Gm. Paul Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh,
Nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng.
***
PHẦN I: VẤN ĐỀ SINH HỌC
A. NHẬP ĐỀ
Thực trạng vấn đề
Đạo đức sinh học không còn là vấn đề xa lạ với dư luận đại chúng Việt Nam nữa1. Cũng là điều may hơn rủi cho nền đạo đức của dân Việt Nam mà nhiều người đánh giá có nhiều hướng suy thoái. Báo đài thỉnh thoảng đề cập đến vấn đề qua ít phóng sự, nhất là dịp chú cừu Dolly của nhà bác học Jan Wilmut 2 được sinh ra bằng sinh sản vô tính (1997) chứ không cần thụ tinh. Vấn đề thỉnh thoảng còn được gọi lên qua các thông tin về tình trạng phá thai, thụ thai trong ống nghiệm, sinh đẻ có kế hoạch…tại Việt Nam. Một vấn đề gây dị ứng nơi người Việt Nam trước đây mấy thập niên, nay đã trở thành quen tai, quen nghĩ rồi!
Ngày nay chúng ta chẳng còn xa lạ gì những giống hoa mầu, như lúa, bắp, đậu…chịu hạn tốt, kháng sâu bịnh hiệu quả, lại còn cho năng xuất cao. Cũng đã có những giống heo, bò, gà, vịt…đem lại lợi ích cao trong chăn nuôi, sản xuất. Tất cả những đặc tính tốt đó đều nhờ bao tiến bộ của ngành sinh học. Sự can thiệp của khoa học kỹ thuật có thể đưa tới nhiều biến dạng nơi các sinh vật, hoa màu, thậm chí còn tạo ra các giống loại mới. Chẳng hạn khoa học có khả năng làm ra các trái cà chua hình vuông để dễ xếp hộp. Áp dụng khoa sinh học vào con người, khoa học đã có thể tạo một số cơ phận thay thế cơ phận hư hỏng trong con người…Với những thành tựu khoa học hiện nay về gen, người ta còn thấy trước nhiều vấn đề khác về sinh học vừa phức tạp vừa trầm trọng hơn.
Vì những vấn đề sinh học tiến bộ của khoa học được áp dụng cho con người mà nảy sinh nhiều đụng chạm đến đạo đức sinh học (bioethies). Nghĩa là, có những áp dụng phục vụ con người mà không đặt ra vấn đề gì về đạo đức, như để ngừa và chữa bệnh, để sửa sang sắc đẹp… Song cũng không ít áp dụng gây tranh cãi sôi nổi, ví dụ vấn đề về bản sao con người, thụ tinh trong ống nghiệm, chửa đẻ mướn v…v Mà có tranh cãi ngay cả nơi những người không tôn giáo. Trong năm 2000, báo Tuổi trẻ của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản có bài đặt vấn đề đạo đức sinh học(3). Nhân dịp chú cừu Dolly ra đời năm 1997 thì cùng lúc, các nhà khoa học Mỹ thuộc phòng thí nghiệm Oregon nói đã thành công tạo ra khỉ bằng phương pháp sinh sản vô tính (4). Mạnh Hùng, tác giả bài “Sẽ có bản sao con người ?”… đăng trong Tuổi Trẻ, 9/3/1997 đã tự hỏi để kết thúc bài: “Giả sử nếu các thế lực xấu cố tạo ra một số những Terminator (= kẻ huỷ diệt) thử loài người sẽ sống ra sao đây ?”. Giáo sư Trương Đình Kiệt, trưởng khoa phôi và gène, Đại Học Y Dược, thành phố Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn sau vụ cừu Dolly: “với con ngưòi thì tôi nghĩ thậm chí về mặt khoa học cũng không nên thử nghiệm. Về thực tế thì cũng chẳng có nhu cầu tạo nên những con người như vậy. Thứ nữa hiện nay người ta không thể kiểm soát được những hậu quả về mặt xã hội (…). Không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra” ( Báo Lao động 11/3/1997). Và trong số ra ngày 13/3/1997, trả lời cho phóng viên Bích Hà, giáo sư Đặng Vũ Minh, Giám đốc Trung tâm KHTN và CNQD cho biết ý nghĩ: “Bất cứ một phát minh nào có mặt phải và mặt trái. Phát minh ra năng lượng nguyên tử dẫn đến bom nguyên tử, nhưng cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho con người. Riêng một mình nhà khoa học không có lỗi mà trách nhiệm lớn thuộc những người sử dụng, thuộc về tất cả xã hội. ”
Khoa học như thanh gươm hai lưỡi. Nếu tuần báo Le Monde ra ngày 1/3/1997 trang 7 ca tụng chú cừu Dolly là một thành công kỷ lục (=performance) thì Giáo Hội Công Giáo đã lên án gắt gao “mọi mưu toan làm ra con người không theo hoạt động tình dục thông thường” như chính tác giả của chú cừu ấy đã “lo lắng” phát biểu (5). Vì hơn ai hết, Wilmut hiểu rõ sự kiện “cloning” đã gây sốc đối với mọi tôn giáo, bởi lẽ một trật tự mới cho tự nhiên đã được chính con người lặp ra. Thay vì Chúa sáng tạo, nay con người cũng tỏ ra “bằng Thiên Chúa ”, một tham vọng con người đã cưu mang ngay từ khi mới được Chúa dựng nên và được tỏ ra trong chuyện kể về “cây trái cấm ” và về “xây dựng tháp Babel ”. Lee Silver, giáo sư sinh học của Princeton University cho cừu Dolly là “thật vĩ đại quá sức tưởng tượng ”. Dù sao ngay sau vụ cừu Dolly, hằng loạt khoa học gia đã tỏ thái độ hết sức lo lắng về mặt trái của sinh sản vô phối. Giáo sư sinh họcMc Gee thuộc Đại học Pensylvania phát biểu: “Chúng ta cần có một hội đồng quốc gia về di truyền và gia hệ”. Nigel Cameron một nhà nhân sinh học Mỹ khẳng định: “’cloning’ con người hàng loạt giờ đây chỉ là vấn đề thời gian và tiền bạc. Và ai cũng thấy rằng điều đó xúc phạm phẩm giá của tất cả mọi người” (6)
Tại Việt Nam, vào thời điểm đó, một số nhà khoa học cũng đã lên tiếng trả lời cho nhiều cuộc phỏng vấn. Chúng ta chỉ lấy ra một số tuyên bố tiêu biểu thôi (7) Ts Lê Thị Muội, Viện trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học (= CNSH) cho rằng: “nghiên cứu (kỹ thuật sinh sản vô phối) trên thực vật thì thế giới đã làm rất nhiều và Việt Nam cũng đã làm và đạt được một số kết quả, tạo ra những giống cây trồng nông nghiệp và công nghiệp như khoai tây, chuối, mía, các loại hoa… Đối với đông vật thì chưa làm (…) tất nhiên về khía cạnh nhân đạo thì tôi (…) muốn dư luận hiểu cho đúng về CNSH, không cẩn thận cứ nói đến gene là mọi người phát hoảng. Thực ra CNSH đã tạo ra rất nhiều kết quả hữu ích cho con người”.
Ts Bùi Xuân Nguyên, trưởng phòng nghiên cứu phôi động vật phát biểu: “để tạo ra một con vật mới ngoài các sinh sản tự nhiên còn có các kỹ thuật sau: Đầu tiên và khá đơn giản là thụ tinh nhân tạo. Sau đó là sinh sản vô phối. Thế giới đã tạo ra nhiều vật nuôi theo cách này. Đối với kỹ thuật như trường hợp cừu Dolly thì có thể nói Việt Nam bị loại ra khỏi vòng tranh cãi vì Việt Nam không có điều kiện để làm… Theo tôi nên cấm hoàn toàn (nghiên cứu sinh sản vô phối đối với người. Còn đối với động vật thì nên giới hạn nghiên cứu cho một số động vật cụ thể phục vụ cho những mục đích tích cực của khoa học” Theo thực tế các phát minh khoa học thì luôn luôn có sự đóng góp của nhiều người, có khi nhiều thế hệ cộng lại. Ví dụ: Không có Newton thì có lẽ không có Einstein! Các phát minh khoa học về sinh học cũng theo quy luật ấy (8). Về việc sinh sản con người theo cách vô phối cũng thế, và sẽ “là thành tựu thuần tuý công nghệ sinh học. Nếu họ làm ra được người thì liệu có thể coi đó là con người không? Con người, ngoài phần thể xác còn có đời sống tâm hồn, trí tuệ và tình cảm vô cùng phong phú. Liệu ai có thể tạo ra được những điều đó? Người ta đã thấy hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng có những tính nết khác nhau ”( 9)
B. LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Một sự thật đau lòng, xong hiển nhiên trong thế giới hôm nay : Suy thoái đạo đức. Thánh Hiền Gandhi đã nói với tướng Omar N. Bradley, Tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ, ngày 10/10/1948 tại Boston như sau: “Thế giới đã thực hiện sự huy hoàng mà không có sự không ngoan, đã làm ra quyền năng mà không có lương tâm. Thế giới của chúng ta là một thế giới của những người khổng lồ hạt nhân, và những đứa bé đạo đức” (10) lời nhận định đó vẫn còn là thời sự của ngày hôm nay. Nhất là về những vấn đề sinh học.
