Những Bản Văn Pháp Lý Của Vụ Án 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam

0
2174


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
 
 
Lời ngỏ:  Ngày 24/11 hàng năm, toàn thể Giáo hội cùng mừng lễ “các thánh tử đạo tại Việt Nam”. Nhân dịp mừng kỷ niệm 25 năm ngày tuyên phong các hiển thánh Tử Đạo tại Việt Nam, Cha Giuse Phan Tấn Thành, O.P., (một trong những người tham gia trực tiếp trong việc tiến hành hồ sơ án phong thánh vào thời điểm đó, và Cha còn là một chuyên viên về Giáo luật, cũng như đã từng là Cố Vấn làm việc tại Bộ Phong Thánh), giới thiệu đến quý đọc giả một số vấn đề liên quan trong biến cố trọng đại này.
 
*****
Ngày 19/6/2013 vừa qua, nhiều nơi đã mừng kỷ niệm 25 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị chân phúc tử đạo tại Việt Nam. Thiết tưởng không phải là muộn khi chúng ta nhắc lại biến cố ấy vào dịp mừng kính lễ ngày 24/11 (năm nay phải dời sang ngày thứ hai 25/11 vì trùng với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ). Bài này chỉ muốn trình bày vài điểm liên quan đến các bản văn pháp lý xoay quanh việc phong thánh.
 

I. NHỮNG BƯỚC CHUẨN BỊ

1. Trước hết, thiết tưởng cần xác định: đây là các thánh tử đạo tại Việt Nam (chứ không phải là thánh tử đạo Việt Nam), bởi vì các ngài thuộc ba quốc tịch: Việt Nam (96 vị, trong đó có 37 linh mục), Tây ban nha (11 vị dòng Đaminh: 6 giám mục và 5 linh mục), Pháp (10 vị thuộc Hội Thừa sai Paris – MEP – gồm 2 giám mục và 8 linh mục). Chúng ta đừng nên quên rằng trong thế kỷ XIX, việc truyền giáo tại Việt Nam được ủy thác cho Dòng Đaminh (các giáo phận miền Đông Bắc phần) và Hội Thừa sai Paris (những giáo phận còn lại). Hai đơn vị này đã xúc tiến án phong chân phước cho các vị tử đạo.
2. Các vị đã được phong chân phước vào bốn đợt khác nhau:
Ngày 27/5/1900, do tông thư (litterae apostolicae) Potissimum virorum, Đức thánh cha Lêô XIII tuyên phong chân phước cho 77 vị tử đạo tại Trung Hoa và Việt Nam (theo ngôn ngữ thời ấy là Sinensis, Tonchinum, Concicinam); trong số này có 64 vị tử đạo tại Việt Nam. Đây là một lễ nghi rất đặc biệt, vì được cử hành nhân dịp năm thánh, do bốn hội dòng đứng ra thỉnh nguyện: MEP, OP, OFM và CM (Vinh sơn). Các chân phước Trung hoa sẽ được phong thánh ngày 1/10/2000.
 
Ngày 15/4/1906, do tông thư Martyrum purpurata sanguine, Đức thánh cha Piô X phong chân phước cho 8 vị, tất cả thuộc dòng Đaminh. Đặc biệt trong số này chúng ta gặp thấy bốn vị niên trưởng (thuộc cuối thế kỷ XVIII): Francisco Gil de Federich và Mateo Alonso Leciniana (1745), Jacinto Castaneda, Vicente Lê Quang Liêm (1773).[1]
 
Ngày 11/4/1909, do tông thư Martyrum purpurata sanguine, Đức thánh cha Piô X phong chân phước cho 20 vị Việt Nam chung với nhiều vị Trung Hoa. Điểm đặc biệt là văn thư được đăng vào bộ số 1 của Acta Apostolicae Sedis. Vol 1 (1909), 452-458[2].
 
