Lm. Hoàng Minh Thắng,
Giáo sư Thánh Kinh tại Roma
I. TỘI TỔ TÔNG MỘT VẤN ĐỀ CHIA RẼ
Một trong những vấn đề gây nên những cuộc bàn cãi sóng gió giữa các nhà thần học từ xưa đến nay, và khiến cho giới trẻ có thái độ khước từ không chấp nhận, đó là vấn đề liên quan đến cái mà chúng ta gọi nôm na là “tội tổ tông”.
1. Dữ kiện khoa học xem ra đối kháng với giáo huấn của Giáo Hội
Các nhà thần học bàn cãi vì từ sau Công Đồng Chung Vatican II cho đến nay, họ nhận thấy kiểu giải thích về “tội tổ tông” như dậy trong giáo lý của Giáo Hội không ổn nữa. Có nhiều dữ kiện khoa học đi ngược lại với giáo huấn này. Điển hình là việc tạo dựng con người và thuyết đa chủng.
2. Quan niệm về công bằng và tự do của con người không chấp nhận kiểu giải thích “cam làm quít chịu” của “tội tổ tông”
Người trẻ phản đối vì tâm thức nhạy cảm của họ đối với công bằng xã hội không cho phép họ chấp nhận bất công. Nếu hai ông bà nguyên tổ sống thời khai nguyên của vũ trụ đã lầm lỡ phạm tội, thì họ rán mà chịu, chứ mắc mớ gì đến chúng tôi là những thế hệ sinh sau đẻ muộn hàng mấy ngàn năm lại phải gánh chịu hậu quả các tội lỗi mà chúng tôi không vấp phạm?
II. TÔI TỔ TÔNG TRONG GIÁO LÝ CỔ ĐIỂN CỦA GIÁO HỘI
Điều đầu tiên cần phải nói ngay đó là tín lý về “tội tổ tông” không được trình bầy đầy đủ trong Kinh Thánh. Nói cách khác, 3 chương đầu sách Khởi Nguyên cũng như thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma chương 5, 12-21 không trình bầy một giáo lý có hệ thống về điều chúng ta vẫn gọi là “tội tổ tông”. Như vậy thì giáo lý về “tội tổ tông” đã bắt nguồn từ đâu?
1. Tín lý về “tội tổ tông” đã phát triển từng bước trong dòng lịch sử Giáo Hội
Thật ra giáo lý về “tội tổ tông” đã được khai triển từ từ trong lịch sử các tín điều của Hội Thánh. Ba chương đầu của sách Khởi Nguyên đã được dùng để giải thích tín điều đó. Sau đây là vài chặng chính của tiến trình hình thành của giáo lý này.
a. Các thánh giáo phụ của 3 thế kỷ đầu lịch sử kitô giáo ghi nhận là cuộc sống khốn khổ của loài người với tất cả mọi hệ lụy của nó, là hậu quả của tội lỗi mà nguyên tổ loài người đã vấp phạm vào thời khai nguyên vũ trụ. Nhưng các ngài không nói là tội đó bị truyền lại cho con người, cho mọi người qua ngã truyền sinh. Nghĩa là các thánh phụ. không khẳng định rằng “tội tổ tông” được di truyền từ đời cha đến đời con trong gia đình nhân loại qua việc sinh sản.
b. Người đầu tiên dùng kiểu nói “tội tổ tông” là thánh Agustinô sống vào thế kỷ thứ tư. Và người đầu tiên đưa ra thuyết “tội tổ tông” được di truyền trong gia đình nhân loại qua ngã truyền sinh cũng là thánh nhân. Theo thánh Agustinô thì tội lỗi mà ông Adong và bà Eva đã sa phạm vào thời khai nguyên vũ trụ được di truyền cho con cháu qua việc sinh sản. Người con được sinh ra tự động mắc tội nguyên tổ. Thánh nhân còn khẳng định rằng, những trẻ em không được rửa tội mà chết thì cũng sẽ không được ơn cứu rỗi.
c. Công đồng Trento khẳng định rằng mọi người khi sinh ra đều mang dấu vết “tội tổ tông”. Nhưng công đồng không nói rằng tội đó di truyền qua ngã truyền sinh. Để khỏi vết nhơ ấy, cần phải lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Và bí tích thanh tẩy tha hết mọi tội lỗi cá nhân mà con người đã pham, ngoài việc xóa bỏ “tội tổ tông”. Đây là trưòng hợp người lãnh nhận bí tích thanh tẩy là người lớn.
