Những văn kiện của Huấn quyền cận đại về thánh Giuse

0
2444

Phan Tấn Thành

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, trong các tín biểu (Kinh Tin kính),  Giáo hội đã tuyên xưng  chân lý đức tin về đức Maria thụ thai Chúa Giêsu do quyền năng Thánh Thần, và thực sự là thân mẫu của Con Thiên Chúa nhập thể (công đồng Êphêsô năm 431). Những chân lý này nằm trong truyền thống các thánh tông đồ. Vào thời cận đại, huấn quyền đã tuyên bố tín điều đức Maria vô nhiễm nguyên tội (1854) và hồn xác lên trời (1950).

Tuy nhiên Huấn quyền không tuyên bố tín điều nào về thánh Giuse, tuy một cách gián tiếp, thánh nhân được nhắc tới trong tín điều  về Đức Maria thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, và tín điều về Đức Maria trọn đời đồng trinh.

Huấn quyền giữ thái độ im lặng đối với thánh Giuse mãi đến những thế kỷ gần đầy khi thánh nhân được suy tôn làm Đấng Bảo trợ của Hội thánh[1], bắt đầu từ đức thánh cha Piô IX. Trước tiên, chúng ta sẽ điểm qua những văn kiện chính, sau đó chúng ta sẽ dừng lại phân tích tông huấn Redemptoris Custos.

I. Những văn kiện của Huấn quyền cận đại về thánh Giuse

1/ Đức Piô IX (1846-1878)

– Sắc lệnh của bộ Nghi lễ Inclytus Patriarcha Joseph (10/9/1847), mở rộng ra toàn thể Giáo hội lễ kính thánh Giuse bảo trợ (trước đây đã được cử hành tại vài địa phương và dòng tu), được cử hành vào thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh. Đây là lần đầu tiên, một văn kiện Toà thánh trình bày những nguyên tắc thần học về thánh Giuse.

– Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870) tuyên bố thánh Giuse bảo trợ  Hội thánh, đáp lại lời thỉnh cầu của công đồng Vaticanô I[2]. Tổ phụ Giuse trong Cựu ước là hình ảnh của thánh Giuse, được đặt lên làm quản trị tài sản hoàng gia và phân phát lương thực; Thiên Chúa cũng trao cho thánh Giuse việc chăm sóc những nhu cầu của Hội thánh.

2/ Đức Lêô XIII (1878-1903)

– Quan trọng nhất là Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889). Trình bày những lý do vì sao Giáo hội nhận thánh Giuse làm bảo trợ. Lý do thứ nhất bởi vì thánh nhân được chia sẻ vào những ân huệ và phẩm giá của đức Maria, nhờ mối dây hôn nhân. Lý do thứ hai là bởi vì mối tương quan hiền phụ với Chúa Giêsu: thánh nhân luôn luôn được Chúa Giêsu tỏ lòng tôn kính vâng phục. Lý do thứ ba là những đức tính của thánh Giuse trong việc chu toàn trách nhiệm với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Người vẫn tiếp tục vai trò bảo vệ Thánh gia được nối dài nơi Hội thánh. Tất cả mọi tầng lớp xã hội đều có thể chạy đến thánh Giuse: các gia trưởng, các đôi bạn, các người trinh khiết, các giới thượng lưu cũng như giới lao động. Thông điệp kèm theo kinh khẩn cầu  thánh Giuse che chở Hội thánh, được đọc trong tháng Mười cùng với kinh Mân côi.

– Tông thư Neminem fugit (14/6/1892) thiết lập hiệp hội các gia đình được dâng hiến cho Thánh Gia.

3/ Đức Piô X (1901-1914)

Lòng tôn kính thánh Giuse của vị giáo hoàng này phần nào bắt nguồn từ tên riêng của mình (Giuseppe Sarto). Ngài phê chuẩn kinh cầu thánh Giuse (18/3/1909).

4/ Đức Bênêđictô XV (1914-1922)

– Phê chuẩn kinh Tiền tụng thánh Giuse trong Sách Lễ Rôma (9/4/1919)

– Tự sắc Bonum sane (25/7/1920), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thánh Giuse được tôn phong Bảo trợ  Hội thánh. Nhắc lại tầm quan trọng của việc cầu khẩn thánh Giuse để đáp lại những nhu cầu của thế giới sau thế chiến thứ nhất. Ngoài mẫu gương nhân đức cho giới lao động, thánh Giuse còn được giới thiệu như là bảo trợ  những người sắp qua đời.

