Những Chuyển Biến Của Thần Học Sau Công Đồng Vatican II

0
657


 
Bình Hòa, OP.
Sau khi rảo qua những nét chính trong phương pháp nghiên cứu thần học tín lý cũng như luân lý, chúng tôi sẽ dừng lại những bộ môn quan trọng, tựa như về Ki-tô học, Thánh Mẫu học, Giáo Hội học, v.v…, để xem những đường hướng khảo cứu và trình bày mới.

Thêm vào đó chúng ta không thể bỏ qua những chủ đề thần học tại vài đại lục trên thế giới, tỉ như thần học giải phóng ở Mỹ châu la-tinh, tuy rằng thần học giải phóng cũng không vắng mặt tại Phi châu và tại Á châu.

Dĩ nhiên xét vì vị trí địa dư của nước Việt Nam, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn đến những luồng thần học tại Á châu, một đại lục mênh mông, bao gồm rất nhiều nền văn minh và tôn giáo cổ kính, nhưng cũng không thiếu những thách đố cho thần học cũng như cho tất cả đường hướng hoạt động của Giáo Hội.  

Xin được điểm qua những biến chuyển quan trọng nhất của thần học từ Công đồng Va-ti-ca-nô II:
 
– Để làm sáng tỏ hơn sự thay đổi, chúng ta nên nhìn lại những đường hướng chính của thần học vào thập niên 50. Mặc dầu những luồng gió canh tân đã thổi lên từ đầu thế kỷ 20, do phong trào Thánh Kinh, Phụng Vụ, và Giáo Phụ, nhưng các chủng viện và phân khoa thần học vẫn còn theo phương pháp kinh viện, dựa trên các luận đề thần học của thánh Tô-ma A-qui-nô, và rất nhẹ phần Kinh Thánh. Những vấn đề hiện đại lại càng chiếm ít chỗ hơn.  

– Đọc qua các văn kiện của Công đồng Va-ti-ca-nô II, tuy không đi sâu vào nội dung, ta cũng có thể nhận thấy một đường hướng mới về thần học. Không còn phương pháp kinh viện khô khan, và nhất là không còn những luận đề để phi bác các học thuyết sai lạc. Những vấn đề được đặt lên theo phương pháp quy nạp hơn là diễn dịch, với chủ trương đi sát vào các thực tại của thời đại hôm nay.  

– Sau Công đồng, các sách giáo khoa về thần học đã được viết lại, không những nhằm tiếp nhận đạo lý của Va-ti-ca-nô II, nhưng nhất là đẩy mạnh những đường hướng mà Công đồng đã mở. Bất cứ chủ đề nào cũng được nghiên cứu dưới ánh sáng của Kinh Thánh, các Giáo Phụ, Lịch Sử đạo Lý.

– Tuy nhiên, có lẽ sự thay đổi nổi bật nhất của thần học sau Công đồng ở tại điều mà người ta gọi là “khúc quặt nhân bản”. Trước đây, trọng tâm của thần học là Thiên Chúa, nhưng từ nay thần học chú ý nhiều hơn đến con người, đến những vấn đề của con người: từ những khắc khoải lo âu về định mạng, cho tới những cảnh nghèo đói, tranh đấu chống lại bất công. Bàn về con người, thần học cũng phải làm quen với những khoa học nghiên cứu về con người tựa như tâm lý học, xã hội học, đó là chưa nói đến các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau.  

Từ những nhận xét vừa nói, không lạ gì khi thấy sau Công đồng, nhiều sách thần học đã được xuất bản theo phương pháp mới, cũng như những luồng thần học mới đã xuất hiện. Tỉ dụ như tại Âu châu và Bắc Mỹ, thần học về sự tục hóa (Théologie de la sécularization),thần học chính trị (théologie politique). Nên biết thần học chính trị của Johann Baptist Metz không nhằm đưa Giáo Hội vào việc tham gia chính trị, nhưng là để Giáo Hội biết thoát khỏi sự ràng buộc của các thể chế chính trị, từ đó dám tố cáo những giới hạn của chúng.

Còn ở Nam Mỹ, thần học giải phóng ra đời, nhằm tìm ra đường lối giải phóng con người, bao gồm cả hàng dân tộc và giai cấp đang bị áp bức. Thần học giải phóng có thể coi là điển hình của một phương pháp mới. Thực vậy, không những nó lưu ý đến một thực trạng xã hội, nhưng nó còn đảo ngược đường lối làm việc của thần học.