2. Vài nhận xét về giáo lý trên đây
a. Giáo lý về “tội tổ tông” như được tóm gọn trên đây vẫn dựa trên xác tín là ông Adong và bà Eva là 2 nhân vật lịch sử đã khai sinh ra toàn gia đình nhân loại. Điều này không thể chấp nhận được nữa theo các giả thuyết khoa học ngày nay (xem tài liệu về việc tạo dựng và khoa học). Bởi vì văn bản Kinh Thánh cũng không khẳng định rằng ông Adong và bà Eva là 2 nhân vật lịch sử, mà chỉ là một hình ảnh văn chương và một kiểu diễn tả tư tưởng thần học.
b. Danh từ “tội tổ tông” là một kiểu nói gây hiểu lầm, bởi vì nó cho chúng ta cảm tưởng là tội ấy do 2 người đầu tiên trong gia đình nhân loại đã gây ra. Nếu 2 người đó đã không phải là những nhân vật lịch sử, thì làm sao gây ra được? Thứ đến nó khiến chúng ta hiểu lầm rằng chúng ta không có liên hệ gì với tội phạm ấy. Nói cách khác, kiểu nói “tội tổ tông” hay tội nguyên tổ cho chúng ta cảm tưởng chúng ta là người bàng quan vô tội.
Liên quan đến từ này, cần phải phân biệt 2 điều. Thứ nhất “nguyên tổ” như là đầu tiên, trong nghĩa vào thời khai nguyên vũ trụ. Hiểu trong nghĩa này, thì cái tội mà chúng ta gọi là tội nguyên tổ là một biến cố lịch sử đã xảy ra vào một lúc nào đó trong dòng lịch sử nhân loại. Nói cách khác, biến cố con người phạm tội, xa rời Thiên Chúa và đánh mất đi cuộc sống thần thiêng của mình đã là một biến cố lịch sử thực sự xảy ra trong thời gian. Nó đã xảy ra khi nào, không ai biết được. Nhưng quả thật đã phải có một biến cố nào đó trầm trọng đến độ thay đổi hẳn cuộc sống con người và lịch sử loài người. Bởi nếu không thì cuộc sống của loài người đã khác hẳn, đâu đến nỗi khổ sở, gian truân và đau đớn, như kinh nghiệm mà mỗi người trong chúng ta phải sống hàng ngày. Kinh nghiệm đớn đau đó chúng ta nhận ra trong tất cả mọi hình thái của sự dữ đang tung hoành và làm cho cuộc sống của nhân loại băng hoại đi, không phải chỉ một lần trong dòng thời gian, nhưng tiếp tục mọi ngày… hận thù, chiến tranh tàn phá đổ nát thương đau, ghen ghét gian dối, lừa lọc đảo điên, và mọi khía cạnh tiêu cực của bóng dáng sự dữ đè nặng trên cuộc sống của toàn nhân loại.
Thứ hai, “nguyên tổ” trong nghĩa tổ tiên đầu giàn của nhân loại. Đây là nghĩa mà thánh Agostinô đã đưa ra khi gọi tội của ông Adong và bà Eva là “tội nguyên tổ”, và cũng là nghĩa mà giáo lý công giáo vẫn duy trì trong cách giải thích giáo lý về “tội tổ tông”. Cũng chính vì thế nên mới trở thành vấn đề bàn cãi sôi nổi.
c. Theo những gì chúng ta đã tìm hiểu về việc sáng tạo và nguồn gốc con người, thì kiểu giải thích cổ điển trên đây của Giáo Hội gặp khó khăn, đặc biệt là từ sau Công Đồng Chung Vatican II. Do đó các nhà chú giải Kinh Thánh và các nhà thần học từ đó đến nay đã tìm cách sửa chữa kiểu giải thích này.
3. Những nỗ lực giải thích mới của một số nhà thần học và chú giải Kinh Thánh
a. Một số nhà thần học và chú giải Kinh Thánh chối bỏ giáo lý về “tội tổ tông”. Họ cho rằng đó là một tín điều lỗi thời, chẳng những phản khoa học, mà cũng không hợp thời nữa. Bởi vì giáo huấn ấy chỉ gây thêm rắc rối cho lòng tin, mà chẳng giải quyết được gì cả. Có thể nó đã cần thiết trong một giai đoạn nào đó của lịch sử giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng trong kỷ nguyên tân tiến này, thì con người không còn dễ tin và chấp nhận những chuyện viển vông như thế.
b. Một số nhà thần học và chú giải Kinh Thánh khác thì cho rằng cần phải tìm ra các cách giải thích tín lý về “tội tổ tông” thế nào để đừng trái với các giả thuyết khoa học, và cũng không nguy hại cho sự thật chứa đựng trong tín lý ấy. Bởi vì nhất định là phải có một biến cố nào đó đã xảy ra trong dòng lịch sử nhân loại, gây nên tình trạng sống khốn khổ và bất hạnh của con người ngày nay. Nếu khơng thì Đức Giêsu con Thiên Chúa đâu có cần xuống thế làm người và chịu chết khổ nhục làm gì để cứu chuộc con người.
