NHỮNG HƯỚNG DẪN MỤC VỤ DU LỊCH

0
1136

HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ MỤC VỤ CHO DI DÂN VÀ LỮ HÀNH

 NHỮNG HƯỚNG DẪN MỤC VỤ DU LỊCH

——————–

Dẫn nhập (1-2)

I. Thực trạng du lịch ngày nay (3-17)

1. Du lịch và thời gian nhàn rỗi (4-5)

2. Du lịch và cá nhân (6-10)

3. Du lịch và xã hội (11-13)

4. Du lịch và thần học (14-17)

II. Các mục tiêu mục vụ (18-30)

1. Việc chào đón (19-21)

2. Du lịch sống động theo đường hướng Kitô giáo (22-29)

3. Sự hợp tác giữa Giáo Hội và xã hội (30)

III. Các cơ cấu mục vụ (31-35)

1. Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ cho di dân và lữ hành (32)

2. Các Hội đồng Giám mục (33)

3. Các Giáo phận (34)

4. Các Giáo xứ (35)

Kết luận

——————–

Văn kiện gồm ba phần. Phần thứ nhất nêu lên bốn giá trị của du lịch. Phần thứ hai đề nghị những đường hướng mục vụ du lịch. Phần thứ ba đi vào việc tổ chức các cơ cấu nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ. Bản dịch của Tu sĩ Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P.

DẪN NHẬP

1. Giáo Hội đã từng bày tỏ mối quan tâm của mình dành cho hiện tượng du lịch trong quyển Chỉ Nam Peregrinans in terra ban hành năm 1969. [1] Vào thời điểm đó, ngành du lịch tỏ ra là một bệ phóng với nhiều tiềm năng cho sự thăng tiến cá nhân cũng như toàn thể nhân loại. Dầu vậy, Giáo Hội vẫn tỏ ra quan ngại trước các nguy cơ khác nhau có thể xuất phát từ những loại hình du lịch không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn luân lý.

Qua nhiều năm, ngành du lịch đã phát triển vượt bậc, thu hút hàng triệu người, và trong nhiều cách thức, nó đã trở thành một trong những động cơ chính của hoạt động kinh tế. Việc mở rộng hoạt động du lịch đã mang lại lợi nhuận cho nhiều người và cả các quốc gia, tuy nhiên, đồng thời, việc mở rộng đó cũng chính là đầu mối hủy hoại thiên nhiên và thậm chí làm băng hoại bản chất con người. Các nỗ lực mục vụ của Giáo Hội đã theo sát những sự phát triển này. Với những dấu hiệu được chỉ ra trong quyển Chỉ Nam Peregrinans in terra cùng các tham luận khác của Đức Giáo Hoàng, nhiều Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tham gia công tác mục vụ cách thường xuyên và sáng tạo để đưa ý nghĩa Kitô giáo vào khía cạnh này của đời sống con người.

Suốt nhiều thập niên, các Kitô hữu đã có được cái nhìn toàn diện hơn về du lịch đồng thời khám phá ra cả hai mặt tiêu cực và tích cực của nó. Trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội, hiện tượng du lịch không còn bị coi là chuyện tầm thường hay chỉ đơn thuần là một nguyên nhân gây xáo trộn đời sống thường nhật, nhưng trở thành cơ hội để rao giảng Tin Mừng và hiệp thông với nhau. Du lịch có thể trở thành “một nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng một thế giới mở ra cho việc chung tay góp sức nhờ việc hiểu biết lẫn nhau và qua việc tiếp xúc trực tiếp với các thực tại khác.” [2] Hơn thế nữa, các Giáo phận và các Hội đồng Giám mục đã tự đưa ra các cơ cấu mục vụ thích hợp theo các nhu cầu của từng địa phương.

Mục đích của tài liệu này, vốn là một tổng hợp tất cả những nhu cầu, những chỉ dẫn giá trị trong quyển Peregrinans in terra, cùng các kinh nghiệm của các Giáo Hội địa phương, là mang đến một vài phản ánh và tiêu chuẩn mục vụ liên quan đến du lịch ngõ hầu có thể đáp ứng các tình huống mới.

2. Ngày nay du lịch là một thực tế xã hội và kinh tế đa diện vốn có thể ảnh hưởng đến con người theo nhiều cách thức khác nhau. Mỗi năm có hàng trăm triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. Hơn thế nữa, hàng triệu người có liên quan đến du lịch trong vai trò là các nhân viên, nhà tổ chức và hoạt động; ngoài ra vẫn còn những người làm thuê trong nhiều hoạt động phụ trợ khác hay đơn giản là các cư dân trong các khu vực có hoạt động du lịch. Việc chăm sóc mục vụ du lịch được dành cho tất cả những thành phần này.

Tài liệu mà ta có ở đây được dành cho các Giám mục là những người điều hành và cổ võ các hoạt động mục vụ trong địa phận của mình. Tài liệu cũng được dành cho các Linh mục, nam nữ tu sĩ; và cách trực tiếp hơn, được dành cho giáo dân là những người được mời gọi thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng trong một lãnh vực đặc thù của thực tại xã hội và trần thế.

Những người vừa kể, tùy theo cương vị riêng của mình, có nhiệm vụ mang đến cho ngành du lịch những giá trị nhân văn và Kitô giáo đã được loan báo trong Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

I. THỰC TRẠNG DU LỊCH NGÀY NAY

3. Nhu cầu di chuyển của con người đã được làm nổi bật bởi ba yếu tố: thứ nhất là sự phát triển mau lẹ của các phương tiện truyền thông, thứ hai là việc tự do đi lại giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng hơn, và thứ ba là sự tương đồng về mặt xã hội và pháp lý ngày càng được hài hòa hơn. Trong quá khứ, các điều kiện tự nhiên và xã hội đối nghịch đã dồn ép hay bắt buộc rất nhiều nhóm dân phải thay đổi nơi cư trú. Tuy nhiên, vẫn luôn có các lữ khách đăng trình vì khao khát muốn gặp gỡ những dân tộc khác, tiếp xúc với các nền văn hóa, và để có một cái nhìn toàn cầu hơn về thực tại. Đây là những ví dụ cho những gì mà con người hiện đại tìm kiếm, trước tiên thông qua các chuyến du lịch huấn luyện và sau đó là qua du lịch ngày nay.

Trong thế giới với nhiều hình thức di động, du lịch được đặc biệt định nghĩa là một hoạt động được thực hiện trong thời gian nhàn rỗi của một người. Quy ước xã hội ngày nay xem du lịch là bất kỳ hình thức nào mà một người rời khỏi nơi cư trú của mình trong khoảng thời gian từ một ngày cho đến dưới một năm, và không phải thi hành bất kỳ nghĩa vụ nào ở nơi mà họ đến. Trong nhiều tình huống khác, lý do của một chuyến hành trình cũng có thể phù hợp với các hoạt động du lịch thông thường, chẳng hạn trong trường hợp đi công tác, các nhân viên làm việc trong các công ty quốc tế, các tham dự viên của các hoạt động đại hội hay đào tạo, các vận động viên thể thao, hay các nghệ sĩ trong ngành giải trí. Vì thế, việc thực hành du lịch mang tính đa dạng nhìn theo các động cơ thúc đẩy và các hình thức. Thời gian nhàn rỗi và ý nghĩa của nó đối với sự thể hiện con người vẫn là tiêu chuẩn để đánh giá và định lượng việc thực hành du lịch.

4. Hiện tượng du lịch ngày nay đặc biệt lôi cuốn sự chú ý trước tiên hết vì những gì mà du lịch đã đạt được cùng các triển vọng phát triển của du lịch. Vào giữa thế kỷ XX, khi du lịch trở thành phổ thông tại các nước công nghiệp, đã có khoảng 25 triệu khách du lịch quốc tế, và con số này tiếp tục lên đến 698 triệu trong năm 2000. Sự tăng trưởng còn cao hơn khi xét đến du lịch ở trong nội địa của các quốc gia. Dự tính cho đến năm 2020, xấp xỉ 1.6 tỷ người ra nước ngoài vì lý do du lịch [3]. Ngành công nghiệp du lịch đã trở thành một trong những động lực kinh tế chính yếu trên toàn thế giới, và giữ vai trò hàng đầu trong một vài quốc gia. Khía cạnh năng động và tăng trưởng của du lịch kết hợp với động lực đổi mới và sáng tạo đã khiến cho du lịch ngày càng đáp ứng được các nhu cầu và khao khát của con người. Du lịch ngày nay rất đa dạng về hình thức và cấu thành một thực tại đa diện và biến thiên không ngừng.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, hoạt động du lịch lộ ra những khía cạnh tiêu cực. Những người cổ động và kiếm lời từ du lịch thường sử dụng du lịch cho các mục đích không đứng đắn của họ, trong vài trường hợp, du lịch bị dùng như một công cụ bóc lột, và trong nhiều trường hợp khác, du lịch bị biến thành cớ gây hấn với con người, văn hóa hay thiên nhiên. Điều này không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta xét du lịch không phải là một thực tại tách biệt; nó là một thành phần của nền văn minh của chúng ta, và mang theo những động lực tích cực lẫn tiêu cực.

Để phác họa và đưa ra một nền tảng cho việc chăm sóc mục vụ du lịch đúng đắn, cần phải chú ý đến hiện tượng này cách toàn diện. Tài liệu ở đây không có tham vọng đưa ra một phân tích tỉ mỉ, là điều không thể làm nổi. Tuy nhiên, xem ra cần thiết mời gọi mọi người lưu tâm đến một vài khía cạnh chính yếu. Trong ý nghĩa này, có bốn điểm cần được nhấn mạnh: bản chất của thời gian nhàn rỗi và vai trò của nó trong đời sống con người ngày nay; tầm quan trọng của du lịch đối với cá nhân; ảnh hưởng của du lịch đến toàn thể xã hội ; suy tư về du lịch dưới ánh sáng của Lời Chúa.

1. Du lịch và thời gian nhàn rỗi

5. Lao động và nghỉ ngơi biểu lộ nhịp điệu tự nhiên trong cuộc sống của con người. Cả hai đều cần thiết cho việc phát triển những khía cạnh thiết yếu của đời sống, bởi vì mỗi bên đều góp phần tạo nên những lãnh vực thuộc hoạt động sáng tạo đích thực.

Trong lịch sử con người, lao động luôn bị cảm nghiệm như một nhu cầu đau đớn, và điều kiện lao động thường nặng nhọc và thậm chí là thô bạo. Tiến trình cải thiện những điều kiện này đã diễn ra rất lâu dài; và tuy rằng và tuy rằng vào thời nay tiến trình này tiến bộ nhanh chóng hơn nhưng chỉ mới mang lại phúc lộc cho một thiểu số của nhân loại. Nhờ các tiến bộ kỹ thuật mới nhất, không chỉ điều kiện lao động thay đổi, mà chính bản chất của lao động thay đổi, mang đến những chuyển biến quan trọng trong đời sống con người. Một trong những thay đổi ý nghĩa nhất chính là việc con người có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn.

“Cuối tuần” và các kỳ nghỉ phép đã đặc biệt góp phần làm tăng thời gian nhàn rỗi. Hơn thế nữa, trong đời sống con người ngày nay, thời gian nhàn rỗi chiếm một vị trí rất quan trọng trong suốt thời thanh niên cho đến lúc kết thúc đời lao động, hai khoảng thời gian đã trở nên dài hơn cách đáng kể. Phải tái khẳng định rằng, những khoảng thời gian nhàn rỗi như thế thì không dành cho hết thảy mọi người, và hàng triệu người trên khắp thế giới, cũng như trong các nước đang phát triển, không có thời gian nhàn rỗi hay những phương tiện kinh tế và văn hóa để tận hưởng thời gian nhàn rỗi như một cơ hội thực sự.

6. Cũng phải chú ý rằng, tuy có nhiều thời gian hơn nhưng dường như vẫn không đủ để thỏa mãn những gì xã hội đề ra, chẳng hạn các hoạt động đào tạo và xã hội hoặc nhắm tới mục tiêu bồi dưỡng an sinh, hay quan tâm đến những thông tin ngày càng nhiều hơn, những điều thiết yếu đảm bảo cho một người hòa nhập và tham dự trọn vẹn vào trong xã hội. Khoảng cách giữa thời gian thực sự được hưởng và thời gian mơ ước đã gây ra một trạng thái xao xuyến, chắc hẳn sẽ gây ảnh hưởng đến các tương quan trong gia đình và xã hội.

Dù sao, lao động vẫn còn là nền tảng để một người hòa nhập và tham dự vào đời sống xã hội cũng như là nền tảng cho đời sống gia đình,[4] và là điều kiện để nhận ra “chân lý nền tảng này là con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, nhờ lao động mà tham dự vào hoạt động của Đấng Sáng Tạo.”[5] Tuy nhiên, cùng với lao động, thời gian nhàn rỗi ngày càng thể hiện là một triển vọng cho sự thể hiện cá nhân cũng như là không gian dành cho óc sáng tạo, một quyền lợi góp phần tạo nên phẩm giá toàn vẹn của con người.

Khi tìm hiểu thời gian nhàn rỗi, ta không nên đánh mất khái niệm về nghỉ ngơi. Nó là một nhu cầu có nơi bản tính con người vốn biểu lộ một giá trị tự thân không thể bị bỏ qua. Thật vậy, ý nghĩa của nghỉ ngơi không chỉ là nhu cầu hồi phục sức khỏe sau khi lao tác. Ý nghĩa thực sự của nghỉ ngơi chỉ được hiểu thấu khi con người dành thời gian cho Thiên Chúa, nhận ra Người là Chủ Tể và là Đấng Thánh hóa, và khi con người quảng đại dốc sức phục vụ tha nhân, cách đặc biệt là chính gia đình của mình. Mặt khác, khái niệm thời gian nhàn rỗi nhấn mạnh đến tự do ý chí và những nỗ lực cá nhân trong sự phát triển năng khiếu bản thân, những chiều kích vốn chỉ có thể đạt đến mức toàn vẹn trong sự trung thành với Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Độ.

