Những hướng dẫn của Huấn quyền về chuyên môn của tâm lý học và sử dụng vào việc chuẩn bị các linh mục tương lai

0
968

Những hướng dẫn của Huấn quyền
về chuyên môn của tâm lý học
và sử dụng vào việc chuẩn bị các linh mục tương lai

TGM Angelo Vincenzo Zani

Trích Thời sự Thần học, số 83 (tháng 2/2019), trang 140-165.

Đây là bài thuyết trình tại cuộc hội thảo về “Đời sống thánh hiến và tâm lý học”, tổ chức tại học viện Tác giả là Tổng thư ký Bộ Giáo dục Công giáo

Nội dung

1. Khung cảnh xã hội-văn hóa và gia đình

1.1 Tính khẩn trương của việc giáo dục

1.2 Khủng hoảng của hy vọng và khủng hoảng của gia đình

2. Những lý do cho một “nhân luận cơ bản” về ơn gọi: sự cần thiết của một sự đào tạo nhân bản vững chắc

3. Những lý do của một “nhân luận hướng về Thiên Chúa và Đức Kitô” của ơn gọi: căn tính của linh mục (và tu sĩ)

3.1 Linh mục, người mục tử và tôi tớ của Hội thánh

3.2  Linh mục: con người hiệp thông

4. Tầm quan trọng và chân dung các nhà đào tạo

5. Những kết luận

a) Tác động căn bản của ân sủng trong việc phân định ơn gọi

b) Trưởng thành nhân bản để gắn bó với Chúa Kitô

c) Vai trò phụ trợ của các ngành tâm lý học

d) Hai thời điểm có thể sử dụng các chuyên viên tâm lý

e) Những điều kiện cho việc chọn lựa các chuyên gia

f) Đặc trưng của việc linh hướng

g) Vai trò của các nhà đào tạo và sự cần thiết phải được chuẩn bị cân xứng

h) Sự hợp tác giữa các nhà đào tạo, các chuyên viên và ứng sinh

i) Những thông tin của ứng sinh về việc phân định ơn gọi và đào tạo

l) Trách nhiệm cuối cùng trong việc nhìn nhận và xác định ơn gọi

Kết luận

Viết tắt. TLH = Tâm lý học. PDV = Pastores dabo vobis

Trong bài phát biểu này, tôi muốn trình bày những văn kiện của Huấn  quyền về sự sử dụng TLH vào việc đào tạo các linh mục tương lai. Có ba văn kiện quan trọng mà tôi sẽ quy chiếu: 1/ Tông huấn hậu-thượng-hội-đồng Pastores dabo vobis của ĐTC Gioan Phaolô II (25/3/1992). Kế đó là hai văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo:  2/ Chỉ nam về việc chuẩn bị các nhà đào tạo tại các chủng viện (1993). 3/ Những định hướng về việc sử dụng sự hiểu biết TLH vào việc thâu nhận và đào tạo các ứng sinh làm linh mục (2008). Dĩ nhiên các văn kiện trên đây giả thiết những quy định của Bộ Giáo luật về đề tài này. Việc sử dụng TLH liên quan chặt chẽ với đề tài ơn gọi và với trách nhiệm tế nhị của các nhà đào tạo phải phân định những dấu chỉ của “tiếng Chúa gọi” được tỏ lộ nơi những con người chịu ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa và xã hội tiêu cực của nơi mà họ sinh sống.

1. Khung cảnh xã hội – văn hóa và gia đình

Chúng ta bắt đầu với chủ đề phân định. Tất cả số 10 của tông huấn Pastores dabo vobis  được dành cho việc phân định theo Phúc âm. Văn kiện tuyên bố rằng “để huấn luyện các linh mục xứng tầm cỡ với thời buổi hôm nay, có khả năng loan báo Tin mừng cho thế giới hiện đại”, cần phải hiểu biết và giải thích tình trạng nơi họ đang sống, không giấu giếm những khó khăn. Bản văn trích dẫn số 4 của Gaudium et spes, nói đến “bổn phận thường xuyên của Giáo hội phải dò xét những dấu chỉ thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng Tin mừng”. Vì thế, cần phải am tường “khung cảnh chính xác và cụ thể của những hoàn cảnh xã hội – văn hóa và Giáo hội và giải thích chúng để hiểu rõ những hàm hồ và mâu thuẫn, những khó khăn và những yếu tố tiêu cực chen lẫn với những tiềm năng và lý do hy vọng.

Tuy nhiên, đối với người tín hữu, việc phân tích và giải thích thực tại lịch sử và những điều kiện sinh sống của  con người mang một danh xưng và một chức năng độc đáo: sự phân định theo Tin mừng, nghĩa là một cách thức nhận biết thực tại “dưới ánh sáng và sức mạnh của Tin mừng, Tin mừng sống động của một nhân vật là Đức Giêsu Kitô”. Điều này có nghĩa là trong những hoàn cảnh lịch sử và trong những diễn biến của cá nhân, cần phải nắm bắt không chỉ là một “dữ kiện” đáng ghi nhận, nhưng là một “nhiệm vụ”, một “thách đố” được móc nối với một “tiếng gọi” của Thiên Chúa được phát ra qua hoàn cảnh lịch sử.

Thượng-hội-đồng giám mục năm 1990, bàn về việc đào tạo linh mục đứng trước những thách đố vào cuối thiên niên kỷ, đã muốn trả lời cho những câu hỏi được đặt lên do khung cảnh xã-hội văn-hóa và giáo-hội hiện nay đối với các bạn trẻ đang chuẩn bị làm linh mục.

Trong cố gắng phân tích những đặc tính của khung cảnh hiện nay của nơi mà các ứng sinh gia nhập chủng viện xuất thân, người ta nhận thấy rằng họ là những bạn trẻ của thời thế, giống như các bạn trẻ đồng tuổi, mang trong mình những phản ánh của văn hóa đương thời và những lối sống đang được phổ biến[1].

Nói chung, những hệ quả của tâm thức này và của một vài kinh nghiệm trước khi vào chủng viện (x. số 5d) đã ảnh hưởng đến nhân cách của ứng sinh, cách riêng về sự trưởng thành tình cảm, đôi khi gây ra tính tình dòn mỏng, quyết định tạm bợ, và ngập ngừng về ơn gọi. Những vấn đề này không chỉ xuất hiện vào lúc gia nhập chủng viện, mà đôi khi còn biểu lộ trầm trọng hơn nữa vào lúc trước khi lãnh chức linh mục.

Vì thế, việc phân định ơn gọi giả thiết sự hiểu biết khung cảnh xã-hội văn-hóa và khả năng tác dụng của nó trên tâm thức của các ứng sinh linh mục, và đôi khi tạo ra những vết thương hoặc những khó khăn làm cản trở khả năng tiến triển của hành trình huấn luyện linh mục[2].

