Những Đường Hướng Khảo Cứu Con Người: Các Ngành Khoa Học Nhân Văn – Các Môn Nhân Học

0
9267

Bình Hòa

 

I. Những “khoa-học nhân-văn” (hoặc: khoa-học nhân-văn – xã-hội) phân biệt với các “khoa-học tự-nhiên” (Wilhelm Dilthey).

II. Các ngành nhân học: 1/ Con người như một thực thể vật chất: nhân-học cổ-đại, nhân-học văn-hóa, dân-tộc-học, nhân-học hình-thể. 2/ Con người như một thực thể thiêng liêng: tâm-lý-học thuần-lý và tâm-lý-học thực-nghiệm. 3/ Con người như một thực thể biệt lập: nhân-học triết-lý (hay nhân-luận triết-học).

III. Nhân học Kitô giáo: 1/ Nhân-luận triết-học. 2/ Nhân-luận thần-học.

—————

Để mở đầu cho những bài viết về con người, chúng ta hãy điểm qua những lãnh vực nghiên cứu con người tại các đại học. Tại các chủng viện và học viện công giáo, “con người” là chủ đề của hai môn học : “nhân học triết học” (hoặc nhân luận triết lý: philosophical anthropology) và “nhân học thần học” (hoặc nhân luận thần học: theological anthropology). “Nhân học” hoặc “nhân luận” là môn học về con người (ghép bởi hai danh từ Hy-lạp anthropos – logos), được phân tích dưới góc độ của lý trí (triết học) và mặc khải (thần học)[1]. Tuy nhiên, tại các đại học, việc nghiên cứu “con người” là một lãnh vực bao quát  mang tên là “các khoa học nhân văn” với nhiều chuyên khoa, song hành với “các khoa học thiên nhiên”. Trong các ngôn ngữ châu Âu, các “khoa học nhân văn” được gọi bằng nhiều tên khác nhau: sciences de l’homme, sciences humaines. Mặt khác, danh hiệu anthropology cũng được đặt cho nhiều chuyên ngành, áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu (khảo cổ, sử học, tâm lý, xã hội, vv). Triết học cũng có một chỗ đứng trong anthropology , trong đó một trào lưu đáng kể là humanism (chủ nghĩa nhân văn hay nhân bản) và personalism (chủ nghĩa nhân vị) giữ một vị trí quan trọng.

Chúng ta hãy tìm hiểu sơ lược đối tượng của những ngành học ấy, xoay quanh hai trục chính: 1/ Những khoa học nhân văn. 2/ Những ngành nhân học. Kế đó chúng ta sẽ điểm qua những đề tài của Nhân học Kitô giáo.

I. Những khoa học nhân văn

1. Khái niệm

Khi giới thiệu bộ sách về các khoa học nhân văn[2], ông Jean-François Dortier đã lưu ý chúng ta về việc sử dụng từ ngữ . Các từ ngữ “khoa học nhân văn” (sciences humaines) “khoa học xã hội” (sciences sociales), “khoa học về con người” (sciences de l’homme) thường được xem như đồng nghĩa. Tuy nhiên việc sử dụng tuỳ thuộc vào truyền thống của mỗi quốc gia.

Bên Pháp, “các khoa học nhân văn” bao gồm những môn: tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học, và đôi khi cũng thêm: ngôn ngữ học, sử học; “các khoa học xã hội” ám chỉ những khoa học về xã hội theo nghĩa chặt: kinh tế học, chính trị học, địa lý, xã hội học. Ngày nay, người ta có khuynh hướng  gom cả hai thành “các khoa học nhân văn xã hội”, hoặc “những khoa học về con người và xã hội”. Ở Hoa kỳ, thuật ngữ Social and Behavioral Sciences  quen thuộc hơn là thuật ngữ “khoa học nhân văn”[3], nhưng dần dần nó được thay thế bằng Social Sciences.

Theo ông Dortier “các khoa học nhân văn” bao gồm tất cả những khoa học liên quan đến con người: nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, lịch sử, kinh tế học, địa lý, ngôn ngữ học, khoa học chính trị, khảo cổ học, dân số học. Gần đây còn thêm: các khoa học tôn giáo, các khoa học truyền thông, các khoa học giáo dục, các khoa học tri thức (sciences cognitives). Triết học cũng được xếp vào các khoa học nhân văn, cách riêng các ngành: triết lý về khoa học, triết lý về tinh thần, triết lý chính trị. Dĩ nhiên, danh sách các môn học này có thể kéo dài thêm nữa.

2. Lịch sử những “khoa-học nhân-văn”

Hầu hết các ngành khoa học nhân văn đều mới ra đời vào cuối thế kỷ XVIII ở Âu châu. Như đã biết, các đại học Âu châu được khai sinh từ thế kỷ XII, với các ngành triết học (Artes), thần học, luật học, y khoa. Thế nhưng vào thời cận đại, các đại học chỉ muốn duy trì những “khoa học tự nhiên” (sciences naturelles), tức là những đối tượng có thể quan sát, đo lường được. Trong khung cảnh ấy, triết học, luân lý, tôn giáo, luật học không còn được nhìn nhận là khoa học, và thường bị trục xuất ra khỏi cửa đại học.

