào các cơ chế chính trị.

Những đường hướng vạch ra ở đây có mục đích đóng góp cách đặc biệt cho trách nhiệm thông tin, huấn luyện và phối hợp thuộc quyền hạn của các cơ cấu hữu trách về đời tu trong Giáo Hội.

Trong khi vẫn lưu tâm tới những nguyên tắc và đường hướng nêu lên ở đây, chính những cơ cấu này có trách nhiệm lượng định những tiêu chuẩn và chọn lựa phù hợp với tính đa dạng và phức tạp của hoàn cảnh. Do đó tại một vài quốc gia, Hội đồng Giám mục và hội đồng tu sĩ có thể cân nhắc, bằng những cách thức thích hợp nhất, vai trò chuyện biệt của đời tu trong nỗ lực chung nhằm loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.

Giáo huấn mục vụ của Đức Gio-an Phao-lô II, bằng những lý chứng suy tư và khích lệ mới, sau khi đã soi sáng và xác định rõ sự hiện diện của Giáo Hội trong lịch sử của con người thời nay, đã nhấn mạnh về thái độ ngày nay phải hướng tới những vấn đề của con người, và tới sự gặp gỡ không thể thiếu với Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người.

Do đó, chúng tôi được khuyến khích vạch ra những đường hướng cho việc dấn thân loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người của các tu sĩ trong Giáo Hội, những người được mang một tước hiệu mới và đặc biệt nhờ vào sự tận hiến của họ cho Thiên Chúa và cho kế hoạch của Người trong lịch sử nhân loại.

I. BỐN VẤN ĐỀ CHÍNH

1. Trong bối cảnh lịch sử hiện nay, nơi mà Giáo Hội đang triển khai sứ mạng của mình, đâu đâu cũng thấy các tu sĩ đang nỗ lực canh tân đường lối dấn thân, vì thấy bị thúc bách phải tham gia ngày càng hiệu quả hơn :

– hoặc tại những nơi mà các tu sĩ được mời gọi theo đuổi, qua công việc của Dòng hay của Giáo Hội địa phương, một sứ mạng xã hội”, đồng thời cũng có tính cách tôn giáo” sâu xa.

– hoặc tại những nơi mà hoàn cảnh đòi có nhiều sáng kiến giúp gần gũi đời sống và những vấn đề của con người.

Tuy nhiên trong mỗi hoàn cảnh, cần phải có những suy nghĩ nghiêm túc để tìm ra những tiêu chuẩn và lựa chọn chung.

Vì thế, khởi từ bốn vấn đề chính được nêu ra qua cuộc tham khảo đã đề cập ở trên, chúng tôi muốn rút ra một số chỉ dẫn quan trọng để lượng định và hướng dẫn.

Sau đó sẽ dễ dàng xác định được những nguyên tắc tổng quát để phân định.

A. Lựa chọn phục vụ người nghèo và công lý ngày nay

2. (Nhiều tài liệu chính thức thúc đẩy). Sứ mạng ngôn sứ của Đức Ki-tô được sai tới để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18) đang có âm vang mãnh liệt trong Giáo Hội thời đại chúng ta.

Chúng ta nhận ra điều này qua nhiều lời tuyên bố của các Đức giáo hoàng, qua những đoạn văn trong sáng và chính xác của hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng thúc đẩy sự liên đới chặt chẽ hơn nữa giữa Giáo Hội và lịch sử các dân tộc. Thượng hội đồng giám mục năm 1971, qua tài liệu Công lý trên thế giới đã lưu ý phải cấp thời ý thức về chiều kích này trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Tông huấn Loan báo Phúc Âm đã hoàn chỉnh lời kêu gọi đó bằng cách kêu gọi mọi thành phần Dân Thiên Chúa đảm nhận trách nhiệm của mình là xây dựng đời sống và lịch sử của các dân tộc đang nỗ lực hết sức trong cố gắng và chiến đấu để vượt thắng tất cả những gì kết án họ phải kéo lê cuộc sống bền lề” (LB 30).

3. (Có nhiều hoạt động can đảm, nhưng cần bàn bạc). Các đề tài về cuộc giải phóng của Tin Mừng” đặt nền tảng trên Nước Thiên Chúa (LB 33-34) phải trở thành đặc biệt quen thuộc đối với các tu sĩ.

Thực tế, chứng tá của các nam nữ tu sĩ đã can đảm tham gia vào việc nâng đỡ những kẻ hèn kém và bảo vệ quyền con người đã là tiếng vang hữu hiệu của Tin Mừng và tiếng nói của Giáo Hội.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu lên là những giải thích và phản ứng xảy ra trong nội bộ, hoặc Giáo Hội địa phương, hoặc cộng đoàn tu sĩ, hay thậm chí xã hội dân sự đã cho thấy rằng không phải lúc nào cũng được ý thức và lo lắng như nhau.

4. (Năm nguyên tắc hướng dẫn). Do đó, thiết tưởng cần tìm ra một số nguyên tắc hướng dẫn để sự lựa chọn ưu tiên phục vụ người nghèo và dấn thân cho công lý đáp ứng mục tiêu và cách thức riêng của sứ mạng Giáo Hội và cũng là của đời tu trong Giáo Hội nữa.

a. Các tu sĩ thường có điều kiện sống gần gũi hơn với những thảm kịch đang đè nặng tầng lớp dân chúng mà họ đang dấn mình phục vụ Tin Mừng. Ngay chính đặc tính ngôn sứ của đời tu đòi hỏi họ phải là hiện thân của một Giáo Hội ao ước hiến thân sống triệt để các mối phúc” (LB 69 ; GH 31). Họ thường ở các tiền trạm truyền giáo và phải gánh chịu những nguy hiểm lớn nhất cho sức khoẻ và cả mạng sống của họ nữa” (LB 69).

b. Khát vọng chân thực phục vụ Phúc Âm và thăng tiến trọn vẹn con người này đòi hỏi phải đặt sự hiệp thông vào tâm điểm của mọi ưu tư, sự hiệp thông mà họ phải kiên trì xây dựng trong việc kiếm tìm chân lý trong đức ái.

c. Các Hội đồng tu sĩ, trong khi vẫn tôn trọng đoàn sủng riêng của mỗi hội dòng, có thể thi hành một chức năng quý giá trong lãnh vực này là đôn đốc và giữ quân bình, trong quan hệ với hội đồng giám mục (LH 59-60tt), đặc biệt với các uỷ ban Justitia et Pax” (Công lý hoà bình) và Cor Unum” (Đồng tâm).

Bằng cách này, sẽ giúp vượt thắng được những lập trường mơ hồ, hoặc một sự trung lập giả hiệu và lừa phỉnh, cũng như óc phe phái độc quyền và chuyên chế. Ngoài ra những điều kiện văn hoá và độ nhạy bén khác nhau, với những bối cảnh xã hội và chính trị sẽ tìm thấy ở đây những điều kiện thích hợp để lắng nghe lẫn nhau và để cùng nhất trí hầu bảo đảm được sự hữu hiệu vững chắc hơn.

d. Đối với sự hiện diện để bênh vực và cổ võ công lý, phải đặc biệt lưu tâm và tích cực trong những lãnh vực bị áp đảo bởi những bất công thầm lặng” mà Thượng hội đồng giám mục đã lưu ý tới (AAS 1971 trang 928-932).

