James A. Weisheipl
Có lẽ nhiều người đã nghe nói đến học thuyết (triết học hoặc thần học) của thánh Tôma Aquinô, nhưng ít ai có dịp theo dõi sự tiến triển của trường phái “Thomismus” đội tên ngài. Trong bài này, tác giả trình bày những bước thăng trầm của trường phái này, được phân chia thành ba giai đoạn. Vì giới hạn của bài báo, chúng tôi chỉ tóm tắt những ý tưởng chính.
Nhập đề. Khái niệm về Thomismus: “học thuyết” và “trường phái” Tôma
I. Giai đoạn bảo vệ (tk. XIII-XV)
II. Giai đoạn chú giải và tranh luận (tk. XVI)
III. Giai đoạn phục hồi (tk. XIX-XX)
Kết luận. Học thuyết Tôma sau công đồng Vaticanô II
Nguồn: Weisheipl, James A., “Thomism” in: New Catholic Encyclopedia, 2nd ed. (2004), Vol. 14, p.40-51; continued in “Scholasticism, 3. Contemporary”, Vol.12, p.772-779.
————-
Nhập đề. Khái niệm về Thomismus
Thomism (tiếng Anh, thomisme tiếng Pháp) có thể dịch sang tiếng Việt là “học thuyết Tôma” (tư tưởng của ngài) hoặc “trường phái Tôma” (những môn đệ của ngài). Nhưng phải hiểu “trường phái” Tôma như thế nào? Thánh Tôma đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trên thần học Công giáo; phải chăng tất cả các nhà thần học trưng dẫn thánh nhân đều đáng được gọi là đồ đệ Tôma (thomist)? Chắc hẳn là không. Như vậy, cần có điều kiện gì để được xếp vào trường phái Tôma? Không dễ gì tìm được câu trả lời. Phải chăng ai muốn làm môn sinh của Tôma thì phải chấp nhận một số chủ trương (triết học hoặc thần học) của ngài? Nhưng làm thế nào xác định những mệnh đề cốt yếu của “học thuyết” Tôma? Câu trả lời cũng không đơn giản, bởi vì ngài viết quá nhiều tác phẩm, và có thể giải thích tư tưởng của ngài theo nhiều đường hướng khác nhau[1], đó là chưa kể các học giả muốn “cập nhật hóa” tư tưởng của ngài cho phù hợp với những đòi hỏi thời nay. Ngoài ra, ngày nay có người chủ trương rằng đi theo thánh Tôma không phải là lặp lại đạo lý của ngài cho bằng học hỏi thái độ cởi mở đối thoại của ngài. Vì thế viết lịch sử trường phái thánh Tôma không phải là chuyện đơn giản. Dù vậy, chúng tôi cũng cố gắng phác họa những tiến triển của việc giải thích học thuyết Tôma từ khi ngài qua đời cho đến nay, được chia làm ba giai đoạn: 1) Từ thế kỷ XIII đến XV: giai đoạn bảo vệ tư tưởng thánh Tôma đối lại với những trường phái triết học và thần học khác của thời Trung cổ. 2/ Từ thế kỷ XVI đến XVIII: giai đoạn những chú giải và tranh luận. 3/ Từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX: thời phục hồi, có khi cũng được đặt tên là “Tân Tôma”.
I. Giai đoạn sơ khởi: bảo vệ
Thánh Tôma Aquinô (1224/5-1274) qua đời mà không để lại đồ đệ nào xứng đáng kế nghiệp. Đang khi đó, vài quan điểm của ngài lại bị chống đối bởi vì giáo quyền lúc ấy không có thiện cảm với Aristote, và bởi vì ảnh hưởng của Platon (và thánh Augustinô) vẫn còn mạnh ở Paris. Bên cạnh đó cũng có những tranh luận giữa Phan-sinh và dòng Đa-minh. Tư tưởng của Tôma được các anh em cùng Dòng bảo vệ, đặc biệt kể từ khi được phong thánh.
1/ Lên án. Ngay từ năm 1270, nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra tại Paris liên quan đến việc sử dụng Aristote trong các phân khoa thần học. Những nhà thần học dựa vào Aristote bị chụp mũ là theo Averroès. Cuộc tranh luận đã trở nên sôi nổi và Đức thánh cha Gioan XXI ủy thác cho đức cha Etienne Tempier, giám mục Paris, điều tra. Vị này, vào ngày 7-3-1277 (giáp 3 năm ngày Tôma tạ thế), đã thiết lập danh sách 219 mệnh đề rối đạo. Tuy không nêu rõ đích danh, nhưng bản án này nhắm đến Siger de Brabant, Boethius de Dacia và Thomas Aquinas. Kế đó, ngày 18-3-1277, Robert Kilwardby O.P., tổng giám mục Canterbury thêm 16 mệnh đề nữa. Ngày 28-4 cùng năm ấy, ĐTC Gioan XXI phê duyệt quyết định của giám mục Tempier. Năm 1279, John Peckham OFM làm tổng giám mục Canterbury đã lặp lại việc lên án luận đề của Tôma (đặc biệt là luận đề về con người chỉ có một forma substantialis duy nhất). Ngoài giáo quyền Paris và Canterbury, đạo lý của Tôma còn bị dòng Phanxicô tố là lạc đạo. Vào cuối năm 1279, William de la Mare xuất bản cuốn Correctorium fratris Thomae, sửa sai 117 đoạn văn của Tôma cho phù hợp với Kinh thánh, thánh Augustinô và thánh Bônaventura. Tổng tu nghị dòng Phan sinh năm 1282 cấm lưu hành sách Summa của Tôma.
2/ Phản ứng. Khi thấy Tôma bị tấn công, và nhất là bởi một anh em cùng Dòng như Kilwardby, tổng tu nghị của Dòng Đa-minh đã bày tỏ thái độ, và cách riêng tổng tu nghị họp tại Paris năm 1279 buộc anh em phải bênh vực Tôma. Chính trong bối cảnh này mà trường phái tiên khởi của Tôma được thành hình. Tổng tu nghị 1286 họp tại Paris truyền cho anh em phải cổ động đạo lý Tôma, và những ai vi phạm lệnh này sẽ bị chế tài. Quyết định này được xác nhận tại tổng tu nghị Metz (1313), London (1314), Bologna (1315). Như vậy, đạo lý Tôma trở thành học thuyết của Dòng Đaminh.
