Những quan điểm khác nhau về thần học trải qua lịch sử Ki-tô giáo

0
1724

José M.a Rovira Belloso

Trích Thời sự Thần học, Số 72 – Chủ đề: Thần học lịch sử

Tác giả trình bày những phương pháp “làm thần học” khác nhau trong lịch sử Ki-tô giáo. I. Trước hết,  tác giả ôn lại những ý nghĩa khác nhau của hạn từ theologia  trong triết học Hy-lạp và Ki-tô giáo tiên khởi. II. Kế đó, tác giả lần lượt điểm qua các phương pháp thần học trải qua tám giai đoạn của lịch sử Giáo hội: 1/ giáo phụ; 2/ đan tu; 3/ kinh viện; 4/ tranh biện (tk XVI); 5/ sau công đồng Trentô; 6/ thế kỷ XIX; 7/ Tân kinh viện; 8/ thế kỷ XX. III. Sau cùng, tác giả mô tả sự khác biệt giữa ba ngành thần học thời nay dựa theo mục tiêu: 1) thần học nền tảng; 2) thần học thực chứng; 3) thần học hệ thống. Tác giả là cựu giáo sư phân khoa thần học Catalunya (Barcelona). Nguồn: Introducción a la Teología, BAC Madrid 1996, (c.II: Teología y Teologías), p.52-78.

————-

I. Khái niệm về Theologia

Trong tiếng Việt, thuật ngữ “thần học” được dùng để dịch danh từ theologia trong tiếng Hy-lạp và Latinh, và được giải thích là “môn học về các thần” (Thiên Chúa). Theo tầm nguyên theologia (gồm bởi hai từ Hy-lạp theos logos) không phải là “học” về Thiên Chúa mà là “nói” (logos: lời lẽ, lý luận) về Thiên Chúa (theos có nghĩa là thần linh, nhưng đối với Ki-tô giáo, chỉ có Thiên Chúa chứ không có thần linh nào khác). Thực ra, trong lịch sử “Thiên Chúa luận” công giáo, môn này còn được gọi bằng nhiều danh từ khác nữa, chẳng hạn như: sacra doctrina, sacra pagina, sacra eruditio, doctrina christiana. Mặt khác, danh từ theologia đã xuất hiện nơi các triết gia Hy-lạp trước khi Ki-tô giáo xuất hiện, và có những ý nghĩa khác nhau. Đến khi được du nhập vào Ki-tô giáo, danh từ này đã được các giáo phụ chuyển nghĩa. Vì thế chúng ta nên ôn lại những ý nghĩa nguyên khởi của danh từ theologia trước khi theo dõi những quan niệm khác nhau trong suốt hai mươi thế kỷ vừa qua.

Danh từ theologia đã xuất hiện nơi các tác phẩm của ông Platon và Aristote, với nghĩa tiêu cực. Ông Platon đã chỉ trích theologia của các ông Homêrô và Hêsiođô, tức là các “thần thoại”, kể chuyện về chuyện sinh sản và chiến tranh giữa các thần (Republica, lib.II, 379a). Đối lại, ông ước mong có một học thuyết chân thực về các thần linh, chứ không theo óc tưởng tượng. Ông Aristote cũng có một quan niệm tiêu cực đối với theologia, hiểu theo nghĩa là “thần thoại” (mythicos sophizomenon). Tuy nhiên, khi thiết lập hệ thống tri thức, ông đã nghĩ tới một môn học bàn về nguyên ủy của vạn vật, và mở đường cho một thứ suy luận tích cực về Thượng đế. Thật vậy, theo ông, có ba cấp độ tri thức: cấp thứ nhất là “vật lý” (physica), nghiên cứu các thực thể gắn liền với vật chất; cấp thứ hai là “toán học” (mathematica), nghiên cứu các hình thái tinh tuyền và lý tưởng, tức là các số; cấp thứ ba là “siêu hình” (metaphysica), tìm hiểu bản tính của vạn vật; ở chóp đỉnh của nó là tìm hiểu căn nguyên cuối cùng của vạn vật (Metaphysica, III, 4, 1000a). Như vậy, theo Aristote, có hai cách tiếp cận các thần linh: một đàng qua các thần thoại (đối với ông, nó chẳng có giá trị gì), một đàng là qua con đường suy tư về bản tính và nguồn gốc của vạn vật (đây là đỉnh cao của tri thức).

Như vậy, hai triết gia Platon và Aristote đã gợi ý về sự cần thiết của một suy luận về Thượng đế. Ki-tô giáo đã đón nhận nguyện vọng ấy, dựa trên những dữ kiện mà đức tin cung cấp. Thật vậy, Thiên Chúa mà các Ki-tô hữu tin thờ không là ai khác ngoài chính Thiên Chúa đã tự mặc khải nơi đức Giêsu Ki-tô. Tuy nhiên, ở đây, suy luận (lời) của con người về Thiên Chúa là một sự đáp trả lại “lời” của Thiên Chúa nói với con người. Như vậy, theologia mang thêm một ý nghĩa mới: trước khi là lời (của con người) nói về Thiên Chúa (sermo de Deo), nó còn là lời của Thiên Chúa (sermo Dei, verbum Domini) nói với con người. Như sẽ thấy sau, cần phải thêm một khía cạnh thứ ba nữa: đó là lời nói (của con người) với Thiên Chúa (nghĩa là cầu nguyện: sermo cum Deo). Chúng ta hãy theo dõi vài dấu mốc quan trọng của sự biến đổi ý nghĩa của danh từ theologia.

Danh từ theologia được du nhập vào Ki-tô giáo nhờ các nhà hộ giáo Hy-lạp, có lẽ người đầu tiên là giáo phụ Giustinô. Theo ông, Kinh thánh, nhờ Thánh Linh linh ứng, đã theologein rằng Thiên Chúa là Cha của vạn vật[1]. Động từ theologein vừa có nghĩa là “luận bàn về Thiên Chúa”, vừa có nghĩa là “tuyên xưng Thiên Chúa”. Cũng cần thêm rằng vào thời ấy, có vài giáo phụ như Athenagoras vẫn dùng từ theologia theo nghĩa cổ điển là “khảo luận về các thần”[2]. Nói cách khác, nơi các giáo phụ Hy-lạp thế kỷ II, theologia có thể được hiểu theo bốn nghĩa: a) nghĩa cổ điển là “thần thoại”; b) sự hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa; c) sự hiểu biết về Thiên Chúa trong Cựu ước (x. Justinus, Dialogus cum Tryphone, 113,2); d) sự hiểu biết của Ki-tô giáo về Thiên Chúa (x. Origenes, Contra Celsum, lib. IV, 42).

Với giám mục Eusebius Cesarea (k.265-339), danh từ theologia trở nên phổ thông trong Giáo hội, nhờ hai tác phẩm của ông: Historia Ecclesiastica (Lịch sử Giáo hội), và Theología Eccle­siástica. Ông cũng là một trong những tác giả đầu tiên phân biệt giữa theología và oikonomía. Theología là hiểu biết về Thiên Chúa, nghĩa là về Ba ngôi ; oikonomia (theo nghĩa đen có nghĩa là “sự phân phát”) là hiểu biết về hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại, nhờ cuộc nhập thể, tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô trong sự hiệp thông của Thánh Linh. Nhờ có oikonomia mà chúng ta biết được Thiên Chúa Ba ngôi (theologia). Dù nói gì đi nữa, đối với đạo của chúng ta, việc hiểu biết Thiên Chúa luôn bao hàm mầu nhiệm Tam vị, và phương thế không thể bỏ qua là học hỏi Kinh thánh.

II. Một đức tin, nhiều thần học

Thoạt tiên, xem ra công thức “một đức tin, nhiều thần học” được hiểu về những cách thức suy diễn khác nhau của các tín hữu khi đọc Kinh thánh. Tuy nhiên, những nghiên cứu về các nguồn biên soạn và các văn thể Kinh thánh đã cho thấy rằng chính Kinh thánh cũng chứa đựng nhiều thứ “thần học” khi diễn tả mặc khải của Thiên Chúa.

Chúng ta chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ thì đủ rõ. Theo các nhà nghiên cứu, bộ Ngũ thư trong Cựu ước được hình thành bởi nhiều nguồn khác nhau: J (Giavista), E (Elohista), P (Tư tế) và D (Đệ nhị luật). Điều này có nghĩa là Cựu ước đã có những “trường phái” thần học khác nhau: thần học kể chuyện về lịch sử giao ước bắt đầu từ ông Abraham như là tiếng gọituyển chọn (J và E); thần học về các tư tế tại đền thờ Giêrusalem, chú trọng đến các luật lệ phụng tự của Xuất hành, Lêvi và Dân số (P); thần học của phong trào độc tôn Giavê, kiện toàn những yêu sách của giao ước (D).

