CHƯƠNG III : CỘNG ĐOÀN TU TRÌ,
ĐỊA ĐIỂM VÀ CHỦ THỂ THI HÀNH SỨ VỤ
58. Như Thánh Thần xức dầu cho Giáo Hội trong phòng Tiệc Ly để sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới, thì mỗi cộng đoàn tu trì, như là một cộng đoàn thần khí đích thực của Đấng Phục Sinh, cũng là cộng đoàn tông đồ theo đúng bản chất của mình.
Thực vậy, “hiệp thông phát sinh hiệp thông : tự bản chất sự hiệp thông được liên kết với sứ vụ nhân danh sự hiệp thông… Hiệp thông và sứ vụ liên kết chặt chẽ với nhau, cả hai thấm nhập và bao hàm lẫn nhau, đến nỗi sự hiệp thông tượng trưng cho cả nguồn mạch và kết quả của sứ vụ : hiệp thông làm phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành nhờ hiệp thông” (72).
Không có một cộng đoàn tu trì nào, ngay cả những cộng đoàn chuyên chiêm niệm, được co cụm lại chính mình. Đúng hơn, cộng đoàn là loan báo, phục vụ (diakonia), và là chứng tá ngôn sứ. Đấng Phục Sinh, đang sống trong cộng đoàn, đang thông ban Thần Khí của Người cho cộng đoàn, đã làm cho cộng đoàn trở thành chứng nhân của sự phục sinh.
Cộng đoàn tu trì và sứ vụ
Trước khi suy tư về một vài hoàn cảnh đặc biệt mà, để trung thành với sứ vụ chuyên biệt của mình, một cộng đoàn tu trì ngày nay phải đương đầu trong những hoàn cảnh khác nhau trên khắp thế giới, thật là hữu ích cho chúng ta khi tìm hiểu ở đây mối tương quan đặc biệt giữa những loại cộng đoàn tu trì khác nhau và sứ vụ họ được kêu gọi để thi hành.
59. a. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã tuyên bố : “Các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Ki-tô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân, biểu dương Chúa Ki-tô đang cầu nguyện trên núi, hoặc đang loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tật nguyền, hay hoán cải các tội nhân trở lại đời sống phong phú, hoặc đang chúc phúc cho các trẻ em, ban ơn lành cho mọi người và luôn luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến” (73).
Do tham dự vào những khía cạnh khác nhau của sứ vụ Đức Ki-tô, Thánh Thần làm phát sinh những dòng tu khác nhau, xác định đặc tính của họ bằng những sứ vụ khác nhau, và do đó, bằng những loại cộng đoàn khác nhau.
b. Kiểu mẫu cộng đoàn chiệm niệm (biểu dương Đức Ki-tô trên núi) thì tập trung vào sự hiệp thông hai chiều với Thiên Chúa và với các phần tử trong cộng đoàn. Kiểu mẫu này có ảnh hưởng tông đồ hữu hiệu nhất, mặc dù vẫn còn khoảng cách giấu ẩn lớn trong mầu nhiệm. Cộng đoàn tu trì “tông đồ” (biểu dương Đức Ki-tô ở giữa dân chúng) được thánh hiến để phục vụ tha nhân một cách sống động, một công việc phục vụ chuyên biệt phát xuất từ đoàn sủng riêng biệt.
Trong số “những cộng đoàn tông đồ”, một số cộng đoàn nhấn mạnh nhiều vào đời sống chung đến nỗi sứ vụ tông đồ của họ tuỳ thuộc vào khả năng hình thành cộng đoàn. Những cộng đoàn khác thì quyết định hướng về sứ vụ, và đối với họ, kiểu mẫu cộng đoàn tuỳ thuộc vào loại hình sứ vụ. Các hội dòng rõ ràng được tổ chức theo những hình thức đặc biệt của công việc tông đồ thì nhấn mạnh đến sự ưu tiên của toàn thể gia đình tu trì, xét như là một thân thể mang tính tông đồ, và một cộng đoàn rộng lớn được Thánh Thần trao ban sứ vụ phải thi hành trong Giáo Hội. Sự hiệp thông làm sống động và quy tụ đại gia đình lại được sống một cách cụ thể trong những cộng đoàn nhỏ ở địa phương, là những cộng đoàn được giao phó thi hành sứ vụ tuỳ theo những nhu cầu khác nhau.
Như vậy, đã có những loại cộng đoàn tu trì khác nhau lưu truyền qua nhiều thế kỷ, chẳng hạn như các đan viện, tu viện, và các cộng đoàn hoạt động hay “phục vụ” (diaconal).
Do đó “đời sống chung trong cộng đoàn” không có cùng một ý nghĩa đối với tất cả mọi tu sĩ. Các đan sĩ, các tu sĩ và các phần tử sống đời hoạt động duy trì những khác biệt hợp pháp trong cách hiểu và sống cộng đoàn tu trì.
Sự khác biệt này được trình bày trong hiến pháp của các hội dòng, hiến pháp phác hoạ đặc tính của hội dòng, và hậu nhiên phác hoạ đặc tính của cộng đoàn.
c. Nói chung, đặc biệt đối với những cộng đoàn tu trì chuyên hoạt động tông đồ, người ta thấy, theo kinh nghiệm hằng ngày, có đôi chút khó khăn khi phải hoà hợp những đòi hỏi của đời sống cộng đoàn với công việc tông đồ. Nếu có nguy cơ đối nghịch giữa hai khía cạnh này thì cũng sẽ có khó khăn khi phải hoà hợp chúng lại với nhau. Đây cũng là một chiều hướng ích lợi cho đời tu là đời sống nhằm vun trồng đồng thời cả lối sống của người môn đệ, phải sống với Đức Giê-su và với đám đông đi theo Người, và lối sống của người tông đồ, phải tham gia vào sứ vụ của Chúa.
d. Trong những năm gần đây, nhu cầu tông đồ rất đa dạng thường đưa đến việc cùng tồn tại trong một hội dòng những cộng đoàn khác biệt nhau đáng kể, những cộng đoàn lớn và có cơ cấu chặt chẽ hơn hiện hữu bên cạnh cộng đoàn nhỏ hơn, linh động hơn, nhưng vẫn không đánh mất đi tính chất cộng đoàn đích thực của đời tu.
Tất cả những điều này xem ra ảnh hưởng lớn đối với đời sống và bản chất của hội dòng, mà ngày nay không còn chặt chẽ như ngày xưa, nhưng đa dạng hơn và có nhiều cách khác nhau để sống cộng đoàn tu trì.