Thật vậy, trong khi một số tầng lớp xã hội có thể tạo được cho mình những cơ cấu hữu hiệu để phản kháng và ủng hộ, thì đàng khác ta cũng thấy bao nhiêu những đau khổ và bất công không có được tiếng vang nhỏ nào trong tâm hồn của nhiều người thời nay : thảm cảnh của những người tị nạn, những người bị bắt bớ vì những tư tưởng chính trị hay vì tuyên xưng niềm tin (LB 39) ; những vi phạm quyền của những mạng sống đang thành hình, những giới hạn không chính đáng quyền tự do con người và tự do tôn giáo, những thiếu sót của xã hội làm gia tăng cực khổ cho những người già cả và những người sống bên lề…

Giáo Hội muốn trở nên tiếng nói, lương tâm và nỗ lực đặc biệt cho họ.

đ. Tuy nhiên, chứng tá của các tu sĩ vì công lý trên thế giới đòi hỏi họ trước tiên phải luôn luôn đối chiếu trong các chọn lựa của đời sống, trong việc sử dụng của cải và trong phong cách giao tế. Bởi vì bất cứ ai can đảm nói về công lý cho con người, thì chính họ trước tiên phải công chính trước mặt mọi người (Thượng hội đồng 1971, nơi đã dẫn, trang 933).

Chính nơi đây ta thấy hiện lên mối quan hệ tốt đẹp giữa Phúc Âm hoá và thăng tiến con người, xuất phát từ chứng tá âm thầm” mà LB 69 trình bày như tiếng gọi đầu tiên và kiến hiệu nhất vang lên cho thế giới và cho chính Giáo Hội nữa.

Trong viễn tượng này, vai trò Phúc Âm hoá của các nam nữ tu sĩ chuyên sống cầu nguyện, thinh lặng, sám hối và hy sinh” (LB 69) tìm được sức mạnh dấu chỉ đặc biệt và sự phong phú trong hoạt động tông đồ.

Thật vậy, chiều kích chiêm niệm thuộc bản chất của mọi hình thức đời tu, mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Nó chứng tỏ rằng đời tu, trong mọi hình thức, không những không làm cho các tu sĩ xa lạ với con người và trở thành vô dụng trong xã hội trần gian, nhưng ngược lại còn giúp họ tiếp đón tất cả một cách sâu đậm hơn trong chính tình bác ái của Đức Ki-tô (GH 46).

B. Những hoạt động và công cuộc xã hội của các tu sĩ

5. (Tầm quan trọng đối với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội). Những hoạt động và công cuộc đa diện, trong sự khác biệt của các đoàn sủng, thường là đặc điểm sứ mệnh của các tu sĩ, đã trở thành một trong những phương thế chủ yếu nhất để thực hiện sứ mạng Phúc Âm hoá và thăng tiến mà Giáo Hội phải thi hành trong thế giới (DT 1 ; GH 46).

Do đó sự canh tân của các tu sĩ có ảnh hưởng quan trọng đối với chính sự canh tân của Giáo Hội và thế giới (CT 52).

Vì vậy Loan báo Tin Mừng 31 khuyên nên lưu tâm tới những liên hệ sâu xa giữa việc Phúc Âm hoá và thăng tiến con người. Quên những mối liên hệ này có nghĩa là không biết gì về bài học của Tin Mừng về lòng thương yêu đối với đồng loại đang đau khổ hay thiếu thốn”.

6. (Năm đường hướng canh tân). Một khi đón nhận các dấu chỉ thời đại, các tu sĩ biết tìm kiếm và vun trồng một sự hiện diện luôn mới mẻ, thích hợp với óc sáng tạo của các đấng lập dòng và với những mục tiêu nguyên thuỷ của tu hội mình (LH 19 ; 23 ; 41).

Trong viễn tượng này, cần nhấn mạnh một vài đường hướng canh tân :

a. Các hoạt động và công cuộc xã hội” vẫn thường đi kèm với sứ mệnh của các tu sĩ chứng minh rằng họ không ngừng nỗ lực đóng góp cho việc thăng tiến toàn diện con người.

Các trường học, bệnh viện, trung tâm cứu trợ, các công cuộc nhằm phục vụ người nghèo, phát triển văn hoá và tinh thần của các dân tộc không những vẫn còn hợp thời, mà nếu được cập nhật hoá cách thoả đáng, lại thường tỏ ra là những nơi ưu việt để Phúc Âm hoá, để làm chứng và để thăng tiến con người cách đích thực.

Qua việc phục vụ mang dấu ấn Tin Mừng của biết bao công cuộc luôn cấp thiết để thăng tiến con người và xã hội, các tu sĩ biểu lộ sự tự hiến đời sống hoàn toàn sẵn sàng cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và các anh em qua một dấu chỉ” rất thuyết phục (LB 69).

b. Thánh Thần Chúa, Đấng luôn luôn khơi dậy những hình thức và định chế mới của đời thánh hiến để đáp lại những yêu cầu của thời đại cũng không ngừng thôi thúc các hội dòng hiện hữu canh tân khả năng hội nhập của mình cho phù hợp với chuyển biến của bối cảnh Giáo Hội và xã hội.

c. Trong một Giáo Hội rộng mở cho mọi tác vụ, nhằm liên tục tăng trưởng cộng đoàn trật tự (GH 9-12, 34-36 ; GM 33-35 ; LB 13 ; 58 ; TĐ 2,6-10), các tu sĩ có thể khám phá ra những hình thức tham gia tích cực, bằng cách lôi cuốn cả cộng đoàn tín hữu tham gia những sáng kiến và công cuộc của họ.

Nhờ đó họ sẽ có dịp xác định được đoàn sủng riêng của mình như một khả năng để thúc đẩy những tác vụ” thích hợp với những mục tiêu tông đồ và xã hội của Dòng.

d. Nhờ triển khai tinh thần đồng trách nhiệm trong một sứ mệnh chung trên bình diện Giáo Hội mà sự tham gia của giáo dân vào các hoạt động và công cuộc của các tu sĩ có được một chân trời mới. Hơn nữa nếu được chuẩn bị thích đáng, sự tham gia có thể thực hiện trong chính lãnh vực quản trị các công cuộc cho tới nay vẫn được dành riêng cho các tu sĩ.

đ. Đàng khác, những bối cảnh xã hội hiện nay đòi phải có những hình thức liên đới và tham gia mới. Tại một vài nơi, một tiến trình cải tạo dân trí đang hướng tới việc phát huy tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả mọi thành phần trong xã hội, qua những cơ cấu và tổ chức dành cho việc tham gia. Do đó tất cả mọi người công dân đều tham gia tích cực vào các vấn đề liên quan tới việc xây dựng cuộc sống xã hội.

Bên cạnh sự đóng góp trực tiếp của giáo dân, chứng tá và kinh nghiệm riêng của các tu sĩ có thể góp phần hữu hiệu trong lãnh vực này để hướng tới những giải pháp thích hợp với những tiêu chuẩn Phúc Âm và những hướng dẫn mục vụ của Giáo Hội hơn (GM 39).

C. Hội nhập vào thế giới lao động

7. (Sự liên đới của Giáo Hội và của các tu sĩ). Sự lưu tâm mục vụ của Giáo Hội đối với thế giới lao động đã được biểu lộ qua nhiều văn kiện, đã được thông điệp Mater et Magistra không những tóm kết, nhưng còn đưa tới một nhãn quan cởi mở hơn đối với những thực tại kinh tế và xã hội.

Đứng trước một lãnh vực rộng lớn như vậy của nhân loại đang tha thiết kêu gọi sứ mạng của tất cả cộng đoàn Ki-tô hữu, các tu sĩ cảm thấy yêu cầu sâu xa phải liên đới và chia sẻ.

