Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Hội Dòng Mến Thánh Giá

0
2455


Sylvester Nguyễn Ngọc Minh

 

Đã có ai đó từng ví Giáo hội như một vườn hoa mà hương sắc được kết thành bởi sắc màu tu phục và linh đạo đời sống của các dòng tu, điều này thật chí lý. Vì chính màu áo của các tu sĩ, và đời sống đặc sủng của mỗi dòng tu đã tạo nên bộ mặt Giáo hội đẹp như một vườn hoa luôn rực rở bởi những sắc màu thật đa dạng và phong phú. Hơn thế nữa, chính sự phong phú từ những linh đạo khác nhau ấy, đời sống của các tu sĩ đã góp phần hoạ lên khuôn mặt của Chúa Kitô, vị trưởng tử và là Đầu của Giáo hội ngày thêm rõ nét hơn trước mặt con người của mọi thời đại.

Giáo hội Việt Nam, từ những giai đoạn đầu tiên đã được tô điểm bằng những “bông hoa trinh nữ” tươi tắn trong màu áo của Hội dòng nữ Mến Thánh Giá (MTG). Đây là một Hội dòng có lịch sử gắn bó chặt chẽ với Giáo hội Việt Nam và có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Giáo hội non trẻ, sự trưởng thành của hàng Giáo phẩm và sự kiên vững trong đức tin của từng giáo hữu. Tìm về cội nguồn và linh đạo của Hội dòng nữ MTG cũng là cơ hội cho chúng ta có một lời tri ân sâu sa với những người đã và đang ngày ngày âm thầm, khiêm tốn góp phần phục vụ công cuộc mở mang Nước Chúa.

I. TÌM VỀ NGUỒN CỘI

1. Chân dung vị sáng lập: Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte (1624-1679)

a. Thời niên thiếu

ĐC Phêrô Maria sinh ngày 16-01-1624 tại Lisieux vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, trong một gia đình quí phái, rất đạo đức, thời vua Louis XIII (1610-1643). Thuở nhỏ cậu bé Phêrô Maria thường hay tiếp xúc với giới nông dân và hay chia sẻ của cải vật chất cho người nghèo. Cậu thường đi dạo trong những khu rừng vắng để cầu nguyện. Đặt biệt cậu Phêrô Maria rất say mê đọc và suy niệm sách Gương Phước. Cũng chính qua tác phẩm này, ơn Chúa đã soi sáng cho cậu Phêrô Maria biết những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên qui tụ thành một dòng mang tên Mến Thánh Giá, dù lúc ấy cậu mới 9 tuổi. Sớm mồ côi cha mẹ và là trưởng nam trong gia đình, cho nên thuở nhỏ Phêrô Maria không hề nghĩ đến ơn gọi làm tu sĩ hay linh mục, nhưng trong thời gian theo học trung học tại trường của các tu sĩ dòng Tên ở Caen, cậu được cha Hallé dòng Bé Mọn (Minime) hướng dẫn vào đời sống cầu nguyện, khổ hạnh, nên đã tập được thói quen tốt là năng suy gẫm mỗi ngày hai giờ, ăn chay nhiều lần trong tuần và rước lễ hàng ngày. Đây là điều hiếm thấy trong các trong các thanh thiếu niên thời bấy giờ.[1]

Học xong trung học, theo đúng truyền thống gia đình, Phêrô Maria tiếp tục học luật và trở thành luật sư khi mới hai mươi ba tuổi, nhưng vẫn tích cực tham gia vào các sinh hoạt đạo đức, hoạt động tông đồ và xã hội của Giáo hội vùng Normandie. Cũng từ đấy, dưới ảnh hưởng của ba nhân vật thời danh lúc bấy giờ, cậu Phêrô Maria đã tìm ra hướng đi cho đời mình. Ba nhân vật ấy là:

– Ông Henri de Lévis, quận công vùng Ventadour, người có sáng kiến lập ra hiệp hội Thánh Thể năm 1627, gồm nhiều giáo dân, giáo sĩ. Phêrô Maria đã là thành viên của hiệp hội này trong nhiều năm.

– Ông Jean de Bernières de Louvigny, một giáo dân đạo đức, đã xây dựng một ẩn viện tại Caen để cổ võ đời sống chiêm niệm. Ông sáng lập hội giúp người nghèo khó, bệnh tật và hiệp hội Khổ Nhục để phát huy đức khiêm nhường và tinh thần khổ chế. Phêrô Maria là bạn của ông và thường tới lui ẩn viện tĩnh tâm cũng như ủng hộ cuộc vận động cho chương trình truyền giáo tại Canada. Phêrô Maria đã có ý định sang Canada để rao giảng Tin Mừng.