Đối với Wohlfhart Pannenberg, chính những quan điểm khác nhau về “mặc khải” đã dẫn đến những dạng thức thần học khác nhau trong Cựu ước[3]. Nếu mặc khải được hiểu như là những linh hứng mà Thiên Chúa gợi lên trong các giấc mơ, thì ta sẽ có những trình thuật nói lên quyền năng lân tuất của Thiên Chúa thể hiện giữa những hoàn cảnh căng thẳng của người công chính. Nếu quan niệm mặc khải như là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, thì ta sẽ có những trào lưu đề cao những tương quan liên-bản-vị (chẳng hạn như các tổ phụ). Nếu quan niệm mặc khải như trao gửi Thánh Danh để ghi nhớ muôn đời, thì ta sẽ có những thần học biểu tượng của các lời nguyện và bí tích. Nếu quan niệm mặc khải như là biểu lộ ý định của Thiên Chúa thì ta sẽ có những thần học về những mệnh lệnh luân lý. Sau cùng, nếu quan niệm mặc khải như là sự hiện diện của Thần khí Chúa nơi các ngôn sứ  thì ta sẽ có thần học về sự thông đạt Lời Chúa và Thần khí Chúa. Chính những quan niệm khác nhau về mặc khải cho ta những viễn tượng khác nhau để hiểu biết Thiên Chúa.

Bước sang Tân ước, ta nhận thấy rằng những lối tiếp cận khác nhau để hiểu biết thân thế Đức Giêsu đã đưa đến những Ki-tô-luận khác nhau[4]. Thay vì phân loại các thứ Ki-tô-luận dựa theo nội dung, tôi chỉ muốn dừng lại ở các văn thể để truyền đạt Đức Giêsu, và có thể nhận thấy: Ki-tô-luận giảng thuyết (Các thư của thánh Phaolô); Ki-tô-luận của suy tư lịch sử và cánh chung (Tin mừng IV, Luca); Ki-tô-luận về đức Giêsu lịch sử (Matthêu, Marcô, Luca); Ki-tô-luận chú trọng đến Đức Ki-tô như là Chủ thể và Cứu cánh của chương trình của Thiên Chúa (Khải huyền). Sự đa dạng của những thần học Tân ước giúp cho ta ý thức rõ ràng hơn rằng tuy có nhiều “chữ” (littera) nhưng chỉ có một “Thần khí” (spiritus) duy nhất giúp cho ta nhận ra bản hợp tấu về một chủ đề duy nhất: Đức Giêsu Ki-tô[5].

Để nắm bắt hiện tượng “một đức tin, nhiều thần học”, chúng ta hãy điểm qua những mô hình thần học khác nhau trải qua lịch sử cũng như trong thời buổi hôm nay. Thay vì mô tả tỉ mỉ các chi tiết của lịch sử thần học, chúng tôi muốn chú trọng đến các phương pháp và các mục tiêu của nó trải qua không gian và thời gian. Ở cuối bài, chúng tôi sẽ trình bày thư mục các sách viết về lịch sử thần học.

III. Những thần học khác nhau trong lịch sử

1. Thần học các giáo phụ (tk.II-VIII)

Thần học giáo phụ bắt đầu với sách Didakhê và các Tông phụ (patres apostolici): Clêmentê Rôma, Ignaxiô  Antiôkia, Policarpô Smyrna, Papías Hierápolis, Thư của Bernabê và Mục tử của Hermas. Tiếp đó là các giáo phụ hộ giáo (apologistae) Hy-lạp: Giustinô, Taxianô, Atênagoras và Theôphilô Antiokia; và –sang thế kỷ III – với các văn hào châu Phi: Ter­tullianô, Cyprianô và Lactanxiô. Giai đoạn huy hoàng của các giáo phụ bắt đầu với Origenes (+ khoảng 254) và đạt đến tột đỉnh với các giáo phụ sau công đồng Nixêa: Basiliô, Grêgoriô  Naxianzô và Grêgôriô Nyssa bên Đông;  Hilariô, Hiêronimô và Augustinô – và sau đó Leô Cả bên Tây.

Thánh Irêneô, sống vào giữa thế kỷ II (k.140- k.202), với tác phẩm Adversas haereses (Chống lại các lạc giáo), ra như đã long trọng khai trương cho thần học Ki-tô giáo. Theo tựa đề, tác phẩm này được viết để bảo vệ đức tin chống lại nhóm ngộ giáo. Thực ra, tác giả đã trình bày thần học cách hệ thống, dựa theo oikonomia, trình bày mặc khải mầu nhiệm Tam vị, cũng với một khảo luận về Đức Ki-tô và các bí tích (Rửa tội và Thánh Thể).

Đừng kể các bộ tổng hợp Peri Arkhon (Về các nguyên ủy) của Origenes hoặc De Trinitate (về Chúa Ba Ngôi) của thánh Augustinô, nói chung, các tác phẩm của các giáo phụ ra đời do một hoàn cảnh cụ thể: sự xuất hiện của các lạc giáo hoặc nhu cầu phải làm sáng tỏ một chân lý nào đó thuộc về đức tin. Đó là bối cảnh sáng tác của các tác phẩm thời danh Contra Eunomium (Chống lại Eunomio) hoặc De Spiritu Sancto (Về Thánh Linh) của thánh Basiliô, hoặc các tác phẩm của thánh Athanasiô về thiên tính của Đức Ki-tô chống lại Ariô.

Thật khó xác định thời điểm kết thúc thời các giáo phụ. Người ta thường lấy thánh Gioan Đamascô (+749) như giáo phụ cuối cùng bên Đông phương, còn bên Tây phương, sự chuyển tiếp giữa các giáo phụ Latinh với thời Trung cổ được đánh dấu bởi Cassiođorô (+583) và Boêxiô (+524), người đã để lại định nghĩa thời danh về ngôi vị (persona) và truyền lại hệ thống giáo dục về bảy môn căn bản[6]. Trong thế hệ chuyển tiếp này, cũng cần kể đến hai nhân vật: thánh Gregôriô Cả (+ 604), vị giáo hoàng của bình ca (cantus gregorianus) và tác giả cuốn sách luân lý thời danh Moralia in Job; thánh Isiđôrô Sevilla (+ 636), mà tác phẩm Etimologíae (tầm nguyên) trở thành một kho tàng uyên bác được sử dụng suốt thời Trung cổ.

Một dữ kiện khác để đánh dấu sự kết thúc của thời giáo phụ là những bộ sách sưu tập các tác phẩm: bộ Patrologiae cursus completus của J.P. Migne kéo dài cho đến đức giáo hoàng Innocente III (+1216), còn bộ sách Corpus Christianorum muốn dừng lại ở các tác giả thời Charlemagne (782-888).

2. Thần học đan tu

a) Tiền thân (tk.IX): Hai tác giả Ratramnô và Radbertô đã truyền thụ cho thần học đan tu não trạng của các giáo phụ: đi từ nhân tính Đức Ki-tô đến Ngôi Lời; nhấn mạnh tầm quan trọng của biểu tượng, đi từ cái hữu hình đến chỗ chiêm ngưỡng cái vô hình.

b) Các trường học Kinh thánh (tk.XII). Vào giữa thế kỷ XII, nở rộ các trường học Kinh thánh theo phương pháp mới: áp dụng lý luận vào việc học hỏi thần học. Kết quả là sự thành hình các trường thần học (Sacra Doctrina) tại Laon, Chartres, Orléans và París. Những nhân vật tiên phong của các trường này là đan sĩ Bêđa, chú giải gần 60 quyển sách Kinh thánh, và đan sĩ Rabanô Maurô (+ 856), đồ đệ của Alcuinô, nhà cải cách giáo dục của hoàng đế Charlemagne.

Từ thế kỷ XI, người ta áp dụng phương pháp glossa (chú giải) vào việc nghiên cứu Sách Thánh. Mỗi trang được phân thành ba cột : cột giữa là bản văn Kinh thánh viết bằng chữ lớn, xen với những chú giải giữa các hàng (glossa interlinearis) bằng nét nhỏ; hai cột bên trái và bên phải là những chú giải bên lề (glossa marginalis), trích dẫn tư tưởng của các giáo phụ hoặc của người chú giải.