Những ngành nghiên cứu về con người tìm cách trở lại đại học bằng cách áp dụng những phương pháp thực nghiệm (quan sát, đo lường, giả thuyết, chứng minh)[4]. Có thể xem tâm-lý- học là ngành đầu tiên sử dụng đường lối ấy (tâm lý học thực nghiệm): quan sát đo lường “các hiện tượng tâm linh” cũng tựa như các hiện tượng sinh lý và vật lý.

Khoa xã-hội-học cũng thành hình theo chiều hướng ấy, nghĩa là quan sát và mô tả thực tại xã hội, rồi từ đó phát biểu những định luật liên quan đến sự duy trì trật tự, sự gắn bó của một cộng đồng (cũng như tìm hiểu những nhân tố gây ra sự đổ vỡ, tan rã), qua việc diễn tả các chức năng trong xã hội. Tuy xã-hội-học được khởi xướng bên châu Âu (Emile Durkheim, Max Weber) nhưng được phát triển ở Hoa kỳ (Talcott Parsons, Robert Merton).

Dù sao, có thể nói rằng động cơ đẩy mạnh sự thành hình “khoa học con người” trong thế kỷ XVIII-XIX là ngành nhân-chủng-học. Chế độ thuộc địa của các đế quốc Anh Pháp đã giúp cho các nhà thám hiểm hiểu biết thêm về nhiều sắc tộc trên thế giới. Việc tìm hiểu các sắc tộc này không những đã góp phần vào việc giải thích các yếu tố cấu thành xã hội và các nền văn hóa khác nhau, nhưng cũng gợi lên những giả thuyết về sự tiến hóa từ loài động vật đến loài người, cũng như sự tiến hóa giữa các dân tộc sơ khai đến các dân tộc văn minh. Đây là khởi điểm của môn “nhân-học văn-hóa” (cultural anthropology), kèm theo những ngành khảo-cổ-học, ngôn-ngữ đối-chiếu cũng như cổ-sử.

Tuy nhiên, đang khi thuyết tiến hoá muốn chứng minh sự liên tục giữa động vật và loài người, thì một trào lưu khác muốn vạch ra sự trổi vượt của loài người. Có lẽ đàng sau trào lưu này là chủ trương của triết gia Immanuel Kant (1724-1804), muốn đặt con người làm trung tâm của tất cả mọi khoa học. Dù sao, phải nhận rằng ông Wilhelm Dilthey (1833-1911) là người đã đặt nền tảng phương pháp luận cho các khoa học nhân văn qua sự phân biệt hai loại khoa học: “những khoa học tự-nhiên” (Naturwissenschaften: sciences de la nature) và những “khoa học tinh-thần” (Geisteswissenschaften: sciences de l’esprit)[5].

  • Những “khoa học tự-nhiên” (đôi khi cũng được gọi là “khoa học chính xác”, sciences exactes) tìm cách “giải thích” (erklären: expliquer), nghĩa là truy tầm các nguyên nhân của một hiện tượng, bằng cách thiết lập những liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng, và rút ra những định luật.
  • Những “khoa học tinh thần” tìm cách “hiểu biết” (verstehen: comprendre). Trong những bộ môn này, con người vừa là chủ thể vừa là đối thể của cuộc khảo sát. Phương pháp của các khoa học này hệ tại tái lập những động lực của cảm nghiệm sống, dựa trên sự tương đương giữa cảm nghiệm của những đối thể khảo cứu với cảm nghiệm của người khảo cứu. Tiến trình là tổng hợp (khác với tiến trình phân tích của các khoa học thiên nhiên). Điển hình của các khoa học tinh thần là tâm lý học.

