Những Vấn Đề Luân Lý Hiện Nay Theo Thông Điệp Veritatis Splendor

0
3436


Lm. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.

Các vấn đề luân lý gầy tranh luận nhiều nhất hiện nay là những vấn đề nào? Các xu hướng của thần học luân lý hiện nay như thế nào? Chúng ta có thể tìm thấy các câu trả lời trong Thông điệp Veritatis splendor (Ánh rạng ngời chân lý) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thực vậy, một vài thần học gia nhận định đây là “thông điệp của cuộc khủng hoảng”. Thông điệp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về những vấn đề luân lý và những khuynh hướng thần học luân lý hiện nay. Chúng ta cùng đọc lại cách khái quát Thông điệp này.

I. NỀN VĂN HÓA KITÔ GIÁO VÀ NỀN VĂN HÓA THẾ TỤC HIỆN ĐẠI

Trình bày lý do ban hành Thông điệp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: Tôi viết thông điệp này nhằm mục đích bàn luận sâu xa hơn và rộng rãi hơn về những vấn đề liên quan tới chính các nền tảng trong thn học luân lý, những nền tảng hiện đang bị một số trào lưu hiện đại tấn công”.[1] Nội dung của các trào lưu hiện đại ấy như thế nào?

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mô tả hoàn cảnh hiện tại giữa nền văn hóa Kitô giáo và nền văn hóa thế tục: Một tình huống mới đã thâm nhập vào chính cộng đoàn Kitô hữu, ở đó người ta gieo rắc nhiều hoài nghi và công kích, liên quan các lãnh vực như nhân bản, tâm lý, xã hội, văn hóa, tôn giáo và ngay cả thần học đốivới các giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Ở đây không còn phải là những cuộc tranh luận về một để tài nào đó, nhưng là đem toàn bộ gia sản luân lý Kitô giáo ra tranh luận một cách có hệ thống, dựa trên những quan niệm nhân học và đạo đức học nhất định. Những quan niệm này chủ trương tách tự do nhân linh ra khỏi mối tương quan mang tính chất cấu tạo và thiết yếu của nó với chân lý. Từ đó, người ta loại bỏ học thuyết truyền thống về luật tự nhiên, tuyên bố rằng không thể chấp nhận một số giáo huấn luân lý của Giáo Hội; Huấn quyền nếu muốn can thiệp vào lãnh vực luân lý thì chỉ là để “khuyên nhủ lương tâm”, “đ nghị các giá trị”, mỗi cá nhân sẽ dựa theo đó tự quyết định những lựa chọn của mình.[2]

Trước những thách thức mang tính hệ thống của nền văn hóa thế tục, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi “ôn cố tri tân”: cần phải đọc lại cách trung thành toàn bộ gia sản giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Gia sản luân lý ấy không chỉ là của Giáo Hội, mà còn của tất cả những ai thành tâm thiện chí bước đi trên nẻo chính đường ngay của đời sống luân lý, nhờ đó con đường cứu độ được mở ra cho tất cả mọi người.[3]

Trào lưu hiện đại đang tấn công nền luân lý Kitô giáo mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến chính là trào lưu của chủ nghĩa tục hóa (secularism). Trào lưu này có hai đặc điểm chính: đòi quyền tự quyết về cách thức suy tư và cách sống khi tham chiếu những chuẩn mực luân lý của tôn giáo cũng như những nguyên tắc siêu hình học; thứ đến, khẳng định con người chỉ cần những nguyên tắc và những chuẩn mực giúp định hướng đời sống luân lý của mỗi cá nhân.

Trào lưu tục hóa, tuy không phủ nhận tôn giáo, nhưng đòi tách biệt tận gốc rễ mọi hình thức tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội vàphong hóa của con người. Mỗi cá nhân phải tự do trong những xác tín của họ, như thế tôn giáo chỉ còn là vấn đề riêng tư cá nhân. Kết quả của tục hóa, như Max Weber nói: “sự thức tỉnh của thế giới”, “các thn và Chúa của thế giới đã bị loại bỏ” (M. Heidegger). Thần linh đã bị loại khỏi thế giới một cách dứt khoát. Tự nhiên, hiểu theo nghĩa rộng nhất của hạn từ, không còn là khu vườn nơi Thiên Chúa tỏ mình và con người chiêm ngưỡng, nơi Thiên Chúa và con người tâm giao trò chuyện (x. St 2,15-17; 3,8). Vũ trụ trở nên trung tính, không còn sự phân biệt; nó bị tước bỏ ý nghĩa đích thực, trở nên trống rỗng vì không còn sự hiện diện của một Đấng khác.

Trào lưu tục hóa gặp vấn nạn khi tìm kiếm những nền tảng đạo đức. Sau khi cắt bỏ mọi gốc rễ tôn giáo, sau khi tuyên bố những nguyên tắc siêu hình học là vô ích, sau khi cố tình quên đi câu hỏi về chân lý, trào lưu tục hóa buộc phải tạo lập những nguyên tắc đạo đức dựa trên những nền tảng mong manh, tương đối và nhất thời của khế ước và sự “đng thuận xã hội”. Những con người của trào lưu tục hóa, khi biết tự vấn cũng đặt ra câu hỏi của Philatô – Chân lý là gì?, nhưng không có câu trả lời. Họ rơi vào tình trạng hụt hẫng, không biết mình là ai, từ đâu đến và đi về đâu. Họ thất vọng và sự thất vọng hủy diệt họ lần hồi.[4] Thật đơn giản để hiểu vấn đề này: Khi không còn gốc rễ tôn giáo, con người trở nên không thể hiểu được chính mình trong cái gọi là quyn tự hiểu biết”. Khi tự đặt mình vào trong tất cả những sinh hoạt của một thứ chủ nghĩa duy xã hội, con người lâm vào thảm cảnh của chủ nghĩa hư vô.

Qua Thông điệp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày những nền tảng căn bản của luân lý Kitô giáo như một lực đối trọng trước sự thâm nhập của trào lưu tục hóa vào chính đời sống của Giáo Hội và các Kitô hữu.

II. NHỮNG KHUYNH HƯỚNG CỦA THẦN HỌC LUÂN LÝ HIỆN NAY

Thần học luân lý của Giáo Hội, một đàng phải đối diện với sự tấn công của trào lưu tục hóa, đàng khác phải đối diện với những vấn đề phát sinh từ chính những nghiên cứu của thần học luân lý hiện đại. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận xét: Cần phải ghi nhận sự “bất hòa giữa giáo huấn truyền thống của Giáo Hội với một số lập trường thần học, hiện đang phổ biến ngay cả trong các chủng viện và các phân khoa thần học, về những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Giáo Hội, đối với đời sống đức tin của các Kitô hữu, ngay cả đối với cộng đồng nhân loại. Những câu hỏi được nêu lên: những giới răn của Thiên Chúa, đã được ghi khắc trong tâm hôn con người và là một phần của Giao ước, có thực sự đủ khả năng soi sáng cho những lựa chọn thường nhật của con người và xã hội không? Có thể vâng phục và yêu mến Thiên Chúa, nhờ đó yêu mến tha nhân mà không nhất thiết phải tôn trọng các giới răn ấy trong mọi tình huống không? Một quan điểm phổ biến hiện nay là hoài nghi về sự liên kết nội tại và bất khả phân ly giữa đức tin và luân lý. Vì thế, họ cho rằng đối với những vấn đề liên quan đến đức tin thì thuộc thẩm quyền của Giáo Hội, còn đối với những vấn đề luân lý, thì chấp nhận sự đa nguyên về quan điểm và lối sống, dành cho thẩm quyền của lương tâm hoặc tùy thuộc vào sự khác biệt của những bối cảnh xã hội và văn hóa.[5]