1.1 Tính khẩn trương của việc giáo dục

Việc phân tích khung cảnh xã-hội văn-hóa thời đại đòi hỏi nhiều thời gian, nhất là để nêu bật những đặc tính có ảnh hưởng lớn đối với tiến trình đào tạo. Tuy vậy tôi nghĩ là một ý tưởng chủ đạo tóm tắt những vấn đề nhiêu khê mà các nhà đào tạo phải đối diện hàng ngày và ĐTC Bênêđictô XVI thường nhắc đi nhắc lại trong các bài diễn từ.

Ngày nay công tác giáo dục càng gặp khó khăn hơn nữa bởi vì chúng ta phải đối diện với một tình trạng giáo dục đang chi phối xã hội dân sự cũng như giáo hội. Trách nhiệm của tình trạng này là nền văn hóa mà chúng ta đang sống bị thống trị bởi thuyết duy-tương-đối (relativismo). Hiện tượng này ảnh hưởng một cách tiêu cực đến công cuộc giáo dục bởi vì nó muốn gạt bỏ Thiên Chúa, loại trừ những cam kết vĩnh viễn, và cổ võ sự khẳng định bản thân và các thỏa mãn ngay tức thời[3].

Con người hậu-hiện-đại, dưới ảnh hưởng của thuyết duy-tương-đối, gặp thấy khó khăn lớn để đạt được một khái niệm toàn diện về chính mình, vể tương quan với thế giới và với Thiên Chúa. Tiếp theo sự phân mảnh về thực tại, hệ quả của viễn tương duy-tương-đối, là sự phân mảnh trong đời sống nội tâm của con người. Năm 2003, thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo hiện tượng phân mảnh của hiện sinh. Sự phân mảnh này một đàng phát sinh những thái độ kép kín tự kỷ, dù là cá nhân hay phe nhóm, và tìm kiếm những lợi ích và đặc ân cho mình[4]. Mặt khác, sự phân mảnh đó là nguồn gốc của những động lực gây ra sự xáo trộn không những trong lãnh vực trí tuệ mà còn liên quan đến tình cảm và tương quan liên-bản-vị nữa.

Tình trạng này khiến cho công cuộc giáo dục trở nên cam go, gây nhiều khó khăn trong gia đình, trường học và mọi cơ sở giáo dục, kể cả chủng viện. Trong những điều kiện ấy, để cho việc giáo dục được hữu hiệu, các nhà đào tạo cần phải được trang bị chu đáo hơn, học cách làm việc không phải đơn thương nhưng với tinh thần đồng đội, qua việc chia sẻ cho nhau những sáng kiến, những kinh nghiệm tiêu cực và tích cực đang trải qua, và nhất là cập nhật liên lỉ nhờ những sự hỗ trợ tâm linh và nghề nghiệp.

1.2 Khủng hoảng của hy vọng và khủng hoảng của gia đình

Ở cuối bức thư gửi cho giáo phận Roma vào năm 2008, đề cập đến tính cách khẩn trương của việc giáo dục, ĐTC Bênêđictô XVI đã nói đến niềm hy vọng Kitô giáo như là linh hồn của việc giáo dục và của tất cả cuộc sống, Ngày nay, niềm hy vọng gặp phải nhiều trở ngại để thâm nhập vào cuộc sống, và thậm chí nhiều người thành niên sống mà không có hy vọng: “Chính đây là nguồn gốc của sự khó khăn sâu xa nhất của công cuộc giáo dục: thực vậy, ở cội nguồn của cuộc khủng hoảng giáo dục là cuộc khủng hoảng của sự tin tưởng trong đời sống” và do đó, là cuộc khủng hoảng của niềm hy vọng.

Cuộc khủng hoảng hy vọng, và hệ luận là nỗi lo sợ đương đầu với tương lai, đã xâm chiếm trọn vẹn các thế hệ trẻ. Một sự biểu lộ của nỗi lo lắng của các bạn trẻ chính là thái độ chống đối và thậm chí khước từ những sự lựa chọn triệt để.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đi tới ngọn nguồn của tính cách khẩn trương của việc giáo dục và của cuộc khủng hoảng của niềm hy vọng, thì cần phải nhắc đến cuộc khủng hoảng của gia đình. Gia đình vốn được xem như “trường học của đời sống và tình yêu”, “khung cảnh ưu tiên nơi mà con người học biết cách trao ban và đón nhận tình yêu”[5], sự tan rã của định chế bất khả thay thế này vốn làm “trung gian giữa cá nhân và xã hội” đã làm hủy hoại việc luyện tập các thế hệ mới về tình cảm, trọng tâm của nhân cách, về khả năng thiết lập những tương quan lành mạnh giữa các chủ vị, về sự trao hiến bản thân, về sự quý trọng giá trị của hy sinh và tự chủ, về sự thực hành tự do có trách nhiệm, và sau cùng, về sự phát triển khả năng yêu thương nhờ cảm nghiệm được yêu thương[6].

Khoảng trống rỗng gây ra bởi sự tan rã của đời sống gia đình được bù trừ bằng cái logic tìm kiếm sở thích cá nhân, tự do luyến ái, được tuyên truyền bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Các thế hệ trẻ lớn lên trong bầu khí giàu tưởng tượng, khoái cảm, nhưng không quan tâm đến các giá trị luân lý hoặc nguyên tắc của tôn giáo[7].

Những khía cạnh của văn hóa vừa nói cũng đã để lại dấu ấn nơi bản thân các ứng sinh linh mục. Vì thế cần phải phát triển nơi các bạn trẻ niềm tin tưởng vào hiện tại và tương lai, và trong một viễn tượng Kitô giáo, cần duy trì niềm tin vào một thế giới siêu việt, mở rộng  đến những khát vọng thâm sâu nhất của cuộc đời. Niềm hy vọng, được nuôi dưỡng bằng chiều kích tôn giáo, mở ra một chân trời mới do đức tin mang lại, và cung cấp cho con người khả năng phóng mình lên cùng Thiên Chúa là Tình yêu.

2. Những lý do cho một “nhân luận cơ bản” về ơn gọi: sự cần thiết của một sự đào tạo nhân bản vững chắc

Liên quan đến đề tài đang bàn, điểm thứ hai được Huấn quyền nhắc đến là ơn gọi và những ngăn trở đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô. Điều này được bàn trong các số 34-37 của PDV. Khía cạnh này quan trọng bởi vì mỗi khi nói đến ơn gọi đi theo Chúa Kitô thì đương nhiên phải đề cập đến mối dây liên kết chặt chẽ giữa ân sủng của Chúa và trách nhiệm của con người. Thực vậy, trong cảm nghiệm “hãy đến và đi theo Tôi” (nghĩa là tiếng gọi của Chúa và sự đáp trả), gói ghém tất cả động cơ của ơn gọi và sự tiến triển của nó, được diễn ra qua ba chặng: tìm kiếm Chúa Giêsu, đi theo Người, ở lại với Người. Đây là toát yếu của toàn thể khuôn mẫu của mục vụ ơn gọi, nghĩa là trách vụ của Giáo hội trong việc chăm sóc sự nảy sinh, sự phân định và đồng hành của tất cả mọi ơn gọi và của ơn gọi linh mục.