– Thánh Jean Eudes, vị sáng lập dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria với mục đích truyền giáo và huấn luyện hàng giáo sĩ. Thánh nhân là người chủ xướng một linh đạo hướng vào mầu nhiệm Thập Giá Chúa Giêsu, dựa theo kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Sau khi trở thành bạn của thánh Jean Eudes, Phêrô Maria bỏ nghề luật sư và xin vào chủng viện.[2]

b. Khởi đầu ý hướng truyền giáo

Sau khi thu phong linh mục ngày 27-12-1655, tại Coutances, cha Phêrô Maria tới phục vụ ở Rouen. Tại đây, cha cùng với người em của mình là thầy Nicolas Lambert de la Motte lập một chủng viện, sau đó trao lại cho các tu sĩ dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria điều khiển. Đồng thời, cha hăng say dạy giáo lý cho trẻ nhỏ, lập cô nhi viện và một trung tâm tiếp đón những thiếu nữ hư hỏng. Cha còn được Hiệp hội Thánh Thể đặt làm giám đốc trung tâm xã hội Rouen để tạo công việc làm cho những người thất nghiệp.[3]

Năm 1657, nhân chuyến công tác tại Paris, cha Phêrô Maria được giới thiệu với nhóm Bạn Hiền do cha François Pallus đứng đầu, nghe cha Đắc Lộ trình bày tình hình Giáo hội vùng Đông Á cùng vấn đề đang cần xin Toà Thánh cử giám mục đại diện sang truyền giáo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương. Qua lá thư của cha Pallu viết tại Marseille, cha Phêrô Maria được Chúa đánh động và tự hỏi mình nên đến truyền giáo tại miền Viễn Đông hay là đi Canađa như đã có ý định ? Sau ba tuần cầu nguyện và hai lần bàn bạc cùng cha linh hướng, cha Phêrô Maria quyết định gia nhập nhóm Bạn Hiền để vận động cho chương trình Viễn Đông.

Ngày 18 -11- 1657, nhận lời mời của cha Pallu, cha Phêrô Maria tới Rôma tiếp tay thương lượng cùng Toà Thánh xung quanh vấn đề cử đại diện Tông Toà sang miền Viễn Đông. Tại đây, trước vấn đề khó khăn về tài trợ, cha Phêrô Maria đã cho Thánh Bộ Truyền Giáo biết ngài tự nguyện dâng hết tài sản riêng của mình cho chương trình này, và lất làm sung sướng khi được từ bỏ chút bảo đảm cuối cùng ở trần gian. Chính nhờ sự dấn thân nhiệt thành của cha Lambert, chương trình Viễn Đông được Toà Thánh nhanh chóng chấp nhận.

Ngày 29-7-1658 Đức GH Alexandre VII bổ nhiệm cha Pallu làm Giám mục hiệu toà Hiliopolis và cha Lambert làm Giám mục hiệu toà Bérythe (Beyrouth, thủ đô của Liban ngày nay). Vào ngày 9-9-1959 Toà Thánh lại bổ nhiệm hai vị tân giám mục này làm đại diện Tông Toà đi truyền giáo tại Viễn Đông. Cha Pallu đảm nhiệm miền Đàng Ngoài Việt Nam, Lào và năm tỉnh miền Nam Trung Hoa ; cha Lambert phụ trách miền Đàng Trong Việt Nam, Chiêm Thành, bốn tỉnh miền Tây và Nam Trung Hoa với đảo Hải Nam.

Ngày 18-6-1660, ĐC Lambert rời Paris, qua nhiều chặn hành trình đường thuỷ, đường bộ, đến 22-8-1662 (2 năm, 2 tháng, 6 ngày), ngài mới đến được Juthia, Thái Lan. Vì lúc đó ở Việt Nam đang có những cuộc bách hại dữ dội nên Đức Cha không thể tới miền Đàng Trong được nên ngài tạm ở lại Juthia. Sau 40 ngày tĩnh tâm, ngài bắt tay vào việc truyền giáo : khởi công xây dựng những cơ sở cần thiết như nhà ở, nhà thờ, trường học và một nhà thương, đồng thời ngài bắt đầu học ngôn ngữ tiếng Thái, tiếng Việt.

Năm 1664, cùng với Đức Cha Pallu, Đức Cha Lambert tổ chức công đồng địa phương gọi là công đồng Juthia. Sau công đồng, ngài thành lập một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông. Những khi tình thế thuận tiện, Đức Cha Lambert cũng đi kinh lý, miền Đàng Ngoài thay thế Đức Cha Pallu, từ 30-8-1669 đến 14-3-1670 ; Đàng Trong lần thứ nhất từ 1671-1672 và lần thứ hai từ 1675-1676.

Giữa tháng 5-1676, Đức Cha trở lại Thái Lan với một sức khoẻ kém dần, tuy nhiên ngài vẫn chu toàn công việc hàng ngày như nguyện ngắm, thăm viếng tù nhân và rao giảng Tin Mừng. Vào những năm cuối đời, uy tín của Đức Cha càng lên cao khi thiết lập được nhiều mối thân tình với giới tăng lữ Phật Giáo, được Vua Phra-na-rai của Thái Lan cũng như chúa Hiền Vương tại Đàng Trong quí trọng. Đến ngày 16-6-1679, không chống chọi được với bệnh tật, DC Lambert đã qua đời, sau một đời sống trọn vẹn xả thân vì danh Đức Kitô.