đ. Trong một vài hội dòng, khuynh hướng nhấn mạnh đến sứ vụ hơn là cộng đoàn, và khuynh hướng cổ võ sự khác biệt hơn là sự hiệp nhất, đã tác động sâu xa đến đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, đến nỗi đôi khi trở thành một điều nhiệm ý hơn là một thành phần toàn vẹn của đời tu.
Hệ quả của điều này chắc chắn không có tính cách tích cực ; những hệ quả ấy khiến chúng ta đặt ra những câu hỏi nghiêm chỉnh là không biết có thích hợp để tiếp tục đi theo chiều hướng này không, và gợi ra yêu cầu phải xây dựng một đường lối tái khám phá sự liên kết mật thiết giữa cộng đoàn và sứ vụ, để vượt qua một cách sáng tạo những khuynh hướng đơn phương bao giờ cũng làm cạn kiệt thực tại phong phú của đời tu.
Trong Giáo Hội địa phương
60. Sự hiện diện có tính truyền giáo của một cộng đoàn tu trì được phát triển trong khung cảnh của một Giáo Hội địa phương. Các phần tử của cộng đoàn đem lại cho Giáo Hội đó sự phong phú của đời thánh hiến, của tình huynh đệ và đoàn sủng của mình.
Nguyên bằng sự hiện diện của mình, một cộng đoàn tu trì không chỉ mang trong mình sự phong phú của đời sống Ki-tô hữu mà thôi, nhưng vì là một đơn vị, cộng đoàn làm thành lời loan báo sứ điệp Ki-tô giáo cách đặc biệt hiệu nghiệm. Có thể nói đó là một lời rao giảng sống động và liên tục. Điều kiện khách quan này rõ rệt buộc chính các tu sĩ phải chịu trách nhiệm, trong khi kêu gọi họ trung thành với sứ vụ ưu tiên này, trong khi sửa sai và loại trừ những gì có thể làm suy yếu sức lôi cuốn nơi gương sáng của họ, làm cho sự hiện diện của họ nơi Giáo Hội địa phương dễ nhận ra và quý giá hơn bất cứ một thẩm định nào khác.
Vì đức ái là đoàn sủng lớn nhất (x. 1 Cr 13,13), nên một cộng đoàn tu trì làm phong phú cho Giáo Hội mà mình là thành phần sống động, trước hết bằng lòng mến của mình. Cộng đoàn tu trì yêu mến Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương nơi cộng đoàn tháp nhập, vì chính trong Giáo Hội và như Giáo Hội mà cộng đoàn gắn bó với sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, nguồn mạch mọi sự lành. Trong cách này, cộng đoàn đặc biệt biểu lộ chính bản chất của Giáo Hội.
Một cộng đoàn tu trì yêu mến Giáo Hội địa phương, sẽ làm phong phú cho Giáo Hội đó bằng đoàn sủng của mình và mở ra cho Giáo Hội đó một chiều kích phổ quát hơn. Văn kiện Những liên hệ hỗ tương (Mutuae Relationes) đã đề cập đến mối tương quan tinh tế giữa những nhu cầu mục vụ của Giáo Hội địa phương với tính chất riêng biệt trong đoàn sủng của cộng đoàn tu trì. Thêm vào những chiều kích thần học và mục vụ, văn kiện này đã góp phần quan trọng cho sự cộng tác thân thiện và mật thiết hơn. Thời gian đã đưa đến một cách nhìn khác về văn kiện, nhằm đi đến bước đột phá mới cho tinh thần hiệp thông đích thực giữa cộng đoàn tu trì và Giáo Hội địa phương.
Những khó khăn đang gia tăng và việc thiếu nhân sự trong hoạt động sứ vụ cám dỗ cả cộng đoàn tu trì và Giáo Hội địa phương rơi vào tình trạng cô lập nào đó, dĩ nhiên điều này không cải thiện sự hiểu biết và hợp tác hỗ tương chút nào.
Cộng đoàn tu trì có nguy cơ là một đàng hiện diện ở địa phương mà không gắn bó với đời sống hoặc chương trình mục vụ của Giáo Hội đó, đàng khác chỉ giản lược vào các phận sự mục vụ mà thôi. Ngoài ra, nếu đời sống tu trì càng ngày càng có khuynh hướng nhấn mạnh đến căn tính đoàn sủng riêng, thì Giáo Hội địa phương thường ép buộc và đòi hỏi năng lực của các tu sĩ trong những hoạt động mục vụ của giáo phận hay giáo xứ. Những chỉ dẫn mà văn kiện “Những liên hệ hỗ tương” đưa ra, giúp cộng đoàn tu trì khỏi tách rời hay đứng độc lập trong tương quan với Giáo Hội địa phương, và khỏi đồng hoá trong thực tiễn với Giáo Hội địa phương.
Một cộng đoàn tu trì không thể hoạt động độc lập với Giáo Hội địa phương, hay thay thế Giáo Hội địa phương hoặc là ít nhiều chống lại những chỉ thị và chương trình mục vụ của Giáo Hội địa phương. Tương tự như vậy, Giáo Hội địa phương cũng không thể theo những sở thích và những nhu cầu riêng mà áp đặt quyết định của mình đối với cộng đoàn tu trì hay bất cứ phần tử nào của cộng đoàn đó.
Điều quan trọng cần nhắc lại là thiếu hiểu biết đúng đắn về đoàn sủng của cộng đoàn tu trì sẽ không thể phục vụ cho thiện ích của Giáo Hội địa phương cũng như cho ích lợi của chính cộng đoàn tu trì. Chỉ khi nào một cộng đoàn tu trì xác định rõ rệt căn tính đoàn sủng của mình, khi ấy cộng đoàn mới có thể tự hội nhập vào “chương trình mục vụ tổng quát” mà không đánh mất đặc tính riêng của mình. Thực vậy, chỉ với đường hướng đó, cộng đoàn mới có thể làm cho những chương trình mục vụ thêm phong phú với ân điển của mình.
Chúng ta không nên quên rằng, mọi đoàn sủng phát sinh trong Giáo Hội và cho thế giới, và sự liên kết với nguồn mạch và mục đích của đoàn sủng đó, cần phải được đổi mới thường xuyên ; mỗi đoàn sủng sống động tuỳ theo mức độ người ta trung thành với đoàn sủng ấy.