Khỏi nói ai cũng đoán được, từ đó đến nay (nghĩa là trong suốt thế kỷ XX), các khoa học nhân văn đã tiến triển nhất nhiều, xét về đối tượng khảo cứu cũng như về phương pháp[6]. Hơn thế nữa, ra như vào mỗi thời có một tư tưởng chủ đạo chi phối tất cả các cuộc nghiên cứu. Hồi thế kỷ XIX, tư tưởng chủ đạo là “tiến hoá”: người ta nhận thấy tất cả các môn học đều cố gắng áp dụng định luật ấy cho mình. Trong ngành khảo-cổ-học, các chặng tiến hóa là: thời đá – thời đồng – thời sắt. Lịch sử tư tưởng của nhân loại được Auguste Comte giải thích theo quy luật tiến hóa qua ba chặng: thần học – siêu hình – khoa học. Karl Marx phân tích lịch sử nhân loại theo mô hình tiến hóa như sau: cộng sản nguyên thuỷ, cổ đại – phong kiến – tư bản, cộng sản chung cục. Lịch sử các tôn giáo, theo chủ trương của Edward Tylor, cũng được nhìn dưới lăng kính tiến hóa: vật linh – đa thần – độc thần. Vào giữa thế kỷ XX, tư tưởng chủ đạo là “chức năng” (fonction), rồi dần dần được thay thế bằng “hệ thống” (système), “cấu trúc” (structure). Dù sao, một đặc trưng của con người (đối tượng của các khoa học nhân văn) là “tự do”: con người không phản xạ cách máy móc trước những kích thích. Thế nhưng không ít nhà nghiên cứu nhân học không muốn nhìn nhận điều ấy; họ cho rằng con người chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội, văn hóa, tương tự như các động vật. Có lẽ đó là cái giá mà “khoa học nhân văn” phải trả để đáng mang danh là “khoa học”: khoa học muốn rút ra những định luật tổng quát có thể áp dụng vào nhiều hoàn cảnh; các động vật hoạt động theo bản năng, gần như máy móc, do đó có thể tiên liệu được. Với một quan niệm như vậy, nếu nhìn nhận tự do thì không thể lường được các hậu quả (phản ứng) trước một hiện tượng nhất định, vì thế không thể phát biểu định luật cố định được.

II. Antropology

Từ này gốc Hy Lạp, – ghép bởi anthropos (con người) và logos (lời lẽ, lý luận)-, có nghĩa là khảo luận về con người. Tuy các triết gia Hy lạp cổ thời đã bàn về con người, nhưng họ không coi đó như một bộ môn độc lập, vì thế chưa thấy sử dụng thuật ngữ anthropologia[7]. Có lẽ tựa đề anthropologia  xuất hiện lần đầu tiên nơi tác phẩm của Magnus Hundt (Anthropologium, Leipzig 1501) và rõ rệt hơn nữa ở tác phẩm của Otto Cassmann (Psychologia anthropologica sive doctrina geminae naturae humanae, Hannover 1594). Dù sao danh từ này trở nên phổ thông với tác phẩm của ông Immanuel Kant, Anthropologie in pragmatischer Hinsicht (Nhân học dưới phương diện thực tiễn, 1798), nghĩa là từ khi con người được nghiên cứu như một thực thể biệt lập, xét như là “trung tâm” vũ trụ (chứ không còn như là một thành phần của vũ trụ); ngoài ra, con người được nhìn như một tổng thể (khác với các triết gia cổ điển chú trọng đến linh hồn). Ông Kant đặt ra tiêu chuẩn phân biệt các ngành triết học dựa theo bốn câu hỏi căn bản: “Tôi có thể biết gì? Tôi có thể làm được điều gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Con người là gì?”, và ông nói tiếp: “Siêu-hình-học trả lời cho câu hỏi thứ nhất; Luân-lý trả lời cho câu hỏi thứ hai; Tôn-giáo trả lời cho câu hỏi thứ ba; anthropologia trả lời cho câu hỏi thứ bốn”[8]. Thoạt tiên xem ra anthropologia là một môn học biệt lập, khác biệt với siêu-hình-học, luân-lý và tôn-giáo; nhưng nói cho cùng, cả ba môn học này đều xoay quanh con người, do đó anthropologia mang lại chìa khóa giải thích cho tất cả các môn học.

Trên thực tế, khi nghiên cứu về con người, các nhà khảo cứu đã sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, vì thế mà có nhiều ngành nghiên cứu về con người, nghĩa là có nhiều bộ môn anthropologia. Ít là có ba lối tiếp cận về con người: a) con người xét như một thực thể “vật lý” (thân xác, thành phần của vũ trụ); b) hoặc xét như như một thực thể “tinh thần”; c) hoặc như một thực thể độc đáo gồm bởi xác và hồn[9].

1/ Con người có thể khảo sát như một thực thể vật lý. Từ ngữ anthropologia xuất hiện trong các ngành áp dụng phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu thân thể con người: sinh-học, y-học, cơ-thể-học. Cách riêng, con người được đối chiếu với các thực thể khác trong vũ trụ, nhằm giải thích sự liên tục hoặc nhảy vọt khi so sánh với các loài động vật (Carl von Linné, Systema naturae, 1735). Công cuộc nghiên cứu này thường gắn liền với cuộc tranh luận nhằm bênh vực hay phủ nhận thuyết tiến hóa.

