Thời sự Thần học, số 86 (tháng 11/2019), trang 64-76
Trong bài này, ba tác giả sẽ lần lượt trình bày giáo huấn của Giáo hội Công giáo về truyền giáo trải qua ba giai đoạn:
I. James Kroeger, MM (giáo sư tại Loyola School of Theology Manila), “Năm thông điệp truyền giáo (1919-1959): Maximum Illud (1919), Rerum Ecclesiae (1926), Evangelii Praecones (1951), Fidei Donum (1957), và Princeps Pastorum (1959)”.
II. Stephen B. Bevans, SVD (giáo sư tại Catholic Theological Union, Chicago): “Công đồng Vaticanô II. Sắc lệnh Ad gentes”.
III. Roger P. Schroeder, SVD (giáo sư tại Catholic Theological Union, Chicago): “Sau công đồng Vaticanô II: Tông huấn Evangelii nuntiandi (1975). Thông điệp Redemptoris missio (1990). Văn kiện Đối thoại và Loan truyền (1991)”.
Nguồn: Stephen B. Evans (ed.), A Century of Catholic Mission, Roman Catholic Missiology 1910 to the Present, Regnum Books International, Oxford 2013, p.93-120.
———————–
Phần I. Năm thông điệp về truyền giáo (1919-1959)
James Kroeger, MM
Những viễn tượng mới của Công đồng Vaticanô II (1962-1965) về sứ mạng truyền giáo của Hội thánh đã được chuẩn bị hàng chục năm trước bằng nhiều cảm nghiệm và suy tư về truyền giáo. Kinh nghiệm phong phú này thường được tích lũy trong một vài văn kiện ghi mốc điểm. Trong tiền bán thế kỷ XX, những viễn cảnh về truyền giáo có thể tìm thấy trong năm thông điệp của các vị giáo hoàng: Maximum Illud (1919), Rerum Ecclesiae (1926), Evangelii Praecones (1951), Fidei Donum (1957), và Princeps Pastorum (1959).
Dĩ nhiên các văn kiện này cần được lồng trong bối cảnh của lịch sử cũng như của những suy tư thần học vào tiền bán thế kỷ XX, tiếc rằng khuôn khổ của bài viết không cho phép khai triển khía cạnh này. Chúng tôi chỉ giới hạn vào việc phân tích nội dung mà thôi.
1. Maximum Illud
Thông điệp truyền giáo thứ nhất vào thời cận đại là Maximum Illud (MI)[1] (Quảng bá đức tin công giáo) được ĐTC Bênêđictô XV ban hành ngày 30-11-1919. Thông điệp MI được đặt tên là “Hiến chương” truyền giáo của thời cận đại. Ảnh hưởng của nó có thể thấy qua những lần được trích dẫn trong các văn kiện truyền giáo tiếp theo.
Khung cảnh ra đời của văn kiện này thật đầy ý nghĩa. Thế chiến thứ nhất (1914-1918) vừa chấm dứt, để lại nhiều vết tích tàn phá, kể cả nỗ lực truyền giáo. Thông điệp muốn khơi dậy những dự án truyền giáo bị đình trệ bởi chiến tranh. Ngoài ra, thời kỳ hậu chiến đã chứng kiến sự phát triển đáng kể của ngành truyền thông xã hội.
ĐTC Bênêđictô XV tuyên bố hai mục đích của bức thư này: cổ vũ việc lãnh đạo truyền giáo và khuyến khích các phương pháp truyền giáo. Ngỏ lời trực tiếp với những người đang tham gia công cuộc truyền giáo, Đức thánh cha lưu ý những vị lãnh đạo các địa điểm truyền giáo hãy cư xử hợp với đức khôn ngoan và bác ái, luôn tìm cách phát triển các công cuộc truyền giáo. Họ hãy biết mở rộng cửa để đón nhận sự trợ lực của những người làm việc tông đồ, kể cả những người không thuộc cùng một hội dòng với mình, cũng như cần phải nhìn nhận và cổ động công việc của các nữ tu.