Có nhiều phương tiện sẵn có để dùng thời gian nhàn rỗi một cách thực sự tích cực: một vài cơ hội trợ giúp nghỉ ngơi, góp phần phục hồi thể lực hay kiện toàn các kỹ năng cá nhân. Một vài hoạt động vì lợi ích của chiều kích cá nhân nơi con người; một vài hoạt động khác vì lợi ích của chiều kích xã hội. Một vài cơ hội mang tính thường xuyên, vài cơ hội khác thì hiếm có. Vì lý do đó, việc đọc sách, các sự kiện văn hóa và lễ hội, thể thao và du lịch đã trở thành một phần của đời sống hằng ngày, như một diễn tả cho chính thời gian nhàn rỗi. Tất cả những ai có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi nên nỗ lực để khám phá tất cả những khía cạnh nhân bản của nó và sử dụng cách có trách nhiệm, đồng thời cố gắng để cho tất cả mọi người sớm có thể thụ hưởng trọn vẹn quyền căn bản này.

2. Du lịch và cá nhân

7. Nghỉ ngơi là một lý do quan trọng giải thích tại sao người ta cố gắng để có thời gian nhàn rỗi, và nó cũng là lý do thông dụng nhất khiến người ta đi du lịch. Một chuyến đi xa và ở lại vài ngày tại một nơi khác với chỗ ở hiện tại giúp con người tạm ngưng các công việc cũng như những bổn phận khác gắn với trọng trách đối với xã hội. Vì lẽ đó, nghỉ ngơi mang hình thức của một dấu ngoặc trong cuộc sống thường ngày.

Có một nguy cơ đó là xem nghỉ ngơi như là một khoảng thời gian để không làm gì cả. Chắc chắn quan niệm này không phù hợp với thực tại có tính cách nhân học về việc nghỉ ngơi. Thực vậy, nghỉ ngơi chủ yếu cốt ở chỗ giúp người ta lấy lại sự quân bình đầy đủ vốn có xu hướng bị các điều kiện của đời sống thường nhật làm mất đi. Vì thế, chỉ ngưng mọi hoạt động lại vẫn chưa đủ; phải thêm vào nhiều điều kiện khác để lấy lại sự quân bình.

Du lịch có thể tạo ra những điều kiện này không chỉ vì nó bao gồm việc đi xa khỏi chỗ ở hay môi trường quen thuộc, nhưng còn vì nhờ có nhiều hoạt động, du lịch có thể giúp làm mới các trải nghiệm. Những điều này giúp một người củng cố sự hiểu biết hài hòa và trọn vẹn nhờ tiếp xúc cách mới mẻ với thiên nhiên cũng như thông qua một kiến thức trực tiếp hơn về các di sản nghệ thuật bất hủ, và qua các tương quan con người hơn với những người khác.

8. Hoạt động du lịch có một tương quan rất gần gũi với thiên nhiên. Bị chìm đắm trong đời sống thường nhật đầy ắp vật chất kỹ thuật, du khách mong ước được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, hưởng thụ vẻ đẹp của cảnh sắc đất trời, học hỏi về môi trường sinh sống của thú vật và cây cỏ, thậm chí muốn tự mình nỗ lực chinh phục những gì là mạo hiểm. Nói chung, thiên nhiên tạo không gian lý tưởng cho việc bắt đầu và phát triển du lịch.

Sự nhận thức lớn lao hơn về môi sinh đang làm chuyển biến mối tương quan giữa con người với thiên nhiên. Theo mẫu gương của thánh Phanxicô Axidi, [6] người ta nên làm quen với việc nhìn thấy các thụ tạo như là anh chị em của mình để rồi hướng lên Đấng Tạo Hóa và nói rằng : “Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, cùng với mọi thụ tạo do tay Ngài làm ra.” [7]

Một nhận thức khách quan về các nguồn tài nguyên giới hạn, việc phân phối chúng cho các hoạt động của con người, cùng với ý thức lớn lao hơn về các loại hình cân bằng cũng như sự đánh giá đúng đắn hơn về sự đa dạng thiên nhiên đang tạo ra một bộ luật đạo đức cần thiết mà ngành du lịch buộc phải tiếp nhận, thậm chí đây gần như là yếu tố sống còn của nó. Hơn thế nữa, mối tương quan đặc thù của du lịch với các điều kiện môi trường xét ở khía cạnh sinh thái vốn rất dễ bị tổn thương – các hải đảo, bờ biển, núi, rừng – đặt ra một trách nhiệm cụ thể lên du lịch mà các nhà khai thác, các nhà tổ chức, du khách và cộng đồng địa phương phải chung tay đảm trách.

Vì lẽ đó mà những đề xuất mới cho ngành du lịch cùng những tập quán mới đã làm nảy ra những điều cần được khích lệ vì đặc tính giáo dục và nhân bản của chúng. Sự hiểu biết trực tiếp về thiên nhiên thông qua các chuyến đi xa để khám phá những điều kỳ diệu của thiên nhiên, thực hành việc tôn trọng sự cân bằng thiên nhiên qua một loại hình du lịch đơn giản hơn, và sự tiếp xúc cá vị hơn với thiên nhiên được thực hiện với hình thức du lịch theo từng nhóm nhỏ, chẳng hạn du lịch về miền quê, tất cả những điều này, theo một đường hướng khả quan, đang thay đổi những thói quen hằng ngày của con người vốn thường xuyên bị cám dỗ bởi chủ nghĩa tiêu thụ.

9. Một chuyến du lịch thường được bắt đầu bởi mối quan tâm đến các nền văn hóa thuộc các dân tộc khác. Du lịch giúp người ta có được kiến thức và đối thoại trực tiếp mà không cần đến các yếu tố trung gian, đây là những điều giúp cho du khách và dân địa phương khám phá ra sự phong phú nơi gia sản riêng của họ. Cuộc đối thoại văn hóa này, vốn hữu ích cho hòa bình và tình đoàn kết, chính là một trong những giá trị quý giá nhất xuất phát từ du lịch.

Trong khi chuẩn bị cho chuyến du lịch, du khách nên sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ này bằng việc tìm kiếm tài liệu tham khảo thích hợp vốn sẽ giúp họ hiểu và đánh giá đúng quốc gia mà họ dự định tham quan. Họ phải có được các thông tin về di sản nghệ thuật, lịch sử, phong tục, tôn giáo và bối cảnh xã hội của dân tộc mà họ sẽ gặp gỡ. Theo cách này, cuộc đối thoại, vốn được bắt đầu và sẽ vẫn tiếp tục được duy trì nhờ lòng tôn trọng con người, sẽ là một nơi gặp gỡ sống động, và tránh được nguy cơ biến văn hóa trở thành đối tượng đơn thuần của tính hiếu kỳ, tò mò.

Về phần này, cộng đồng địa phương nên giới thiệu di sản nghệ thuật và văn hóa cho du khách trong sự nhận thức rõ ràng về căn tính của chính mình, qua đó cổ võ những nguồn lực mà mỗi cuộc đối thoại đích thực sinh ra. Mời gọi du khách tìm hiểu về văn hóa tức là phải sống văn hóa cách sâu sắc và một mực bảo vệ nền văn hóa ấy. Việc đồng hóa mau lẹ các phong tục và lối sống vốn đang xảy ra trên toàn thế giới thường gây phương hại cho phẩm giá bình đẳng vốn phải được nhận ra nơi các nền văn minh khác nhau. Du lịch không được trở thành công cụ làm tan rã hay phá hủy, điều này gần như một sự khuyến khích các cộng đồng địa phương bắt chước những thứ ngoại lai với nguy cơ thỏa hiệp các giá trị riêng biệt của họ vì những cảm giác không đúng về sự thấp kém hay các quyền lợi kinh tế. Thực vậy, cũng như sẽ hữu ích khi du khách có được các tài liệu tham khảo trước khi đi du lịch, cộng đồng địa phương cũng cần giới thiệu cách chân thực cho du khách về di sản văn hóa của mình thông qua những thông tin và hướng dẫn thích hợp, cũng như giới thiệu những tiềm năng phong phú khi tham gia các hoạt động đặc trưng trong đời sống văn hóa đó. Một cuộc đối thoại chân thực, cùng với những điều khác, sẽ góp phần bảo tồn và mang đến giá trị ý nghĩa hơn cho toàn thể di sản văn hóa nghệ thuật, kể cả nhờ việc hỗ trợ kinh tế cách quảng đại.

10. Trong thế giới du lịch đa dạng này, một vài tình huống xảy ra mang trong mình một giá trị đặc thù nào đó cũng như khai mở nhiều giá trị nhân sinh chắc chắn.

Lấy ví dụ với trường hợp “cuối tuần.” Các ngày cuối tuần là dịp để tổ chức những chuyến du lịch ngắn hạn tại những địa điểm gần, góp phần đáng kể trong việc phát triển du lịch nội địa. Đây là một trải nghiệm dễ dàng tiếp cận và cũng thông dụng giúp người ta khám phá lại nguồn gốc văn hóa bản địa của mình. Điều này cũng tương tự với những chuyến du lịch khám phá các lễ hội địa phương vốn góp phần tạo ra những dịp đặc biệt để đem các gia đình lại gần nhau cũng như tăng cường mối quan hệ liên ngôi vị.

Các hình thức du lịch cũng lan rộng nơi các nhóm người cùng độ tuổi. Hãy nghĩ về chuyến du lịch dành cho các bạn trẻ vốn sẽ rất tốt cho việc mở rộng khung cảnh giáo dục. Những chuyến đi xa như thế giúp ích cho việc tìm hiểu các sắc dân cũng như khám phá các nền văn hóa khác trong suốt các giai đoạn ý nghĩa đặc biệt trong đời sống. Trong những dịp khác, mục tiêu của du lịch là để tham gia vào các sự kiện thể thao, lễ hội hay các sự kiện lớn khác. Những cảnh bạo lực thi thoảng đi kèm những sự kiện này phải có tác dụng thôi thúc người trẻ sống có trách nhiệm trong tinh thần tôn trọng và chia sẻ cuộc sống với nhau.

Những người cao tuổi cũng có nhiều dịp đi du lịch, nhờ các điều kiện kinh tế xã hội tạo râ những hoạt động thuận lợi cho sau khi nghỉ hưu. Du lịch giúp họ có được những kiến thức và trải nghiệm mà trước đây khi còn trong tuổi lao động họ không có. Với người cao niên, du lịch, khi được tổ chức cách thích hợp, có thể trở nên phương tiện giúp trẻ hóa nhận thức về vai trò chủ động của họ trong xã hội, cũng như kích thích óc sáng tạo, và mở rộng chân trời cuộc sống cho họ.

Cuối cùng, khu vực du lịch cũng chủ động cuốn hút những sáng kiến khác về hình thức vốn thu hút hàng triệu người và đánh dấu vài khía cạnh đặc biệt của du lịch. Trong số những sáng kiến đó, những hình thức sau đây đáng được đặc biệt đề cập : “các công viên triển lãm theo chủ đề,” các lễ hội, sự kiện thể thao, triển lãm quốc gia và vũ trụ, các hoạt động kỷ niệm đặc trưng chẳng hạn chọn một nơi làm thủ đô văn hóa hay trung tâm tổ chức ngày thế giới.

3. Du lịch và Xã hội

11. Do quy mô đã đạt được, hoạt động du lịch trở thành một trong những nguồn công ăn việc làm chính, cả qua việc thuê mướn trực tiếp, gián tiếp cũng như qua những dịch vụ khác có liên quan. Nhiều quốc gia đẩy mạnh du lịch cũng chính vì nguyên do này, dù vẫn thiếu một cái nhìn đầy đủ về những điều kiện lao động liên quan. Để bảo vệ phẩm giá cho những người làm việc trong ngành du lịch, ngoài việc tôn trọng các quyền của người lao động vốn được cộng đồng quốc tế đề ra, còn phải xem xét một vài khía cạnh đặc biệt vì chúng đòi hỏi những tiêu chuẩn đánh giá đặc thù.

Khía cạnh đầu tiên đó là một thực tế: công việc trong ngành du lịch thì theo thời vụ. Hoạt động du lịch nhìn chung có những nhịp điệu theo mùa vốn sẽ tăng giảm tùy theo những dịp đặc biệt trong năm. Điều này tạo ra một loại hình công việc thất thường, tạm thời và hay thay đổi khiến cho người lao động rơi vào tình trạng bấp bênh và không chắc chắn. Ngoài ra, có những công việc cực nhọc với những khung thời gian lao động đặc biệt, buộc người lao động phải tạm thời sống xa gia đình, gây ra những xáo trộn trong đời sống gia đình và xã hội, cũng như trong việc thực hành tôn giáo. Trong tình huống này, không chỉ cần phải chấp thuận và nghiêm túc tuân thủ các luật định về điều kiện lao động cùng các điều kiện an ninh xã hội; mà còn phải tiếp thu các tiêu chuẩn đánh giá cũng như phải đảm bảo cho mỗi công nhân có thể được sống với gia đình và tham gia vào đời sống xã hội cũng như đời sống tôn giáo [8].

Một khía cạnh quan trọng thứ hai đó là việc đào tạo. Trong khi hiệu quả của hoạt động du lịch đã cho thấy rõ sự chuẩn bị cao độ của các nhà khai thác và tổ chức du lịch, các nhân viên cũng phải được đào tạo thích hợp và đầy đủ. Với cả hai trường hợp này, cần phải nhớ rằng hoạt động du lịch đòi hỏi một sự chuẩn bị đặc biệt không chỉ những điều liên quan đến vấn đề chuyên môn mà còn liên quan đến hoàn cảnh mà du lịch được tổ chức, ví dụ trong bối cảnh các mối tương quan nhân bản. Trong du lịch, vẫn phải áp dụng nhận định là “mọi hoạt động con người bắt nguồn từ con người và hướng về con người.” [9] Mọi hoạt động du lịch phải phục vụ con người ; nó phải được hiểu như là công cụ để con người hoàn thành các quyết định mà họ đề ra trong việc sử dụng thời gian nhàn rỗi.