Phàm ai được Chúa kêu gọi và muốn chuẩn bị lãnh tác vụ thì cần phải mang lại sự hợp tác cá biệt, xác tín và thân tình của mình[8], tin tưởng phó mình cho những nhà đào tạo được Giáo hội ủy thác, trong việc phân định khởi đầu cũng như trong chặng đường đào tạo kế tiếp. Nhờ vậy, anh ta tập sẵn sàng đi theo Chúa Kitô Mục tử mỗi ngày.

Trong bối cảnh này, điều cơ bản là ứng sinh linh mục phải đặt mình vào tư thế đón nhận ơn gọi, bằng cách chấp nhận những quy tắc và điều kiện do Giáo hội đặt ra, chứ không áp đặt các điều kiện theo sở thích riêng tư của cá nhân[9]. Đây là đề tài cơ bản của sự tự do là yếu tố cốt yếu của ơn gọi. “Quyết định tự do tối thượng của Thiên Chúa kêu gọi con người đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối, không thể nào được cưỡng bách bằng bất cứ cách nào và không thể thay thế bằng bất cứ quyết định nào của con người. Ơn gọi là một hồng ân […] chứ không phải là một quyền lợi”[10].

Trong ơn gọi, cùng một lúc rực sáng tình yêu ban không của Thiên Chúa và đề cao sự tự do của con người: tự do để gắn bó với tiếng gọi và phó thác cho ngài. Thực ra ân sủng và tự do không đối nghịch nhau. Và nếu một đàng không được phép gây trở ngại cho ân sủng của Chúa, thì đàng khác, cũng không được phép xúc phạm đến tính nghiêm túc đặt ra cho sự tự do của con người (PDV 36). Sự tự do là một yếu tố cốt yếu cho ơn gọi: một sự tự do đáp lại tiếng gọi, với đặc điểm là gắn bó sâu xa, xả than, trao hiến.

Mỗi khi lượng định một ơn gọi, cần phải biết rằng có những ngăn trở có thể làm tắc nghẽn hoặc bóp nghẹt sự tự do đáp ứng của con người. Văn kiện “Hướng dẫn sư phạm trong việc huấn luyện sự độc thân linh mục” của Bộ Giáo dục Công giáo (ngày 11/4/1974) nhìn nhận rằng “những sai lầm trong việc phân định ơn gọi không phải là họa hiếm, và rất nhiều bất cập tâm lý, mang tính bệnh hoạn, chỉ phát hiện sau khi chịu chức linh mục. Một sự phân định kịp thời đã có thể giúp tránh được bao thảm họa”[11].

Thực vậy, việc đào tạo linh mục cần phải đối diện một đàng với những biểu hiện của sự mất quân bình đâm rễ trong tâm hồn của con người, một đàng với những khó khăn của sự phát triển tiệm tiến các nhân đức nhân bản và tương quan. Nhận xét này đã khiến cho Bộ Giáo dục nghĩ rằng, “trong những trường hợp ngoại thường, gặp những khó khăn đặc biệt, việc nại đến các chuyên gia tâm lý học có thể hữu ích cho ứng sinh, hoặc trước khi được nhận vào chủng viện hoặc trên tiến trình đào tạo[12].

Huấn quyền đã đưa ra một lời khẳng định đặc biệt quan trọng, liên quan đến đào tạo các ứng sinh đạt được sự trưởng thành nhân bản, có khả năng lãnh trách nhiệm, nhất quán, biết tự chủ, quân bình trong tương quan, vv.

Thực vậy, văn kiện đòi hỏi ứng sinh phải biết sống tình cảm cách phong phú qua việc trao hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân, cách riêng cho những người đau khổ[13]; biết vượt thắng những thương tích có thể trở thành chướng ngại cho “việc nội tâm hóa cách sâu xa và bền vững nếp sống của Chúa Kitô là Mục tử nhân lành, Thủ lãnh và Lang quân của Hội thánh[14]; có thể sống đức khiết tịnh độc thân mà không làm mất sự quân bình tình cảm và tương quan[15]; hiểu biết tường tận hơn về bản thân, về những tiềm năng và nhược điểm của mình, bằng cách đối chiếu tư cách của mình với những lý tưởng mà Giáo hội đề ra; cảm thấy được thúc đẩy tiến đến một sự gắn bó, cá vị, tự do và ý thức[16].

Qua những đòi hỏi vừa kể, ta có thể thấy rằng, trong viễn ảnh của chức linh mục, việc đào tạo nhân bản không thể nào tách khỏi việc đào tạo tâm linh. Ngoài ra, việc đào tạo nhân bản cần liên kết với chiều kích mục vụ trong cuộc đời linh mục tương lai.

3. Những lý do của một “nhân luận hướng về Thiên Chúa và Đức Kitô” của ơn gọi: căn tính của linh mục (và tu sĩ)

Một khía cạnh thứ ba, thu tóm hai khía cạnh kia, liên quan đến tính cách triệt để của Tin mừng mà ứng sinh linh mục cần có. Thực vậy, theo như PDV viết ở số 27: “đối với tất cả mọi Kitô hữu, không trừ một ai, tính cách triệt để của Tin mừng là một yêu sách căn bản và không thể từ khước, phát sinh từ lời mời của Đức Kitô hãy đi theo và bắt chước Người, nhờ sức mạnh của  cuộc hiệp thông sự sống khắng khít với Người do Thánh Linh tác động”. Tuy vậy, yêu sách này càng trở nên thiết yếu đối với các linh mục, bởi vì “không những họ ở trong Hội thánh, mà còn trước mặt Hội thánh, xét vì họ được thụ phong để làm họa hình Chúa Kitô là Thủ lãnh và Mục tử”.

Trong tính cách triệt để của Tin mừng, có nhiều nhân đức và yêu sách luân lý cần nổi bật nơi cuộc sống mục vụ và tâm linh của linh mục: đức tin, đức khiêm nhường, đức từ bi, đức khôn ngoan, vv. Tính cách triệt để của Tin mừng được biểu lộ qua “ba lời khuyên Tin mừng” mà Chúa Giêsu đã đề ra trong Bài giảng trên núi: vâng lời, khiết tịnh, thanh bần. Linh mục được kêu gọi sống các lời khuyên ấy theo cách thức phát sinh từ căn tính của chức linh mục.