Các vị thừa sai được khuyến khích hãy tăng trưởng về đời sống thánh thiện, bắt chước mẫu gương của Chúa Giêsu và các thánh Tông đồ. Họ hãy năng suy gẫm về ơn gọi cao quý và rực rỡ của minh. Thông điệp nhìn nhận những gian nan mà các thừa sai phải gánh chịu trong công cuộc quảng bá đức tin, đồng thời cũng mạnh mẽ nhắc nhở họ hãy tránh phục vụ những ích lợi của quê hương mình. Nhà thừa sai hãy luôn luôn nhớ rằng mình không làm việc như là nhân viên của quê hương mình, nhưng là sứ giả của Chúa Kitô. Các nhà thừa sai phải được huấn luyện cẩn thận và chu đáo, đặc biệt là về truyền-giáo-học; họ không thể chỉ thỏa mãn với việc nói lõm bõm tiếng địa phương, nhưng phải nói thật trôi chảy lưu loát.
Một điểm nhấn đặc biệt của MI là việc phát triển hàng giáo sĩ bản xứ: cần phải chú ý đến việc đào tạo các ứng sinh lãnh chức thánh, bởi vì đây là niềm hy vọng lớn nhất của các giáo hội trẻ. Tại sao vậy? Bởi vì linh mục địa phương, cùng dòng giống, cùng văn hóa, cùng khát vọng với đồng bào của mình thì dễ gần gũi với tâm thức của họ và thu hút họ về đức tin.
Hàng giáo sĩ địa phương cần được huấn luyện kỹ lưỡng. Đừng đào tạo họ đủ để thi hành những công việc tầm thường, dường như chỉ là phụ tá cho các thừa sai ngoại quốc. Không nên có một hàng giáo sĩ địa phương tầm thường.
Thông điệp kêu gọi toàn thể Giáo hội hãy cộng tác vào việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, nhân sự và tài chính. Các công tác của Hội Truyền bá đức tin đáng được nâng đỡ và hỗ trợ. “Thần học truyền giáo” của thông điệp vẫn còn chịu ảnh hưởng đương thời, với viễn tượng là “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (extra ecclesiam nulla salus). ĐTC Benêđictô XV cũng ký thác các nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội, cho Đức Thánh Mẫu, Nữ vương các thánh Tông đồ.
2. Rerum Ecclesiae
Bảy năm sau Maximum Illud, vào ngày 28-2-1926, ĐTC Piô XI ban hành thông điệp Rerum Ecclesiae (RE: Cổ vũ lòng hăng say truyền giáo)[2], tiếp nối tư tưởng của vị tiền nhiệm tuy cũng khai triển thêm một vài chi tiết.
Đức thánh cha mở đầu với việc khẳng định lòng hăng say truyền giáo, và không bỏ qua bất cứ việc gì có thể mang ánh sáng Tin mừng cho dân ngoại. Để thực hiện điều này, ngài thấy cần một số thừa sai đông đảo hơn, và các giáo dân cần phải ý thức hơn về bổn phận của mình đối với việc truyền giáo.
Thông điệp xác định rõ mục tiêu của công tác truyền giáo. “Mục tiêu của công cuộc truyền giáo là gì nếu không phải là thiết lập Hội thánh Chúa Kitô tại nhiều nơi hơn nữa?” Vì thế, Đức thánh cha muốn cổ võ việc xây dựng Giáo hội tại những dân tộc chưa thuộc về Kitô giáo. Nói cách khác, ngài cho rằng bổn phận đầu tiên của các nhà truyền giáo là tổ chức Giáo hội hữu hình và thành lập các chủng viện.
Với điểm nhấn như vậy, văn kiện này thúc đẩy việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ, đã được nói đến trong thông điệp Maximum Illud. Không được khước từ thâu nhận các thanh thiếu niên bản xứ làm linh mục; không được coi hàng giáo sĩ bản xứ là thua kém hàng giáo sĩ nước ngoài hoặc chỉ giao cho họ những công tác tầm thường; không được kỳ thị hoặc phân biệt giai cấp giữa những người Âu với hàng giáo sĩ bản xứ. Cần phải cổ động các cộng đồng tu sĩ bản xứ và các ơn gọi chiêm niệm.
Đức thánh cha cũng đưa ra vài lời khuyên thực tiễn: công cuộc truyền giáo cần phải được quản trị khoa học; chứng tá của các vị thừa sai rất có ảnh hưởng bởi vì việc bác ái dễ thu phục lòng người. Các thừa sai hãy tránh xây dựng những công trình sang trọng và tốn kém. Nên cất những viện mồ côi, bệnh viện, phòng phát thuốc. Các dòng tu nên nhớ rằng họ không có danh nghĩa nào để nắm độc quyền hoặc vĩnh viễn các lãnh thổ truyền giáo.