Ngày 29/4/1951, do tông thư Albae iam ad messem Đức thánh cha Pio XII phong chân phước cho 25 vị. AAS 43 (1951) 305-310. Lần này chỉ có các chân phước thuộc giáo phận Bùi Chu thuộc dòng Đaminh ở Việt Nam. Trong bản tường trình, cha Tổng quyền Dòng cho biết lịch sử ly kỳ của vụ án này. Khởi đầu (năm 1917) Dòng xin mở hồ sơ phong chân phước cho 1740 tôi tớ Chúa chịu tử đạo vào những năm 1856-1862.  Tòa thánh thấy ngộp, yêu cầu phân ra 4 cấp dựa trên giá trị các nhân chứng. Sau khi đã phân cấp rồi, đến lượt phải thanh lọc: cấp IV bị loại, còn lại 1315 vị. Cấp III đứng chờ, và các vị cấp II và cấp I tiếp tục hành trình. Cuối cùng chỉ còn cấp I được tuyển, gồm 25 vị.
 
3. Tiến trình từ chân phước đến hiển thánh
Trong số 117 chân phước, vài vị đã được tôn kính đặc biệt (chẳng hạn như ở Việt Nam: Philipphê Minh, Lê Bảo Tịnh, Vinh sơn Liêm) nhưng không mấy ai nghĩ đến tiến trình phong thánh. Bên Tây-ban-nha, thành phố Bilbao mở chiến dịch cổ động rất mạnh “xin phép lạ” để phong thánh cho chân phúc Berrio Ochoa. Nhưng để chứng minh một “phép lạ” theo giáo luật thủ tục không đơn giản.

Do hoàn cảnh Chúa quan phòng, đức thánh cha Gioan Phaolô II rất nhạy bén với các vụ tử đạo. Riêng tại Á đông, Giáo hội Đại Hàn đã có 109 vị tử đạo được phong thánh tại thủ đô Seoul ngày 6/5/1984. Có lẽ nắm bắt được tình hình thuận lợi, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập hàng giáo phẩm (1960-1985), đức hồng y Trịnh Văn Căn xin Đức Thánh Cha đẩy mạnh việc phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam. Khổ nỗi, thủ tục tuyên phong hiển thánh đòi phải có một phép lạ. Kiếm đâu ra? Phải nhờ đến các chuyên viên giáo luật thôi.

Tổng hội Dòng Đaminh họp tại Quezon City năm 1977 (Acta n. 59) đã ủy thác cho Bề trên tổng quyền Vincent de Couesnongle xúc tiến việc phong thánh. Năm 1979, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đã tiếp xúc với cha Tổng quyền (thư viết ngày 25 tháng 7) yêu cầu hợp tác về thiêng liêng cũng như kỹ thuật: “sa participation active dans la vague de prières qui, désormais  plus intensément, va monter au ciel de la part du Vietnam souffrant, afin d’implorer la glorification extérieure de nos héroiques ancêtres, comme continuation de l’oeuvre missionnaire si bien lancée dans les siècles passés, pour l’extension de la Sainte Eglise”. Đó là chuẩn bị xa. Đến lúc phải chính thức mở hồ sơ, cha Innocenzo Venchi (Đặc trách các vụ phong thánh của Dòng) đã lục lọi các hồ sơ để tiến hành theo giáo luật đòi hỏi. Trên nguyên tắc, Đức thánh cha có thể miễn chuẩn phép lạ, nhưng ngài đã không làm điều ấy trong tiến trình các vị tử đạo Đại Hàn và gần hơn nữa là các vị tử đạo Philippin (Lorenzo Ruiz). Cha Venchi đã dùng một “thuật” khác. Điểm lại các hồ sơ phong chân phước trước đây, trong nhóm thứ nhất (năm 1900), ngoài những “dấu lạ” (signa), còn có hai vụ lành bệnh khác thường xảy ra tại Paris (1853) và Reims (1854). Trong nhóm thứ hai (năm 1906), có rất nhiều dấu lạ đã được ghi nhận vào năm 1927. Nhóm thứ bốn (1951) cũng ghi nhận nhiều dấu lạ. Vì thế tạm coi như đã đủ để xin phong thánh[3].

Bộ Phong thánh đã chấp nhận luận cứ ấy. Do đó, mặc dù trên nguyên tắc, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chuẩn miễn phép lạ cho vụ phong thánh, nhưng trên thực tế, sự miễn chuẩn ấy dựa trên những cơ sở chắc chắn, cộng thêm tấm gương kiên trung của các tín hữu nhờ lời chuyển cầu của các vị[4].
 