Trong những bộ môn thực nghiệm về con người, ta có thể kể đến ba khuynh hướng:

a) Con người xét như chủng loại khác biệt với loài thú vật, với sự xuất hiện của loài người (homo sapiens) vào thời cổ đại: đây là đối tượng của ngành “Nhân-học cổ-đại” (paleoanthropologia)

b) Con người xét như đoàn tụ thành những nhóm bộ tộc, với những biểu tượng văn hóa: đối tượng của “Nhân-học văn-hóa” (anthropologia culturalis) hoặc “Dân-tộc-học” (ethnologia).

ethnologia (gốc Hy-Lạp ethnos, dân tộc, vì thế cũng có thể dịch là “Nhân-chủng-học” hay “Chủng-tộc-học”). Vào lúc khai sinh ở cuối thế kỷ XIX, khoa ethnology nghiên cứu về các bộ lạc sơ khai; nhưng ngày nay, nó mở rộng đến việc nghiên cứu tất cả các dân tộc;

anthropologia culturalis. Trước đây, người ta phân biệt các dân tộc “văn minh” (civilized peoples) với các dân tộc “sơ khai” (primitive) hay “man rợ” (savage). Từ thế kỷ XX, các nhà dân-tộc-học thay đổi quan điểm: mỗi dân tộc đều có nền văn hóa, được hiểu như lề lối suy tư, hành động. Chính “văn hóa” nâng cao con người vượt lên trạng thái hoang dã; bởi vì có nhiều dân tộc cho nên cũng có nhiều nền văn hóa.

Nên biết là sự phân biệt hai lãnh vực (“dân tộc” hay “văn hóa”) không dựa theo đối tượng khách thể cho bằng dựa theo khuynh hướng của các trường phái nghiên cứu (Anh, Hoa kỳ, Đức)[10].

c) Con người xét như cá thể, cách riêng như một cơ thể sinh vật: đối tượng của “nhân- học sinh-lý” (anthropologia biologica: embriologia, genetica, anatomia, biologia), hoặc “nhân-học hình-thể” (anthropologia physica), nghiên cứu hình dạng thân thể, những điểm tương đồng và dị biệt giữa cơ thể con người và các loài động vật khác.

2/ Con người có thể khảo sát như một thực thể tinh thần (thiêng liêng). Từ xưa, các triết gia Hy-Lạp đã nghiên cứu về linh hồn, chẳng hạn như tác phẩm Peri Psychês (De anima) của ông Aristote. Tuy nhiên, thuật ngữ psychologia (ghép bởi hai từ psyché: linh hồn, và logos: luận bàn) mới xuất hiện vào thế kỷ XVI với ông Rudolph Goeckel (hay Goclenius 1547-1628)[11]. Trong tiếng Việt, psychologia được dịch là “tâm lý học”, nhưng nếu muốn dịch sát nghĩa thì phải nói là “linh-hồn-luận”, hoặc “tâm-hồn-học”, hay vắn tắt “tâm học”. Kể từ ông Christian Wolff (Logica methodo scientifica pertractata, 1779), người ta còn phân biệt hai ngành tâm lý học, dựa theo sự khác biệt về phương pháp để nghiên cứu về linh hồn:

– a) Phương pháp của triết học cổ điển (psychologia rationalis: tâm-lý thuần-lý) tìm hiểu bản tính của linh hồn, các quan năng tinh thần (lý trí, ý chí), dựa theo đường lối tư duy phản tỉnh.

– b) Phương pháp thực nghiệm (psychologia empirica: tâm lý thực nghiệm) dựa theo sự quan sát hiện tượng để khảo cứu các cảm xúc, thái độ, khuynh hướng. Trên thực tế, phương pháp này được thực hành kể từ khi ông Wilhem Wundt mở phòng thí nghiệm ở Leipzig bên Đức (năm 1879).

Vào thời nay, ngành tâm lý thực nghiệm phát triển với nhiều trường phái khác nhau, với nhiều ngành chuyên biệt (tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lý xã hội), hoặc những phương pháp khác nhau (tâm lý hành vi, tâm lý chiều sâu, phân tâm học).

Hai lối tiếp cận khác nhau về tâm lý học đưa đến những kết luận khác nhau về con người. Tuy nhiên, cần ghi nhận những trường phái tìm cách bắt nhịp cầu nối kết đôi bên, tựa như: tâm-lý nhân-văn (humanistic psychology)[12], tâm-lý nhận-thức (cognitive psychology)[13].

3/ Con người có thể khảo sát như một thực thể độc đáo, vừa có hồn vừa có xác. Ngoài ra, con người là một chủ thể hoạt động để kiện toàn bản thân và thăng tiến xã hội. Bộ môn này mang danh là “nhân học triết lý” (hay “triết học về con người”: anthropologia philosophica, thuật ngữ xuất hiện từ năm 1920, và được phổ biến nhờ ông Max Scheler[14]). Phương pháp nghiên cứu của nó cũng tương tự như tâm-lý-học thuần lý (psychologia rationalis), nhưng mở rộng đến toàn thể con người chứ không chỉ bàn về linh hồn mà thôi. Phương pháp của ngành này là suy luận triết lý (khác với phương pháp của những ngành nhân văn thực nghiệm), đi sâu vào vấn đề bản tính của con người (chứ không chỉ dừng lại ở các hiện tượng cảm xúc), và tìm cách giải thích về ý nghĩa đời người. Xét vì có nhiều trường phái triết học khác nhau, cho nên cũng có nhiều quan điểm triết học về con người, lắm khi mâu thuẫn nhau. Chỉ cần trưng dẫn một thí dụ thì đủ rõ: khi bàn về bản tính con người (con người là gì?), không những các triết gia đã đưa ra nhiều ý kiến khác biệt, nhưng thậm chí có người chủ trương rằng không thể nào định nghĩa bản tính được, bởi vì bản tính con người không cố định cứng nhắc nhưng biến đổi tuỳ theo không gian và thời gian; bản tính của con người không do Tạo hoá ấn định nhưng do chính con người tạo ra.