Chân dung tinh thần của ĐC Phêrô Maria Lambert de la Motte, chúng ta nhận thấy nơi ngài sự phối hợp hài hoà của những đức tính : nhiệt thành, nghiêm khắc, nhân từ, khiêm nhu, sáng tạo. Ngài mang nhiều ưu tư nhưng trong thâm sâu luôn an bình, thanh thản. Đặc biệt Đức Cha có tâm hồn chiêm niệm sâu sắc, ngài luôn hướng về Chúa Kitô chịu đóng đinh.Có lần ngài nói với các linh mục của mình : “Hãy học hỏi Chúa Kitô chịu đóng đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”. Thậm chí ngài còn quả quyết : “Người Kitô hữu nào không chịu đau khổ thì chỉ có cái vỏ của lòng đạo đức”.[4] Đức Cha đã sống một đời sống khắc khổ với tinh thần khó nghèo, khiêm nhường theo gương Mẹ Maria và thánh Giuse. Tinh thần này được phản ánh rõ nét trong các bản tu luật của Hội Tông Đồ, Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế và dòng nữ Mến Thánh Giá do cha lập. Cha đã phó thác triệt để cuộc đời vào tình yêu của Chúa quan phòng và lắng nghe Chúa Thánh Linh dẫn dắt. Học thuyết tu đức của ĐC Phêrô Maria Lambert de la Motte có thể tóm tắt : “Khi tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý, thì chắc chắn sẽ được gặp Người. Mặc dầu sự trợ giúp mạnh mẽ của ân sủng là tuyệt đối cần thiết, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải có thái độ quảng đại và tư thế sẵn sàng để gặp gỡ Thiên Chúa”.[5]

2- Những bước chuẩn bị cho một linh đạo

a. Lập hội Tông Đồ Mến Thánh Giá

Công Đồng Juthia họp tại Thái Lan (cuối năm 1664 đến ngày 6-1-1665) đã đưa ra ba quyết định quan trọng:

– Lập Hội Tông Đồ Mến Thánh Giá.

– Xây dựng một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông.

– Soạn thảo Huấn thị gửi các thừa sai.

Sáng kiến thành lập Hội Tông Đồ do Đức Cha Lambert đề xướng dựa trên hai nhận định:

– Tình trạng sa sút trong đời sống đạo đức của những người Công Giáo và lối sống quá thoải mái củc các vị thừa sai tại vùng Đông Á mà ngài vừa đi qua, ngài thấy không tốt đẹp như người ta mô tả trong các bản báo cáo ở Pháp.

– Ngài thấy tăng lữ Phật Giáo Thái Lan hâm mộ sự chiêm niệm, sống khắt khổ, không dùng thuốc chữa bệnh, ăn chay kiêng thịt và rượu suốt đời. Vì thế, họ được dân chúng quí trọng và tin tưởng.

Từ đó Đức Cha khẳng định: để có được những người rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, cần phải thành lập một Hội Tông Đồ (Congrégation apostolique) với đời sống linh đạo trổi vượt như nguyện ngắm ba giờ mỗi ngày, không nằm gường nệm, không dùng thuốc chữa bệnh, khi đau ốm chỉ đến với linh dược Đức tin, Thánh Lễ và các Á Bí tích của Giáo hội ; ăn chay, kiêng thịt, kiêng rượu quanh năm trừ những lúc đi xa và ba ngày lễ trọng (Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống). Các thành viên tuyên ba lời khấn : Nghèo khó, Khiết tịnh, Vâng lời. Nhưng đây chỉ là những lời khấn tư, không có tính pháp lý chỉ có nghĩa nội tâm, thiêng liêng. Và Hội Tông Đồ có tên là Mến Thánh Giá (Amateur de la Croix) cho nam giới tạm thời được thành lập với việc tuyên khấn của các thành viên là chính hai Đức Cha và mấy thừa sai MEP vào ngày lễ Hiển Linh 6-1-1665.[6]

Nhưng ngày 13-8-1669, thánh Bộ Truyền giáo đã thẳng thừng bác bỏ hai vấn đề Linh đạo Tông Đồ và giải lời khấn cho các thành viên Hội Tông Đồ MTG. Lý do Thánh Bộ đưa ra là vì : Từ trước đến giờ chưa thấy có một lối sống khắc khổ như thế ở một Dòng tu nào trong Giáo hội ; không có chuyện Giám mục gia nhập Dòng ; không nên lập một dòng khắc khổ như thế, vì không hợp với hoạt động truyền giáo của các thừa sai như ở vùng Đông Á. Mặc khác, vào thời điểm này, Toà Thánh cũng không muốn thiết lập một Dòng tu đi truyền giáo nào nữa vì sợ vướng vào “vết” của nhiều tu sĩ truyền giáo đi trước là họ chỉ vâng lời Bề trên của mình mà coi thường lệnh Thánh Bộ. Quan niệm về lời khấn như Đức Cha Lambert cũng bị các Hồng y trong thánh bộ không đồng tình.[7] Thế nên ý tưởng về việc lập Hội Tông Đồ MTG của Đức Cha Lambert coi như không thành.

b. Lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế

Trong chuyến kinh lý Miền Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert đã tham gia Công Đồng địa phương tổ chức tại Phố Hiến ngày 14-2-1670. Công Đồng đã thông qua hai bản luật : Luật Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế và Luật Tu Hội Nữ Mến Thánh Giá do chính Đức Cha Lambert soạn thảo. Theo linh mục sử gia Jean Guennou ghi rằng, tại Công Đồng Phố Hiến, Đức Cha đã nhận các linh mục và thầy giảng Việt Nam vào Hiệp Hội này.

Hiệp Hội Mến Thánh Giá là một khởi phát từ một kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Cha Lambert từ năm 1633, tại Lisieux, lúc ngài 9 tuổi. Ngài mong muốn lập một hiệp hội gồm những người nam nữ tín hữu yêu mến Thánh Giá thuộc nhiều địa vị xã hội khác nhau. Cũng từ đó, theo cha Jean Guennou, vào năm 1667, lúc đang ở Juthia, Đức Cha Lambert đã bày tỏ ước nguyện thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá và ngài đã soạn thảo ra bản luật cho Hội dòng này. Và Đức Cha cũng đã được thoả nguyện trong chuyến kinh lý đầu tiên đến Miền Ngoài.

2- Thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá

Theo bút tích của cha Đắc Lộ nhận xét về tình hình Giáo hội Việt Nam ở Đàng Trong (1627-1630) và Đàng Ngoài (1640-1645) cho thấy, có rất nhiều thành phần muốn dâng mình cho Chúa bằng đời sống tiết dục và khiết tịnh, chưa kể hàng trăm thầy giảng và sinh viên can đảm phụng sự Chúa bằng lời vĩnh thệ độc thân. Trong số đó, có những trinh nữ vì muốn bảo vệ đức khiết tịnh đã vượt qua rất nhiều cạm bẫy, cũng như những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Đặc biệt, họ can đảm qui tu thành nhóm dăm ba người sống chung với nhau, tự làm ăn sinh sống, bảo vệ nhau sống đạo Chúa, hoặc sống trong những nhà của các bà đạo đức.

Thời ấy, các cha dòng Tên vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên chưa dám trực tiếp đứng ra tổ chức cho các cô, các bà sống như các nữ tu dù rất nhiều người có thiện chí, ao ước. Nhưng chắc chắn họ đã được các cha huấn luyện, hướng dẫn về đời sống độc thân, về tinh thần nghèo khó Phúc Âm… có thể nói, đây là những hạt giống tốt mà Chúa gởi đến cho cha Lambert, giúp cha điều kiện thuận lợi để vun trồng ơn gọi cho linh đạo Hội dòng Mến Thánh nữ.

Tháng 8-1669, Đức cha Lambert tới giáo phận Đàng Ngoài kinh lý thay Đức cha Pallu, ngài được cha Deydier giới thiệu về các nhóm trinh nữ sống chung với nhau. Khi tiếp xúc với nhóm phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, Đức Cha có giới thiệu với họ về Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế và bản luật ngài đã soạn thảo. Họ bày tỏ ước nguyện được gia nhập Hiệp Hội ấy nhưng sâu xa hơn, họ thật sự khao khát muốn được sống đời thánh hiến như những nữ tu sống chung với nhau trong đan viện. Vì thế, Đức Cha sẵn lòng đáp ứng bằng cách chấp nhận cho nhóm của họ trở thành một “tu hội đặc biệt mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Con Thiên Chúa”. Đức Cha quyết định chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Định) và Bái Vàng (Hà Nam) và trao cho các nữ tu ấy bản luật ngài đã soạn tại Thái Lan. Đích thân Đức Cha nhận lời khấn của hai nữ tu đầu tiên là chị Anê và Paola, tại Phố Hiến, vào ngày lễ Tro, 19-2-1670. Đó chính là ngày chính thức khai sinh dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.[8]

Năm 1671, khi đi kinh lý Đàng Trong, Đức Cha Lambert tiếp tục lập Dòng MTG tại An Chỉ (Quãng Ngãi). Đầu thế kỷ XIX, Dòng đã phát triển xuống tới Miền Nam và lập tu viện tại Cái Nhum, Cái Mơn, Chợ Quán, Thủ Thiêm…

Cuối năm 1672, sau khi trở về Thái Lan, Đức Cha cũng thành lập Dòng nữ MTG cho một số Việt kiều Đàng Trong sống tại Juthia với bản luật như ở Việt Nam.