3/ Phổ biến. Trong những người bênh vực và truyền bá học thuyết thánh Tôma, ta có thể kể đến:
- Bên Anh: Thomas of Sutton, William of Macclesfield, Nicholas Trevet, Thomas Waleys.
- Bên Pháp: Jean Quidort De Paris, Bernard d’Auvergne, Harvey Nedellec, Guillaume Pierre Godin, Pierre de La Palu.
- Bên Đức: Gerard of Sterngasse, Nicholas of Strassburg.
- Bên Ý: Hannibaldus de Hannibaldis, Rambert dei Primadizzi of Bologna, Bartolomé di Lucca, Giovanni di Napoli.
4/ Sau khi Tôma được phong thánh (do ĐGH Gioan XXII tại Avignon, ngày 18-7-1323), những bản án trước đây tại Paris bị rút lại (năm 1325). Các học trò thi đua giới thiệu các tác phẩm của thầy mình. Những nhân tố khác giúp cho sự phổ biến học thuyết Tôma là: việc thành lập các đại học mới tại Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Đức, Bohemia, Vienna, Cracow; ngành in cũng giúp phần không nhỏ vào việc phổ biến sách Summa Theologiae (tác phẩm này được dịch sang tiếng Armeni, Hy-lạp, Đức).
Thế kỷ XV được đánh dấu không những bởi việc phổ biến các tác phẩm của thánh Tôma (cùng với các bản Mục lục, tựa như Tabula Aurea của Pietro de Bergamo), mà còn bởi việc áp dụng đạo lý vào những lãnh vực khác nhau, chẳng hạn như luân lý học (Thánh Antoninô, Summa theologiae moralis), giáo hội học (Leonardo Dati, John Nider, John Stojkovic of Ragusa, Juan Torquemada). Dù sao, tác giả nổi bật nhất trong thế kỷ này là Joannes Capreolus (1380-1444), với tác phẩm Defensiones theologiae Divi Thomae, và cha được mang danh là Princeps Thomistarum.
Từ hậu bán thế kỷ XV, tại Đức, nhiều giáo sư đã đưa sách Summa vào dạy tại đại học (thay cho Sententiae của Petrus Lombardus): Kaspar Grunwald ở Freiburg, Cornelius Sneek và John Stoppe ở Rostock, Leonard of Brixental ở Vienna.
II. Giai đoạn chú giải và tranh luận
Cuộc Cải Cách Tin Lành đã buộc các nhà thần học đào sâu thêm những vấn đề liên quan đến Thánh Kinh, truyền thống các tông đồ và thần học hệ thống. Tại các quốc gia theo Tin lành Luther ở Bắc Âu, ảnh hưởng của William Ockham mạnh hơn là của Tôma. Duy chỉ ở các nước Công giáo, đặc biệt là Ý và Tây ban nha, học thuyết Tôma được đào sâu nhờ các nhà chú giải, nhưng cũng không thiếu những cuộc tranh luận giữa các dòng tu.
1/ Vị trí nổi bật của Summa Theologiae
Một sự kiện quan trọng của giai đoạn này là sách Summa Theologiae được dùng làm giáo khoa tại các đại học, thay thế cho sách Sententiae. Sáng kiến này bắt đầu từ Đức hồi thế kỷ XV, và dần dần lan rộng sang Tây ban nha và Ý.
Cuộc cải tổ các đại học và chủng viện do công đồng Trentô (1546-63) đã đưa đến việc dạy triết học và thần học “theo tư tưởng thánh Tôma” (ad mentem S. Thomae Aquinatis). Nhiều sách thủ bản đã được biên soạn theo chiều hướng này.
Những cuốn chú giải Summa cũng lần lượt được xuất bản. Năm 1512, Conrad Koellin xuất bản chú giải I-II ở Cologne. Cũng vào thời này, bên Ý, Tommaso de Vio Gaetano (Cajetanus,1469-1534, giáo sư tại Pavia, sau đó là Tổng quyền dòng Đaminh và Hồng y) cũng xuất bản toàn bộ chú giải Summa. Bộ sách này có ảnh hưởng rất lớn trong việc giải thích học thuyết Tôma, và được đức thánh cha Lêô XIII truyền cho xuất bản cùng với ấn bản phê bình của bộ Summa Theologiae (v. 3–12; Rome 1888–1906). Tuy vậy, cũng có nhiều tác giả đương thời không đồng ý Cajetanus (chẳng hạn như Ambrogio Catarino, Bartolomé Spina, Giovanni Crisostomo Javelli, Bartolomé de Medina, Melchior Cano, Domingo Báñez). Một tác giả khác cũng giúp cho sự phát triển học thuyết Tôma bên Italia là cha Francesco Silvestri (Ferrararensis, 1474-1526) với bộ chú giải Summa contra gentiles cũng được phát hành trong ấn bản phê bình (v. 13–15; Rome 1918–30). Cha Crisostomo Javelli viết cuốn thủ bản triết học đầu tiên theo tư tưởng thánh Tôma, tựa đề Totius rationalis, divinae ac moralis philosophiae compendium, được xuất bản nhiều lần vào những năm 1536 và 1580 tại Venice và Lyon.
Trong giai đoạn này, Tây-ban-nha là quốc gia mà học thuyết Tôma phát triển hơn cả, với các tác giả tên tuổi như: Francisco de Vitoria (1492-1546), giáo sư tại Salamanca, với bộ chú giải Summa theologiae II-IIae (7 v.), và những cuộc diễn thuyết từ năm 1526 đến 1541 (Relectiones theologicae 12) về những vấn đề pháp lý thực tiễn của thời đại, chẳng hạn như chính sách cai trị tại Mỹ châu, cuộc ly dị của vua Henri VIII (3 v.; Madrid 1933–35); Vitoria được coi như là người sáng chế ra Quốc tế công pháp. Các nhà thần học khác thời danh tại Salamanca là Domingo de Soto, Melchior Cano, Pedro de SoTomayor, Martin de Ledesma.
Các đại học Tây-ban-nha có ba ghế dành cho các học thuyết Tôma, Scotus và Duy danh. Ngoài Dòng Đaminh, nhiều giáo sĩ giáo phận và dòng tu (Augustinô, Carmêlô, Dòng Tên) cũng góp phần vào việc phát triển học thuyết Tôma. Trong hiến pháp dòng Tên, thánh Inhaxiô muốn rằng thần học phải được dạy theo Kinh thánh và đạo lý thánh Tôma, còn triết học thì theo Aristote (Const. 4.14.1). Tuy nhiên, ngài cũng mong muốn thích nghi với thời đại. Ratio Studiorum năm 1586 (dưới thời tổng quyền Claudius Acquaviva) cho phép rời bỏ ý kiến Tôma trong những vấn đề không còn hợp thời, nhưng một sắc lệnh năm 1593 lại buộc quay về với hướng chính thống.