Tuy rằng nhân-học triết-lý (hoặc nhân luận triết học) áp dụng phương pháp khác với nhân-học thực-nghiệm, nhưng điều này không có nghĩa là nó hoàn toàn độc lập khỏi các ngành thực nghiệm. Thực vậy, những khoa học nhân văn thực nghiệm giúp hiểu sâu xa hơn về bản tính con người: hoặc dẫn tới vực thẳm của vô thức hay dẫn tới tiếp xúc với tha nhân và thế giới. Ngược lại, các ngành thực nghiệm cũng hàm chứa một thứ “triết lý về con người” (philosophie de l’homme) nào đó, chẳng hạn như: con người chỉ là một bộ máy hay một chủ thể ý thức? con người đành chịu bản năng điều khiển hay có thể điều khiển bản năng? con người có liên hệ với Đấng Siêu Việt hay không?

Tóm lại, có nhiều ngành học nghiên cứu con người. Sự khác biệt không chỉ tại vì áp dụng những phương pháp khác nhau, nhưng còn bởi vì mỗi ngành chú trọng đến một khía cạnh của con người: con người có sự sống như sinh vật, có cảm xúc như động vật, có linh hồn và thân xác; ngoài ra con người có thể nhìn trong tương quan với xã hội, với Thiên Chúa, hoặc đi sâu vào chiều kích sâu thẳm của nội tâm.

III. Nhân học Kitô giáo

Trong Kitô giáo, có hai lối tiếp cận nhân luận: triết học và thần học.

A. Nhân luận triết học

Triết học dựa trên lý luận của lý trí. Kitô giáo đã sớm tiếp nhận những kiến thức về con người từ truyền thống triết học Hy lạp La mã (liên quan đến nguồn gốc linh hồn,  bản thể và các quan năng của linh hồn, cũng như liên quan đến đời sống luân lý). Duy có điều là người ta chú ý đến linh hồn hơn là đến thân xác (vì thế thường được đồng hóa với Tâm lý học). Vào thời nay, nhân luận triết học không chỉ bàn về bản chất của linh hồn và thể xác, nhưng còn chú ý đến nhiều chiều kích khác của con người, được gợi lên từ những triết thuyết thời đại, cách riêng liên quan đến ý nghĩa của đời người. Chỉ cần nhắc đến những thuật ngữ gắn liền với con người thì đủ biết các quan niệm khác nhau về cuộc đời: homo sapiens, homo loquens, homo culturalis, homo faber, homo politicus, homo ludens, homo religiosus. Từ đó, người ta bàn đến các vấn đề tựa như:  vật chất và tinh thần (thân xác), nhân vị và thế giới (giới hạn), tất yếu và tự do, cá nhân và xã hội, thời gian và siêu thời gian (lịch sử), tương đối và tuyệt đối (lương tâm), vv.

B. Nhân luận thần học

Đây là một môn học mới ra đời hồi giữa thế kỷ XX. Tự bản chất, đối tượng của thần học (theo nguyên ngữ Hy-Lạp, theologia: luận về Thiên Chúa) là Thiên Chúa (Thiên Chúa tạo thành, Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa thánh hóa). Con người được bàn đến cách gián tiếp khi trình bày về những công trình của Thiên Chúa rải rác trong nhiều bộ môn: tạo dựng, ân sủng, tội lỗi và cứu độ, cánh chung, vv. Tuy nhiên, vài tác giả (như Karl Rahner, Henri de Lubac) đề nghị một bộ môn mới, trình bày cách hệ thống và mạch lạc những vấn đề liên quan đến con người, vốn được bàn dưới nhiều tựa đề khác nhau: De Deo creante (về sự tạo dựng), De Deo elevante (về ân sủng), De peccato originali (về tội nguyên tổ). Thực ra, bên cạnh chuyện tổ chức chương trình học tập (như bộ môn biệt lập anthropologia theologica), việc trình bày một nền thần học về con người mang tính cách khẩn trương hơn nữa, ít là bởi hai lý do sau đây: a) Vào thời đại hôm nay, khi nhân loại đang sống trong khắc khoải vì không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời và của dòng lịch sử, thần học cần phải bắt chước công đồng Vaticano II, múc lấy từ nguồn mặc khải để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “con người là gì?” – b) Làm nổi bật vai trò của đức Kitô như là trung tâm của thần học, của con người cũng như của lịch sử. Thực vậy, trước đây trong các môn bàn về sự tạo dựng, ân sủng và tội nguyên tổ, ra như thần học chỉ dừng lại ở Sách Sáng thế chứ không chịu đi xa hơn để tìm chìa khóa giải đáp ý nghĩa của sự tạo dựng, ân sủng, và cứu chuộc ở nơi đức Kitô. Đức Kitô mặc khải con người cho con người, theo nghĩa là Người đã giúp cho con người sống cho ra người, sống xứng đáng với phẩm giá con người hơn. Như thế, Kitô giáo không phải là cái gì áp đặt lên con người hoặc làm nó bị tha hóa; trái lại, Kitô giáo đáp lại những khát vọng sâu xa nhất trong con tim con người.