Là Kitô hữu, chúng ta phải nghĩ thế nào về những vấn đề đặt ra trước mắt chúng ta? Cùng là quan tâm lớn của Đức Gioan Phaolô II. Vì thế ngày 25/3/1995 ngài đã công bố thông điệp Tin mừng Sự Sống, sau gần bốn năm chuẩn bị, với sự đóng góp ý kiến của nhiều Giám mục, chuyên viên,…qua thông điệp Đức Thánh Cha đã dựa vào lời Chúa làm chứng cho thiên hạ thấy rằng: Sự sống là hồng ân lớn Chúa ban cho con người; không ai được vi phạm đến sự sống bằng bất cứ cách nào. Vì thế Chúa “đòi ngưòi ta phải tôn trọng sự sống, phải yêu mến sự sống, và phải cổ võ sự sống ”( số 52). Và ngài đã nhắc lại ba vấn đề sôi bỏng hiện nay:
“Tôi xác định: Trực tiếp và hữu ý giết chết một người vô tội luân luân là điều vô luôn nặng ”( số 57).
“Tôi tuyên bố: Trực tiếp phá thai, nghĩa là muốn phá thai như mục đích hoặc như phương tiện, luân luân là một sáo trộn luân lý nặng, vì đó là cố sát một người vô tội” (số 62)
“Tôi xác nhận: Làm cho chết êm dịu là một vi phạm nặng đến luật Chúa, vì đó là cố sát một người, điều không thể chấp nhận xét về mặt luân lý” (số 65)
Ấy là chưa kể một số vấn đề sinh học khác có liên hệ đến đạo đức làm người như: ngừa thai nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, ngân hàng mầm sống, tạo sinh con người bằng phương pháp vô tính, chửa đẻ mướn… chúng ta còn dịp bàn đến chi tiết hơn các vấn đề nói trên. Song chung quy các vấn đề trên đều tập trung vào mấy nguyên tắc đạo đức sau đây:
1. Thứ nhất: Cấm giết người (số 11)
Vì lẽ “Sự sống con người là linh thánh bởi vì từ nguồn gốc của nó,… có hành động sáng tạo của Thiên Chúa và mãi mãi nó ở trong một liên lạc đặc biệt với Đấng Tạo Hoá,…chỉ mình Thiên Chúa là chủ của sự sống, từ đầu đến cuối: Không một ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào, có thể đòi cho mình cái quyền trực tiếp huỷ diệt một con người vô tội” (số 12)
Theo nguyên tắc, Thiên Chúa còn phán dạy cụ thể: “Ta sẽ đòi giá máu của mỗi người trong các ngươi… ai đổ máu một người, người ta sẽ đổ máu nó. Bởi vì con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa”(Kn 9,5-6)
Cấm giết người là luật ngàn đời cho mọi người, cho khắp nơi và cho mọi thời! Vì vậy, chính Chúa Giêsu còn nhắc lại: “Ngươi sẽ không được giết người (Mt 5,21)
2. Thứ hai: Mỗi người là “ hoạ ảnh” của Thiên Chúa (số 13)
Một thuật ngữ diễn tả con người giống Thiên Chúa nên khác xa mọi thú vật. Bản dịch Thánh kinh TOB (1994) cũng cho biết: Trong văn liệu các lời của một vua Ai Cập khuyên con trai mình là Mericarê (lối 2000 trước Chúa Kitô) có ghi: “Người ta là hình ảnh của Thiên Chúa xuất sinh từ chi thể của Người: Les hommes sont les images de Dieu qui sont sorties de ses members ”( 14). Họ giống Thiên Chúa bởi quyền quản cai trên vạn vật và bởi đó là “hoạ ảnh” của Thiên Chúa về tình siêu vật chất như có trí khôn, tự do, lòng yêu thương… Vì vậy sự thật này xác định nguyên tắc: mạng người phải được tôn trọng. Đụng chạm đến con người là đụng chạm đến Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu nói với Saulô: “Saulô, Saulô, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9,5) khiến ông hiểu ngay: bắt bớ đồ đệ của Chúa là bắt bớ chính Chúa. Với lời Chúa về thời phán xét chung lại càng rõ: mỗi con người thực là hiện thân của chính Chúa: “Quả thật, Ta bảo các ngươi; những gì các ngươi đã làm (-hay “đã không”) cho một trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta là các ngươi đã làm (-hoặc “không làm) cho chính mình Ta” (Mt 25,40 và 45). Lời quả quyết đanh thép không cần chứng minh!
Từ đó mới có bao vị thánh Kitô hữu đã sẵn sàng hy sinh mạng mình vì tha nhân, như Thánh Maximilianô Kolbê đã chết thay cho một bạn tù có vợ có con, Đức Cha Cassaigne hy sinh đến chết phục vụ anh em phong cùi ở Di linh, Lâm Đồng… Thánh hiền Gandhi xác tín chỉ được gặp Thiên Chúa nơi tha nhân: “Tôi biết rằng tôi không thể tìm thấy Ngài ở ngoài nhân loại… Tôi đeo đuổi hiểu biết hằng triệu người của tôi. Tôi ở với họ mọi giờ khắc của ngày sống. Họ là mối lo đầu tiên của tôi, là mối lo cuối cùng của tôi, bởi lẽ tôi không nhận ra Thiên Chúa ngoại trừ Đấng mà thiên hạ tìm thấy trong lòng hàng triệu con người thầm lặng đó”. Một tín đồ An Giáo đã tìm gặp Thiên Chúa nơi đồng loại dù ông không đi theo Chúa. Vì mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa!
3. Thứ ba: Phải tôn trọng phẩm giá làm người
Phẩm giá làm người rất cao cả, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Hiến Chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vaticanô II tuyên bố: “Những kẻ tin cũng như những người không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như trung tâm và tột điểm của chúng” (số 12). Phẩm giá này càng được biểu lộ cách hoàn toàn và được đóng ấn bảo đảm nơi Chúa Giêsu: “Thật vậy, mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể ”( số 22)
Chính những nhìn nhận trên trở thành tiền đề cơ sở cho đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền. Thật vậy, trước huyền nhiệm về thân phận làm người, tác giả Thánh vịnh 8 có lý để tự hỏi:
“Phàm nhân là gì để Người nhớ đến,
Con người là gì để Người phải bận tâm ?
So với thần linh, Người không để cho thua mấy tí
Người cho thống trị các kiệt tác tay Người làm.
Muôn sự Người đã đặt cả dưới chân” Thánh vịnh 5-7
Phải, nếu con người là vô tích sự thì sao Chúa đã dầy công để dựng nên: “Ta hãy làm ra người ”( Kn 1,26). Nhiều nhà chú giải câu này cho nhận xét: “Số nhiều bàn bạc, mình với mình hay với triều thần. Bản dịch Hylap và sau đó Vuld của Tv 8,6 và Hr 2,7 đã hiểu như vậy. Số nhiều này cũng có thể chỉ sự oai vệ, phong phú của Thiên Chúa. Các Thánh phụ nghĩ đến Chúa Ba Ngôi” (16). Tất cả thuật ngữ và chú giải chỉ ngụ ý: Con người quả là một tạo phẩm đáng quý đáng trọng. Cũng vì thế nó được dựng nên sau cùng của công trình sáng tạo. Vạn vật được dựng nên trước để chuẩn bị cho con người có đủ điều kiện sinh sống và tồn tại. Như vậy phẩm giá làm người hoàn toàn lệ thuộc vào sự quan tâm và quan phòng của Thiên Chúa và con người được bất khả xâm phạm vì nó được làm ra “theo hình ảnh Thiên Chúa” (Kn 1,26) mang dấu ấn của Người: “Gia vê đã đánh dấu trên Cain để đừng ai hạ thủ no…khi gặp nó” (Kn 4, 15). Nhân quyền là những dấu của Thiên Chúa in ấn nơi con người ngay từ lúc thụ thai trong lòng mẹ. Đặc biệt nó được quyền sống, quyền tồn tại, quyền không bị đánh đập, gây thương tích (Xh 21, 12- 17). Tích cực hơn nữa, nó phải được kính trọng yêu mến. Thương người như thể thương thân: “Ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Ta là Giavê” (Lv 19,18)
Nhân quyền như Công đồng dạy đều được “kẻ tin cũng như người không tin” nhất trí nhìn nhận. Ví dụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người không tin, cũng đã mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập đọc tại vườn hoa Ba Đình ngay 2/9/1945 như sau : “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền khong ai thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… đó là những lẽ phải không ai chối cãi được (số 17)
4. Thứ bốn: “Nếu ngươi muốn vào sự sống thì hãy giữ các giới răn” Mt 19,17
Người ta thường nói: Tự do trong quy định. Mới nghe qua thì câu khẳng định có vẻ nghịch lý. Song thực tế lại chứng thực sự thực ấy. Ơ nhiều nước phát triển, hết xa lộ rộng thênh thang là đòi hỏi của đi lại, của phát triển. Trên xa lộ, bạn tha hồ phónãne. Song bạn không được quá tốc độ quy định, không được rời đoàn xe đang chạy ở những nơi không cho phép. Muốn chặt cây, không cần phải là cây lưu niên, bạn trồng trong vườn, bạn phải xin phép trước nơi cơ quan có trách nhiệm. Ơ sân banh, bạn có thể vận dụng mọi sáng kiến kỹ thuật cao để giành banh, để dẫn banh, xong bạn không được chơi xấu như đẩy sau lưng cầu thủ đối phương, không ở thế liệt vị, không khèo chân đối thủ, không được giả đò ngã.
Tự do là quí. Nhưng trên đời không có tự do tách rời tất yếu bao giờ. Ít ra lúc luyện tập, uy quyền, pháp chế, giúp chúng ta tiến tới tự do thật. Vì vậy, Jean Mouroux nhận định tự do vừa là “một ơn huệ Trời ban, vừa là một cuộc chinh phục” (18). Các chuyên gia vi tính, những kiện tướng chơi đàn đã khổ công biết bao khi tập luyện và phải tập luyện đúng phương pháp (hình ảnh của uy quyền và pháp chế). Nữ võ sĩ Wusu Vũ Thuý Hiền cho biết cô đã khổ công tập tành, kiêng khem đủ điều. Uy quyền và pháp chế được ví như những bảng chỉ đường cho bộ hành và người lái xe, vừa khỏi tai nạn, vừa đi tới đích.