Việc suy tư về bối cảnh hiện nay, những nhận xét về tính khẩn trương của việc giáo dục và sự cần thiết phải cập nhật các lộ trình đào tạo đưa chúng ta đến một điểm then chốt giúp cho việc hiểu biết lý do vì sao phải nại đến các chuyên gia tâm lý học trong tiến trình phân định ơn gọi và đào tạo linh mục. Đó là cần phải có một ý tưởng rõ rệt về căn tính linh mục, dọc theo tiến trình đào tạo, như được tóm kết trong những dòng đầu tiên của văn kiện Bộ Giáo dục Công giáo năm 2008 bàn về việc sử dụng tâm lý học: “Tác vụ linh mục, được hiểu và sống như là họa hình Đức Kitô Lang Quân, Mục Tử Nhân Lành, đòi hỏi những đức tính cũng như các nhân đức luân lý và các nhân đức hướng Chúa, được nâng đỡ bởi sự quân bình về nhân bản và tâm lý, đặc biệt là về tình cảm, nhờ thế chủ thể có thể sẵn sàng dâng hiến bản thân cách thực sự tự do trong tương quan với các tín hữu trong nếp sống độc thân”[17].

Tất cả công cuộc đào tạo phải kèm theo ứng sinh “ngõ hầu nhân cách của họ trở nên nhịp cầu chứ không phải là rào cản cho những người khác đến gặp gỡ Chúa Giesu Kito, Đấng Cứu chuộc nhân loại”[18]. Từ đó ta có thể hiểu được rằng trong việc phân định, Hội thánh được thúc đẩy bởi hai mối quan tâm: bảo đảm thiện ích của sứ mệnh của Hội thánh, và đồng thời thiện ích của các ứng sinh[19]. Hai khía cạnh này cần phải ăn khớp với nhau, và các vị hữu trách trong việc đào tạo có nhiệm vụ duy trì sự hài hòa, luôn biết nhìn chúng lệ thuộc lẫn nhau[20].

Tôi muốn dừng lại vắn tắt ở hai đặc tính căn bản làm nên chân dung của linh mục: hai đặc tính này dùng làm tiêu chuẩn cho việc phân định cũng như cho công cuộc hài hòa giữa sứ mạng của Hội thánh và các đòi hỏi của ứng sinh linh mục.

3.1 Linh mục, người mục tử và tôi tớ của Hội thánh

Nhờ sự thánh hiến của Chúa Thánh Linh qua bí tích truyền chức, “các linh mục được kêu gọi nối dài sự hiện diện của Chúa Kitô, vị mục tử tối cao và duy nhất, bằng cách làm hiện thực lối sống của Người và ra như trở thành sự hiện diện của Người giữa lòng đoàn chiên được ủy thác cho mình”[21].

Vì thế linh mục được mời gọi quản trị và hướng dẫn cộng đoàn mà mình lãnh đạo theo mẫu gương của Chúa Giêsu (x. Ga 13,12-15), “kẻ đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và ban mạng sống để cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Do đó, toàn thể đời sống tâm linh của linh mục cần được nhào nắn bởi “đức ái mục tử” của Chúa[22]. Hơn nữa tác vụ quyền bính còn đòi hỏi một “tổng bộ hài hòa” của các đức tính: linh mục, Kitô hữu, nhân bản. Trong các đức tính ấy, tôi muốn nêu bật vài điểm chính[23]

Đáng tin cậy về đạo lý và phán đoán. Điều này bao hàm sự hiểu biết toàn diện, hệ thống về sứ điệp cứu độ, phù hợp với giáo huấn Hội thánh. Thẩm quyền chuyên môn về “thần học” cần được kết hợp với lối sống “đối thần”, và “nghệ thuật giải thích cuộc đời, nghĩa là biết nắm bắt ý nghĩa cứu độ của các biến cố. Khả năng này đòi hỏi một sự tập luyện cá nhân và cộng đoàn, với ý thức cao độ về sự “thuộc về” Hội thánh và ngoan ngoãn với Thánh Linh. Trong sứ mạng “tiếp đón”, “suy tư” và “phát biểu” chân lý, linh mục phải như ngọn đèn hải đăng không bị chìm ngập bởi những đợt sóng của cảm tính, và tiếp tục chiếu sáng giữa những phong ba cuộc đời.

– Cởi mở trong tương quan với hết mọi giới, bởi vì linh mục là người điều hành một cộng đoàn với đủ mọi sắc thái tâm lý và tính tình.

– Những người rao truyền Lời cũng phải là những người giữ lời: nhất quán giữa lời nói và hành động (x. Mt 5,37), vì thế cần phải tránh những lối nói quanh co và những quyết định nông nổi.

 – Duy chỉ kẻ nào “là” Hội thánh thì mới có thể “làm” Hội thánh. Bởi vậy người điều hành cộng đoàn sẽ xây dựng nó khi biết để cho Thiên Chúa “cắt tỉa” (x.Ga 15,2), nhắm đến sự đoàn kết, bằng việc tiêu hao chính mình (x.2Cr 12,15) vì lòng yêu mến anh chị em.

3.2. Linh mục: con người hiệp thông

Tính tương quan nằm trong căn tính của linh mục[24] đòi hỏi nỗ lực phải bảo đảm tính duy nhất giữa đa đoan, cả trong bản thân cũng như trong các công việc, nếu không muốn cho cuộc đời bị xâu xé. Linh mục được mời gọi “tạo sự hiệp thông” trong nội tâm của mình cũng như trong cộng đồng tín hữu[25].

Thật là đúng khi sống trong Hội thánh, linh mục trở thành “con người của hiệp thông”[26]; nhưng cũng thật là đúng khi sống hiệp thông, linh mục mới có thể góp phần vào việc xây dựng Hội thánh như là Thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô. Đây là nền tảng của “linh đạo hiệp thông” mà linh mục phải vun trồng trong khi thực hành đức ái mục tử[27].

4. Tầm quan trọng và chân dung các nhà đào tạo

Đến đây, cần phải nêu bật tầm quan trọng căn bản của các nhà đào tạo trong trách vụ tế nhị của việc phân định và sử dụng tâm lý học, và đo đó các nhà đào tạo cần được chuẩn bị cân xứng trong phạm vi sư phạm ơn gọi.

Thật vậy, các yếu tố xã hội -văn hóa mà chúng ta đã mô tả và rất phổ biến trong tâm thức của các bạn trẻ đã khiến cho trọng trách  của chủng viện, và của các nhà đào tạo, trở nên khó khăn hơn. Và có lẽ đây là một trong những lý do khiến cho các giám mục rất vất vả để tìm được những linh mục sẵn sàng chấp nhận thi hành tác vụ linh mục trong vai trò đào tạo ở chủng viện.

Đàng khác, cần phải nói rằng, cũng tương tự như trong lãnh vực sư phạm nói chung, người ta phải cố gắng suy tư và nghiên cứu những mô hình mới cho việc giáo dục (chẳng hạn các trường trung học và đại học), các nhà đào tạo ở các chủng viện cũng cần cố gắng để tìm ra những phương thức, lộ trình tương xứng  để đáp ứng với những nhu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay.