Cũng nên áp dụng những nguyên tắc tương tự cho các hoạt động gắn với với du lịch, chẳng hạn các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, các phương tiện giao thông, các đại lý du lịch và các lĩnh vực liên quan, vốn là nơi có những ghi nhận về nỗ lực kiếm lợi nhanh chóng và quá mức.

12. Trong các thập niên trước, du lịch quốc tế là một nhân tố quyết định cho sự phát triển của nhiều quốc gia, và điều này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai. Tầm ảnh hưởng của du lịch mở rộng không chỉ với hoạt động kinh tế, nhưng còn với đời sống văn hóa, xã hội và tôn giáo của toàn xã hội. Ảnh hưởng này không luôn dẫn đến các kết quả tích cực cho sự phát triển toàn diện của xã hội [10]. Nó đã đánh dấu vài điều kiện phải được tôn trọng hầu bảo vệ quyền con người và sự cân bằng môi sinh. Những điều kiện này quy tụ vào trong những dự phóng của một loại hình du lịch vốn tuân theo các nguyên tắc “phát triển bền vững,” các nguyên tắc mà vài điểm chính phải được nhấn mạnh.

Nguyên tắc đồng trách nhiệm là điều kiện nền tảng phải có trong hoạt động du lịch, vì việc lên kế hoạch và quản lý nguồn lợi nhuận thuộc về nhiều phía: nhà tổ chức, các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương. Việc thi hành nguyên tắc này phải được quy định cách thích hợp bởi thẩm quyền các cấp trong khuôn khổ các nguyên tắc quốc tế hướng dẫn sự hợp tác giữa các quốc gia và các bổn phận có tính chất thể chế vốn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của một quốc gia.

Hoạt động du lịch phải được hài hòa, bao nhiêu có thể, với nền kinh tế của toàn quốc gia liên quan đến cơ sở hạ tầng và các dịch vụ, trong những giao thiệp đặc thù và việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Bất công nghiêm trọng sẽ xảy ra khi các trung tâm du lịch cung cấp các dịch vụ mà cộng đồng địa phương lẽ thường không có. Điều này càng đáng bị chỉ trích hơn khi những dịch vụ đụng tới những nguồn tài nguyên quý giá cần thiết cho sự tồn tại, chẳng hạn nguồn nước hay sức khỏe chung.

Đóng góp mà du lịch được mời gọi mang đến cho sự phát triển kinh tế quốc gia, nên khích lệ việc sử dụng và phát triển các sản phẩm xuất phát từ các hoạt động truyền thống, chẳng hạn nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công. Đóng góp này cũng đòi hỏi việc truyền thụ tri thức thông qua việc huấn luyện các nhân viên và công nhân thuộc quyền. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên bắt nguồn từ sản phẩm địa phương nên tương hợp với việc duy trì tính cách truyền thống mà không bắt buộc phải biến đổi cách đơn độc theo những nhân tố ngoại lai chưa được đồng hóa.

Một điều quan trọng không kém đó là việc phát triển kinh tế từ hoạt động du lịch phải tôn trọng các điều kiện và thậm chí các giới hạn bắt buộc của môi trường xung quanh. Ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn các bờ biển, đảo nhỏ, rừng và khu bảo tồn, du lịch không chỉ phải tự giới hạn cách hợp lý, mà còn phải đưa ra những quy định về phí tổn để bảo tồn các khu vực này.

Tôn trọng các quy luật này là điều đặc biệt cần thiết trong sự phát triển quốc gia. Tất cả chúng ta đều biết rằng trong nhiều trường hợp, các sáng kiến đã gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng không chỉ cho đời sống xã hội, văn hóa và môi sinh, nhưng thậm chí đến nền kinh tế quốc gia qua ảo tưởng phát triển tức thời. Các tiêu chuẩn đánh giá cần thiết phải được thừa nhận để chấm dứt tiến trình này không chỉ lúc nó đang được xúc tiến, mà còn phải giữ không để xảy ra trong tương lai.

13. Để có một sự hiểu biết đúng đắn về các cơ cấu du lịch ngày nay, chúng ta không thể quên đề cập đến mối tương quan của du lịch với tiến trình toàn cầu hóa nền kinh tế. Du lịch, tự bản chất, mang trong mình các yếu tố vốn là nguồn gốc của sự toàn cầu hóa cũng như làm tăng tốc tiến trình đó. Quá trình mở rộng biên giới cá nhân, các công ty và sự đồng nhất hóa về pháp lý cũng như kinh tế đã luôn luôn giúp đỡ ngành du lịch. Du lịch có thể được giới thiệu như bộ mặt hấp dẫn của sự toàn cầu hóa vì độ mở của nó với các nền văn hóa cũng như khả năng thúc đẩy việc đối thoại và sống chung.

Tuy nhiên, mặt khác, một hình thức toàn cầu hóa nào đó đã mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho các quốc gia và nhân loại. Những hậu quả nghiệm trọng đó thể hiện nổi bật nơi khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, xuất hiện hình thức nô lệ và phụ thuộc nơi các nước yếu kém, uy thế của một trật tự kinh tế mới đe dọa phẩm giá con người [11].

Trong bối cảnh này, tại nhiều nơi, các ảnh hưởng tệ hại đi kèm sự phát triển du lịch đã trở nên trầm trọng hơn: vấn đề bóc lột con người, cách đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong lao động cũng như các mục đích tình dục; sự lan rộng các bệnh dịch vốn gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của nhiều mảng lớn dân cư; vấn đề giao thông và việc tiêu thụ các chất ma túy; thô bạo phá hoại căn tính văn hóa và nguồn tài nguyên sự sống, v.v. Chắc hẳn sự toàn cầu hóa không thể bị chỉ trích, lên án vì những thương tổn này nơi nhân loại, du lịch cũng không thể bị quy trách nhiệm một mình, nhưng không thể lờ đi sự thật đó, cũng không thể thiên vị cả hai tiến trình này.

“Toàn cầu hóa, cách tiên nghiệm, không tốt cũng không xấu. Nó là do con người. Không hệ thống nào là cứu cánh cho chính mình và phải nhấn mạnh sự kiện này là tiến trình toàn cầu hóa, giống như các hệ thống khác, phải phục vụ con người, tình đoàn kết và công ích.” [12]  Cái nhìn này vẫn đúng với du lịch, nó phải luôn bảo vệ phẩm giá con người, cả du khách lẫn cộng đồng địa phương.

Du lịch thực sự có thể đảm nhận vai trò thúc đẩy “việc toàn cầu hóa trong tình đoàn kết,” điều mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II hằng ao ước, [13] qua việc gia tăng các sáng kiến chống lại việc coi thường yếu tố trái đất và ngôi vị trong lĩnh vực thông truyền tri thức, phát triển văn hóa, bảo tồn di sản, và bảo vệ môi sinh.

4. Du lịch và Thần học

14. Trước một hiện tượng có tính cách quá trải rộng đến nỗi ảnh hưởng cách sâu sắc đến hành vi của từng cá nhân và toàn thể dân tộc như vậy, Giáo Hội đã không lưỡng lự tuân hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu và tìm kiếm những phương tiện thích hợp để thực thi sứ mệnh vốn được ủy thác cho mình là nghiên cứu cẩn thận các dấu chỉ của thời đại và loan báo Tin Mừng. Tất cả các chiều kích của đời sống con người thực sự đã được biến đổi nhờ hành vi cứu chuộc của Thiên Chúa, và tất cả mọi người đều được mời gọi để chấp nhận ơn cứu độ trong tính chất mới mẻ của một đời sống mà sự tự do và tình bằng hữu của những người con Thiên Chúa nổi bật lên. Thời gian dành cho du lịch không thể nào bị loại trừ khỏi lịch sử tình yêu vô hạn này, nơi mà Thiên Chúa viếng thăm con người và để cho con người chia sẻ vinh quang của Người. Hơn thế nữa, một nhận thức cẩn trọng về các giá trị, vốn có thể được tỏ lộ nơi du lịch, làm nảy ra triển vọng cho việc thấu hiểu sâu sắc hơn một vài chiều kích trung tâm của lịch sử cứu độ.

Trong khi du lịch, các Kitô hữu được mời gọi dâng lời cảm tạ đặc biệt vì ơn sáng tạo, nơi thể hiện vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa, vì quà tặng tự do trong biến cố Vượt Qua vốn trao cho con người tình đoàn kết với hết thảy anh chị em trong Đức Kitô, Chúa chúng ta, và vì ân huệ của ngày đại lễ, qua đó Chúa Thánh Thần dẫn con người về quê hương đích thực mà họ hằng mong mỏi và cũng chính là mục đích của cuộc lữ hành trong thế giới này. Đây là một chiều kích mang tính cách “Tạ ơn” giúp du lịch có được một khoảng thời gian của chiêm niệm, gặp gỡ và niềm vui được chia sẻ nơi Đức Kitô “để ngợi khen Thiên Chúa” (Ep 1,14).

15. Lịch sử cứu độ mở đầu với những trang sách Sáng Thế. Lúc khởi đầu, hành vi đầu tiên của tình yêu và thượng trí của Thiên Chúa lên đến tột độ trong việc sáng tạo người nam và người nữ “theo hình ảnh Thiên Chúa, và giống như Thiên Chúa” (St 1,26). Hình ảnh và sự giống với tình yêu Thiên Chúa, từ lúc khởi đầu, đã được biểu lộ như một lực sáng tạo. Người nam và người nữ nhận lãnh lời mời gọi chia sẻ hoạt động sáng tạo con người, vốn phải nhìn nhận người thân cận của mình trong tình yêu và làm cho trái đất “thích hợp để sống.” Hình ảnh và sự giống này cũng thể hiện trong nhu cầu nghỉ ngơi, để ca ngợi tình yêu được phản ánh nơi vẻ đẹp của muôn loài thụ tạo.

Sáng tạo trước hết được ban cho con người để “cày cấy và canh giữ” (St 2,15). Trong sứ mạng của mình, con người trước tiên hết phải xem xét rằng “vì được tạo thành từ bàn tay Thiên Chúa, vũ trụ thể hiện dấu vết sự thiện hảo của Người. Nó là một thế giới xinh đẹp, đáng khiến cho chúng ta ngưỡng mộ và vui thích, nhưng đồng thời cũng mời gọi chúng ta biết cày cấy và canh giữ.”

Sứ mạng này cũng bao gồm việc hiểu biết và trải nghiệm sự phong phú và đa đạng của công trình tạo dựng (xc. Hc 42,24), vốn cũng được minh họa bởi lời chứng của các người du hành nói trong Thánh Kinh: “Người bôn ba hiểu rộng biết nhiều. Kẻ giàu kinh nghiệm phát biểu thật thông minh. Ai không từng trải thì hiểu biết nông cạn, còn người bôn ba thì lanh lợi, tháo vát. Trong những chuyến du hành, tôi đã được thấy nhiều chuyện, đã hiểu nhiều mà không thể nói hết. Đã nhiều lần tính mạng tôi lâm nguy, nhưng nhờ kinh nghiệm, tôi đã thoát chết” (Hc 34,9-12).

Vật được tạo thành đã được trao cho con người như nguồn mạch các phương tiện sinh sống và là một công cụ để phát triển một đời sống cao quý mà mọi thành viên trong gia đình nhân loại phải chia sẻ với nhau. Trong những trang Sách Thánh, ý nghĩa nền tảng của mệnh lệnh thánh, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28), được gợi lại theo nhiều cách khác nhau. Nó cũng liên quan đến việc nghỉ ngơi vào ngày Sabát vốn được mở rộng đến toàn thể thụ tạo, thông qua luật của năm Sabát, một trong những mục đích của luật này là chính xác nhấn mạnh rằng những điều tốt lành được ủy thác cho con người cũng được dành cho tất cả mọi người (Xc. Lv 25,6 ; Is 58, 13-14). Vì lý do này, việc ích kỷ cất giữ các lợi tức, oa trữ tài sản làm phương hại đến người khác cũng như lãng phí những của dư thừa đều thuộc số những nguồn gốc sâu nhất của sự bất công vốn xúc phạm đến Thiên Chúa.

Về bản chất, không bao giờ con người được quên rằng toàn thể vật tạo dựng là một ân huệ không ngừng nói với con người về sự thiện hảo của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Trong kinh nghiệm riêng tư về ân huệ này, việc chiêm niệm về cuộc sáng tạo luôn đồng hành với con người trong đời sống thờ phượng Thiên Chúa (Xc. Tv 104), gợi lên những lời nguyện (Xc. Tv 148), và khích lệ niềm trông cậy vào lời hứa cứu độ (Xc. Rm 8,19-21 ; 2Pr 3,13 ; Kh 21,1 ; Is 65,17). Và đây là ý nghĩa mà con người phải đưa vào khoảng thời gian nghỉ ngơi vốn đã trở nên dài hơn, nhờ trí khôn ngoan và kỹ thuật mà Thiên Chúa ban để phát triển.

16. Lịch sử nhân loại là một khoảng thời gian vừa được giải thoát vừa chưa được giải thoát. Sự hiện diện của tội lỗi trong thế giới này, sự khước từ đáp trả lời mời gọi tình yêu trong cuộc đối thoại mà Thiên Chúa đã khởi sự, đã gây thương tổn cách ghê gớm đến tính sáng tạo của con người vốn được phát triển trong lao động và trong thời gian nhàn rỗi. Sau khi cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính thiên nhiên, con người xem sự ích kỷ của riêng mình như một sức mạnh tuyệt đối và rơi vào một hình thức nô lệ vốn kìm nén không để con người dành thời gian cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cái đẹp.

Dẫu vậy, Thiên Chúa không ngừng ký kết giao ước với con người. Qua việc nhìn thấy đau khổ của dân mình, chính Thiên Chúa là Đấng đã “xuống” để giải thoát họ (Xh 3,7-10) và dẫn họ về quê hương, một nơi mà sự tốt tươi sẽ là khung cảnh biểu tượng cho đời sống công bằng và thánh thiện. Bộ luật đạo đức của dân được tuyển chọn được dựa hoàn toàn trên mệnh lệnh này: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 9,12). Ngày Sabát, ngày nghỉ ngơi, được thiết lập như một cuộc cử hành biến cố giải thoát và như một lễ kỷ niệm tình liên đới (Xc. Đnl 5,12-15).

