Những Trường Hợp Trục Xuất Các Tu Sĩ – Vấn Đề 105

0
1114


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 105

NHỮNG TRƯỜNG HỢP TRỤC XUẤT CÁC TU SĨ

 

A. Các lý do (đ. 696)

Đó phải là những sự kiện nghiêm trọng, xuất hiện ra bên ngoài (nhiều ngưòi đã biết hoặc có thể biết), có thể quy trách cho tu sĩ (nghĩa là tu sĩ có trách nhiệm luân lý) và có thể chứng minh theo pháp luật, thí dụ như: thường xuyên chểnh mảng các nghĩa vụ của đời sống thánh hiến; nhiều lần lỗi các lời khấn; ngoan cố bất tuân phục các chỉ thị hợp pháp của Bề trên trong các vấn đề can hệ; gây gưong xấu phát sinh từ tác phong có lỗi của đương sự; cố tình chủ trương hoặc phổ biến các đạo lý đã bị Huấn quyền Giáo Hội lên án; công khai tán trợ các ý thức hệ duy vật hoặc vô thần; vắng mặt bất hợp pháp trong vòng sáu tháng không trở về nhà Dòng, với ý định trốn tránh quyền bính các Bề trên (x. đ. 665 § 2). Luật riêng có thể dự trù các lý do trầm trọng khác tương tự. Để trục xuất một tu sĩ khấn tạm, luật riêng có thể xác định những lý do khác ít nghiêm trọng hơn.

B. Tiến hành thủ tục (đ. 697)

Trong các trường hợp vừa nói, Bề trên Cao Cấp:

a/. Sau khi đã lấy ý kiến của Hội Đồng Cố Vấn, sẽ quyết định có nên tiến hành thủ tục trục xuất không.

b/. Thu thập (hoặc bổ sung) các chứng cớ về sự kiện tội phạm cũng như về sự quy trách của tu sĩ.

c/. Cảnh cáo đương sự lần thứ nhất, – hoặc trước mặt hai nhân chứng, hoặc gửi thư bảo đảm có ký nhận-, về việc sẽ bị trục xuất nếu đương sự không sửa mình. Cần phải thông tri rõ ràng lý do việc trục xuất, và để cho đương sự khả năng trả lời để tự bào chữa.

d/. Nếu việc cảnh cáo này không mang lại kết quả, thì ít là mười lăm ngày sau đó Bề trên sẽ gửi cho đương sự một lời cảnh cáo thứ hai, cũng với hình thức và nội dung giống lần trước.

e/. Nếu lời cảnh cáo thứ hai vẫn không có hiệu quả, Bề trên sẽ lại triệu tập Hội Đồng Cố Vấn, và nếu nhận thấy rõ ràng sự bất trị của đương sự, và các lời giải thích của đương sự tỏ ra không đầy đủ, thì tất cả tập hồ sơ gồm:

– Các cáo trạng và các giấy tờ chứng minh, có chữ ký của Bề trên Cao Cấp và của chưởng khế (hoặc thư ký của ngài),

– Các câu trả lời của đương sự và có chữ ký của đương sự.

Tất cả sẽ được gửi lên Bề trên Tổng Quyền (hoặc Đức Giám Mục có thẩm quyền).

Cũng tương tự như trường hợp trục xuất bắt buộc, đương sự luôn luôn có quyền tiếp xúc trực tiếp với bề trên tổng quyền hoặc với Giám mục có thẩm quyền, để tự bào chữa.