Giáo Hội và thế giới là khung cảnh để giải thích, đòi hỏi, và thúc đẩy đoàn sủng tiếp tục phát triển tương xứng và sống động. Đoàn sủng và Giáo Hội địa phương không được xung khắc với nhau, nhưng đúng hơn, phải nâng đỡ và hoàn thiện lẫn nhau, đặc biệt vì ngày nay đang phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc sống đoàn sủng và hội nhập đoàn sủng vào những hoàn cảnh thay đổi.
Nguồn gốc của nhiều hiểu lầm có lẽ là sự hiểu biết lẫn nhau một cách phiến diện hoặc là về phía Giáo Hội địa phương, hoặc là về phía đời sống tu trì, và về phía trách nhiệm của giám mục đối với đời tu.
Chúng tôi tha thiết xin tất cả các chủng viện giáo phận đưa vào chương trình học thần học cả những môn đặc biệt về thần học đời sống thánh hiến, nghiên cứu về khía cạnh tín lý, luật pháp, và mục vụ của đời sống đó nữa ; về phía tu sĩ, họ cũng phải được đào tạo thích đáng về thần học Giáo Hội phương (74).
Tuy nhiên, trên hết, một cộng đoàn tu trì thực sự sống huynh đệ cảm thấy có trách nhiệm làm lan toả bầu khí hiệp thông, bầu khí làm cho toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu trở thành “gia đình con cái của Thiên Chúa”.
61. Giáo xứ
Trong các giáo xứ, đôi khi có thể có khó khăn trong việc hoà hợp đời sống giáo xứ và đời sống cộng đoàn. Trong một vài vùng, những khó khăn sống cộng đoàn đang khi hoạt động mục vụ tại giáo xứ đã gây ra những căng thẳng đáng kể đối với các linh mục – tu sĩ. Thỉnh thoảng, những ràng buộc nặng nề của công việc mục vụ trong giáo xứ đã làm phương hại đến đoàn sủng của hội dòng và đời sống cộng đoàn đến nỗi các vị quản xứ, hàng giáo sĩ triều và ngay cả chính các tu sĩ cũng không nhận rõ được bản chất riêng biệt của đời tu.
Những nhu cầu mục vụ khẩn thiết không bao giờ được làm cho chúng ta quên rằng sự phục vụ tốt nhất mà một cộng đoàn tu trì có thể đem lại cho Giáo Hội là trung thành với đoàn sủng của mình. Điều này cũng được phản ánh trong việc lãnh nhận trách nhiệm điều hành các giáo xứ. Phải dành ưu tiên cho những giáo xứ giúp cộng đoàn sống như là một cộng đoàn, và ở đó các tu sĩ có thể biểu lộ đoàn sủng của mình.
Các cộng đoàn nữ tu cũng gặp phải những khó khăn tương tự, khi thường xuyên được yêu cầu dấn thân trực tiếp hơn cho công việc mục vụ của giáo xứ.
Ở đây cũng cần nhắc lại rằng, cộng đoàn càng hiện diện theo đoàn sủng của mình thì sự hiện diện của cộng đoàn càng đem lại nhiều hoa trái (75). Tất cả những điều này có thể là lợi điểm lớn lao cho cả cộng đoàn tu trì lẫn công việc mục vụ là công việc mà các nữ tu thường được đón nhận nồng hậu và được đánh giá cao.
62. Các phong trào Giáo Hội
Các phong trào Giáo Hội, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, với tinh thần sống động và sinh lực tông đồ, đã thu hút sự chú tâm của một số tu sĩ dấn thân trong các phong trào đó, đôi khi rút ra được kết quả là sự canh tân tinh thần, sự cống hiến cho việc tông đồ, và tái thức tỉnh ơn gọi của họ. Tuy nhiên, một đôi khi sự dấn thân như thế cũng gây ra những phân rẽ trong cộng đoàn tu trì.
Do đó cần để ý tới những nhận xét sau đây :
a. Một vài phong trào chỉ là những phong trào canh tân, những phong trào khác lại có những dự phóng tông đồ có thể không tương hợp với dự phóng của cộng đoàn.
Cũng thế, về phía những người tận hiến, có những mức độ dấn thân khác nhau : một vài người tham dự với tư cách là khán giả ; những người khác thỉnh thoảng tham dự ; còn những người khác nữa là thành viên thường trực trong khi vẫn giữ sự hoà hợp hoàn toàn với cộng đoàn và linh đạo của mình. Tuy nhiên, việc các thành viên chủ chốt đang hoạt động trong đoàn thể và việc những người sống xa cách hội dòng của mình về phương diện tâm lý, lại trở thành vấn đề. Họ sống trong tình trạng bị phân tâm : cư ngụ trong cộng đoàn, nhưng sống theo những chương trình mục vụ và theo những nguyên tắc của phong trào.
Do đó cần phải cẩn thận phân biệt phong trào này với phong trào khác, và phân biệt những hình thức dấn thân khác nhau về phía cá nhân người tu sĩ.
b. Các phong trào này có thể là một thách đố hữu ích đối với cộng đoàn tu sĩ, với năng động lực thiêng liêng của cộng đoàn, phẩm chất đời sống cầu nguyện của cộng đoàn, sự tương hợp trong các sáng kiến tông đồ của cộng đoàn, sự trung tín với Giáo Hội, cường độ của đời sống huynh đệ. Một cộng đoàn tu trì nên cởi mở để gặp gỡ các phong trào này, bằng cách tỏ ra thái độ hiểu biết, đối thoại và trao đổi ân điển với nhau.
Một truyền thống thiêng liêng lớn lao, truyền thống khổ hạnh và thần bí của đời sống tu trì và của các hội dòng cũng có thể có ích cho những phong trào trẻ trung này.
c. Khó khăn chính đối với các phong trào này là căn tính của cá nhân những người tận hiến : nếu căn tính này vững chắc thì mối tương quan có thể đem lại thành công cho cả đôi bên.
Đối với những tu sĩ có vẻ như sống trong và cho phong trào nhiều hơn là trong và cho cộng đoàn tu trì của mình, thì nên nhớ lại khẳng định trong “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng” : “Một hội dòng có những mối liên kết nội tại do bản chất, mục đích, tinh thần, đặc tính và truyền thống của mình. Toàn bộ di sản này là trục duy trì sự hiệp nhất của chính hội dòng lẫn sự hiệp nhất đời sống của mỗi phần tử. Đây là hồng ân Thánh Thần ban cho Giáo Hội, và không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp hay một sự pha trộn nào. Đối thoại và chia sẻ trong Giáo Hội giả thiết rằng mỗi hội dòng phải ý thức rõ bản chất của mình.