Nói cách khác, theo lập trường nói trên, thì sự kiện Đức Giêsu, Con Thiên Chúa phải nhập thể làm người, chấp nhận thân phận con người như một người con trong gia đình nhân loại khổ đau này, rồi lao đao lận đận, bị hiểu lầm, bị bắt bớ, lên án và giết chết, phải có lý do quan trọng của nó. Lý do đó là để giải thoát nhân loại khỏi tình trạng tội lỗi, khỏi cái vòng lẩn quẩn, mà biến cố lịch sử vào thời khai nguyên đã gây ra cho con người. Nếu không thì mầu nhiệm nhập thể vừa vô nghĩa vừa vô ích. Nếu không có cái biến cố khốn khổ ấy, nếu gia đình nhân loại không phải sống trong tình trạng tội lỗi trầm trọng đến độ mất cuộc sống thần thiêng của mình, thì Chúa Giêsu cũng đâu có cần phải lao nhọc làm gì cho mất công?
Nghĩa là theo các nhà thần học và chú giải Kinh Thánh nói trên có giải thích được hay không giải thích được biến cố lịch sử vào thời khai nguyên của vũ trụ đã đẩy đưa gia đình nhân loại vào tình trạng sống tuyệt vọng như hiện nay, cũng không đánh đổ được sự thật là Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã phải nhập thể làm người và chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Sự thật lịch sử này là bằng chứng hùng hồn chứng minh cho thấy rằng quả thật nhân loại đã phạm tội đánh mất đi tình trạng sống tiên khởi trong sáng hạnh phúc và toàn vẹn của mình.
III. VĂN BẢN KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ TỘI TỔ TÔNG
Trong 2 chương đầu sách Khởi Nguyên, soạn giả Kinh Thánh muốn khẳng định rằng con người là tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa, con người được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Ngài và được mời gọi thông chia vào chính sự sống thần thiêng của Chúa. Trong chương 3 sách Khởi Nguyên, soạn giả Kinh Thánh giải thích lý do điều kiện sống của con người trong hiện tại. Tại sao con người lại phải sống điều kiện như kinh nghiệm thường ngày cho thấy trước mắt hện nay: một cuộc sống in đậm dấu vết khổ đau, xâu xé, dằng co, một cuộc sống in đậm dấu vết sự dữ, tội lỗi và cái chết. Nói cách khác, chương 3 của sách Khởi Nguyên là một suy tư thần học về nguồn gốc tệ trạng sự dữ đè nặng trên cuộc sống từng người và cuộc sống của toàn thể nhân loại.
Để trình bầy các suy tư thần học nói trên của mình, thay vì dùng các ý tưởng trừu tượng như chúng ta dùng ngày nay, thì soạn giả Kinh Thánh đã dùng các hình ảnh cụ thể, rồi sắp xếp chúng cho có lớp lang thứ tự dưới hình thái một câu chuyện, với nhiều tình tiết màu mè khác nhau, như chúng ta đọc thấy trong mấy chương đầu sách Khởi Nguyên. Những hình ảnh văn chương này là các kiểu diễn tả chung của các dân tộc sống trong vùng Trung Đông Cổ, đặc biệt là cuả dân tộc Mesopotami, sống tại vùng lưỡng hà, tức là giữa 2 nước Iran và Iraq hiện nay.