Ngày 12-10-1670, Đức Cha Lambert gửi thư đệ trình lên Đức GH Clemente IX xin phê chuẩn nghị quyết của Công Đồng Phố Hiến cùng hai bản luật của Hiệp hội MTG Tại Thế và Tu hội Nữ MTG. Nhưng đến ngày 23-12-1673, Nghị quyết của Công Đồng đã được Đức GH Clemente X phê chuẩn còn hai bản luật thì không được nhắc đến. Mãi đến 28-8-1678 Bộ Truyền Giáo đã thông qua Nghị định ban những ân xá và xác nhận việc các vị đại diện Tông Toà đã thiết lập hai tu hội ấy. Còn chấp thuận cho việc thành lập Dòng MTG thì chưa có văn kiện nào nói đến.[9]

Lược qua đôi dòng sử liệu, chúng ta thấy, để khai sinh được Hội dòng Nữ Mến Thánh Giá như mong đợi, Đức Cha Lambert đã phải trải qua nhiều thử thách cam go, và cũng phải đi qua nhiều chặng đường thử nghiệm, đầu tiên là Hiệp Hội Tông Đồ mang linh đạo Mến Thánh Giá, đến Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế, sau đó mới đến Dòng Nữ Mến Thánh Giá.

Hội Tông Đồ mang linh đạo Mến Thánh Giá thì yểu mệnh, Hiệp Hội MTG Tại Thế cũng sớm mai một theo thời gian, chỉ còn lại Dòng Nữ MTG tồn tại vững bền với Giáo hội Việt Nam qua bao thăng trầm của lịnh sử. Chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về ơn gọi của Hội dòng này.

II. ƠN GỌI CỦA HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

1- Mục đích và sứ vụ theo Hiến Chương

a- Mục đích

Mục đích của tu hội MTG là đặc biệt chuyên chú suy gẫm và noi theo cuộc thương khó của Chúa Giêsu mỗi ngày như phương thế hữu hiệu nhất để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Người.[10]

b- Sứ vụ của chị em MTG[11]

– Liên lỉ kết hợp việc suy gẫm cầu nguyện và hãm mình đền tội với công nghiệp của Đức Kitô, để cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân trong ba miền truyền giáo thuộc quyền các vị Đại Diện Tông Toà.

– Dạy cho các thiếu nữ lương và giáo những điều phụ nữ cần biết.

-Săn sóc những phụ nữ đau yếu, cả lương lẫn giáo. Nhờ cơ hội đó, khuyên bảo họ lo phần rỗi và trở lại với Thiên Chúa.

– Rửa tội cho trẻ nhỏ lâm cơn hấp hối.

– Nâng đỡ những phụ nữ sa cơ lỡ bước và tìm cách đưa họ về đời sống lương thiện.

Với mục đích và sứ mạng của mình là một minh chứng cho thấy bản chất của người nữ tu MTG là vừa chiêm niệm, vừa hoạt động.

2- Đặc sủng và linh đạo

a- Đặc sủng

+ Nét cốt lõi trong đặc sủng của Đức Cha Lambert là ơn gọi Tông Đồ Thừa Sai mà Chúa ban cho ngài để tổ chức lại công việc truyền giáo tại Á Châu, xây dựng Giáo hội Việt Nam và nhất là lập dòng MTG.

Người nữ tu MTG thông dự vào đặc sủng của đấng sáng lập bằng việc tiếp tục thi hành sứ vụ Tông Đồ Thừa Sai, nhắm đến đối tượng và mục đích đã được nêu rõ trong Hiến Chương:

– Loan báo Phúc Âm cho các dân tộc.

– Xây dựng Giáo hội địa phương.

b- Linh đạo

+ Linh đạo mà Đức Cha Lambert đã sống được gọi là linh đạo Mến Thánh Giá : nghĩa là tập trung vào mầu nhiệm Thánh Giá, hướng cái nhìn và trái tim về Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Mầu Nhiệm Thánh Giá Cứu Độ.

Với Linh đạo này cho thấy sự ảnh hưởng của trường phái tu đức Pháp Quốc, thời bấy giờ do Đức Hồng Y De Bérulle chủ xướng, trên Đức Cha Lambert. Linh đạo của trường phái này tập trung vào gương mặt của Đức Kitô. Vì thế, còn được gọi là “Kitô trung tâm” hay “duy Kitô”; châm ngôn của họ là: “Đức Giêsu Kitô là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”. Nét riêng của Đức Cha Lambert là nhấn mạnh đến hình ảnh Đức Kitô CHỊU-ĐÓNG-ĐINH. Ngài thêm ba từ này vào châm ngôn linh đạo của trường phái Pháp Quốc, tạo nên một lý tưởng sống riêng cho mình và cho các nữ tu MTG.[12]

Linh đạo của Dòng MTG thông dự vào linh đạo của Đức Cha Lambert: Tập trung vào Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, nhưng các chị đã bổ sung vào đó cái riêng của mình. Vì linh đạo bao gồm hai yếu tố : Kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm thiêng liêng.