Sự “bất hòa” giữa giáo huấn truyền thống của Giáo Hội với một số lập trường thần học hiện nay dường như cho thấy trào lưu tục hóa thực sự xâm nhập vào trong chính lãnh vực nghiên cứu thầnhọc. Qua Thông điệp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định Huấn quyền của Giáo Hội không chỉ có năng quyền trong việc giải thích kho tàng đức tin mà còn cả luật tự nhiên; giáo huấn của Giáo Hội không đơn thuần là những lời khuyên nhủ, đề nghị các giá trị luân lý cho các tín hữu tùy ý chọn lựa, đúng hơn là giáo huấn của đức tin, trình bày những đòi hỏi của đức tin. Thực vậy, đảm nhận trọng trách lưu truyền giáo huấn luân lý của các Tông Đồ,[6] Giáo Hội có thẩm quyền công bố các nguyên tắc luân lý trong mọi thời và mọi nơi, cả khi liên hệ đến trật tự xã hội. Giáo Hội có thẩm quyển phán quyết về tất cả các vấn đề nhân linh vì muốn bảo vệ phẩm giá con người và ơn cứu độ của các linh hồn.[7]

Vì trung thành với Đức Kitô và sứ vụ của Giáo Hội- là giữ gìn cách thánh thiện và trình bày cách trung thực Lời Chúa -, Giáo Hội có bổn phận tuyên bố một số đường hướng suy tư thần học nào đó không phù hợp với chân lý Mạc Khải, cũng như xét thấy bổn phận cấp bách là phải trình bày những nhận định và giáo huấn về luân lý, nhằm giúp con người tiến bước trên nẻo đường chân lý và tự do đích thực.

Thông điệp trình bày một số khuynh hưóng thần học luân lý hiện nay đang “bất hòa” với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội:

1. Đề cao tự do của con người đến mức tuyệt đối

Tất cả các vấn đề nhân linh được tranh cãi nhiều nhất và được giải quyết theo nhiều cách khác nhau, đều gắn liền với một vấn đề rất căn cốt của con người, đó là đề tài về tự do. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định: “Trong một s trào lưu tư tưởng hiện đại, người ta đi tới chỗ tán dương tự do quá mức đến độ biến tự dothành một thứ tuyệt đối, như thể tự do là nguồn cội của mọi giá trị. Đó là hướng đi ca một số chủ thuyết không còn cảm thức về siêu việt, hoặc của những thứ thuyết công khai tuyên bố mình vô thần. Người ta đã gắn cho lương tâm cá nhân những đặc quyn tối hậu trong phán đoán luân lý, nghĩa là quyn ấn định một cách dứt khoát và không thể sai lầm đâu là sự thiện và đâu là sự dữ”.[8] Đây chính là nguồn gốc phát sinh “cái gọi là sự xung khắc giữa tự do và l luật. Đó là trường hợp những chủ thuyết gắn cho cá nhân hoặc các tập thể xã hội khả năng ấn định sự thiện và sự dữ: như vậy có nghĩa là tự do nhân linh có quyn “tạo giá trị” và được hưởng quyn điu hành chân lý, đến độ chân lý tự nó sẽ bị coi như là sản phẩm của tự do. Như vậy, tự do đòi quyn tự lập về luân lý như thể trong thực tế tự do có quyn tối thượng tuyệt đi”.[9]

Khi đề cập những vấn đề luân lý, người ta phải nói về tự do của con người, bởi lẽ sẽ không có luân lý nếu không có tự do. Nhưng thế nào là tự do đích thực? Thông điệp trình bày: “Những người đương thời với chúng ta “rất ư đ cao” tự do và “hăng say theo đuổi” tự do, nhưng lại thường “cưng chiều tự do một cách thiếu ngay thẳng”; coi tự do như là quyn được làm bất cứ điu gì, miễn sao đạt được điều mình muốn, kể cả điều xấu”. Đó không phải là tự do đích thực, đúng hơn là nô lệ cho dục vọng. Tự do đích thực là dấu chỉ đặc biệt nơi con người, chứng tỏ con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để cho con người tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình (x. Hc 15,14), ngõ hu con người có thể tự mình tìm kiếm Đấng Tạo Hóa, và nhờ gắn bó với Người một cách tự do mà đạt tới mức thành toàn trong hạnh phúc viên mãn chân thật”.[10]

Không thể quên rằng, con người chỉ là thụ tạo, vì thế tự do và khả năng của nó giới hạn và yếu đuối. Vì thế, tự do cần phải được huấn luyện bởi chính Thiên Chúa nhờ Luật của Người. Luật luân lý trở nên như vị thầy của tự do con người. Để thực hiện được vai trò này, luật luân lý phải trở nên yếu tố nội tại đối với con người, theo nghĩa quá trình huấn luyện tự do phải diễn tiến trong tương quan mật thiết với chính luật luân lý. Vâng phục Thiên Chúa không phải là vâng phục một mệnh lệnh từ bên ngoài áp đặt, như thể đời sống luân lý phải tùy thuộc vào ý muốn của một quyền lực tuyệt đối từ bên ngoài con người chi phối trói buộc.[11] Thực vậy, luật luân lý đã được ghi khắc nơi chính bản tính con người; nó hiện diện nội tại nơi chính con người; nó thúc bách con người hướng đến điều thiện và xa tránh điều xấu; nó thúc bách con người hành động để tìm kiếm sự hoàn thiện.[12] Luật luân lý này được gọi là luật tự nhiên”.

2. Quyền tự trị hoàn toàn của lý trí

Yêu sách đòi “tự do tuyệt đối” của nền văn hóa thế tục đã ảnh hưởng tới lãnh vực thần học luân lý, tạo ra một khuynh hướng thần học quá ư đề cao con người. Theo đó, một số người đã đi tới chỗ xây dựng lý thuyết về quyền tự trị hoàn toàn của lý trí trong lãnh vực chuẩn mực luân lý, như thế xây dựng một nền luân lý thuần túy “nhân bản”: luật luân lý sẽ do lý trí con người tự thiết lập, bởi vì chính Thiên Chúa đã ban cho con người một lý trí có khả năng tư duy để sắp đặt cuộc sống của mình cách hòa hợp với thế giới.