Giáo hội có một gia sản phi thường về kinh nghiệm giáo dục đã được chin muồi trải qua dòng thời gian. Thiết tưởng cần phải vận dụng những yếu tố cấu thành gia sản phong phú về giáo dục, nhưng đồng thời cũng cần phải nhạy bén trước những “dấu chỉ thời đại” nổi bật trong văn hóa ngày nay,

Chúng ta có thể tìm thấy những hướng dẫn hữu ích về công cuộc đào tạo và về các nhà đào tạo trong Bộ giáo luật (các điều 232-263) và tông huấn Pastores dabo vobis (cách riêng các số 60,65-68 về cộng đoàn đào tạo và những tác nhân đào tạo).

Ngoài ra, còn có những hướng dẫn rải rác trong các văn kiện do Bộ Giáo dục Công giáo phát hành kể từ công đồng Vaticanô II đến nay, trong đó căn bản nhất là “Chỉ nam về việc chuẩn bị các nhà đào tạo tại các chủng viện”, ngày 4/11/1993, liền sau tông huấn Pastores dabo vobis.

Về việc chọn lựa các nhà giáo dục, Giáo hội tỏ ra rất nghiêm ngặt, đặc biệt nhắc lại những gì công đồng đã nói trong sắc lệnh Optatam totius: “Các bề trên và các giáo sư chủng viện cần được chọn lọc trong những thành phần ưu tú” (số 5).

Những đức tính đòi hỏi nơi những nhà giáo dục đã được mô tả trong Pastores dabo vobis Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis và được liệt kê ở chương 3 của Chỉ nam, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến tinh thần đức tin mạnh mẽ, ý thức sống động về chức linh mục và việc mục vụ, bền vững trong ơn gọi, cảm thức trong sáng về Giáo hội, dễ dàng tiếp xúc, tài lãnh đạo, sự quân bình chín chắn về tâm lý, cảm xúc và tình cảm, trí thông minh kèm theo đức khôn ngoan sáng suốt, biết trau dồi cả tâm và trí, khả năng hợp tác, hiểu biết tường tận về tuổi trẻ và tinh thần cộng đồng (x. các số 26-42)[28].

Bên cạnh lương tri,  còn cần có khả năng chuyên môn để có thể thực hiện việc quan sát tường tận các ứng sinh, ngõ hầu nhận ra các khả năng, khuynh hướng nào cần được vun trồng, và những khuynh hướng nào cần phải loại trừ, những nét đặc thù làm nên nhân cách của họ. Về điểm này, cần nhớ rằng sự giáo dục tại chủng viện không bao giờ mang tính trung lập, nhưng cần phải được kín múc tại các nguyên tắc của khoa sư phạm và nhân luận Kitô giáo.

5. Những kết luận

Để kết luận, tôi muốn liệt kê một vài yếu tố căn bản cần quan tâm liên quan đến việc sử dụng tâm lý học dưới ánh sáng của văn kiện do Bộ Giáo dục Công giáo soạn thảo.

a) Tác động căn bản của ân sủng trong việc phân định ơn gọi

Chức linh mục là hoa trái của một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa, vì thế “ơn gọi linh mục và sự phân định ơn vượt ra ngoài thẩm quyền của tâm lý học”[29]. “Tác động căn bản của ân sủng”[30] không thể nào được thay thế trong tiến trình phân định ơn gọi của ứng sinh[31]. Tuy vậy, có một mối liên lạc chặt chẽ giữa sự quân bình nhân bản và tâm lý cần thiết với những đức tính tâm linh không thể nào thiếu trong tiến trình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, điều cốt yếu cho việc thi hành tác vụ linh mục cách bình thường[32]

b) Trưởng thành nhân bản để gắn bó với Chúa Kitô một cách tự do và ý thức

Toàn bộ công cuộc  đào tạo nhân bản ở chủng viện hướng đến sự tăng trưởng của ứng sinh về sự trưởng thành nhân bản, ngõ hầu họ “luôn sống tình cảm của mình cách phong phú hơn trong sự dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa Nhất thể Tam vị và cho các anh em, đặc biệt những ai đau khổ”[33]. Hơn nữa, công cuộc đào tạo còn nhằm giúp cho ứng sinh vượt thắng các vết thương có thể trở thành sự trở ngại “ngõ hầu họ có thể nội-tâm-hóa cách bền vững và sâu xa lối sống của Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, Thủ lãnh và Lang quân của Hội thánh”[34]. Vì thế, mục tiêu của việc đào tạo làm giúp cho ứng sinh đạt được sự trưởng thành tới mức tối đa có thể được trong phạm vi đời sống Kitô hữu, và cách riêng trong ơn gọi giáo sĩ[35], hầu có thể sống những đòi hỏi của các giá trị Tin mừng mà không làm nguy hại sự quân bình tình cảm và tương quan[36]. Điều này giả thiết sự cần thiết phải hiểu biết chính mình, những tiềm năng và những vùng dễ bị tổn thương, đối chiếu nhân cách của mình với những lý tưởng do Giáo hội đề ra, ngõ hầu họ cảm thấy được thôi thúc gắn bó một cách cá biệt, tự do và ý thức[37].

c) Vai trò phụ trợ của các ngành tâm lý học

Dưới ánh sáng của các nguyên tắc đã trình bày trên đây, việc nại đến các chuyên gia tâm lý học chỉ có thể mang tính phụ trợ, nghĩa là chỉ hữu ích “trong một số trường hợp”. Nói cách khác, các văn kiện Huấn quyền đề cập đến việc can thiệp của các chuyên gia với tiền đề “si casus ferat” (Ratio institutionis 39), “si opus fuerit” (Bộ giáo luật điều 642)[38], tức là trong những trường hợp ngoại lệ đặt ra những khó khăn đặc biệt[39]. Như thế rõ ràng là việc sử dụng các chuyên môn tâm lý học không phải là điều bắt buộc hoặc thông thường trong việc thâu nhận hoặc đào tạo các ứng sinh vào hàng linh mục hoặc tu sĩ.

Theo nghĩa này, vai trò của các khoa tâm lý học là phụ trợ và bổ túc, chứ không phải là thay thế, dù là lúc thâu nhận khởi đầu dù là lúc đào tạo tiếp theo. Vì thế các chuyên gia tâm lý học “không thể làm thành viên của đội ngũ các nhà đào tạo”[40].

d) Hai thời điểm có thể sử dụng các chuyên viên tâm lý

Cần phải lưu ý rằng “Sự hỗ trợ của các khoa tâm lý cần được phối hợp với khung cảnh của việc đào tạo toàn diện của ứng sinh, nhờ vậy nó không làm cản trở, nhưng là bảo đảm cách riêng giá trị không thể thiếu được của việc đồng hành thiêng liêng, mà trọng trách là giữ cho ứng sinh luôn được hướng tới chân lý về tác vụ chức thánh, theo cái nhìn của Hội thánh” (Những định hướng số 6d).