Được coi như “giáo hoàng của công cuộc truyền giáo, ĐTC Piô XI đã bắt tay vào nhiều dự án quan trọng: cổ võ cuộc triển lãm truyền giáo quốc tế (năm 1925), và trở thành cố định vào năm 1927 việc thành thành lập viện Bảo tàng dân-tộc-học truyền giáo, (ngày nay đặt trong thư viện Vatican); thiết lập Chúa nhật truyền giáo (1926); phê duyệt hai phân khoa truyền giáo học tại Rôma (đại học Gregoriana năm 1932 và đại học Urbaniana năm 1933). Đức Piô XI cũng còn được nhắc đến như là người cổ động hàng giáo phẩm bản xứ, và ngài đích thân truyền chức cho các giám mục tiên khởi của Trung hoa, Ấn độ, Nhật bản.
3. Evangelii Praecones
Thông điệp truyền giáo thứ ba trong vòng 35 năm, được ĐTC Piô XII ban hành ngày 2-9-1951[3] nhằm kỷ niệm giáp 25 năm thông điệp Rerum Ecclesiae. Trong suốt triều đại khá dài (1939-1958), đức Piô XII đã viết 10 văn thư có liên quan đến truyền giáo, mà Evangelii praecones (EP) là tác phẩm đặc trưng.
Đức cha Fulton J. Sheen, giám đốc hội Truyền bá đức tin tại Hoa kỳ thời ấy, đã phân chia thông điệp thành ba mục lớn: mục I cho thấy tình trạng hiện tại của công cuộc truyền giáo; mục II đề ra bảy nguyên lý và quy tắc cho hoạt động truyền giáo; mục III phác họa bảy hình thức để hỗ trợ công cuộc truyền giáo.
Mở đầu, Đức thánh cha suy nghĩ về những bước tiến của hoạt động truyền giáo, qua những bản thống kê, về con số tín đồ Công giáo trên thế giới, số các linh mục, sự tăng gia các giám mục bản xứ. Cùng với sự tiến triển này, có những thách đố cần phải đương đầu, chẳng hạn như phong trào giành độc lập, cuộc cánh mạng cộng sản.
Các nguyên lý và quy tắc cho hoạt động truyền giáo là: (1) quê hương của vị thừa sai là xứ người mà mình đang phục vụ, và xứ người phải trở nên quê hương của mình; (2) các thừa sai cần được huấn luyện chuyên môn; (3) các thừa sai cần quan tâm đến việc thiết lập hàng giáo sĩ và giáo phẩm bản xứ; (4) các thừa sai cần biết dùng sự cộng tác của các giáo dân; (5) bắt tay vào việc cải tổ xã hội theo sự đòi hỏi của công bình và bác ái; (6) cần có sự hợp tác giữa các hội truyền giáo; (7) thánh hóa các chân lý ngoại đạo.
Có lẽ điều mới mẻ nhất của EP là việc nhấn mạnh đến việc bảo tồn những yếu tố tích cực trong các phong tục cổ kính của các dân tộc, và cụ thể là: học thuật, mỹ thuật. “Giáo hội không muốn bứng nhổ các truyền thống tốt đẹp, công trình mỹ thuật của bất cứ dân tộc nào. Nhiệm vụ của Giáo hội là duy trì, nâng cao và thánh hóa chúng theo tinh thần của Tin mừng”.
Bảy điều hỗ trợ cho hoạt động truyền giáo là: (1) Việc cầu nguyện của tất cả mọi tín hữu; (2) Nuôi dưỡng linh mục bản xứ; (3) Nhiệt tình của hàng giáo sĩ; (4) Việc cầu nguyện và hy sinh của các thiếu nhi; (5) Các phụ nữ trong các hội đạo đức; (6) Cỗ võ ơn gọi (7) Đóng góp tiền của. Thông điệp cũng nói đến những cuộc bách hại ở Trung hoa và Triều tiên, vai trò của Công giáo tiến hành, tầm quan trọng của các tổ chức từ thiện bác ái.
Về mặt thần học, thông điệp dựa trên tư tưởng “Nhiệm thể Chúa Kitô” và tín điều “sự hiệp thông các thánh”.