“Các ứng viên bước vào đời sống tu trì… tự đặt mình… dưới thẩm quyền của bề trên hội dòng. Họ không thể đồng thời phụ thuộc vào một người nào khác ngoài hội dòng.
“Những đòi hỏi này vẫn còn sau khi tu sĩ đã tuyên khấn, để sự trung thành khỏi bị phân rẽ vừa ở phương diện đời sống thiêng liêng của cá nhân lẫn ở phương diện sứ vụ của họ” (76).
Tham gia một phong trào có thể có lợi ích tích cực cho tu sĩ nếu việc tham gia đó giúp tăng cường chân tính riêng biệt của họ.
Một vài trường hợp đặc biệt
63. Hoà mình với người nghèo
Vì đồng hành với nhiều anh chị em khác trong đức tin, các cộng đoàn tu trì ở trong số những người đầu tiên quan tâm đến sự khó nghèo vật chất và tinh thần của thời đại mình, theo những cách thức thường xuyên được canh tân.
Trong những năm gần đây, sự khó nghèo là một vấn đề đã thu hút hết tâm trí của các tu sĩ và tác động đến tâm hồn họ. Đời sống tu trì đã thật sự đối diện với vấn đề làm thế nào để công việc truyền bá Phúc Âm cho người nghèo (evangelizare pauperibus) được hữu hiệu. Nhưng người tu sĩ cũng muốn được Phúc Âm hoá nhờ tiếp xúc với thế giới người nghèo (evangelizari a pauperibus).
Trong cuộc động viên to lớn này, các tu sĩ đã chọn làm chương trình cho mình : “Mọi người vì người nghèo”, “đa số sống với người nghèo”, “nên giống người nghèo” ; một vài thành tựu trong lĩnh vực “nên giống người nghèo” đáng được quan tâm đặc biệt.
Đứng trước cái nghèo của đa số quần chúng, đặc biệt trong những khu vực bị bỏ rơi hoặc bị loại ra bên lề nơi những thành phố lớn, và trong những vùng quê bị lãng quên, “sự hoà mình của các cộng đoàn tu trì” nổi bật như một trong những cách diễn tả sự chọn lựa ưu tiên và lựa chọn Tin Mừng liên đới với người nghèo. Các cộng đoàn này muốn đồng hành với người nghèo trong tiến trình giải phóng toàn diện, nhưng đó cũng là thành quả của ước vọng muốn khám phá Đức Ki-tô nghèo khổ trong những anh chị em sống bên lề, để phục vụ Người và trở nên đồng hình dạng với Người.
a. “Hoà mình”, xét như lý tưởng của đời sống tu trì, đã phát triển trong bối cảnh đức tin và tình liên đới thúc đẩy các cộng đoàn tu trì đến với những người nghèo nhất.
Đó là một thực tại không thể không khơi dậy lòng ngưỡng mộ đối với sự tận tuỵ bản thân và những hy sinh to lớn ; khơi dậy lòng yêu thương người nghèo ; khơi dậy lòng yêu thương khiến người ta chia sẻ cái nghèo thực sự khắc nghiệt của họ ; khơi dậy nỗ lực làm cho Tin Mừng hiện diện trong những khu vực dân cư không còn hy vọng, mang Lời Thiên Chúa đến gần họ hơn, và làm cho họ cảm nhận được họ là thành phần sống động của Giáo Hội (77). Những cộng đoàn này thường sống trong những vùng ghi đậm dấu ấn bạo lực gây ra bất ổn, và đôi khi bị ngược đãi đến mức đời sống thật sự bị nguy hiểm. Lòng can đảm lớn lao của họ là bằng chứng rõ ràng cho niềm hy vọng mọi người có thể sống với nhau như anh chị em, bất chấp mọi tình huống đau khổ và bất công.
Thường được gởi tới những lãnh vực sứ vụ biên cương, đôi khi là chứng tá cho tính sáng tạo tông đồ của vị sáng lập, các cộng đoàn như thế phải cố gắng tin tưởng vào thiện chí và lời cầu nguyện huynh đệ của các phần tử trong hội dòng của họ và vào sự quan tâm đặc biệt của các bề trên (78).
b. Không nên bỏ mặc các cộng đoàn tu trì này một mình. Họ cần được giúp đỡ để sống đời sống cộng đoàn. Điều này đòi hỏi phải có những khoảng khắc dành cho việc cầu nguyện và có những trao đổi huynh đệ, nhằm bảo đảm rằng tính độc đáo trong đoàn sủng của hội dòng không có vẻ tương đối ít quan trọng hơn công việc phục vụ người nghèo đồng đều, và để chứng tá Phúc Âm của họ không bị che khuất bởi những giải thích và sự lợi dụng của người trong nhóm (79).
Các bề trên nên thận trọng trong việc tuyển chọn các phần tử thích hợp và chuẩn bị các cộng đoàn như thế làm sao để bảo đảm sự liên kết với các cộng đoàn khác trong hội dòng, nhờ đó giữ được tính liên tục.
c. Chúng ta cũng nên tán thưởng những cố gắng của các cộng đoàn tu trì khác đang dấn thân hữu hiệu cho người nghèo, dù là theo những đường lối truyền thống, hay những đường lối mới phù hợp hơn với những hình thức khó nghèo mới, hoặc bằng cách khơi dậy ý thức (về vấn đề người nghèo) nơi mọi cấp bậc xã hội – như vậy là làm phát sinh sự dấn thân hoạt động xã hội và chính trị, những dự án bác ái và việc phục vụ tự nguyện giữa các ơn gọi giáo dân.
Tất cả các điều đó chứng tỏ rằng đức tin đang sống động trong Giáo Hội, tình yêu của Đức Ki-tô đang hoạt động và hiện diện giữa những người nghèo : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25,40).
Ở đâu sự hoà mình giữa người nghèo đã trở nên một kinh nghiệm về Thiên Chúa cho cả người nghèo lẫn cộng đoàn tu trì, thì nơi đó thực sự có kinh nghiệm để khẳng định rằng người nghèo được rao giảng Phúc Âm và người nghèo rao giảng Phúc Âm.