5/ Đức Piô XI (1922-1939)

– Huấn dụ ngày 19/3/1935, nêu bật mối liên hệ của thánh Giuse với sự hiệp nhất ngôi vị (unio hyposthatica) của Ngôi Lời nhập thể.

– Thông điệp Ad sacerdotii catholici (20/12/1935) nói đến Chúa Giêsu đã được đào tạo ở Nazareth bởi đức Maria và thánh Giuse, cả hai người đều trinh khiết.

– Thông điệp Divini Redemptoris (19/3/1937) trình bày thánh Giuse như khuôn mẫu cho giới lao động.

6/ Đức Piô XII (1939-1958)

Thiết lập lễ thánh Giuse lao động, và phê chuẩn những bản văn phụng vụ dùng vào dịp lễ (ngày 1/5/1955). Lễ này thay thế lễ thánh Giuse bảo trợ Hội thánh.

7/ Đức Gioan XXIII (1958-1963)

Hơn một lần, ngài đã nhắc nhớ rằng Giuse là tên thứ hai của mình (Angelo Giuseppe Roncalli). Hai sự kiện đáng ghi nhớ:

– Tông thư Le voci triệu tập công đồng Vaticanô II (19/3/1961) đặt công đồng dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Nhắc lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò của thánh Giuse đối với Giáo hội.

– Sắc lệnh Bộ Nghi lễ (13/11/1962), ghi tên thánh Giuse vào Lễ quy Rôma.

8/ Đức Phaolô VI (1963-1978)

Nhiều lần nói đến thánh Giuse trong các bài giảng hay huấn từ nhân lễ kính thánh nhân ngày 19/3 và 1/5. Nổi tiếng là bài suy niệm tại Nazareth (5/1/1964) nhân dịp hành hương kính viếng Thánh địa (được trích dẫn trong bài đọc Giờ Kinh Sách lễ Thánh gia).

9/ Đức Gioan Phaolô II (1978-2005)

– Nhiều lần đề cập đến thánh Giuse trong các bài giảng nhân dịp lễ vào ngày 19 tháng 3, nêu bật vai trò của Người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (1982) và trong Hội thánh (năm 1993 và 2001 ; 26/3/2003), cũng như những nhân đức nổi vượt, tựa như tín thác (1980), tin và cầu nguyện (1983). Thánh nhân cũng trở nên mẫu gương cho đời sống gia đình (năm 1981, 1987, 1993, 1999).

– Thánh Giuse được nhắc đến trong nhiều văn kiện: thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979) số 9; thông điệp Laborem exercens (14/9/1981) số 26; tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981) số 86; thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1986) số 18 và 49; thông điệp Redemptoris mater (25/3/1987) khi ôn lại các biến cố thời thơ ấu của Chúa Giêsu;  tông huấn Christifideles laici (30/12/1988); tông huấn Vita consecrata (25/3/1996) số 28.

– Văn kiện quan trọng nhất là tông huấn Redemptoris Custos sẽ được trình bày dưới đây[3].

10/ Đức Bênêđictô XVI (2005-2013)

Tên riêng là Joseph Ratzinger.  Ngài đã dành một suy niệm ngắn về thánh Giuse trong huấn từ chúa nhật thứ IV mùa Vọng năm 2005 (19/12) về sự thinh lặng, và nhân ngày lễ kính thánh nhân 19/3/2006.

11/ Đức Phanxicô (với biểu tượng cây cam tùng tượng trưng thánh Giuse khắc trên huy hiệu) khai mạc chức vụ giám mục Roma vào lễ thánh Giuse với bài giảng nhấn mạnh đến vai trò chăm sóc (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, mọi người đặc biệt là người nghèo, vũ trụ). Tông thư Patris corde (ngày 8/12/2020) kỷ niệm 150 năm thánh nhân được tôn phong làm bổn mạng toàn thể Hội thánh.