Qua lịch sử này, nhân loại được dẫn dắt hướng về những thời kỳ cuối cùng vì chỉ Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7), là chính Đức Kitô Phục Sinh, mới có thể ban cho con người sự tự do trọn vẹn. Trong Người, “nhân loại mới” (Xc. Ep 2,15), con người được tái sinh trong tự do và tình yêu bởi trong “sự vâng phục đức tin” (Rm 1,5), con người sẽ nên thánh thiện trong mọi tư cách đạo đức của mình (Xc. 1Pr 1,16).

Đây là ân huệ mà mọi người đều được lãnh nhận, giúp cho việc “phục vụ tha nhân, xây dựng Giáo Hội và các cộng đoàn huynh đệ trong những phạm vi của đời sống con người trên trần gian này” bởi vì “Đức Kitô dạy rằng cách sử dụng tự do tốt nhất đó là bác ái, vốn mặc lấy hình thức cụ thể trong chính việc trao hiến và phục vụ.”[15] Việc trao hiến bản thân là điều mang lại sức mạnh biến đổi cho hoạt động của các Kitô hữu trong gia đình và đời sống xã hội, trong lao động, nghỉ ngơi và thời gian nhàn rỗi. Trong thời gian nhàn rỗi, việc trao hiến mình mặc lấy ý nghĩa của tính bất vụ lợi lớn lao hơn, bởi vì trao ban thời gian của chính mình.

 “Mầu nhiệm Phục Sinh mang đến và trao tặng sự tự do làm sinh động thời gian nhàn nỗi như là nguyên lý riêng tư nhất của nó,” và điều này, tới lượt mình, “làm cho con người có thể… đạt tới nhân bản đích thực… nhân bản của ‘con người phục sinh’”.[16] Vì vậy, với các Kitô hữu, du lịch hoàn toàn đi vào động lực canh tân của cuộc vượt qua ; nó là một cuộc cử hành ân huệ đã được lãnh nhận ; là hành trình gặp gỡ hướng về người khác với những người mà ta cùng họ cử hành niềm vui cứu độ ; là khoảng thời gian chia sẻ hành động liên đới mang chúng ta tiến lại gần hơn với sự phục hồi vạn vật trong Đức Kitô (Xc. Cv 3,21).

17. Trong việc loan báo sự phục sinh của Đức Kitô, các Kitô hữu tuyên xưng điều chắc chắn mà con đường và toàn thể lịch sử của họ được định hướng bởi tình yêu của Chúa Cha vì “một trời mới đất mới” (Kh 21,1). Hơn thế nữa, trên đường lữ thứ trần gian, các Kitô hữu sống thực tại của bữa tiệc được hứa hẹn nhất là trong thánh lễ Chúa Nhật, nơi mà “chia sẻ ‘Bữa tối của Chúa’ là hình bóng của bữa tiệc cánh chung trong “tiệc cưới Con Chiên’”.[17] Được soi sáng bởi niềm hy vọng chắc chắn ấy, “ngày nghỉ Chúa Nhật mang chiều kích ‘ngôn sứ’, không chỉ qua việc khẳng định tính ưu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, nhưng còn khẳng định tính ưu việt và phẩm giá của con người ở trên các đòi hỏi của đời sống xã hội và kinh tế.”[18]

Thời gian nghỉ ngơi và thời gian nhàn rỗi mang đến cơ hội để biết và thấu hiểu những điều đã được báo trước trong lịch sử quá khứ và hiện tại của con người, “vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải” (Rm 8,18), nơi chúng ta và nơi toàn thể nhân loại được Chúa Cha tiếp đón. Cách riêng, những thành tựu mà cuộc tìm kiếm tâm linh, niềm tin tôn giáo, tri thức và tình yêu dành cho vẻ đẹp được tạo thành, được chiêm ngắm như “kho tàng vinh quang và sự giàu sang của muôn dân” (Kh 21,26), được mang vào thành Giêrusalem mới (Xc. Is 60,3-7; Ml 1,11). Sự chiêm ngắm này, tới lượt mình, tái khẳng định bổn phận đối với phẩm giá con người, tôn trọng văn hóa các dân tộc, và bảo vệ, giữ gìn tính nguyên vẹn của cuộc sáng tạo.

II. CÁC MỤC TIÊU MỤC VỤ

18. Thế giới du lịch góp phần tạo nên một thực tại phổ biến và đa dạng vốn đòi hỏi phải được lưu tâm mục vụ đặc biệt. Mục đích chính của việc chăm sóc mục vụ du lịch là cổ võ những điều kiện tốt nhất hầu giúp các Kitô hữu sống thực tại du lịch như một khoảnh khắc của ân sủng và cứu độ. Chính xác có thể xem du lịch là một trong những diễn đàn mới (Areopagus) của việc loan báo Tin mừng, một trong những “lĩnh vực rộng lớn của văn minh và văn hóa thời đại, của các nền chính trị và kinh tế” [19], nơi mà các Kitô hữu được mời gọi sống niềm tin và ơn gọi truyền giáo của mình.

Mục tiêu toàn diện này chỉ ra rằng việc chăm sóc mục vụ du lịch phải được kể vào số những công tác mục vụ của Giáo Hội. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ du lịch phải được mang vào công tác chăm sóc mục vụ thông thường và được phối hợp với các lĩnh vực khác, chẳng hạn gia đình, trường học, thanh niên, thăng tiến xã hội, việc quản trị các di sản văn hóa, phong trào đại kết.

Cộng đoàn Kitô hữu địa phương, được biểu lộ nơi các giáo xứ, là môi trường để phát triển chăm sóc mục vụ du lịch. Thực vậy, trong cộng đồng này, du khách được tiếp đón theo tinh thần Kitô giáo vốn được thực hành trong đời sống thường nhật của các tín hữu, và được trao cho hết mọi du khách mà không có phân biệt nào. Trong cộng đồng này, các Kitô hữu được huấn luyện để đi du lịch và để làm việc trong ngành du lịch. Những nỗ lực mà cộng đồng này thực hiện sẽ chuẩn bị cho việc thiết lập những mối quan hệ hợp tác nhằm đẩy mạnh các giá trị nhân văn và tinh thần mà du lịch có thể góp sức. Mỗi khía cạnh quan trọng này đòi hỏi phải được lưu tâm cách đặc biệt và được tham gia tùy theo bối cảnh địa phương và những tiềm năng của cộng đồng sở tại.

1. Việc tiếp đón

19. “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Hr 13,2).[20] Những lời này diễn tả rất tốt điểm then chốt của công tác chăm sóc mục vụ du lịch và xem nó như một trong những thái độ nền tảng vốn phải là đặc nét của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo.[21] Việc chào đón khách du lịch và đồng hành cùng họ trong cuộc tìm kiếm cái đẹp và sự nghỉ ngơi phải được thúc đẩy bởi niềm xác tín rằng “với Giáo Hội, con người là con đường đầu tiên và nền tảng, con đường đã được chính Đức Kitô vạch ra, con đường kín đáo dẫn đưa con người đi vào mầu nhiệm Nhập thể và Cứu Chuộc.”[22]

Trong cử hành Thánh Thể, vốn là điểm tựa cho mỗi cộng đoàn Hội Thánh, việc chào đón du khách đạt đến một sự diễn tả sâu sắc nhất. Trong cử hành này, cộng đoàn được hiệp nhất với Đức Kitô Phục Sinh, xây dựng tình đoàn kết huynh đệ, và là lời chứng rõ ràng nhất, thậm chí vượt xa những mối quan hệ ràng buộc về huyết thống và văn hóa. Tính phổ quát của Giáo Hội được quy tụ bởi Chúa Cứu Thế vang dội cách mạnh mẽ trong cuộc gặp gỡ này giữa những người anh em đến từ những miền đất xa lạ, những người được hiệp nhất nên một trong lời kinh đã được loan báo qua nhiều ngôn ngữ khác biệt.

Để cho những đặc nét này thực sự được nổi bật trong buổi cử hành Thánh Thể, cách đặc biệt là thánh lễ Chúa nhật, cần tìm cách để cho tất cả mọi người, cả du khách lẫn cư dân bản địa, đều có thể tham gia. Dĩ nhiên, cần phải bảo tồn nét đặc trưng của cử hành này, vốn không chỉ xuất phát từ bản chất riêng của việc cử hành nhưng còn từ căn tính của Giáo Hội địa phương đang cử hành mầu nhiệm đó. Với ý thức này, sẽ rất tốt nếu biết cách sử dụng ngôn ngữ của du khách trong cuộc cử hành mà không gây cản trở việc tham dự của cư dân sở tại hay làm thay đổi nhịp điệu của việc cử hành đó. Bên cạnh việc thêm vào các chú giải hay bài đọc, cũng sẽ hữu ích khi cung cấp các bản hướng dẫn hay sắp xếp một khoảng thời gian ngắn trước buổi cử hành để giúp du khách có thể tham dự trọn vẹn.

Việc cử hành Thánh Thể là thời điểm thường xuyên nhất cho cuộc gặp gỡ giữa cộng đoàn địa phương với du khách, thế nhưng không phải là cơ hội độc nhất. Vào những dịp khác, cách riêng trong những thời điểm đặc biệt chính yếu của năm Phụng vụ, đây sẽ là cơ hội để mời gọi du khách cũng như trợ giúp đời sống đức tin của họ trong tình bác ái huynh đệ. Cộng đoàn địa phương cũng nên trù liệu cho những cuộc gặp gỡ và chuẩn bị những phương tiện thông tin để khích lệ và hỗ trợ để du khách có thể nhận được ích lợi từ khoảng thời gian đặc biệt này,

Cũng không được quên rằng cử hành Thánh Thể mang đến khái niệm căn bản cho đời sống bác ái và tình liên đới trong cộng đoàn. Không được loại trừ du khách ra khỏi khía cạnh thiết yếu này của đời sống đức tin. Họ phải thực sự tham gia vào những vấn đề của cộng đoàn, và tới lượt mình, cộng đoàn phải để cho du khách biết được hoàn cảnh thực sự của họ và mang đến những cơ hội cụ thể để chứng minh cho việc chia sẻ.

Cũng cần phải lưu tâm đặc biệt đến việc chào đón các du khách thuộc những giáo phái Kitô giáo khác cũng như phải quan tâm đặc biệt đến việc đáp lại những nhu cầu cử hành niềm tin của họ. Hiện tượng du lịch thường là lý do chính cho nỗ lực đại kết, và là phương tiện gần gũi để các Kitô hữu khám phá nỗi đau chia rẽ và hiểu được nhu cầu khẩn thiết phải cầu nguyện và hành động vì sự hiệp nhất. Cần đón nhận tình huống này như một ân huệ mà Chúa Thánh Thần dành cho Giáo Hội, mà biết đáp trả tận tâm và quảng đại.

20. Dù có là thành phần của cộng đoàn sở tại hay là chính khách du lịch, các Kitô hữu cũng được mời gọi làm chứng cho đức tin trong du lịch và tái khám phá một cơ hội để thi hành ơn gọi truyền giáo vốn là điều căn bản của quyền lợi và nghĩa vụ Kitô hữu [25].

Cách đặc biệt ở những nơi tập trung đông đảo khách du lịch, cộng đoàn Kitô giáo phải để ý mình là “nhà truyền giáo tự bản chất” [26], và loan báo Tin Mừng với lòng can đảm, quảng đại và tôn trọng, biết lên án những bất công và mang đến con đường hy vọng, dẫu cho du khách chỉ ở lại đó ngắn hạn và việc quan tâm đến họ có thể bị chi phối bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Trong bối cảnh này, mọi yếu tố làm nên tôn giáo, di sản văn hóa và nghệ thuật của cộng đồng địa phương có tầm quan trọng đặc biệt. Phải làm thế nào để giới thiệu cho du khách về các bảo tàng, các tác phẩm nghệ thuật, các sự kiện văn hóa hay những gì vốn có trong truyền thống của địa phương theo một cách thức khiến họ cảm thấy được nối kết với đời sống thường nhật của cộng đoàn sở tại. Bằng cách này, cộng đoàn sẽ đào sâu căn tính riêng của mình suốt chiều dài lịch sử cũng như cảm thấy được khích lệ để khao khát hướng về tương lai trong sự trung thành với Thiên Chúa.

21. Một hoàn cảnh đặc thù khác mà việc chào đón phải được chuẩn bị cẩn thận đó là ở những địa danh mang ý nghĩa tôn giáo đặc biệt, vốn cũng được kể vào số những mục đích du lịch ngày nay.

Nổi bật trong số đó là các thánh điện, mục tiêu của các cuộc hành hương Kitô giáo, nơi mà nhiều du khách đến để tìm hiểu văn hóa, nghỉ ngơi hay vì lòng mộ đạo. Trong một thế giới ngày càng bị tục hóa, bị thống trị bởi cảm giác tức thời và chủ nghĩa duy vật, những du khách này có thể là dấu chỉ của một lòng khao khát được trở về với Thiên Chúa. Vì thế, các thánh điện phải mang đến những chào đón thích hợp để giúp họ nhận ra ý nghĩa con đường mà họ đang đi đồng thời hiểu được đích điểm mà họ được mời gọi tiến đến [27]. Vì phương tiện được sử dụng mà việc chào đón này chắc chắn sẽ khác với việc chào đón dành cho những du khách đến thánh điện để hành hương. Tuy nhiên, sau khi đảm bảo sự tôn trọng phù hợp với căn tính của nơi đó, cần tránh mọi hình thức loại trừ và coi thường du khách. Phục vụ tốt nhất bao nhiêu có thể để dẫn du khách đến việc suy tư về những cảm thức tôn giáo riêng của họ sẽ là lời giải thích cho bản chất tôn giáo của nơi này cũng như ý nghĩa của cuộc hành hương diễn ra tại đây [28].