Quảng trường Thánh Phêrô
ngày đại lễ tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam năm 1988

II. ĐẠI LỄ PHONG THÁNH

 
Nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại (chẳng hạn youtube) trên internet, chúng ta có thể xem lại cuốn phim lễ phong thánh diễn ra tại quảng trường thánh Phêrô.  Chúng tôi muốn nghiên cứu cách riêng những văn bản trong và sau buổi lễ: a) Công thức tuyên phong; b) bài giảng; c) bản văn phụng vụ; d) sắc phong; e) lễ kính.
 
A. Quan trọng nhất là công thức tuyên phong bằng tiếng Latinh (bản dịch tiếng Việt của  Đức ông Vinh-sơn Trần Ngọc Thụ):
Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chin chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:

Các Chân Phúc: Anrê Dũng Lạc, Linh mục,

Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân,

Girolamô Hermosilla và Valentinô Berriô – Ochoa, hai Giám mục Dòng Đa Minh và 6 Giám mục khác,

Têophan Vénard, linh mục Hội Thừa Sai Ba lê và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam, là những Vị Thánh  và các ngài được liệt kê vào sổ các Thánh. Tôi cũng quyết định rằng giáo hữu trong toàn thể Giáo Hội sốt sắng mừng kính các Ngài như các Thánh Tử Đạo. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
 
Nên lưu ý về thứ tự các vị thánh trong danh sách. Trong các lần phong chân phước trước đây, đứng đầu là các giám mục (Tây ban nha hoặc Pháp), rồi đến các linh mục và giáo dân. Lần này vì muốn làm nổi bật các thánh Việt Nam, cho nên đứng đầu danh sách là một linh mục, một chủng sinh và một giáo dân người Việt. Kế đó là 8 giám mục (hai giám mục Tây ban nha Hermosilla và Berrio Ochoa được nói riêng vì phong trào cổ động  cho hai vị rất mạnh ở quê nhà); trong số các linh mục người Pháp, cha Vénard được tách riêng bởi vì được nhiều người biết đến nhờ tiểu sử thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu.
 

B. Bài giảng lễ

(dựa trên các bài đọc Sách thánh Kn 3,1-9; Tv 125; 1Cr 1,18-25; Mt 10,17-22) được đọc bằng 4 thứ tiếng: Italia, Pháp, Tây-ban-nha và tiếng Việt (ở phần kết luận). Bản văn được đăng trong Acta Apostolicae Sedis 80 (1988), 1510-1516. Bản dịch dưới đây của Đức ông Vinh-sơn Trần Ngọc Thụ:

 
1. Tiếng Ý

Anh chị em thân mến,
 

“Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu tử nạn Thập Giá” (1 Cr 1,23)

Mượn lời trên đây của Thánh Phaolô, Giáo hội Rôma hôm nay gởi lời chào Giáo hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của cha. Đồng thời cha xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả Giáo hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc được trăm phần an lành.

Mối thịnh tình ưu ái dành cho người anh em thân mến, tức là Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Hà Nội, và tất cả các vị giám mục trong giáo đoàn Việt Nam, mà giờ này cha ao ước các ngài hiện diện nơi đây. Cùng với hàng giáo phẩm, cha chào tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các thành phần giáo dân tham gia công cuộc truyền đạo, và toàn thể giáo đoàn Việt Nam: trong giờ phút này cha linh cảm mình hiệp thông với họ một cách sâu xa đặc biệt.

2. Tiếng Tây-ban-nha

Tôi chào tất cả các anh em giám mục, cũng như giáo dân của Tây Ban Nha, Pháp quốc và Philippines, những xứ sở mà trong suốt ba thế kỷ đã góp phần vào việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuốn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những người anh em trước kia là thừa sai xuất thân từ ba quốc gia này.

Một tư tưởng ưu ái xin gửi tới các linh mục Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ Mân Côi đã thành lập từ bốn thế kỷ, và Hội Thừa Sai Paris đã cống hiến một số đông đảo giám mục và linh mục, mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử Đạo vì Đức Tin, vì đã rao giảng lời Chúa.