Những nhân vật nổi tiếng của thần học đan tu đều là những nhà nghiên cứu Kinh thánh thời danh: Anselmô, Raúl và Gilbert de Laón; Hugo de Saint Victor, tác giả quyển sách De Sacramentis cũng như quyển chú giải Kinh thánh: De Scripturis et de Scriptoribus sacris (PL 175), cũng như đồ đệ là Richard de Saint Victor, tác giả cuốn sách De Trinitate, và được coi như là nhà chú giải Kinh thánh lỗi lạc nhất trong thế kỷ XII. Đan viện Saint Victor được thành lập ở Paris năm 1108 do Guillaume de Champeaux. Ngoài các tác giả vừa nói, nên kể thêm vài tác giả độc lập : Petrus Comestor (người nhai sách +1179) chưởng ấn đại học Paris, đã để lại quyển Historia scholastica, tóm lược lịch sử Kinh thánh từ ông Ađam cho đến sách Khải huyền; Ruperto de Deutz (+ 1130), được xem như cha đẻ của môn thần học Kinh thánh, đặt Đức Kitô làm điểm hội tụ của toàn bộ Kinh thánh; Gioakim Fiore, viện phụ dòng Xitô, khi chú giải sách Khải huyền, đã đưa ra một chủ trương độc đáo về quan điểm lịch sử cứu độ: theo ông, Tin mừng của Đức Ki-tô chỉ là “chữ viết” và cần được giải thích theo « nghĩa thần khí », nghĩa là Tin mừng của Thánh linh sắp đến.

c) Những nhà biện chứng (tk XII). Anselmô Laón (+1117), đã từng thụ giáo thánh Anselmô Canterbury tại Bec, du nhập một phương pháp mới trong việc bình luận tư tưởng các giáo phụ. Thay vì chỉ trưng dẫn ý kiến của các giáo phụ, ông xếp đặt các tư tưởng ấy có hệ thống. Đặc biệt, Abelarđô (+1142) đã đưa phương pháp biện chứng vào việc nghiên cứu thần học, nghĩa là dùng lý trí để phê bình các chân lý đức tin. Ông không ngần ngại liệt kê 158 mệnh đề xem ra mâu thuẫn trong Kinh thánh và các giáo phụ. Dĩ nhiên, lập luận của ông đã bị chỉ trích dữ dội; tuy nhiên, nhờ đó mà người ta mới xét lại vấn đề: đâu là giới hạn của lý trí đứng trước các mầu nhiệm đức tin? Câu hỏi được nêu lên, và phải chờ đến công đồng Vaticanô I, Giáo hội mới đưa ra một câu trả lời thỏa đáng.

Những “danh sư” của thần học đan tu, thánh Anselmô Canter­bury (hoặc Aosta), Hugo và Richard de Saint Victor, thực sự là những nhà tiên phong của kinh viện.

3. Thần học kinh viện

Ở châu Âu, một sự thay đổi não trạng về thần học đã xảy ra vào thời Trung cổ: thần học được xem như một khoa học (scientia), hiểu theo nghĩa của Aristote và được ông Maimonides đưa vào châu Âu hồi thế kỷ XII. Việc thay đổi này xảy ra bên thần học vào thế kỷ XIII, bắt đầu với Philippe le Chancelier (+1236, biệt hiệu được đặt do chức vụ chưởng ấn đại học Paris) và Guillaume d’Auxerre (+1231) với cuốn Summa Aurea, kéo dài cho đến Guillaume d’Occam, và còn tiếp tục các nhà thần học “tân kinh viện” của thế kỷ XVI và XVII.

Những nét đặc trưng của thần học kinh viện ở các thế kỷ XIII-XIV có thể tóm tắt như sau: a/ Sự du nhập triết học Aristote vào Ki-tô giáo, qua các triết gia Do thái (Maimonides) và Arạp (Avicenna, Averroes), tạo nên một khung cảnh gặp gỡ giữa ba tôn giáo độc thần. b/ Sự quân bình giữa Sacra Pagina với Sacra Doctrina: những nhà thần học lớn (chẳng hạn Tooma, Bonaventura) đều viết những quyển chú giải Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước), đồng thời với những khảo cứu thần học dưới thể văn Summa hoặc Quaestiones disputatae[7]. c/ Sự thiết lập các đại học (Universitas) trong thế kỷ XIII (Bologna, Paris, Oxford, Salamanca, vv), nơi gặp gỡ giữa các giáo sư và sinh viên để nghiên cứu triết học, thần học, luật khoa, y khoa, ở cấp độ cao hơn các artes liberales trước đây. d/ Sự xuất hiện những nhà tư tưởng lớn: Thomas (+1274) và Bonaventura (+1274) ở Paris vào thế kỷ XIII, Duns Scotus (+1308) và Guillaume d’Occam (+1348) ở Oxford, vào thế kỷ XIV.

4. Thần học tranh biện (thế kỷ XVI)

Vào thế kỷ XVI, trong Giáo hội Công giáo nảy lên một thứ thần học nhằm chống lại lạc giáo Lutêrô, với những kết quả khác nhau: có những tác phẩm nghiêm túc như của Johannes Eck[8] hoặc những tờ châm biếm của Cochlaeus Adversus cucullatum Minotaurum wittembergensem. J. Clichtove[9] và John Fisher viết sách chống lại Ecolampadio vào năm 1526 và năm 1527[10]; cùng năm ấy Kaspar Schatzgeyer, giám tỉnh dòng Phansinh viết cuốn De Sacrosancta Eucharistia[11]; sau cùng, Giêrônimô de Monópoli xuất bản cuốn Enchiridion tại Napoli năm 1528. Các nhà thần học nổi tiếng về tranh biện là các chuyên viên của Louvain tham dự công đồng Trento: Jo­hannes Gropper y Ruard Tapper, và cũng nên bỏ qua E. Blick.

5. Thần học sau Trentô. Thời kinh viện thứ hai

Hồng y Tomás de Vio, nhà chú giải lỗi lạc các tác phẩm của thánh Tôma, vừa là một nhà thần học tranh biện chống lại Luterô  vừa là khai trương cho “thời kinh viện thứ hai”. Sau thời buổi giao động của thần học tranh biện, các dòng lớn (Đaminh, Phansinh, Tên) tiếp tục giai đoạn huy hoàng của “thời kinh viện thứ nhất” qua những sách chú giải Bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma. Thế kỷ XVI là thế kỷ của đại học Salamanca với những danh sư: các tu sĩ dòng Đaminh Mel­chor Cano (tham dự công đồng Trento: + 1560), Domingo Soto (+ 1560), Domingo Báñez (+ 1604), Diego de Deza; các tu sĩ dòng Catminh trường phái Salamanca; các tu sĩ dòng Tên Grêgoriô de Valencia (+ 1603), Gabriel Vázquez (+ 1604), Molina (+ 1600), hồng y de Lugo (+1660) và các giáo sư Collegium Romanum, học viện mới của dòng Tên ở Rôma: Francisco Suárez (+1611) và thánh Roberto Belarmino. Trong một khung cảnh khác và muộn hơn, cần nhắc đến Juan de Santo Tomás (+ 1644), nhà chú giải các tác phẩm triết học của thánh Tôma.

Đó là thần học hàn lâm. Tuy nhiên, không nên bỏ qua một người khai mở cho thần học thực hành và thần học chính trị: tu sĩ Bartolomé de las Casas (1474-1566) dòng Đaminh. Nhờ gặp gỡ cha Las Casas cũng như nhờ nghe các bài giảng của cha Montesinos mà J. Sepulveda đã hoán cải, và thay vì ủng hộ thuyết của hoàng triều Tây-ban-nha chinh phục châu Mỹ bằng khí giới, ông đã viết cuốn De único vocationis modo omnium gentium ad veram religionem (1537), trong đó ông chủ trương rằng cần chinh phục thổ dân nhờ phương pháp của Tin mừng, giống như các thánh tông đồ xưa.

Sau những khởi xướng của Erasmus  và Maldonado về việc áp dụng phương pháp sử học vào việc nghiên cứu thần học, và sau khi Melchor Cano khẳng định rằng lịch sử là một nguồn mạch thần học, một khuôn mẫu đầu tiên của “lịch sử các tín điều” ra đời vào thế kỷ XVII với tác phẩm De theologicis dogmatibus của Denis Petau, S.J. (1583-1652), trong đó tác giải giải thích các tín điều bằng cách truy tầm nguồn gốc của chúng. Một người kế thừa của hướng đi này là Louis Thomasin (1619-1695), dòng Oratoire, với cuốn Dogmata theologica. Hạt giống sử học sẽ phát triển hơn nữa vào thế kỷ XIX với  Théodore de Régnon.