Trong những nhu cầu khác, người ta đến tham quan một địa danh tôn giáo là vì giá trị nghệ thuật và lịch sử nổi bật của nó, như trong trường hợp các nhà thờ chính tòa, các thánh đường, các tu viện và đan viện. Mặc dù đúng là tại những nơi này, việc giới thiệu những thông tin lịch sử và nghệ thuật biểu lộ lòng hiếu khách, tuy nhiên không nên chỉ giới hạn ở đó, nhưng còn cần phải làm nổi bật căn tính và mục đích tôn giáo của chúng nữa. Thiết nghĩ cũng hữu ích khi đề cập đến vấn đề này là, đối với nhiều du khách, những cuộc tham quan thế này thường là những cơ hội độc nhất để tìm hiểu về đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, cần nỗ lực thế nào để tránh quấy rầy những cử hành tôn giáo đang diễn ra thông qua việc xếp đặt các chuyến tham quan theo những nhu cầu thờ phượng.

Những người phụ trách công tác chăm sóc mục vụ tại địa phương nên cổ võ việc chào đón, đồng thời tổ chức các khóa huấn luyện cho việc tiếp nhận các du khách. Vì mục đích này, những người phụ trách nên khích lệ sự cộng tác của các tín hữu và cung cấp cho những ai thích thú với công việc này không chỉ những kiến thức chuyên môn, nhưng còn những huấn luyện tâm linh để giúp họ khám phá ra phương tiện để sống và làm chứng cho niềm tin của mình trong công việc phục vụ này [29].

Nghĩa vụ hiếu khách cũng đòi hỏi việc tổ chức đặc biệt trong những dịp diễn ra các sự kiện tôn giáo khác vốn hấp dẫn một lượng lớn du khách vì nét truyền thống đặc biệt cũng như tính phổ biến của những sự kiện đó. Việc lưu tâm mục vụ được mời gọi thi hành chức năng hướng dẫn lòng đạo đức bình dân, vốn truyền sức sống cho những du khách này, hướng về một niềm tin cá vị chân thực hơn vào Thiên Chúa hằng sống. Tương tự, cũng cần phải lưu tâm bao nhiêu có thể với việc cổ võ mà các đại lý du lịch đẩy mạnh trong những dịp sự kiện này. Chính vì thế, cần phải hợp tác với các đại lý du lịch đồng thời cung cấp cho họ những thông tin rõ ràng và chính xác về ý nghĩa tôn giáo của các sự kiện này.

Ở nhiều quốc gia, cách đặc biệt tại Châu Á, khách du lịch tỏ ra thực sự quan tâm đến các truyền thống tôn giáo chính. Các Giáo Hội địa phương nên góp sức trong việc làm cho cuộc gặp gỡ này sinh hoa kết quả bằng cách thu hút khách du lịch vào trong “cuộc đối thoại đời sống và con tim” [30] mà họ được mời gọi thăng tiến. Thiết nghĩ sẽ tốt khi nhắc nhở các Kitô hữu đến tham quan các địa danh thiêng liêng thuộc các tôn giáo khác cần phải cư xử hết sức tôn trọng cũng như thể hiện thái độ làm sao để tránh không xúc phạm đến yếu tố nhạy cảm tôn giáo nơi những người tín hữu thuộc tôn giáo đó. Cần tận dụng cơ hội này, khi có thể, để thể hiện sự tôn trọng qua lời nói và việc làm ngõ hầu “những của cải tinh thần và luân lý cũng như các giá trị văn hóa-xã hội trong các tôn giáo sẽ được nhận ra, bảo tồn và phát triển.”[31]

2. Việc sống du lịch theo đường hướng Kitô giáo

22. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô, vốn được ghi dấu ấn bởi bí tích rửa tội, mời gọi các Kitô hữu đi theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần và biến đổi đời sống ngõ hầu “Đức Kitô có thể cùng đồng hành với mỗi người trong đời sống thường nhật, với sức mạnh của chân lý về con người và thế giới vốn ẩn chứa trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc và với sức mạnh tình yêu được tỏa rạng nhờ chân lý đó.”[32] Đây là thực tại tạo nên sứ mạng của Giáo Hội và cho thấy tại sao trọng tâm của hoạt động mục vụ cũng nằm trong thực tại du lịch.

Trước hết, mọi người cần nhận thấy rằng để duy trì nỗ lực dùng thời gian nhàn rỗi theo cách Kitô giáo thì cần đến một cái nhìn sâu sắc về du lịch theo đường hướng Kitô giáo. Việc suy niệm Sách Thánh sẽ là bước chuẩn bị đầu tiên để các Kitô hữu có thể nhìn thấy Thiên Chúa qua vẻ đẹp của tạo dựng, hiệp thông huynh đệ trong một nhân loại mới được tạo thành nhờ ơn cứu chuộc, và sau cùng, chuẩn bị một bữa tiệc như dấu chỉ về niềm hy vọng giúp con người bền tâm vững chí cũng như canh tân mọi sự. Dưới ánh sáng của ân sủng này, các Kitô hữu sẽ khám phá ra rằng thời gian nghỉ ngơi và du lịch là khoảng thời gian của ân sủng, một cơ hội cần thiết để cầu nguyện, cử hành niềm tin và hiệp thông với mọi người.

Để du lịch mang lấy chiều kích Kitô giáo cách hữu hiệu, các Kitô hữu cần chia sẻ việc cử hành đức tin với cộng đoàn địa phương, cách đặc biệt là cử hành Thánh Thể trong ngày Chúa Nhật, cũng như trong những thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm Phụng Vụ vốn thường trùng với thời gian nghỉ lễ [33]. Khi biết rằng không được để cho du khách cảm thấy mình là khách lạ trong cộng đoàn, cũng như phải làm sao để họ, dù ở phương trời nào, cũng cảm thấy như đang ở nhà, các Kitô hữu sẽ gắng sức giúp du khách tham gia tích cực vào các cử hành phụng vụ. Nếu cần, du khách có quyền đòi hỏi những người tổ chức du lịch cung cấp những điều kiện cần thiết để thực hành đức tin.

Trong mọi lúc, người Công giáo phải tránh không chỉ những hành vi trái nghịch với ơn gọi của mình, nhưng còn những lời nói, cử chỉ, thái độ xúc phạm, đụng chạm đến sự nhạy cảm của người khác. Đặc biệt, cần tránh những kiểu hành xử có tính cách phô trương sự giàu có hay lãng phí các nguồn tài nguyên. Nhưng ngược lại, người Công giáo cần cụ thể hóa chứng tá đức tin bằng cách dùng một phần tiền dành cho du lịch để giúp đỡ cho những người thiếu thốn nhất. Cần phải có được thái độ sống này, vốn được duy trì nhờ lời cầu nguyện, cách đặc biệt khi hoàn cảnh tại địa phương gây khó khăn cho việc tham dự các khoảnh khắc tôn giáo của cộng đoàn, chẳng hạn như tại những quốc gia mà Công giáo chỉ chiếm thiểu số. Trong những hoàn cảnh như thế, các Kitô hữu nên cảm thấy được kích thích sống đức tin theo một cách thức đặc biệt qua hành vi chứng tá, đồng thời nỗ lực kiến tạo một cuộc đối thoại khôn ngoan và tôn trọng với những người mà họ gặp gỡ.

23. Thường thì, người ta luôn đi du lịch với các thành viên trong gia đình. Chúng ta để ý rằng, trong xã hội hiện thời, nhiều hoàn cảnh đã khiến đời sống gia đình, việc liên lạc, chung sống và trao đổi giữa các thành viên trong gia đình trở nên khó khăn. Thậm chí việc sử dụng thời gian nhàn rỗi, vốn phần lớn ăn khớp với các sở thích cá nhân, cũng không thể giúp hiệu chỉnh tình huống này. Từ quan điểm đó, du lịch gia đình có thể trở thành một công cụ hữu hiệu giúp tăng cường và thậm chí nối lại các mối quan hệ trong gia đình. Chương trình của một chuyến du lịch cùng nhau, mà sự thành bại phụ thuộc việc tham gia có trách nhiệm của mọi người, sẽ làm tăng các triển vọng của việc đối thoại, cải thiện sự thấu hiểu và nhận thức đúng đắn lẫn nhau, củng cố lòng quý trọng nơi từng thành viên trong gia đình, đồng thời khích lệ tinh thần quảng đại nâng đỡ nhau.

Du lịch gia đình mang đến cơ hội quý giá để các bậc phụ huynh thi hành vai trò giáo lý viên cho con em mình nhờ việc đối thoại và làm gương. Du lịch gia đình là một dịp ngoại thường giúp mỗi người làm phong phú bản thân trong văn hóa đời sống, trong sự tôn trọng các giá trị luân lý và văn hóa, cũng như trong việc bảo vệ muôn loài thụ tạo. Cũng không thể quên điều này là, chiều kích tự do, vốn đặc biệt có nơi du lịch, khích lệ và huấn luyện tinh thần trách nhiệm.

24. Những chuyến du lịch cũng giúp nối kết các nhóm theo tuổi và vì những hoàn cảnh khác của đời sống lao động và xã hội. Với sự quan tâm mục vụ, Giáo Hội lưu tâm đến những nhóm này đồng thời hỗ trợ các nhà tổ chức du lịch cũng như chính du khách có thể sống những dịp này với tất cả sự phong nhiêu của chiều kích thể lý và tinh thần của họ.

Trong số những nhóm du lịch thuộc loại này, giữ vị trí đầu tiên là các nhóm thanh thiếu niên,  thường còn trong giai đoạn đào tạo, học hành. Những người tổ chức chuyến đi, cách đặc biệt những ai công tác trong lĩnh vực giáo dục Kitô giáo hay những tổ chức giáo dục tương tự, nên nỗ lực để mang đến những điều kiện cần thiết cho việc biến những kinh nghiệm du lịch này trở thành dịp để những người trẻ đào sâu đức tin của họ. Cũng vậy, sẽ rất hữu ích khi hoan nghênh các sáng kiến của các tình nguyện viên là những người dành một phần kỳ nghỉ của họ để hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp hay cho việc cổ võ sự phát triển [35]. Cũng cần lưu tâm mục vụ đặc biệt, cả trong nước lẫn ngoài nước, cho những bạn trẻ muốn tận dụng kỳ nghỉ của mình để ra nước ngoài học tập ngôn ngữ.

Mặt khác, ngày càng có nhiều chuyến du lịch dành cho giới cao niên. Những chuyến du lịch này nên là “những chuyến đi vui vẻ” vốn được mô tả bởi một lời tạ ơn không ngừng và bởi một “cảm thức tự tin trao mình vào tay Chúa,” để “hương vị của cuộc sống, một ân huệ nền tảng của Thiên Chúa, được gìn giữ và sẽ tăng lên” [36].

Tuy nhiên, đi du lịch thì không nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Thật vậy, có rất nhiều người không thể tận hưởng các lợi ích của du lịch xét từ khía cạnh cá nhân, văn hóa hay xã hội. Dưới cái tên “tổ chức du lịch xã hội,” nhiều hiệp hội đang hoạt động để tất cả mọi có thể được đi du lịch, không chỉ qua những sáng kiến hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân và gia đình, mà còn qua việc tổ chức các hoạt động du lịch cố định. Mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội nên hướng đến việc đánh giá và hỗ trợ những sáng kiến nhằm thực sự đưa du lịch vào việc phục vụ sự nhận thức cá nhân cũng như phát triển xã hội. Cũng không thiếu những hội đoàn, dưới danh nghĩa du lịch, đã cung cấp cơ hội hữu ích để kết nối những người sống trong hoàn cảnh cô đơn hay bị gạt ra bên lề xã hội. Qua sự tham gia của mình, Giáo Hội làm chứng cho tình thương mà Thiên Chúa đặc biệt dành cho những kẻ bé mọn.

25. Như đã nhấn mạnh trên đây, du lịch là một phần rất quan trọng trong nền kinh tế thế giới và góp phần tạo nên một mạng lưới các hoạt động được phát triển trong phạm vi các cấu trúc kinh tế thị trường ngày nay [37] vốn bị mắc vào tiến trình toàn cầu hóa. Vì thế, một trong những mục tiêu nền tảng của việc chăm sóc mục vụ du lịch là liệu sao để giáo huấn xã hội của Giáo Hội có thể bao gồm toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc quản lý và lao động trong ngành du lịch, cũng như giúp làm sáng tỏ những vấn đề đó.

Trong du lịch, dường như chân lý nền tảng giúp hướng dẫn mọi hoạt động kinh tế trở nên rõ ràng, điều mà thánh Gioan Phaolô II đã tóm kết trong lời sau: “Ngày nay hơn bao giờ hết, làm việc là làm với và làm cho người khác: đó là làm một điều gì đó cho tha nhân.” [38] Thực vậy, toàn bộ hoạt động du lịch xem con người là nhân tố chính, và tìm cách thỏa mãn những khát vọng riêng tư và sâu xa nhất của con người. Cũng vì mối quan hệ mật thiết với con người như vậy mà buộc phải áp đặt lên hoạt động du lịch những đòi hỏi mang tính luân lý đạo đức lớn lao hơn, được thể hiện trong việc tôn trọng phẩm giá và quyền con người, thi hành đầy đủ chức năng chính của tình liên đới, công bằng trong các tương quan lao động, và ưu tiên cho người nghèo.

Vì lý do này, việc chăm sóc mục vụ du lịch nên cổ võ những sáng kiến để những nhà tổ chức và những người lao động Công giáo làm việc trong ngành du lịch biết đến giáo huấn xã hội của Giáo Hội, với phần đặc biệt liên quan đến lĩnh vực này, đồng thời hướng dẫn hành vi của họ sao cho phù hợp với nó.

26. Về phía các doanh nghiệp và nhà tổ chức du lịch, sẽ rất hữu ích khi nhấn mạnh vài điểm trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội có ý nghĩa cụ thể với việc làm của họ.

Trong việc tổ chức du lịch, cách đặc biệt khi tạo ra những mục tiêu mới hay mở rộng không gian cho hoạt động du lịch, các đầu tư nên được xem là “một lựa chọn có tính cách luân lý và văn hóa” [39]. Điều này có nghĩa là cần phải để cho những tiêu chuẩn vốn xem hoạt động kinh tế là để phục vụ con người và cộng đồng, chứ không chỉ là nguồn mang lại lợi tức, chỉ đạo và hướng dẫn.