Muốn thực sự không vi phạm quyền làm người, nhất là quyền sống, tồn tại, sống hạnh phúc, thì chúng ta phải dừng lại ở một giới hạn nào đó, dù là để phát triển nghiên cứu khoa học (ví dụ:việc nhân bản). Hoặc để thoả mãn ước nguyện của người trong cuộc (Ví dụ: Xin được chết êm dịu). Con người không là chủ tể mạng sống của mình hay của tha nhân. Khi động chạm đến ranh giới sống chết của con ngưòi, ai cũng phải biết giới hạn của mình mà dừng lại. Tôn trọng và bảo vệ mạng sống con người là luật tự nhiên, ràng buộc hết mọi người, không trừ ai, dù là chuyên gia khoa học, là bản thân, là người đang có quyền và trách nhiệm giám hộ chủ thể vị thành niên… luật này còn ràng buôc xã hội dân chủ và nền pháp chế nữa (GLCG số 2273), trừ khi vì công ích, xã hội dân sự và pháp chế có thể can thiệp phần nào vào các quyền bất khả nhượng đó. Là Kitô hữu, tôn trọng và bảo vệ các luật tự nhiên ấy càng ràng buộc hơn nữa. Vì thế Thánh Phaolô đã dạy :” Ví thử dân ngoại không có luật (Luật Môsê, trong đó có luật cấm giết người), nhưng theo lương năng mà làm những điều luật dạy thì họ, những kẻ không có luật, họ là luật cho chính mình họ. Những người như thế cho rằng việc luật dạy đã được viết trong lòng họ” (Rm2,14-15). Còn Kitô hữu thì biết rõ rằng:
“Luật điều của người tôi sẽ luôn nhắm đến.
Người xua đi mọi kẻ lạc xa luật điều Người dạy (Tv 119.118)
Dư luận, luật pháp quốc gia không miễn cho ai phải giữ luật tự nhiên cả ! Lại nữa “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng theo loài người” (Cv 5,29)
C. VỀ PHÁ THAI
1. Vài chú thích
Ngày nay việc phá thai trở thành nạn tội ác lớn ở khắp nơi trên thế giới. Hàng triệu vụ mỗi năm. Ngay tại Việt Nam (19) con số phá thai hàng năm được chính thức ghi nhận cũng thật khủng khiếp đến độ dư luận không còn dị ứng, thậm chí quen qúa hóa nhàm.
Người kitô hữu đừng quên rằng: phá thai “là tội ác ghê tởm: abortus necnon infanticidium nefanda sunt crimina” (Gaudium et Spes số 51).
Vậy phá thai là gì?
Theo quan niệm y học thông thường thì phá thai là trục một thai nhi ra khỏi tử cung trước ngày mãn nguyệt khai hoa. Có thể tự nhiên xảy ra như khi xảy thai, có khi hữu ý trục ra. Ngày nay tại Việt Nam, phá thai còn được gọi ngụy trang là “hút điều hòa kinh nguyệt” “nạo thai”.
Ngày nay, phá thai được coi như một biện pháp hạn chế sinh đẻ. Cứ lý luận bình thường thì vừa khi tinh trùng gặp được trứng nõan trong vòi fallope của phụ nữ mà kết hợp thành tế bào đầu tiên thì tế bào đó đã chứa đựng mội tiềm năng để phát triển thành người rồi. Do đấy, cố ý phá thai là giết người còn trong lòng mẹ.
2. Người Kitô hữu nghĩ gì về phá thai?
Ngay từ lúc tinh trùng giao duyên được với trứng noãn, mọi tiềm năng thành người đã thành hình. Vì thế phải tôn trọng và bảo vệ con người ngay từ giây phút thành hình đầu tiên đó. Dùng thuốc ngừa thai hoặc vòng xoắn, vì lý do “cai đẻ ”, để làm cho khối tế bào đầu tiên ấy không phát triển được hoặc bị hư vì non quá phải kể như là một hình thức phá thai. Vì lẽ nếu đủ điều kiện bình thường sau 14 ngày khối tế bào đầu tiên ấy đã có thể cho khoa học chuyên môn nghe và ghi âm đưọc tiếng tim đập. Nghĩa là đã là người rồi. Thảo nào tiên tri Giêrêmia thuật lại lời đức giavê nói với ông: “trước khi ta nắn ra người trong lòng mẹ Ta đã biết ngươi. Và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thành ngươi.” Chữ “biết” theo thánh kinh, không chỉ là nhận thức theo tri thức song còn gồm cả lòng muốn và cảm tình nhgĩa là Chúa đã chọn lựa và tiền định, quan phòng nữa. Thánh vịnh 139 đã ca ngợi sự thông biết mọi sự của Chúa:
“Xương cốt không ẩn khuất với Người.
Khi tôi được thành hình trong kín ẩn” (câu 15)
Chính vì thế khi sảy thai, Kitô hữu phải rửa tội cho phôi thai ít ra với điều kiện giả thiết thai còn sống.
Vì thế từ thế kỷ thứ nhất, sách Didaché đã răn: “ngươi đừng giết chết mầm sống bằng việc phá thai và đừng hủy hoại trẻ sơ sinh” (2,2)
Bởi đấy, tự mình hoặc ai cộng tác vào việc phá thai thì phạm tội trọng. “Và tội ác này bị Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông tiên kết (=latae sententiae) do chính hành vì phạm tội và theo các điều kiện được dự trù trong Giáo Luật.” (GLC số 2272)
Sách GLC cũng xác định thêm: được phép giải phẩu bào thai “miễn là tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của bào thai, và không gây nên những nguy cơ không thích hợp, nhưng chỉ nhắm chữa lành, cải thiện các điều kiện sức khỏe, hoặc để cứu sống nó.” (số 2275)
Cũng số ấy xác định: “Thật là vô luân nếu người ta sản xuất ra những bào thai người, dành để khai thác như những vật liệu sinh học”. Am chỉ đến mọi toan tính sản xuất bào thai trong ống nghiệm hoặc để kinh doanh. Toan tính này quen gọi là ngân hàng bào thai.
Phá thai, nạo thai, còn được gọi ngụy danh là “hút điều hoà kinh nguyệt” là phạm tội giết người, lỗi giới răn thứ 5.
Hủy hoại mầm sống con người vừa mới thành hình cũng là giết người. Lý luận mà khoa học cho thấy rõ vừa khi tinh trùng gặp được noãn rồi, làm nên tế bào đầu tiên thì mọi khả năng thành hình một con người đã hàm chứa trong đó rồi vì thế, phải tôn trọng quyền làm người ngay từ giây phút vừa thành hình. “Trước khi cho người thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr. 1,5) (20).
Chủ ý phá thai, cộng tác vào việc phá thai bằng bất cứ giá nào như góp ý, phụ giúp người phá thai… đều phạm tội nặng.
Ngoài là tội, phá thai “có hiệu quả” còn bị vạ tuyệt thông tiền kiếp (giáo luật điều 1398)
Với phép Rộng 23 của Năng Quyền Thập Niên (1971-1980 nay còn được tiếp tục) thì linh mục giải tội được phép giải cả tội lẫn vạ “làm trụy thai mà có công hiệu dù chính là người mẹ.” Dĩ nhiên phải ra việc đền tội xứng hợp với tội (thường lâu và nặng hơn). Khi tha vạ lúc giải thì dùng chính công thức giải tội vì công thực ấy gồm cả lời tha vạ. Để ứng ph1o với việc phá thai Giáo Hội khuyến cáo mọi Kitô hữu hãy hết sức bảo vệ thai nhi bằng cách hết lòng nâng đỡ, khuyên răn các bà mẹ có bầu đừng nạo thai, và cố gắng bảo vệ cho đứa con sinh ra (21)
D. LÀM CHO CHẾT ÊM ÁI
1. Vài thông tin để hiểu biết
Theo quan niệm y học thì đó là cách làm cho chết êm ái và không đau đớn. Người ta còn nại đến lý do bác ái yêu thương, để người bệnh đau đớn không có hy vọng được lành bệnh, lại sắp chết thì dùng cách nào đó (thường là thuốc) cho họ chết sớm chấm dứt đau đớn.
Nhiều nước đã cổ động ra luật cho phép giúp chết êm ái khi bệnh nhân nan trị, quá đau đớn xin. Song hiện chỉ có Hà Lan đã cho phép như thế được mấy năm rồi. Luật cho phép bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, khó sống, quá đau đớn, được cho chết êm dịu khi bệnh nhân xin và phải được kiểm soát gắt gao về mặt y học. Luật cho phép dựa trên hai quan điểm chủ yếu: – một là: nhìn nhận bệnh nhân có quyền tự quyết, định đoạt về mạng sống của mình một cách tuyệt đối; – hai là: xác tín rằng sự đau đớn thật sự vô ích và không kham nỗi, đau đến chết đi được. (22)
2. Kitô hữu nghĩ gì về vấn đề?
Sách GLC số 2276 khuyến cáo: “những người có sự sống bị suy giảm hoặc bị yếu đi, đòi hỏi một sự tôn trọng đặc biệt. Những bệnh nhân hoặc bi6 khuyết tật cần phải được nâng đỡ để có thể sống một cuộc đời bình thường theo mức có thể.”
Rồi số 2277 phán định: “Dù với lý do nào và với phương tiện nào mặc lòng, sự trực tiếp làm cho chết êm ái cũng chỉ là chấm dứt cuộc đời của những người bị khuyết tật, đau yếu hoặc đang chết dần chết mòn. Về luân lý, cách làm này không thể chấp nhận được.”
Đừng lẫn làm cho chết êm dịu với sự từ chối cách thế điều trị đặc biệt, khác thường mà chính bệnh nhân yêu cầu hoặc do không có khả năng theo đuổi. Đó không phải là “muốn làm cho chết, nhưng chỉ là chấp nhận rằng không thể cản ngăn sự chết sẽ đến” (GLC số 2278).