Quan niệm thiêng liêng thì các chị có thể giữ nguyên quan niệm của đấng sáng lập, nhưng kinh nghiệm thiêng liêng thì đó là một gia sản mà các chị không ngừng bổ sung cho mình theo dòng phát triển của lịch sử. Vậy, linh đạo của nữ tu MTG bao gồm cả truyền thống tốt đẹp của Dòng.

Tóm lại, Linh đạo MTG qui hướng hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và Thánh Giá cứu độ của Người, tổng hợp kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm thiêng liêng của Đức Cha Lambert và dòng MTG.

Chúng ta cũng nhận thấy, đặc sủng và linh đạo MTG là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Các chị sống linh đạo MTG của mình bằng đặc sủng Thừa Sai Tông Đồ và thông qua đặc sủng mà linh đạo được tỏ rạng. Nói khác đi, các chị em đã sống và thi hành sứ vụ Tông Đồ Thừa Sai với tâm tình và ý hướng của Đức Kitô khi Người Chịu Thương Khó.[13]

3- Hình ảnh người nữ tu MTG

Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên tại Việt Nam mang bản sắc Á Đông, các chị sống linh đạo mang bản chất vừa chiêm niệm, vừa hoạt động, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc Đấng Bản Quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo cho lương dân. Để sống linh đạo Mến Thánh Giá theo gương Đấng sáng lập, người nữ tu phải:

a. Sống tinh thần chiêm niệm

Mang danh hiệu Mến Thánh Giá, người nữ tu Mến Thánh Giá phải có đời sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Sống linh đạo Mến Thánh Giá, người nữ tu không còn được sống cho chính mình nữa, nhưng chỉ sống cho Chúa và tha nhân bằng thái độ nài xin Thiên Chúa trong tình yêu và tin tưởng.

Noi gương Đấng sáng lập, đời sống thiêng liêng, khổ chế và tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá phải xuất phát từ nguồn mạch là Đức Kitô. Châm ngôn của Dòng: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”. Một khi nhìn Đức Kitô là đối tượng duy nhất, người nữ tu Mến Thánh Giá phải dành ưu tiên trong cuộc sống cho tình yêu duy nhất này. Tình yêu này phải được cụ thể hoá qua đời sống chiêm niệm. Bên canh đó, người nữ tu Mến Thánh Giá còn phải sống tinh thần khổ chế nữa.

b. Sống tinh thần khổ chế

Sống tinh thần khổ chế Mến Thánh Giá không chỉ nhắm đến việc chế ngự thân xác, nhưng còn gắn liền với nhân đức thờ phượng. Theo Đức Cha Lambert, suy niệm và bắt chước Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật. Hy sinh và cầu nguyện đi đôi với nhau như hai khía cạnh thiết yếu của cùng một hành vi hiến tế của Đức Kitô. Chính Đức Giêsu tôn vinh Chúa Cha và cứu độ loài người bằng hy sinh và cầu nguyện. Theo Đức Cha, khổ chế Mến Thánh Giá còn có tác dụng luân lý tu đức vì “khổ chế làm cho thân xác phục tùng tinh thần, cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”.

Thực vậy, trong cuộc đời dâng hiến của người tông đồ Mến Thánh Giá, không thể không sống tinh thần khổ chế. “Đời sống người tông đồ là một cuộc chết đi liên lỉ, chết đi đối với chính mình, chết đi đối với thế gian, để chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Kitô” (Bức tâm thư số 10 của Cha Lambert)

c. Sống tinh thần tông đồ[14]

Trong cuốn Hiến Chương Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá, phần Quy tắc, điều 71 xác định:

– Chị em tìm hiểu đời sống văn hoá xã hội địa phương và ý nghĩa các dấu chỉ thời đại, lượng định tất cả dưới ánh sáng Phúc Âm và giáo huấn của Giáo hội để dấn thân cách sáng suốt và can đảm cho công cuộc loan báo Tin mừng.

– Giáo dục giới trẻ: về văn hoá và đức tin.

– Văn hoá: làm việc trong các tổ chức của xã hội hoặc sáng kiến của cộng đoàn địa phương, quan tâm trẻ em nghèo, thất học.

– Đức tin: mục vụ giáo xứ, giáo phận.

– Phục vụ bệnh nhân: trong các tổ chức xã hội, y tế và y học dân tộc.

– Bảo vệ trẻ thơ: rửa tội, gây ý thức cho mọi người, đặc biệt các phụ nữ biết tôn trọng sự sống và bảo vệ quyền lợi trẻ thơ.

– Thăng tiến nữ giới bằng hướng nghiệp, hướng dẫn đời sống phụ nữ trong gia đình và xã hội.