Khởi điểm của Thần học giải phóng không phải là những chân lý đức tin, nhưng là từ tình trạng của người dân nghèo, nạn nhân của sự đàn áp và bóc lột.

Kế đó, dùng phương pháp phân tích xã hội (kể cả học thuyết mác-xít) để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng nói trên.

Sau cùng, nhắm đến việc thực hiện sự giải phóng trên ba lãnh vực:

a) giải phóng con người khỏi những bóc lột do cơ chế kinh tế xã hội;

b) giải phóng con người trong lòng lịch sử, ngõ hầu đảm nhận vận mạng của mình;

c) giải phóng khỏi tội lỗi để đưa con người thông hiệp với đức Kitô.

Tưởng cũng nên biết là thần học giải phóng không phải chỉ thực hiện trong các phòng ốc của các đại học, nhưng tham vọng của nó là chính là lớp dân nghèo tham gia vào việc tìm ra đường hướng giải phóng cho mình.  

Trong những bài tới, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn những hậu quả của công cuộc canh tân thần học sau Công đồng, khi điểm qua những bộ môn như Ki-tô học, Giáo Hội học, v.v…, được trình bày dưới nhãn giới của Thánh Kinh, và Lịch Sử. Kể cả các nhà thần học giải phóng cũng xuất bản những tác phẩm về Kitô học, Giáo Hội học theo chiều hướng của họ.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn tóm lại vài đặc trưng liên hệ đến phương pháp mà thôi.  

1) Trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, thần học dành chỗ đứng ưu tiên cho Huấn Quyền của Giáo Hội, đến nỗi có thể nói là họ dùng Kinh Thánh để chứng minh cho Huấn Quyền. Có lẽ thái độ ấy là phản ánh của cuộc tranh luận từ hồi Cải Cách : phe Tin Lành chủ trương rằng Kinh Thánh là quy chuẩn duy nhất của đức Tin (Sola Scriptura); đối lại Công Giáo nhấn mạnh rằng không những Thánh Kinh mà cả Thánh Truyền nữa cũng là quy chuẩn của đức Tin. Thế nhưng dần dần Thánh Truyền được đồng hóa với Huấn Quyền.  

Từ sau Va-ti-ca-nô II, thần học khởi điểm từ chính Kinh Thánh, được giải thích theo khoa chú giải cận đại (kể cả của các tác giả Tin Lành), cho dù có thể không hợp với đạo lý cổ truyền. Vì thế không lạ chi những sự căng thẳng đã xảy ra giữa Bộ Giáo Lý đức Tin với một số nhà thần học khi họ xét lại giáo huấn về Ki-tô học hay Giáo Hội học.  

2) Trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, thần học xử dụng những phạm trù và từ ngữ của kinh viện, đặc biệt là của thánh Tô-ma A-qui-nô.

Ngày nay, Tô-ma không còn giữ vai trò độc tôn nữa; nhưng nhất là thần học mở rộng đến các hệ thống triết học khác, tỉ như hiện-sinh, hiện tượng, v.v… Ngoài ra, thần học cũng mở cửa cho các khoa học nhân văn, tựa như tâm lý học, xã hội học nữa.  

3) Đức Gio-an XXIII đã muốn cho Va-ti-ca-nô II  là một Công đồng “mục vụ”. đành rằng mỗi người có thể hiểu tiếng “mục vụ” một cách, nhưng không ai có thể chối rằng Công đồng muốn trình bày sứ điệp Tin Mừng với một ngôn ngữ mà con người thời nay hiểu được; ý nguyện này đã được phát lộ rõ rệt trong việc canh tân phụng vụ.

Thần học sau Công đồng chú ý rất nhiều đến điều kiện của con người, tức là tiêu điểm của việc rao giảng Tin Mừng. Vì vậy mà không lạ gì việc cởi mở đón tiếp các trào lưu tư tưởng hiện đại, cũng như những khoa học nhằm hiểu biết con người hơn.