Thế kỷ XVII và XVIII còn lặp lại thời kinh viện thứ hai, với các tu sĩ dòng Đaminh : Jean Baptiste Gonet (1616-1681) và Charles René Billuart (1685-1757); họ bảo vệ truyền thống, nhưng chưa đủ cởi mở trước làn sóng của phong trào Khai sáng đang lên. Vincent (Guillaume) de Contenson (1641-1674) đang viết dở dang cuốn Theologia mentís et cordis, trong đó cha muốn thêm tư tưởng các giáo phụ vào những suy tư khô khan của kinh viện.

6. Các thần học thế kỷ XIX

a) Trường phái Tübingen

Để phản ứng lại một thứ thần học thuần túy suy diễn của kinh viện, thiếu sáng kiến và không đáp ứng với văn hóa Khai sáng, một trường phái được Johann Sebastian Drey (1777-1853) thiết lập tại Tübingen. Đặc điểm của trường phái này là trở về với các giáo phụ, quan niệm Giáo hội như là một công đồng đức tin tập trung vào Đức Kitô hằng sống; tóm lại họ muốn vượt qua con đường duy lý của kinh viện cũng như của nhóm Khai sáng. Nhân vật nổi bật nhất của trường phái này là Johann Adam Möh­ler (1796-1837), với hai tác phẩm: Sự hợp nhất của Giáo hội — trình bày Giáo hội như là một cơ thể sống động, đâm rễ trong truyền thống và được linh động nhờ Thánh Linh — và Symbo­lik, trình bày những khác biệt đạo lý giữa Công giáo và Tin lành.

b) Trường phái Rôma

Gắn liền với tên tuổi của G. Perrone (+ 1876), tác giả cuốn Praelectiones theologicae, chuẩn bị cho việc tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội; Pasaglia (+ 1887), với các đồ đệ là Schräder và Franzelin (1886), kết hợp việc đào tạo kinh viện với truyền thống giáo phụ; Kleutgen một người đã có ảnh hưởng quan trọng đến các văn kiện của công đồng Vaticanô I.

Trường phái Rôma thiên về trí tuệ, có lẽ chịu ảnh hưởng của Christian Wolff, cho nên đề cao vai trò của lý trí trong đức tin, khác với trường phái Tübingen nhấn mạnh đến truyền thống (có lẽ do ảnh hưởng của phong trào lãng mạn). Tuy nhiên, đừng nên lẫn lộn trường phái Rôma với thuyết “bán duy lý” (semi-rationalismus) của ba tác giả thuộc phái duy tâm bên Đức: Georg Hermes, Antón Günther y Jacob Frohschammer.

c) J. H. Newman

Mặc dù đơn thương độc mã, nhưng cá nhân hồng y Newman đáng giá một trường phái. Ngài đánh giá tầm quan trọng của lý trí, nhưng không phải theo nghĩa kinh viện hoặc duy lý, nhưng là con người biết sử dụng trực giác khi truy tầm các dấu hiệu để tiến đến ý nghĩa[12] . Newman du nhập phương pháp quy nạp vào thần học. Ông đề cao vai trò của Truyền thống, được nhìn như sự phát triển tín lý, tựa đề của tác phẩm An Essay on the Development of Christian Doctrine (1845).

7. Thần học tân kinh viện

Trường phái tân-Tôma bên Ý được phát triển với Luigi Taparelli d’Azeglio (+ 1862), Matteo Liberatore (+ 1892) và hồng y Tommaso Zigliara. Thông điệp Aeterni Patris của đức thánh cha Lêô XIII đã đưa học thuyết Tôma lên hàng thần học chính thức, và đã cổ động cho sự khôi phục tân kinh viện, với các tác giả A. Sertillanges và R. Garrigou-Lagrange thuộc dòng Đaminh, L. Billot và P. Rousselot thuộc dòng Tên, hồng y D. J. Mercier (1851-1926), các giáo dân như J. Maritain và E. Gilson không những thúc đẩy cuộc nghiên cứu thánh Tôma nhưng còn đối thoại với các trào lưu mới của phương pháp sử học (E. Gilson) và triết thuyết nhân vị (J. Lacroix).

8. Các nền thần học thế kỷ XX

a) Cuộc khủng hoảng của phong trào duy tân

Cuối thế kỷ XIX đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng với những khuynh hướng nhân học, bắt nguồn từ thành phố Wien, nơi hội ngộ của các nghệ sĩ Gustav Klimt và Gustav Mahler, các triết gia  Ludwig Wittgenstein và Sigmund Freud, các văn hào Hugo von Hoffmansthal và Joseph Roth đã gợi lên một trào lưu phê bình các định chế hiện hành.

Không lạ gì mà về phía thần học cũng nổi lên một luồng tư tưởng muốn tẩy chay bất cứ điều gì đi ngược lại tự do tuyệt đối, tâm tình chủ quan, sự chân thực. Đó là những tiền đề xã hội và tâm lý của phong trào duy tân (modernismus)[13]. Lòng khát khao sự chân thực thúc đẩy các nhà khảo cứu Kinh thánh đi tìm cái gì cốt yếu và loại trừ những gì thêm vào sau; tự do và tâm tình chống lại những gì là giáo điều, và đề cao một tôn giáo tôn trọng lương tâm cá nhân.

Một Kitô giáo không tín điều, không lịch sử: đó là nguy cơ mà thông điệp Pascendi (1907) của thánh giáo hoàng Piô X muốn cảnh giác. Tiếc rằng có những nhóm bảo thủ đã lợi dụng uy tín của Tòa Thánh để gây ra khó khăn cho những học giả thánh thiện, hết lòng trung thành với Giáo hội, tựa như hồng y Ferrari, Don Orione và cha Joseph Lagrange.

b) «Nouvelle Théologie»

Sau cuộc khủng hoảng “duy tân”, thần học tân kinh viện một đàng chú trọng đến môn hộ giáo (apologetic), tìm những động lực dẫn đến đức tin, dựa trên sự chứng minh khách quan về sự hiện hữu của Thiên Chúa; đàng khác cũng mở rộng đến luân lý chính trị, phương pháp sử học và thuyết nhân vị, nhờ các nhân vật tên tuổi như : Jacques Maritain, Etienne Gilson và Jean Lacroix. Khuynh hướng sử học đã mở cửa cho trào lưu «Nouvelle Théologie», vào cuối thế chiến thứ hai (1945), muốn mở ra cuộc đối thoại giữa thần học với tư tưởng hiện đại, và nhất là quan niệm rằng mặc khải như là lịch sử của việc Thiên Chúa tự biểu lộ cho con người, hơn là một hệ thống những đạo lý về Thiên Chúa.

Việc « trở về nguồn » Kinh thánh và các giáo phụ được làm nổi bật nơi các tác phẩm của J. Daniélou, D. Barthélemy, H. Rondet, J. C. Murray và sau đó của C. Mesters, cũng như được gắn với tên tuổi của Y. Congar, M. D. Chénu và H. de Lubac, cùng với các tác giả bên Đức, đặc biệt là hai anh em Hugo và Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar. Hai tác giả cuối cùng này không những đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu lịch sử mà còn nhiều suy tư nhằm đối thoại với các nền triết học và ý thức hệ đương thời.

c) Thần học về «cái chết của Thiên Chúa»

Cuộc kết thúc thế chiến thứ hai đã để lại nhiều chấn động trong tâm hồn người châu Âu khi chứng kiến những cuộc thảm sát hàng triệu dân cư trong các trại tập trung. Ảnh hưởng của nó đối với suy tư thần học được cô đọng trong tựa đề cuốn sách của C. Mesters: Chúa ơi, Chúa ở đâu?