Và ngay từ sự lựa chọn khó nghèo Phúc Âm, họ đã đặc biệt cảm thấy phải cố gắng đón nhận những giá trị đích thực của luật lao động, luật chung cho mọi người (DT 13 ; CT 20).

8. (Các tu sĩ hiện diện trong thế giới). Giáo huấn của các mục tử đã cặn kẽ vạch rõ cho các linh mục những động lực, những nhãn quan và điều kiện phải hướng dẫn họ trong việc lựa chọn dấn thân tích cực hơn để hiện diện trong thế giới lao động (LM 8 ; Octogesima adveniens 48).

Đương nhiên những chỉ dẫn đó cũng có giá trị cho cả các tu sĩ linh mục. Nhưng vì bản chất chuyên biệt của đời tu và vì sự liên hệ đặc biệt của họ với sứ mệnh của Giáo Hội (LH 10, GH 44), thiết tưởng cũng có thể áp dụng cách loại suy cho tất cả các tu sĩ nam nữ.

Ngoài ra vì những đặc tính riêng của ơn gọi và sứ mệnh của tu sĩ, thiết tưởng nên đề ra đây một số tiêu chuẩn có thể thúc đẩy và hướng dẫn khi cần sự hiện diện của họ trong thế giới lao động :

a. trung thành cách năng động với những đường hướng mà Thánh Thần đề ra khi khai sinh hội dòng trong Giáo Hội (x. CT 20).

b. tìm chứng tá có những giá trị Phúc Âm hầu khôi phục phẩm giá của lao động và khẳng định mục tiêu chân chính của nó (CT 20).

c. dấn thân củng cố những chiều kích tu trì” mà lời khấn của họ bộc lộ, và chứng tỏ sức mạnh lôi cuốn của Nước Thiên Chúa mà họ đã đón nhận trong tất cả sự triệt để của nó (GH 44 ; DT 1 ; CT 3).

d. sự chia sẻ huynh đệ, mà kinh nghiệm cộng đoàn hằng ngày trong đời tu nâng đỡ và phát huy, nhờ đó biểu lộ được sự mới mẻ của tình yêu Đức Ki-tô trong việc xây dựng tình liên đới giữa những con người (DT 15 ; CT 21,39).

9. (Các tiêu chuẩn cho hai hình thức tham gia). Và rồi những cách thức tham gia cũng đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn lựa chọn và xử sự riêng.

Hai hình thức hội nhập vào thế giới lao động sau đây, vì có những đặc điểm riêng, nên đáng được suy tư riêng :

a. Đảm nhận một nghề nghiệp dân sự được thi hành trong những điều kiện xã hội và kinh tế như mọi công dân khác (như trong nhà trường, bệnh viện…).

Có khi trong một số quốc gia, sự thay đổi hoàn cảnh chính trị đòi hỏi, cũng như trường hợp quốc hữu hoá và do đó nhà nước điều hành các công việc.

Đôi khi, do những cải tổ pháp chế hoặc do yêu cầu nội bộ của chính hội dòng cần tới việc chấp nhận lối hiện diện ngang hàng với những người thế tục, để có thể tiếp tục các hoạt động tông đồ của mình.

Việc tìm kiếm những cách hiện diện mới cũng có thể gợi lên những kinh nghiệm hội nhập vào các tầng lớp bình dân trong xã hội.

Trong tất cả các trường hợp nói trên, mối quan tâm tới những mục tiêu tổng quát của đời tu và mục đích riêng của hội dòng mình đòi phải đối chiếu những tình huống mới mẻ này với những yêu cầu của đời sống cộng đoàn, với cam kết vâng phục và khó nghèo tu sĩ.

Thực vậy, một nghề nghiệp dân sự chi phối người tu sĩ trên một bình diện cá nhân trực tiếp hơn, và làm cho họ càng lệ thuộc vào các tổ chức và cơ chế bên ngoài hội dòng mình, ngoài ra còn tạo nên một quan hệ mới giữa công việc và đồng lương. Đây là một vài trong số các khía cạnh mà những vị hữu trách các dòng phải quan tâm tới khi cân nhắc lựa chọn. Thật vậy, lựa chọn đòi khả năng phán đoán nhằm bảo tồn và đề cao mục đích đời tu, bởi chính vì mục đích này mà có những lựa chọn đó.

b. Việc hoà nhập vào “điều kiện đời sống công nhân” cùng với các giá trị nhằm thực hiện, cũng đưa tới những vấn đề riêng.

Thật vậy, người tu sĩ công nhân đi vào một thế giới” với những luật lệ, những căng thẳng riêng của nó, và đặc biệt ngày nay, với những sự chi phối bởi các ý thức hệ và các cuộc đấu tranh đôi khi rất nhiễu nhương và hàm hồ.

Do đó có thể xảy ra là trong khi chia sẻ điều kiện đời sống công nhân để làm chứng cho mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội tại đó (Octogesima adveniens 48), thì người tu sĩ lại thấy mình bị cuốn hút vào một nhãn quan về con người, về xã hội, về lịch sử, về chính cái thế giới lao động không phù hợp chút nào với những tiêu chuẩn phán đoán và những chỉ dẫn hành động trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Vì vậy một sứ mạng như trên đòi phải có sự lưu tâm và đảm bảo hết sức đặc biệt (Octogesima adveniens 4 và 50).

10. (Các tiêu chuẩn để tham gia hoạt động nghiệp đoàn). Hơn nữa việc tham gia vào các hoạt động nghiệp đoàn đòi phải có một sự hiểu biết sáng suốt, không những về các mục tiêu mục vụ mà còn cả về những giới hạn và nguy cơ bị công cụ hoá có thể xảy ra cho đời tu và các hoạt động của tu sĩ.

Do đó cần có một vài xác định để hướng dẫn các suy nghĩ liên quan tới vấn đề này :

a. Xét về nguyên tắc, xem ra không có đối kháng nội tại giữa đời tu và việc dấn thân xã hội, kể cả ở bình diện nghiệp đoàn. Đôi khi do những pháp chế khác nhau, việc tham gia vào các hoạt động nghiệp đoàn có thể tất yếu gắn liền với sự hiện diện trong thế giới thợ thuyền. Đàng khác sự tham gia có thể là do yêu cầu của tình liên đới hầu hỗ trợ hợp pháp cho các quyền lợi chính đáng (xem Puebla số 1162, 1163, 1244 ; diễn văn của Đức Gio-an Phao-lô II cho công nhân).

b. Tuy nhiên, một khi chính trị can thiệp vào thì vấn đề thường trở nên phức tạp hơn. Cần lượng định những tình huống đó dựa theo các tiêu chuẩn dành cho các sinh hoạt chính trị” (xem khoản sau). Khi đó cần đặc biệt lưu ý nếu phải đối phó với những ý thức hệ cổ võ cái gọi là đấu tranh giai cấp”. Trong trường hợp đó giáo huấn của Octogesima adveniens (26-36) càng trở nên cấp thiết hơn nữa.

c. Ngoài ra, rút tỉa từ những kinh nghiệm cho tới nay đã thâu thập được, ta có thể đề ra những nguyên tắc xử trí hầu đảm bảo mục tiêu và phong cách của những lựa chọn tương tự. Chính vì tu sĩ là người mang những giá trị nhân bản và Ki-tô hữu bên trong một thực thể có ảnh hưởng tới đời sống xã hội như thế giới thợ thuyền, mà đôi khi họ phải khước từ một vài phương pháp hành động của nghiệp đoàn hay của những lèo lái chính trị không xứng hợp với những đòi hỏi xác đáng của công bằng, bởi chính chỉ vì những đòi hỏi này mà họ đã dấn thân.