1. Hình ảnh người nam và người nữ diễn tả toàn thể nhân loại, diễn tả loài người gồm hai phái tính. Chỉ từ chương 4 câu 25 trở đi, thì từ Adam, trong tiếng Do Thái có nghĩa là con người, và từ Eva có nghĩa là sống động, mới trở thành tên riêng mà thôi. Nhưng trong trường hợp này chúng cũng là một hình ảnh văn chương diễn tả sự hợp nhất của loài người, mà trong Kinh Thánh Cựu Ước gọi là “thuật giải thích tên gọi”, nghĩa là để diễn tả sự hơp nhất của loài người, hợp nhất trong nguồn gốc là được Thiên Chúa tạo thành, hợp nhất trong ơn gọi làm người, hợp nhất trong điều kiện sống, và hợp nhất trong khổ đau, trong tội lỗi, trong mọi hệ lụy của thân phận làm người, cũng như hợp nhất trong vận mệnh được cứu rỗi, thì soạn giả Kinh Thánh dùng hình ảnh một cặp vợ chồng có tên gọi là ông Adong và bà Eva và giả sử họ là nguyên tổ của loài người. Nghĩa là nó là một hình ảnh, một kiểu diễn tả văn chương.
Chương 3 của sách Khởi Nguyên đặc biệt nhấn mạnh đến thảm cảnh của sự tự do và thảm cảnh của sự lựa chọn, mà mỗi người, mà toàn thể nhân loại phải sống mỗi ngày. Sự tự do là món quà vô cùng qúy báu Thiên Chúa trao ban cho con người. Con người là con người vì có sự tự do. Nó là nét đặc thù nòng cốt phân biệt con người với mọi loài vật khác. Nhưng sự tự do cũng là một con dao 2 lưõi. Biết dùng nó đúng đắn, con người sẽ đạt được ơn gọi làm người của mình. Không biết dùng nó cách đúng đắn, lạm dung nó, hay dùng nó cách sai lạc, là con người tự giết mình. Dù nó nguy hiểm, nhưng Thiên Chúa không thể không trao ban nó cho con người. Dù biết là con người có thể thất bại trong việc dùng tự do ấy, Thiên Chúa cũng luôn luôn tôn trọng nó. Nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận và liều lĩnh khi trao ban cho con người sự tự do.
Soạn giả Kinh Thánh trình bầy thảm cảnh con người thất bại trong việc dùng sự tự do qua 4 bức tranh nối tiếp sau đây: 1, con người bị cám dỗ và phạm tội (Kn 3,1-7) <R> 2, con người phạm tội đứng trước mặt Thiên Chúa (Kn 3, 8-13) <R> 3, Lời Thiên Chúa phán xử (Kn 3,14-19) <R> 4, con người lãnh hình phạt, bị đưởi ra khỏi vườn địa đàng (Kn 3,20)
2. Hình ảnh vườn địa đàng diễn tả khung cảnh, môi trường sống toàn vẹn, tràn đầy hạnh phúc, mà Thiên Chúa đã sửa soạn và chuẩn bị trước khi tạo dựng nên con người. Nó cũng diễn tả khung cảnh cuộc sống thần thiêng mà con người được sống khi chưa phạm tội, khi chưa xa rời Thiên Chúa và chặt đứt mọi mối tương quan với Ngài.
Trong các văn bản cổ xưa êden là một thứ vườn ngự uyển của các vua vùng Trung Đông Cổ, nơi có cảnh thần tiên, nơi có đủ mọi thứ hoa thơm cỏ lạ, vô cùng xinh đẹp tươi mát. Để diễn tả cuộc sống hạnh phúc thân tình bên Thiên Chúa, soạn giả Kinh Thánh đã dùng loại hình ảnh này.
3. Cây biết lành biết dữ là một hình ảnh khác được soạn giả lấy lại trong văn chương của dân tộc Mesopotamie. Tốt xấu ở đây không có nghĩa luân lý đạo đức như chúng ta thường hiểu khi nghe các từ này, tốt xấu ở đây diễn tả giới hạn tột bực của sự hiểu biết. Cây tốt xốt là hình ảnh diễn tả sự khôn ngoan thông thái vẫn được vẽ trên nhiều bức tường mộ của các pharaon Ai Cập hay trong các đền đài vua chúa thời xưa. Trong văn chương khôn ngoan, nó diễn tả sự sống. Ai chiếm đoạt được sự khôn ngoan là chiếm đoạt được sự sống, là nắm được nguồn gốc sự sống. Cây hiểu biết tốt xấu diễn tả sự hiểu biết toàn vẹn, nghĩa là diễn tả sự toàn tri. Mà chỉ có Thiên Chúa toàn năng cao cả là Đấng thông biết mọi sự, là Đấng Toàn Tri mà thôi, vì Ngài toàn năng và trọn tốt trọn lành, thông minh vô cùng, sáng láng vô cùng, khôn ngoan vô cùng. Ngài chính là sự khôn ngoan thông thái, Đấng toàn hảo toàn thiện, Đấng làm mẫu mực cho mọi sự mọi loài. Khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa cho phhép con người được ăn hết mọi thứ trái cây trong vườn kể cả cây sự sống nữa. Cây sự sống ở đây diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa, diễn tả Lời của Ngài bày tỏ cho con người các luật lệ và giáo huấn của Ngài. Tức là Thiên Chúa cống hiến cho con người hoa trái sự sống. Ngài trao ban thần linh của Ngài cho con người, và mời gọi con người đón nhận nó để được sống đời đời. Nhưng Thiên Chúa căn dặn con người ý thức được bản chất thụ tạo hạn hẹp của mình, nếu không con người sẽ chết.