3.Tiếng Pháp

Một cách đặc biệt cha gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là thành phần Giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: châu Mỹ, châu Á, châu Úc và châu Âu tuôn về địa điểm này. Cha biết rằng các con đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu cầu đứng chung quanh các vị Thánh – để se kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.

Lên tiếng với các con để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập Giá. Tất cả chúng ta hôm nay gởi lời cám ơn các con vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo hội Việt Nam các con đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam, hay là những vị thừa sai xuất thân từ những nước đã in sâu mầm mống Đức Tin Chúa Kitô.

Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong đó 8 vị giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Agnès Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.

Truyền thống còn ghi nhớ truyền thống chết vì Đạo của Giáo hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa được truyền Đạo, Giáo hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt ba thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo hội châu Âu xưa. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm ngàn người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc!

Lấy một thí dụ: trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có Thánh Vinh Sơn Liêm, Dòng Đa Minh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1773. Rồi tới linh mục Anrê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo bên lương, từ nhỏ đã phải “bán” cho một thầy giảng dạy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức linh mục năm 1823, được bổ nhiệm chính xứ và đương nhiên thành nhà truyền Đạo trong nhiều địa hạt. Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong được chết vì Đức Tin – ngài nói – thì lên Thiên đàng ngay. Tại sao chúng ta cứ phải ẩn náu, phải tốn tiền đút lót cho quan quyền: thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có hơn không?” Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21-12-1839.

4. Bài Phúc Âm hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông đồ và những ai theo chân Ngài sẽ bị bách hại: “Họ sẽ lôi chúng con ra toà công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại” (Mt 10, 17-18). Chúa tiên báo cho các Tông đồ và cho các đồ đệ các ngài trong mọi thời đại, và Chúa tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không úp mở. Chúa không đưa đẩy với những lời hứa hẹn xa gần, nhưng với thói quen nói thẳng lời chân lý toàn diện. Chúa chuẩn bị tâm hồn các ngài trước nguy cơ: “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí tới cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10, 21-22).

5. (Tiếng Tây-ban-nha) Tuy nhiên Thầy Chí Thánh không bỏ rơi các Tông đồ và các người tin theo các Tông đồ trong những cơn bách hại: “Khi bị nộp vào tay họ, các con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy cho các con những điều phải nói. Vì thực ra không phải các con nói, nhưng Thần Linh của Thân Phụ nói trong các con” (Mt 10, 19-20).

Thần Linh, chính là Thần Chân Lý. Ngài sẽ là mãnh lực trong thân xác yếu hèn của con người. Nhờ Ngài là mãnh lực mà anh em mới có thể thành chứng nhân. Phải, chính sự kiện anh em là chứng nhân cho Chúa Kitô tử nạn, sự kiện đó há chăng phải là khôn ngoan, là mãnh lực vượt mức loài người đó ư? Thánh Phaolô hồi xưa đã nói: “Chính sự kiện Chúa Kitô tử nạn là một ô nhục cho người Do Thái, là một cử chỉ điên rồ đó ư?” (1 Cr 1, 23). Từ đời các Thánh Tông đồ đã vẫn thế rồi, qua các thế hệ lịch sử vẫn tiếp tục như thế; cũng như qua mấy thế kỷ bách hại tại Việt Nam, sự kiện đó vẫn không thay đổi.

Thật vậy, cần phải có mãnh lực, khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng Mầu Nhiệm Tình Yêu của Ngài, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên Thập Giá để cứu chuộc trần gian: quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận của loài người. “Là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan của người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh hơn cả sức lực phàm nhân” (1 Cr 1, 25).

Chính vì thế mà Thánh Tông đồ đã viết: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô tử nạn Thập Giá. Đức Kitô, trong mầu nhiệm Phục Sinh, đã chứng minh Ngài là mãnh lực của Thiên Chúa, là khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 23-24).

6. Trước mặt chúng ta hôm nay các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh:
“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan
Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt.
Nhưng khi trở về, lòng hân hoan phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa”

(Tv 126 [125], 5-6).

Lời huyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị Tử Đạo trong Giáo hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng, để rồi trổ thành vô số bông hoa Đức Tin: “Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơ trọi một mình, nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa” (Ga 12, 24).