2/ Công đồng Trentô (1545-1563)
Người ta kể rằng công đồng Trentô đã đặt bộ Summa lên bàn thờ kề với Kinh thánh. Nhưng đó chỉ là lưu truyền không có thực, muốn nói lên ảnh hưởng của ngài trong các quyết nghị của công đồng, nhằm canh tân Giáo hội và trả lời các thách đố của Martin Luther, cách riêng về ơn công chính hóa, các bí tích nói chung và Thánh thể nói riêng. Nhiều nhà thần học thuộc trường phái Tôma đã tham dự vào việc soạn thảo các bản văn như: Domingo de Soto, Melchior Cano, Bartolomé Spina, Ambrogio Catarino, Franscesco Romeo, Bartholomé de los Martyres, Pedro de Soto, Francisco Foreiro, Bartolomé de Carranza, Giacomo Nacchianti, Ambrose Perlargus, Jerome Oleaster, Thomas Stella, và Peter Bertano.
Theo lời yêu cầu của nhiều giám mục, một ủy ban được cử ra để soạn thảo sách Giáo lý, dưới sự chủ tọa của hồng y Seripandus và ba tu sĩ Đaminh (Leonardo Marini, Egidio Foscarari và giám mục Mutio Calini). Cuốn sách Catechismus Romanus được đức thánh cha Pio V ban hành năm 1566, dùng làm nền tảng cho các sách giáo lý khác trong toàn Hội thánh cho đến thế kỷ XX.
Năm 1567, đức Piô V tuyên bố thánh Tôma Aquinô là tiến sĩ Hội thánh (vị thứ năm sau bốn giáo phụ: Ambrôsiô, Giêrônimô, Augustinô và Grêgôriô Cả), và ra lệnh sưu tập cùng xuất bản toàn thể các tác phẩm của ngài. Ấn bản này (editio piana) đã góp phần rất lớn vào việc quảng bá đạo lý.
3/ Những cuộc tranh luận
Vào thời này, ngoài những cuộc tranh luận đạo lý (disputationes theologicae) với Phái Cải Cách, còn có hai cuộc tranh luận sôi nổi trong nội bộ Giáo hội Công giáo, liên quan đến ân sủng và lương tâm.
– Cuộc tranh luận thứ nhất diễn ra ở Tây ban nha, được mang tên là De auxiliis divinae gratiae, giữa Luis de Molina SJ và Domingo Báñez OP, chung quanh mối tương quan giữa ân sủng và tự do, khởi đầu từ năm 1582. Molina bênh vực tự do con người và bị tố là theo Pelagio; Banez (dựa theo thánh Tôma) đề cao ân sủng và bị tố là theo Calvin. Cuộc tranh luận kéo dài từ Tây ban nha sang tận Rôma, suốt 20 năm và đức thánh cha Phaolô V tuyên bố chấm dứt (năm 1607), không bên nào được phép lên án bên kia là lạc giáo.
– Cuộc tranh luận thứ hai liên quan đến lương tâm. Khi đứng trước nhiều vấn đề phức tạp mà không có một ý kiến nào chắc chắn, thì ta được phép theo một ý kiến “cái nhiên” (probabilis) hay là cần phải “cái nhiên hơn” (probabilior)? Theo Bartolomé de Medina OP (chú giải Summa I-II, năm 1577), ý kiến “cái nhiên” đã đủ. Các tu sĩ Đaminh Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha cũng ủng hộ như vậy, cho đến năm 1656 thì ý kiến này bị tổng tu nghị Rôma cấm. Nhưng Dòng Tên (Gabriel Velasquez) tiếp tục chủ trương ý kiến của Medina, để chống lại phái Jansenism. Cuộc tranh luận này đã lôi cuốn nhiều nhà thần học thuộc những dòng khác (chẳng hạn như thánh Alphonsô Liguôri, với chủ trương equiprobabilismus). Cuộc tranh luận này cũng kéo dài khá lâu; sau cùng thuyết probabilism bị Tòa Thánh phi bác (Đức Innocentê XI năm 1665).
4/ Thế kỷ XVII
Nhiều bộ chú giải và giáo trình triết học và thần học theo đạo lý thánh Tôma tiếp tục được xuất bản, viết bởi các tu sĩ dòng Đaminh hoặc các dòng khác:
- Các tu sĩ dòng Tên ở Coimbra (Coimbrenses): soạn bộ giáo trình triết học theo Aristote.
- Các tu sĩ dòng Carmêlô cải tổ ở Alcalá (Complutenses) bộ chú giải Cursus artium(7 v.; 1624–28) được sử dụng tại đại học Salamanca từ năm 1627 và nhiều chủng viện.
- Các tu sĩ dòng Carmêlô ở Salamanca (Salmanticenses) bắt đầu biên soạn bộ chú giải Summa năm 1631 và mãi đến năm 1704 mới hoàn tất mang tựa đề Cursus theologiae(20 v.; Paris 1870–83), và Cursus theologiae moralis (7 vol.)
- Tác phẩm nổi tiếng nhất trong thế kỷ này là bộ sách Cursus philosophicus thomisticus của Joannes a S. Thomas OP (1589-1644), cùng với một bộ chú giải Summa gọi là Cursus theologicus.
- Những bộ chú giải xuất bản ở các nước khác: Charles René Billuart OP (1685-1757) bộ chú giải Summa gồm 18 cuốn ở Bỉ; Vincenzo Gotti OP (Theologia scholastico-dogmatica iuxta mentem D. Thomae, 16 v.) ở Ý; Ludwig Babenstuber OSB (Philosophia thomisticavà Cursus theologiae moralis) bên Đức (Augsburg 1718).
- Giáo trình: Antoine Goudin, Philosophia Juxta D. Thomae Dogmata(Milan, 1676, được tái bản 14 lần trong vòng một thế kỷ 1774)
Tiếc rằng những tác phẩm trên đây chỉ lưu hành trong các chủng viện và đại học của Giáo hội, và đa số lặp lại tư tưởng cổ truyền, đang khi bên ngoài, người đời bị thu hút bởi những luồng triết học mới (Descartes, Locke, Berkeley e Hume,vv…).