II. Tông huấn Redemptoris Custos

Văn kiện quan trọng nhất của Toà thánh từ sau công đồng Vaticanô II là tông huấn Redemptoris custos  của đức thánh cha Gioan Phaolô II, được ban hành ngày 15/8/1989, để kỷ niệm 100 năm thông điệp Quamquam pluries của đức thánh cha Lêô XIII (15/8/1889). Chúng tôi xin giới thiệu những nét đại cương.

A. Chiều hướng: Chương trình cứu độ

1/ Tựa đề của văn kiện này Redemptoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu thế) gợi lên nhiều văn kiện khác của đức thánh cha Gioan Phaolô II cũng mang danh từ “Redemptor”: thông điệp  Redemptor hominis (3/3/1979), về Chúa Kitô ; thông điệp  Redemptoris Mater (25/3/1987) về đức Maria ; rồi sau đó là thông điệp Redemptoris Missio (7/12/1990) về hoạt động truyền giáo[4].

2/ Phụ đề của tông huấn “về dung mạo và sứ mạng của thánh Giuse trong cuộc đời của Chúa Giêsu và của Hội thánh” xác định rõ hơn viễn tượng của văn kiện này, đó là tìm hiểu vai trò của thánh Giuse trong kế hoạch cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô và tiếp tục nơi Hội thánh.

3/ Những tư tưởng then chốt. Kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha được thực hiện qua mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua của đức Kitô. Mầu nhiệm Nhập thể là nền tảng cho mầu nhiệm Vượt qua. Do sự gắn bó chặt chẽ của các mầu nhiệm đó trong nhiệm cục cứu độ cho nên tuy thánh Giuse tham dự vào mầu nhiệm Nhập thể hơn là mầu nhiệm Vượt qua nhưng Người cũng đáng được mang danh hiệu là “Đấng gìn giữ Chúa Cứu thế” và “thừa tác viên của ơn cứu độ” (redemptoris custos, minister salutis)[5]. Người đã  cộng tác vào việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể bằng việc đảm nhận chức vụ làm chồng của Đức Maria và cha của đức Giêsu. Nhằm chu toàn sứ mạng đó, thánh Giuse đã được chuẩn bị tâm hồn với những nhân đức thích ứng, cách riêng là yêu thương, tận tụy, chiêm niệm. Thánh Giuse vẫn còn tiếp tục sứ mạng của mình trong Hội thánh. Mặt khác, Hội thánh cũng nhận thấy nơi Người tấm gương trong việc thực thi cùng một sứ mạng là phục vụ nhiệm cục cứu độ.

B. Bố cục

Tông huấn gồm nhập đề và 6 chương. Chương Một và Chương Hai có thể coi như một thứ “lectio divina”, suy gẫm những đoạn văn Tân ước bàn về thánh Giuse. Những chương kế tiếp đào sâu vài chủ đề về hôn nhân gia đình (ch.3), lao động (ch.4), lắng nghe tiếng Chúa (ch.5).

Nhập đề (số 1): Giải thích lý do ban hành tông huấn

Chương Một: Khung cảnh của Tin Mừng

Phân tích cảnh truyền tin của sứ thần (Mt 1,18-25), khởi đầu của sứ mạng thánh Giuse: chồng của đức Maria thân mẫu của đức Giêsu (số 2-3). So sánh với cảnh truyền tin cho đức Maria, chúng ta nhận thấy điểm tương đồng là sự tuân phục lời Chúa bằng đức tin.

Chương Hai: Người được ký thác mầu nhiệm của Thiên Chúa

Vai trò của thánh Giuse đối với Đức Maria và Chúa Giêsu dựa theo các trình thuật Phúc âm (số 7-8), được ví như “hành trình đức tin” (số 4-6), trải qua những chặng đường của Chúa Cứu thế: về Bêlem để kiểm tra dân số (số 9), Chúa giáng sinh (số 10), cắt bì và đặt tên cho hài nhi (số 11-12), dâng hài nhi vào đền thánh (số 13), lánh nạn sang Ai-cập (số 14), tìm lại hài nhi lạc trong đền thánh (số 15), trở về Nazareth (số 16).

Thánh Giuse hiện diện bên cạnh Chúa Cứu thế như một kẻ phục vụ ơn cứu độ trong cương vị người làm cha.