Các vị Tử Đạo Việt Nam “gieo trong lệ sầu” có nghĩa là các ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời các ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông Phương. Trong cuốn Giáo Lý đầu tiên bằng tiếng Việt, các ngài đã tuyên xưng nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi một bản thể đã tạo dựng trời đất. Ra trước quan quyền tra khảo về Đức Tin, các vị Tử Đạo đã quyết mình đưa tự do tín ngưỡng, và Đạo Chúa là Đạo duy nhất, nếu mình từ bỏ là bất tuân lệnh Thượng Đế, là Thiên Chúa. Đồng thời các ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính. Các ngài đã dạy phải tôn kính Tổ Tiên theo truyền thốntg dân tộc, và dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó, với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tử Đạo, Giáo hội Việt Nam hiên ngang nói lên sự quyết tâm và tha thiết của mình không chối bỏ truyền thống văn hóa và các thể chế quốc gia. Trái lại, Giáo hội tuyên xưng và chứng mình rằng: nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có ý góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn.

Và rồi những cuộc đấu tranh, những căng thẳng chính trị hồi xưa xen lẫn vào trong bang giao giữa giáo dân với nhà cầm quyền, những quan hệ lợi hại giữa các tôn giáo, những lý do kinh tế xã hội, sự kiện người ta không hiểu rằng: Tín ngưỡng bao hàm quan niệm siêu việt và phổ cập toàn thế giới… là những yếu tố tạo nên trần gian như một nồi nung nấu, trong đó thanh lọc mọi khía cạnh, để chỉ nổi bật nết khiết bạch và sức dũng mạnh của tấm gương nhân chứng.

7. (Tiếng Pháp) Đoàn thể đông đảo các Tử Đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt…, tất cả đã tạo nên “mùa lúa vàng” của Thiên Chúa. Các ngài là những bậc Thầy, Cha xin mượn dịp hôm nay, để nêu lên trước toàn thể Giáo hội sức sinh hoạt và hình vóc hùng tráng của Giáo hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng danh Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta.
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kính nể tha nhân, yêu thương anh em, kính yêu Thiên Chúa cũng như tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (I Pet. 2, 13-17). Do đó công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có Đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng, như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.
8. Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.
“Hạt giống các người tín hữu”: ngoài con số từng ngàn từng vạn Giáo dân trong các thế kỷ trước đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng đáng danh hiệu những người quản lý trung thành trong Nước Trời.

“Hạt giống các người tín hữu”: là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô. Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết tinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Chúa trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ là môi trường đời sống.

Công tác này là công tác liên tục diễn tiến trong nội tâm vừa gay go vừa trường kỳ vì luôn luôn bị hoàn cảnh đặc thù chế ngự, và âm mưu thử thách Đức Tin, do đó đòi hỏi rất nhiều nhẫn nại. Phải xác tín rằng: đêm tối mịt mù sẽ qua đi và ánh bình minh rạng rỡ đang ló rạng ngoài ngưỡng cửa.

9. (Tiếng Tây-ban-nha)Những linh hồn lành thánh ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1).
Chân lý trên đây được đề cao trong sách Khôn Ngoan càng là ánh sáng quảng diễn biến cố long trọng hôm nay. Phải, “linh hồn lành thánh ở trong tay Thiên Chúa”, không hình khổ nào chạm tới được. Quả quyết như thế có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử. Thực ra hình khổ đã va chạm thân xác các vị Tử Đạo, và va chạm ghê gớm. Tuy nhiên, tác giả Thánh Kinh tiếp tục quảng diễn tư tưởng:

Mắt người điên dại cho rằng các ngài đã đi vào cõi chết, và kết liễu cuộc đời bằng cái chết là một tai họa. Chết là một đổ vỡ, tuy nhiên các ngài vẫn sống trong an bình. Trước mắt trần gian các ngài đã bị đau khổ, nhưng niềm hy vọng nơi các ngài mang nặng mầm mống trường sinh” (Kn 3, 2-4).