Và ngay trong nội bộ cộng đoàn của mình, các nam nữ tu sĩ này phải biết sống trưởng thành các giá trị hiệp thông bằng cách tránh tạo bè phái là điều không thể chấp nhận. Một thái độ như thế sẽ giúp cộng đoàn tiến tới những lựa chọn quân bình và khả tín hơn.

d. Một tiêu chuẩn quan trọng khác phải hướng dẫn sự hiện diện của các tu sĩ là niềm xác tín rằng chính những người giáo dân, do tự bản chất ơn gọi và sứ mạng họ, có trách nhiệm chuyên biệt là dấn thân vào việc thăng tiến những giá trị liên đới và công bằng ngay bên trong những cơ cấu trần thế (GH 31.33 ; TĐ 7.13 ; MV 67.68.72). Vai trò bổ khuyết của các tu sĩ, đặc biệt trong lãnh vực này, phải được diễn tả trước hết qua chứng tá và qua đóng góp vào việc chuẩn bị những người giáo dân ngày càng thích hợp hơn nữa.

D. Dấn thân vào các cơ cấu chính trị

11. (Phục vụ Tin Mừng chứ không phải phục vụ ý thức hệ và đảng phái chính trị). Nói chung các tu sĩ ý thức rằng sự tham gia của họ vào việc thăng tiến con người là một việc phục vụ Tin Mừng và con người, chứ không phải là một chọn lựa ưu tiên ý thức hệ hay đảng phái chính trị.

Hơn nữa, khi chẳng may rơi vào một tình huống như thế, họ nhận ra ngay nguy cơ đánh mất căn tính riêng của đời tu và sứ mệnh của Giáo Hội (MV 42.76), đồng thời một khuynh hướng nguy hiểm là tuyệt đối hoá các tư tưởng và phương thế, biến thành công cụ dễ dãi phục vụ cho các tham vọng.

12. (Các nguyên tắc hướng dẫn, phân biệt chính trị nói chung với “làm chính trị”). Do đó, thiết tưởng cần phải nêu lên những nguyên tắc hướng dẫn khác nhau phù hợp với giáo lý của Giáo Hội, để soi sáng cho một đề tài tự nó đang rất nóng bỏng mà đôi lúc lại là căn nguyên của những lệch lạc.

a. Chính trị” hiểu theo nghĩa rộng và chung hơn, có nghĩa là việc tổ chức năng động tất cả đời sống xã hội. Theo quan điểm trên, chính trị trở thành một bổn phận tham gia đầy nhân bản, trách nhiệm và tích cực của mọi công dân.

Và trong viễn tượng đó, vai trò của người tu sĩ qua các hoạt động và công việc, mang ý nghĩa sâu xa là khích lệ và dấn thân biến cải văn hoá và xã hội, góp phần vào việc thăng tiến con người.

b. Nhưng nếu chính trị” muốn hiểu như là trực tiếp tham gia vào những chọn lựa đảng phái (được gọi là làm chính trị”), lúc đó cần phải dựa vào những đặc tính thúc đẩy ơn gọi và sứ mệnh tu sĩ trong Giáo Hội và xã hội, để ấn định những tiêu chuẩn chính đáng cho việc dấn thân như thế.

1) Chính vì ý thức giá trị của sự đóng góp xuất phát từ sức mạnh của chứng tá Phúc Âm và từ những sáng kiến tông đồ khác nhau của mình, mà các tu sĩ không được để mình rơi vào ảo tưởng là có thể tạo được những ảnh hưởng lớn lao hơn nữa trong việc phát triển con người và các dân tộc khi bỏ những trách vụ riêng và thay thế bằng một dấn thân chính trị” hiểu theo nghĩa hẹp (x. diễn văn của Đức Gio-an Phao-lô II cho Hội đồng các bề trên thượng cấp ngày 24-11-1978).

2) Xây dựng Nước Thiên Chúa trong chính những cơ cấu trần gian, hiểu theo nghĩa làm cho lịch sử nhân loại thấm nhuần Tin Mừng, chắc hẳn đang là một đề tài hấp dẫn đối với toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu nói chung và các tu sĩ nói riêng. Tuy nhiên, không được hiểu theo nghĩa là để cho mình bị các cơ chế chính trị” trực tiếp chi phối. Qua những tổ chức học đường, những phương tiện truyền thông xã hội và biết bao sáng kiến tôn giáo và giáo dục khác, các tu sĩ có thể tích cực đóng góp vào việc huấn luyện, nhất là các thanh thiếu niên, giúp họ trở thành những người kiến tạo việc thăng tiến con người và xã hội, và rồi sẽ tạo được những tiếng vang cả trong lãnh vực chính trị nữa. Đây không phải là một sách lược bành trướng, nhưng là nhằm phục vụ con người và xã hội, mục tiêu mà toàn thể cộng đoàn Giáo Hội đã được Đức Ki-tô sai tới để thực hiện (Lc 22,25-27).

3) Cũng trong chiều hướng này, các nữ tu được khuyến khích bắt tay vào những sáng kiến góp phần thăng tiến phụ nữ, giúp cho phụ nữ hội nhập cách thoả đáng vào những lãnh vực phù hợp với bản tính và khả năng của họ hơn, không những trong đời sống xã hội mà cả trong đời sống Giáo Hội nữa (LH 49-50).

4) Trong cách thức đó, qua chứng tá và công việc, các nam nữ tu sĩ là những chuyên viên của Tin Mừng” người ta có thể tin tưởng được và cũng trong tư cách là tu sĩ, họ làm cho mình trở nên hữu dụng để hàn gắn và kiến tạo xã hội. Và cả khi phải xa khỏi những chọn lựa chính trị cá biệt, họ tỏ ra là những khí cụ xây dựng hoà bình và tình liên đới huynh đệ, chứ không phải như những người thuộc đảng phái này đảng phái kia. Thật vậy, qua sự tối thượng của tình yêu Thiên Chúa mà sự chọn lựa của họ đã biểu lộ cách mạnh mẽ (CT 1 ; DT 6), các tu sĩ tự khẳng định là những con người của Đấng tuyệt đối trong tính năng động của một Giáo Hội khao khát sự tuyệt đối của Thiên Chúa (LB 69, tài liệu Puebla số 527-529). Chính từ sự lựa chọn căn bản này, là sự lựa chọn tạo điều kiện và thúc đẩy tất cả mọi sự lựa chọn khác, mà tu sĩ được mời gọi trở nên dấu chỉ và sự thúc đẩy giữa Dân Thiên Chúa.

5) Do đó, việc tham gia tích cực vào chính trị vẫn là một luật trừ và là một sự kiện bổ khuyết, phải được lượng định theo những tiêu chuẩn riêng. Khi những tình huống bất thường đòi hỏi điều đó, cần phải xét duyệt từng trường hợp một, rồi cùng với sự chấp thuận của các vị hữu trách thuộc Giáo Hội địa phương và dòng tu, rút ra những kết luận phù hợp với lợi ích của cộng đoàn Giáo Hội và dân sự.

Thực vậy, cần phải luôn luôn quan tâm tới tính ưu tiên của sứ mạng chuyên biệt dành cho Giáo Hội và đời tu, cũng như tới những phương thức phù hợp với sứ mệnh đó (x. Thượng hội đồng giám mục 1971, AAS tr. 912-913).