Trong giới trí thức, bầu khí ảm đạm đã đưa đến trào lưu vô thần bành trướng tại các đại học, do ảnh hưởng của thuyết mác-xít và hiện sinh của J. P. Sartre. Lãnh vực thần học bị khống chế bởi các luồng “giải huyền thoại” (demythologisation) của R. Bultmann, khuynh hướng “tục hóa” của P. Tillich, chủ trương luân lý khắc khổ của D. Bonhoffer, người hồi sinh lại khẩu hiệu của Grotius: người Ki-tô hữu phải hành động dường như Thiên Chúa không hiện hữu («etsi Deus non daretur»).  Bultmann, Tillich và Bonhoffer là những thần học gia đã ảnh hưởng mạnh đến John A.T. Robinson, giám mục Anh giáo tại Wolwich. Trong một giai đoạn khủng hoảng, ông đã viết cuốn sách Honest to God, mở màn cho “thần học tục hóa”. Tuy nhiên, xem ra quan niệm về đức tin của ông mang tính cách chủ quan, giống như các tác giả “duy tân”, nhưng những người đi sau ông thì tiến đến “thần học về cái chết của Thiên Chúa”, sử dụng ngôn ngữ của Nietzsche: đó là trường hợp của Thomas J. Altizer và W. Hamilton trong cuốn Radical Theology and the Death of God (New York 1966), Paul M. van Burén trong The Secular Meaning of the Gospel (London 1961). Sau đây là một trang điển hình của T. J. Altizer:

Việc chấp nhận lời tuyên bố của Nietzsche về cái chết của Thiên Chúa là một thách thức cho bất cứ hình thức nào của đức tin vào thời đại hôm nay. Trong tác phẩm đầu tiên, Tillich đã đề xướng thuyết “đương đại”, theo đó một đức Ki-tô mà không đương đại thì không phải là Đức Ki-tô đích thực; một mặc khải mà không đòi hỏi phải nhảy ra khỏi lịch sử thì không còn là mặc khải đích thực. Tuy nhiên, trong tác phẩm Systematic Theology viết vào lúc đã trưởng thành, Tillich trở về với nguyên tắc cổ truyền của Ki-tô học, theo đó Đức Ki-tô là « câu trả lời » cho nỗi lo âu của thân phận con người. Một khi đã bảo đảm rằng cuộc đời con người hiện đại được cắm rễ sâu trong lòng thế giới, thì Đức Ki-tô – đáp số cho thân phận con người-  tất nhiên phải đâm rễ sâu trong thế giới, hoàn toàn khác biệt với Đức Giêsu lịch sử[14].

Đoạn văn trên đây đã hàm chứa nhiều điều nói lên những đòi hỏi của thời đại: cần phải trình bày một Đức Ki-tô tục hóa và hòa nhập với thời đại. Chúng ta phải mang ơn nhiều nhà thần học Tin lành, tựa như Heinz Zahmt[15] đã sửa đổi lại hướng đi của thần học tục hóa. Dưới phương diện này, về phía công giáo, chúng ta không thể quên hai cha C. Geffré[16] và A. Jossua thuộc dòng Đaminh và cha A. Manaranche thuộc dòng Tên.

IV. Các nền thần học khác biệt do cứu cánh

Trên đây chúng ta đã điểm qua những đường hướng khác nhau trong việc suy tư thần học trải qua dòng lịch sử.  Vào thời đại của chúng ta, cũng có nhiều đường lối khác biệt trong phương pháp thần học dựa theo cứu cánh, mà chúng ta tạm tóm vào ba nhóm chính: Thần học căn bản, thần học  thực chứng, thần học hệ thống.

1. Thần học căn bản[17]

Dựa theo công đồng Vaticanô I, Salvador Pié quan niệm thần học căn bản không theo nghĩa là hộ giáo cho bằng tìm cách chứng minh những nền tảng của đức tin (DS 3019)[18]. Thần học căn bản ra đời như là để trả lời cho những vấn đề mà thời hiện đại đặt ra cho thần học và cho Giáo hội. Vì thế thần học căn bản nằm ở  biên cương giữa lý trí và đức tin, giữa mặc khải và kẻ đón nhận mặc khải. Nhiệm vụ của nó đã bảo đảm tính khả tín (credibilidad) và hữu lý (racionalidad) của mặc khải. Vào thời nay, thần học căn bản mang hai chiều kích: một đàng vừa là trí thức vừa là chứng tá; đàng khác là giải thích lý do của niềm hy vọng Ki-tô giáo. Nói cách khác, ngày nay, thần học căn bản muốn thực hiện vai trò “giải thích lý do của niềm hy vọng” (1 Pr 3,15).

Mặt khác, kể từ J. B. Metz[19], một số nhà thần học tìm kiếm chiều kích “thực hành” (praxis) của thần học căn bản. Thực hành  được hiểu như là khởi đi từ sự thực hành của dân Thiên Chúa[20], để tiến đến việc khai triển chiều kích thực hành lòng mến Chúa trong một thế giới không còn nghe Thiên Chúa, không còn biết cách diễn tả Thiên Chúa hoặc phủ nhận Ngài. Như thế, thần học có vai trò cổ động sự thực hành Ki-tô giáo; nó suy tư về sự thực hành.

Tóm lại, có thể lấy lại ý tưởng của S. Pié về thần học căn bản như là: môi giới giữa đức tin và lý trí đứng trước những vấn đề được gợi lên chung quanh đặc tính khả tín của đức tin.

2. Thần học “thực chứng”[21]

Thần học xoay quanh hai trục mà thánh Augustinô đã vạch ra: tìm kiếm trong Kinh thánh những gì chúng ta phải tin (thần học thực chứng) và kế đó tìm kiếm chân lý khiến cho lý trí không thể nghi ngờ (thần học suy diễn)[22]. Một đàng chúng ta đặt câu hỏi: đâu là đức tin của Hội thánh: chúng ta phải tin cái gì? Đó là câu hỏi mà thần học thực chứng tìm cách trả lời. Trước hết, thần học Kinh thánh khảo sát, trong lời của Chúa,  điều mà chúng ta tin và ý nghia của điều chúng ta tin. Nhiệm vụ thứ hai mà thánh Augustinô vạch ra sẽ do thần học hệ thống (hoặc suy diễn) đảm nhận.

Thần học thực chứng không chỉ giới hạn vào thần học Kinh thánh (chú giải và thần học Cựu ước và Tân ước)[23], nhưng còn bao gồm thần học giáo phụ và các ngành lịch sử liên quan đến chiều kích thực chứng của thần học[24]. Vì thế « thực chứng » được gắn với việc nghiên cứu khách quan một đề tài nào đó,  một bản văn của Kinh thánh, giáo phụ hoặc của một nhà thần học nổi tiếng hoặc của huấn quyền.

Trong một phân khoa thần học, mỗi khi nghe nói đến “thần học tín lý” (theologia dogmatica), người ta thường nghĩ đến “thần học hệ thống” (theologia systematica). Tuy nhiên, theo nghĩa chặt chẽ và chính xác, thần học “tín lý” được hiểu về thần học nghiên cứu các tín điều của Giáo hội dựa theo phương pháp sử học và phương pháp hệ thống. Cha Y.M. Congar là tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng thiên về sử học[25], còn cha M. Schmaus là tác giả tiêu biểu của khuynh hướng hệ thống[26], giải thích thần học dựa theo sự tiến triển của các tín điều và ý nghĩa của chúng.

Những nghiên cứu về các giáo phụ đã đạt được nhiều bước tiến trong hậu bán thế kỷ XIX và suốt thế kỷ XX, xét về việc xuất bản các tác phẩm, với những dẫn nhập, chú thích, bản văn phê bình, cũng như xét về lịch sử tư tưởng các giáo phụ[27].

Những nghiên cứu lịch sử đã góp phần rất lớn vào việc canh tân thần học, cũng như giúp cho chúng ta có một cái nhìn đúng đắn hơn về những cuộc tranh luận nảy ra trong quá khứ. Các tác giả thường áp dụng phương pháp lịch sử và giải thích (método histórico-hermenéutico).

3. Thần học hệ thống

Thần học hệ thống là một cấp suy tư mang tính tổng hợp hơn là phân tích. Nếu tôi tìm hiểu nghĩa văn chương của các bản văn Kinh thánh đề cập đến sự Phục sinh của Chúa Giesu, tôi ở cấp thần học thực chứng. Một cách tương tự như vậy, nếu tôi truy tầm các bản văn của các giáo phụ về sự Phục sinh, tôi cũng còn ở cấp thần học thực chứng. Nhưng nếu tôi tìm hiểu ý nghĩa của cuộc Phục sinh hoặc là những phương thế để tìm gặp Đấng Phục sinh, thì tôi ở cấp thần học hệ thống. Thần học nghiên cứu một bản văn, giải thích nó theo bối cảnh văn hóa của thời đại thì thuộc về cấp thực chứng: đó là thần học lịch sử hoặc giải thích. Tuy vậy, ở cấp này thường nảy ra nhiều câu hỏi, bắt buộc phải tìm đến một sự tổng hợp. Như thế, chúng ta đi từ cấp thực chứng lên đến cấp hệ thống, nhờ sự giải thích, suy luận hoặc chiêm niệm.

Tôi thích nói đến “cấp” (nivel) hơn là “lãnh vực” (ambito), bởi vì thần học hệ thống không bao gồm những đề tài riêng biệt, nhưng là một cấp độ cao hơn, dựa trên một dữ kiện thực chứng. Việc nghiên cứu thần học bắt đầu với Kinh thánh – linh hồn của thần học: đó là cấp thứ nhất, tìm hiểu xem điều gì phải tin, điều gì đã được Thiên Chúa mặc khải, điều gì đã được Giáo hội tin nhận. Dữ kiện Kinh thánh trở thành linh hồn của thần học hệ thống.Thần học hệ thống tìm cách hiểu biết ý nghĩa và sự liên lạc giữa các chân lý đức tin với nhau, tạo nên một tổng bộ mà ta gọi là “kho tàng đức tin” (depositum fidei).