Các Thánh Tử Đạo: Tử Đạo Việt Nam! Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Chứng nhân có nghĩa là con người vẫn được mời gọi về hưởng trường sinh. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, anh em sẽ được nhiều ơn vĩ đại, là vì Thiên Chúa đã luyện lọc anh em và thấy anh em xứng đáng, Ngài đã thử thách anh em như thử vàng trong lửa, và đã chấp nhận anh em như của lễ toàn thiêu. Phải, như của lễ toàn thiêu hợp với của lễ hy sinh trên Thập Giá của Chúa Kitô. Là vì kiên cường cho đến chết, anh em đã tuyên xưng Chúa Kitô tử nạn – Ngài là sự khôn ngoan, là quyền năng Thiên Chúa. Chúa Kitô: trong Ngài, chúng ta được Thiên Chúa cứu rỗi.

10. (Tiếng Ý) Tất cả những ai tin cậy ở nơi Ngài – nơi Chúa Kitô tử nạn và phục sinh – họ sẽ được hiểu biết chân lý. Những ai trung thành với Ngài sẽ được cùng Ngài sống trong thương yêu, là vì ân sủng và tình thương vẫn được dành cho những người được tuyển chọn (Kn 3,9).
Anh em là dòng giống các vị Tử Đạo. Anh em là dòng giống những người được tuyển chọn. Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: “Trong ngày phán xét họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ đông sang tây” (3,7). Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rực rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các dân tộc sẽ trị vì, họ cai trị dân chúng. Nhưng trên tất cả Thiên Chúa sẽ thống trị mọi loài” (3,8). Chúa đây, tức là Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Ngài xuống trần gian “Không để xét xử nhân loại, nhưng để nhân loại nhờ Người mà được cứu rỗi” (Ga 3, 17). Chính Chúa Kitô này: anh em đã tham gia vào cuộc thống khổ và tử nạn Thập Giá Ngài. Hôm nay anh em hãy tham gia vào việc cứu độ trần gian mà chính Ngài đã kết thúc.

Nguyện chúc cho mùa lúa vàng của anh em muôn năm tồn tại trong hoan lạc.
 
11. (Tiếng Việt): Giáo dân Việt Nam thân mến, Cha gửi lời chào chúng con từ bốn phương trời tuốn về La mã, vì ngày hân hoan mừng Chư Thánh Tử đạo, vinh dự của Giáo hội chúng con hôm nay. Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng con, và Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng đời sống con cháu các vị Anh Hùng.
 

C. Bản văn phụng vụ
 
Các lời nguyện trong Thánh lễ, các bài đọc trong Phụng vụ Giờ kinh, bằng tiếng Latinh và tiếng Việt, đã được Bộ Phụng tự chuẩn y ngày 7/4/1988.
 
D. Sắc chỉ phong thánh
           
Xét về pháp lý, đây là văn kiện quan trọng nhất, nhưng ít người để ý, kể cả Tòa thánh! Thật vậy, tuy được ký và đóng ấn vào ngày 19/6/1988 nhưng mãi đến ba năm sau mới được đăng trên công báo Tòa thánh
[5]. Sau đây là bản dịch từ nguyên gốc Latinh.
 
Gioan Phaolô giám mục, tôi tớ các tôi tớ Chúa
Để muôn đời ghi nhớ
 
“Mặt đất đầy máu các vị tử đạo tựa như hạt giống, và từ hạt giống ấy nảy ra mùa gặt của Hội thánh. Những người chết khẳng định Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn những người sống. Ngày hôm nay các ngài đang khẳng định, ngày hôm nay các ngài đang rao giảng: tuy lưỡi đã im bặt, nhưng việc làm vẫn còn reo vang” (Thánh Augustinô, Bài giảng 286: PL 38,1298)
[6].

Ý tưởng của thánh Augustinô nói về thời buổi sơ khai của Kitô giáo khiến chúng tôi nghĩ ngay đến lịch sử cứu độ của Thiên Chúa cách đây bốn thế kỷ tại miền Đông Nam Á, ở nước Việt Nam mà trước đây được gọi là Bắc kỳ (Tonquin), Trung kỳ (Annam) và Nam kỳ (Cochinchine).

Quả thật mảnh đất trù phú nhờ lượng mưa và nước, đồng thời được tưới nhờ vô vàn “những kẻ bị sát hại vì lời Chúa và lời chứng của mình. Họ đã được trao tấm áo trắng .. cho đến lúc đủ số những người cũng là tôi tới như họ … cũng bị sát hại như họ” (Kh 6,9-11).