III. Giai đoạn III
Có người đặt tên cho giai đoạn này là “Tân kinh viện”, nhưng có lẽ muốn chính xác hơn thì phải gọi là “Tân Tôma”, lý do tại vì “kinh viện” còn bao gồm nhiều tác giả khác nữa (Bônaventura, Scotus, Suarez, vv). Đặc trưng của giai đoạn này là sự can thiệp của Huấn quyền, buộc phải dạy học thuyết Tôma trong các chủng viện. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày ba điểm: 1/ Những bước chuẩn bị cho cuộc hồi sinh học thuyết Tôma trong thế kỷ XIX; 2/ những can thiệp của huấn quyền trong thế kỷ XIX-XX; 3/ Những thành quả.
A. Những bước chuẩn bị
Việc học hỏi thánh Tôma vẫn luôn được duy trì trong dòng Đaminh. Điều này được lặp lại tại các tổng tu nghị năm 1748 và 1777, cũng như lệnh của tổng quyền J.T. Boxadors năm 1777. Trong chiều hướng đó, bộ sách Summa theologiae được tái bản nhiều lần, giúp phổ biến tư tưởng của thánh tiến sĩ Thiên thần. Nói cho đúng, việc phục hồi đạo lý Tôma không chỉ nhờ công lao của các tu sĩ Đaminh (đáng kể nhất là Salvatore Maria Roselli, Summa Philosophica ad mentem Angelici Doctoris S. Thomae Aquinatis, bộ sách 6 quyển. Rôma 1777), nhưng còn do nhiều nhân vật khác, đặc biệt khi họ cần tìm một chỗ quy chiếu trước những tư tưởng triết học bấp bênh vào thời ấy. Chúng ta hãy điểm qua vài khuôn mặt tiêu biểu dựa theo các quốc gia châu Âu.
1/ Ý. Người mở đầu cuộc phục hồi học thuyết Tôma là Vicenzo Buzzetti, một kinh sĩ tại Piacenza, trước đây đã theo Locke, tác giả bộ sách Institutiones sanae philosophiae iuxta divi Thomae atque Aristotelis inconcussa dogmata. Trong số môn sinh của ngài có hai người anh em Sordi (Serafino và Domenico, sau này đều gia nhập Dòng Tên) và Giuseppe Pecci (bào huynh của Lêô XIII). Hai anh em Sordi và cha Luigi Taparelli d’ Azeglio SJ đều là những người cổ động cho việc phục hồi học thuyết Tôma. Tại Napoli, linh mục Gaetano Sanseverino, sau một thời gian đi theo Descartes, đã quay sang Tôma, và soạn bộ sách Philosophia Christiana (5 v., Napoli 1853) để phê bình các triết gia cận đại (D. Hume, T. Reid, I. Kant, F. W. J. Schelling, H. F. R. de Lamennais, Gioberti).
2/ Rôma. Trung tâm của cuộc phục hưng học thuyết Tôma là Collegio san Tommaso ở tu viện Minerva dòng Đaminh, nơi mà Summa theologiae được dùng làm sách giáo khoa. Trong số các giáo sư thần học, có thể kể Vincenzo Gatti (tác giả Institutiones apologeticae 1866), Francisco Xarrié (tác giả Theologia Thomistica và Institutiones theologicae ad mentem D. Thomae 1861–63, viết chung với Narciso Puig. Về triết học, cần phải nhắc đến Tommaso Zigliara (1833-1893), tác giả bộ Summa philosophica được tái bản 17 lần; và được đức thánh cha Lêô XIII phong hồng y và đặt làm chủ tịch ủy ban xuất bản các tác phẩm Tôma. Ngoài ra cũng cần nhắc tới ban biên tập của tập san La Civilta Cattolica (của dòng Tên) cổ động rất mạnh cho học thuyết Tôma.
3/ Tây ban nha. Triết gia J. L. Balmes tuyên bố đi theo triết học Tôma trong bộ Filosofia fundamental (1846) và Curso de filosofia elemental (1847). Tại các chủng viện nước này, sách Summa theologiae của thánh Tôma được dùng làm sách giáo khoa thần học. Tác giả tiêu biểu cho việc phổ biến học thuyết Roma là cha Ceferino Gonzálezy Díaz Tuñón O.P., giáo sư tại Manila and Ocaña, về sau làm giám mục (1874) và hồng y (1884). Các tác phẩm của cha (Estudios sobre la filosofia de S. Tomás, Manila 1864; Philosophia elementaris (3 v. Madrid 1868), and Historia de la filosofia (6 v. Madrid 1879–85) được dùng là sách giáo khoa và được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
4/ Bên Pháp, để chống lại thuyết duy lý, các học giả Công giáo, F. R. de Chateaubriand, J. M. de Maistre, L. G. A. de Bonald, và H. F. R. de Lamennais đã đề ra thuyết lưu truyền (traditionalisme) như bằng cớ biện hộ cho các chân lý tự nhiên và siêu nhiên. Việc cổ võ học thuyết Tôma do các tác giả ở ngoài dòng Đaminh, như Pierre Roux-Lavergne, G. Ventura di Raulica.
5/ Đức và Áo. Những người đề xướng sự phục hưng học thuyết Tôma là Franz Jacob Clemens (giáo sư ở Münster), Karl Werner (giáo sư tại Vienna) và nhất là Joseph Kleutgen SJ (với tác phẩm Die Theologie der Vorzeit).
B. Huấn quyền
1/ Đức Lêo XIII, ngay từ thông điệp đầu tiên Quod apostolici muneris (1878) chống lại chủ nghĩa xã hội đã cảm thấy sự cần thiết của một nền triết học lành mạnh. Ngày 4-8-1879, ngài đã viết thông điệp Aeterni patris kêu gọi phục hồi triết học Kitô giáo và thúc giục các giám mục cổ võ sự thông tuệ của thánh Tôma, phổ biến đức tin công giáo để xây dựng xã hội. Ngài còn tiếp tục công cuộc này qua nhiều thông điệp về các vấn đề xã hội, về tự do, Kinh thánh, Công giáo tiến hành, hôn nhân, giáo dục. Việc phục hồi triết học kinh viện không chỉ nhằm nghiên cứu học thuyết cổ điển nhưng còn muốn tìm cách giải quyết những vấn đề khoa học và xã hội thời nay. Để thực hiện việc phục hưng học thuyết Tôma, ngài thành lập Hàn lâm viện thánh Tôma tại Roma (13-10-1879), thiết lập ủy ban lo việc xuất bản các tác phẩm của thánh tiến sĩ (editio leonina); thiết lập Institut Supérieur de Philosophie ở Louvain (1880), tôn thánh sư làm bổn mạng các đại học và cao đẳng thế giới (4-8-1890).