Chương Ba: Người công chính – vị hôn phu (số 17-21)

Chương này phân tích mối tương quan của thánh Giuse với đức Maria. Hôn nhân giữa hai vị làm nổi bật yếu tính của hôn nhân là “ý hợp tâm đầu” (liên kết tinh thần hoặc liên kết tâm hồn).

Chương Bốn: Lao động, biểu hiện của tình yêu

Ý nghĩa của lao động như là biểu hiện của tình yêu và phương tiện nên thánh: thánh Giuse trở nên mẫu gương cho những người làm môn đệ Chúa qua công việc thầm lặng thường nhật (số 22-24).

Chương Năm. Ưu tiên của đời sống nội tâm

Giữa công việc hàng ngày, thánh Giuse vẫn duy trì được sự thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Người trở nên gương mẫu của đời nội tâm (số 25-27), như thánh Têrêsa Avila đã lưu ý.

Chương Sáu. Đấng Bảo trợ Hội thánh thời nay

Vào buổi khó khăn của thời cận đại, các đức Giáo hoàng Piô IX, Lêo XIII, Phaolô VI đã xin thánh Giuse bảo trợ Giáo hội. Thánh nhân luôn là kẻ che chở Hội thánh trong công cuộc truyền giảng Tin mừng.

C. Nhận xét về những nguồn dữ liệu

Những suy tư của tông huấn dựa trên những dữ kiện của Thánh Kinh và Thánh Truyền được trưng dẫn nhiều lần.

1/ Kinh thánh

– Nói chung: trưng dẫn minh thị 80 lần trong bản văn, 4 lần gián tiếp trong các chú dẫn

– Cựu ước: 2 lần minh thị: St 17,13 (số 11, đối chiếu giao ước với Abraham và giao ước mới của Đức Kitô);  Hs 11,1 (số 14, lấy lại của Mt 2,14-15); 2 lần ám tàng: St 3,1-24 (Đối chiếu Adam – Eva với Maria – Giuse, ở số 7); tổ phụ Giuse (chú dẫn số 4).

– Tân ước: Nhiều nhất là Luca (30 lần) và Matthêu (21 lần). Các tác phẩm khác: Ep (6 lần), Rm (4 lần), Cv (2 lần), Dt (2 lần), 1 Cr (2 lần) 2 Cr (2 lần), Gl – Pl – 1 Pr – 2 Pr (1 lần).

 Các bản văn Phúc âm được trích dẫn nhiều hơn cả ở chương Hai (30 lần), chương Một (12 lần), chương Ba (11 lần), chương Sáu (3 lần), chương Năm (2 lần), chương Bốn (1 lần).

2/ Giáo phụ và Tiến sĩ

– Thánh Augustinô 9 lần ở số 7 liên quan đến hôn nhân của Đức Mẹ và thánh Giuse.

– Origène: 2 lần ở số 8 và 9 (nota 27 ; 28).

– Thánh Irênêô và thánh Gioan kim khẩu được trưng dẫn gián tiếp ở số 1 (nota 1+ 4).

– Thánh Tôma Aquinô (được trưng dẫn 4 lần)[6]. Đaọ lý của vị này được coi như tổng hợp của truyền thống Kitô giáo về các chân lý căn bản liên can đến hôn nhân giữa thánh Giuse và đức Maria (nota 15, Summa Theologica III, q.29, a.2), kèm theo các tác phẩm của thánh Augustinô. Đặc biệt ở chương Năm, “Ưu tiên của đời sống nội tâm”, thánh Tôma được trưng dẫn 3 lần (nota 38, 39, 41), để trình bày:

a/  khái niệm về lòng đạo đức (devotio: II-II, q.83, a.3, ad 2m), hệ tại tâm tình sẵn sàng phục vụ Chúa;

b/ sự tiếp xúc với nhân tính đức Kitô dẫn đưa tới sự kết hiệp với thiên tính (III, q.8, a.1, ad 1m);

c/  sự hài hòa giữa lòng yêu mến chân lý (caritas veritatis) với đòi hỏi của lòng yêu mến (necessitas caritatis), được thánh Tôma đề cập ở II-II, q.182, a.1, ad 3m.

3/ Phụng vụ

– Lịch sử các lễ kính thánh Giuse: (số 6 ; 16 ; 21 ; 22 ; 29).

– Bản văn phụng vụ lễ kính thánh Giuse và lễ ngoại lịch: (số 8 ; 31).