II. NHỮNG TIÊU CHUẨN CHUNG ĐỂ PHÂN ĐỊNH

13. Dựa vào những nguyên tắc canh tân của Công Đồng (x. DT 2) và lưu tâm tới những vấn đề tế nhị được bàn tới, có bốn thái độ trung thành quan trọng đang thôi thúc và hướng dẫn vai trò của tu sĩ trong việc thăng tiến con người :

– trung thành với con người và với thời đại của mình.

– trung thành với Đức Ki-tô và với Tin Mừng.

– trung thành với Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới.

– trung thành với đời tu và với đoàn sủng riêng của dòng.

A. Hiện diện cho con người và cho thời đại của mình

14. (Một Giáo Hội hiện diện theo tinh thần Tin Mừng cho con người thời đại). Những chuyển biến về văn hoá, xã hội và chính trị đang chi phối nhiều dân tộc và lục địa, kéo theo không ít những lo âu khắc khoải. Những chuyển biến đó thúc đẩy Giáo Hội hiện diện theo tinh thần Tin Mừng để giải đáp những nguyện vọng và niềm hy vọng phổ quát của nhân loại (MV 9).

Mối thao thức mục vụ này đã thành bén nhạy nhờ những suy tư và đường hướng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, trở thành mãnh liệt hơn qua các Thượng hội đồng giám mục và các huấn dụ của Toà Thánh. Nó rõ ràng thúc bách và kêu mời toàn thể cộng đoàn Giáo Hội can đảm chọn con đường canh tân, để có thể đưa con người thời nay tới gần Phúc Âm, nguồn mạch của mọi sự thăng tiến đích thực con người và xã hội (đặc biệt Thượng hội đồng 1971 và 1974, và hai tông huấn Evangelii Nuntiandi Octogesima Adveniens).

15. (Các tu sĩ được mời gọi khẩn thiết hơn). Lịch sử thế giới ngày nay, được cụ thể hoá trong đời sống của mỗi người, trở thành một cuốn sách mở rộng cho Giáo Hội và mọi Ki-tô hữu say sưa suy gẫm (Redemptor Hominis 14). Thật vậy, lịch sử đó biến thành một thách đố đối với mọi ơn gọi, thôi thúc duyệt xét cặn kẽ về đời sống và việc dấn thân.

Chính vì tính triệt để của sự lựa chọn Tin Mừng, các tu sĩ càng ngày càng cảm thấy lời kêu gọi đó sâu xa hơn. Họ hiểu rằng, tuỳ thuộc vào mức độ hoán cải” để trở về kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa đối với con người, như đã được mặc khải nơi con người mới là Đức Giê-su (MV 22, ĐCC 8), họ sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy cả những người khác nữa tiến mau hơn tới cuộc hoán cải” tâm thức và thái độ, giúp cho những cải cách cơ cấu kinh tế, xã hội và chính trị được chân thực và vững chắc hầu phục vụ cho một cuộc chung sống công bằng hơn và bình an hơn (MV 63).

16. (Hiểu biết thích đáng về hiện trạng). Nhằm mục đích này, trong nỗ lực canh tân chứng tá và sứ mệnh của mình, tất cả mọi dòng tu đều được khuyến khích cống hiến cho các hội viên mình một sự hiểu biết thích đáng về hiện trạng của con người, của thời đại và về các nhu cầu của Giáo Hội, làm sao để một khi biết khôn ngoan phân định những hoàn cảnh của thế giới ngày nay theo những tiêu chuẩn của đức tin và biết nung nấu nhiệt tâm truyền giáo, họ có thể nâng đỡ người khác cách hữu hiệu hơn” (DT 2d, LH 26-32).

B. Với sức mạnh biến đổi của Đức Ki-tô và của Tin Mừng

17. (Đức Ki-tô mời gọi mọi người hoán cải để vào Nước Thiên Chúa). Các sách Tin Mừng làm chứng rằng Đức Ki-tô đã trung thành chu toàn sứ mạng vì đó mà Chúa Thánh Thần đã thánh hiến Người (Is 42,1-7 ; 61,1-4 ; Lc 4,17-19) để Người thực hiện. Sứ mạng loan báo Tin Mừng và cứu chuộc nhân loại đã dẫn đưa Người tới sống giữa dân của Người, và trong khi chia sẻ những thăng trầm của họ, Người đã soi sáng và hướng dẫn họ bằng việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng hoán cải để vào Nước Thiên Chúa” (Mc 1,15).

Khi đưa ra các mối phúc” khiến người ta ngỡ ngàng, Người đã khởi sự một cuộc canh tân triệt để trong việc đánh giá những thực tại trần thế và trong những quan hệ giữa người với người. Người muốn tập trung tất cả vào một sự công bằng – thánh thiện được giới luật mới là tình yêu thúc đẩy (Mt 5,3-12 ; 5,20.43-48).

Những lựa chọn đời sống của Người đã khắc ghi đặc biệt trên các tu sĩ là những người đã chọn cho mình lối sống mà Con Thiên Chúa đã ôm ấp khi Người đến trần gian” (GH 44 ; DT 1).

18. (Sự dấn thân rất phong phú của các tu sĩ : làm dấu chỉ của Nước Trời). Một khi trung thành với quy luật tối thượng” này (DT 2a), các tu sĩ sẽ biết dấn bước trên con đường hoán cải hằng ngày tiến về Nước Thiên Chúa, điều này làm cho họ trở nên dấu chỉ, trong Giáo Hội và trước mặt trần thế, có khả năng lôi cuốn, thúc đẩy những cuộc xét duyệt đời sống và các giá trị cách nghiêm túc (GH 44 ; LB 69).

Chắc chắn đây chính là sự dấn thân” đang được chờ đợi nhiều nhất và có hiệu quả hơn hết mà các tu sĩ được mời gọi thực hiện (LH 16.26-28), kể cả trong những lãnh vực mà cộng đoàn Ki-tô hữu đang hoạt động nhằm thăng tiến con người và phát triển những mối tương quan xã hội dựa trên những nguyên tắc liên đới và hiệp thông huynh đệ. Do đó, họ cộng tác vào việc bảo tồn tính cách độc đáo của cuộc giải phóng theo tinh thần Ki-tô giáo và những năng lực mà cuộc giải phóng này có thể triển khai. Giải phóng với ý nghĩa toàn diện và sâu sắc như Đức Giê-su đã loan báo và thực hiện” (Gio-an Phao-lô II, Puebla, diễn văn khai mạc 3, 6 ; LB 9,30-39).

19. (Các tu sĩ là dấu chỉ của sức mạnh biến đổi của các mối phúc). Sức mạnh biến đổi tiềm tàng trong các mối phúc, một khi thấm vào đời sống của các tu sĩ cách sinh động, sẽ trở thành nét chuyên biệt nơi ơn gọi và sứ mạng của họ (GH 31). Họ đón nhận cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô, Đấng nghèo hèn giữa những kẻ nghèo hèn, như mối phúc đầu tiên và như cuộc giải phóng” tiên quyết, vì chứng minh được rằng mình thật sự tin vào tính ưu việt của Nước Thiên Chúa trong tất cả những đòi hỏi tối thượng của nó vượt lên trên mọi sự trần gian (GH 44).

Như vậy trong khi quảng bá cách nhận thức Ki-tô giáo, đồng thời cũng rất là nhân bản, về thực tại và về lịch sử, một nhận thức bắt nguồn từ chương trình của các mối phúc đã trở thành tiêu chuẩn cho đời sống, các tu sĩ cho thấy trong cuộc sống xã hội, Tin Mừng và việc thăng tiến con người có quan hệ mật thiết là dường nào. Nhờ đó Giáo Hội có thể giới thiệu chứng tá Tin Mừng của các tu sĩ như một cách thức xán lạn và độc đáo để minh chứng rằng con đường các mối phúc là con đường duy nhất có khả năng biến đổi bộ mặt thế giới và hiến dâng nó cho Thiên Chúa” (GH 31).