2/ Đức Piô X
Kế hoạch của đức Lêô XIII không được hoan hỉ tiếp nhận, một phần do ảnh hưởng của thuyết Tân Thời (modernisme) cho rằng kinh viện đã lỗi thời. Để thúc đẩy việc thi hành ước muốn của vị tiền nhiệm, với tự sắc Doctoris Angelici (29-6-1914: AAS 6,1914, 336-341), đức Piô X nhấn mạnh rằng học thuyết kinh viện phải được hiểu là giáo huấn của thánh Tôma. Các học hiệu muốn cấp bằng của Tòa Thánh buộc phải sử dụng sách Summa theologiae làm sách giáo khoa.
Phải hiểu giáo huấn của thánh Tôma như thế nào ? Để làm sáng tỏ vấn đề, ngày 27-7-1914, Bộ Giáo dục của Tòa Thánh đã thiết lập danh sách 24 luận đề triết học (do cha Guido Mattiussi SJ soạn) được coi như là principia et pronuntiata maiora của thánh Tôma (“Theses quaedam, in doctrina Sancti Thomae Aquinatis contentae et a philosophiae magistris propositae, adprobantur”: AAS 6, 1914, 384-386). Ngày 7-3-1916, Bộ tuyên bố rằng 24 luận đề này phải được sử dụng trong các lớp triết học, cũng tương tự như Summa dùng trong các lớp thần học.
3/ Những tuyên ngôn kế tiếp
Bộ giáo luật do đức Bênêđictô XV ban hành năm 1917, buộc các tất cả các giáo sư phải theo và dạy phương pháp, đạo lý và các nguyên tắc của thánh tiến sĩ Thiên thần (c.1366 §2). Đức Piô XI nhắc lại rằng Giáo hội đã coi triết học thánh Tôma như của riêng mình (thông điệp Studiorum ducem 29-6-1923: AAS 15,1923, 314).
Dức Piô XII, trong thông điệp Humani generis (12-8-1950), sau khi trình bày giá trị của triết học và sự hữu ích của nó đối với thần học, đã truyền rằng các linh mục tương lai cần phải được đào tạo theo “tinh thần, đạo lý và các nguyên lý của thánh tiến sĩ Thiên thần (AAS 42, 1950, 572).
C. Những kết quả
Việc phục hưng học thuyết Tôma đạt được thành công nhờ nhiều yếu tố: học hiệu và cơ sở, các tác phẩm và tạp chí.
1/ Các học hiệu và cơ sở
Ngoài các đại học công giáo Louvain, Fribourg, Paris, Washington, học thuyết thánh Tôma được phổ biến qua các đại học Santo Tomás de Manila, Sacro Cuore (Milanô), và Lateranô, Angelicum (Rôma), cũng như các Học viện Đaminh Le Saulchoir, Toulouse, Lyon, Bolonia, Salamanca, Oxford, Ottawa, vv. Ngoài việc truyền bá đạo lý, các trung tâm này còn bảo đảm việc dịch thuật các tác phẩm của thánh Tôma sang các ngôn ngữ chính của Âu châu (Anh, Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Đức), và kể cả các ngôn ngữ Á châu (Hoa, Nhật, Việt)
Gắn liền với các cơ sở vừa kể là các tạp chí chuyên ngành: Divus Thomas (1880–) Piacenza; Jahrbuch für Philosophie und spekulative Theologie (1887–); St. Thomas-blätter (1888–), Regensburg; Philosophisches Jahrbuch (1888–); Revue Thomiste (1893–) Toulouse; Revue néoscolastique de philosophie (1894–) Louvain; Rivista Italiana di filosofia neoscolastica (1909–) Milanô; La Ciencia Tomista (1910–) Salamanca; Angelicum (1923) Rôma; The Thomist (1939) Washington; Doctor communis (1948) Vaticanô.
2/ Tác phẩm
Nhiều sách giáo khoa được biên soạn để sử dụng tại các chủng viện và đại học, nổi danh nhất là các bộ của Désiré Joseph Mercier, Cours de philosophie (1897-1908); Josef Gredt OSB, Elementa philosophiae Aristotelico-Thomisticae (2 v. 1st ed. Rome 1899–1901; 12th ed. 1958).
3/ Những đường hướng nghiên cứu trong thế kỷ XX
Học thuyết Tôma được đào sâu nhiều khía cạnh.
Trước hết là trong bối cảnh lịch sử của thời Trung đại, mở đầu với tác phẩm của Maurice De Wulf, Histoire de la philosophie médiévale Louvain 1900. Công cuộc nghiên cứu lịch sử triết học được tiếp tục do Pierre Mandonnet, Franz Pelster, August Pelzer, Konstanty Michalski, Martin Grabmann, Dominique Chenu, Etienne Gilson, vv… Cuộc nghiên cứu lịch sử đã đưa đến sự phân biệt giữa thomiste và thomasien (tiếng Đức: thomistisch – thomasich). Từ “thomiste” ám chỉ trường phái Tôma được giải thích qua các môn đệ nổi tiếng như Cajetanus, Joannes a S. Thomas; từ “thomasien” nghiên cứu tư tưởng qua chính bản văn tác giả (Thomas sui intepres). Có thể ví với cuộc tranh luận giữa Luther và Công giáo về “Sola Scriptura” hoặc “Scriptura et Traditio”.