64. Các cộng đoàn nhỏ
a. Các nhân tố xã hội khác cũng ảnh hưởng đến các cộng đoàn. Trong một vài vùng phát triển về kinh tế, Chính quyền tỏ ra tích cực hơn trong một số lãnh vực như giáo dục, sức khoẻ và các dịch vụ xã hội, thường để lại rất ít hoặc không để lại chỗ trống nào cho các tác nhân khác, như các cộng đoàn tu trì chẳng hạn. Mặt khác, vì sự giảm sút về số lượng các nam nữ tu sĩ, và ở nơi này hay nơi khác, một hiểu biết giới hạn về sự hiện diện của người Công Giáo trong các hoạt động xã hội, được coi là có tính cách bổ túc hơn là một biểu hiện đích thực của tinh thần bác ái Ki-tô giáo, đã gây khó khăn cho việc thực hiện các dự phóng phức tạp.
Vì vậy, trong một vài miền, người ta đã dần dần bỏ các hoạt động truyền thống – trong nhiều năm vẫn do các cộng đoàn vững mạnh và đồng nhất đảm nhận – và nơi các cộng đoàn nhỏ lại gia tăng những loại dịch vụ mới, thường không phù hợp với đoàn sủng của hội dòng.
b. Những cộng đoàn nhỏ hơn cũng đã thường trở nên như là kết quả của việc một số hội dòng chọn lựa kỹ lưỡng nhằm cổ võ sự hiệp nhất và cộng tác huynh đệ qua những mối liên hệ gần gũi hơn giữa các cá nhân, qua việc chia sẻ trách nhiệm hỗ tương và dựa trên căn bản rộng rãi hơn.
Những cộng đoàn như thế, đã được nói đến trong tông huấn Chứng tá Phúc Âm (80) chắc chắn là có thể hiện hữu, mặc dù tỏ ra đòi hỏi các phần tử nhiều hơn.
c. Những cộng đoàn nhỏ, thường tiếp xúc gần gũi với cuộc sống và các vấn đề hằng ngày của con người, nhưng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi não trạng thế tục, có trách nhiệm quan trọng là phải trở nên những nơi chốn hữu hình của một tình huynh đệ hạnh phúc, của sự cần cù quảng đại và của niềm hy vọng siêu việt.
Vì vậy các cộng đoàn này cần phải có một chương trình sống vững vàng, linh động và chặt chẽ, và phải được giới chức trách có thẩm quyền chấp thuận để việc tông đồ mang tính cộng đoàn. Chương trình này phải phù hợp với các cá nhân cũng như những nhu cầu của sứ vụ, bằng cách phát triển hài hoà việc cầu nguyện và hoạt động, những lúc gần gũi thân mật trong cộng đoàn và lúc hoạt động tông đồ. Chương trình đó cũng nên bao gồm cả những cuộc gặp gỡ định kỳ với các cộng đoàn khác trong cùng một hội dòng. Mục đích chính là nhằm vượt qua nguy cơ bị cô lập và tách rời khỏi cộng đoàn lớn hơn của hội dòng.
d. Cho dù các cộng đoàn nhỏ có thể đem lại những cơ hội thuận lợi, thì bình thường cũng không nên khuyến khích thiết lập một hội dòng chỉ gồm những cộng đoàn nhỏ. Rất cần có những cộng đoàn lớn hơn. Những cộng đoàn này có thể cung cấp những trợ giúp đầy ý nghĩa cho toàn hội dòng lẫn các cộng đoàn nhỏ hơn, nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và các việc cử hành nghi lễ sốt sắng và phong phú hơn ; là nơi thích hợp để nghiên cứu và suy tư ; là nơi tĩnh tâm và nghỉ ngơi cho các thành viên đang hoạt động trên những biên cương đầy khó khăn của sứ vụ rao giảng Phúc Âm.
Bầu khí thân ái và chấp nhận lẫn nhau sẽ đem lại nhiều kết quả do việc hỗ tương qua lại giữa hai hình thức cộng đoàn trên.
Người ta nhận biết những cộng đoàn đó trước tiên qua tình yêu thương huynh đệ liên kết các phần tử, qua cuộc sống giản dị của họ, qua sứ vụ mà họ đảm trách với danh nghĩa cộng đoàn, qua việc trung thành kiên trì với đoàn sủng của họ, qua việc không ngừng truyền thông “hương vị ngọt ngào” của Đức Ki-tô (2 Cr 2,15), để trong những hoàn cảnh bất thường nhất, họ vẫn có thể bày tỏ “con đường bình an”, thậm chí ngay cả cho những thành phần bị hoang mang và phân tán của xã hội tân tiến.
65. Các tu sĩ nam nữ sống một mình
Một trong những thực tại đôi khi chúng ta gặp phải là tình trạng các tu sĩ nam hoặc nữ sống một mình. Đời sống chung trong một nhà của hội dòng là lối sống chính yếu của đời tu. “Các tu sĩ phải sống trong nhà dòng của mình, tuân thủ nếp sống chung. Họ không nên sống một mình nếu không có lý do hệ trọng, và không nên sống như vậy nếu có một cộng đoàn của hội dòng ở gần đấy” (81).
Tuy nhiên, có những ngoại lệ cần được các bề trên lượng định và cho phép (82) vì lý do tông đồ nhân danh hội dòng, (chẳng hạn như những công việc do Giáo Hội yêu cầu ; những sứ vụ khác thường ; những vùng xa xôi trong miền truyền giáo ; sự giảm sút dần dần các thành viên của cộng đoàn, đến nỗi chỉ có một tu sĩ duy nhất phụ trách một trong những công việc của hội dòng), hoặc vì lý do sức khoẻ và học hành.
Trong khi trách nhiệm của các bề trên là phải củng cố liên lạc thường xuyên với các thành viên sống ngoài cộng đoàn, thì bổn phận của các tu sĩ này là phải luôn ý thức rằng mình thuộc về hội dòng và hiệp thông với các phần tử của hội dòng, và tìm mọi phương thế thích hợp để củng cố mối dây huynh đệ. Phải hoạch định những thời kỳ sống huynh đệ thắm thiết, cũng như những cuộc gặp gỡ thường xuyên với các tu sĩ bạn nhằm đào tạo, chia sẻ huynh đệ, duyệt lại đời sống, và cầu nguyện, để hít thở bầu khí gia đình. Dù ở đâu đi nữa, các phần tử của hội dòng cũng là những người mang đoàn sủng của gia đình tu trì của họ.