Vốn có liên hệ rất nhạy cảm với du lịch, vấn đề môi sinh là một khía cạnh cần đáng được xem xét cẩn trọng trong việc tổ chức hoạt động du lịch. Để trả lời cho “vấn nạn luân lý” [40] mà cuộc khủng hoảng môi sinh thể hiện trong thế giới ngày nay, cần cổ võ các sáng kiến trong việc tôn trọng tác động môi trường và bảo vệ các quyền ưu tiên của cộng đồng địa phương, dù có phải trả giá bằng việc giới hạn hoạt động du lịch nếu cần. Mọi nỗ lực nhằm khuyến khích các Kitô hữu biết sống giản dị và liên đới khi du lịch đến các quốc gia đang phát triển sẽ không có hiệu lực nếu các nhà khai thác và tổ chức du lịch thiếu sự nhạy cảm tương tự.

Các chuẩn mực luân lý và Kitô giáo, vốn phải luôn thôi thúc việc cổ võ du lịch, sẽ phát huy hiệu quả nếu có được sự phối hợp cần thiết giữa các nhà khai thác du lịch, các lãnh đạo chính trị, và các đại diện của cộng đồng địa phương. Với những nhà khai thác du lịch Công giáo, sự phối hợp này là dịp để họ làm chứng cho Tin Mừng, cho sự hiệp thông và loan báo Nước Chúa trong công bằng và tình huynh đệ.

27. Các chương trình du lịch và giới thiệu những điểm đến hay việc quảng cáo các hoạt động dành cho kỳ nghỉ chính là khía cạnh hữu hình và có tính cách mời gọi của thế giới du lịch do việc người ta nhìn thấy những khao khát và ước mơ của mình nhận lấy màu sắc và hấp dẫn. Trong những trường hợp này, hiển nhiên là các nhà khai thác du lịch phải cung cấp cho du khác các thông tin khách quan, tuyệt đối tôn trọng phẩm giá con người và những nét đặc trưng của địa danh vốn là những gì mà các thông tin này nhắm đến, trung thực với những điều chương trình đưa ra, và những dịch vụ đề xuất phải tuyệt đối đáng tin cậy. Nếu du lịch là biểu hiện cho tự do của con người, thì bất kỳ thông tin nào cổ võ nó đều nên hỗ trợ việc sử dụng tự do cách có trách nhiệm [41]. Trách nhiệm này mở rộng đến toàn bộ hành trình và kể cả sự bằng lòng đón nhận những quan sát công bằng của những người sử dụng cùng những đề nghị hữu ích sau đó.

Dịch vụ mà các nhà tổ chức mang đến cho du khách trùng khớp rõ ràng với nhân đức bác ái Kitô giáo vốn được thi hành qua việc đưa ra những lời khuyên thích hợp cũng như qua việc chia sẻ những khó khăn và niềm vui trên chuyến hành trình. Các nhà tổ chức du lịch Công giáo vì thế phải nhận ra tính ngay thẳng và tôn trọng những điều mà họ giới thiệu về các địa danh có ý nghĩa tôn giáo. Họ cũng nên quan tâm đến việc bao gồm và đề cập sự chú ý dành do những nhu cầu tình cờ của mỗi tôn giáo trong chương trình du lịch.

Việc chăm sóc mục vụ du lịch sẽ đề xuất những sáng kiến phù hợp để mang đến cho các nhà tổ chức du lịch Công giáo một dịp để suy tư về các tiêu chuẩn cho hoạt động của họ. Hơn nữa, đây là điều quan trọng mà những người này cần nhận lãnh, thông qua sự hợp tác của những người khác, thông tin phù hợp với những nhu cầu của họ về các địa danh hay các sự kiện tôn giáo vẫn thường là các mục tiêu của du lịch. Hành động này cũng nên được đảm trách trong sự phối hợp với các hội đoàn có khả năng của các quốc gia khác để các mục tiêu được đề xuất cũng sẽ được thành toàn trong tổ chức du lịch quốc tế. Để đạt được những mục đích này, sự hiện diện của các hội đoàn đặc trách việc mục vụ du lịch trong nhiều hội chợ về du lịch sẽ rất hữu ích.

28. Thường mỗi chuyến du lịch đều có các hướng dẫn viên là những người giúp khách du lịch đạt được mục đích du lịch của mình. Với du khách, các hướng dẫn viên rất thường trở thành người trực tiếp quyết định thành bại của kỳ nghỉ của họ. Thực sự chúng ta sẽ không bao giờ đánh giá đủ tầm ảnh hưởng của các hướng dẫn viên trên các du khách và, vì thế, họ có trách nhiệm rèn luyện nghiệp vụ của mình sao cho đủ mức.

Vì lý do này, cần cổ võ các hiệp hội và những buổi gặp gỡ, nơi mà các Kitô hữu làm công việc hướng dẫn viên du lịch có thể cập nhật kiến thức liên quan đến phần thể lý và tinh thần, đồng thời hỗ trợ người khác trong nghĩa vụ vốn đòi hỏi sự tôn trọng, tinh thần cống hiến và quan tâm đến lợi ích tinh thần của du khách. Họ nên nhớ rằng, tương quan đặc biệt với du khách đòi hỏi họ làm chứng cho đức tin bằng một cách thức đặc biệt.

Khi giới thiệu những địa danh, bảo tàng hay các sự kiện tôn giáo cho du khách, các hướng dẫn viên du lịch nên giới thiệu cách sâu sắc và đầy đủ đồng thời ý thức mình cách nào đó là những người rao giảng Tin Mừng thực thụ, trong khi vẫn phải luôn khôn ngoan và tôn trọng.

Các sáng kiến mục vụ dành cho các hướng dẫn viên cũng có thể được mở rộng đến những người làm công việc “linh hoạt viên,” vốn đang phát triển rất mạnh, cũng như những ai luôn xuất hiện trong các chuyến du lịch. Nói rộng ra, những nhân viên du lịch này giữ vai trò then chốt làm biến đổi thời gian nhàn rỗi thành không gian ý nghĩa, giải trí lành mạnh, và thăng tiến thể lý và tinh thần.

29. Các nhà tổ chức và nhân viên làm việc trong ngành du lịch có vai trò đặc biệt trong việc chào đó du khách; thật vậy, cách nào đó, họ là những người có vai trò chủ đạo đầu tiên. Qua nghiệp vụ của mình, họ tiếp xúc trực tiếp với du khách, đồng thời là những người đầu tiên biết được những mong đợi và thất vọng sau hết của du khách; họ thường trở thành bạn tâm tình và có thể hành xử như một người cho lời khuyên hay chỉ dẫn.

Các Kitô hữu làm việc trong ngành du lịch khám phá ra rằng họ có một trách nhiệm lớn lao trong tình huống này. Thành công của chuyến du lịch, cả khía cạnh con người lẫn tinh thần, phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp cũng như bổn phận Công giáo của các hướng dẫn viên.

Để giải quyết nhiệm vụ khó khăn này, các chuyên viên du lịch Công giáo nên cậy vào sự hỗ trợ có tính cách quyết định của cộng đoàn cũng như các nhân viên mục vụ. Cần cung cấp cho họ những chuẩn bị đặc biệt trong thời gian đào tạo, cả trong những trường nghiệp vụ lẫn qua các sáng kiến bổ túc khác. Trong việc sắp xếp giờ giấc cho các cuộc cử hành và học hỏi giáo lý, cần để ý đến thời gian làm việc của những người này.

Việc chăm sóc mục vụ du lịch nên đặc biệt nhạy cảm với hoàn cảnh đặc biệt của các nhân viên ngành du lịch. Cần điều chỉnh giờ giấc sao cho phù hợp với giờ giấc của những người này để họ có thể thực hành tôn giáo và lãnh nhận các bí tích, nhưng không làm đảo lộn thời gian biểu cũng như nhịp điệu của đời sống cộng đoàn. Việc thích nghi này cần được xem xét trong việc khích lệ họ tham gia vào đời sống giáo xứ, các phong trào tông đồ, việc đào tạo các nhóm đặc biệt hay các phong trào đặc trưng. Việc đào tạo như thế là công cụ hoạt động mục cần được khích lệ với mọi nguồn mạch khả thể cả trong hay ngoài phạm vi công việc.

Có vài hoàn cảnh phải chú tâm đặc biệt, chẳng hạn những hoàn cảnh mà người lao động thấy có hại cho gia đình của họ. Những điều kiện lao động đã được đề cập trên đây có thể ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của gia đình, đời sống vợ chồng, hay mối tương quan giữa cha mẹ và con cái vì vấn đề giờ giấc lao động cũng như vì người lao động bị buộc phải sống xa gia đình.

Suốt giai đoạn đào tạo cũng như lúc khởi đầu đời sống lao động, người trẻ tạo thành một nhóm khác vốn cần được phục vụ cách đặc biệt. Họ đang ở trong thời điểm quyết định của đời sống riêng của họ, sẽ rất hữu ích cho họ nếu Giáo Hội kể họ vào số những người cần được hỗ trợ. Theo đó, giáo xứ, các nhóm và các trung tâm có vai trò chủ chốt là nơi mà người trẻ có thể họp nhau để học hỏi, suy tư và cử hành niềm tin.

Môi trường làm việc trong ngành du lịch của phụ nữ cũng tạo nên một ưu tiên khách mà việc chăm sóc mục vụ du lịch luôn phải nhớ đến. Mọi sáng kiến giúp thăng tiến sự tôn trọng nhân phẩm người phụ nữ cũng như tôn trọng vai trò đặc biệt của họ trong gia đình và xã hội phải được tăng cường và hỗ trợ.

3. Hợp tác giữa Giáo Hội và xã hội

30. Trong sứ mạng của mình giữa thế giới, Giáo Hội, một mặt “mang đến cho nhân loại sự hỗ trợ chân thành để thúc đẩy tình huynh đệ của con người” [42], vốn tạo điều kiện để đạt được những mục tiêu trong sự hòa hợp với phẩm giá con người ; mặt khác, “Giáo Hội tin rằng mình có được rất nhiều sự trợ giúp phong phú và đa dạng từ thế giới trong việc chuẩn bị mảnh đất cho Tin Mừng. Giáo Hội có được sự trợ giúp này từ các tài năng và sự chăm chỉ của các cá nhân và từ xã hội loài người như một tổng thể” [43].

Người giáo dân có vai trò trước tiên hết trong sự hợp tác giữa Giáo Hội và xã hội. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ du lịch phải thiết lập và khích lệ việc phối hợp với các nhà quản trị, các tổ chức chuyên nghiệp cũng như các hiệp đoàn làm việc trong ngành du lịch để cái nhìn của Công giáo về ngành du lịch có thể lan rộng và phát triển “tiềm năng của một chủ nghĩa nhân văn mới” [44] trong du lịch.

Được hướng dẫn bởi nguyên tắc này, Tòa Thánh đã thành lập một tổ chức Quan Sát Thường Trực dành cho Tổ Chức Du Lịch thế Giới. Từ năm 1980, tổ chức này đã và đang tiếp tục tổ chức ngày Du lịch Thế giới vào ngày 27 tháng 9 hằng năm, và vào năm 1999, tổ chức này tiếp nhận Bộ luật Đạo Đức Du Lịch Thế Giới. Về phần mình, Giáo Hội tham gia vào việc tổ chức ngày này và mang đến ý nghĩa tinh thần qua thông điệp hằng năm của Đức Giáo Hoàng. Bằng cách này tổ chức cũng chia sẻ những nguyên tắc gợi hứng của Bộ luật.

Cùng thể thức ấy, các Hội đồng Giám mục và mỗi Giám mục nên cố gắng duy trì cuộc đối thoại thường xuyên với các nhà quản trị quần chúng, cả ở cấp quốc gia lẫn cấp địa phương, với các hội đoàn tổ chức du lịch, và với các hiệp hội những nhà khai thác và nhân viên ngành du lịch để sự hợp tác của Giáo Hội trong việc xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn cùng với tình liên đới sẽ được thể hiện trong những hành động cụ thể.

Cũng cần phải tìm cách hợp tác khăng khít ở mọi cấp độ với các hiệp đoàn đang nỗ lực chống lại các hoàn cảnh xúc phạm đến phẩm giá con người cũng như những nơi mà ngành du lịch phải có trách nhiệm, chẳng hạn “du lịch tình dục,” vấn đề ma túy, phá hủy môi sinh, vấn đề xói mòn căn tính văn hóa, và cướp bóc di sản. Đặc biệt, các Kitô hữu có bổn phận lên án những tình huống nguy hiểm cũng như làm những gì có thể để loại trừ những tình huống này.

III. CÁC CẤU TRÚC MỤC VỤ

31. Sứ mạng loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ mà Giáo Hội lãnh nhận trong sự trung thành với mệnh lệnh của Đức Kitô. Tất cả thành viên của Giáo Hội được mời gọi tham gia vào nhiệm vụ nền tảng này bằng nhiều cách thức khác nhau vốn làm cho sự bình đẳng đích thực trở nên giá trị hơn trong “hành động vì sự soi sáng của Thân Thể Đức Kitô” [45]. Để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình, Giáo Hội tìm kiếm những công cụ ngày càng thích hợp cũng như sẵn sàng đổi mới những công cụ đó theo những nhu cầu của thời đại [46], lưu tâm đặc biệt đến việc tôn trọng và tiếp nhận “với lòng can đảm và khôn ngoan” những khía cạnh này cũng như “ngôn ngữ” riêng của mỗi dân tộc [48].

Sự phát triển của ngành du lịch cũng như sự tăng trưởng quan trọng của nó với các quốc gia, là những điều đáng để mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội theo đuổi, và Giáo Hội đã như thế từ những bước tiến đầu tiên của ngành du lịch, vốn được cổ võ hóa bởi kinh nghiệm của Giáo Hội trong việc đồng hành với các lữ khách trên đường hành hương suốt bao thế kỷ [49]. Cần chú ý rằng, những chiều kích mới của hiện tượng du lịch cần đến những nỗ lực chung tay góp sức của mọi thành phần dân Chúa” [50], Giáo Hội đã đề xuất một vài tiêu chuẩn cho việc hợp tác lao động trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Những chỉ dẫn sau đây, trong sự tiếp nối với những chi tiết xen vào trước, muốn khích lệ những nỗ lực chung của những ai cảm thấy được mời gọi dấn thân trực tiếp hơn vào thế giới của ngành du lịch.

1. Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân và Lữ hành

32. Với Tự sắc Apostolicae caritatis ban hành ngày 19/3/1970, Đức Phaolô VI đã thiết lập “Ủy ban Giáo hoàng về chăm sóc mục vụ người di dân và lữ hành” trực thuộc Bộ Giám mục. Qua văn kiện này, Ủy ban đảm nhận một vai trò rất quan trọng trong xã hội ngày nay liên quan đến sự gia tăng đáng kể các phong trào xuất hiện nhờ tiến bộ kỹ thuật. Cách đặc biệt liên quan đến ngành du lịch, Tự sắc chỉ ra rằng, điều này bao gồm “một đoàn người đông vô kể, trong lĩnh vực xã hội, tạo thành một nét đặc biệt mới với những đặc trưng rõ ràng” [51].

Với Tông hiến Pastor bonus (28/06/1988), Hội đồng Giáo hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ Di dân và Lữ hành được thành lập thay thế Ủy ban và đảm nhận những công tác. Với phần liên quan đến ngành du lịch, Tông huấn tuyên bố rằng Hội đồng Giáo hoàng “hoạt động nhằm đảm bảo rằng những chuyến đi mà người Kitô hữu thực hiện vì lòng mộ đạo, học hành hay giải trí sẽ góp phần vào việc huấn luyện tôn giáo và luân lý của họ. Và Hội Đồng giúp đỡ các Giáo hội địa phương để tất cả những người sống xa nhà đều nhận được sự chăm sóc thiêng liêng thích hợp” [52].

Trong việc thực thi sứ mạng được ủy thác, Hội đồng Giáo hoàng có những mục tiêu chính như sau:

  1. Cổ võ và phối hợp một cuộc phân tích về sự phát triển đang diễn ra trong ngành du lịch, cụ thể tầm ảnh hưởng của nó trên đời sống tinh thần và tôn giáo của các cá nhân và các cộng đồng ;
  2. Đề xuất những hướng dẫn mục vụ có thể áp dụng chung với nhau hay một nhóm các quốc gia ;
  3. Giữ liên lạc thường xuyên với các Hội đồng Giám mục để phối hợp và hỗ trợ các sáng kiến mục vụ trong lĩnh vực du lịch;
  4. Hợp tác với các trường Cao đẳng của Giáo Hội và các học viện có chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch;
  5. Lên kế hoạch tổ chức Ngày Du lịch Thế giới hằng năm và chuẩn bị cũng như phân phối các tài liệu giáo lý về chủ đề của Ngày này;
  6. Giữ liên lạc đều đặn với tổ chức Quan Sát Thường Trực của Tòa Thánh và Tổ Chức Du Lịch thế giới;

2. Các Hội đồng Giám mục

33. Các Hội đồng Giám mục là một cơ quan được thiết lập “để nhờ việc chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm, cũng như trao đổi ý kiến, các ngài đồng tâm hiệp lực mang lại lợi ích chung cho các Giáo Hội” [54]. Tông thư Apostolos suos ghi rõ : “Để ứng phó với các vấn nạn mới cũng như hành động để sứ điệp của Đức Kitô khai sáng và hướng dẫn lương tâm con người trong việc giải quyết các vấn đề mới nổi lên từ những thay đổi trong xã hội, các Giám mục được triệu tập trong Hội đồng Giám mục và cùng thi hành quyền giáo huấn cũng nhận thức được những giới hạn trong những tuyên bố của họ. Tuy vẫn chính thức và chân thực cũng như trong sự hiệp thông với Tòa Thánh, nhưng những tuyên bố này không có những đặc tính của huấn quyền phổ quát”[55]. Trong những hoạt động của Hội đồng Giám mục, ưu tiên quan tâm mục vụ được dành cho các chủ đề gây ra sự thay đổi trong xã hội và cho việc đề xuất “những hình thức và phương thế làm tông đồ thích ứng với những hoàn cảnh của từng thời và từng nơi” [56].

Ngành du lịch chắc chắn là một trong những chủ đề cần quan tâm trong chương trình của các Hội đồng Giám mục. Nó thực sự là một lĩnh vực còn mới mẻ với xã hội và cách đặc biệt với các cộng đoàn mà vùng lãnh thổ cũng như các di sản văn hóa của họ trở thành mục tiêu của ngành du lịch quốc tế. Mặt khác, tính mới mẻ này nằm trong một quá trình phát triển liên tục tạo ra những lối sống mới cũng như các thói quen mới.

Chúng tôi sẽ đề cập một vài sáng kiến cụ thể liên quan đến lĩnh vực du lịch mà các Hội đồng Giám mục có thể thông qua:

  1. Cung cấp cho tất cả các Giám mục một bức tranh cập nhật về các xu hướng của phong trào du lịch trong đất nước, nghĩa là, những ảnh hưởng xã hội lên người dân cũng như thế giới lao động, cùng những nhu cầu tôn giáo của du khách. Thông tin này nên hướng đến cả du lịch nội địa lẫn du lịch quốc tế. Khi quy mô phát triển du lịch trong một quốc gia đòi hỏi như thế, sẽ hữu ích khi ủy thác nhiệm vụ nghiên cứu và phân tích này cho một cơ quan quan sát thường xuyên tại một đại học Công giáo hay một viện nghiên cứu của Giáo Hội trong nước.
  2. Thiết lập một chương trình huấn luyện đặc biệt hướng tới việc đào tạo các nhân viên chăm sóc mục vụ du lịch trong các chủng viện hay học viện để tất cả các Giáo phận có thể có những linh mục và nhân viên mục vụ đã được chuẩn bị thích hợp với công việc này.
  3. Cung cấp một tập các hướng dẫn cho việc chăm sóc mục vụ thông thường để mọi tín hữu đều có một nền giáo lý phù hợp về thời gian nhàn rỗi và ngành du lịch.
  4. Khi hoàn cảnh yêu cầu, cần liên lạc với các Hội đồng Giám mục khác để thiết lập những kênh hợp tác giữa các quốc gia khởi hành và các quốc gia điểm đến cho việc trao đổi các nhân viên mục vụ cũng như để có được thông tin và tài liệu phụng vụ bằng những ngôn ngữ khác nhau.
  5. Cổ võ các chương trình đào tạo dành cho các hướng dẫn viên du lịch, cách đặc biệt những ai đi cùng du khách đến những địa danh có bản chất tôn giáo cũng như dành cho các sinh viên đang theo học tại các trường nghiệp vụ du lịch và khách sạn.
  6. Đưa ngành du lịch vào số những chủ đề được các “Trung tâm Văn hóa Công giáo” bàn bạc.
  7. Vạch ra những hình thức hợp tác khả thể giữa các Giáo phận để có thể thiết lập những hỗ trợ có tính cách tôn giáo tốt hơn tại những nơi tập trung đông khách du lịch theo mùa.
  8. Nối liên lạc với đại diện của các giáo phái Kitô khác trong tầm nhìn hợp tác đại kết tại những trung tâm du lịch chính [58].
  9. Duy trì cuộc đối thoại với các chính quyền và các cơ quan liên hệ đến lĩnh vực này, nhằm thiết lập những hình thức phối hợp lên chương trình cùng những sáng kiến giám sát quản lý hoạt động du lịch, với sự chú ý đặc biệt đến việc bảo vệ căn tính văn hóa của các cộng đồng địa phương, các quyền của người lao động làm việc trong lĩnh vực này, cũng như sử dụng đúng đắn di sản nghệ thuật-tôn giáo, và tôn trọng những gì mà khách du lịch có quyền được nhận.
  10. Cổ võ sự hiện diện của Giáo Hội tại các “Hội chợ” thuộc lĩnh vực này.

Để phối hợp các hoạt động này, sẽ hữu ích khi lập ra một cơ quan thuộc quyền Hội đồng Giám mục [59], với một nhóm các chuyên viên đại diện cho những lĩnh vực du lịch khác nhau.

3. Các Giáo phận

34. Như một hoạt động được nhiều người thực hiện trong thời gian nhàn rỗi, như một ngành lao động nơi nhiều người làm việc, và như một chuỗi trọn vẹn các hoạt động đặc biệt làm cho một địa danh trở thành mục tiêu du lịch, ngành du lịch là một phần quan trọng trong xã hội ngày nay. Được hội nhập vào đời sống thường nhật của các cộng đoàn bằng cách này, ngành du lịch là một chiều kích mà việc chăm sóc mục vụ cấp Giáo phận cần quan tâm như một thành phần thông thường và, hiểu theo đúng nghĩa của từ này, ngành du lịch phải trở thành một trong lĩnh vực được coi là mục tiêu cần quan tâm thường xuyên của vị Giám mục cùng các Hội đồng cố vấn của ngài. Trong số những mục tiêu của việc chăm sóc mục vụ du lịch cấp Giáo phận, cần có những điều sau đây:

  1. Mang đến một cái nhìn Kitô giáo về du lịch để hướng dẫn các tín hữu sống thực tại này với dấn thân làm chứng cho đức tin cũng như với thái độ của một nhà truyền giáo. Cần nhớ đến mục tiêu này trong việc giảng thuyết, giáo lý và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông địa phương. Cùng thể thức ấy, cần nỗ lực để các trường học có những chương trình đào tạo phù hợp nhằm hiểu đúng các giá trị của ngành du lịch trong sự hài hòa với phẩm giá cũng như việc thăng tiến các cá nhân và toàn thể cộng đồng.
  2. Huấn luyện các nhân viên mục vụ là những người có thể cổ võ công tác mục vụ trong lĩnh vực này bằng một cách thức đặc biệt. Khi Giáo phận có những nhu cầu như vậy, nên cung cấp cho một vài linh mục và giáo dân cơ hội có được những kiến thức cụ thể nhiều hơn về lĩnh vực này.
  3. Nghiên cứu hiện trạng du lịch trong Giáo phận, trình bày hệ thống các tiêu chuẩn mục vụ cũng như đề xuất các hành động do các Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ đảm nhận [60]. Vấn đề quan tâm đến việc thực hành tôn giáo cho du khách, được hội nhập vào chương trình hoạt động mục vụ Giáo phận, cần được thực hiện sao cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ, mà không gây ra sự chia tách hay tạo ra những khó khăn cho đời sống của cộng đoàn địa phương
  4. Tiếp thu các biện pháp để tối ưu hóa việc phục vụ tại các giáo xứ được tham quan nhiều nhất và để liệu trước, nếu cần thiết, việc tìm các linh mục từ các giáo xứ khác cũng như sự hợp tác giữa các linh mục thuộc các Giáo phận hay các quốc gia khác.
  5. Gởi lời chào mừng của Giáo phận đến các du khách qua một lá thư của vị Giám mục, cách đặc biệt vào lúc bắt đầu những mùa đông khách du lịch và qua những trợ giúp để du khách có được những thông tin cần thiết cũng như có thể tham dự vào các cuộc cử hành và đời sống của Giáo Hội địa phương.
  6. Cổ võ việc đào tạo các nhóm và các hiệp đoàn, cũng như sự cộng tác của các tình nguyện viên, trong việc quản lý những di sản của Giáo Hội được mở cho khách tham quan cũng như trong việc tiếp đón các du khách, nhờ vậy có thể nới rộng thời gian mở cửa để tham quan.
  7. Xây dựng các trung tâm của giáo xứ và cộng đoàn ngày càng thích hợp hơn cho việc chăm sóc mục vụ du lịch, xem xét các thực trạng đô thị và xã hội mới.
  8. Giữ liên lạc với lãnh đạo các giáo hội Kitô khác để tiếp thu những biện pháp nhằm chăm lo đời sống tôn giáo cho các tín hữu thuộc các giáo hội này được tốt hơn, theo các tiêu chuẩn và quy tắc được Tòa Thánh và các Hội đồng Giám mục ban hành.
  9. Cổ võ việc hợp tác với các nhà chức trách địa phương, với những nhà tổ chức và người lao động làm việc trong ngành du lịch, cũng như với những tổ chức khác liên quan đến ngành du lịch.
  10. Thiết lập một Ủy ban cấp Giáo phận chuyên lo việc chăm sóc mục vụ du lịch. Ủy ban này sẽ hợp tác và cổ võ việc chăm sóc mục vụ cho lĩnh vực này cũng như cho những chuyên viên thuộc mọi hạng người là thành phần trong thế giới du lịch này.

4. Các Giáo xứ

35. Giáo xứ “là một mô hình tông đồ cộng đồng đáng lưu ý, vì ở đó mọi người thuộc đủ mọi thành phần đều được liên kết nên một và được tiếp nhận trong tinh thần đại đồng của Giáo Hội” [61]. Đây là trường học đầu tiên về lòng hiếu khách, cách đặc biệt khi mọi người họp nhau để cử hành Ngày của Chúa [62]. Giáo xứ mở ra để đón tiếp những ai ghé thăm, và chuẩn bị những điều cần thiết để người giáo dân của mình đi du lịch. Trong giáo xứ, những ai được mời gọi chân thành sống làm chứng cho niềm tin của mình trong ngành du lịch tìm thấy được sự hỗ trợ.

Việc xem cộng đoàn giáo xứ là điểm gặp gỡ và hỗ trợ cho hoạt động mục vụ trước tiên hết cho thấy rằng, giáo xứ sẽ hiện diện tại những nơi diễn ra các hoạt động du lịch bằng các cơ cấu của mình. Dấu hiệu hữu hình của Giáo Hội và các trung tâm giáo xứ là cử chỉ cụ thể đầu tiên của lòng hiếu khách. Qua sự hiện diện này, giáo xứ mời gọi mọi du khách tham dự vào việc cử hành đức tin và tình hiệp thông huynh đệ.

Tuy nhiên, trong việc lên kế hoạch cho việc chăm sóc mục vụ du lịch, cộng đoàn giáo xứ không nên chỉ tính đến việc chào đón du khách, nhưng cũng cần chuẩn bị để giáo dân của mình làm nghề du lịch theo cách thức Kitô giáo cũng như hỗ trợ những ai hoạt động và làm việc trong lĩnh vực này.