C. Trong sự hiệp thông hữu cơ của Giáo Hội

20. (Mọi người đều có chung một ơn gọi nền tảng). Ơn gọi chung của các Ki-tô hữu là đến kết hiệp với Thiên Chúa và liên kết với con người, để cứu độ trần gian (LH 4), phải được để ý tới trước cả những khác biệt về ân huệ và tác vụ.

Chính dựa trên ơn gọi chung này mà những tương quan hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội có được nền tảng, cách riêng hiệp thông với những người mà Chúa Thánh Thần đã đặt làm giám mục chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa (Cv 20,28 ; LH 5-9).

21. (Các tu sĩ trong Giáo Hội địa phương). Vì được liên kết mật thiết hơn với Giáo Hội (GH 44), các tu sĩ tham dự với tư cách riêng vào bản chất bí tích của Dân Thiên Chúa (LH 10), và tại Giáo Hội địa phương, họ thuộc gia đình giáo phận với một lý do đặc biệt (GM 34). Sắc lệnh công đồng về nhiệm vụ mục tử của các giám mục đã lưu tâm nhiều tới vai trò của các tu sĩ bằng cách đặt họ vào số những cộng sự viên của giám mục trong hai chiều kích sau :

– nhạy bén với những yêu sách mục vụ.

– thích hợp với các mục đích chuyên biệt của từng hội dòng (GM 33-35).

22. (Các ơn gọi và các tác vụ bổ túc cho nhau). Căn tính đời tu và vai trò chuyên biệt của nó mang một ánh sáng mới nhờ tính đa diện và bổ túc lẫn nhau của các ơn gọi và tác vụ trong Giáo Hội. Do đó cần phải nhận thức và đánh giá cho đúng phận vụ dành cho mỗi thành phần : tác vụ thuộc giáo phẩm, đời sống thánh hiến dưới các hình thức khác nhau, giáo dân.

Như thế, việc thi hành chức năng của chính mình hệ tại việc kiên trì tìm kiếm một sự đồng quy huynh đệ và bổ túc lẫn nhau. Đó vừa là việc khẳng định căn tính của mình, vừa đồng thời là khẳng định sự hiệp thông trong Giáo Hội.

23. (Giáo dân, người sống thánh hiến giữa đời, tu sĩ, linh mục). Đó là một tiêu chuẩn tổng quát để phân định, nó càng trở nên hiển nhiên hơn khi ta lưu ý tới những khả năng của các nhóm khác nhau trong Giáo Hội và tìm ra những khía cạnh bổ túc nhau nơi các nhóm đó.

Đặc điểm của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc xử lý và xếp đặt các sự vật trần gian theo ý Thiên Chúa (GH 31).

Bản chất thế tục” của một vài tu hội trong số những hình thức khác nhau của đời thánh hiến, cho phép có một sự hiện diện trực tiếp và dấn thân trọn vẹn hơn vào những thực tại và cơ cấu thế tục. Trong những tu hội đó, được gọi là đời”, các phần tử thi hành với tính cách cá nhân công việc tông đồ riêng của họ trong bất kỳ lãnh vực thích hợp nào, bằng cách lợi dụng chính những cơ cấu trần thế (Tự sắc Primo feliciter AAS 1948 tr. 285 ; DT 11).

Ngược lại, các tu sĩ, nếu những lựa chọn đời sống đã biệt loại họ và đặt họ ra ngoài những cơ cấu trần thế, vẫn không vì thế mà họ trở thành xa lạ đối với hoạt động của các thành phần khác của Giáo Hội trong việc xây dựng xã hội trần thế, là nơi có khả năng đón nhận Nước Thiên Chúa (LG 46). Tuy nhiên, họ phải có mặt ở đó theo cách thế riêng của mình, nghĩa là không thay thế cho những phận vụ và cách thức thuộc về các thành phần khác trong Giáo Hội ; họ trở thành dấu chỉ triệt để hơn cho một lối sống, một lối sống Tin Mừng, và tham gia qua chứng tá công khai của việc họ tuyên khấn, đã được thể hiện cách cộng đoàn trong tất cả mọi diễn tả của nó.

Rồi nếu với tư cách linh mục, các tu sĩ tham dự vào chức tư tế thừa tác, thì do tước hiệu mới này, họ được mời gọi chủ sự và phục vụ cộng đoàn Giáo Hội qua việc càng lưu tâm hơn nữa tới chứng tá hiệp thông (GH 28 ; MV 43 ; LH 36).

24. (Các tu sĩ là dấu chỉ và là chuyên viên hiệp thông). Với tư cách là những chuyên viên hiệp thông” các tu sĩ được mời gọi trở thành những chứng nhân và người kiến tạo kế hoạch hiệp nhất” trong Giáo Hội, trong cộng đoàn tín hữu và trên thế giới : kế hoạch đỉnh cao của lịch sử loài người theo ý định của Thiên Chúa (MV 19.32).

Trước hết nhờ việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm làm cho nhiệt tình đức ái được giải thoát khỏi mọi ngăn trở, các tu sĩ như một tập thể, trở nên dấu hiệu ngôn sứ của sự hiệp thông thân mật với Thiên Chúa, Đấng đáng mến vô cùng (GH 44).

Ngoài ra do kinh nghiệm hằng ngày về sự hiệp thông đời sống, kinh nguyện, tông đồ, được coi như yếu tố căn bản và đặc biệt của hình thức đời sống thánh hiến (DT 15, x. Puebla số 730-732), các tu sĩ tạo thành một dấu chỉ hiệp thông huynh đệ”. Thật thế, trước một thế giới chia rẽ trầm trọng, và trước mặt cả những người anh em trong niềm tin, họ chứng minh khả năng của sự hiệp thông của cải, tình yêu huynh đệ, kế hoạch đời sống và hoạt động, có thể có được là nhờ đã biết đón nhận lời mời gọi tự do theo Chúa Ki-tô sát hơn, Đấng đã được Chúa Cha sai đến để trở thành trưởng tử của một đoàn em đông đúc, hầu thiết lập một sự hiệp thông huynh đệ mới nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần (MV 32).

25. (Cùng hiện diện và tham gia). Chính từ kế hoạch đời sống cộng đoàn này đã phát sinh cho họ một lối hiện diện và tham gia riêng, làm cho họ có nét đặc sắc riêng trong sứ mạng của Giáo Hội, và giờ đây chúng tôi muốn đề cao nhằm vào lựa chọn liên quan tới việc thăng tiến con người.

Như đã có thể nêu lên qua sự khác biệt các ân điển và tác vụ được nêu ở trên, khác với các giáo dân và các phần tử thuộc các tu hội đời (họ có thể, trong tư cách hoàn toàn cá nhân, nhận lãnh các trách nhiệm tông đồ, xã hội và chính trị thích hợp với các mục tiêu được Chúa Thánh Thần uỷ thác), các tu sĩ đã hoàn toàn tự do và ý thức chọn lựa chia sẻ” toàn bộ sứ mạng chứng tá, hiện diện và hoạt động tông đồ của mình trong sự vâng phục kế hoạch tập thể và các bề trên hội dòng.

Sự chia sẻ này diễn tả tình huynh đệ và sự nâng đỡ, đặc biệt khi sứ vụ tông đồ đặt các nam nữ tu sĩ vào những trách nhiệm đòi hỏi nặng nề hơn trong bối cảnh xã hội phức tạp.