Theo chiều hướng ấy, chúng ta có thể nói đến hai thời điểm sử dụng những chuyên môn tâm lý học vào việc đào tạo:

– Phân định khởi đầu: để lượng định chắc chắn hơn về tình trạng tâm lý của ứng sinh, cách riêng về những đức tính nhân bản để đáp trả tiếng Chúa gọi. Điều này cho phép hiểu biết chính xác hơn về nhân cách của đương sự, các khả năng, các khuynh hướng, khả năng, tiềm năng, và những vết thương nếu có, lượng định bản chất và mức độ của chúng[41]. Thật vậy “Sự phân định đúng lúc về những vấn đề có thể cản trở hành trình ơn gọi chắc hẳn sẽ giúp ích cho đương sự, cho các định chế về ơn gọi và cho Hội thánh”[42]. Điều này sẽ giúp đỡ ở cấp độ chẩn đoán, hoặc để chữa trị trước khi vào chủng viện[43], hoặc  “để thảo hoạch một hành trình đào tạo phù hợp cho cá nhân dựa trên các đòi hỏi riêng của ứng sinh” (Những định hướng số 8e).

– Trong giai đoạn đào tạo kế tiếp: có thể hữu ích trong trường hợp cần trả lời cho những cuộc khủng hoảng; hoặc như để hỗ trợ và nâng đỡ cho việc thù đắc các nhân đức một cách chắc chắn hơn; hiểu biết sâu xa hơn về nhân cách và trợ giúp để vượt qua những kháng cự tâm lý đối với đường lối đào tạo đề ra[44]. Ở đây cũng vậy, các chuyên viên có thể gợi ý cho các nhà đào tạo những lộ trình hỗ trợ tâm lý và những dự đoán về khả năng tăng trưởng của ứng sinh, với sự đồng ý của ứng sinh bằng văn bản (x. Những định hướng, số 15b-c)[45].

e) Những điều kiện cho việc chọn lựa các chuyên gia

Trong việc chọn lực các chuyên gia để làm tư vấn tâm lý, cần phải quan tâm để những người này không chỉ nổi bật về sự trưởng thành vững chắc về nhân bản và tâm linh, mà còn “phải chia sẻ quan điểm nhân học của Kitô giáo về nhân vị, về giới tính, về ơn gọi linh mục và sự độc thân”[46]

Đồng thời,  những chuyên gia ấy “cần đạt được trình độ chuyên môn trong lãnh vực ơn gọi và, cùng với tính chuyên nghiệp, phải có sự khôn ngoan của Thánh Linh”[47]. Ứng sinh cần được bảo đảm quyền được chọn lựa giữa các chuyên gia tâm lý có những đòi hỏi nói trên. Nếu chưa có những chuyên gia như vậy, cần phải liệu cách huấn luyện họ.

f) Đặc trưng của việc linh hướng[48]

Để khắc phục những khó khăn riêng tư trong tiến trình tăng trưởng về các nhân đức luân lý, với ân sủng của Chúa, “sự trợ giúp của cha linh hướng và của cha giải tội là điều căn bản và không thể thiếu”[49]. Cần phải xác tín rằng “việc linh hướng không thể nào được biến đổi hoặc thay thế bởi những hình thức phân tích hay hỗ trợ tâm lý, và xác tín rằng đời sống tâm linh tự nó giúp cho sự tăng trưởng  các nhân đức nhân bản, nếu không gặp những rào cản mang tính cách tâm lý”[50]

g) Vai trò của các nhà đào tạo và sự cần thiết phải được chuẩn bị cân xứng

Cần phải nhấn mạnh đến vai trò cơ bản của các nhà đào tạo và sự cần thiết phải được chuẩn bị cân xứng về sư phạm ơn gọi, ngõ hầu, nhờ việc hiểu biết về nhân cách và về những đòi hỏi của việc đào tạo giáo sĩ[51], họ có thể thực hiện việc phân định đúng đắn và đồng hành với các ứng sinh trong việc thủ đắc các nhân đức luân lý và hướng Chúa cần thiết cho tác vụ linh mục[52].

h) Sự hợp tác giữa các nhà đào tạo, các chuyên viên và ứng sinh

Sự hợp tác giữa các nhà đào tạo, các chuyên viên và ứng sinh, trong trường hợp tư vấn tâm lý, luôn luôn phải bảo vệ quyền thanh danh và tư riêng của ứng sinh (Bộ giáo luật, đ.220).

Văn kiện Những định hướng nói như sau: “Quyền lợi và nghĩa vụ của cơ sở đào tạo được thu thập những hiểu biết cần thiết để có một phán quyết khôn ngoan chắc chắn về khả năng của ứng sinh không được vi phạm quyền lợi về danh thơm tiếng tốt mà con người được hưởng, quyền bảo vệ sự riêng tư, như quy định của khoản 220 của bộ Giáo luật”[53]. Vì vậy, ứng sinh cần phải “thỏa thuận cách minh nhiên, tự do, hiểu biết” trước khi tham vấn tâm lý[54].

Tương tự như vậy, ứng sinh có thể được yêu cầu bày tỏ sự thỏa thuận bằng văn bản ngõ hầu chuyên viên, chịu ràng buộc bởi bí mật nghề nghiệp, có thể thông báo kết quả   cuộc tham vấn cho các nhà đào tạo, do chính ứng sinh chỉ định[55]. Trong trường hợp di chuyển sang một chủng viện hoặc cơ sở huấn luyện khác, cũng cần sự thỏa thuận bằng văn bản của ứng sinh ngõ hầu các nhà đào tạo mới có thể sử dụng những thông tin mà chuyên gia nắm giữ qua việc tư vấn[56].

i) Những thông tin của ứng sinh về việc phân định ơn gọi và đào tạo

Các nhà đào tạo chỉ có thể sử dụng các thông tin để phân định ơn gọi và đào tạo ứng sinh trong trường hợp tiến cử lãnh chức thánh. Thực vậy, để bảo vệ sự riêng tư và tiếng tốt của ứng sinh trong hiện tại cũng như tương lai, phải hết sức quan tâm đặc biệt để những bá cáo của chuyên viên chỉ được dành độc nhất cho những người hữu trách trong việc đào tạo mà thôi, với lời cấm chỉ rõ ràng và ràng buộc là không được phép sử dụng ngoài việc phân định ơn gọi và đào luyện ứng sinh[57].

l) Trách nhiệm cuối cùng trong việc nhìn nhận và xác định ơn gọi

Tuy nhiên, tất cả những điều nói trên đây cần được kết hợp với bổn phận cho phép Giáo hội, và cách riêng là các Giám mục và các bề trên cao cấp của các dòng tu, có trách nhiệm cuối cùng trong việc nhìn nhận và xác định tiếng gọi bên trong của Thánh Linh, phán đoán về khả năng lãnh tác vụ theo quy định của bộ giáo luật điều 1052 §1 và §3 [58].