Từ những nguyên tắc ấy, tương ứng với ba mục (tạo dựng – sa ngã – ân sủng), các tác giả chia môn Anthropologia theologica làm ba phần, xoay quanh mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa qua đức Kitô:

1/ Con người nơi Adam được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người được nhìn trong kế hoạch tạo dựng, nghĩa là hướng về Thiên Chúa, được ban cho trí tuệ và ý chí tự do; con người không phải chỉ có hồn thiêng nhưng còn có thân xác; con người không sống cô độc lẻ loi nhưng hợp quần trong xã hội; nhờ hành động tự do và nhờ thân xác mà con người hợp tác với tha nhân cũng như tiếp xúc với thế giới vật chất. Con người được Thiên Chúa uỷ thác cho việc quản trị vũ trụ: đây là chỗ bàn về giá trị của lao động, cũng như những nghĩa vụ đối với môi sinh.

2/ Con người nơi Ađam đã sa ngã và mong chờ ơn cứu chuộc. Phần này nói đến tình trạng sa ngã của con người. Kinh thánh đã nói về tội trong bối cảnh của một mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa: tội là sự phản loạn của con người, bất tuân lệnh Thiên Chúa. Ngoài ra, Kinh thánh không chỉ nói đến những tội của cá nhân nhưng còn nói đến một tội bao trùm cả nhân loại, gây ra những xáo trộn trong thế giới, trong các mối tương quan xã hội và ngay chính trong nội tâm con người.

3/ Con người được đổi mới trong đức Kitô. Phần thứ ba bàn đến cuộc sống mới của con người trong đức Kitô. Thiên Chúa yêu thương con người, kêu mời con người chia sẻ đời sống hạnh phúc với mình. Tình yêu ấy không chịu bó tay trước sự khước từ của con người; nhưng sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa lại càng tăng thêm tình thương đối với con người qua việc trao ban đức Kitô cho nhân loại. Nhờ đức Kitô và trong Thánh Linh, con người được ơn làm nghĩa tử và chia sẻ sự sống thần linh. Tình yêu của Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người trong điều kiện lịch sử, nghĩa là con người đã sa ngã, bị thương tích. Vì thế con người cần được chữa lành và tha thứ. Trên thực tế tình yêu ấy đã thanh tẩy con người, ban khả năng cho nó đạt được sự tự do của con cái, vượt thắng tính ích kỷ ngõ hầu có thể dùng tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Bởi vì còn là một bộ môn mới mẻ cho nên các tác giả chưa hoàn toàn nhất trí về nội dung và phương pháp[15]. Như đã thấy trên đây, ngay từ thời các giáo phụ, người ta đã thấy hai lối nhìn khác nhau về công trình cứu độ của Đức Kitô: các giáo phụ Đông phương giải thích ơn cứu độ như là “thần linh hoá”: con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và cần gắng trở nên càng ngày càng giống Thiên Chúa hơn; bên Tây phương cho rằng bản tính con người đã bị thương tổn vì tội lỗi, cho nên cần được ân sủng chữa lành. Dù sao, phải nhận là công đồng Vaticanô II đã mở ra một viễn tượng mới về thần học về con người, đặc biệt nơi Hiến chế Hội thánh trong thế giới hôm nay (quen gọi là: “Vui mừng và Hy vọng”) với tựa đề của phần thứ Nhất là: “Hội thánh với thiên chức của con người”, và phần thứ Hai bàn tới vài vấn đề khẩn trương của con người thời đại. Công đồng không bàn về con người cách trừu tượng, nhưng là con người bằng xương bằng thịt, sống trong lịch sử, sống giữa xã hội, kiến tạo thế giới bằng sức lao động. Con người ấy kiêu hãnh vì bao nhiêu công trình khoa học kỹ thuật, nhưng đồng thời luôn bị khắc khoải bởi những câu hỏi: “con người là cái chi? tại sao đau khổ, tội ác, chết chóc vẫn tồn tại bất chấp mọi tiến bộ kỹ thuật? các công việc mà mình làm có giá trị trường tồn hay không? số mạng con người sẽ ra sao? tại sao con người bị xâu xé trong thâm tâm giữa ý muốn làm điều tốt và khuynh hướng chiều theo cái xấu? chết rồi thì đi đâu?”. Công đồng Vaticanô II muốn trả lời cho những thắc mắc hiện sinh đó, muốn tỏ cho con người biết thân phận của con người, vừa thiêng liêng cao quý nhưng cũng mỏng manh yếu ớt. Chúng ta có thể đọc thấy trong phần thứ nhất của Hiến chế một sứ điệp về con người, bàn về phẩm giá cao quý vì được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được mời gọi thông hiệp với Ngài và với tha nhân; con người được trao ban những khả năng siêu việt như lý trí, lương tâm, tự do.