Văn kiện của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh nói trên muốn nhấn mạnh đến thái độ và cách chăm sóc tận tình đối với các bệnh nhân này là quan trọng hơn và thực sự nâng đỡ, khuyến khích bệnh nhân lấy sức và lòng can đảm mà trị bệnh. Tài liệu nhắc lại gợi ý của Bản hiến chương của các nhân viện chăm sóc sức khỏe (1995) của UB mục vụ về sức khoẻ như sau: “Bệnh nhân cảm thấy được bao bọc bởi một sự hiện diện thương yêu, có tình người và tình Chúa Kitô, sẽ không rơi vào tình trạng suy sụp, cũng như vào khắc khoải giống như người ngược lại, cảm thấy mình bị bỏ rơi cho đinh mện đau đớn và tận số, nên yêu cầu được chấm dứt sự sống. Bởi vậy làm cho chết eêm ái là một thất bại cho người chủ trương, quyết định và thực hiện chủ trương ấy ”.( 23) Thay vì giảm thọ cuộc sống bằng sử dụng một cách thế cho chết êm ái thì tài liệu của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh hướng dẫn: hãy tận tình yêu thương và săn sóc bệnh nhân để giúp họ hiểu rằng: Tình yêu chính mình và thân nhân là ý nghĩa cao đẹp nhật giúp người bệnh nặng sa71p chết có được sự bình an để hoàn thành phận làm người. Lúc đó bệnh nhân có sức chịu đựng vượt qua được đau đớn xác hồn vì yêu mến đời mình và đời của những người thân như vợ con hay chồng con… Chính vì vậy, Đại Hội Hiệp Hội Y Học thế giới lần thứ XXXIX tại Madrid 1987 về làm cho chết êm ái đã tuyên bố: “Làm cho chết êm ái đó là hành động cố ý dứt sự sống của một người đang bị thống khổ, dù cho chiều theo yêu cầu của chính họ hoặc theo yêu cầu của gia đình họ, là một việc vô luân. (24). Thông điệp Evangelium Vitae của Đức Gioan Phaolô II gọi là “một vi phạm nặng đến Luật Chúa” (số 65)
Vì vậy chính bệnh nhân thống khổ ấy không được dựa vào quyền tự quyết mà muốn chấm dứt sự sống của mình. Quyền đó hòan toàn thuộc riêng Chúa. Bác sĩ trị bệnh cũng không có quyền theo yêu cầu của bệnh nhân vì theo lời thề Hippocrate mà ông đã cam kết, ông chỉ dược nâng đỡ cho sống và giảm giải đau đớn chứ không được giết chết “dù có sự nài nẵng cố ý của bất cứ ai ”( x. Lời thề Hippocrate). Cùng lắm ông chỉ “được phép theo lương tâm, quyết định từ chối những điều trị nào sẽ kéo dài sự sống tạm bợ đau đớn này” (25). Vì lẽ “làm cho chết” thì khác với “để cho chết” cách tự nhiên.
E. THỤ TINH IN VITRO
1. Một số thông tin
Theo tự điển Quid 1996 (tr. 148 la), Louisa Brown ở nước Anh là người đầu tiên đã được thụ tinh trong ống nghiệm sinh ra ngày 25/7/1978. Cha mẹ R. Edwards và P. Steptoe. Lấy một trứng noãn của mẹ cho thụ tinh (ngày10/11/1977) với tinh trùng của chồng hoặc của một người thứ ba vô danh(?) ở phòng thí nghiệm. Để trứng đã thụ tinh phát triển trong ống nghiệm = invitro ba ngày. Sau đó cấy thử vào tử cung bà mẹ lúc tế bào đầu tiên đã phát triển thành 8 tế bào.
Ơ Việt Nam, Bệnh Viện Từ Dũ, thành phố Hồ CHí Minh đã cho sinh ra thành công một cháu bé theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cách đây vài năm. Và theo tin tức, bệnh viện đã thực hiện 220 ca. Đã có 16 cháu bé chào đời và còn 16 ca còn trong bụng mẹ tiếp tục ra đời trong năm 2000.
Theo thống kê ở tự điển Quid thì ở Pháp từ 1982 đến 1992 đã có20.000 cháu bé sinh ra theo phương pháp này, quen gọi là Fivette = Fiv. Thống kê còn cho biết vài chi tiết; chết: 2,4%; dị tướng: 2,8%; sinh đôi: 20%; sinh ba: 4%. Mỗi vụ thụ tinh in vitro tốn 50.000 FF.
Thụ tinh trong ống nghiệm có thể kéo theo việc mang thi và đẻ mướn với bao ràng buộc phức tạp về pháp lý, về xã hội. Năm 1977 ở Anh, bà Mary Beth Whitehead (29 tuổi) hợp đồng chửa và đẻ con mướn cho vợ chồng William (41 tuổi) và Elizabeth (41 tuổi) Stern. Sinh ra cháu Melissa, bà đòi quyền làm mẹ nó. Sau Toà án đã phải can thiệp, bắt trả bé Melissa cho vợ chồng Stern theo hợp đồng với số tiền 18.000 USD.
Lại nữa, nhiều nơi đã thành lập ngân hàng phôi người, ngân hàng tinh trùng, để xử lý khi cần thụ tinh in vitro. Theo thống kê của Quid thì từ 1985 đến 1991 đã có 22.000 phôi người dự trữ cho 5.500 đôi vợ chồng. Năm 1992: 6.500 phôi cho 1.400 cặp và 3.800 phôi “décongeles”.
2. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Linh mục Hoàng Quốc Trương, một nhà sinh học, đã viết cho báo Công Giáo và Dân Tộc quên số ra mắt: “Thụ tinh trong ống nghiệm là dịch từ = test tube insemination, artificial insemination, nghĩa là thực hiện phối hợp tinh trùng với noãn càu ngoài hệ sinh dục nữ, tứ là trong ống nghiệm.
Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thoạt đầu đã được thực hiện để chữa trị chứng hiếm muộn, như trường hợp những cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con.
Lúc đó, hai vợ chồng tới bệnh viện phụ sản, các chuyên viên sẽ lấy tinh trùng của người chồng chứa trong tinh dịch (semen) và lấy noãn cầu đã đến thời kỳ rụng trứng (ovulation) cho phối hợp trong ống nghiệm chờ cho trứng thụ tinh bắt đầu phân chia, rồi cho trở lại vô tử cung của người vợ. Trứng sẽ bám vào vách tử cung và phát triển bình thường.
Trong trường hợp người vợ không có khả năng mang thai, hay không muốn mang thai (vì sợ bị sẩy thai) thì trứng thụ tinh được cấy vào tử cung của một phụ nữ khác thụ thai giùm, với điều kiện sau khi đẻ, phải trả lại đứa con cho cha mẹ thực thụ.
Thụ tinh nhân tạo cũng áp dụng trong trường hợp tinh dịch không bình thường, như trường hợp loãng tinh dịch (sperminssuffciency) – Một phân khối tinh dịch bình thường phải chứa ít nhất là hai triệu tinh trùng khoẻ mạnh. Trường hợp loãng tinh dịch một phân khối tinh dịch chứa 100-200 ngàn tinh dịch, để mẫu đạt hai triệu tinh trùng/ phân khối. Sau đó tiến hành thụ tinh nhân tạo.
Nhưng nếu số tinh trùng trong tinh dịch quá ít, hay toàn là tinh trùng yếu ớt, bệnh hoạn, không có khả năng thụ tinh thì sao? Lúc đó phải nhờ đến ngân hàng tinh trùng (sperm bark) chuyên bảo quản các mẫu tinh trùng trong phòng lạnh, do các người cho (sperm donor) đã được xác định rất kỹ là không có bệnh di truyền, có hệ hệ gen tốt… Căn cước của người cho được giữ kín, đề phòng rắc rối có thể xảy ra sau này. Với mẫu tinh trùng này, thực hiện thụ tinh nhân tạo, rồi cấy trứng thụ tinh vào tử cung của người vợ”.
3. Kitô hữu phải nghĩ thế nào về thụ tinh in vitro?
Thông thường, Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận cách sinh con in vitro, vì cớ tình yêu vợ chồng bị tổn thương, tình mẹ con cha con bị hề hấn, nhiều lạm dụng cho thương mại đứa con hoặc “cho thuê tử cung” với giá hậu hĩ, gây lộn xộn xã hội do quyền lợi và nghĩa vụ đối với đứa con được sinh ra…
Giáo Hội chỉ chấp nhận việc sinh con bằng giao hợp tính dục bình thường. Không chấp nhận có con bằng mua bán hay hiến tặng tinh trùng ở một “ngân hàng tinh trùng ”, với những “người cho” được chọn lọc và không lấy tiền (ví dụ tình nhân- người thông minh để chọn giống người ưu việt),hay với những “người bán ”, với giá hậu hĩ ( có khi từ 50 đến 100 đô la Mỹ một lần). Không chấp nhận được còn vì những vấn đền pháp lý phức tạp, vô luân, có khi còn gây ra thảm kịch. Vụ dụ: Mẹ gà con vịt- mẹ “nuôi mướn” lại đòi quyền làm mẹ thật đang khi mẹ thật lại mất đi cải khổ đồng thời cũng là cái hạnh phúc “mang nặng đẻ đau ”. Càng không thể chấp nhận được khi dùng các phôi người vào việc thí nghiệm khoa học, vào việc chọn giống người ưu việt, kèm theo huỷ diệt những phôi yếu kém.. (26)
Không thể chấp nhận, vì tất cả những gì liên hệ đến người mẹ cung cấp noãn, đến người cung cấp tinh trùng, đến đứa con, đến phụ nữ cho thuê tử cung, đều vô luân, vi phạm đến phẩm giá làm người. Càng vi phạm đến phẩm giá làm vợ chồng, cha mẹ, con cái (27). Bào thai, con người tí hon khi đó giống như một chất liệu của phòng thí nghiệm, có thể mua bán, có thể xử dụng tuỳ tiện. “Cha” “Mẹ” bé cũng chẳng tha thiết vì lẽ tinh trùng hay noãn có thể không thuộc về hai vợ chồng; đứa con lúc đó không thể coi là con của họ theo đầy đủ ý nghĩa. Thậm chí đứa bé sinh ra có thể là đứa con ngoại tình gián tiếp do noãn hay tinh trùng được cung cấp bởi tình nhân. Cũng phải thêm rằng việc sử dụng tinh trùng hay noãn của những người vô danh thì nếu những đứa bé chào đời đều được thụ tinh bởi cùng một người “cha” hay cùng một “mẹ” thì khi lớn lên mấy đứa đó tình cờ gặp gỡ, kết duyên vợ chồng sẽ phạm tội loạn luân mà không biết. Và điều này theo khoa học, có thể gây dị tật cho con cháu về sau. Đối với các bà mang thai “dùm” có thể là người dưng nước lã (cho “thuê” tử cung), có thể là người thân như mẹ chị em ruột, cô, dì mình thì có thể đoán r a mối liên hệ xã hội và tâm lý bấy giờ sẽ phức tạp biết bao, đặc biệt là khi người mang thai dùm lại là mẹ ruột của bà “mẹ” cho noãn!