Khi quan niệm như thế, lý thuyết về quyền tự trị hoàn toàn của lý trí đã quên một chân lý rất căn bản rằng, thụ tạo phải lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; quên rằng lý trí con người lệ thuộc sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa; phủ nhận Thiên Chúa là Tác giả của luật luân lý tự nhiên, và rằng con người, nhờ lý trí tham gia vào Luật vĩnh cửu mà nó không có thẩm quyến thiết lập. Bên cạnh đó, trong tình trạng của bản tính đã bị thương tổn do tội nguyên tổ, con người phải cần đến Mặc Khải của Thiên Chúa để có thể nhận biết cách đích thực các chân lý luân lý, ngay cả khi chúng thuộc trật tự tự nhiên.[13]

Một số thần học gia luân lý, một đàng muốn xây dựng một nền luân lý thuần tuý “nhân bản”, đàng khác muốn giữ lại đời sống luân lý trong bối cảnh Kitô giáo, đã chủ trương phân biệt hai loại trật tự luân lý: trật tự trần thế, bắt nguồn từ con người và chỉ có giá trị trần thế, và trật tự cứu độ, được hiểu như là một số ý hướng và thái độ nội tâm đối với Thiên Chúa cũng như tha nhân là điều quan trọng. Từ đó đi đến chỗ phủ nhận: Mặc khải chứa đựng những nội dung luân lý chuyên biệt và nhất định, có giá trị phổ quát và trường tồn. Lời Chúa chỉ còn là lời khuyến dụ, giáo huấn chung chung, rồi lý trí tự lập là có bổn phận thích ứng Lời Chúa vào những tình huống cụ thể. Quan niệm như thế về tính tự lập của lý trí sẽ dẫn đến sự phủ nhận thẩm quyền của Huấn quyền Giáo Hội đối với giáo thuyết về các chuẩn mực luân lý nhất định liên quan tới “thiện ích con người”: những chuẩn mực ấy sẽ không còn thuộc về nội dung riêng của Mặc Khải và tự chúng sẽ chẳng còn quan trọng gì đối với ơn cứu độ.[14]

Nguyên nhân của xu hướng thần học trên là do người ta hiểu sai về quyền tự quyết của tự do và quyền tự trị của lý trí, như Kinh Thánh xác nhận: Thiên Chúa đã muốn để cho con người tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình” (Hc 15,14). Công Đồng Vatican II yêu cầu phải chú ý đến quan niệm sai lạc về tính tự lập của các thực tại trần thế, cho rằng: các thụ tạo không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có quyền xếp đặt chúngmà không cần nại tới Đấng Tạo Hóa. Quan niệm tự lập này gây nên những hệ quả tai hại cho con người, bởi vì sớm muộn cũng sẽ dẫn đến chủ nghĩa vô thần.[15]

Công Đồng Vatican II nhấn mạnh vai trò của lý trí con người trong đời sống luân lý: đời sống luân lý giả thiết chủ thể hành vi phải có tính sáng tạo và sự khôn ngoan, bởi vì đời sống luân lý là nguồn mạch và nguyên nhân của những hành vi có suy tính. Điều này không có nghĩa lý trí tự nó có thể sáng tạo những giá trị và thiết lập những chuẩn mực luân lý. Sự “tự lập đúng đắn” của lý trí con người phải được hiểu là lý trí kín múc phần chân lý của mình và thẩm quyền của mình ở nơi Luật Vĩnh Cửu, nơi chính sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Luật vĩnh cữu hay luật tự nhiên là ánh sáng trí tuệ mà Thiên Chúa đã đặt vào bản tính con người. Nhờ ánh sáng này, con người biết điều phải làm và điều phải tránh.[16]

Như thế, con người có quyền tự lập thật sự về mặt luân lý không có nghĩa con người từ chối, trái lại đón nhận luật luân lý, giới răn của Thiên Chúa. Tự do của con người và Luật của Thiên Chúa đồng qui với nhau và được mời gọi quyện vào nhau. Khi con người tự do vâng phục Luật Thiên Chúa, thì lý trí và ý chí con người được dự phần vào sự khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa. Con người được dự phần vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhờ ánh sáng của lý trí và nhờ mặc khải.[17] Bằng cách ấy, Thiên Chúa mời gọi con người dự phần vào sự quan phòng của Ngài với ý muốn nhờ con người, nghĩa là nhờ hoạt động hữu lý và hữu trách, cai quản và xây dựng thế giới tự nhiên và xã hội cách tốt đẹp.

3. Luật tự nhiên: Luật luân lý hay luật sinh học?

Đề tài về sự xung khắc giữa tự do và lề luật ngày nay lại lần nữa được nêu lên với cường độ đặc biệt liên quan đến luật tự nhiên, nhất là bản tính tự nhiên. Đề tài tranh luận này, như đã xảy ra vào thời Phục Hưng và Cải Cách, chúng ta có thể tìm lại nơi giáo huấn của Công Đồng Trento, thì hôm nay lại được khơi dậy và tranh luận với cường độ tương tự như đã xảy ra trong quá khứ, mặc dầu chiều hướng có khác biệt.

Phái duy tự nhiên cho rằng, con người hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới tự nhiên; những yếu tố xã hội quyết định những thực tại nhân linh. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia đạo đức học, khi nghiên cứu hành vi con người, chỉ đơn thuần dựa trên một bản thống kê những hành vi nhân linh cụ thể và những giá trị được xã hội nhìn nhận.

Ngược lại, phái duy tự do cho rằng, tự nhiên chỉ là chất liệu của hành vi nhân linh. Tự nhiên bao gồm tất cả những gì, nơi con người và trong thế giới, nằm ngoài lãnh thổ của tự do. Đối lại với dữ liệu thể lý của tự nhiên là cái được “xây dựng”, nghĩa là “văn hóa”, sản phẩm của tự do. Theo nhãn quan này, bản tính tự nhiên của con người chỉ còn là một chất liệu có sự sống, một chất liệu phục vụ cho văn hóa. Như thế, tự do sẽ tự định nghĩa chính mình và tự tạo ra chính mình và tạo ra các giá trị. Con người là tự do của mình![18]

Trong bối cảnh trên xuất hiện những khuynh hướng thần học, hoặc duy tự nhiên hoặc duy tự do. Các thần học gia duy tự nhiên cho rằng, những luật luân lý mà luật tự nhiên nêu ra chẳng qua chỉ là những luật sinh học. Từ đó, người ta quy gán cho một số hành vi tính trường tồn và bất biến, và dựa trên đó người ta vội vàng thiết lập những chuẩn mực luân lý có giá trị phổ quát.