Khi ăn trái cây hiểu biết tốt xấu, nghĩa là khi muốn có sự hiểu biết toàn vẹn như Thiên Chúa, là con người kiêu căng muốn chiếm đoạt cho mình tất cả mọi quyền năng của Thiên Chúa, là con người muốn trở thành mực thước quy chiếu cho mọi sự, là con người muốn chối bỏ địa vị thụ tạo của mình, chối bỏ tùy thuộc và phục tùng Thiên Chúa. Và như thế con người tự bứt mình khỏi nguồn mạch sự sống là Thiên Chúa. Vì đó con người khám phá ra cái hư không trần trụi của mình, và phải chết, phải trở về đất bụi vì đánh mất đi cuộc sống thần thiêng Thiên Chúa trao ban cho mình.
Thiên Chúa để con người hoàn toàn tự do, nghe theo lời kêu mời của Ngài hay khước từ lời kêu mời ấy. Ngài chỉ cho con người hai con đường: con đường sự sống và con đường dẫn đến cái chết. Con người hoàn toàn tự do lựa chọn. Thiên Chúa mời gọi con người chọn lựa sự sống, và thôi thúc con người bước theo con đường ấy. Nhưng Ngài không cưỡng bách con người. Khi khước từ bước theo lời kêu mời của Thiên Chúa, là con người tự do chọn lựa cái chết. “Tội tổ tông” như thế là thảm cảnh con người thất bại trong việc dùng sự tự do của mình.
4. Con rắn là hình ảnh diễn tả biểu tượng, tùy theo từng nền văn hóa. Trong nền văn hóa Hy Lạp, nó là con vật biểu tượng được thần Esculap là thần thầy thuốc, luôn đeo trên cổ. Vì thế nó trở thành dấu hiệu của y khoa. Đó là hình ảnh chúng ta thấy ngày nay trước các tiệm thuốc tây. Nhưng trong các nền văn hóa vùng Mesopotami nó lại không biểu tượng cho hình ảnh tích cực, mà mang ý nghĩa tiêu cực. Nó diễn tả các cường quốc xấu xa tăm tối, quỉ quyệt, thù nghịch con người. soạn giả Kinh Thánh dùng lại nó để diễn tả một sức mạnh xấu xa thù ghét loài người, và chống chương trình của Thiên Chúa. Trong văn bản Kinh Thánh sách khôn ngoan, có lẽ soạn giả cũng dùng nó để ám chỉ việc tôn thờ các thần linh, các ngẫu tượng của tôn giáo Canaan, có con rắn là biểu tượng.
5. Qua hình ảnh con rắn hiện thân của sự dữ, cám dỗ loài người ăn trái cây hiểu biết tốt xấu để trở thành Thiên Chúa, soạn giả Kinh Thánh trình bầy cái thất bại của con người trong sự chọn lựa, trong việc dùng sự tự do của mình. con người được Thiên Chúa tạo thành và mời gọi thông chia sự sống của Ngài trong mối tương quan liên bản vị. Nhưng con người đã tự ý chối bỏ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình, và quỳ lậy các tạo vật, các ngẫu tượng, mà con rắn vị thần của thiên nhiên, là biểu tượng. Thảm cảnh vườn địa đàng như thế không phải là cái gì xa lạ, mà trái lại là hình ảnh diễn tả cuộc thử thách của sự tự do, diễn tả cảnh lựa chọn mà mỗi người trong gia đình nhân loại phải sống mỗi ngày. Mỗi người trong chúng ta đều phải chọn lựa sống theo lời kêu mời của Thiên Chúa để được hạnh phúc, hay từ chối lời kêu mời đó để rơi vào tình trạng sống khốn khổ, bất hạnh và cái chết.