Tuy nhiên, mong muốn có con là sự ước muốn chính đáng của vợ chồng. Vì đứa con là biểu hiện, là thành quả của tình yêu thắm thiết giữa hai người. Song đôi khi họ không thể có con vì trục trặc cơ thể như ống dẫn trứng fallope bị tắc nghẽn mà không thể xử lý bằng giải phẫu thì sự can thiệp y học để giúp vợ chồng có con, không bằng giao hợp âu yếm, song bằng một cách thế nào đó cho đôi bạn vẫn bảo toàn được tình yêu cho vợ chồng lẫn đứa con sẽ sinh ra, thì hành vi đó còn được coi là hợp luân lý. Cha Th. Rey Mermet thuật lại: “Ngày 25 tháng 7 năm 1978, bé Louisa Brown đã sinh ra đời tại Oldham, Anh Quốc. Em là đứa trẻ đầu tiên trong lịch sử được cưu mang ngoài dạ mẹ em. Đức Hồng Y Albinô Luciani, Vị Giáo Hoàng Yoan Phaolô II tương lai, đã gởi điện chúc mừng hai cha mẹ may mắn này mà sự hiếm hoi đã làm đau khổ bấy lâu nay” (sđđ tr.94)
F. NHÂN BẢN CON NGƯỜI
1. Nhân bản con người là gì?
Ngày 24/2/1997, các nhà khoa học làm việc ở Viện Nghiên cứu Roslin, Edinburgh, Bắc Ai Nhĩ Lan, đã chính thức thông báo một phát minh khoa học gây chấn động thế giới: lần đầu tiên họ đã tạo ra và nuôi dưỡng thành công một chú cừu có cơ cấu sinh học giống hệt con cừu khác, bằng phương pháp sinh sảnh vô tính = clone. Và họ đặt tên nó là Dolly. Cùng lúc, các nhà khoa học Mỹ (3/3/1997) thuộc phòng thí nghiệm Oregon nói họ đã thành công tạo ra khỉ bằng sinh sản vô tính. Mừng chưa hết đã sinh lo, vì khỉ thuộc nhóm động vật giống người nhiều. Như thế có thể tạo bản sao con người theo cách sinh sản vô tính không? (28). Và nếu được thì “không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra” (Gs Trương Đình Kiệt, ibi)
Nhưng sinh sản vô tính là gì?
Đó là lấy một tế bào của một con vật mẫu như cừu, khỉ, heo, gà… đem cấy vào trứng rỗng (=lấy hết nhân AND= nhiễm sắc thể ra) của một con vật thứ hai cùng loài, sau đó đem cấy vào tử cung của con vật mẫu thứ ba để nó mang thai. con thứ tư ra đời là “bản sao” của con đầu tiên.
Đây quả là một thành công vĩ đại của nghành sin học sau gần nửa thế kỷ nghiên cứu và thí nghiệm. Vì vậy từ đầu thập niên 70, các nhà khoa học thế giới đã tìm cách tạo ra những con chuột, con thỏ, con bò… giống nhau bằng phương pháp tách một phôi đã được thụ tinh thành hai phần và nuôi dưỡng để chúng phát triển.
2. Kitô hữu nghĩ gì về “bản sao” con người?
J. Rostand, một nhà khoa học vô thần người Pháp đã có lần nói: “Khoa học đã biến chúng ta thành những vị thần ngay trước khi được làm những con người mà thôi cũng vẫn chưa xứng đáng”.
Thật vậy, với việc tạo ra con người bằng thụ tinh nhân tạo, với kỹ thuật tân tiến can thiệp vào phôi người để thay đổi tính người, đặc biệt với khả năng ngày mai nhân bản được con người, con người nhận ra mình “được như Thiên Chúa” (Kn 3,5), “nhưng không có (= cần) Thiên Chúa, trước Thiên Chúa, chớ không theo Thiên Chúa ”, (GLC số 298). Đó là điều ma quỷ đã cám dỗ ông bà Ađam Eva. Trong tâm lý đó, người ta như thấy có quyền quyết định mọi chuyện, kể cả sự sống chết của con người!
Như vậy có phải cái gì kỹ thuật, khoa học làm ra đều tốt và được phép làm cả không? Nói khác đi, kỹ thuật, khoa học có chịu sự chi phối của đạo đức không?
Qua những gì đã trình bày trên, ta không ngạc nhiên khi thấy Giáo Hội Công Giáo mạnh mẽ phải đối việc nghiên cứu nhân bản con người, cũng như nhiều vấn đề khác về sinh học. Ngay cả xã hội dân sự, chính quyền nhiều nước cũng rất quan tâm (29)
Ngày 27 và 29 tháng 3 năm 2001, kênh VTV2 của Đài THVN cho phát sóng sự (lúc 14g15 – 14g35) về hội đàm bàn tròn gồm một số nhà khoa học Mỹ – Pháp trao đổi về nghiên cứu nhân bản con người theo phương pháp sinh sản vô tính. Hai lập trường rất rõ rệt. Một số nhà khoa học ủng hộ việc nghiên cứu: bây giờ chưa được chấp nhận sẽ có ngày được chấp nhận; ở đây chưa được, được ở nơi khác; bây giờ chưa kết quả, sau này chắc sẽ kết quả, sẽ kết quả trong 50 năm nữa, và sẽ được pháp luật công nhận, bảo vệ. Trái lại số đông hơn không đồng ý cho nghiên cứu vì nhiều hiểm hoạ đe doạ phẩm giá làm người, kể cả hiểm hoạ không thành người đầy đủ ý nghĩa. Để thành người và để sống cho ra người, không chỉ cần có khoa học, kỹ thuật (= tạo ra thân xác), song chủ yếu cần sự khôn ngoan trong triết lý, tôn giáo và luân lý cùng kinh nghiệm sống của mọi người (= yếu tố linh thiêng). Nếu không, khoa học sẽ biến ta thành “ngợm” hơn là thành “người ”, nếu nó thiếu “linh hồn” (viết theo J.L. Brugúes).
Lúc Tổng Thống Lý Quang Diệu của Singapor sắp nghỉ hưu đã bày tỏ ước nguyện: cho thụ tinh noãn của một số phụ nữ ưu việt Singapor với tinh trùng của một số nam nhân Singapor cũng ưu tú, để đất nước Singapor ngày mai có lớp lãnh đạo ưu việt, thì loài người lại lo nhân bản thành công sẽ sản sinh một lớp người đầu trộm đuôi cướp, khát sống máu người!…
***
PHẦN II
VẤN ĐỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
A. ĐỒNG GIỚI LUYẾN ÁI (30)
Một vấn đề không còn là xa lạ ở Việt Nam. Đã gặp ở Toà Giải Tội cả nơi nam lẫn nơi nữ giới.
Thánh kinh ghi lại đôi trường hợp: x. Kn 19.1-29 và Rm 1,24-27; 1C 6,10; 1Tm 1,10. Truyền thống giáo huấn của Giáo Hội vẫn coi đó là những hành vi “theo bản chất lộn xộn ”( 31) trái luật tự nhiên. Đã nhiều nơi trên thế giới người ta đòi luật pháp đời công nhận và bảo vệ quyền được sống chung như thế ngang hàng với mọi quyền lợi của đời lứa đôi thật. Có nơi cũng đòi Giáo Hội công nhận như vậy. Gần đây, để yểm trợ cho đòi hỏi đó, có người dựa vào nghiên cứu khoa học cho rằng: những người có xu hướng đồng giới luyến ái là do gen cha mẹ để lại, và đâu kết luận tất nhiên sẽ là: các hành vi họ làm đều vô tội vì vô trách nhiệm.
Xét về mặt khách quan, các hành vi đồng giới luyến ái là “lộn xộn ”, có tội. Nặng hay nhẹ hoặc có khi không mắc tội là tuy ở các nạn nhân có tâm lý bình thường hay ít nhiều bất bình thường.
Xét về mặt mục vụ, là mục tử nhân lành, linh mục giải tội phải hết sức tế nhị khuyến thiện, nâng đỡ họ sửa sai.có thể giải tội cho họ, nếu đủ điều kiện.