Nói cách khác, những luật sinh học, những sự thiện “thể lý”, mà một số người gọi là “tin-luân-lý”, là điểm quy chiếu để tìm kiếm những chỉ dẫn hữu lý trong trật tự luân lý. Ngược lại, các thần học duy tự do cho rằng, con người, một hữu thể có lý trí, chẳng những có thể mà còn phải ấn định ý nghĩa cho các hành vi của mình cách tự do. Thực vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người là một hữu thể có lý trí và tự do. Ngài đã để cho con người “tự quyết định lấy vận mệnh của mình”, tin tưởng và mong muốn con người tự mình xây dựng đời mình cách hợp lý. Yêu tha nhân thì trước hết, hoặc trong mọi trường hợp, phải tôn trọng quyền tự do của tha nhân. Luật tự nhiên là một “khuynh hướng tự nhiên”, một định hướng chung chung cho hành vi ngay thẳng, chớ không thể ấn định giá trị luân lý cho những hành vi nhân linh trong từng trường hợp cụ thể, vốn phức tạp tùy theo từng tình huống.[19]

Hai khuynh hướng thần học trên không phù hợp với sự thật về con người và tự do. Nó mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội về sự thống nhất của hữu thể nhân linh mà linh hồn có lý tính vốn tự thân và tự yếu tính là mô thể của thân xác. Con người gồm thân xác và linh hồn được giao phó cho chính ngôi vị con người; trong sự thống nhất của linh hồn và thân xác ngôi vị con người là chủ thể của những hành vi luân lý. Vì thế, không thể giản lược hành vi của một linh hồn có lý tính lệ thuộc hoàn toàn vào luật sinh học của thân xác; sự thiện của ngôi vị con người bị giản lược chỉ còn là sự thiện của sự sống thể lý. Cũng như không thể giản lược ngôi vị con người thành một thứ chất liệu cho sự tự do dự phóng. Khi giản lược như thế, có nghĩa là không nhìn nhận ý nghĩa luân lý của thân xác và của những hành vi gắn liền với thân xác. Sự thật về con người là thân xác và linh hồn bất khả phân ly.[20]

Như vậy, chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của luật tự nhiên: luật tự nhiên qui chiếu về bản chất đặc thù và nguyên sơ của con người, về “bản chất của ngôi vị nhân linh”, ngôi vị ấy là con người trong sự thống nhất của hồn và xác, trong sự thống nhất của những khuynh hướng thuộc trật tự tinh thần, trật tự sự sống thể lý và tất cả những gì cần thiết để con người theo đuổi cùng đích của mình. Luật luân lý tự nhiên diễn đạt, truyền khiến những cứu cánh, quyền lợi và bổn phận, vốn đặt nền tảng trên bản chất thể lý và tinh thần của con người. Bởi thế, không thể quan niệm luật luân lý tự nhiên như là chuẩn mực thuần túy sinh học, nhưng nó phải được định nghĩa như là trật tự hợp lý, dựa vào đó con người được Đấng Tạo Hóa mời gọi điều khiển và điều chỉnh đời sống cũng như hành vi của mình, và cách riêng thân xác của mình. Chẳng hạn, nếu muốn xác định nguồn gốc và nền tảng của bổn phận tuyệt đối phải tôn trọng sự sống con người, thì phải tìm kiếm ở nơi phẩm chất cao cả đặc trưng của con người, chứ không chỉ tìm kiếm nơi khuynh hướng tự nhiên nhằm bảo tổn sự sống thể lý. Những khuynh hướng tự nhiên chỉ nhận được phẩm chất luân lý khi chúng quy về ngôi vị con người. Khi từ chối những kỹ thuật đụng chạm tới thân thể con người gây tổn hại ý nghĩa nhân linh của nó, Giáo Hội mong muốn chỉ cho con người con đường của tình yêu đích thực, mà chỉ khi bước đi trên nẻo đường đó, con người mới gặp được Thiên Chúa.[21]

Khi tuyệt đối hóa sự tự do cá nhân, người ta tách cá nhân ra khỏi bản tính chung của tất cả mọi người. Hệ luận là phủ nhận tính phổ quát của luật tự nhiên, cũng như tính phổ quát của luật luân lý. Vì cho rằng, tính phổ quát và tính thường hằng của luật luân lý sẽ loại trừ tính cá biệt, tính độc nhất vô nhị và bất khả thay thế của mỗi con người. Theo đó, một số thần học gia chorằng, những chuẩn mực luân lý phổ quát chỉ có giá trị trong việc giúp con người đánh giá tình huống cho đúng, chúng không thể thay thế cho chủ thể hành vi trong những quyết định của họ về cách hành xử cần phải chọn lựa trong từng trường hợp nhất định.

Thế nhưng, khi phủ nhận tính phổ quát của luật tự nhiên, người ta đã phủ nhận chính bản chất của luật tự nhiên. Thực vậy, luật tự nhiên được ghi khắc nơi bản tính có lý trí của con người, nhờ đó con người có thể gìn giữ và phát triển sung mãn hiện hữu của mình: phải làm lành lánh dữ, chăm lo lưu truyền và bảo toàn sự sống, phát huy những tài nguyên của thế giới, xây dựng đời sống xã hội, tìm kiếm chân lý, thực thi điều thiện,.v.v…

Khi độc tôn sự thiện cá nhân, người ta quên một điều rằng, những mệnh lệnh tích cực của luật tự nhiên bó buộc mọi người và bất biến, vì chúng đồng qui trong cùng một sự thiện của tất cả mọi người thuộc mọi giai đoạn lịch sử, được tạo dựng cho cùng một ơn gọi và cùng một vận mệnh siêu nhiên. Khi không phục tùng luật chung, các hành vi cá nhân sẽ làm tổn thương mối hiệp thông ngôi vị, làm phương hại mọi người và không tránh khỏi phương hại đến chính sự thiện bản thân. Ngay cả các mệnh lệnh tiêu cực của luật tự nhiên cũng có giá trị phổ quát: chúng bó buộc mọi người và mỗi người, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Quả vậy, chúng ngăn cấm một hành động nhất định, mãi mãi là như thế, không có ngoại lệ, bởi vì lựa chọn một hành vi loại ấy thì bất kể trong trường hợp nào cũng không thể hòa hợp với sự tốt lành nơi ý muốn của chủ thể hành vi, với ơn gọi của người ấy hướng đến sự sống với Thiên Chúa và hướng đến sự hiệp thông với tha nhân. Tất cả mọi người, trong mọi trường hợp đều không được vi phạm những lệnh cấm, không miễn trừ ai. Cấm xúc phạm đến điều chung nhất của mọi người là nhân phẩm ở nơi bất cứ ai và trước hết ở nơi chính mình.[22]

Con người hôm nay, khi đối diện với những thay đổi của lịch sử và sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và văn hóa, đi tới chỗ hoài nghi về tính bất khả đổi thay của luật tự nhiên: con người chưa biết được đâu là tiến bộ mà nhân loại phải đạt tới ngày mai, thì làm sao có thể quả quyết rằng, một số quy định hợp lý nào đó đã được thiết lập trong quá khứ có giá trị phổ quát và trường tồn? Không thể phủ nhận rằng, con người luôn ở trong một nền văn hóa đặc thù, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, chỉ nền văn hóa mà thôi thì chưa đủ để định nghĩa con người cách trọn vẹn. Ngoài ra, sự phát triển của các nền văn hóa chứng tỏ có điều gì đó nơi con người siêu việt các nền văn hóa. “Điu gì đó” ở đây chính là bản tính tự nhiên của con người: bản tính tự nhiên này là thước đo của văn hóa và là điều kiện để con người không bị bất cứ nền văn hóa nào giam hãm, và để con người khẳng định phẩm giá của mình trong một đời sống phù hợp với chân lý thâm sâu của hữu thể nhân linh.[23]