Theo các văn bản nói trên của sách khôn ngoan, soạn giả Kinh Thánh không cắt nghĩa gì về sự hiện diện và nguồn gốc sủa sự dữ, mà chỉ ghi nhận nó như là một sự kiện. Thiên Chúa đã đặt để con người trong vườn địa đàng biểu tượng cho cuộc sống tốt lành thần thiêng. Nhưng trong ngôi vườn ấy cũng có con rắn nữa. Nó biểu tượng tượng cho tất cả sự dữ và các lực lượng xấu xa. Làm sao sự dữ lại có thể lẻn vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì soạn giả không đưa ra câu trả lời rõ ràng. Nhưng con người phải đối diện với nó dưới khía cạnh quyến rũ, rủ rê. Con người đã bị nó đánh lừa!
Theo giáo lý kitô giáo, Satan, Con Rắn cũng đã là một trong số các thiên thần, do Chúa dựng nên, nhưng đã phản loạn chống lại Thiên Chúa, nên bị Chúa loại trừ khỏi triều thần thiên quốc. Và từ ngày đó Satan cùng các thiên thần khác theo hắn luôn luôn chống đối Ngài và tìm cách hãm hại con người, lôi kéo con người cũng xa rời Thiên Chúa như chúng.
Và con người đã thất bại. Người nam và người nữ đã thất bại trong cơn thử thách của sự tự do. Hai người đã phạm tội và đã hiện diện bên nhau. Hình ảnh này diễn tả chiều kích cá nhân và tập thể của tội lỗi trong xã hội loài người. Khi phạm tội, khi xa rời Thiên Chúa và khước từ ngài, con người đánh mất đi nền tảng bảo đảm cho tất cả mọi giá trị nhân bản, tinh thần và thiêng liêng cao quý của mình. Khi phạm tội là con người tự chặt đứt khỏi suối nguồn ơn thánh, nên khám phá ra cái trần trụi, đáng thương của mình. Khi đã bẻ gẫy mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, con người bắt đầu biến thái. Nó sợ hãi Ngài và xấu hổ trước mặt nhau. Bởi vì mối giây liên lạc trong sáng giữa phái tính như là sự trợ giúp bổ túc cho nhau nay trở thành cái thèm khát chiếm đoạt nhau để thỏa mãn những khát vọng ích kỷ của mình. Nhưng còn hơn thế nữa, khi phạm tội, khi khước từ Thiên Chúa, con người trở thành hèn nhát và gian ngoa dối trá, sợ hãi nhau, sống vô trách nhiệm và tìm đổ lỗi cho người khác.
Tiếp đến con người đánh mất đi ý nghĩa dích thực ngay trong bổn phận đặc thù của mình là bổn phận truyền sinh và lao động nữa. Việc truyền sinh thay vì là ơn gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong nhiệm vụ làm cha mẹ, thì trở thành một gánh nặng, một cản ngăn mà con người tìm cách tránh né, bằng cả thái độ giết chết các thai nhi còn trong lòng mẹ nữa.
Thế rồi lao động, thay vì là một phần cao quí của ơn gọi làm người là cộng sự viên của Thiên Chúa trong công tác canh tác đất đai, biến đổi thế giới theo trật tự như Thiên Chúa muốn, thì giờ đây nó trở thành một hình phạt, một gánh nặng, một kiểu cách mà con người gian ác sẽ dùng để thống trị và hành hạ nhau: lao động khổ sai phát sinh từ đó. Bóc lột giới công nhân thợ thuyền cũng phát sinh từ đó. Con người dùng công tác lao nhọc để trừng phạt nhau, dể khai thác bóc lột nhau.
Qua các hình ảnh văn chương vay mượn của các dân tộc thời xưa, soạn giả Kinh Thánh cho thấy ba nhân tố sau đây cần thiết giúp chúng ta hiểu biết ý nghĩa của cái mà chúng ta gọi là “tội tổ tông”:
a, quyền tự do của con người, có thể lựa chọn sống hay không sống theo lời Thiên Chúa kêu mời
b, chiều kích cá nhân và tập thể, xã hội của tội lỗi
c, sự hiện diện của Satan, của cường lực sự dữ trong lòng thế giới và trong lòng cuộc sống con người, nếu không nói là trong tâm lòng con người
6. Thư Thánh Phaolô dùng lại hình ảnh Adam của sách khôn ngoan để so sánh ông với Chúa Kitô, nhưng không cắt nghĩa phải hiểu điều sách khôn ngoan trình bầy như thế nào. Nghĩa là thánh nhân chỉ có ý chứng minh cho thấy rằng Chuá Giêsu là Đấng trao ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người tin vào Ngài. Thánh Phaolô muốn nói rằng loài người liên đới với nhau trong tội lỗi, qua Adam, mà chính thánh nhân và người thời đó vừa coi như là một nhân vật lịch sử, vừa coi như là một nhân vật biểu tượng cho toàn cộng đồng nhân loại.