4. Fidei Donum
Một năm trước khi băng hà, ĐTC Piô XII đã ký thông điệp truyền giáo thứ hai, vào ngày 21-4-1957, trùng với chúa nhật Phục sinh, nhằm nêu bật mối tương quan giữa việc truyền giáo với biến cố Phục sinh và Ngũ tuần. Fidei Donum (FD 1957) là một văn kiện tương đối ngắn[4], nhấn mạnh đến những nhu cầu khẩn cấp của châu Phi.
Thông điệp được chia làm bốn phần. Phần Một trình bày tình trạng Giáo hội tại Phi châu, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhiều quốc gia trẻ đang phải đương dầu với những biến đổi về xã hội, kinh tế, chính trị có ảnh hưởng đến tương lai. 85 phần trăm dân số vẫn còn ở ngoài Kitô giáo, trong khi đạo Islam đang bành trướng. Con số linh mục cũng suy giảm so với số các tín hữu.
Trong bối cảnh này, ĐTC kêu gọi sự hợp tác của toàn thể Hội thánh (phần Hai và phần Ba), và nhấn mạnh rằng: tinh thần truyền giáo và tinh thần công giáo là một. Đặc tính công giáo là một thuộc tính của Giáo hội, và do đó, đòi hỏi sự trợ giúp của toàn thể Giáo hội.
Trong phần Bốn, thông điệp kết thúc với lời tri ân và hy vọng vào các nhà thừa sai, và thúc đẩu Giáo hội hãy nghe lời của Chúa Giêsu: “Tiến ra khơi” (Lc 5,4). Đức thánh cha vạch ra bảy lãnh vực mà Giáo hội châu Phi đang cần được quan tâm: (1) cổ động các ơn gọi truyền giáo tại các trường học và nhờ Công giáo tiến hành; (2) các giám mục cần tuyển lựa thêm các ơn gọi; (3) các giám mục cần gặp nhau để đương đầu với những thách đố chung; (4) sự hợp tác giữa các tổ chức truyền giáo; (5) mục vụ cho giới sinh viên rất cấp bách; (6) các linh mục nên tình nguyện phục vụ châu Phi; (7) các giáo dân có thể dấn thân tham gia truyền giáo.
Một hiệu quả bền vững của Fidei Donum là cử các linh mục giáo phận đi phục vụ miền truyền giáo trong một thời gian. Thể chế mang tên là các “linh mục Fidei Donum” bổ sung phần nào con số các thừa sai. Kết quả của những cuộc trao đổi này là siết chặt mối dây liên kết giữa các giáo hội địa phương cũng như thúc đẩy những sáng kiến mục vụ giữa châu Phi và nơi xuất xứ của các linh mục. Điều này là hệ luận của nguyên tắc được phát biểu trong thông điệp “Một cộng đoàn Kitô giáo cung cấp con cái của mình cho Giáo hội thì không thể nào chết được”.
5. Princeps pastorum
Được đắc cử vào lúc 77 tuổi, Đức giáo hoàng Gioan XXIII được xem như một con người thuộc giai đoạn chuyển tiếp. Thế những trong triều đại 5 năm (1958-1963), ngài đã để lại dấu ấn sâu xa trong Giáo Hội. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Maximum Illud, vào ngày 28-11-1959, ngài đã ký một thông điệp truyền giáo Princeps Pastorum, Thủ lãnh các mục tử (PP)[5].
Mở đầu, Đức Gioan XXIII đề cập đến những thành quả của 40 năm truyền giáo: việc thiết lập hàng giáo phẩm và các giáo sĩ tại những nơi trước đây được giao cho các thừa sai, kèm theo vài thống kê về sự tăng trưởng này. Ngài ghi nhận rằng người châu Á đầu tiên thụ phong giám mục vào năm 1923, và người châu Phi đầu tiên thụ phong giám mục vào năm 1939, nhưng đến năm 1959, đã có 68 giám mục Á châu và 25 giám mục Phi châu.
Trong bối cảnh này, Đức Gioan XXIII đưa ra những định hướng cho các giáo sĩ bản quốc và các thừa sai còn ở lại các Giáo hội trẻ: sự hợp tác huynh đệ giữa hàng giáo sĩ bản xứ với các thừa sai nước ngoài; sự đào tạo vững vàng về sự thánh thiện linh mục; việc học hỏi ngành truyền giáo học; tầm quan trọng của những trường học và trung tâm văn hóa; việc sử dụng các kỹ năng vào việc quảng bá đức tin; vai trò của giáo dân; tránh phong trào yêu nước cực đoan tại các giáo hội địa phương.