C. Kết hợp và tách rời

Hai lối tiếp cận vừa kể không tiến hành song song với nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Chúng ta có thể thấy một thí dụ trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng  của công đồng Vaticanô II. Một đàng, công đồng lắng nghe những vấn đề được nêu lên; đàng khác, công đồng tìm cách giải đáp bằng những luận cứ của lý trí và của đức tin. Đức tin mang lại ánh sáng để nhìn rõ hơn vấn đề. Tuy vậy, đôi khi cũng nên tách rời ra khi phải đối thoại với những thính giả khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong quyển sách “Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo” do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình phát hành năm 2004. Quyển sách này vừa được dành cho các tín hữu Công giáo vừa muốn hướng đến tất cả mọi người thiện chí, bất luận thuộc tôn giáo hoặc ý thức hệ nào. Vì thế cần phải sử dụng những nguồn mạch của mặc khải (hướng đến các tín hữu) cũng như của triết học (hướng đến tất cả mọi người).

Một cách cụ thể, ở Chương Ba, bàn về Con người và nhân quyền, tác phẩm đã tách ra hai đoạn: con người trong lịch sử cứu độ và con người dưới ánh sáng của lý trí.

1/ Phẩm giá con người: hình ảnh Thiên Chúa. Mặc khải Kinh thánh về con người (số 108-123), với ba tiết mục: a) Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; b) Con người được phạm tội và làm méo mó ý định của Thiên Chúa; c) Con người được Thiên Chúa cứu độ.

2/ Những khía cạnh khác nhau của nhân vị (số 124-149), phân tích năm chiều kích của con người dựa theo triết học: a) Con người gồm bởi hồn và xác; b) Con người hướng đến siêu việt; c) Con người có tự do; d) con người bình đẳng với nhau về phẩm giá (đặc biệt bình đẳng giữa nam và nữ); e) con người sống trong xã hội.

Thực ra, những chiều kích này không phải là kết quả của một sự suy diễn lý thuyết, nhưng nhằm trả lời cho những quan điểm một chiều về con người trong lịch sử triết học:

a) hoặc chỉ nhìn con người như một hữu thể thuần tuý vật chất (duy vật), hoặc chỉ đề cao khía cạnh thiêng liêng mà bỏ qua thân xác (duy linh), hoặc chủ trương hồn xác như hai thực thể độc lập;

b) hoặc chỉ giới hạn cứu cánh con người vào cuộc sống hiện nay, vì thế chỉ chú trọng sự phát triển kinh tế, mà bỏ qua chiều kích tinh thần và tôn giáo;

c) hoặc chủ trương con người bị thúc đẩy hành động do các bản năng, chứ không có tự do; dĩ nhiên các chế độ độc tài chẳng đếm xỉa gì đến tự do và lương tâm của các công đân; mặt khác, tự do cần được hướng dẫn bởi chân lý, chứ không đồng nghĩa với phóng túng;

d) vô tình hay hữu ý, lịch sử đã chứng kiến rất nhiều sự kỳ thị bất bình đẳng: nam nữ, sắc tộc, chủ nhân và nô lệ, người lành mạnh và người tàn tật, v.v

e) nếu có những chủ nghĩa xã hội đòi hỏi các phần tử phải hy sinh cho tập thể, thì cũng có những chủ nghĩa đề cao cá nhân đến nỗi bắt mọi người phải phục vụ các tôi của mình.

Vì thế, một cái nhìn toàn diện về con người cần dung hoà tất cả những khía cạnh vật chất, tinh thần, nhân vị, xã hội, siêu việt và lịch sử. Ngoài ra, cũng nên biết là toàn thể giáo huấn của Hội thánh về xã hội (gia đình, lao động, kinh tế, chính trị) chẳng qua chỉ là phát biểu chân lý về phẩm giá con người dưới những chiều kích khác nhau.

Kết luận

Theo Hans Urs von Balthasar (Dieu et l’homme d’aujourd’hui, Desclée de Brouwer, Paris 1965), các triết gia Hy-lạp nghiên cứu con người trong khung cảnh vũ trụ (cosmocentrique), thần học Kitô giáo tìm hiểu con người trong tương quan với Thiên Chúa (théocentrique), vào thời cận đại, con người được đặt làm trung tâm và tiêu chuẩn cho mọi tri thức (anthropocẻntique): con người muốn làm bá chủ vũ trụ và dành quyền tự trị tuyệt đối, không muốn chịu ràng buộc bởi một quy tắc nào hết. Đó là nguyên nhân của chủ trương “vô thần nhân bản”: sự phủ nhận Thiên Chúa là điều kiện cần thiết để cho người được tự do. Trong bối cảnh văn hóa ấy mà công đồng Vaticanô II muốn khẳng định rằng: việc nhìn nhận Thiên Chúa nâng cao phẩm giá con người, chứ không làm hạ giá nó.