Tu sĩ sống một mình không bao giờ là điều lý tưởng. Nguyên tắc là tu sĩ phải sống trong những cộng đoàn huynh đệ : mỗi cá nhân được thánh hiến trong đời sống chung này, và chính trong lối sống này mà các tu sĩ nam nữ đảm nhận tác vụ tông đồ của họ một cách bình thường ; họ phải trở về đời sống này, cả tâm hồn lẫn con người, trong khi vì cần thiết, họ phải sống cách biệt một thời gian dài hoặc ngắn.
a. Những đòi hỏi của công việc tông đồ đặc biệt, chẳng hạn như công việc của giáo phận, đã khiến nhiều hội dòng khác nhau phải gởi một trong những phần tử của mình cộng tác trong đội ngũ liên hội dòng. Có những kinh nghiệm tích cực trong đó các tu sĩ cộng tác trong việc phục vụ một công việc đặc biệt ở nơi không có cộng đoàn của hội dòng mình, thay vì sống một mình, họ lại sống chung một nhà, cầu nguyện chung với nhau, họp nhau để suy niệm Lời Chúa, chia sẻ lương thực và những công việc trong nhà, v.v… Bao lâu điều này không thay thế việc sống hiệp thông với hội dòng riêng của họ, thì “đời sống cộng đoàn” loại này có thể thuận lợi cho công việc và cho chính các tu sĩ.
Tu sĩ nên cẩn thận khi muốn đảm nhận một công việc mà bình thường đòi hỏi họ phải sống ngoài cộng đoàn, và các bề trên cũng nên khôn ngoan trong việc chỉ định các phần tử vào những công việc này.
b. Những đòi hỏi phải chăm sóc cha mẹ già yếu bệnh tật thường kéo theo sự vắng mặt lâu dài khỏi cộng đoàn, cũng cần phân định cẩn thận, và có thể đáp ứng những nhu cầu như thế bằng những cách sắp xếp khác để con cái không phải vắng mặt lâu quá.
c. Cần lưu ý rằng, các tu sĩ sống một mình, không có sự bổ nhiệm hay phép của bề trên, là đang trốn tránh bổn phận sống chung. Tham dự một vài cuộc hội họp hay nghi lễ chưa đủ để là một tu sĩ trọn vẹn. Phải nỗ lực dẹp bỏ dần dần những hoàn cảnh không chính đáng và không thể chấp nhận được như thế đối với các tu sĩ nam nữ.
d. Trong mỗi trường hợp, nên nhắc lại rằng, ngay cả khi sống ngoài cộng đoàn, tu sĩ vẫn thuộc quyền của giám mục trong lãnh vực hoạt động tông đồ (83), giám mục phải được thông báo về sự hiện diện của tu sĩ trong giáo phận của mình.
đ. Nếu chẳng may có những hội dòng mà đa số các thành viên không còn sống trong cộng đoàn nữa, thì các hội dòng đó không còn được coi là dòng tu thực sự. Các bề trên và các tu sĩ được mời đặc biệt suy tư về hậu quả đáng buồn này, và từ đó suy nghĩ về tầm quan trọng trong việc mạnh mẽ phục hồi việc thực hành đời sống chung huynh đệ.
66. Các miền truyền giáo
Đời sống chung huynh đệ có giá trị đặc biệt trong những miền truyền giáo (ad gentes), vì tỏ ra cho thế giới, nhất là thế giới ngoài Ki-tô giáo, thấy “tính chất mới mẻ” của Ki-tô giáo, đó là, đức ái có khả năng thắng vượt mọi phân rẽ do chủng tộc, màu da và thị tộc. Nơi những quốc gia không thể rao giảng Tin Mừng được, thì các cộng đoàn tu sĩ gần như là dấu hiệu duy nhất, là chứng tá thầm lặng và hữu hiệu của Đức Ki-tô và của Giáo Hội.
Nhưng nhiều khi rõ ràng chính trong các khu vực truyền giáo mà các tu sĩ phải đương đầu với những khó khăn thực tế đáng lưu tâm trong việc xây dựng những cộng đoàn vững chắc và khả thị : những khoảng cách không gian đòi hỏi phải có những cộng đoàn đầy năng động và rải rác trong một phạm vi rộng ; việc thuộc về những chủng tộc, thị tộc, nền văn hoá khác nhau ; nhu cầu cho việc đào tạo trong những trung tâm liên dòng. Những điều này và những nhân tố khác có thể gây trở ngại cho một cộng đoàn lý tưởng.
Điều quan trọng là các phần tử của hội dòng ý thức được tính cách khác thường của hoàn cảnh, cổ võ thông tin cho nhau thường xuyên, thúc đẩy những cuộc gặp gỡ chung đều đặn, và xây dựng những cộng đoàn huynh đệ có đặc tính truyền giáo mạnh mẽ càng sớm càng tốt, nhờ đó các cộng đoàn có thể là dấu chỉ truyền giáo tuyệt hảo : “Xin cho tất cả nên một…, để thế gian tin” (Ga 17,21).
67. Tổ chức lại công việc
Những thay đổi trong các điều kiện văn hoá và trong Giáo Hội, những nhân tố nội tại trong việc phát triển các hội dòng và những thay đổi về nguồn lực của các hội dòng có thể đòi phải tổ chức lại công việc và sự hiện diện của các cộng đoàn tu trì.
Công việc này, một công việc không dễ, có những hệ luỵ thực sự liên quan tới cộng đoàn. Nói chung, đó là những công việc mà nhiều anh chị em đã cống hiến những năng lực tông đồ cao nhất của mình, và bị ràng buộc bởi những liên hệ tâm lý và thiêng liêng đặc biệt.
Tương lai của những công việc này, ý nghĩa tông đồ và việc tổ chức lại những công việc đó đòi hỏi phải nghiên cứu, so sánh và phân định. Tất cả những chuyện này có thể trở thành một mái trường để học tìm kiếm và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng có thể là một dịp gây ra những xung đột đau đớn không dễ dàng vượt qua.
Những tiêu chuẩn không thể bỏ qua và chúng soi sáng cộng đoàn khi cần quyết định, đôi khi phải can đảm và đau đớn, là : tận tâm bảo vệ ý nghĩa của đoàn sủng riêng trong một bối cảnh riêng biệt, quan tâm duy trì một đời sống huynh đệ thực sự, và chú trọng tới những nhu cầu của Giáo Hội địa phương. Vì thế, một sự đối thoại tin tưởng và liên tục với Giáo Hội địa phương quả là thiết yếu, vì là mối liên kết hữu hiệu với những người chịu trách nhiệm về sự hiệp thông giữa các tu sĩ.