Đối với các dân tộc xa xưa hay đối với các dân tộc sống bên châu Phi ngày nay, nói đến vị tộc trưởng hay trưởng bộ lạc, là nói đến toàn chi tộc, toàn bộ lạc đó. cũng thế, giờ đây nhờ Chúa Giêsu Kitô mà toàn thể nhân loại được ơn cứu rỗi. Nghĩa là loài người cũng liên đới với nhau trong ơn cứu độ, trong ơn thánh nữa.
Tiếp đến thánh Phaolô khẳng định rằng tất cả mọi người đều đã phạm tội. Qua đó hình như thánh nhân có ý nói rằng cuộc sống nô lệ cái chết, và tội lỗi không chỉ do lỗi lầm riêng của một người gây ra, mà còn do lỗi lầm của các người khác đã sống trước chúng ta nữa. Nghĩa là thánh Phaolô khẳng định rằng chiều kích cá nhân và tập thể của tội lỗi cũng như các hậu qủa của nó là cái chết, cái chết về phần thiêng liêng, cái chết của linh hồn, cái chết đời đời, mà cái chết của thân xác là biểu tượng. Nhưng thánh nhân không trực tiếp trình bầy cách rõ ràng bản chất xác thực của mối giây liên đới đó.
Trong thư gửi giáo đoàn Roma chương 7,7-25 Thánh Phaolô nói đến tình trạng thê thảm của con người phải sống dưới ách thống trị của tội lỗi. Thánh nhân ghi nhận chiều kích sâu đậm của tội lỗi riêng hay tội lỗi cá nhân, một tệ trạng mà ngài gọi là “tội lỗi sống trong người ta”. Chính cái sự dữ đâm rễ sâu trong con người đó lôi kéo và thúc đẩy chúng ta phạm tội. Chính trái tim ác độc của con người là nơi phát xuất ra “các tư tưởng xấu xa, các hành động giết người, ngoại tình, dâm ô, trộm cắp, làm chứng dối, dèm pha, phạm thượng”(mt 15,19). Vì thế thánh nhân đau đớn kêu lên: “tôi là xác thịt bị bán làm nô lệ cho tội lỗi và thật tôi chẳng hiểu điều tôi làm, điều tôi muốn tôi lại chẳng làm, tức là tôi đồng ý với luật lệ và công nhận rằng luật lệ tốt lành. Đã thế thì không phải tôi hành động như vậy, mà tội lỗi sống trong mình tôi. Bởi vì tôi biết rằng trong tôi, tôi muốn nói trong xác thịt tôi, điều thiện không cư ngụ: muốn sự thiện là điều ở vừa tầm tay tôi, nhưng sống sự thiện thì không. Bởi vì điều thiện tôi muốn, thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi không muốn, thì tôi lại làm… Ôi ai sẽ giải thoát thân xác tôi khỏi thuộc quyền lực sự chết này?” Tiếp đến thánh nhân sung sướng kêu lên: “Ôi đội ơn Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi”.
Qua mấy câu trên đây của Thánh Phaolô chúng ta nhận thấy rằng, con người, loài người, mỗi một người trong chúng ta phải sống dưới ách thống trị của tội lỗi, của sự dữ và cái chết. Chính vì thế nên Chúa Giêsu Kitô mới phải nhập thể làm người rao giảng Tin Mừng, chỉ đường dẫn lối cho chúng ta, sống làm gương cho chúng ta, và chấp nhận cả cái chết để trao ban ơn cứu độ cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi, của sự dữ và cái chết. Thảm trạng sống đó của con người cũng giải thích tại sao tất cả mọi người, kể cả trẻ em cũng cần phải lãnh nhận bí tích rửa tội, để được ơn tẩy rửa và thánh hóa của Chúa, để lại được tái sinh ra trong tình trạng sống ơn nghĩa với Thiên Chúa và có trở lại được khả năng đối thoại với Ngài, nghĩa là vượt thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi.