Đó là nói đến lịch sử tư tưởng Âu Tây. Phải chăng tư tưởng Đông phương diễn tiến theo một đường hướng khác? Từ xưa, đạo “Nhân” đã chẳng được đặt làm trọng tâm của mọi suy tư Đông phương đấy ư? Dù nói gì đi nữa về sự khác biệt Đông-Tây, chúng ta hiện đang sống trong thời đại “toàn cầu hóa”, với sự luân chuyển nhanh chóng tư tưởng cũng như hàng hóa giữa các miền trên thế giới. Các khoa học nhân văn bắt nguồn từ Âu Mỹ cũng được giảng dạy tại các đại học Viễn Đông. Các ý niệm “tự do, nhân phẩm, nhân quyền” đã trở thành gia sản của toàn thể nhân loại. Vì thế việc nghiên cứu nhân học không phải là chuyện xa xỉ.

[1] Lưu ý về việc dịch thuật. Anthropology có thể dịch ra tiếng Việt là: nhân học, nhân luận, nhân văn học, nhân chủng học, hoặc: nhân sinh, nhân đạo. Trong bài này chúng tôi thường sử dụng hai từ “nhân học” và “nhân luận”, được xem như đồng nghĩa. Xem: Phan Tấn Thành, Nhân sinh quan Kitô giáo (Đời sống tâm linh tập VIII), Rôma 2009, trang 36-38.

[2] Jean-François Dortier, Les Sciences humaines, panorama des connaissances Paris, Editions Sciences humaines, Paris,  nouvelle édition, 2009. Introduction.

[3] Nên lưu ý là ở Hoa kỳ cũng như tại một số quốc gia khác, humanities đôi khi mang một nghĩa rất rộng, (kế thừa từ xã hội Hy-lạp thời cổ và chủ nghĩa nhân văn thời cận đại), bao gồm triết học, văn chương, nghệ thuật.

[4] Y khoa không có vấn đề, bởi vì người ta có thể khảo sát thân thể con người giống như thân thể của các động vật khác.

[5] Dẫn nhập vào những khoa học tinh thần (Einleitung in die Geistwissenschaften) xuất bản tại Leipzig năm 1883.

[6] Cuộc tranh luận về phương-pháp-luận của các khoa học nhân văn vẫn còn tiếp tục. Cách riêng, các nhà khoa-học thiên-nhiên đưa ra vấn nạn về tính cách “khách quan” của khoa-học nhân-văn, xét vì chủ thể khảo cứu và đối tượng khảo cứu cũng là một.

[7] Tính từ anthropologos  đã được Aristote sử dụng trong Ethica (IV, 8, 1125, a 8), nhưng chỉ có nghĩa tổng quát là liên quan đến con người, chứ chưa phải như một đối tượng của môn học.

[8] Ba câu hỏi đầu tiên được nêu lên trong tác phẩm “Phê bình lý trí thuần tuý” (Kritik der reinen Vernunft, 1781); câu hỏi thứ bốn được thêm vào trong tác phẩm “Luận lý học” (Logik, 1800).

[9] Nên lưu ý về truyền thống tại mỗi quốc gia khi hiểu về anthropologia. Đa số các quốc gia châu Âu hiểu anthropologia như là môn học về thể hình của con người (khác với ethnologia nghiên cứu các khía cạnh xã hội và văn hóa), còn bên Anh, anthropology  được hiểu về khía cạnh xã hội, đang khi ở Hoa kỳ thì lại hiểu về khía cạnh văn hóa.

[10] Những người khai sáng môn Cultural Anthropology: Edward Tylor và James Frazer bên Anh, Lewis Henry Morgan và Boas ở Hoa kỳ, Marcel Mauss và Claude Lévi-Strauss ở Pháp.

[11] Tác phẩm Psychologia hoc est de hominis perfectione, anima, ortu, Marburg 1590.

[12] Tác giả tiêu biểu: Gordon Willard Allport, Carl Rogers, Abraham Maslow, Viktor E. Frankl.

[13] Tác giả tiêu biểu: Jean Piaget, Carl Rogers.

[14] Max Scheler, Die Stellung des Menschen im Kosmos (Vị trí con người trong vũ trụ), 1928

[15] Ngay cả về danh xưng bộ môn cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Vài tác giả Tin Lành đã phân biệt giữa Anthropologia theologica (Theological Anthropology) và Theologia anthropologica: Anthropological Theology). Thuật ngữ thứ nhất nhằm trình bày quan điểm thần học về con người (anthropology in theological perspective); thuật ngữ thứ hai chịu ảnh hưởng của F. Schliermacher, cho rằng thần học cần bàn về con người hơn là về Thiên Chúa. Xc. Ernst M. Conradie, What is theological about theological anthropology? In: “Ned Gered Teologiese Tydschrif” 45 (2004) 558-572.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here