Những biến chuyển xảy ra trong vòng 40 năm tại các miền truyền giáo (1919-1959) mang nhiều ý nghĩa, bởi vì cho thấy các giáo hội trẻ đang tiến đến trình trạng trưởng thành. Đồng thời, sự chuyển mình từ quốc gia bị đô hộ sang quốc gia độc lập cũng đòi hỏi sự thay đổi trong quy chế của Giáo hội. Rõ ràng là bất cứ vết tích nào của thời “truyền giáo thuộc địa” cần phải được xóa bỏ.
Thông điệp Princeps Pastorum được ban hành vào tháng 11 năm 1959; ngay từ đầu năm ấy, Đức Gioan XXIII đã loan báo việc triệu tập Công đồng Vaticanô II. Thông điệp này đã chứa đựng vào hạt mầm canh tân, và dọn đường cho những quyết định của Công đồng về truyền giáo.
Tóm tắt và tổng hợp
Năm thông điệp trên đây gom lại khoảng độ 100 trang trong ấn bản chính thức đăng trên công báo Acta Apostolicae Sedis, nhưng không dễ gì tóm lại những ý tưởng chính. Ở đây chúng tôi chỉ muốn vạch ra vài đề tài nổi bật trong giáo huấn các giáo hoàng trước Công đồng Vaticanô II.
Dựa trên nội dung và mục lục của các thông điệp, có thể kể ra 10 đề tài thường được nhấn mạnh hơn cả: (1) bản tính truyền giáo của Hội thánh; (2) mục tiêu của công cuộc truyền giáo; (3) bản thân nhà thừa sai; (4) các giáo hội địa phương và hàng giáo sĩ bản quốc; (5) vai trò của giáo hoàng và các giám mục; (6) vai trò của vị lãnh đạo xứ truyền giáo; (7) các loại công tác truyền giáo; (8) các nhân đức của người truyền giáo; (9) sự trợ giúp của các hiệp hội giáo hoàng truyền giáo (10) các giáo dân tại vùng truyền giáo.
Nhìn dưới góc độ tiến triển, có thể nói rằng dưới nhiều khía cạnh, sắc lệnh của Công đồng Vaticanô II về hoạt động truyền giáo là hệ luận của các văn kiện nói trên đây. Để minh họa điều này, ta có thể so sánh giữa Ad gentes với giáo huấn của các giáo hoàng trước Công đồng. Việc thiết lập Giáo hội phải được coi là mục tiêu hàng đầu của công cuộc truyền giáo (AG 5), và điều này thường được diễn tả như là “vun trồng Giáo hội” (plantatio Ecclesiae: AG 6,19)[6]. Các nghĩa vụ của vị thừa sai đã được phác thảo, đặc biệt là ơn gọi nên thánh (AG 23-27). Sự hợp tác truyền giáo là điều thiết yếu để hoạt động truyền giáo thâu hoạch kết quả (AG 35-41). Cổ động sự tham gia của giáo dân (AG 41).
Dĩ nhiên, khi đi vào một vài vấn đề cụ thể, ta không thể nào mong đợi các thông điệp tiền Công đồng sẽ đưa ra một viễn tượng tiến bộ về việc truyền giáo. Những đề tài tựa như hội nhập văn hóa, đối thoại liên tôn, công bằng xã hội, đại kết chỉ xuất hiện vào thời Công đồng. Thần học về nguồn gốc Tam vị của sứ vụ sẽ chỉ gặp thấy nơi sắc lệnh Ad gentes. Tuy vậy, khi vạch ra con đường “minh tuệ” của Giáo hội về truyền giáo qua các thông điệp của các giáo hoàng dẫn tới cuộc canh tân của Công đồng, chúng ta không khỏi thán phục bước tiến triển dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh.
Khi bình luận về ảnh hưởng của các thông điệp truyền giáo nói trên, một tác giả ghi nhận rằng, chúng không thu hút được sự chú ý đáng kể và vì thế nhiều đề nghị trong đó đã không hề được mang ra áp dụng[7]. Nhận xét này thật đúng, nhưng nên được hiểu theo phạm trù thần học, gọi là “tiếp nhận” (receptio). Sự tiếp nhận là tiến trình mà cộng đồng Kitô hữu nhận ra, chấp nhận và hội nhập một giáo huấn hay kinh nghiệm của Giáo hội. Đây là một tiến trình liên tục và thường đòi hỏi nhiễu nỗ lực lâu dài. Do đó, Giáo hội ngày nay cố gắng để hội nhập sự minh tuệ của các thông điệp trước Công đồng, những trực giác của Công đồng Vaticanô II, và những văn kiện quan trọng hậu Công đồng tựa như Evangelii Nuntiandi của ĐGH Phaolô VI và Redemptoris Missio của ĐGH Gioan Phaolô II. Hội thánh thiết tha khẩn nài: Veni, Sancte Spiritus! Lạy Thánh Linh, xin ngự đến!