Kế đó là những khía cạnh của triết học. Vào đầu thế kỷ XX, ý tưởng then chốt của Tôma xem ra là sự phân biệt giữa “tiềm năng” và “hiện thể” (N. del Prado, G. Mattusi, E. Hugon, và G. Manser). Vào thập niên 20, xem ra sự “loại suy” (analogia) mới là chìa khóa của siêu hình (N. Balthasar, M. T. L. Penido, and S. Ramirez). Vào giữa thập niên 30, người ta lưu ý đến ảnh hưởng của Platon qua ý tưởng “thông dự” (participatio: L. B. Geiger, C. Fabro, A. Little). Qua thập niên 50, trọng tâm nghiên cứu chuyển sang sự hiện hữu (esse: J. Maritain, É. Gilson, C. Fabro, G. B. Phelan). Đến hậu bán thế kỷ, các học giả khác tìm cách kết hợp Tôma và M. Heiddeger hoặc E. Husserl. Từ đó, có thể nói đến nhiều khuynh hướng “thomism” khác nhau:
a) Kinh viện (Scholastica). Khuynh hướng này nhấn mạnh đến việc duy trì truyền thống tư tưởng của Tôma do các nhà chú giải đã để lại (Capreolus, Cajetanus, Joannes a Sancto Thoma), đặc biệt trong những nguyên tắc triết học đã được tóm lại trong 24 luận đề được ĐTC Piô X phê chuẩn. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là Reginald Garrigou-Lagrange (1877-1964) và Santiago Ramirez (1968)
b) Hiện sinh (Existentialisme; nên dịch là hiện hữu thì đúng hơn). Đại diện tiêu biểu là Etienne Gilson (1884-1978) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc bản văn trong bối cảnh lịch sử. Ông muốn tách rời thánh Tôma không những ra khỏi trường phái của các nhà chú giải (như Cajetanus) mà thậm chí khỏi Aristote nữa, ngõ hầu nắm bắt cái tư tưởng độc đáo của ngài. Gilson cho rằng điểm độc đáo của triết học Tôma hệ tại quan niệm esse (khác với quan niệm essentia của khuynh hướng thứ nhất). Gilson cũng cho rằng thánh Tôma phân biệt triết học với thần học, vì thế có thể nói đến “triết học Kitô giáo”. Jacques Maritain (1882-1973) cũng có thể xếp trong khuynh hướng này; ông đặc biệt quan tâm đến siêu hình học cũng như triết học xã hội.
c) Siêu nghiệm (Transcendental). Khuynh hướng này bắt nguồn từ Désiré Mercier (1851–1926) và Maurice Blondel (1861-1949), và được khai triển nhờ Jean-Pierre Rousselot SJ (1846–1924) và Joseph Maréchal SJ (1878–1944), muốn bắt cầu với triết học hiện đại (Descartes, Kant), cũng như với khoa học thực nghiệm. Khuynh hướng này được tiếp tục nơi Karl Rahner SJ (1904–1984) và Bernard Lonergan SJ (1904–1984).
d) Hiện tượng luận (Phenomenological), do A. Krapiec OP (1921-2008) thành lập ở Lublin (Ba lan). Khuynh hướng này muốn kết hợp tư tưởng thánh Tôma với hiện tượng học (Edmund Husserl, Max Scheler), chú trọng đến nhân vị. Nhân vật tiêu biểu là Karol Wojtyla (1920-2005), tức là thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II.
e) Phân tích (Analytic), phát triển bên Hoa kỳ, muốn đối thoại với triết học phân tích tại nước này (Gottlob Frege, Bertrand Russell, G.E. Moore, Ludwig Wittgenstein). Nhân vật tiêu biểu Elizabeth Anscombe(1919-2001), Peter Geach, Alasdair MacIntyre, John N. Deely.
Về thần học, vào đầu thế kỷ XX, các tác phẩm tập trung vào hai đề tài hộ giáo De Ecclesia và De Revelatione theo hướng của công đồng Vaticanô I (A. M. Weiss, Reginald Schultes, Ambroise Gardeil, Antonin Sertillanges, Christian Pesch, Reginald Garrigou-Lagrange. Thần học luân lý vẫn theo hướng cổ điển với các thủ bản của Hieronymus Noldin, Dominikus Prümmer, B. H. Merkelbach. Thần học huyền nhiệm có những đổi mới nhờ A. A. Tanquerey, J. G. Arintero, Bartholomé Froget, R. Garrigou-Lagrange. Sau thế chiến II, thần học đã chứng kiến cuộc canh tân, nhờ các phong trào Kinh thánh, phụng vụ, giáo phụ, lịch sử, đại kết. Đó là những bước chuẩn bị cho công đồng Vaticanô II, mà ta không thể bỏ qua hai cha Dominique Chenu và Yves Congar.
Kết luận
Thánh Tôma từ công đồng Vaticano II[2]
Có người cho rằng công đồng Vaticano II đã khai tử học thuyết thánh Tôma. Từ nay, thần học phải quay về Thánh Kinh và các giáo phụ, chứ không còn dựa trên nền tảng của nhà thần học nào, kể cả thánh Tôma.
Sự thực không phải như vậy. Trước hết chúng tôi sẽ điểm qua những văn kiện của Giáo hội tiếp tục đề cao học thuyết thánh Tôma. Kế đến chúng tôi sẽ lướt qua những đường hướng nghiên cứu hiện nay.
A. Những văn kiện huấn quyền
Công đồng Vaticano II trích dẫn thánh Tôma ở nhiều văn kiện khác nhau, nhưng đã minh thị đề cập đến giáo huấn thánh Tôma ở hai đoạn văn: Tuyên ngôn về giáo dục Công giáo Gravissimum educationis momentum số 10 và Sắc lệnh về việc đào tạo các linh mục Optatam totius [3]. Sắc lệnh Optatam totius về việc đào tạo các linh mục (28-10-1965), số 15, nói đến việc dạy triết học dựa theo “gia sản triết học có giá trị vĩnh cửu” (patrimonio philosophico perenniter valido)[4], tuy không nhắc đích danh thánh Tôma nhưng qua việc trích dẫn thông điệp Humani generis và Bộ giáo luật, thì cần phải hiểu theo nghĩa ấy. Ở số 17, khi bàn đến việc giảng dạy thần học thì công đồng nói đến thánh Tôma như là một điểm quy chính trong thần học hệ thống. Tuyên ngôn về giáo dục (ban hành 28-10-1965), số 10, khuyến khích các đại học công giáo hãy noi gương các vị đại tiến sĩ, cách riêng là thánh Tôma trong việc nghiên cứu (trích dẫn diễn từ của Đức Phaolô VI dành cho Hội nghị quốc tế về học thuyết Tôma ngày 10-9-1965).
Thực ra trong thời gian soạn thảo sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, nhiều nghị phụ đã yêu cầu đừng dành sự “độc tôn” cho bất cứ học thuyết triết học nào (xem bài phát biểu của hồng y Leger và thượng phụ Maximô V). Người ta lo rằng việc dừng lại ở một học thuyết thời Trung cổ sẽ tạo cho các sinh viên một thái độ khép kín với các trào lưu thời đại. Hiểu như vậy, các tuyên ngôn của huấn quyền muốn chứng tỏ rằng không những học thuyết Tôma vẫn còn hợp thời nhưng nhất là thánh nhân là mẫu gương đối thoại và những nguyên tắc của ngài sẽ giúp Giáo hội trả lời cho những thách đố ngày nay.
