Những Đặc Trưng Của Luân Lý Kitô Giáo

0
3230


Kim Thao, OP.

 

Tuy Va-ti-ca-nô II không trả lời trực tiếp cho câu hỏi (có một nền luân lý riêng của Ki-tô giáo hay không), nhưng ta có thể thấy lời giải đáp trong những văn kiện khác nhau. Thực vậy, tuy rằng Công Đồng nêu bật những điểm chung với các nền luân lý khác, nhưng đồng thời Công Đồng cũng nhấn mạnh đến những điểm đặc trưng của đời sống Ki-tô giáo, tóm lại trong việc thực hành ba nhân đức tin-cậy-mến, nơi gặp gỡ giữa ơn sủng và tự do con người.

A. Những điều chung với các nền luân lý khác

Không ai chối cãi rằng Ki-tô giáo đã tiếp nhận rất nhiều giáo huấn luân lý từ những nền văn hóa, tôn giáo khác nhau trên thế giới. (xem: Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 44; Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo số 22). Điều này không những chỉ đúng với quá khứ, như đổi mới văn hóa Do Thái, Hy Lạp, La Mã, hoặc tại Á Châu; nhưng cũng đúng cho thời hiện đại nữa, chẳng hạn ý thức về nhân quyền, sự bình đẳng giữa các công dân.

Tuy nhiên Công Đồng Va-ti-ca-nô II (cũng như Va-ti-ca-nô I) trong hiến chế Mạc Khải (số 6) nhắc lại rằng Mạc Khải không những cho ta biết những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của lý trí, nhưng còn bao gồm cả những chân lý tự nhiên, mà do hoàn cảnh lịch sử, đã bị lãng quên hoặc bóp méo.

Chúng ta có thể thấy nhiều giáo huấn luân lý thuộc vào loại này (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 58). Như đã nói, không thể phủ nhận ảnh hưởng của Ki-tô giáo trong việc tái lập chế độ nhất phu nhất phụ, sự bình đẳng giữa con người. Và ngày hôm nay, có thể nói, Giáo Hội Công Giáo là tiếng nói độc nhất bảo vệ sự sống qua việc cấm phá thai, một chân lý tự nhiên nhưng không ai muốn nghe nữa.

B. Những điều mới

Mặt khác, Ki-tô giáo đã mở rộng nội dung của luân lý, nghĩa là đặt ra những giáo huấn mới. Chẳng hạn, trong giới răn thương yêu: chúng ta có một động lực mới (yêu thương như Chúa yêu, tính cách vô vị lợi của nó), cũng như đối tượng mới (yêu thương hết mọi người, không phân biệt họ hàng chủng tộc, và nhất là yêu thương kẻ thù nữa).

Luân lý mới của Ki-tô giáo cũng dựa vào những tác nhân mới. Thánh Phao-lô đã nhiều lần kêu gọi các tín hữu hãy sống cuộc đời mới, xét vì họ đã được biến đổi. Họ không còn phải là con người của tội lỗi như trước nữa, nhưng Thánh Thần Chúa đang sống trong họ, vì vậy, họ phải phát sinh những hoa trái của Thánh Thần.

Chúng ta hãy đọc lại chương 8 của thư gửi giáo đoàn Rô-ma, hay ngắn hơn, thư gửi giáo đoàn Ga-la-ta 5,22 để hiểu những hiệu quả của Thánh Thần: “mến yêu, vui mừng, bình an, đại lượng, nhân hậu, tốt lành, chính trực, hiền từ, tiết độ”. Như vậy, chính con người mới sẽ thực hiện những hành vi luân lý mới: người Ki-tô dám làm một số hành vi mà người đời cho là điên rồ ngu xuẩn: tựa như sự tha thứ, khiêm nhường.

Nói thế có nghĩa là Ki-tô giáo đã làm biến thái bản chất con người hay sao? Thưa không. Trong khi một số tác giả không muốn nói tới sự khác biệt giữa luân lý Ki-tô giáo với các nền luân lý khác (vì muốn giữ cho Ki-tô giáo bộ mặt nhân bản của nó), thì Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã không ngần ngại nói rằng chính sự mới mẻ của Mạc Khải Ki-tô giáo đã thăng tiến con người.

Thực vậy, trong tất cả Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, Công Đồng đã trình bày học thuyết về con người (xét trong phạm vi cá nhân cũng như trong những tương quan xã hội) dựa trên Mạc Khải của Ki-tô giáo, tức là con người xét như là hình ảnh của Thiên Chúa, được gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Mối liên hệ với Thiên Chúa không đè bẹp con người, nhưng trái lại, mở ra những chiều kích mới mà con người không dám mơ tới. Một tỉ dụ điển hình là chính Đức Ki-tô: không ai mở rộng cửa đón tiếp Thiên Chúa hơn Ngài, và nhờ vậy, không ai sống tình người sâu đậm như Ngài.