Để kết thúc, người viết chương này muốn trở về động lực mà ĐGH Piô XII đã dùng làm tựa đề cho thông điệp Fidei Donum: ngài ghi nhận rằng sứ vụ bắt nguồn từ “hồng ân đức tin”. Vì thế, việc nhận ra những ân huệ bao la của Thiên Chúa trở thành động lực cho lòng biết ơn sâu xa, gợi lên niềm hân hoan trong tâm hồn và thúc đẩy cất lên bài ca tri ân. Mặc dù thông điệp được viết vào năm 1957, nhưng nó rất thích thời, cách riêng đối với ai đã có kinh nghiệm làm việc tại châu Á: chúng ta trở thành thừa sai do lòng biết ơn vì hồng ân đức tin đã nhận lãnh. Nói theo các giám mục châu Á, chúng ta loan báo Tin mừng do lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa. Nói cho cùng, “sứ vụ” trào ra từ tấm lòng biết cảm tạ.
——————————-
[1] Thông điệp mang phụ đề “việc quảng bá đức tin Công giáo trên toàn thế giới”: AAS 11 (1919) 440-455, với nội dung như sau: I. Những quy tắc cho các giám mục, đại diện và phủ doãn tông tòa (chăm lo việc đào tạo các thừa sai và giáo sĩ bản xứ). II. Khuyên nhủ các thừa sai (khuyến khích, sửa sai, đào tạo, thánh thiện, nhân đức, phụ nữ truyền giáo). III. Sự hợp tác của tất cả các tín hữu (cầu nguyện, ơn gọi, đóng góp, các Hội Giáo hoàng truyền giáo). Lưu ý. Dưới khía cạnh pháp lý, Maximum illud là một littera apostolica (tông thư), nhưng xét vì tầm ảnh hưởng quan trọng của nó, nhiều tác giả đã xếp ngang với littera encyclica (thông điệp).
[2] AAS 18 (1926) 65-83. Nội dung. I. Những bổn phận của tất cả mọi tín hữu và những động lực. II Những bổn phận riêng của các giám mục và linh mục. III Những quy tắc dành cho các vị đại diện và phủ doãn tông tòa.
[3] AAS 43 (1951) 497-528. Nội dung: I. Nhìn lại 25 năm qua. II. Những nguyên lý và quy tắc hoạt động truyền giáo (đào tạo, hàng giáo sĩ bản xứ, sự cộng tác của các giáo dân và Công giáo tiến hành, ảnh hưởng của văn hóa và các phương tiện truyền thông xã hội, giới thiệu giáo huấn xã hội của Giáo hội, sự hợp tác và thích nghi, ảnh hưởng đối với nghệ thuật, các Hội Giáo hoàng truyền giáo).
[4] AAS 49 (1957) 225-248. Nội dung: I. Tình trạng các Giáo hội ở châu Phi. II. Sự hợp tác của toàn thể Hội thánh. III. Ba bổn phận đối với công cuộc truyền giáo (cầu nguyện, đóng góp, ơn gọi) và các Hiệp hội truyền giáo.
[5] AAS 51 (1959) 833-864. Nội dung: I Hàng giáo phẩm và giáo sĩ bản xứ. II Việc đào tạo các giáo sĩ bản xứ. III. Các giáo dân trong các miền truyền giáo. IV Các quy tắc về tông đồ giáo dân trong các miền truyền giáo.
[6] Chú thích của người dịch. Plantatio là một từ ngữ lấy từ nông nghiệp (có nghĩa là “trồng trọt, vun trồng); nhưng cũng có thể áp dụng trong ngành xây dựng (“xây cất, kiến thiết”).
[7] Josef Glazik, 1971. “Mission Encyclicals of the Popes”, in: Concise Dictionary of the Christian World Mission, Ed. Stephen Neill et al., Abingdon Press. New York, 1971, 406.