– Tổ chức tông đồ cần theo sát đường hướng mục vụ chung của Giáo hội địa phương.

– Bổ túc cho sứ vụ hàng giáo sĩ trong những công việc phù hợp với đặc tính của người nữ tu, phát huy những nét độc đáo riêng của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiến dâng để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.

Mặt khác, người nữ tu Mến Thánh Giá xác tín rằng Chúa Kitô đã làm tông đồ cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha và góp phần vào công cuộc ấy bằng cái chết tự nguyện trên thập giá. Chúa Kitô cũng đã sai các môn đệ của mình ra đi làm tông đồ. Noi gương Chúa Kitô, người tông đồ Mến Thánh Giá không còn sống cho chính mình, mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình, tự nguyện đặt mình dưới sự thôi thúc của tình yêu Chúa Kitô, lệ thuộc hoàn toàn vào Người, và chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Người “Tôi sống nhưng không phải là o6à là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Noi gương Đức Kitô, người tông đồ Mến Thánh Giá cũng đón nhận và thể hiện tinh thần trung gian của Đức Kitô qua những công việc bác ái cụ thể, bằng cách tham gia vào công cuộc tái tạo trong việc xoa dịu những nỗi khổ đau tinh thần và thể xác của những thành phần đau khổ của Nhiệm Thể Chúa Kitô, đặc biệt là giới nữ và trẻ em.

4- Tình hình hoạt động của Hội dòng Mến Thánh Giá Việt Nam

a- Ngày xưa

Từ lúc thành lập, các nữ tu MTG sống giản dị như người bình dân Việt Nam, giữa giới nông dân tay lấm chân bùn. Các chị nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, làm thuốc nam… rồi len lỏi mang các sản phẩm tự tay mình sản xuất đi từ làng nọ qua làng kia, vào những nơi hẻo lánh, với mục đích đem Phúc Âm Chúa Kitô đến cho mọi người và rửa tội cho các trẻ em hấp hối.

Các chị là những người nhiệt thành dạy giáo lý cho người nghèo, thăm viếng người già cả, bệnh tật. Trong thời điểm cấm đạo, các chị đi thăm viếng, mang Mình Thánh Chúa, và lương thực cho các cha, các bổn đạo bị giam cầm.

Các chị phục vụ ưu tiên cho nữ giới và trẻ em, hướng dẫn thiếu nữ cách sống trong gia đình và ngoài xã hội : nuôi dạy trẻ mồ côi, phục vụ bệnh nhân, và nhất là nâng đỡ, giúp các phụ nữ sa chân lỡ bước trở về đường lương thiện.

b- Hiện nay

Trải qua nhiều biến động về xã hội, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn về nhiều mặt nhưng hiện tại, các chị vẫn có mặt trong nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau.

– Ngoài xã hội : Các chị mở trường dạy học cấp I, II, III, ký túc xá, ký nhi viện, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, trạm y tế, các trung tâm phục hồi nhân phẩm phụ nữ, chăm sóc bệnh nhân AIDS.

– Trong Giáo xứ : Các chị dạy Giáo lý cho trẻ em, người tân tòng, người thiểu số ; điều khiển các hội đoàn, phục vụ nhà xứ, nhà thờ…

Thời điểm 2005, ở Việt Nam có 23 Hội dòng MTG trải dài từ Bắc chí Nam, hiện diện phục vụ trong 25 Giáo phận với nhân sự trên 5000 tu sĩ.

III. NHẬN ĐỊNH VÀ KẾT LUẬN

1- Nhận định

Khởi phát từ một linh đạo mang tính thời đại của Giáo hội Pháp, thế kỷ XII, và sự ảnh hưởng của gia đình, của Giáo hội và ngay cả của những người không cùng tôn giáo với mình, đó là các tăng ni Phật giáo Tiểu Thừa, Đức Cha Lambert, nhờ ơn Chúa soi sáng, đã xây dựng nên một linh đạo riêng biệt, phù hợp với khát vọng truyền giáo và loan báo Tin Mừng cho vùng Đông Á. Dù Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Mến Thánh Giá không thành công, nhưng lịch sử đã cho thấy, linh đạo MTG do Đức Cha sáng lập đã mang lại cho Giáo hội những thành quả đáng kể.

– Hội dòng nữ MTG được thiết lập như một sự sắp xếp của Chúa Quan Phòng, nhằm minh chứng về đời sống chứng tá cho Chúa Kitô, đáp ứng cách thiết thực cho những nhu cầu của thời đại. Các chị đã cộng tác với các thừa sai, hàng Giáo phẩm cách tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển Giáo hội Việt Nam và giới thiệu Nước Chúa với mọi người.