4. Lương tâm: Quyền quyết định hay phán đoán?

Theo xu hướng tuyệt đối hóa tự do cá nhân của nền văn hóa hiện đại và đặt tự do trong thế đối lập với luân lý, một số thần học gia đã có những quan niệm về lương tâm luân lý trệch khỏi lập trường truyền thống của Giáo Hội. Với những thành tựu của khoa học nhân văn, các thần học gia này cho rằng lối cắt nghĩa trước đây của Giáo Hội về lương tâm nay tỏ ra thiếu sót. Họ trưng dẫn tính chất phức tạp của hiện tượng lương tâm: lương tâm phải được xem xét trong mọi chiều kích của con người, tinh thần, thể lý, tâm lý, cảm xúc và vô số những ảnh hưởng của môitrường xã hội và văn hóa. Đàng khác, Công Đồng Vatican II định nghĩa lương tâm là “thánh điện của con người, nơi mà có thể nghe được tiếng Chúa”.[24] Theo đó, một số thần học gia cho rằng, tiếng nói ấy không dẫn con người tới chỗ tuân thủ các chuẩn mực phổ quát cách chi tiết, cho bằng dẫn con người tới chỗ nhận thức cách sáng tạo và có trách nhiệm về sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó. Vì muốn nêu bật tính chất “sáng tạo” của lương tâm trong những hoàn cảnh cụ thể, một số tác giả đã quy gán cho lương tâm quyền quyết định chứ không đảm nhận vai trò phán đoán như giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, bởi lẽ chỉ khi đưa ra những quyết định cách “tự lập”, con người mới có thể đạt tới sự trưởng thành luân lý. Vì lương tâm có quyền tự quyết, nên trong trường hợp xảy ra sự hồ nghi luân lý nào đó, lương tâm có thể cho phép thực hiện cách ngay lành điều mà luật luân lý xác định là xấu tự bản chất.

Cách hiểu về quyền tự quyết của lương tâm đối nghịch với Mặc Khải Kinh Thánh về lương tâm và đối nghịch với chính định nghĩa về lương tâm, là “thánh điện của con người, nơi mà có thể nghe được tiếng Chúa”. Theo Thánh Phaolô (Rm 2,14-15), lương tâm đặt con người trước Lể Luật, đồng thời trở thành “chứng nhân” cho con người: chứng nhân cho sự trung tín hay bất trung của con người đối với Lề Luật; lương tâm làm chứng cho con người về sự ngay thẳng hay sự gian dối của họ, nhưng đồng thời và trên tất cả, lương tâm là chứng từ của Thiên Chúa, tiếng nói và phán quyết của Ngài thấm nhập vào cõi thâm sâu của con người, mời gọi con người cách mạnh mẽ và dịu dàng để con người tuân phục. Lương tâm hiện hữu trong sâu thẳm của con người, nhưng nó là “chứng nhân” trung lập, cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Cũng thế, lương tâm không phải là không gian đặc quyền của con người, mà là thánh điện nơi con người và Thiên Chúa gặp gỡ. Lương tâm luân lý không giam hãm con người trong cô độc và vô phương thắng vượt và bất khả xâm nhập, nhưng mở ngỏ cho con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Tất cả mầu nhiệm về phẩm giá của lương tâm trong cuộc sống đều nằm ở đó, một không gian thánh nơi Thiên Chúa nói với con người.[25]

Vì lương tâm đảm nhận vai trò “chứng nhân” của con người: xác nhận con người trung tín hay bất trung đối với Luật Chúa, vì thế tiếng nói của lương tâm là một phán quyết luân lý về các hành vi của con người có phù hợp hay không với Luật Chúa; là một phán quyết thực tiễn, mách bảo con người điều phải làm và điều không được làm, hoặc đánh giá một hành vi mà con người đã làm. Đó là một phán quyết áp dụng trong từng hoàn cảnh cụ thể niềm xác tín của lý trí rằng, phải yêu mến, phải làm điều thiện và tránh xa điều dữ. Do đó, lương tâm phát biểu một phán quyết bó buộc luân lý dưới ánh sáng của luật tự nhiên. Con người nhận biết phán quyết đó như là một điều thiện được chỉ định ở đây và lúc này, vì thế con người phải hành động bằng cách uốn mình theo phán quyết của lương tâm. Nếu con người hành động ngược lại với phán quyết này, hoặc nếu không nắm chắc sự chính đáng hay sự tốt lành của một hành vi nào đó mà vẫn cứ làm, lúc đó con người sẽ bị lương tâm kết án; lương tâm vốn là chuẩn mực tức khắc của đời sống luân lý. Sở dĩ tiếng nói của lương tâm và những phán quyết của nó có uy quyền, bởi vì chúng là chứng từ của “Luật Thiên Chúa”, là chuẩn mực phổ quát và khách quan của đời sống luân lý. Phán quyết của lương tâm không định nghĩa luật, nhưng xác nhận uy quyền của luật tự nhiên và của lý trí thực tiễn trong tương quan với Sự Thiện tối cao. Sự Thiện ấy vốn lôi kéo con người và con người không hề kháng cự, nó hoàn toàn ưng thuận. Bởi vậy, lương tâm khôngphải là nguồn độc lập và độc quyền để quyết định điều nào tốt, điếu nào xấu, ngược lại lương tâm chỉ phát biểu “Luật Thiên Chúa” đã được ghi khắc nơi tâm hồn con người và thúc bách nó hành động theo phán quyết của lương tâm vì sự thiện hảo của chính nó, sự thiện hảo mà lý trí con người đã thừa nhận.[26]

Chúng ta không quên rằng, bản tính con người đã bị thương tổn, nhận thức của con người có thể sai lầm. Đàng khác, hiện tượng lương tâm, như một số thần học gia nhận xét, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thể lý, tâm lý, cảm xúc và vô số những ảnh hưởng của môi trường xã hội và văn hóa tác động, nên Thánh Phaolô nhắc nhở: các phán quyết của lương tâm luôn tiềm ẩn nguy cơ sai lầm. Lương tâm không phải là một thẩm phán bất khả ngộ: lương tâm có thể sai lầm. Dẫu sao, sai lầm của lương tâm có thể do vô tri bất khả kháng, nghĩa là do sự vô tri mà chủ thể không ý thức và không thể tự thoát khỏi sai lầm. Công Đồng Vatican II nhắc rằng, trong trường hợp xảy ra sự vô tri bất khả kháng, con người được kể là vô tội, lương tâm không mất phẩm giá của nó, bởi vì mặc dầu trong thực tế lương tâm đang uốn chủ thể hành vi theo một chiều hướng lệch ra ngoài trật tự luân lý khách quan, thì lương tâm vẫn không ngừng lên tiếng nhân danh chân lý về điều thiện mà chủ thể được mời gọi tìm kiếm cách chân thành. Song con người sẽ đánh mất phẩm giá của lương tâm khi nó ít để tâm tìm kiếm chân lý và sự thiện, thêm vào đó là thói quen phạm tội, lâu dần lương tâm trở nên mù quáng. Vì thế, trách nhiệm của con người, vì chính sự thiện của con người, là phải luôn đào luyện lương tầm, làm cho lương tâm trở thành đối tượng của một cuộc tìm kiếm liên lỉ chân lý, hoán cải quay về phía chân lý và sự thiện. Trong việc đào luyện lương tâm này, giáo huấn luân lý của Giáo Hội mong muốn được phục vụ lương tâm, giúp lương tâm không bị chao đảo trước các chủ thuyết sai lạc, giữa những trò lừa đảo của người đời (x. Ep 4,14), không trệch khỏi chân lý về sự thiện của con người, nhưng nhất là trong những vấn đề khó khăn nhất, đạt được chân lý cách chắc chắn và ở lại trong chân lý.[27]