26. (Tiêu chuẩn hiệp thông là điều cấp bách). Tiêu chuẩn hiệp thông cơ bản này không những cấp bách mà còn càng trở nên sắc bén hơn nữa do sự phức tạp của hoàn cảnh, nhất là trong lãnh vực xã hội – chính trị mà những người Ki-tô hữu giữa đời thường gặp phải (Octogesima Adveniens 3).

Do đó, cần phải lưu tâm tới những chỉ dẫn của Octogesima Adveniens 4 khi phải bàn đến những lựa chọn thuộc lãnh vực Phúc Âm hoá và thăng tiến con người, những lựa chọn nhất định sẽ có những hệ luỵ, không những đối với cộng đoàn tu sĩ của mình mà còn cả đối với cộng đoàn Giáo Hội nữa.

27. (Sự hiệp thông tin tưởng với các Giám mục). Vì thế bản chất Giáo Hội sâu xa của đời tu phải biến thành một ưu điểm của sứ mạng bên trong Giáo Hội và bên trong cả xã hội dân sự, nhờ để cho đặc tính hiệp thông” thấm sâu vào mọi cơ cấu chung sống và hoạt động.

Trong tinh thần này, việc nhìn nhận tác vụ của các giám mục là trung tâm hiệp nhất trong sự hiệp thông hữu cơ của Giáo Hội và cổ võ một sự nhìn nhận bình đẳng nơi các phần tử khác trong Dân Thiên Chúa, đáp ứng một yêu cầu chuyên biệt dành cho vai trò của bậc tu sĩ trong cộng đoàn Ki-tô hữu. Các tu sĩ không được để cho tính phẩm trật” thuộc sự hiệp thông đó của Giáo Hội (LH 5) ngăn chặn lòng quảng đại và trí sáng tạo trong các sáng kiến của mình (LH 19.41), bởi vì mỗi quyền bính thiêng liêng được ban đều nhằm phát huy hài hoà những đoàn sủng và tác vụ (GH 10-12.27 ; DT 9). Hơn nữa, các tu sĩ còn được duy trì nét độc đáo trong kế hoạch và trong hoạt động” (LB 69), bởi vì điều này rất xứng hợp với bản chất đặc sủng và ngôn sứ của đời tu.

Vì sứ mạng của các tu sĩ được mở rộng cho Giáo Hội phổ quát và được thể hiện trong bối cảnh của Giáo Hội địa phương (GH 45-46, GM 33-35), nên các tu sĩ có điều kiện thuận lợi hơn để lượng định những hình thức phối hợp thích hợp” mà Mutuae Relationes trình bày như những bước tiến của sự hiệp thông hữu cơ của Giáo Hội (LH 52 tt).

D. Trong sự trung thành sinh động với sự tận hiến theo đoàn sủng của đấng sáng lập

28. Sự hiện diện đổi mới của các tu sĩ trong sứ mệnh của Giáo Hội nhằm Phúc Âm hoá và thăng tiến con người sẽ không hoàn toàn chân thực nếu phải từ bỏ những đặc tính chuyên biệt của đời tu và sắc thái riêng của mỗi tu hội, dầu chỉ là một phần nhỏ (GH ch.6 ; DT 2 ; LH 11-12). Đòi hỏi này, mà chúng ta thường thấy xuất hiện, chắc chắn phải trở thành một nỗ lực liên lỉ của các cộng đoàn tu sĩ.

29. (Cùng nhau phân định dấu chỉ của tiếng Thiên Chúa gọi). Đây chính là một lòng trung thành sinh động luôn rộng mở đón nhận tác động của Thánh Thần đang len lỏi qua những biến cố trong Giáo Hội và các dấu chỉ của thời đại, điều mà Huấn quyền Giáo Hội không ngừng khuyến khích.

Một khi thức tỉnh hơn nhờ nhận thức rõ ràng thêm về những nhu cầu của con người thời nay, về những vấn đề, những tìm tòi và những khát vọng của họ (MV 1-10, CT 25), các cộng đoàn tu sĩ có thể phân định tốt hơn đâu là những dấu chỉ đích thực của sự hiện diện và kế hoạch của Thiên Chúa nơi những biến cố và những niềm mong đợi mà họ cũng đang trải qua cùng với những thành phần khác của Giáo Hội. Việc đối thoại cộng đoàn (DT 14 ; CT 25) được hướng dẫn nhờ đức tin, nhờ sự chấp nhận lẫn nhau và đánh giá nhau như những con người, nhờ đức vâng phục, sẽ trở nên nguồn mạch ưu tiên để có được sự phân định đó.

Chính vì tự bản chất được xây dựng trên nền tảng đức tin mà các cộng đoàn tu sĩ bảo tồn và chiếu toả ánh sáng có thể thôi thúc toàn Dân Thiên Chúa nhận lấy làm của mình ý định của Người về ơn gọi toàn diện của con người, nhờ đó tìm ra được những giải pháp hoàn toàn nhân bản cho mỗi một vấn đề (MV 11).

30. (Tìm lại lòng can trường của các vị sáng lập). Câu hỏi nóng bỏng” mà CT 52 đặt ra tại cao điểm của Tông huấn về canh tân đời sống tu trì phải được hiểu như tiếng kêu phát ra từ đáy lòng Đức Phao-lô VI, qua đó người diễn tả mối ưu tư mục vụ nung nấu, tình yêu lớn lao của người đối với con người và thế giới ngày nay, và lòng tin tưởng người đặt nơi các nam nữ tu sĩ.

Những chọn lựa canh tân cụ thể đều được soi sáng. Sự cấp bách của chúng đòi hỏi một lòng trung thành có khả năng mang lại cho hiện tại của cuộc sống và sứ mạng của mỗi tu hội lòng nhiệt thành mà các vị sáng lập dòng đã có, khi các ngài để cho các dự phóng nguyên thuỷ của Thánh Thần chiếm hữu (LH 23f).

31. (Đáp ứng lòng mong đợi của Giáo Hội). Đó chính là một sự đối chiếu liên tục với cuộc sống” trong tất cả sự năng động sâu xa của nó như những lời sau đây của Đức Gio-an Phao-lô II đã soi sáng và khẳng định : … cuộc sống trong tình trạng như chúng ta thấy hiện nay, nó chứa chất nơi mình cả một nguồn phong phú của các truyền thống quá khứ, hầu cống hiến cho ta khả năng sử dụng hiện tại cách hữu hiệu”. Và người khuyên thêm : Với tất cả lòng thành thực, chúng ta phải tự hỏi rằng làm thế nào để giúp cho ơn gọi tu sĩ ngày nay ý thức về chính mình và được trưởng thành, làm sao để đời sống tu trì chu toàn được chức năng của mình trong toàn bộ đời sống Giáo Hội hiện tại, Trước những vấn nạn này, chúng ta đang tìm kiếm một giải đáp, và thực ra chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm. Ta có thể tìm thấy nơi giáo lý của Va-ti-ca-nô II, trong tông huấn Loan báo Tin Mừng, nơi nhiều tuyên bố của các Đức giáo hoàng, các Thượng hội đồng giám mục. Lời giải đáp này thực căn bản và đa diện (diễn từ cho các bề trên tổng quyền ngày 24-11-1978).