Như đã nói trên đây, tại nhiều phân khoa, “thần học tín lý” và “thần học hệ thống” thường được dùng như đồng nghĩa. Tuy nhiên, thiết tưởng ta có thể phân biệt ra hai ngành. “Thần học tín lý” tìm cách tổ chức thần học xoay quanh các tín điều đã được Giáo hội định nghĩa. Nó trình bày sự tiến triển của đức tin trong lịch sử của Giáo hội, cho ta biết rõ đâu là đức tin của Giáo hội, dựa trên các tín biểu, các công đồng, các tuyên ngôn của các giáo hoàng. “Thần học hệ thống” tìm cách hiểu biết ý nghĩa của những tín điều, xếp đặt theo một hệ thống hợp lý, chẳng hạn như các giáo phụ dựa theo mô hình “oikonomia”, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; còn thánh Tôma Aquinô dựa theo mô hình “exitus / reditus”, vạn vật đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (exitus) và trở về với Thiên Chúa (reditus)[28]. Thần học tín lý muốn biết và giải thích đâu là đức tin của Giáo hội, qua các tín điều và các đạo lý. Thần học hệ thống đi tìm những chân lý gần với nền tảng đức tin, ngõ hầu tìm cách giải thích nội dung đức tin bằng cách đào sâu thêm nội dung của mặc khải, sự liên hệ giữa các chân lý đức tin, ý nghĩa của các chân lý đối với đời sống.

Trong thần học hệ thống có những nét nhấn khác nhau: thần học thuật chuyện, thần học loan báo, thần học giải thích, thần học suy tư.

a) Thần học thuật chuyện (théologie narrative)

Thần học thuật chuyện có thể hiểu như giai đoạn đầu tiên của thần học hệ thống. Thần học của các sách Cựu ước – nhất là nguồn Giavista và Elohista – hàm chứa một thần học thuật chuyện[29], hoặc các sách Phúc âm khi tìm cách diễn tả hạt nhân thần học của mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô. Thật vậy, thần học thuật chuyện muốn diễn tả cách đơn sơ hạt nhân của mặc khải Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô. Vì thế tôi xem nó như là tiền đề cho thần học hệ thống, bởi vì nó muốn kể lại hạt nhân mà từ đó thần học hệ thống được dựng lên. Phạm trù « thuật chuyện » là một ngôn ngữ của biến cố, có khả năng diễn tả những sự kiện và lời nói của mặc khải.

Ki-tô giáo được cấu thành như là mặc khải diễn ra trong lịch sử. Chính trong khung cảnh của lịch sử mà nảy lên một sự tường thuật những sự kiện và những lời nói. Chân lý được biểu lộ qua những sự kiện, chứ không phải là những điều suy diễn trừu tượng. Các chân lý đức tin không gồm những mệnh đề được trưng bày cho lý trí để chấp nhận, nhưng được thành hình từ những sự kiện mà ta cần khám phá ra nội dung và ý nghĩa. Đức tin Ki-tô giáo dựa trên những sự kiện được kể lại bởi các chứng nhân, và được truyền thụ như là một bản tin (sứ điệp tin mừng). Đức tin ấy chân thật bởi vì dựa trên các sự kiện thực sự đã xảy ra (sứ mạng của Đức Ki-tô, sự phục sinh của Đức Ki-tô).

Vì thế, thần học thuật chuyện có liên hệ mật thiết với  khoa sử học và lịch sử các tín điều[30]. Việc tường thuật biến cố đi kèm theo việc suy tư và giải thích ý nghĩa. Việc tường thuật Đức Ki-tô phục sinh, dựa trên các chứng tá đáng tin cậy, dẫn đến việc suy tư về ý nghĩa về sự phục sinh và những hệ quả của nó (1Cr chương 15). Việc suy tư dẫn đến việc chiêm ngắm, và việc chiêm ngắm dẫn đến việc công bố. Thần học thuật chuyện dẫn đến thần học hệ thống, và thần học hệ thống đưa đến thần học loan truyền.

b) Thần học Lời Chúa

“Thần học Lời Chúa” hay “Thần học loan báo” (théologie kérygmatique) cũng là một thứ thần học thuật chuyện; tuy nhiên, nó đã trở thành một chuyên đề do khung cảnh ra đời: để chống lại thần học tự do (liberal theology) của Tin lành muốn xếp Ki-tô giáo ngang hàng với các tôn giáo khác, mục sư Karl Barth chủ trường “thần học biện chứng” (théologie dialectique). Theo Barth, không thể nào nói về Thiên Chúa nếu không dựa vào chính lời mà Chúa nói với con người.

«Vì là những nhà thần học, chúng tôi phải nói về Thiên Chúa; nhưng chúng tôi là con người và vì thế, chúng tôi không thể nói về Thiên Chúa. Chúng tôi cần phải biết cả hai mặt: điều chúng tôi phải làm và điều chúng tôi không thể làm, đó là cách tôn vinh Thiên Chúa. Đây là nỗi khổ tâm của chúng tôi »[31].

Như vậy, chống lại thần học tự do của Adolf von Harnack muốn hòa tan mặc khải Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, thần học biện chứng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa (Đấng hoàn toàn khác biệt), xa cách con người như là thoi sắt nóng khác xa nước lạnh; duy chỉ Thiên Chúa mới có thể nói đúng về Thiên Chúa, và duy chỉ sáng kiến tuyệt đối của Thiên Chúa mới có thể đến tìm gặp con người ngõ hầu con người đón nhận lời của đức tin. Karl Barth đặt tên là « thần học biện chứng » bởi vì muốn nêu bật sự siêu việt vô biên của Thiên Chúa đối lại với sự gần gũi của Ngài đối với con người lắng nghe Lời của Ngài.

“Thần học Lời Chúa” hoặc “thần học loan báo” ra đời trong khung cảnh tranh chấp giữa “thần học tự do” và “thần học biện chứng”. Tuy nhiên “thần học Lời Chúa” không dựa trên một triết học hoặc một tiền đề nhân học nào hết, nhưng hoàn toàn dựa trên việc loan báo đức tin (kerygma), và nhằm đến sự đón nhận lời Chúa nhờ đức tin. Gọi là “thần học Lời Chúa” bởi vì nội dung nghiên cứu là Lời Chúa, tập trung vào việc công bố sứ điệp căn bản của đức tin: Đức Ki-tô – Lời của Thiên Chúa –đã nhập thể, chịu chết và phục sinh. Đó là nguồn gốc của thần học Lời Chúa của Emil Brunner[32], Friedrich Gogarten[33] và phần nào của Rudolf Bultmann, vào lúc đầu rất tán thưởng các tiền đề của thần học biện chứng[34].

« Thần học giải thích » (théologie herméneutique) tìm những « môi giới » để diễn tả các chân lý đức tin trong khung cảnh văn hóa thời đại. Trước đây, thần học sử dụng triết học như là môi giới ưu tiên. Ngày nay, bên cạnh triết học cổ điển, còn có những ngôn ngữ khác, chẳng hạn như ngôn ngữ của các khoa học nhân văn (xã hội học, tâm lý học), nghệ thuật, vv. Đó là chưa kể những ngôn ngữ của các nền văn hóa trong tiến trình hội nhập văn hóa của Tin mừng[35].

Giai đọan chính yếu của thần học hệ thống là sự suy tư. Như trên đã nói, dựa theo thánh Augustino, sau những nghiên cứu thực chứng  về đức tin (auditus fidei) qua các bản văn Kinh thánh, giáo phụ, lịch sử; bước sang giai đoạn hai (cogitation fidei), thần học cần phải trình bày những lý do dẫn đưa chúng ta đến việc chấp nhận đức tin.

————————-

Thư mục bổ sung
về Lịch sử thần học

Chúng tôi xin chia làm ba khối: 1/ Lịch sử thần học nói chung. 2/ Lịch sử các đạo lý và tín điều. 3/ Lịch sử thần học tâm linh. (Chúng tôi đã trình bày thư mục về Lịch sử Giáo hội đã được trình bày ở cuối bài trước).

Ngoài ra, độc giả có thể tìm lại trong các số “Thời sự thần học” nhiều bài viết liên quan đến Lịch sử thần học:

– Chú giải Kinh thánh: Nghiên cứu Kinh thánh Tân ước. Toàn cảnh lịch sử và những hàm ý đối với thần học hệ thống. (TSTH số 70, trang 77-103).