Như thế, trong trường hợp một ứng sinh xin di chuyển từ một chủng viện sang một cơ sở huấn luyện, sau khi đã được một chuyên viên giúp đỡ, và không muốn cho phép các nhà đào tạo mới được biết kết quả của cuộc giám định, thì cần phải xét những gì đã  được quy định ở điều 1052 §1 của bộ giáo luật, liên quan đến khả năng của ứng sinh, khả năng này cần được chứng nghiệm bằng “luận cứ tích cực” và phải loại trừ tất cả mọi ngờ vực hữu lý để có thể tiến đến việc chấp nhận (x. Bộ giáo luật điều 1052 §3)[59].

Ngoài ra cần nhớ quy định của giáo luật hiện hành liên quan đến việc thâu nhận vào chủng viện và cơ sở giáo dục đối với những người đã bị loại bỏ khỏi các cơ sở tương tự mà không có thông tin cần thiết về phía các giám mục hoặc bề trên cao cấp liên hệ[60].

Kết luận

Giáo hội trân trọng những tiến bộ của ngành tâm lý học và tâm bệnh học, và những gì mà các ngành này góp phần làm sáng tỏ các tiến trình tâm lý của con người, hoặc ý thức hoặc vô thức, cũng như sự hỗ trợ mà các khoa trị liệu này mang lại cho những người gặp khó khăn. Thật đáng ca ngợi những cuộc nghiên cứu đã thực hiện và sự tận tâm của biết bao nhà tâm lý và trị liệu tâm bệnh. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng những cuộc khám phá và những kết quả trong lãnh vực thuần túy khoa học chưa đủ để cung cấp một cái nhìn toàn diện về nhân cách; thật vậy, các ngành này tự mình chưa giải quyết những câu hỏi căn bản liên quan đến ý nghĩa cuộc đời và ơn gọi của con người[61], là những điều cốt yếu thuộc bản chất tâm linh, nghĩa là thuộc tác động của ân sủng.

————————-

[1] Bộ Giáo dục Công giáo, Những định hướng cho việc sử dụng các chuyên môn về tâm lý học trong việc tiếp nhận và trong việc đào tạo những ứng sinh linh mục (= Định hướng), 29/6/2008, số 5c: “Ngày nay, những người xin vào chủng viện đều phản ảnh, hoặc ít hoặc nhiều, một thứ bực dọc phát sinh từ tâm thức của chủ nghĩa tiêu thụ, sự bất ổn trong các tương giao gia đình và xã hội, chủ thuyết tương đối về luân lý, những lối nhìn lệch lạc về giới tính, sự lựa chọn tạm bợ, sự phủ nhận các giá trị”.

[2] Đinh hướng số 5c.

[3] Chủ thuyết duy-tương-đối lấy cái “tôi” làm thước đo của mọi vật. Tuy nhiên, đàng sau sự tự do giả tạo ấy, con người bị nhốt vào cái ngục, gặp thấy khó khăn trong tương quan với tha nhân, làm tắt ánh sáng của chân lý, và để cho con người dễ bị tấn công bởi những hoài nghi về sự tốt đẹp của cuộc sống, về giá trị của việc dấn thấn để cùng với tha nhân xây dựng một công trình chung. X. ĐTC Bênêđictô XVI, Diễn từ cho đại hội của Hội đồng giám mục Italia, ngày 29/5/2008.

[4] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Europa, 28/6/2003, số 8.

[5] ĐGH Bêneđictô XVI, Diễn từ trong buổi gặp gỡ và chứng từ nhân dịp Đại Hội các gia đình lần thứ V, Valencia, 8/7/2006, số 2.

[6] Ibid., số 4.

[7] X. Ibid.

[8] PDV 69b.

[9] X. PDV 35.

[10] PDV 36.

[11] “Trong hàng ngũ các ứng sinh, người ta có thể gặp thấy một vài người trải qua các kinh nghiệm đặc biệt – cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, trí thức, tình cảm –, đã để lại cách này hay cách khác những vết thương chưa được chữa lành và gây nên những rối loạn, mà chính ứng sinh mà không nhận ra tầm quan trọng và thường gán cho những nguyên nhân bên ngoài, và do đó, không có khả năng đương đầu những rối loạn đó cách tương xứng” (Những định hướng,  số 5d).

[12] Những định hướng, số 5f.

[13] Những định hướng, số 2d.

[14] Những định hướng, số 5e.

[15] X. Những định hướng, số 5e.

[16] X. Những định hướng, số 10.

[17] Những định hướng số 2a.

[18] Những định hướng, số 2b.

[19] Những định hướng, số 1c.

[20] X. Những định hướng, số 1d.

[21] PDV số 5.

[22] PDV số 21.

[23] X. G. Petrocchi, La paternità spiritual del sacerdote nella Chiesa e la configuazione sacramentale a Cristp sposo, in: “Seminarium” 3 (2007) pp. 701-765.

[24] X. PDV số 12.

[25] Sự hiệp thông này cần phải khẩn nài và đón nhận, bởi vì nó là một hồng ân của trào ra từ Thiên Chúa Tam vị, hơn là kết quả của sự chinh phục của con người. Thật vậy, sự hiệp thông được cống hiến do Chúa Cha và được tuôn tràn, nhờ Thần khí của Đức Kitô chịu tử nạn và phục sinh, xuống Hội thánh, nhờ vậy Hội thánh trở nên “trụ sở của sự thánh thiện”, “bí tích của sự hợp nhất” cho toàn thể nhân loại (x. Lumen gentium, số 1).

[26] X. PDV số 43.

[27] X. PDV số 72.

[28] Những đức tính của nhà đào tạo còn được bổ túc tùy theo những chức vụ đảm nhận (giám đốc, phó giám đốc, linh hướng, giáo sư …). Mỗi chức vụ đòi hỏi thế giá và kinh nghiệm chuyên biệt.

[29] Những định hướng, số 1a; 5a.

[30] X. Những định hướng, số 2e.

[31] X. Những định hướng, số 9c.

[32] X. PDV: “Nếu không có một sự đào tạo nhân bản tương xứng, thì toàn bộ việc đào tạo linh mục sẽ thiếu nền tảng cần thiết”. Thật vậy, những mục tiêu của việc đào tạo cân xứng “chỉ có thể đạt nhờ sự đáp trả bền bỉ của ứng sinh đối với tác động của ơn thánh và thủ đắc nhờ một hành trình đào tạo tiệm tiến, lâu dài và không lúc nào cũng êm ả” (Những định hướng, số 2c). Vì vậy, “ sự hòa nhập của chiều kích nhân bản cần được dưới ánh sáng của chiều kích tâm linh, mà nó quy chiếu và được  bổ túc” (Những định hướng số 2f; PDV số 45a).

[33] Những định hướng, số 2d.

[34] Những định hướng, số 5e.