– Với sứ vụ Tông Đồ Truyền Giáo trong tinh thần hướng về Đức Kitô chịu đóng đinh, các nữ tu MTG đã thích nghi nhanh chóng với mọi hoàn cảnh của thời đại, mọi thành phần xã hội, đặc biệt là các chị em phụ nữ và trẻ nhỏ. Bởi vì dù có khó khăn, đau khổ hay bị bách hại, các chị vẫn đón nhận trong khiêm tốn, vui vẻ và coi đó là cơ hội giúp mình càng nên giống Đấng Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá để hướng mọi người đến với ơn cứu độ.

– Đời sống chứng tá của các nữ tu MTG để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng Giáo hội Việt Nam và trong lòng từng người con của đất Việt. Xin mượn lời của Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu: “Giả sử, Giáo Phận Vĩnh Long không có dòng MTG thì chúng ta sẽ thấy một khoảng trống đáng sợ. Nhiều trường học không người đảm trách, vắng một số lớn những người hiền mẫu chuyên cần đưa Lời Chúa vào tâm hồn các thiếu nhi. Bóng dáng nữ tu MTG trước túp lều truyền giáo làm ấm lòng những người đang tìm Chúa. Ngay những trường hợp đạo bị khủng bố, một nữ tu dẫu đang run sợ trong nhà nguyện, cũng làm cho tín hữu trong giờ phút hoang mang được phần nào vững tâm”.[15]

2- Kết luận

Sau khi tìm hiểu về linh đạo Mến Thánh Giá, chúng ta thấy Đức Cha Lambert de la Motte đã có kinh nghiệm và quan niệm thiêng liêng về Thánh Giá Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh hết sức sâu sắc. Đó là một linh đạo Mến Thánh Giá mang 3 chiều kích : tinh thần chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Ngài đã sống và truyền lại cho con cái ngài 3 chiều kích căn bản trên như là kim chỉ nam giúp cho người nữ tu định hướng cuộc đời mình để có thể tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu trên trần gian này

Nhìn vào bức tranh Giáo hội Việt Nam hiện nay, có thể nói không thể thiếu màu áo của các nữ tu Dòng MTG. Các chị đã vượt qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước để song hành cùng với hàng Giáo Phẩm, góp phần xây dựng Giáo hội Việt Nam. Dù trải qua bao sóng gió, nhưng các chị vẫn giữ vững và trung thành với đường hướng của đấng sáng lập và đặc sủng của Hội dòng.

Các chị cũng đã thích nghi cách nhanh chóng với những biến động xã hội và những môi trường sống mới mẻ để không ngừng phát triển về qui mô lẫn sứ vụ. Với linh đạo những người tông đồ mang hình ảnh và lý tưởng là Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, các chị đã có mặt ở nhiều vị trí và lĩnh vực khác nhau để làm chứng và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Linh đạo của các chị vẫn minh chứng cách thoả đáng trước những biến động và thay đổi của đời sống tinh thần, của các chuẩn mực đạo đức, của các bậc thang giá trị nhân sinh. Ở đâu, các chị cũng nêu cao một tinh thần khiêm tốn, hy sinh âm thầm và sẵn sàng đón nhận Thập giá của chính mình và của mọi người để được tháp nhập vào Thập Giá của Đức Kitô, khuôn mẫu mà các chị luôn hướng tới.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nhóm nghiên cứu linh đạo MTG, tiểu sử ĐC Phêrô Maria Lambert de la Motte…, lưu hành nội bộ, 1998.

2. B.Jacqueline, L’esprit missionnaire de Monseigneur Lambert de la Motte, Saint-Lô 1966.

3. Đỗ Quang Chính S.J, Dòng MTG những năm đầu, Lưu hành nội bộ, 2003.

4. Hiến Chương Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá. Tp.HCM, 2000.

5. Hội dòng MTG Cái Mơn, Mừng 150 năm thành lập, tài liệu lưu hành nội bộ, 1994.

6. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte giai đoạn tại Pháp (1624-1660), Lưu hành nội bộ, 2002.

7. Tuyết Mai, Ơn Gọi và Chân tính Dòng Mến Thánh Giá theo Hiến chương, 2003. 


[1] X. Nhóm nghiên cứu linh đạo MTG, tiểu sử Đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte…, lưu hành nội bộ, 1998, tr. 8.

[2] Ibid.

[3] Ibid, tr. 11.

[4] X. B.Jacqueline, L’esprit missionnaire de Monseigneur Lambert de la Motte, Saint-Lô, 1966, tr. 219.

[5] Ibid tr. 226.  

[6] X. Đỗ Quang Chính S.J, Dòng MTG những năm đầu, lưu hành nội bộ, 2003. tr. 38.

[7] Xc. Ibid, tr. 38-39.

[8] Ibid, tr. 64-67.

[9] Xc. Đỗ Quang Chính, Ibid, tr. 75.

[10] Ibid, tr. 102

[11] Ibid, tr. 103

[12] Ibid, tr. 56-57.

[13] Ibid, tr. 59.

[14] Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá, tr 70.

[15] Hội dòng MTG Cái Mơn, Mừng 150 năm thành lập, lưu hành nội bộ, 1994, tr. 4.