– Giáo hội học: Giáo hội học trải qua lịch sử (TSTH số 65, trang 30-53).

– Thiên thần luận: Thần học về các thiên thần (TSTH số 64, trang 66-103).

– Thần học mục vụ: Mục vụ. Hoạt động và thần học (TSTH số 59, trang 106-130).

– Giảng thuyết: Rao giảng Lời Chúa. Lịch sử và thần học (TSTH số 70, trang 104-134).

– Giáo xứ: Các giáo xứ. Lịch sử và thần học (TSTH số 67, trang 163-189).

Thần học truyền giáo: Lịch sử và những khuôn mẫu truyền giáo. (TSTH số 70, trang 135-166).

1. Lịch sử thần học

Berardino, Angelo – Studer, Basil – D’Onofrio, Giulio (a cura), Storia della Teología, vol.I. Epoca Patrística (Piemme, Casale Monferrato 1993); vol.II. Medioevo (Piemme, Casale Monferrato 1996); vol.III. Età della Renascita (Piemme, Casale Monferrato 1995); vol.IV. Età moderna e contemporanea (Piemme, Casale Monferrato 1993-96).

Comblin, José, Historia de la teologia catolica, São Paolo 1969.

Dal Covolo, Enrico – Occhipinti, Giuseppe – Fisichella, Rino (a cura), Storia della teologia, 3 vol., Dehoniane Bologna 1995-96.

Delpero, Claudio, Genesi ed evoluzione del metodo teologico, Brescia 2001.

Illanes, J.Luis – Saranyana, J.Ignasi, Historia de la teologia, BAC Madrid 1995.

Mondin, Battista, Storia della teologia, 4 vol., Edizioni Studio Domenicano, Bologna 1996-97.

Nichols, Aidan, The Shape of Catholic Theology. An Introduction to its sources, principles, and history, T&T Clark, Edinburgh, 1991.

Osculati, Roberto, Storia della teologia cristiana nel suo svilupo storico, 2 vol, Ed. San Paolo, Cinisello Balsamo (Milano), 1996-1997.

Torrell, Jean- Pierre, La théologie catholique, Presses Universitaires de France, Paris, 1994

Vilanova, Evangelista, Historia de la Teología cristiana, 3 vols. Herder, Barcelona 1987-1992).

2. Lịch sử đạo lý và tín điều

Tixeront, J., Histoire des dogmes dans l’antiquité chrétienne, 3 volumes, Paris 1930 (11e ed).

Rondet, H., Histoire du dogme, Paris 1970.

Kelly, J.N.D., Early Christian Doctrines, 5th rev. ed., London 2000.

Schmaus, M. – Geiselmann, J. – Rahner, H. (Grillmeier, A. – Scheffczyk, L.), Handbuch der Dogmengeschichte, Freiburg 1951-2007, 48 vol. (Bản dịch tiếng Pháp: Histoire des dogmes, Paris 1966 ss)

Sesboüe, B., Wolinski, J. (dir.). Histoire des dogmes, 4 vol. Paris-Tournai 1994-1996 (I. Le Dieu du salut, II. L’Homme et son salut. III. Les Signes du salut. IV. La Parole du salut)

Dumeige, G. (dir), Histoire des conciles œcuméniques 12 volumes, (de Nicée à Vatican I) Paris 1963-1981.

Trong các bản dịch tiếng Việt, cần ghi nhận công trình của cha Nguyễn Văn Hòa O.P. chuyển dịch hai bộ sưu tập :

Heinrich Denzinger, Đại tập Denzinger. Tín biểu và định tín của Giáo hội Công giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục. (Quyển I. Từ thời sơ khai đến Công đồng Tridentinô. Quyển II. Từ sau Công đồng Tridentinô đến trước Công đồng Vaticanô II).

Bộ sách “Tuyển tập các bản văn thần học” (Texte zur Theologie Dogmatik):

1- Thiên Chúa luận qua các tác giả (Herbert Vorgrimler).

2- Cánh chung luận qua các tác giả (Gottfried Bachl).

3- Kitô học qua các tác giả (Karl-Heinz Ohlig).

4- Đức Giêsu Đấng Mạc Khải qua các tác giả (Franz-Josef Nieman).

5- Bí tích học qua các tác giả (Gunter Kock).

6- Giáo hội học qua các tác giả (Peter Neuner).

7- Phê bình tôn giáo qua các tác giả (Karl-Heinz Weger).

8- Nhân văn học thần luận qua các tác giả (Georg Langemeyer).

9- Sáng thế luận qua các tác giả (Georg Kraus).

10- Ân sủng luận qua các tác giả (Gerhard L. Muller).

3. Các giáo phụ

Altaner, B., Patrologie, Paris 1962.

Cayré, F., Patrologie et histoire de la théologie, Paris, 1944-1945, 3 vols.

Hamman, A., Guide pratique des Pères de l’Eglise, Paris 1967. (Tiếng Việt : Để đọc giáo phụ, Minh Thanh Thúy – Trần Ngọc Anh, Hà Nội 2014).

Quasten, J., Initiation aux Pères de l’Eglise, 3 vol. Paris 1955-1963.

Di Berardino A. (dir.), Dictionnaire encyclopédique du christianisme ancien 2 vol, Paris 1990. (nguyên tắc tiếng Ý. Bản dịch tiếng Anh : Encyclopedia of the Early Church,  New York: Oxford University Press, 1992).

Phan Tấn Thành, Về nguồn, Học viện Đa Minh 2013 (Tập I: Nguồn gốc Ki-tô giáo. Tập II: Thời các giáo phụ).

4. Lịch sử thần học tâm linh

Dictionnaire de Spiritualité, Ascétique et Mystique, 16 vol., París 1932-1995.

World Spirituality: An Encyclopedic History of the Religious Quest, (Ewert Cousins, ed.), Crossroad, New York, 1985-

The Classics of Western Spirituality. A Library of the Great Spiritual Masters, London – New York 1978-…

Pourrat, P., La Spiritualité chrétienne, 4 vols., Paris 1931- 1939.

Bouyer, L., (ed), Histoire de la spiritualité chrétienne. I. La spiritualité du Nouveau Testament et des Pères, Paris 1960. II. La spiritualité du Moyen Age (J. Leclercq, F. Vandenbroucke, L. Bouyer), Paris 1965. III A. La spiritualité protestante et anglicane, Paris 1965. III B. La spiritualité moderne (L. Cognet), Paris 1966.

Jiménez Duque, B. – Sala Balust, L. (ed.), Historia de la espiritualidad, 4 vols, Barcelona 1969.

Grossi, V. – Borriello, L. – Secondin B. (dir). Storia della spiritualità, Roma 1983ss.

Aumann J., Christian Spirituality in the Catholic Tradition, Sheed and Ward  London 1985. (Lịch sử linh đạo Công giáo dịch giả Lê Công Đức, TPHCM 2013).

Healey, C. E., Christian Spirituality: An Introduction to the Heritage, St Pauls, New York 1999.

Mc Ginn, B., (ed) History of Western Christian Mysticism, New York 1991-1998.  (Vol.I: The Growth of Mysticism. Origen to the Fifth Century. Vol.II: The Growth of Mysticism. Gregory the Great through the 12th century. Vol.III:. The Flowering of Mysticism).

Phan Tấn Thành, Những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Ki-tô giáo (Đời sống tâm linh II), Rôma 2001.

Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh VI), Rôma 2006.

Phan Tấn Thành, Cầu nguyện Kitô giáo: lịch sử và thần học (Đời sống tâm linh VII), Rôma 2007.

————————–

[1] justinus, Diálogus cum Triphone, 56, 15.

[2] Athenagoras, Legatio, 18,1.

[3]  Theo Pannenberg, “mặc khải” có thể mang những hình thái sau đây: a) các sấm ngôn; b) gặp gỡ Thiên Chúa, nơi các tổ phụ; c) mặc khải Danh Thánh cho ông Mosê; d) biểu lộ ý định của Thiên Chúa mà nòng cốt là thập điều; e) Thần khí linh hứng cho các ngôn sứ. (Pannenberg, W., Teología Sistemática I [Madrid, Comillas, 1992], p.222-226).

[4]  Schillebeeckx, E., Jesús. La historia de un viviente (Cristiandad, Madrid 1981), p.373. Theo tác giả, ta có thể nhận ra những Ki-tô luận khác nhau trước khi thành hình các sách Tân ước : Ki-tô-luận của quang lâm « maranatha»: Đức Giêsu là kẻ mang lại ơn cứu độ tương lai như là Chủ tể (Kinh tin kính của lưu truyền Q, lưu truyền Marcô); Ki-tô-luận của «theois aner»: Đức Giêsu kẻ làm phép lạ (lưu truyền Galilê, về sau được đưa vào Tin mừng Marcô và Gioan); Ki-tô-luận của đức khôn ngoan: Đức Giêsu là Đấng Khôn ngoan hằng hữu, nhập thể, hạ mình và được tôn vinh (thư Philippê, Colosê); Ki-tô-luận phục sinh: Đức Giêsu tử nạn và phục sinh.