Trong việc tiếp thu các mục tiêu được Giáo Hội địa phương đề ra, một vài sáng kiến cụ thể mà giáo xứ đảm nhận bao gồm những điều sau đây:

  1. Phát triển một nền giáo lý về thời gian nhàn rỗi và du lịch khi hoàn cảnh địa phương đòi buộc, cả cho người giáo dân địa phương lẫn khách du lịch.
  2. Khích lệ và triển khai hành động hỗ trợ và ngăn ngừa các nhóm người có thể là nạn nhân của những chuyến du lịch không đứng đắn hay những cư xử của khách du lịch.
  3. Cổ võ, chào đón và khích lệ hoạt động của các nhóm tông đồ đang dấn thân cho những người đang sống và làm việc trong ngành du lịch, thậm chí cả những người không ở trong chính giáo xứ.
  4. Huấn luyện một nhóm các giáo dân chuyên nghiên cứu và đề xuất các hoạt động mục vụ dành cho lĩnh vực du lịch.
  5. Thích nghi các dịch vụ sao cho phù hợp với nhu cầu của du khách tại những nơi có nhiều khách du lịch nhằm tạo điều kiện cho những cuộc tiếp xúc cá nhân, cử hành đức tin, cầu nguyện riêng, và làm chứng cho đức ái.
  6. Tạo ra những dịch vụ cụ thể dành người lao động làm việc trong ngành du lịch, theo giờ giấc và hoàn cảnh lao động của họ.
  7. Đề xuất những biện pháp thích hợp để du khách có thể tham dự Thánh lễ bằng ngôn ngữ hay truyền thống văn hóa riêng của họ, luôn luôn tôn trọng những cách bày trí phụng vụ còn hiệu lực.
  8. Cập nhật thông tin liên quan đến các dịch vụ của giáo xứ và liệu sao để du khách có thể tìm thấy những thông tin này trong khách sạn nơi họ ở, tại những quầy thông tin hay qua những phương tiện phân phối khác.

KẾT LUẬN

36. Du lịch là một dịp lý tưởng cho con người nhận thấy mình là một lữ khách trong không gian và thời gian: “Được tác sinh và quy tụ trong Thần Khí của Người, chúng ta đang tiến bước trong cuộc hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, một chung cục phù hợp với ý định yêu thương của Người: ‘thâu kết trong Chúa Kitô muôn loài trên trời dưới đất’ (Ep 1,10)”.[64] Giáo Hội noi theo hành trình gương mẫu của Thầy mình là Đức Giêsu Kitô [65], và dạy người ta nhận ra ơn gọi đích thực của họ. Thực vậy, trong tâm hồn mỗi người, sự không ngơi nghỉ sâu thẳm của thân phận Homo viator (lữ khách) được biểu lộ; niềm khao khát những chân trời mới được cảm nhận; niềm tin chắc chắn cho thấy rằng mục đích hiện hữu chỉ có thể đạt được trong sự vô hạn của Thiên Chúa [66].

Trong du lịch, cuộc tìm kiếm của con người trở nên rõ ràng hiển nhiên. Để thỏa mãn khao khát tìm hiểu con người và văn hóa khác, để thăng tiến kỹ năng cá nhân và để có được những trải nghiệm mới, con người sẽ không từ chối việc dành một phần thời gian nhàn rỗi để đi du lịch. Cuộc tìm kiếm này, vốn được thể hiện trong du lịch, không chỉ được thực hiện khi người ta tham gia vào những hành trình lớn hay những cuộc phiêu lưu nguy hiểm; mà còn đặc biệt rõ ràng trong những nỗ lực của các cá nhân hay các gia đình trong việc dành ra vài ngày để nghỉ ngơi chung với nhau, trong những bất tiện của một chuyến hành trình đi thăm người thân hay bạn bè, và trong sự hợp tác mà một cuộc đi chơi nhóm đòi hỏi.

Sau khi gặp gỡ Thiên Chúa trong những điều kiện tâm lý thuận lợi, trong vẻ đẹp của thiên nhiên và nghệ thuật, du khách sẽ cảm thấy cần phải thốt lên những lời như thánh Âu-tinh : “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và lòng chúng con khắc khoải biết bao cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” [67]. Và lời này nữa : “Lạy Chúa ! Con yêu Ngài quá muộn, ôi vẻ đẹp vừa rất cũ lại vừa rất mới, lạy Chúa, con yêu Ngài quá muộn ! Ngài ở trong con, còn con lại ở bên ngoài và đi tìm Ngài ở đó… Con đã nếm hưởng và giờ đây con đói khát Ngài” [68].

Sau khi mở ra tình huynh đệ phổ quát, cùng chia sẻ “một cuộc đối thoại giữa các nền văn minh và văn hóa nhằm xây dựng một nền văn minh tình thương và hòa bình,” [69] du khách sẽ đi vào lời thánh vịnh 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).

Cùng với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là hình ảnh Giáo Hội, hết thảy mọi du khách, sau khi chìm đắm trong vẻ đẹp của tạo hóa, sẽ ngợi khen Đức Chúa (Xc. Lc 1,46), và kể lại bao kỳ công Chúa đã làm (Xc. Hc 42,15-43,33), từ đó mang đến một sứ điệp về niềm hy vọng cho hết thảy anh chị em trong đại gia đình nhân loại.

Vatican, 29 tháng 06 năm 2001, đại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Tổng Giám mục STEPHEN FUMIO HAMAO

Chủ tịch

Tổng Giám mục FRANCESCO GIOIA
Tổng thư ký

 ————————-

Chú thích

[1] BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam tổng quát cho việc mục vụ du lịch (30/04/1969).

[2] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp ngày Quốc Tế Du Lịch năm 2000, 5.

[3] Những số liệu thống kê được cung cấp bởi Tổ Chức Du Lịch Quốc Tế (WTO), 30/01/2001.

[4] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 10.

[5] Ibid., 25.

[6] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II do Tông thư Inter sanctos (29/11/1979) tuyên bố T. Phanxicô Assisi  “bổn mạng các người bảo vệ sinh thái”.

[7] T. PHANXICÔ ASSISI, Bài ca vạn vật.

[8] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 23.

[9] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et spes, 35; x. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 26.

[10] Khi đề cập đến sự phát triển trong giai đoạn này (1960-1980), ĐGH GIOAN PHAOLÔ II viết: “Không thể nói rằng các kế hoạch tôn giáo, nhân văn, kinh tế và kỹ thuật đều là vô dụng, bởi vì chúng ta đã mang lại một vài thành quả. Nhưng nói chung, khi xét đến các yếu tố khác nhau, người ta không thể chối cãi được rằng tình trạng hiện thời trên thế giới, dưới phương diện phát triển, quả thật là tiêu cực” (Thông điệp Sollicitudo rei socialis [30/12/1987], 13).

[11] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ecclesia in Asia (6/11/1999), 39.

[12] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho Hàn lâm viện Giáo hoàng về các Khoa học xã hội (28/4/2001), 2.

[13] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới 1998, 3.

[14] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Dies Domini (31/5/1998), 10.

[15] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 21.

[16] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Bài giảng tại sân vận động Funchal, đảo Madeira, Bô-đào-nha (12/5/1991), 6.

[17] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Dies Domini (31/5/1998), 38.

[18] Ibid., 68.

[19] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Tertio millennio adveniente (10/11/1994), 57.

[20] Các Kitô hữu tiên khởi coi hiếu khách như là một nghĩa vụ căn bản và một trong những biểu hiệu chân thực nhất của đức bác ái. Hiếu khách được xem như một nhân đức nhân bản và Kitô giáo quan trọng nhất, chứng tá của đời sống cộng đồng, một quyền lợi bất khả xâm phạm của ngoại kiều, một con đường dẫn đến Thiên Chúa, một món quà từ trời, một cơ hội làm việc thiện và xóa bỏ tội lỗi (x. T. GREGORIÔ NAZIANZEN, Orat. 8,12: SCh 405,270; T. AMBROSIÔ, De Abrah. I,5,32-30: PL 14, 456-459; T. MAXIMUS TURIN, Serm. 21, 1-2: CCL 23, 79-81; T. GREGORIÔ CẢ, Hom. In Evang.II,23,2: PL 76, 1183).

[21] Chúng ta hãy nhớ lời khen của T. CLEMENTÊ ROME: “Thử hỏi có người nào có thể trọ ở nhà của anh em mà lại không nhìn nhận đức tin của anh em được trang hoàng với đủ thứ đức hạnh, không thán phục lòng đạo đức khôn ngoan và đáng mến của anh em, không tán dương lòng hiếu khách quảng đại của anh em?” (Ep. Ad Corint. 1,2: SCh167,101).

[22] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 14.

[23] Thánh Thể là “dấu hiệu hợp nhất” và là “mối dây đức ái” (T. AUGUSTINÔ, In Ioan. Tract. 26:13: PL 35,1613); x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen gentium 3,11).

[24] Trong bối cảnh này, cần nhắc lại rằng trong Quy Tắc Tổng quát Sách Lễ Rôma (20/4/2000) trong số những người thi hành một chức vụ phụng vụ, có kể đến người đứng ở cửa nhà thờ để đón tiếp và chăm sóc các tín hữu (x. số 105d.).

[25] X. Bộ Giáo luật, điều 225.

[26] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2.

[27] X. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ MỤC VỤ DI DÂN VÀ LỮ HÀNH, Đền thánh, ký ức, hiện diện và loan báo Thiên Chúa hằng sống (8/5/1999), 6.

[28] Đặc biệt khi viếng Đất Thánh, con người có thể gặp thấy dung nhan ẩn kín và huyền nhiệm của Thiên Chúa qua những chứng tích thầm lặng của Đức Kitô, tựa như những nơi chốn và đồ vật, và có thể hiểu biết Lời Chúa hơn. Thánh Hierônimô khẳng định: “Cũng tựa như ta có thể hiểu các sử gia Hy-lạp hơn khi ta đã viếng thăm thành phố Athenes, và quyển thứ ba của ông Virgiliô khi đã đi thuyền từ Troad… đến Sicilia và từ đó đến cửa sông Tevere, thì ta cũng hiểu Kinh thánh hơn khi đã thấy tận mắt xứ Giuđea và đã ngắm nhìn các tàn tích của những thành phố cổ” (Nhập đề sách Biên niên: PL 29,423).

[29] X. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN HÓA, Về mục vụ văn hóa (23/5/1999), 37.

[30] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ecclesia in Asia (6/11/1999), 31.

[31] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Tuyên ngôn Nostra aetate (28/10/1965), 2.

[32] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 13.

[33] Nhờ vậy có thể thực hiện điều mà T. GIOAN KIM KHẨU ước mong: “Tâm trí chúng ta được nâng cao hơn, linh hồn chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, việc dấn thân của chúng ta trở nên vững chắc hơn, đức tin của chúng ta trở nên hăng hái hơn” (De Droside martyre 2: PG 50,685B); Khi viết về thánh Simeon Cột, THEODORET CYRUS tuyên bố: “Kẻ nào đến như đi xem kịch thì trở về học thêm những điều linh thiêng” (Hist. Relig. 26,12: SCh 257, 188).

[34] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Kinh Truyền tin, Castel Gandolfo (1/8/1999).

[35] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris missio (7/12/1990), 82.

[36] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi người cao niên (1/10/1999), 16.

[37] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus annus (May 1, 1991), 42.

[38] Ibid., 31.

[39] Ibid., 36. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II nói rõ: “Tôi đang nói đến sự kiện là kể cả quyết định đầu tư tại chỗ này hơn là ở chỗ khác, trong một ngành sản xuất này hơn là ngành khác, thì luôn là một sự lựa chọn luân lý và văn hóa”.

[40] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 1990, 15.

[41] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp Ngày thế giới Truyền thông xã hội 1981, 3.

[42] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et spes, 3.

[43] Ibid., 40.

[44] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn cho các giám mục vùng Liguria (5/1/1982), 5.

[45] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen gentium, 32.

[46] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 1.

[47] ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975), 40.

[48] Ibid., 63 (x. 59-64).

[49] X. ĐGH PIÔ XII, Diễn từ cho Hội nghị quốc tế “Skal-clubs” (29/10/952).

[50] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho Hội nghị quốc tế về mục vụ du lịch lần III (9/10/1984).

[51] ĐGH PHAOLÔ VI, Tông thư Apostolicae caritatis (19/3/1970).

[52] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông hiến Pastor bonus (28/6/1988), 151.

[53] Điều này không đụng đến thẩm quyền của Phân Bộ II của Phủ Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, như đã được ấn định trong tông hiến Pastor bonus điều 46.

[54] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Christus Dominus, 37.

[55] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Apostolos suos (21/5/1998), 22.

[56] Bộ Giáo luật, điều 447.

[57] Bản chất và sứ mạng của các Trung Tâm này được mô tả bởi HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN HÓA trong Mục vụ về Văn hóa (23/5/1999), 32.

[58] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CỖ VŨ SỰ HỢP NHẤT CÁC KITÔ HỮU, Kim chỉ nam về Đại kết (25/3/1993), 102-142, 161-162.

[59] X. Bộ Giáo luật, điều 451.

[60] X. Bộ Giáo luật, điều 459, 511.

[61] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 10.

[62] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Dies Domini (31/5/1998), 35-36.

[63] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn cho Bộ Giáo sĩ (20/10/1984), 6.

[64] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et spes, 45.

[65] X. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ MỤC VỤ DI DÂN VÀ LỮ HÀNH, Lữ hành trong Năm Toàn xá 2000 (25/4/1998), 9-11.

[66] Cf. Ibid., 24-31.

[67] T. AUGUSTINÔ, Confessiones, 1,1,1: CSEL 33,1.

[68] T. AUGUSTINÔ, Confessiones, 10, 27, 38: CSEL 33, 255 1,1,1: CSEL 33,1.

[69] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp ngày quốc tế du lịch năm 2001, 5.

[70] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen gentium, 63.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here