Đó cũng là giáo huấn của các giáo hoàng tiếp theo công đồng, mà chúng tôi chỉ liệt kê dưới đây vài văn kiện chính.
1/ Đức Phaolô VI
Đáng kể nhất là bức thư Lumen Ecclesiae, gửi cho cha Vincent de Couesnongle, bề trên tổng quyền Dòng Đaminh (20-11-1974), nhân dịp kỷ niệm 700 năm thánh Tôma tạ thế, ngài không những khuyến khích việc nghiên cứu giáo huấn của vị thánh này, nhưng còn vạch ra những điều vẫn còn thích hợp với thời nay[5].
2/ Đức Gioan Phaolô II
Khi còn là giáo sư ở Lublin, ngài đã là thành viên của nhóm nghiên cứu học thuyết thánh Tôma đối thoại với hiện-tượng-luận. Sau khi lên ngôi giáo hoàng, ngài đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ học thuyết Tôma, chẳng hạn như các diễn từ đọc tại đại học Gregoriana (15-12-1979), Hội nghị quốc tế về học thuyết Tôma lần VIII kỷ niệm bách chu niên thông điệp Aeterni Patris (13-9-1980).
Bộ giáo luật được ban hành ngày 25-1-1983, ở các điều 251-252, lặp lại những gì công đồng đã nói về nguyên tắc giảng dạy triết học và thần học trong chương trình đào tạo linh mục.
Đặc biệt, thông điệp Fides et ratio (14-9-1998) đã nói đến giá trị của thánh Tôma trong lãnh vực triết học, tập trung vào hai chương: chương IV bàn về lịch sử tương quan giữa đức tin và lý trí, các số 43-44 “sự mới mẻ liên tục của tư tưởng thánh Tôma”; chương V nói đến sự can thiệp của Huấn quyền vào lãnh vực triết học, các số 57-58 và 60-61 nhắc đến quan điểm của Giáo hội về thánh Tôma; và đặc biệt ở số 78 nói đến lý do Giáo hội bênh vực học thuyết này[6].
B. Những hướng nghiên cứu
Phải kể là một khám phá không nhỏ của các đồ đệ thánh Tôma từ sau công đồng là xác định lại chân dung của ngài. Từ sau thông điệp Aeterni Patris người ta thường quan tâm đến triết học của ngài, và vì thế ngài được nhìn như một triết gia. Nhưng kể từ công đồng Vaticanô II người ta nhận thấy rằng tiên vàn ngài là một nhà thần học, còn triết học chỉ là “dụng cụ” để phát biểu các suy tư. Vào thập niên 80, người ta đã khám phá một khía cạnh trước đây bị bỏ quên, đó là các quyển chú giải Kinh thánh. Thật vậy, thánh Tôma không chỉ là một nhà thần học hệ thống (bộ Summa Theologiae) mà còn là một nhà chú giải Sách thánh, và Kinh thánh quả thật là linh hồn của thần học[7]. Dù sao, đó chỉ là điểm nhấn, còn trên thực tế, tất cả các khía cạnh nghiên cứu ấy (triết học, thần học, Kinh thánh, tâm linh) đều ảnh hưởng đến nhau.
Từ dưới những khía cạnh này người ta khám phá khá nhiều điều mới trong tư tưởng thánh Tôma. Ngài không phải là một người bảo thủ nhưng luôn tìm cách đối thoại với các trào lưu mới. Trên đây chúng tôi đã nhắc đến những khuynh hướng nghiên cứu triết học của thánh Tôma, bây giờ xin bổ túc với những đường hướng trong lãnh vực thần học và Kinh thánh.
Thánh Tôma và Kinh thánh. Thánh Tôma không chỉ trích dẫn các đoạn Kinh thánh, nhưng còn theo sát quan điểm Kinh thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ. Điều này khá rõ khi phân tích cấu trúc bộ Summa Theologiae, dựa theo “exitus-reditus”, chứ không chỉ theo các nguyên tắc siêu hình[8].
Thánh Tôma với các giáo phụ. Ngài am tường các giáo phụ, đặc biệt khi soạn bộ sách Catena aurea, nghĩa là chú giải Tin mừng bằng các bản văn của các giáo phụ[9]. Điều này giúp rất nhiều cho cuộc đối thoại với các Giáo hội Chính thống[10].
Thánh Tôma với thần học đại kết. Việc nghiên cứu chú giải Kinh thánh cũng là một đề tài được các nhà thần học Tin Lành quan tâm. Riêng đối với cuộc đối thoại với Luther, người ta lại có dịp mở lại hồ sơ lịch sử để đối chiếu quan điểm, tìm ra những điểm đồng quy và bất đồng[11]
Thánh Tôma với việc canh tân thần học luân lý. Người ta đã tái khám phá giá trị của luân lý của ngài, theo chiều hướng nhân đức và hạnh phúc, chứ không dựa theo luật lệ ngăn cấm. Trong lãnh vực này cần phải nhắc đến tên cha Servais Pinckaers[12], một người có lẽ đã dự phần vào việc biên soạn thông điệp Veritatis spendor của đức thánh cha Gioan Phaolô II. Dĩ nhiên trong lãnh vực này, ta cần gắn liền thần học luân lý và thần học tâm linh. Ngoài ra trong luân lý xã hội, các văn kiện Tòa Thánh, kể từ đức thánh cha Lêô XIII, vẫn thường quy chiếu về thánh Tôma[13].
Sau cùng, chúng tôi cũng muốn giới thiệu những trung tâm nghiên cứu và phổ biến học thuyết Tôma chẳng hạn: Hàn lâm viện Giáo hoàng thánh Tôma Aquino (Roma)[14], Hội quốc tế thánh Tôma (Sociedad Internacional Tômas de Aquino : SITA) được thành lập năm 1976 ; các đại học và tạp chí đã được nói trên đây.
Về thư mục quốc tế, có thể tra cứu trên mạng Bibliographia Thomistica đăng trên Corpus thomisticum, dưới sự điều hành của E. Alarcon (http:/www.corpusthomisticum.org). Cũng tại địa chỉ này, độc giả có thể tìm thấy toàn bộ tác phẩm (Opera omnia) của thánh Tôma, được cha R. Busa S.J. (1913-2011) chuyển sang kỹ thuật số Index thomisticus từ năm 1970, với sự hợp tác của IBM.