Một điểm mới nữa mà Va-ti-ca-nô II muốn lưu ý là chân trời của thần học luân lý: luân lý không thể chỉ giới hạn vào việc tránh phạm tội kẻo sa hỏa ngục. Tất cả mọi Ki-tô hữu được kêu gọi nên thánh: đó là chủ đề của chương 5 của Hiến chế Hội Thánh. Ơn gọi ấy – bắt nguồn từ bí tích rửa tội, ơn thánh, tác động của Chúa Thánh Thần – thúc giục người Ki-tô hữu đáp lại bằng đời sống tin, cậy, mến, được diễn tả ra qua các hành vi hằng ngày tùy theo điều kiện sinh sống của mỗi người (các số 39-42 của Hiến chế). Sự thánh thiện không phải chỉ là kết quả của sự cố gắng của con người, nhưng là một kiệt tác gồm nên bởi tác động của Thiên Chúa (ơn sủng) và tác động của con người.

C. Giáo lý Công Giáo

Trong khi soạn thảo sách Giáo lý, các tác giả đã hơn một lần đặt vấn đề: có một nền luân lý Ki-tô hay không? Khi giới thiệu sách Giáo Lý trong cuộc họp báo ngày 9/12/1992, Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã lưu ý các ký giả rằng: trước khi tò mò xem sách Giáo lý cho phép làm điều gì và cấm điều gì, thì hãy khám phá chân lý căn bản làm nền tảng của luân lý Ki-tô giáo: đó là con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Chính điều đó cấu tạo nên phẩm giá của con người; nó không phải do con người nghĩ ra, nhưng là do Chúa mạc khải cho con người. Khi nói rằng con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Mạc Khải Ki-tô giáo không hạ giá con người, bắt con người phải làm nô lệ một ông chủ.

Trái lại, chính vì nói rằng con người được dựng nên giống Thiên Chúa, Kinh Thánh đã mở rộng nhãn giới cho con người, tỏ cho nó thấy thiên chức cao quý vĩ đại của nó, đó là: nó cũng có thể yêu thương cũng như Thiên Chúa. Con người sinh ra để yêu thương, để biết sự thực, để được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực chỉ có thể tìm thấy nơi sự thông hiệp với Thiên Chúa và tha nhân.

Trong một bài trình bày nội dung của sách Giáo lý đăng trên nhật báo “Osservatore Romano” ngày 6/01/1993, Đức Cha Christoph von Schoenborn, thư ký ủy ban soạn thảo, đã đi sâu hơn vào bố cục của các phần của sách. Tác giả đã cảnh giác là ta đừng đọc sách giáo lý này theo tâm thức trước đây, theo đó giáo lý Công Giáo bao gồm những điều phải tin (kinh Tin kính), và những điều phải giữ (10 điều răn).

Không phải thế: tất cả 4 phần của sách ăn khớp với nhau thành một toàn bộ, giống như cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Một đàng là Thiên Chúa đến với con người qua nhiệm cục cứu độ, qua việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa (Kinh Tin kính, phần thứ nhất); Ngài ban cho ta ơn thánh (các bí tích, phần thứ hai) cũng như những điều cần thiết khác để ta có thể sống đẹp lòng Ngài (sự cầu nguyện, phần thứ bốn). Đối lại, con đường dẫn con người đến cùng Thiên Chúa không phải chỉ giới hạn trong phần thứ ba (mười điều răn), nhưng bao gồm tất cả bốn phần.

Thực vậy, phần thứ nhất, Kinh Tin kính biểu lộ tâm tình của con người khi lĩnh bí tích rửa tội: đó là ước muốn được lãnh nhận sự sống đời đời qua việc kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người tìm thấy nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa nhập thể, khuôn mẫu cho đời của mình cũng như sức mạnh để thực hiện lý tưởng đó. Các bí tích giúp cho con người thông dự vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Một cách đặc biệt, phần thứ ba mở đầu bằng việc trình bày lòng khao khát của con người muốn được hạnh phúc: sự khao khát ấy tương ứng với chương trình của Thiên Chúa nhằm kêu gọi con người vào thông hiệp với Ngài. Để có thể thực hiện nguyện vọng và ơn gọi ấy, Thiên Chúa đã dạy dỗ con người qua lề luật và trợ giúp cho con người bằng ơn thánh. Khi đi vào nội dung của mười điều răn, các soạn giả không bắt đầu những điều cấm, nhưng là với các nhân đức, và kết thúc với các Mối Phúc Thật. Phần thứ bốn, dành cho sự cầu nguyện, cũng nhằm quảng diễn hơn tinh thần Bát Phúc, lý tưởng của đời sống Ki-tô hữu. Đức Cha Von Schoenborn không ngần ngại kết luận rằng cơ cấu này dựa theo sách Tổng luận Giáo lý của thánh Tô-ma A-qui-nô.

Ở đây, để kết thúc câu hỏi về những nét đặc trưng của luân lý Ki-tô, chúng ta có thể nói rằng luân lý Ki-tô không giới hạn vào việc làm lành lánh dữ. Nó đòi hỏi chúng ta phải nhìn lên chính Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm người, nhất là tình yêu vô bờ bến của Ngài, để lấy đó làm khuôn mẫu cư xử. Thế nhưng, mặt khác, người Ki-tô hữu không hành động đơn thân độc mã: Thánh Thần và ơn thánh sẽ trợ giúp để thực hiện ơn gọi, ơn gọi nên thánh qua việc thực thi bác ái, các mối phúc thật.