Đức thánh cha tái xác định niềm tin tưởng của người vào một đời tu trung thành với những nguyên tắc này, những nguyên tắc mà nếu thiếu thì Giáo Hội sẽ không trọn vẹn là chính mình”. Trong khi luôn trung thành canh tân theo đoàn sủng của các đấng sáng lập, các dòng tu phải cố gắng đáp ứng niềm mong đợi của Giáo Hội, những nỗ lực mà ngày nay Giáo Hội cùng với các vị chủ chăn coi như cấp bách hơn hết để đương đầu với một sứ mệnh đang cần có những người thợ chuyên môn như thế” (diễn từ cho Hiệp hội quốc tế các Bề trên tổng quyền ngày 16-11-1978).

III. NHỮNG YÊU CẦU HUẤN LUYỆN

32. (Duyệt xét kỹ lưỡng các chương trình và các phương pháp). Những vấn đề mà đời tu phải đương đầu để tự canh tân, trong cách thức đòi hỏi để có sự hài hoà giữa việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, đều phản chiếu vào bình diện huấn luyện.

Tất cả những điều trên có thể đòi phải duyệt lại những chương trình cũng như những phương thức huấn luyện, trong giai đoạn khởi đầu cũng như các giai đoạn tiếp theo sau và cả trong việc huấn luyện liên tục nữa. Trong ánh sáng này, những tiêu chuẩn canh tân của Công Đồng không chỉ đơn giản là những thích nghi một vài hình thức bên ngoài, nhưng là một thứ giáo dục sâu xa về suy nghĩ và lối sống, giúp cho có khả năng vẫn luôn là chính mình cho dầu giữa những cách thức hiện diện mới. Hiện diện luôn mãi như những người thánh hiến”, dùng chứng tá và các việc làm để biến đổi con người và xã hội đi vào chiều hướng Phúc Âm (DT 18).

33. (Bốn điểm cần được canh tân đặc biệt). Một vài nét huấn luyện liên quan tới lãnh vực này thiết tưởng đáng được quan tâm hơn :

a. Củng cố ý thức về bản chất sâu xa và những đặc tính của đời tu, trong chính nó cũng như trong sự tham gia sống động của nó vào sứ mạng của cộng đoàn Giáo Hội và xã hội ngày nay.

Trung thành khám phá và hội nhập sáng tạo vào căn tính riêng của hội dòng, qua nỗ lực canh tân trong mọi lãnh vực hoạt động và việc làm, trở thành một trong những khía cạnh chủ chốt của tiến trình huấn luyện khởi đầu cũng như huấn luyện liên tục.

b. Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, khi đối chiếu với đời tu – Giáo Hội – thế giới ngày nay, đòi phải có những thái độ mới, lưu ý hơn nữa tới giá trị của dấu chỉ ngôn sứ, được nhìn nhận như năng lực cải tạo và biến đổi thế giới, những quan niệm và các tương quan của nó (CT 13-29).

c. Đời sống chung, đặc biệt nếu được nhìn như kinh nghiệm và chứng tá về hiệp thông, sẽ phát huy khả năng thích nghi (DT 3,15) hầu đáp ứng được những hình thức hoạt động khác nhau. Trong thái độ này, thay vì làm suy yếu nó có thể củng cố những sợi dây liên hệ và sự đoàn kết chia sẻ việc phục vụ Tin Mừng của hội dòng trong Giáo Hội.

Những bối cảnh hội nhập mới như đã được mô tả khi duyệt xét các vấn đề mà chúng ta đã ghi nhận ở trên, có thể tạo nên những tình huống đôi khi thật bất ngờ. Do đó cần phải được dẫn vào đời tu qua một quá trình chuẩn bị thiêng liêng cũng như nhân bản giúp thể hiện được một sự hiện diện trưởng thành của những người thánh hiến, hầu tạo được những quan hệ đổi mới ngay bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn của mình.

d. Việc tham gia vào đời sống và vào sứ mạng của Giáo Hội với tinh thần đồng trách nhiệm và bổ túc lẫn nhau đòi hỏi một hiểu biết cập nhật về những hoạt động và mục tiêu mà Giáo Hội mong đạt tới (DT 2c). Căn cứ vào giáo lý của Va-ti-ca-nô II và những học thuyết mà các Thượng hội đồng giám mục vẫn luôn đề cập tới, thì rõ ràng không thể tách việc huấn luyện nhằm dấn thân dứt khoát theo Phúc Âm ra khỏi việc thăng tiến con người theo kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó chương trình huấn luyện và canh tân trong các hội dòng sẽ không thể thích hợp và đầy đủ nếu thiếu một nhận thức chính xác về tư tưởng của Giáo Hội liên quan đến lãnh vực này.

Điều này thiết tưởng lại càng cấp bách hơn nữa nếu muốn rằng các tu sĩ có khả năng, như bổn phận tông đồ của họ đòi hỏi, biết đánh thức các lương tri” (CT 18), đào tạo các Ki-tô hữu khác, đặc biệt các giáo dân, để họ có thể đảm nhận phần vụ của họ trong sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người cách rõ ràng và quân bình (Văn kiện Công bình trên thế giới, Thượng hội đồng Giám mục 1971).

Và bởi vì những lãnh vực truyền giáo của Giáo Hội được giao phó cách riêng cho sự sẵn sàng quảng đại của các tu sĩ (CT 60), việc huấn luyện những ai được sai đi trong thể loại tuyệt hảo của việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người này, cần phải thích nghi thoả đáng để đáp ứng với những nền văn hoá, những nhạy bén và những vấn đề chuyên biệt của từng địa phương (TG 18.25-27).

34. (Vai trò của các Tổng công nghị hay các trung ương hội dòng). Vai trò của các Tổng công nghị hay các Trung ương hội dòng mang lại một tầm quan trọng lớn lao, nhất là khi lưu tâm tới việc hoạch định và thúc đẩy tiến trình cập nhật hoá và canh tân trong sự trung thành với Chúa Thánh Thần :

– phân định những chọn lựa hiện nay thích hợp với những mục tiêu nguyên thuỷ của hội dòng.

– hướng dẫn các tu sĩ và các cộng đoàn bằng những tổ chức thông tin và huấn luyện thích hợp.

– bằng những cuộc đối thoại chăm chú và cụ thể, thúc đẩy việc duyệt xét lại các công cuộc để thoát ra khỏi tình trạng ít cập nhật hoá cũng như để khuyến khích và hướng dẫn việc tìm những lối diễn tả mới thích hợp hơn.

Và tất cả những điều trên nhằm giúp khám phá ra những giá trị sáng chói và đầy hấp dẫn của sự thánh hiến và sứ mạng, là những điều làm nền tảng cho sự thuộc về hội dòng mình cách ý thức và tươi vui.

35. (Vai trò của các Hội đồng tu sĩ). Các Hội đồng tu sĩ, vì trực tiếp hiểu biết hơn về bối cảnh Giáo Hội và xã hội, có điều kiện thuận lợi hơn để nhận ra những vấn đề đang đè nặng trên các quốc gia và các lục địa. Qua những cuộc trao đổi kinh nghiệm gặp gỡ và suy tư, trong sự cộng tác với Hội đồng giám mục và tôn trọng các đoàn sủng khác nhau, các Hội đồng ấy có thể tìm ra những giải pháp và đường lối đáp ứng cách thoả đáng những nguyện vọng thăng tiến toàn diện con người hơn cả, trong khi vẫn cảm hứng từ Phúc Âm và các chỉ dẫn liên tục của Huấn quyền Giáo Hội.

Va-ti-ca-nô, ngày 12 tháng 8 năm 1980
Hồng Y Edoardo Pironio, Tổng Trưởng
Agostino Mayer, O.S.B., Tổng thư ký

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here