Thêm vào việc chú ý đến những nhu cầu của Giáo Hội địa phương, các cộng đoàn tu trì cũng phải quan tâm đến tất cả những gì mà thế giới xao lãng – đó là những hình thức mới của cảnh khó nghèo và đau khổ dưới nhiều dạng mà chúng ta gặp thấy ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Việc tổ chức lại sẽ có tính sáng tạo và là nguồn mạch của những dấu chỉ ngôn sứ nếu quan tâm loan báo những cách thức hiện diện mới – dù chỉ trong một số nhỏ – để đáp ứng những nhu cầu mới, đặc biệt là những nhu cầu của đa số các khu vực bị bỏ rơi và quên lãng.
68. Các tu sĩ cao niên
Hiện nay, một trong những tình huống mà đời sống cộng đoàn thường gặp phải nhiều, đó là sự gia tăng tuổi tác nơi các phần tử. Tuổi tác mang một ý nghĩa đặc biệt vừa vì số ơn gọi mới giảm sút, vừa vì những tiến bộ của y học.
Đối với cộng đoàn, một mặt, sự kiện này có nghĩa là quan tâm đến việc chấp nhận và coi trọng sự hiện diện cũng như việc phục vụ mà các anh em cao niên đã có thể cống hiến nơi cộng đoàn, mặt khác, điều đó cũng có nghĩa là để ý đến việc cung cấp – một cách thân tình và phù hợp với đời sống thánh hiến – những trợ giúp về mặt tinh thần cũng như vật chất mà người có tuổi cần đến.
Sự hiện diện của những anh chị em lớn tuổi trong các cộng đoàn có thể rất tích cực. Một tu sĩ đã cao niên mà vẫn không để những phiền luỵ cũng như những giới hạn về tuổi tác chế ngự được mình, nhưng cứ sống vui vẻ, yêu thương và hy vọng, thì tu sĩ đó lại trở nên nguồn nâng đỡ quý giá đối với những người trẻ. Các tu sĩ cao niên mang lại một chứng tá, sự khôn ngoan và lời cầu nguyện, đó là nguồn động viên thường xuyên cho những người trẻ trong hành trình tâm linh và tông đồ của họ. Hơn nữa, người tu sĩ quan tâm đến những anh em cao niên sẽ đem lại một sự khả tín có tính cách Tin Mừng cho hội dòng của mình như là một “gia đình đích thực được quy tụ nhân danh Thiên Chúa” (84).
Những người tận hiến cũng nên chuẩn bị một thời gian dài trước để trở nên già cả và để kéo dài những năm “hoạt động” bằng việc học biết cách thức mới để xây dựng cộng đoàn và cộng tác vào sứ vụ chung, tích cực đáp ứng những thách đố của thời đại mình, nhờ những mối quan tâm sống động về tinh thần và văn hoá, bằng lời cầu nguyện, bằng việc tiếp tục tham gia hoạt động bao lâu còn có thể phục vụ, cho dù có bị giới hạn. Các bề trên cũng nên sắp xếp các khoá học và những cuộc gặp gỡ để giúp đỡ việc chuẩn bị cá nhân, kéo dài và tăng cường sự hiện diện của các tu sĩ trong vị trí công tác bình thường của họ càng nhiều càng tốt.
Đến khi các phần tử cao niên không còn độc lập được nữa, hoặc khi họ cần đến sự chăm sóc đặc biệt, kể cả sự chăm sóc của người giáo dân, thì hội dòng nên quan tâm nhiều đến việc nâng đỡ họ, nhờ đó họ vẫn cảm thấy mình là một phần trong đời sống của hội dòng, chia sẻ sứ vụ của hội dòng, liên đới trong năng động lực tông đồ của hội dòng, an ủi họ trong những lúc cô độc, khích lệ họ khi họ gặp đau khổ. Họ không bao giờ từ bỏ sứ vụ, nhưng họ ở tại chính trung tâm của sứ vụ khi tham dự vào sứ vụ đó bằng một cách thức mới mẻ và hiệu quả.
Dù âm thầm, thành quả của họ không kém gì so với các cộng đoàn năng động hơn. Các cộng đoàn này nhận được sức mạnh và hoa trái nhờ lời cầu nguyện, nhờ những đau khổ và những việc xem ra có vẻ ít ảnh hưởng của các anh em cao niên. Sứ vụ cần cả hai hình thức đó, và những kết quả sẽ trở nên rõ ràng khi Chúa đến trong vinh quang cùng với các thiên thần của Người.
69. Những vấn đề nảy sinh từ việc gia tăng số tu sĩ cao niên trở nên gay cấn hơn đối với một số đan viện thiếu ơn gọi. Vì bình thường, mỗi đan viện là một cộng đoàn độc lập, nên tự mình khó có thể vượt qua được những vấn đề này. Vì thế, nên nhắc lại tầm quan trọng của những cơ cấu hiệp thông, như các liên hiệp chẳng hạn, để khắc phục những hoàn cảnh rất cần đến nhân sự.
Sự trung tín với đời sống chiêm niệm đòi hỏi các phần tử của một đan viện phải hiệp nhất với một đan viện khác trong cùng một dòng khi một cộng đoàn đan viện, vì con số các phần tử, tuổi tác hoặc thiếu ơn gọi, thấy trước sự tan rã của cộng đoàn. Cũng vậy, trong hoàn cảnh đáng buồn của những cộng đoàn không còn có thể sống theo ơn gọi riêng của mình, vì các phần tử bị kiệt sức dần do công việc hoặc phải săn sóc những anh em già cả, yếu đau, khi đó cần phải xin dòng trợ lực, hoặc phải lựa chọn liên kết hoặc sát nhập với đan viện khác (85).
70. Mối tương quan mới đối với giáo dân
Giáo Hội học của Công Đồng đã chiếu toả ánh sáng vào tính cách bổ túc của những ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội mà chúng ta được kêu mời cùng nhau trở nên chứng tá cho Chúa Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh và nơi chốn. Sự gặp gỡ và cộng tác giữa các tu sĩ nam nữ và tín hữu giáo dân được coi là một thí dụ về sự hiệp thông trong Giáo Hội, đồng thời củng cố các năng lực tông đồ để Phúc Âm hoá thế giới.