5. Chọn lựa cơ bản [28]

Ngả theo khuynh hướng đề cao tự do cá nhân, tự do là một quyết định về chính mình, quyết định theo hoặc chống Sự Thiện, theo hoặc chống Chân Lý, theo hoặc chống Thiên Chúa, một số thần học gia đề xuất lý thuyết về chọn lựa cơ bản. Theo họ, yếu tố căn cốt của đời sống luân lý hệ tại ở “lựa chọn cơ bản”, nghĩa là con người tự quyết định về chính mình một cách bao quát, không phải một lựa chọn chính xác, có ý thức và có suy nghĩ, nhưng một cách “siêu nghiệm”“phi luận đ. Chọn lựa cơ bản này định hình toàn bộ đời sống luân lý của một con người; tạo nên cái gọi là “khuôn mẫu” luân lý, trong đó chủ thể hành vi sẽ lựa chọn và hành động theo khuân mẫu ấy trong cuộc sống thường nhật. Như thế, tính chất luân lý của một hành vi sẽ được đối chiếu với khuân mẫu luân lý cơ bản ấy: chủ thể hành vi sẽ thẩm định điều “đúng” hoặc “sai”, phù hợp hay không phù hợp với chọn lựa nền tảng. Đối với các Kitô hữu, chọn lựa cơ bản là trung thành với Đức Kitô, trung thành với lời cam kết khi nhận phép Thánh Tẩy. Khi chọn lựa, họ có thể vượt qua những luật luân lý đặc thù mà không phạm tội, miễn sao trung thành với chọn lựa cơ bản.

Giáo huấn luân lý của Giáo Hội không từ chối cách diễn tả “chọn lựa cơ bản”, bởi vì chọn lựa cơ bản tạo nên phẩm chất cho đời sống luân lý, làm cho con người tự do dấn bước cách triệt để trước mặt Thiên Chúa. Thế nhưng, cho rằng chọn lựa cơ bản là một chọn lựa “siêu nghiệm”, không phải một lựa chọn chínhxác, có ý thức và có suy nghĩ; rằng tách biệt giữa lựa chọn cơ bản với những lựa chọn lựa cụ thể có suy tính, thậm chí chấp nhận tình trạng mâu thuẫn tức thời giữa chọn lựa cơ bản và chọn lựa cụ thể, miễn sao giữ vững chọn lựa cơ bản, quan điểm này mâu thuẫn với giáo huấn Kinh Thánh.

Kinh Thánh cho chúng ta những mẫu gương của sự lựa chọn cơ bản như tổ phụ Abraham, Môsê. Theo đó, lựa chọn cơ bản là một lựa chọn đích thực của tự do và liên kết chặt chẽ với những chọn lựa cụ thể hằng ngày: chọn lựa cơ bản định hình chọn lựa cụ thể và những chọn lựa cụ thể làm viên mãn chọn lựa cơ bản. Nhờ lựa chọn cơ bản, con người có khả năng định hướng đời mình, và với sự trợ giúp của ân sủng, tiến về cùng đích theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Khả năng này được thể hiện cách thiết thực trong những lựa chọn đặc thù liên quan tới những hành vi nhất định, những lựa chọn mà con người uốn mình cách sáng suốt theo thánh ý, sự khôn ngoan và Lề Luật Thiên Chúa. Như vậy, cần khẳng định rằng, điều mà người ta gọi là lựa chọn cơ bản luôn được khởi động nhờ những lựa chọn có ý thức và tự do, trong mức độ mà lựa chọn cơ bản ấy khác với ý hướng chung chung.

Thực vậy, một ý hướng “siêu nghiệm”, không định hình cách chắc chắn do ý thức thì không đủ sức mạnh để định hình những chọn lựa có ý thức cụ thể. Chính vì thế, lựa chọn cơ bản có thể bị phủ nhận khi tự do của con người ở trong tình trạng đối nghịch với ý hướng chung. Theo đó, nếu chấp nhận thuyết “chọn lựa nn tảng” thì thừa nhận rằng, con người trong ý hướng có thể vẫn trung thành với Thiên Chúa, nhưng trong hành vi cụ thể có thể thực hiện những hành vi nghịch với Thiên Chúa. Các hành vi nhân linh biểu lộ sự tự do của con người, và tính chất tốt xấu của các hành vi ấy không chỉ tùy thuộc vào ý hướng ngay lành hay bất chính của chủ thể hành vi, mà còn tùy thuộc vào mức độ phù hợp nhiều hay ít với tính luân lý khách quan mà Luật Thiên Chúa đòi hỏi.

Một ý hướng chung chung của một “chọn lựa cơ bản” là vô ích nếu chủ thể hành vi không ý thức, không xác tín và không thể hiện nó trong những chọn lựa cụ thể. Ý hướng và hành vi không thể tách biệt cái thuộc phạm trù “siêu nghiệm” và cái thuộc phạm trù “thực nghiệm”, nhưng chúng phải được gắn chặt với nhau. Đức tin và hành động không thể tách biệt. Đức tin không hành động là đức tin chết; đức tin sống động và lớn mạnh nhờ những hành động phát xuất từ đức tin.

6. Thuyết duy cứu cánh, thuyết duy hậu quả hoặc thuyết cân xứng [29]

Tự bản chất luân lý Kitô giáo có tính “cứu cánh luận”, bởi vì nó hệ tại ở chỗ qui hướng các hành vi nhân linh về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tối thượng và cùng đích tối hậu của con người. Thế nhưng, việc qui hướng về cùng đích tối hậu không chỉ là một hành vi chủ quan, có suy tính, tùy thuộc vào ý hướng của con người, mà tự bản chất các hành vi nhân linh, khi chúng thực hiện những hành vi phù hợp với sự thiện đích thực, đã được an bài để quy hướng về cùng đích ấy.

Thế nhưng, việc thẩm định hành vi tự do của con người về mặt luân lý tùy thuộc vào đâu? Do đâu mà việc định hướng các hành vi nhân linh được bảo đảm? Do ý hướng của chủ thể hành vi, hay do những hoàn cảnh và cách riêng do những hệ quả – chung quanh hành vi, hay do chính đối tượng của hành vi? Đây lànhững câu hỏi người ta gọi là vấn đề “căn cốt của đời sống luân lý”.

Trong những thập niên vừa qua, xuất hiện những khuynh hướng mới về văn hóa và thần học nghiên cứu những trước vấn nạn trên. Một lý thuyết nổi bật là thuyết duy cứu cánh (teleologismo). Thuyết này quan tâm đến sự phù hợp của các hành vi nhân linh với những mục đích mà chủ thể hành vi theo đuổi, và với những giá trị mà chủ thể thừa nhận. Tiêu chuẩn để đánh giá tính luân lý của hành vi dựa trên sự cân bằng của những điều thiện luân lý hoặc tiền luân lý phải đạt được, và của những giá trị tương ứng phi luân lý hoặc tiền luân lý phải tôn trọng. Theo đó, một hành vi nhân linh được kể là đúng khi nó đạt được sự thiện ở mức tối đa và giảm thiểu sự dữ tới mức tối thiểu.