Thư mục
1) Dẫn nhập về khung cảnh lịch sử (con người, tác phẩm)
J. A. Weisheipl, Friar Thomas d’Aquino: His Life, Thought, and Work (New York 1974), with Corrigenda and Addenda (Washington, D.C. 1983).
J.-P. Torrell, Initiation a saint Thomas d’Aquin, v. 1, Sa personne et son oeuvre (Fribourg 1993), v. 2, Saint Thomas d’Aquin, maître spirituel (Fribourg 1996). Bản dịch tiếng Anh: Saint Thomas Aquinas, vol.1 , The Person and His Work, vol.2, Spiritual Master (Washington, D.C. 1996; 2003).
T. F. O’Meara, Thomas Aquinas Theologian(South Bend, Ind. 1997).
2) Dẫn nhập về học thuyết căn bản
A.G. Sertillanges, Les grandes thèses de la philosophie thomiste (Paris 1928), tiếng Anh: Foundations of Thomistic Philosophy, tr. G. Anstruther (St. Louis 1931).
É. H. Gilson, The Christian Philosophy of St. Thomas Aquinas (New York 1956); The Spirit of Thomism (New York 1964).
B. Davies, The Thought of Thomas Aquinas(Oxford 1992).
3) Sự tiến triển của trường phái Tôma
F. J. Roensch, Early Thomistic School(Dubuque 1964).
R. Cessario, Les thomisme et les thomistes(Paris 1999); A Short History of Thomism (Washington 2003).
Jean-Pierre Torrell, “Situation actuelle des études thomistes,” in: Recherches de Science Religieuse 91 (2003) 343-371.
David Berger, “Interpretations of Thomism Throughout History”, in: Anuario Filosofico, 39 (2006), 351-370.
————————
[1] Chắc chắn tư tưởng của thánh Tôma đã tiến triển từ khi mới bắt đầu dạy học cho đến lúc trưởng thành; nhưng có người gặp những ý kiến mâu thuẫn nhau trong các tác phẩm của ngài: “Divus Thomas videtur sibimet contradicere” x. Petro de Bergamo (+1482), Concordantiae Textuum discordantium Divi Thomae Aquiniatis (Florence: Libreria Editrice Fiorentina, 1982).
[2] Dựa theo Serge Bonino, Le thomisme de 1962 à 2012. Vue panoramique, in “Nova et Vetera” (2012), p. 419-446.
[3] V. Botella Cubells, « Santo Tomás de Aquino en el Vaticano II : Una aproximación a la luz de las estadísticas », Teologia espiritual 57 (2013), p. 29-48.
[4] Nên lưu ý là bản văn tránh dùng thuật ngữ philosophia perennis.
[5] S. Pinna, “Relire Lumen Ecclesiae. La personnalité de saint Thomas d’Aquin selon Paul VI”, in: Nova et Vetera, 89 (2014) 411-427.
[6] S. Bonino, “Saint Thomas d’Aquin dans l’encyclique Fides et ratio » , dans : La vérité vous rendra libres, Hommage au Cardinal Georges Cottier, (Le Muveran, 2004), p. 139-148.
[7] J.-P. Torrell, La « Somme » de saint Thomas, « Classiques du christianisme », Paris, 1998, p. 171-172 : « En insistant sur la nécessité de restaurer la ‘philosophie’ du Maître d’Aquin, Léon XIII n’a pu qu’enraciner la néoscolastique dans l’hypertrophie de cette dimension au détriment de l’intention formellement théologique. S’il est incontestable que saint Thomas est un philosophe de grande classe et s’il n’est pas question de le soustraire aux investigations de ses pairs, il faut redire au lecteur qu’il doit aussi prêter toute son attention à Thomas comme théologien, disciple des Pères de l’Eglise et interprète de la Bible »
[8] W.G.B.M. Valkenberg, Words of the Living God : Place and Function of Holy Scripture in the Theology of St. Thomas Aquinas (Leuven, 2000). Christopher T. Baglow, “Modus et forma”: A New Approach to the Exegesis of Saint Thomas Aquinas with an Application to the Lectura super Epistolam ad Ephesios (Roma 2002). Piotr Roszak – Jörgen Vijgen (ed), Thomas Aquinas and the Renewal of Biblical Theology (Pamplona 2008).
[9] L. J. Bataillon, « Saint Thomas et les Pères. De la Catena à la Tertia pars », dans : Ordo sapientiae et amoris. Image et message de saint Thomas d’Aquin à travers les récentes études historiques herméneutiques et doctrinales., C. J. Pinto de Oliveira (ed.) (Fribourg 1993), p. 15-36. M. Dauphinais, B. David, M. Levering (ed.) Aquinas the Augustinian, (Washington, 2007).
[10] Marcus Plested (ed), Orthodox Readings of Aquinas, (Oxford 2012).
[11] O.-H. Pesch, Thomas von Aquin, Grenze und Grösse mittelalterlicher Theologie. Eine Einführung, (Mainz, 1988) tiếng Pháp : Thomas d’Aquin, Grandeur et limites de la théologie médiévale, (Paris, 1994).
[12] S.-Th. Pinckaers, Les sources de la morale chrétienne, Fribourg, 1985 ; Ce qu’on ne peut jamais faire. La question des actes intrinsèquement mauvais : Histoire et discussion, Fribourg, 1986 ; L’Evangile et la morale, Fribourg, 1989 ; La morale catholique, Paris, 1991 ; La vie selon l’Esprit : Essai de théologie spirituelle selon saint Paul et saint Thomas d’Aquin, Luxembourg, 1996. Cf. The Pinckaers Reader, Renewing Thomistic Moral Theology, J. Berkman et C. S. Titus (ed.), Washington, 2005 ; Renouveler toutes choses en Christ, Vers un renouveau thomiste de la théologie morale, Hommage à Servais Pinckaers OP, M. S. Sherwin et C. S. Titus (ed.), « Etudes d’éthique chrétienne, NS 5 », Fribourg (Suisse), 2009.
[13] G. Crepaldi, “San Tommaso e il Compendio della Dottrina sociale della Chiesa” (Pontificia Accademia delle Scienze sociali, Città del Vaticano 1 luglio 2012).
[14] A. Lobato, « The Pontifical Academy of St Thomas Aquinas : History and Mission », Anuario filosofico 39 (2006), p. 309-327.