B. SỐNG CHUNG MÀ KHÔNG KẾT HÔN
Ngày 21/11/2000, hội đồng Toà Thánh về Gia Đình (32) đã công bố văn kiện về các cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn
Gần đây có nhiều ý kiến và phong trào vịn cớ nhân quyền đã nên tiếng yêu cầu quốc hội nhiều nước nhìn nhận tư cách pháp lý của các cặp nam nữ sống chung không kết hôn với quyền lợi được bảo vệ như luật hôn nhân
Rõ ràng, điều bất thường muốn được ngang hàng với định chế hôn nhân về mặt pháp lý. Tình trạng này gây nên nhiều hậu quả trầm trọng cho xã hội và Giáo Hội
Vì thế văn kiện Toà thánh nhằm giúp các vị mục tử biết ứng xử mục vụ thế nào đối với lớp người này (xem văn kiện phần 6). Chủ yếu, Toà thánh nhắc lại giá trị, phẩm giá của khế ước hôn nhân – phải lo phòng ngừa tệ nạn nhờ dạy giáo lý về hôn nhân và gia đình – những người công giáo công tác về chính trị hay luật pháp phải theo đúng giáo lý của Phúc âm
Khi nghị viện Châu Au biểu quyết công nhận “các cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn” (gọi là coples de fait), các cặp đồng giới luyến ái được hưởng qui chế ngang hàng với định chế gia đình, thì hội đồng toà thánh về gia đình đã ra tuyên bố này 17/3/2000 rằng: “Pháp chế đó đi ngược lại công ích và nghịch lại sự thật về con người; nói cho đúng đó là điều bất chính”. Bản tuyên bố còn đánh giá các lối sống đó không xứng với tầm vóc của một luật lệ, “Non videtur esse lex, quae justa non fuerit” (33). Do đấy, họ không đủ điều kiện để được giải tội, dù phải cư xử với họ trong tình yêu thương.
C. LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG THÂN MẬT VỢ CHỒNG
Mọi Kitô hữu phải sống đức trong sạch tuỳ theo bậc sống của mình: Đời độc thân tận hiến cho Chúa – đời đôi bạn – đời hứa hôn (GLHTCG 2349) và tuyên bố của bộ Giáo lý đức tin, (Persona humana số 11)
Vợ chồng sẽ “chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng khoái lạc (=xác thịt). Họ đón nhận những gì Đấng Sáng Tạo đã ban cho họ” (34)
Riêng các “hành vi thực hiên sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn” (35), “dù vợ chồng (cũng phải) vượt qua xu hướng nhục dục thuần tuý,… nếu được sùng bái một cách ích kỷ, sẽ…kéo theo những hậu quả thảm hại”
Một vấn đề thời sự nóng bỏng của đời vợ chồng là làm thế nào để điều hoà sinh sản. Công đồng đã nhận định rất thẳng thắn “muốn tổ chức đời sống vợ chồng cho thuận hoà, đôi bạn thường vấp phải một số tình huống sinh sống khó khăn hiện tại và có thể lâm vào những tình cảch khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian; đó là lúc phải khó khăn lắm mới duy trì được tình yêu trung thành và chung sống trọn vẹ” (Gs 51,1)
Trong ứng xử cụ thể, giữ đúng cương vị nhà giáo dục, chúng ta không nên chọn biện pháp ngừ thụ thai nào thay cho vợ chồng, dù được hỏi, cùng lắm trừ bác sĩ. Cũng không kết án gì dù biết họ đã xử dụng cách thế chưa hợp đạo dạy. Cứ khách quan trình bày rõ ràng giáo huấn của Giáo hội, rồi để họ “chọn lấy trước mặt Thiên chúa” (Gs 50.2) vì tin tưởng vào khả năng quyết định của một Kitô hữu trưởng thành, duf còn vấp váp và tiệm tiến. Vả lại, luật lệ nào cũng do con người soạn ra, kể cả Giáo Hội, cũng không thể tránh hết mọi hạn chế. Vì vậy khi thực tế cuộc sống không đủ điều kiện buộc thi hành luật thì tín đồ lỏng lay theo lương tâm thực tình mà coi luật đó chưa có thể áp dụng. Đó là nguyên tắc epikeia của Giáo Hội (36).Nguyên tắc đó tìm thi hành chủ đích thật của luật buộc (finis legis) hơn là làm theo mặt chữ. Ngày nay vì trọng tự giác trách nhiệm hơn, công đồng Vaticanô II nêu nguyên tắc sử xự phổ cập như sau: “Đừng lầm tưởng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mệnh ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ được đức khôn ngoan Kitô Giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các Giáo huấn của Giáo hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình” (Gs 42,4).
Y ngay lành được bảo đảm bằng lòng thánh kính và lương tâm ngay thẳng vừa tỏ ra lòng trọng luật Giáo hội, vừa biểu lộ ý chí trung thành với ý Chúa xuyên qua một hoàn cảnh cụ thể. Phải chăng cũng chiều hướng mục vụ thiết thực đó mà Đức Phao Lô VI đã khuyến cáo các linh mục phải “trình bày minh bạch giáo huấn của Giáo hội về Hôn nhân”, đồng thời “phải làm theo đức nhẫn nại và hiền từ như chính Chúa đã nêu gương trong cách cư xử với tha nhân. Ước gì các vợ chồng luôn luôn gặp được trong lời nói, nơi con tim các linh mục âm vang tiếng nói và tình yêu của Đấng Cứu Thế,… Hãy chuẩn bị cho họ thường xuyên và tin tưởng chạy đến các bí tích Thánh Thể và Cáo Giải. Đừng bao giờ để họ ngã lòng vì yếu đuối” (HV 29). Với chính đôi bạn còn vấp ngã, đức Phao lô VI khuyến khích: “Nếu tội lỗi còn đè nặng trên họ thì họ cũng đừng nản chí ngã lòng, nhưng với lòng khiêm cung bền bỉ, họ hãy cầu khẩn lòng nhân từ Chúa như Bí tích Cáo giải” (HV25). Đừng nản chí ngã lòng, vì tiến bộ nơi con người thường phải có thời gian và phải lên núi xuống đèo, chứ không lên như máy bay!
Dù sao, uỷ ban Giáo Hoàng về Gia Đình đã cho linh mục giải tội một nguyên tắc thật yên tâm:
“Vị Giải tội buộc phải báo cho hối nhân biết những vi phạm luật Chúa tự chúng là nặng. Phải làm cho họ ước mong được giải tội, được Chúa tha thứ và dôc quyết nghiêm túc tu sửa cách sống của họ. Sự sa đi ngã lại những tội ngừa thai, không phải tự nó là lý do để từ chối ban xá giải; chỉ có thể từ chối ban xá giải khi hối nhân thiếu ăn năn hoặc dốc lòng chừa” (37)
Chúa Giêsu tự giới thiệu: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của Tôi” (Ga 10,14). Sự hiểu biết và tấm lòng cảm thông của Chúa, bao hàm trong chữ “biết” đã được tỏ rõ khi ứng xử vụ một phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11). “tôi cũng không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa ”. Am tường tội trạng và tâm tư sợ chết của chị, Chúa đã tìm ra lối thoát may mắn và khích lệ chị biến đổi cuộc sống
Trong vụ xử kiện cho hai gái điếm dành giựt con, vua Salomon (1V 3,16-28) đã thấu cảm hết lòng người mẹ. Nhờ thế Vua đã cứu được đứa bé, nhờ bà mẹ thật của nó vừa sẵn lòng thà mất con hơn để con mình bị vua phân đôi. “Thưa Chúa thượng, xin Ngài cho chị ấy đứa trẻ còn sống, còn giết chết nó thì xin đừng” trái lại chị không sinh ra nó đã thuận tình theo ý vua: “Chẳng phải con tôi, cũng chẳng phải con chị, cứ chia đôi ra!” (26)
Hai thái độ ứng xử đáng gẫm suy khi chúng ta ngồi toà. Nếu vì tôn trọng sự thật khách quan, phải quy chiếu vào nguyên tắc, thì thái độ ứng xử có lý có tình như người trong cuộc, sẽ dễ thuyết phục và cảm hoá lòng người hơn.
NB: Luật Hôn Nhân và Gia Đình của nước CHXHCNVN năm 1986, theo thiển ý của chúng tôi có nhiều điểm phù hợp với Giáo Lý Công Giáo trừ vấn đề Ly Hôn. Đã có Luật Hôn Nhân và Gia Đình mới công bố tháng 6/2000. Song chúng tôi chưa đọc nội dung để có ý kiến.
***
PHẦN III
KITÔ HỮU TRƯỚC VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG (38)
A. MỘT VẤN ĐỀ THỜI SỰ NÓNG BỎNG
1. Thực trạng môi trường sống
Saint-Exupery đã nhắc nhở mọi người: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất của tổ tiên chúng ta, chúng ta mượn trái đất đó của con em chúng ta. (39)”
Hàng tháng nếu không phải hàng tuần, đài báo thông tin những biến động về môi sinh trên khắp thế giới: nạn ô nhiễm bầu khí quyển – tầng ô-zôn bỉ thủng lớn, khiến khí hậu và thời tiết đổi thay khôn lường. Các nhà máy thải khí cacbon quá nhiều, khiến trời nóng hơn, gây lũ lụt, giông bão bất thường – chiến tranh làm cho bạt ngàn hecta đất bị bỏ trống – nạn phá rừng kiến đất hoang hóa, gây nạn thiếu nguồn nước dự trữ v.v.. Ngay tại Việt Nam, chúng ta không quên được cơn lũ lụt thế kỷ ở miền trung năm 1999 – nạn ô nhiễm nguồn nước hay môi trường sống ở nơi này nơi nọ – nạn săn bắt lậu các vật quý hiếm – nạn bắt cá bằng chất nổ v.v…
Đã có nhiều báo động dư luận về nguy cơ mất thăng bằng sinh thái (40). Song còn cần đưa báo động thành phong trào rộng khắp nữa thì may ra cứu vãn vớt vát được môi trường sống hiện nay của thế giới. Phải thức tỉnh cho dư luận quần chúng nhìn nhận bảo vệ môi sinh là vấn đề sinh tử của loài người, là vấn đề đạo đức cấp bách hầu cải tạo cách ngĩ cách sống cách làm hợp đạo làm người đối với thiên nhiên cũng như đối với môi trường sống. Phải xác tín rằng: trái đất là của mọi người chứ không dành riêng cho ai hay riêng một lớp người nào, nước nào. Vì thế phải chung lưng đấu cật mà bảo vệ, khai thác hợp lý để phục vụ mọi người.