Nói rằng để ý đến con người cũng có nghĩa là gần gũi với những lo âu khác khoải của con người thời đại: con người nạn nhân của nghèo đói trong xã hội chậm tiến, cũng như con người thiếu lẽ sống trong xã hội kỹ nghệ. Con người trở thành một “locus theologicus” của thần học thời đại. Karl Barth có lần nói: nhà thần học phải biết một tay cầm Kinh Thánh và tay kia cầm nhật báo! Khỏi nói cũng cần đoán được, trước đây thần học cũng bàn đến con người, song thường là trong nhãn giới của ơn thánh và sự cứu độ. Ngày nay, con người được nhìn đến trong cảnh sống cụ thể, trong xã hội và thế giới đương thời.  

4) Có lẽ cũng vì muốn đi sát với tính cách “mục vụ” của Công đồng, mà nảy ra những khuynh hướng thần học thiên về “thực hành” (théologie pratique, hoặc: praxis de la théologie).

Dựa trên câu Tin Mừng theo thánh Gio-an 3,20 (làm chân lý) và phần nào chịu ảnh hưởng của mác-xít, một số nhà thần học chủ trương rằng chân lý không phải là đối tượng để chiêm ngắm, song là để hành động; thậm chí có người còn đi xa hơn khi khẳng định rằng sự thật nằm trong hành động.  

Từ những nền tảng vừa nói, người ta thấy nảy nở ra rất nhiều phương pháp thần học, nếu không nói là rất nhiều thần học.

Trước đây, thánh Tô-ma A-qui-nô giải thích rằng thần học tuy bàn về nhiều vấn đề, nhưng vẫn là một ngành khoa học, xét vì đối tượng chính của thần học là Thiên Chúa hoặc những gì liên quan tới Thiên Chúa (Tổng luận thần học, phần 1, câu hỏi 1, mục 3). Nhưng từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II sự duy nhất của thần học đã bị phân mảnh vì nhiều lý do. Một đàng, đối tượng chính của thần học là những vấn đề của con người: chính vì thế mà có thần học giải phóng, thần học đen, thần học phụ nữ, thần học lao động, v.v…

Hơn thế, những dụng cụ phân tích những vấn đề của con người cũng rất nhiều: trước đây, các sách thần học xử dụng ngôn ngữ của triết lý kinh viện, còn ngày nay, người ta xử dụng nhiều triết thuyết khác nhau (kể cả thuyết mác-xít), xử dụng từ ngữ lấy từ những khoa học khác nhau cũng như từ những nền văn hóa địa phương khác nhau.

Ta chỉ lấy một thí dụ từ thần học giải phóng thì đủ rõ. Tuy cùng phát xuất từ những vấn đề của Mỹ châu La-tinh, nhưng các nhà thần học giải phóng chia ra rất nhiều khuynh hướng nhau, tùy theo chủ trương và dụng cụ làm việc của họ: có người thì chỉ nhằm đến phương pháp làm việc mục vụ tại địa phương này; có người thì nhằm diễn tả đức tin theo ngôn ngữ văn hóa địa phương; nhưng có người thì muốn đi tới việc thiết lập xã hội chủ nghĩa qua giải pháp cách mạng chính trị.

Chính vì vậy mà nhiều khi cuộc đối thoại giữa các nhà thần học trở nên bế tắc xét vì họ không dùng một ngôn ngữ như nhau.

Khỏi nói ai cũng đoán được, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là làm sao duy trì sự đồng  nhất của đức tin Công Giáo giữa những ngôn ngữ thần học đa nguyên như vậy. Liệu còn có thể diễn tả đức tin với những quan niệm và ngôn ngữ chung có hết tất cả các dân tộc trên thế giới hay không? Đó là những vấn nạn được nêu lên khi có dự án soạn thảo một cuốn giáo lý chung cho cả thế giới. Sự kiện quyển sách đã ra đời là một câu trả lời gián tiếp rằngvẫn còn có thể dùng một ngôn ngữ chung để tuyên xưng và thông truyền đức tin.                                                        

(Tài liệu: J.M. CASTILLO, La teología después del Va-ti-ca-nô II, in: “El Va-ti-ca-nô II, veinte anos después” (C. Floristan / J.J. Tamayo ed.), Cristiandad, Madrid 1985, tr. 137-172.- G. COLOMBO, La Teologia del secolo XX, in: “La teologia…” (a cura di D. Valentini), Las Roma 1989, tr.41-52.

Nguồn tin: Học Viện Đaminh