– Bản văn lễ Đức Mẹ (mầu nhiệm Nazareth): số 20

4/ Huấn quyền

Tông thư trích dẫn các văn kiện của công đồng Vaticanô II (Lumen Gentium, Dei Verbum), của các giáo hoàng tiền nhiệm, hoặc những văn bản chính thức (thông điệp Quamquam pluries, sắc lệnh Quemadmodum Deus) hoặc những huấn từ, bài giảng (của đức Piô XII nota 26; Gioan XXIII nota 35; Phaolô VI, nota 16, 22, 36, 47), và kể cả vài văn kiện của chính đức Gioan Phaolô II.

Dù sao, nên lưu ý là tông thư không hề nhắc tới các lưu truyền từ các ngụy thư, lại càng không trích dẫn các thứ “mạc khải tư”.

—————————-

[1] B. Burkey, Pontificia Josephina. Documents of the Holy See concerning St Joseph and his Cultus, in: Cahiers de Joséphologie, vol. X (1962)

[2] Các nghị phụ đã trình hai thỉnh nguyện (postulatum), một mang chữ ký của 153 giám mục, một mang chữ ký của 43 bề trên tổng quyền Dòng tu. Cũng nên biết là cha Marie Jean Joseph Lataste O.P. (1832-1869), – vị sáng lập Dòng các nữ tu Béthanie chuyên về mục vụ các thiếu nữ  lạc đường-, đã tình nguyện hiến dâng mạng sống để xin đức giáo hoàng Piô IX tôn phong thánh Giuse làm quan thầy Hội thánh. Lúc ấy bề trên tổng quyền của Dòng là cha A.J. Jandel. Cha có ký thỉnh nguyện lên công đồng cùng với các nghị phụ, nhưng không biết đến sáng kiến của cha Lataste. Mãi sau này cha Jandel mới được Đức Thánh Cha thông tri. T. M. Sparks, Devotion to St. Joseph in the Dominican Family in the 19th century, in: Cahiers de Joséphologie 43 (1995) p.290

[3]  Trong sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, chúng ta gặp thấy nhiều nhân vật mang tên Giuse: tổ phụ Giuse trong Cựu ước  (số 312), ông Giuse người anh em họ với Chúa Giêsu (số 500), ông Giuse Aritmatêa (số 595). Thánh Giuse được nói đến trong phần Một, về mầu nhiệm Nhập thể: khi nói đến danh tánh Giêsu (437; 1846); trong cảnh thiên sứ truyền tin cho đức Maria (số 488) và cho thánh Giuse (số 497; khi nói về cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu (số 534; 564), cảnh tìm lại  trong đền thờ (534). Thánh Giuse cũng được nhắc đến như bằng chứng của việc Chúa Giêsu tuân giữ luật Môsê. Trong phần II, khi nói đến bí tích hôn nhân, mẫu gương thánh gia được đề cao như Giáo hội gia thất (số 1655).. Sách Giáo lý nhắc đến lễ thánh Giuse  được kể vào số các  lễ buộc (số 2177).

[4] Lưu ý: từ ngữ ?Cứu đo? trong tiếng Việt dùng để dịch hai từ ngữ khác nhau trong tiếng Latinh: 1/ Salvator (Pháp: Sauveur; Anh: Saviour); 2/ Redemptor (Pháp: Rédempteur; Anh: Redeemer). Từ thứ nhất (salvare) nói lên sự ?cứu? khỏi cơn lâm  nguy; từ thứ hai (redimere) gợi lên ý tưởng ?chuộc? (mua lại).

[5] Redemptoris Custos: kẻ giữ gìn (hộ thủ) Đấng Cứu thế. Minister salutis: người thừa tác (phục vụ) ơn cứu độ (xc. số 8). Diễn ngữ này đã được thánh Gioan Kim Khẩu sử dụng.

[6]Tarcisio Stramare, La presenza di san Tommaso nell’esortazione apostolica  Redemptoris Custos , in: AA. VV.  S. Tommaso Teologo, Libreria ed. Vaticana 1995 (Studi Tomistici, vol.59), p.310-319. Fernando Soria Heredia,  Presencia de Santo Tomás en la Redemptoris Custos, in: Estudios Josefinos 44 (1990), 195-203.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here