2. Đâu là những nguyên cớ gây rối loạn môi sinh?
Mất ý thức đạo đức về trách nhiệm đối với môi sinh đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ nó, thể hiện qua tahái độ coi thường sự sống, coi khinh con người là nguyên cớ chủ yếu. Chẳng hạn tiến bộ khoa học và kỹ thuật ngày nay đã đem lại nhiều cải thiện cho đời sống con người. Đó cũng là biểu chứng con người đã cộng tác với trách nhiệm vào công trình sáng tạo của thiên Chúa. Song cùng lúc người ta không nhìn đến các hậu quả tác hại lâu dài cho những người sống chung quanh hoặc cho nơi mình không có liên hệ. Vì thế say mê phát triển khai thác thiên nhiên mà ít quan tâm đến hậu quả tác hại người khác, nơi khác chịu. Chẳng hạn nạn “đào vàng” ở Tiên Phước, Quảng Nam. Nhà máy hóa chất ở đầu nguồn thải chất độc ra sông Danube ở Hung gary, gây ô nhiễm và chết sinh vật trong sông. Nổ mìn bắt cá phá hại luôn san hô ở Hạ Long với mọi sinh vật cư trú trong đó… Thật là sống chết mặc bây miễn tôi được lợi. Sử dụng và khai thác môi trường để phát triển phải luôn luôn kèm theo nhận thức nhân đạo: mình vì người khác, người khác vì mình.
Biểu chứng cho thái độ thờ ơ, coi thường ấy, Hiệp Hội Các Giám Mục Á Châu = FABC họp tại Tagaytay, Philippine từ 31/1 đến 5/2/1993, đã bày tỏ lo âu về môi trường sống ở Á Châu (41) như sau: nạn phá rừng làm xói lở núi đồi gây lũ lụt và hạn hán – nạn tích tụ khí hiệu ứng nhà kiếng, đặc biệt thán khí làm cho trái đất nóng lên – nguồn năng lượng bị cạn kiệt dần vì ưu tiên cho chủ nghĩa sản xuất đe dọa chất lượng cuộc sống của các thế hệ mai sau – nguồn sinh vật biển giảm đi trầm trọng do đánh bắt bằng chất nổ phá hoại san hô kèm theo nạn đổ chất thải độc hại vào ven biển – thải bừa bãi các chất độc hại của thành phố… – cho thoát các chất phóng xạ giết người gây bao trọng bệnh – hoa màu bị nhiễm độc do dùng thuốc trừ sâu không hạn chế – dân số phát triển quá nhanh, khiến làm cạn kiệt dần nguồn thực phẩm – di rời dân vì mở mang xây dựng như đập thủy điện, làm xa lộ, đường sắt.
Có thể gồm tóm các nguyên cớ trên vào ba nguyên cớ trọng điểm sau đây:
– Dân quá nghèo nên bụng đói chân phải bò.
– Lòng tham vô đáy của con người – chỉ theo chủ nghĩa sản xuất.
– Không mấy ai ý thức về cuộc khủng hoỉang môi sinh trên thế giới.
B. KITÔ HỮU PHẢI NGHĨ GÌ VÀ LÀM GÌ VỀ MÔI SINH?
1. Thứ nhất: Phải quan niệm đúng về vũ trụ
Trời đất và vạn vật trong đó là một thể thống nhất hài hòa. Con người phải tôn trọng trật tự đó. Thiên Chúa giao vũ trụ cho loài người “thống trị nó” (x. Kn 1,28) bằng quản lý, khai thác, phát triên và làm đẹp theo sự bảo toàn hệ sinh thái thống nhất hài hòa, ích lợi cho mọi người chứ không phải được tự ý làm gì tùy thích. Công đồng Vatican 2 đã nhắc lại sự thật ấy như sau: “Thiên Chúa đã ấn định cho trái đất và mọi cái nó chứa chất nên hữu dụng cho mọi người và mọi dân nước” (GS số 69). Bởi vậy thật là bất công xã hội khi người ăn không hết người lần không ra ! Thiên Chúa Sáng Tạo mà Kitô hữu tôn thờ là một Thiên Chúa yêu thương, công bằng và có chủ trương giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc bất công phi lý. Vì vậy Kinh Tạ Ơn IV ca lên: “Chúa đã lấy thượng trí và tình thương mà sáng tạo muôn loài. Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và giao cho trách nhiệm trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Chúa là đấng Tạo Hóa, con người làm chủ mọi loài thọ sinh” trong hài hòa và cân bằng sinh thái . Điều này xảy ra hàng ngàytrong cuộc sống thiên nhiên. Mươi năm trước đây, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam đã mất mùa lớn vì nạn chuột nhiều quá phá hết lúa trồng. Hỏi ra thì một nông dân trả lời rất đúng hệ sinh thái mà chính họ không hiểu ra: người ta đua nhau săn bắt hết rắn bán cho Trung Quốc, vì thế chuột phát triên rất nhiều. Cách đây vài tháng đài THVN cho chiếu phóng sự việc cả ngàn dân tụ tập đào vàng ở vùng cao huyện Trà My, Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Hậu quả cho dân vùng hạ lưu sông ngòi: môi trường sống đã tiêu diệt hết tôm cá, lại còn làm hư đất không trồng trọt được, do nhiều hoá chất của lọc vàng… Cha ông ta nói: sai một ly đi một dặm là thế. Lũ lụt lới mấy năm qua phải chăng không do nạn phá rằng phần nào? Tính cái lợi ngắn hạn và trước mắt, làm mất hết lại lợi sống còn lâu dài của người khác, nơi khác. Con người được quyền “thống trị địa cầu, làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật” (Kn 1,28), song không phải là chúa tể tuyệt đối và ích kỷ, độc quyền theo kiểu sống chết mặc bay. Người ta có quyền xử dụng vũ trụ, song không có quyền lạm dụng nó. Phải điều hành nó với trách nhiệm và với tinh thần liên đới với kẻ khác. Thái độ tôn trọng cân bằng hài hoà sinh thái được tỏ rõ trong lệnh Chúa ban bố cho dân Chúa xưa: “Trong sáu năm ngươi sẽ gieo vãi ruộng ngươi (…) và gặt lấy hoa lợi; nhưng đến năm thứ bảy sẽ có Hưu lễ đại hưu cho đất đai (…) Người sẽ không gieo (..) không tỉa. Lúa chín ngươi sẽ không gặt, nho không tỉa mà đơm quả, ngươi sẽ không hai; đó là năm hưu lễ cho đất đai”. “Ngươi sẽ tính bảy tuần năm, (…); thời gian bảy tuần năm sẽ là bốn mươi chín năm.(…). Các ngươi sẽ thánh hóa năm thứ năm mươi (…) rao (…) ân xá cho toàn thể dân cư. (…) Mỗi người sẽ về lại sản nghiệp của mình (..) Năm ấy các ngươi sẽ không gieo, không gặt lúa sót mọc lại, và không hái vườn nho bỏ hoang” (Lv 25,1…12). Cha ông chúng ta thường nói, dù không thể tuyệt đối đúng: trời sinh voi trời vinh cỏ: “hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng ”( Mt 6,26).
2. Thứ hai: Kitô hữu hãy học cho biết chiêm ngưỡng, thưởng thức, bảo vệ quang cảnh hùng vĩ, vẻ đẹp của thiên nhiên
Vì thiên nhiên là phản quang sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Sách GLC viết: “Các tạo vật khác nhau phản ảnh mỗi vật một cách, theo bản chất riêng của chúng, một tia sáng của sự khôn ngoan và của sự tốt lành vô cùng của Thiên Chúa. Bởi vậy người ta phải tôn trọng sự tốt lành riêng biệt của mỗi tạo vật để tránh đừng xử dụng chúng một cách mất trật tự, khinh bỉ Đấng Tạo Hóa.” (số 339). Thánh vịnh 19 đã xác nhận:
“Vinh quang Thiên Chúa
trời thăm thẳm vang lời kể lể
và vòm cao xanh thuật lại
việc của tay Người”. (câu 2)
Như vậy Kitô hữu dấn thân bảo vệ môi sinh lại là một cách biểu lộ lòng kính tin và yêu mến đối với đấng dựng nên trời đất muôn vật. Trong sứ điệp ngày quốc tế hòa bình năm 1990, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu thánh Phanxicô thành Assidi như tiêu biểu cho những ai tha thiết với môi trường sống qua bài ca tụng tạo vật thiên nhiên của thánh nhân: (42)
“Lạy Chúa, xin cho Chúa
được chúc tụng ngợi khen
nơi mọi loài Chúa đã dựng nên,
nhất là nơi anh Mặt Trời
nhờ anh, Chúa cho chúng con
ánh sáng ban ngày. Anh đẹp quá,
tỏa ra ánh sáng rực rỡ
và là biểu tượng của Chúa, Đấng Tối Cao…
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa
Vì chị Nước của con.
Chị rất hữu ích và rất khiêm nhường,
Chị thật quý hóa và thanh tịnh ….
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa
Vì chị Đất, mẹ chúng con
Chị cưu mang và nuôi dưỡng chúng con
Chị sinh ra đủ các thứ trái cây
Và muôn hoa sặc sỡ và cỏ xanh …” (x. GLC số 344)
Nếu có đức tin, du lịch sinh thái hoặc tham quan thắng cảnh quả là cơ hội để gặp Chúa nơi tạo vật thiên nhiên.