Thuyết duy cứu cánh có thể biến dạng thành thuyết duy hậu quả (consequenzialismo) hoặc thuyết cân xứng (proporzionalismo). Thuyết duy hậu quả cho rằng, để xác định tính luân lý của một hành vi chỉ dựa trên phép tính về những hậu quả có thể tiên liệu khi thực hiện hành vi đó. Thuyết cân xứng cho rằng, cần phải xem xét mức độ giá trị của các hành vi, mức độ cân xứng giữa hiệu quả tốt với hậu quả xấu của hành vi, nhắm tới sự thiện tốt nhất có thể hoặc tránh điều xấu ít nhất có thể. Điều này có thể xảy ra trong một tình huống đặc thù.

Thuyết duy cứu cánh, thuyết duy hậu quả, thuyết cân xứng, một đàng vẫn công nhận những giá trị luân lý được lý trí và Mặc Khải chỉ dẫn; nhưng đàng khác cho rằng, không bao giờ có thể phát biểu một lệnh cấm tuyệt đối về những hành vi đối nghịch lại những giá trị ấy trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nền văn hóa. Theo các thuyết này, chủ thể hành vi có bổn phận tìm kiếm và tiếp nhận những giá trị mà họ cần tìm bằng hai cách: Thật vậy, các giá trị hay các điều thiện liên quan đến hành vi được phân biệt thành hai trật tự, trật tự luân lý (những giá trị luân lý như tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân, công bằng,.v.v…) và trật tự tiền luân lý, còn gọi là phi luân lý, vật lý hay hiện tượng (những lợi ích hay hậu quả xấu cho chủ thể hành vi hay cho người khác có liên hệ vào lúc này hoặc lúc kia, chẳng hạn sức khỏe hay bệnh tật, sự toàn vẹn thể lý, sự sống, sự chết, sự mất mát của cải vật chất,.v.v…). Trong một thế giới mà điều thiện luôn pha trộn với điều xấu, mọi hiệu quả tốt luôn gắn liền với những hệ quả xấu khác, thì tính chất luân lý của hành vi sẽ được phán đoán như sau: “sự tốt lành” luân lý của hành vi được xác định bởi ý hướng của chủ thể liên quan tới các điều thiện luân lý, còn sự “đúng đắn” của hành vi được xác định bởi sự tính toán về những hệ quả tốt xấu và tính toán tỉ lệ cân xứng giữa những hệ quả tốt và xấu. Theo đó, những hành vi cụ thể sẽ được đánh giá là “đúng” hoặc “sai”, nhưng không vì tính “đúng” hay “sai” của các hành vi mà người ta có thể đánh giá tính “tốt” hay “xấu” luân lý của ý muốn nơi chủ thể hành vi. Theo cách đánh giá này, một hành vi mà nó mâu thuẫn với một chuẩn mực tiêu cực phổ quát, gây tổn hại trực tiếp những điều thiện được coi là tiền luân lý, thì có thể được đánh giá như một hành vi có thể chấp nhận được về mặt luân lý, nếu ý hướng của chủ thể, sau khi đã cân nhắc “có trách nhiệm” về những điều thiện có liên quan trong hành động cụ thể, tập trung vào các giá trị luân lý đã được phán đoán cách rõ ràng trong hoàn cảnh cụ thể đó. Tóm lại, có thể lấy mục đích “tốt” để biện minh cho một hành động xấu.

Các lý thuyết này tỏ ra hợp thời và được ủng hộ, vì nó phù hợp với não trạng thực dụng của thời đại. Mong muốn của các lý thuyết này là giải tỏa những cưỡng bức của một nền luân lý bóbuộc, duy ý chí và võ đoán, một nền luân lý xem ra phi nhân bản.

Giáo Hội không chấp nhận các lý thuyết này vì chúng cho rằng, có thể biện minh cho những lựa chọn có chủ ý – chúng có thể được kể là tốt xét về mặt luân lý, để thực hiện những hành vi nghịch với Luật Thiên Chúa và luật tự nhiên. Các lý thuyết ấy dứt khoát không thuộc truyền thống luân lý Công Giáo. Thực vậy, trong truyền thống luân lý Công Giáo có một bộ môn nghiên cứu về những vấn nạn luân lý, bàn luận về việc tạo sự cân bằng cho những điều kiện nào là đáng kể nhất để có thể đạt được điều thiện trong một số hoàn cảnh cụ thể, nhưng lưu ý rằng: phương cách giải quyết ấy chỉ áp dụng cho những trường hợp hồ nghi về luật. Truyền thống luân lý Công Giáo không đặt lại vấn đề về giá trị tuyệt đối của các luật cấm vốn có tính bó buộc, không miễn trừ. Các tín hữu có nhiệm vụ nhìn nhận và tôn trọng những luật cấm đặc thù mà Giáo Hội công bố và giảng dạy nhân danh Thiên Chúa.

Để có được một quyết định đúng đắn, chủ thể hành vi phải xem xét ý hướng và cân nhắc những hệ quả của hành vi, nghĩa là những điều thiện có thể đạt được và những điều dữ có thể xảy ra. Thế nhưng, chỉ để tâm tới các hệ quả và ý hướng của hành vi mà thôi, thì không đủ để đánh giá phẩm chất luân lý tốt hay xấu của một lựa chọn cụ thể. Yếu tố hàng đầu và dứt khoát đối với phán quyết luân lý là đối tượng của hành vi con người, chính đối tượng này mới đóng vai quyết định xem một hành vi có qui hướng hay không về sự thiện và về cùng đích tối hậu là chính Thiên Chúa. Công việc định hướng này đã được lý trí chỉ ra trong chính hữu thể của con người, nghĩa là chân lý toàn vẹn về con người. Lý trí chứng thực rằng, có những đối tượng của hành vi không thể quy hướng về Thiên Chúa, bởi vì tự gốc rễ chúng mâu thuẫn với sự thiện của con người xét như là được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó chính là những hành vi mà truyền thống luân lý của Giáo Hội gọi là “xấu tự bản chất”. Chẳng hạn, tất cả những gì nghịch lại với sự sống, như mọi hình thức giết người, diệt chủng, phá thai, giết chết êm dịu và kể cả tự tử có suy tính; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn ngôi vị của con người, như cắt bỏ một phẩn cơ thể, tra tấn thể lý hoặc tinh thần, cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người, như những điều kiện sống thấp kém, giam cầm vô cớ, đày ải, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc điều kiện lao động tồi tệ, đối xử với các công nhân như công cụ đổi chác, không coi trọng nhân cách tự do và hữu trách của họ: tất cả những hành vi ấy và những hành vi tương tự khác hiểu theo nghĩa loại suy đều là vô luân.