[35] X. Những định hướng, số 9c.

[36] X. Những định hướng, số 10.

[37] X. Những định hướng, số 15a. Trong diễn từ dành cho Tòa Rota Romana, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: “Con người mang trong mình mầm giống của đời sống vĩnh cửu và ơn gọi hấp thụ các giá trị siêu việt; tuy nhiên, con người vẫn ở trong tình trạng có thể thương tổn bên trong và có nguy cơ làm mất ơn gọi của mình bởi những sự kháng cự và khó khăn gặp phải trong cuộc sống hoặc ở cấp ý thức, nơi mà con người lãnh trách nhiệm luân lý, hoặc ở cấp tiềm thức, và điều này có thể là trong đời sống tâm lý thông thường, hoặc trong đời sống mang những tâm bệnh nhẹ hoặc trung bình, không chi phối cách quan trọng vào tự do của con người hướng đến các lý tưởng siêu việt, được chọn lựa có trách nhiệm”.

[38] Khoản luật này nói đến sự hợp tác của các chuyên viên trong việc thâu nhận các ứng sinh vào tập viện.

[39] X. Những định hướng, số 5f.

[40] X. Những định hướng, số 6a.

[41] X. Những định hướng, số 8a.

[42] Những định hướng, số 8c.

[43] X. Những định hướng, số 8d.

[44] X. Những định hướng, số 9a. Trong trường hợp này, chuyên gia có thể cung cấp cho ứng sinh những chỉ dẫn liên quan đến các khó khăn và hậu quả đối với đời sống và đối với tác vụ linh mục trong tương lai (x. số 15a).

[45] Sự can thiệp của chuyên gia tâm lý có mục đích là  trợ giúp cho “một sự làm chủ bản thân, không chỉ làm chủ các yếu đuối của mình mà ngay cả những sức lực nhân bản và tâm linh của mình, việc làm chủ sẽ giúp cho ứng sinh có thể dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa với sự ý thức và tự do, trong tinh thần trách nhiệm đối với chính mình và đối với Hội thánh” (x. Những định hướng, số 9b).

[46] Những định hướng, số 6b. Chính mầu nhiệm của con người trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, theo viễn tượng của Hội thánh, phải trở thành nền tảng của sự áp dụng sự hiểu biết tâm lý học. Thực vậy, việc đào tạo nhân bản, “nếu được phát triển trong một nhân luận chân lý toàn diện về con người, sẽ mở rộng và được kiện toàn trong việc đào tạo tâm linh” (PDV 45). Xem thêm ĐGH Gioan Phaolo II, Diễn từ dành cho Tòa Rota Romana, ngày 5/2/1987, số 2: “Không thể nào không nhìn nhận rằng những khám phá và thành tựu thuần túy thuộc ngành tâm lý học và tâm bệnh học không thể nào có khả năng cung cấp một cái nhìn toàn diện về nhân vị, tự mình giải quyết các câu hỏi căn bản liên quan đến ý nghĩa cuộc đời và ơn gọi làm người. Thế nhưng, một vài trào lưu của tâm lý học hiện đại đã vượt qua thầm quyền đặc thù của mình, bước vào lãnh địa ấy, và đưa ra những luận đề nhân luận không phù hợp với nhân luận Kito giáo. Từ đó sinh ra những khó khan và bế tắc trong cuộc đối thoại giữa các ngành tâm lý học và các ngành siêu hình và luân lý”.

[47] X. Những định hướng số 6a.

[48] Về vấn đề này, x. Những định hướng, số 13b, cũng như các số 5-6.

[49] Những định hướng, số 5b.

[50] Những định hướng, số 14b. Văn kiện dự trù rằng cha linh hướng có thể yêu cầu ứng sinh hãy đi tham vấn tâm lý (nhưng không được bắt buộc), ngõ hầu được an tâm hơn trong việc phân định và đồng hành tâm linh.

[51] X. Những định hướng, số 4c.

[52] X. Những định hướng, số 3b. Sự chuẩn bị cân xứng có thể giúp cho các nhà đào tạo “có khả năng, trong tầm mức có thể được, nắm bắt những động lực thực sự của ứng sinh, phân định được những ngăn trở trong sự hài hòa giữa sự trưởng thành nhân bản và sự trưởng thành Kitô hữu và những bệnh lý nếu có” (số 4b). Để đào tạo các nhà đào tạo, cần dự liệu những khóa học chuyên biệt (x. số 4c).

[53] X. Những định hướng số 12a. Xem thêm: Huấn thị Renovationis causam về việc canh tân sự đào tạo đời sống tu trì, của Bộ các Tu sĩ và Tu hội đời (ngày 6/1/1969) số 11. Không ai được phép, kể cả các bề trên dòng tu hoặc giáo phận, được tham khảo kết quả của cuộc tư vấn tâm lý nếu trước đó không được ứng sinh thỏa thuận cách minh nhiên, hiểu biết và hoàn toàn tự do, bằng văn bản. Vì thế phải coi như là “trái phép” tất cả những thực hành tâm lý dự phóng, lúc thâu nhận hoặc lúc huấn luyện ở các chủng viện hoặc tập viện, nếu không được sự thỏa thuận từ do của ứng sinh. Không bao giờ được phép cưỡng ép sự thỏa thuận này.

[54] X. Những định hướng,  số 5g; 12a.

[55] X. Những định hướng, số 13a; 15b.

[56] X. Ibidem. Về việc tái thâu nhận vào chủng viện sau khi chủng sinh đã trải qua một cuộc tâm lý trị liệu, ứng sinh được yêu cầu thông tri cho các nhà đào tạo mới về việc tư vấn tâm lý đã thực hiện trước đây. Các nhà đào tạo mới cần phải xác minh hết sức chính xác có thể được về tình trạng tâm lý của ứng sinh, bằng cách thu thập thông tin từ  chuyên viên đã đồng hành, với sự tự do đồng ý bằng văn bản của đương sự (Những định hướng, số 16c).

[57] Những định hướng, số 13a.

[58] X. Những định hướng, số 1a-b; PDV 65. Bộ giáo luật có nhiều điều khoản đề cập đến khả năng tâm lý của ứng sinh: đ.241 §1 (thâu nhận vào chủng viện); đ.689 §2 (để lặp lại lời khấn hoặc tuyên khấn vĩnh viễn); các đ.1029; 1041, 1+ (để lãnh nhận chức thánh); đ. 1044 §2 (để thi hành chức thánh đã nhận).

[59] X. Những định hướng, các số 11c; 12g; 16f.

[60] X. BGL đ.214 §3; Bộ Giáo dục Công giáo, Huấn thị gửi các Hội đồng giám mục về việc thâu nhận những ứng viên xuất thân từ các chủng viện hoặc dòng tu khác (8/3/1996) số 16a.

[61] ĐGH Phaolo II, Diễn từ cho tòa Rota Romana, ngày 5/2/1987, số 2.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here