3. Thứ ba: Bảo vệ môi sinh đã vượt tầm tay của mỗi người, mỗi nước
Ở chung cư thì mọi người phải quan tâm săn sóc, bảo vệ nó. Sẽ không thể giải quyết mọi nguyên cớ gây khủng hoảng môi sinh (x. phần A), nếu không có hợp tác quốc tế. Thật đáng mừng, những thao thức môi sinh đã được quốc tế quan tâm qua các hội nghị ở Stockholm và Rio de Janeiro. Phản ứng dữ dội của quốc tế chống lại Hoa Kỳ qua tuyên bố của tổng thống G. Bush tuần vừa qua, quyết đinh rút khỏi cam kết ở Tokyo năm trước về giảm thải khí cacbon vào khí quyền, cho thấy rõ lòng Hoa Kỳ chỉ nghĩ “bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ” theo như ông Bush nói. Đang khi đó Hoa Kỳ là nước thải khí ấy ra tới ¼ của thế giới.
4. Thứ bốn: Chiến tranh, đói khổ, phát triển dân số nhanh vẫn là cơ hội tốt cho việc hủy hoại môi trường sống
Chính vì vậy Đức Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho ngày quốc tế về Hòa Bình cho năm 1999 là: “La paix avec Dieu Créateur, la Paix avec toute la création” (x. DC. 1990 số 1997 tr. 9-12).
——————-
Chi Chú:
1. Vừa khởi sự viết bài này, ngày 2/3/2001 đài THVN, VTV2, lúc 14g15 – 14g35 đã phát hình một phóng sự bàn tròn về nhân bản con người theo phương pháp vô tính (= vô phối), với cuộc tranh cãi giữa một số nhà khoa học nước ngoài. Rõ ràng có hai lập trường ủng hộ và chống đối, với kết luận: chừng 50 năm nữa, vấn đề hiển nhiên được dư luận chấp nhận, kể cả về pháp luật. Và sự thành công nhân bản con người không còn là vấn đề khó khăn lắm nữa. Song le tự hỏi: con người có thật sự là người với mọi giá trị thể chất (dĩ nhiên có thể thành tựu) và tinh thần (là điều có nhiều lý do e ngại) không?
2. Jan Wilmut, năm 2001 được 56 tuổi.thời sinh viên ông nghiên cứu nông học tại Nottingham University rồi lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành về nghiên cứu làm lạnh tinh dịch lợn. Sau đó tiếp tục làm luận án tiến sĩ về phôi đông lạnh. Năm 1974, chuyển nghiên cứu tại Roslin. Sau khi con cừu Dolly ra dời (chỉ chính thức công bố vào 25/2/1997, gây chấn động thế giới vì chú cừu sinh ra bằng phương pháp sinh sản vô tính, tạm dịch anh ngữ là clone), Wilmut hằng lo lắng về phát minh của mình vì những hậu quả khôn lường của cách sinh sản vô tính.
3. Rất tiếc tôi không nhớ số và ngày phát hành.
4. Đó là lấy một tế bào của động vật mẫu đem cấy vào trứng rỗng (= đã lấy hết nhiễm sắc thể) của một động vật mẫu thứ hai. Sau đó đem cấy vào tử cung của một động vật mẫu thứ ba cho nó mang thai. Thế là sẽ có được con vật (ví dụ cừu, khỉ, bò…) thứ tư giống hệt (= bản sao) con vật đầu tiên. – như vậy theo nguyên tắc khoa học, có thể dùng cách sinh sản vô tính mà tạo nên loạt người in hệt con người mẫu thứ nhất,ví dụ: một nhà bác học thiên tài, một tên cướp … kết luận rõ ràng: trong chừngmực nào đó, ranh giới giữa khoa học và đạo đức bị đe dọa nghiêm trọng và chắc chắn sẽ mang lạinhững hậu quả.
5. Le Point 3, 1997
6. Báo Lao Động 13/3/1997 dẫn dịch theoTime, Newsweek, Who. Thật ra theo Mc Gee ý nghĩ nhân bản hàng loạt những kẻ hủy diệt loài người đã có từ năm 1978 với bộ phim kinh dị “The Boys from Brazil” hay “Multiplicity” năm 1996.
7. x. báo Lao Động ra 13/3/1997.
8. xem lại các chú thích trên.
9. Gs. Ngô Đạt Tam, giám đốc trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người
10. J. Fisches, La vie de Mahatma Gandhi, dịch theo bản dịch Pháp văn, tr. 398
11. x. Xh 20,13; Tl 5,17.
12. Donum vitae, của J. Phaolô II số 5, trong Sách Giáo Lý của GHCG số 2258
13. Kn 1,26
14. x. chú thích Kn 1,26, chữ r
15. L. Fischer, La vie du Mahatma Gandhi, Calmann Lévy 1952 tr. 282.
16. Lm. Nguyễn Thế Thuấn chú thích.
17. Trích trong Vì Độc Lập, Tự Do, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội, Sự Thật, Hà Nội 1970 tr. 53.
18. Sens Chrétien de l’homme tr. 159.
19. Ngày 16/12/2000, VTV2 lúc 14g00 có một ph1ong sự về nạo thai tại việt Nam. Phóng sự rất cởi mở, thẳng thắn và tích cực với mục đích cảnh báo dư luận để ngăn chặn bớt nạn đó:
– nạo phá thai tai Việt Nam càng ngày càng tăng. Riêng thành phố Hà Nội, hàng năm có tới 6.000 vụ qua những trung tâm y tế chính thức.
– giới trẻ nhất là lớp tuổi trước kết hôn, kể cả một số không nhỏ là vị thành niên.
– cuộc trao đổi (gồm chuyên gia tâm lý, bác sĩ khoa sản, đặc trách dân số và mấy thanh niên nam nữ) đưa đến kết luận: nạo phá thai là có hại về thể lý, nhất là phụ nữ – hại về tâm lý, đặc biệt nơi nữ giới (=mặc cảm giết con – sợ bị người tình bỏ) – hại về xã hội: đứa con sinh ra vô thừa nhận một cách vô tội, bất công, gánh nặng cho xã hội.
20. Đài BBC sáng 20/12/2000 đưa tin: Quốc hội Anh đã cho phép dùng phôi thai nguời tới 15 ngày tuổiđể nghiên cứu y học với hy vọng sẽ điều trị được một số ninh, ví dụ: Parkinson, bịnh quên trong tuổi già… Dĩnhiên quyết định của Quốc Hội Anh đã bị Giáo Hội Công Giáo lên án.
21. Huấn từ của Đức Gioan Phaolô II cho hàng giám mục Hungari về Roma “a limina” ngày 30/1/2001. Báo Oss. Rom. 6/2/2001 tr 4.
22. x. Oss. Rom. 6/2/2001 tr 9, bài của Hàn Lâm Viện Toà Thánh về sự sống bàn về vấn đề chết êm dịu.
23. x. người bệnh ung thư đi tìm ý nghĩa cuộc sống, Nxb Trẻ 1998 của Nt. Phạm Thị Oanh, chuyên viên tâm lý tư vấn giáo dục và tình yêu hôn nhân gia đình. Có nhiều chứng từ về vấn đề.
24. Trích trong báo Oss. Rom. 6/2/2001 tr 9.
25. Bản tuyên bố ở Madrid đã giới thiệu trên, phần IV.
26. x. Th. Rey Mermet, Ti, bản dịch Việt Ngữ của Phạm Minh thiện CSSR, tủ sách Tin. Quyến tập 2 tr. 96-102. Và xem Oss. Rom. 6/2/2001 tr 8 bài : allons-nous vers une socíeté eugénique? Của Gm. Bouchex, Avignon.
27. x. Piô XII, diễn từ ngày ngày 14/9/1952.
28. x. Tuổi Trẻ 9/3/1997.
29. Ở Hoa Kỳ có các tổ chức: National Institutes of Health (1996) và Institutional Review Boards (1974-1982). Ơ Pháp có Uy ban tư vấn về đạo đức: Comité Consultatif National d’éthique 1983.
30. Đài BBC sáng ngày 20/12/2000 nhắc lại tin: Hạ Viện Hà Lan đã cho phép đồng giới luyến ái được “kết hôn” hợp pháp với nhau giống như hôn nhân thường tình. Họ cũng được nhận con nuôi. Giáo Hội Công Giáo đã lên án.
31. Tuyên bố của Bộ GiáoLý Đức Tin, Persona humana, 8
32. x. OR. Số 48 ra ngày 28/11/2000.
33. Thánh Aug. De libero arbitrio 1,5,11
34. Piô XII, bài giảng 29/10/1951 trích trong sách Giáo lý đã dẫn số 2362
35. GS. 49,2; sách Giáo lý trích ở số 2362
36. x. chú giải của Naz 1 số 170
37. DC. 6 Avril 1997 số 2157 tr. 336 số 5. Cha Nguyễn Soạn dịch theo bản Pháp văn
38. x. Báo Questions actualles số Juillet – Aout 2000 dành chuyên đề l’ Ecologie
39. trích dẫn kết thúc tài liệu của UBGM Pháp lo về các vấn đề xã hội, ra ngày 13/1/2000. X. DC. 2000 số 2219 tr. 117-124
40. LHQ đã tổ chức hội nghị về bảo vệ môi sinh lần thứ nhất ở Stockholm, Thụy Điển năm 1972 – Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh họp tại Rio de Janeiro, Brazil kết thúc với bản Agenda 21 – chương trình hành động 21.
41. x. tạp chí Questions actuelles số tháng Juillet 2000 tr. 29
42. Ngài được đặt làm bổn mạng các nhà môi sinh năm 1978.