Như thế, những hành vi vô luân là xấu tự bản chất chứ không tùy thuộc ý hướng của chủ thể hành vi và hoàn cảnh. Hoàn cảnh và ý hướng không thể biến đổi một hành vi xấu tự bản chất một cách khách quan thành một hành vi lương thiện hoặc có thể biện minh cách chủ quan.

Học thuyết về đối tượng, nguồn cội của tính chất luân lý, có thể được coi như là sự minh giải đích thực về nền luân lý Kinh Thánh, là luân lý của Giao ước và các giới răn, của đức ái và các nhân đức. Phẩm chất luân lý của hành vi nhân linh tùy thuộc sự trung thành với các giới răn, biểu hiện sự tuân phục và tình yêu. Vì thế, phải loại bỏ những quan điểm của thuyết duy cứu cánh, duy hệ quả và duy cân xứng, vốn cho rằng không thể dựa vào đối tượng của hành vi để thẩm định một lựa chọn, mà chỉ cần xét đến ý hướng và hệ quả của hành vi. Nếu không dựa trên tínhchất luân lý của đối tượng của hành vi nhân linh, người ta sẽ không thể nào quả quyết rằng có một trật tự luân lý khách quan, và không thể nào thiết lập bất cứ một chuẩn mực nhất định nào, xét theo quan điểm nội dung, là bó buộc và không miễn trừ, và như thế chỉ là phá hoại cuộc sống nhân loại, phá hủy chân lý về điều thiện và phá hủy chính con người.

III. KẾT LUẬN

Nền luân lý của con người thời đại hôm nay đang trên đà suy thoái; những cảm thức về giá trị luân lý ngày càng lu mờ. Vì thế, Giáo Hội hôm nay, cũng như tất cả mọi tín hữu được kêu mời đảm nhận công cuộc tân Phúc Âm hóa, được kể là một trong những thách đố lớn lao nhất của lịch sử Giáo Hội. Công cuộc tân Phúc Âm hóa được thực hiện bằng việc vừa loan báo Tin Mừng vừa trình bày giáo huấn về luân lý. Giáo huấn luân lý của Giáo Hội là “men” có sức mạnh canh tân tất cả mọi thực tại của đời sống xã hội, bởi vì giáo huấn ấy bảo vệ cách hữu hiệu phẩm giá con người, làm phong phú những chất liệu của đời sống xã hội và những kỹ năng của đời sống cộng đồng.

Để thực hiện sứ mệnh canh tân đời sống nhân loại hôm nay, không chỉ Giáo Hội mà cả các cộng đồng xã hội đang cần các thần học gia luân lý chân chính. Họ cần phải tìm hiểu cặn kẽ các đề tài về giáo huấn luân lý của Giáo Hội, hiểu rõ các nền tảng của các chuẩn mực luân lý và tái khẳng định tính chất bó buộc của chúng, liên kết chúng với cứu cánh tối hậu của cuộc sống con người, là trở nên hoàn thiện như Đức Kitô đã kêu mời người thanh niên trong Tin Mừng. Khi giảng dạy về giáo huấn luân lý của Giáo Hội, các thần học gia luân lý phải nêu gương về một thái độ vâng phục chân thành, bên trong cũng như bên ngoài,đối với giáo huấn của Huấn quyền trong lãnh vực tín lý và luân lý.[30]

Mẫu gương đời sống luân lý cho tất cả các tín hữu, cho những ai thành tâm thiện chí mong muốn nên hoàn thiện là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Xót Thương, Mẹ của Chân lý. Đức Maria chia sẻ với chúng ta thân phận con người. Mẹ đã cộng tác đắc lực với ân sủng của Thiên Chúa, nhờ thế Mẹ trở nên dấu chỉ sáng ngời và gương mẫu tuyệt hảo cho đời sống luân lý của các Kitô hữu. Trong tiệc cưới Cana miền Galile, Đức Maria mời gọi mọi người đón nhận Chân lý: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Nhờ vâng phục Chân lý, con người thoát cảnh ngặt nghèo và niềm vui trở lại tràn trề. Vì thế, vâng phục Chân lý là một đòi buộc luân lý và rất cần thiết đối với mọi người của mọi thời đại. Cũng vì lý do ấy, Đức Maria không chấp nhận để cho con người tội nhân bị đánh lừa, bởi các lý thuyết tỏ ra yêu mến họ bằng cách thanh minh tội lỗi cho họ. Hơn ai hết, Đức Maria biết rằng, nếu như thế thì hy lễ của Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ, sẽ trở nên vô ích. Không có sự tha bổng nào có thể làm cho con người bình an và hạnh phúc thật sự, mà chỉ có Thập Giá và vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh mới có thể đem lại bình an cho lương tâm con người và sự sống đời đời cho họ.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II, Thông điệp Veritatis splendor (Ánh rạng ngời chân lý), Ngày 06-08-1993. Bản Việt ngữ từ:

Compagnoni R., Piana G., Privitera S., Nuovo dizionario di teologia morale (Từ điển mới về thần học luân lý), San Paolo Edizioni, 2011.

Aubert J.M., Compendio della morale cattolica (Toát yếu luân lý Công Giáo), Paoline, Frascati 1989.

Bruguès J.L., Dizionario di morale cattolica (Từ điển thần học luân lý) ESD, 1994.

Composta D., “Le tendenze della Teologia Morale nel post Concilio Vaticano ΙI (Những khuynh hướng thần học luân lý thời hậu Công Đồng Vat II), in Euntes Docete 47,1994.

Rigobello A., “La riflessione sulletica nella società contemporanea(Những suy tư về đạo đức trong xã hội hiện nay), in Etica oggi: comportamenti collettivi e modelli culturali (Đạo đức hiện nay: các hành vi cộng đồng và các mẫu văn hóa), Gregoriana, Padova 1989.

Vendrame G., Il problema morale oggi” (Vấn đề luân lý hiện nay), in GOFFI T. – PIANA G. (edd.), 1. Vita nuova in Cristo (Morale fondamentale e generale) (Đời sống mới trong Đức Kitô – Luân lý nền tảng và tổng quát), Queriniana, Brescia 1983.


[1]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor (Ánh rạng ngời chân lý), Ngày 06-08-1993, số 5.

[2]Ibid., số 4.

[3]Ibid., số 3.

[4]Ibid., số 84.

[5]Ibid., số 4.

[6]Ibid., số 26.

[7]Ibid., số 27.

[8]Ibid., số 32.

[9]Ibid., số 35.

[10]Ibid., số 34.

[11]Ibid., số 41.

[12]Ibid., số 44.

[13]Ibid., số 36.

[14]Ibid., số 37.

[15]Ibid., số 39.

[16]Ibid., số 40.

[17]Ibid., số 41.

[18]Ibid., số 46.

[19]Ibid., số 47.

[20]Ibid., số 48-49.

[21]Ibid., số 50.

[22]Ibid., số 52.

[23]Ibid., số 53.

[24]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 16.

[25]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor (Ánh rạng ngời chân lý), Ngày 06-08-1993, số 58.

[26]Ibid., số 60.

[27]Ibid., số 61.

[28]Ibid., số 65-70.

[29]Ibid., số 73-82.

[30]Ibid., số 110.