[5] Chú thích của người dịch. Về sự duy nhất và đa dạng trong Kinh thánh, có thể đọc văn kiện của Ủy Ban Giáo hoàng về Kinh thánh: Unité et diversité dans l’Eglise (11-4-1988), trên internet: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/pcb_documents/rc_con_cfaith_doc_19880411_unita-diversita_fr.html

[6] Chú thích của người dịch. Định nghĩa của Boetius về persona (ngôi vị) là: “rationalis naturae individua substantia” (bản thể cá biệt của một bản tính thuần lý). Bảy môn học căn bản (artes liberales) của văn minh Hy-La được truyền lại cho thời Trung cổ gồm: văn phạm, tu từ, biện chứng (trivium); toán học, hình học, thiên văn, âm nhạc (quadrivium). Vết tích còn thấy nơi danh hiệu các bằng cấp đại học ngày nay: B.A. (baccalaureus artium), M.A. (magister artium).

[7] Ta có thể nhận ra một mẫu của thể văn biện chứng nơi các “articulus” của sách Summa Theologica của thánh Tôma. Mở đầu, tác giả nêu vấn đề dưới hình thức câu hỏi: Utrum? Kế đó tác giả đưa ra các ý kiến thuận và nghịch: Videtur quod non / Sed contra. Sau cùng tác giả trình bày ý kiến của mình (Respondeo dicendum quod) và các luận cứ chứng minh, và kết thúc với việc giải đáp các vấn nạn.

[8] Eck, J., Enchiridion Locorum omnium adversus Lutherum et alios hostes (Lugduni 1561); De Sacrificio Missae, 1526.

[9] Ngoài cuốn De sacramento Eucharistiae contra Oecolampadium năm 1526, còn thêm Cüchtoveus, J., Antilutherus (París 1524); Propugnaculum Ecclesiae contra lutheranos (Coloniae 1526).

[10] Fisher, J., De veritate corporis et sanguine Christi in Eucharistiae (Coloniae 1527).

[11] Schatzgeyer, F., Replica contrapericulosa scripta… De sacrificio sacrosanctae Eucharistiae (Tubingae 1527).

[12] Newman, J. H., Essay in aid of a Grammar of Assent (London 1870);

[13] Chú thích của người dịch. Modernismus thường được dịch là “duy tân”, nhưng không đúng lắm. Nguồn gốc của nó là modernité có khi được dịch là “tân thời” (đối lại với “cổ hủ”) có khi được dịch là “cận đại” (hoặc “hiện đại”, đối lại với “thời xưa”). Thật ra modernité được hiểu về một luồng tư tưởng gắn với phong trào Khai sáng, đề cao vai trò của lý trí (và khoa học thiên nhiên), đối lại với văn hóa cổ điển dựa trên triết học và tôn giáo. Những cuộc khủng hoảng trong thế kỷ XX đã gây ra sự hoài nghi về modernité, dẫn đến post-modernité quay trở lại với chủ quan và tâm linh. Dù sao, vào đầu thế kỷ XX, modernismus là tên gọi đặt cho những tác giả muốn áp dụng sử học vào việc nghiên cứu nguồn gốc Kitô giáo (Alfred Loisy, Edouard Le Roy, George Tyrrell, Ernesto Buonaiuti): họ bị tố cáo là đã dẫn đến quan niệm chủ quan, tương đối, về mặc khải (Sắc lệnh Lamentabili và thông điệp Pascendi năm 1907).

[14] Altizer, T. J., Hamilton, W., Teología radical y la muerte de Dios (Grijalbo, Barcelona/México 1967), p.27.

[15] Zahrnt, H., Dios no puede morir (DDB, Bilbao 1971).

[16] Geffré, C., Le Christianisme au risque de l’interprétation (Paris21987).

[17]Theologia Fundamentalis” có thể dịch là: thần học cơ bản, thần học căn bản, thần học nền tảng. Vài tác phẩm tiêu biểu: Bof, G., Teología Fondamentale (Roma 1984); Casale, U., L’avventura della fede. Saggio di Teología Fondamentale (Leumann, Torino 1988); Caviglia, G., Le ragioni della speranza cristiana (I Pe 3,15). Teología Fondamentale (Leumann, Torino 1981); Eicher, P., Hahn, F., Kasper, W., Schäffler, R., Seckler, M., Handbuch der Fundamentaltheologie (Friburgo in Br. 1985-1988); Fisichella, Introduzione alla Teología Fondamentale (Casale Monferrato 1993); González Montes, A., Fundamentación de la Fe (Salamanca 1994); Seckler, M., Corso de Teología Fonda­mentale (Brescia 1990).

[18] Pié, S., Tratado de Teología Fundamental (Salamanca 1989), p.43.

[19] Metz, J. B., Apologética: Sacramentum Mundi, I, 361; Fe en la historia y en la Sociedad (Cris­tiandad, Madrid 1977); Marlé, R., Le projet de théologie pratique (París 1979).

[20] Gutiérrez, G., Teología de la Liberación (Sígueme, Salamanca 1972).

[21]Theologia positiva” có thể dịch là: thần học thực chứng, thần học duy nghiệm (đối lại: thần học suy diễn). Turmel, J., Histoire de la Théologie positive (Paris 1904-1906).

[22] T. Augustino, De Trinitate, I, 2, 4.

[23] AA. VV., Naissance de la méthode critique. Colloque du Centenaire de l’École biblique et archéologique française de Jérusalem (París 1992).

[24] Thánh Inhaxiô Loyola đặt tên là “thực chứng” cho các giáo phụ, tựa như thánh Hieronimô, Augustinô, Gregoriô ; đối lại với các tiến sĩ kinh viện, như là thánh Tôma Aquino, Bonaventura. X. Ignacio de Loyola, Ejercicios Espirituales, Reglas para sentir con la Iglesia (11a “regla”).

[25] Congar, Y. M., Eclesiologia. Desde San Agustín hasta nuestros días, en Schmaus, M., Grillmeier, A., Scheffczyk, L., Historia de los Dogmas, tomo III (Madrid 1976).

[26] Schmaus, M., Katholische Dogmatik (Munich 1955); traducción española: Teo­logía Dogmática, 8 vols. (Madrid 1960-1961).

[27] Có thể lấy một thí dụ nơi bộ sách «Sources Chrétiennes», với bản văn phê bình bằng nguyên bản La-tinh hoặc Hy-lạp cùng với bản dịch tiếng Pháp, do sáng kiến của Henri de Lubac và Jean Daniélou, hai nhân vật tiêu biểu của khuynh hướng «Nouvelle Théologie».

[28] Thomas Aq., Summa Theol., I-II, Prologus.

[29] Knight, D. A. (Ed.), Tradition et Théologie dans 1’Ancien Testament (Paris 1982).

[30] Chú thích của người dịch. Thực ra, phương pháp thuật chuyện được áp dụng vào nhiều lãnh vực thần học: Kinh thánh, thần học nền tảng, thần học luân lý, thần học tâm linh, vv. Xem O. NAVONE, Narrative Theology and its Uses: A Survey, in «The Irish Theological Quaterly» LII, 3 (1986) 212-230, in «Journal of Religion» 66, 1 (1986) 1-17. M. ELLINGSEN, The Integrity of Biblical Narrative Story in Theology and Proclamation, (Minneapolis 1990, p. 54) trưng dẫn vài tác giả điển hình của thần học thuật chuyện: P. Ricoeur, S. Crites, S. Hauerwas, R. Thiemann (Mỹ châu); E. Jüngel, J. B. Metz, H. Weinrich, E. Schillebeeckx (Âu châu).

[31] Barth, K., Das Wort Gottes und die Theologie (Munich 1924), p. 158.

[32] Brunner, E., Die Mystik und das Wort (Tubingen 1924).

[33] Gogarten, F., Der Zerfall des Humanismus und die Gottesfrage (Stuttgart 1937).

[34] Về thần học Lời Chúa, xem Zahrnt, H., Alte prese con Dio. La Teología protestante nel 20° secolo. Una storia (Queriniana, Brescia 1969), trang 10-16.

[35] Chú thích của người dịch. Đây là một phạm vi rất rộng của “thần học bối cảnh” (contextual theology) mà  chúng tôi hy vọng sẽ trở lại khi có cơ hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here