Sự tiếp xúc thích đáng giữa các giá trị là đặc trưng của ơn gọi giáo dân, chẳng hạn như một nhận thức cụ thể hơn về đời sống con người, văn hoá, chính trị, kinh tế, v.v…, và những giá trị là đặc trưng của đời sống tu trì, như việc theo Chúa Ki-tô cách triệt để, chiều kích chiêm niệm và cánh chung của đời sống theo Ki-tô giáo, v.v… có thể biến thành sự trao đổi các ân điển một cách hữu ích giữa người tín hữu giáo dân và các cộng đoàn tu trì.
Sự cộng tác và trao đổi các ân điển trở nên chặt chẽ hơn, khi do ơn gọi và theo cách thức riêng, các nhóm giáo dân chia sẻ đoàn sủng và sứ vụ của hội dòng tại trung tâm của cùng một gia đình thiêng liêng. Theo cách này, có thể thiết lập những mối tương quan hữu ích, dựa trên những liên hệ đồng trách nhiệm chín chắn, và được hỗ trợ bởi những chương trình được hoạch định thường xuyên để huấn luyện về linh đạo của hội dòng.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần phải có : những cộng đoàn tu trì với căn tính đoàn sủng rõ rệt, khi đã được tiếp tục và được sống, có khả năng chuyển trao và sẵn sàng chia sẻ cho người khác ; những cộng đoàn có một nền linh đạo mạnh mẽ và nhiệt tình truyền giáo để thông truyền cùng một tinh thần và cùng một lực đẩy để Phúc Âm hoá ; những cộng đoàn tu trì biết cách cổ vũ và khích lệ người giáo dân chia sẻ đoàn sủng của hội dòng, theo đặc tính trần thế của họ và theo lối sống khác biệt của họ, mời gọi họ khám phá những phương thức mới để thực thi cùng một đoàn sủng và cùng một sứ vụ. Như vậy, một cộng đoàn tu trì trở thành trung tâm chiếu toả, một sức mạnh thiêng liêng, một trung tâm của nhiệt tình, của tình huynh đệ phát sinh tình huynh đệ, và của sự hiệp thông và cộng tác trong Giáo Hội, nơi đó những đóng góp khác nhau của mỗi người giúp xây dựng Thân Thể Đức Ki-tô, tức là Giáo Hội.
Dĩ nhiên, sự cộng tác chặt chẽ phải được thực hiện với lòng kính trọng ơn gọi của nhau, và những lối sống khác biệt phù hợp với người tu trì và phù hợp với người giáo dân.
Một cộng đoàn tu trì có những nhu cầu riêng của mình về hứng khởi, thời biểu, kỷ luật và sự cách biệt (86), nên không thể chấp nhận được những hình thức cộng tác bao hàm việc đồng cư và sống chung giữa tu sĩ và giáo dân, kể cả khi những sắp xếp như thế có định rõ những điều kiện cần phải được tôn trọng.
Nếu không, một cộng đoàn tu trì sẽ đánh mất đặc điểm riêng của mình mà cộng đoàn có trách nhiệm phải duy trì bằng cách tuân giữ đời sống chung.
KẾT LUẬN
71. Cộng đoàn tu trì, xét như là một cách biểu lộ Giáo Hội, là hoa quả của Chúa Thánh Thần, và là sự tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi. Vì thế, mọi tu sĩ đều phải cảm thấy mình đồng trách nhiệm đối với đời sống huynh đệ cộng đoàn, ngõ hầu bộc lộ việc họ thuộc về Đức Ki-tô, Đấng đã chọn và kêu gọi các anh em và chị em sống với nhau nhân danh Người.
“Hiệu quả của đời sống tu trì tuỳ thuộc vào phẩm chất của đời sống huynh đệ cộng đoàn. Hơn nữa, đặc điểm của phong trào canh tân trong Giáo Hội và trong đời tu là tìm kiếm sự hiệp thông và cộng đoàn” (87).
Đối với một vài tu sĩ và một vài cộng đoàn, công việc khởi sự tái xây dựng nếp sống huynh đệ cộng đoàn có vẻ là một chuyện chán nản, thậm chí không tưởng. Đứng trước một số vết thương trong quá khứ và những khó khăn trong hiện tại, công việc có vẻ vượt quá các khả năng của con người yếu đuối.
Vấn đề là suy tư trong đức tin về ý nghĩa thần học của đời sống huynh đệ cộng đoàn, của việc xác tín rằng chứng tá sự thánh hiến tuôn trào từ đời sống đó.
Đức Thánh Cha nói : “Câu trả lời cho lời mời gọi cùng với Chúa kiên trì xây dựng cộng đoàn mỗi ngày diễn ra trên đường thánh giá ; câu trả lời này đòi hỏi phải bỏ mình thường xuyên” (88).
Hiệp với Đức Ma-ri-a, Thân Mẫu Đức Giê-su, các cộng đoàn chúng ta kêu cầu Chúa Thánh Thần, Đấng có sức mạnh kiến tạo các cộng đoàn huynh đệ có khả năng toả chiếu niềm vui của Tin Mừng và có thể lôi cuốn những môn sinh mới, theo gương cộng đoàn tiên khởi : “Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2,42), “Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa : đàn ông đàn bà đông vô kể” (Cv 5,14).
Nguyện xin Đức Ma-ri-a quy tụ các cộng đoàn tu trì và trợ giúp họ hằng ngày nhờ lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần, Đấng là dây liên kết, là men và là nguồn mạch của mọi sự hiệp thông huynh đệ.
Ngày 15 tháng 1 năm 1994, Đức Thánh Cha đã châu phê văn kiện này của Bộ các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, và đã ban phép công bố.
Rô-ma, ngày 2 tháng 2 năm 1994,
lễ dâng Chúa trong đền thờ
Hồng Y Eduardo Martinez Somalo, Tổng Trưởng
Francisco Javier Errázuriz Ossa, Tổng thư ký
———————
(72) Ki-tô hữu giáo dân 32 ; xc. LM 2.
(73) GH 46a.
(74) X. LH 30b, 47.
(75) LH 49-50.
(76) HL 93.
(77) X. Santo Domingo 85.
(78) X. TT 6 ; LB 69 ; Santo Domingo 92.
(79) X. HL 28.
(80) X. CT 40.
(81) YT III, s. 12.
(82) X. GL 665, §1.
(83) X. GL 678, §1.
(84) DT 15a.
(85) X. DT 21 và 22.
(86) X. GL 667, 607 §3.
(87) Đức Gio-an Phao-lô II, gửi phiên họp khoáng đại Bộ các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, 20-11-1992.
(88) Như trên, số 2.