7. Muốn hiểu rõ và giải thích đầy đủ bản chất của “tội tổ tông” cần chú ý các nhân tố sau:
a, sự hiên diên của satan, của lực lượng sự dữ trong cuộc sống con người. Satan không ngừng chống đối Thiên Chúa bàng cách lôi kéo, xúi bẩy con người xa rời Ngài, bất tuân luật lệ của Ngài, tự tôn mình lên địa vị của Thiên Chúa, chối bỏ địa vị là thụ tạo của mình, và quỳ lạy các thần linh giả tạo và các tạo vật khác.
b, sự tự do của con người. Con người có thể nghe theo lời mời gọi của Thiên Chúa là chọn sống theo giáo huấn của Thiên Chúa để được sự sống hay từ chối lời mời gọi đó của Ngài xa rời Ngài để đi đến cái chết.
c, sự kiện mỗi người trong chúng ta phạm tội hằng ngày là một kinh nghiệm đớn đau cho thấy chúng ta phải sống dưới ách thống trị của tội lỗi và sự dữ.
d, chiều kích tập thể của xã hội tội lỗi. Đó là môi trường xã hội tội lỗi, hư nát, trong đó mỗi một người sinh ra và lớn lên phải nhận chịu. Nó là một thứ gia tài khốn khổ do tất cả mọi thế hệ đi trước để lại. Một đứa bé dù chẳng có tội tình gì, nhưng phải sinh ra trong một gia đình có người cha rượu chè, cờ bạc be bét, tán gia bại sản, thì dĩ nhiên là không được thừa hưởng một bầu khí và một cuộc sống gia đình hạnh phúc sung sướng nó đáng được hưởng. Và vì thế nó phải gánh chịu cái gia tài khốn khổ mà cha nó đã để lại cho nó. Nghĩa là tình trạng sống tiêu cực, trong đó nó phải lớn lên, cái bấu khí ô nhiễm vẩn đục, nghèo khổ túng thiếu, nó phải hít thở và nhận chịu.
Như vậy khi nói đến “tội tổ tông”, chúng ta phải để ý đến tất cả 4 nhân tố kể trên, chứ không được phép để ý đến một nhân tố mà thôi. Còn cách thức giải thích sự kiện tội lỗi bước vào thế giới và lịch sử loài người ra sao và dưới hình thức nào, thì đó là chuyện khác, thuộc lãnh vực thần học tín lý. Đàng khác cũng không được quên rằng, nếu đã không có một biến cố trầm trọng nào đó đã xảy ra trong lịch sử loài người, khiến cho con người phải sống dưới ách thống trị của tội lỗi, sự dữ và cái chết, thì Chúa Giêsu Kitô đâu có cần phải xuống thế chịu chết cứu chuộc loài người làm gì. Vì vậy cho nên những gì Thánh Phaolô trình bầy trong thư gửi giáo đoàn Roma cũng rất quan trong, vì nó phản ánh sự thật mà chúng ta phải sống hằng ngày. Đó là tội lỗi sống trong người chúng ta. Chúng ta phạm tội, và phải sống trong hoàn cảnh xã hội suy đồi tội lỗi.
TÓM LẠI
Tuy các thần học gia và các nhà chú giải Kinh Thánh không có lời giải đáp cho sự kiện tội lỗi bước vào lịch sử loài người khi nào và ra sao (cho đến nay chưa ai giải thich được), cái mà chúng ta gọi nôm na là “tội tổ tông” là một biến cố lịch sử đánh dấu khúc quanh khốn khổ của toàn gia đình nhân loại, nhưng đồng thời cũng là một dữ kiện minh chứng tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người. Bởi vì nó khai mào cho chương trình cứu độ. Chính vì thế nên trong bài ca Hãy Vui Lên hát trong nghi thức Vọng Phục Sinh, giáo hội cất tiếng ngợi khen lòng nhân thứ và tinh yêu thương cao vời hải hà của Thiên Chúa và gọi “tội tổ tông” là Felix Culpa, “lỗi lầm hạnh phúc”, qua đó Thiên Chúa càng chứng tỏ cho con người biết rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi con người, cho dù con người có hư đốn và phản bội Ngài thế nào đi nữa. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn là trao ban ơn cứu độ cho loài người, trả lại cho con người cuộc sống thần thiêng hạnh phúc nó đã đánh mất đi, bằng mọi giá, kể cả việc cho Ngôi Hai xuống thế làm người và chịu chết khổ nhục trên thập giá. Đây cũng là lý do giải thích tại sao mọi kitô hữu có bổn phận và vinh dự làm tất cả những gì có thể để đem ơn cứu độ đến cho mọi người.