Hạt giống đức tin công giáo đã được gieo vào giữa thế kỷ XVI nhờ các vị thừa sai phát xuất từ Âu châu thuộc về dòng Giảng thuyết cũng như dòng Tên và dòng thừa sai Paris. Lời Chúa đã mọi tầng lớp xã hội đón nhận.  Tất cả đã được thầm nhuần sự hiểu biết về Đức Kitô là sức mạnh và thông tuệ của Thiên Chúa (xc. 1Cr 1,23-24). Mặc dù  họ đã bị khắc dấu trên má là “tà đạo” nhưng họ đã tôn vinh Thiên Chúa chân thật và Đức Kitô Giêsu Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa là loài người (x. 1Tm 2,5).

Cho đến thế kỷ XIX, đã xảy ra nhiều đợt ngăn cấm đạo Kitô, cách riêng dưới thời Vua Minh Mệnh (1820-1840) và Vua Tự Đức (1847-1883). Vào khoảng thời gian ấy, 108 vị đã tuyên xưng đức tin trong số 117 vị được ghi vào sổ các thánh hôm nay. 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân. Trong số ấy, có 96 người Việt Nam, 11 người Tây-ban-nha, 10 người Pháp. 75 người bị trảm quyết, 22 người xử giảo, 6 người vị thiêu sinh, 5 người bị lăng trì, 9 người chết rũ tù. Một nửa thuộc các miền của dòng Đaminh, một nửa còn lại thuộc các miền của hội Thừa sai Paris.        

Đây là danh sách dựa theo chức thánh của các vị tử đạo từ năm 1745 đến 1862:
 
Giám mục:

Dominicus Henares,O.P.; Clemens Ignatius Delgado Cebrian, O.P.; Petrus Rosa Ursula Borie, M.E.P.; Iosephus Maria Diaz Sanjurio, O.P. ;  Melchior Garcia Sampedro Suarez, O.P.; Hieronymus Hermosilla, O.P.; Valentinus Berrio Ochoa, O.P.; Stephanus Theodorus Cuenot, M.E.P.

Linh mục:

Franciscus Gil De Federich, O.P.; Matthaeus Alonso Leciniana, O.P.; Hyacinthus Castaneda, O.P.; Vincentius Lê Quang Liêm, O.P. ; Emmanuel Nguyễn Vănn Triệu ; Ioannes Đạt ; Petrus Lê Tùy ; Franciscus Isidorus Gagelin, M.E.P. ; Iosephus Marchand, M.E.P. ; Ioannes Carolus Cornay, M.E.P.; Vincentius Đỗ Yến, O.P. ; Petrus Nguyễn Bá Tuân ; Iosephus Fernandez, O.P.; Bernardus Vũ Văn Duệ; Dominicus Nguyễn Văn Hạnh (Diệu), O.P.; Iacobus Đỗ Mai Năm ; Iosephus Đặng Đình Viên ; Petrus Nguyễn Văn Tự, O.P.; Franciscus Jaccard, M.E.P.; Vincentius Nguyễn Thế Điểm; Petrus Vũ Đăng Khoa; Dominicus Tước, O.P.; Thomas Đinh Viết Dụ, O.P.; Dominicus Nguyễn Văn (Đoàn) Xuyên, O.P.; Andreas Dũng Lạc ; Petrus Trương Văn Thi ; Paulus Phạm Khắc Khoan; Iosephus Đỗ Quang Hiển, O.P.; Lucas Vũ Bá Loan; Dominicus Trạch (Đoài), O.P.; Paulus Nguyễn Ngân ; Iosephus Nguyễn Đình Nghi ; Martinus Tạ Đức Thịnh; Petrus Khanh; Augustinus Schoeffler, M.E.P.; Ioannes Aloisius Bonnard, M.E.P.; Philippus Phan Văn Minh; Laurentius Nguyễn Văn Hưởng ; Paulus Lê Bảo Tịnh; Dominicus Mậu, O.P. ; Paulus Lê Văn Lộc; Dominicus Cẩm, T.O.P.; Petrus Đoàn Công Quý; Petrus Franciscus Neron, M.E.P.; Thomas Khuông, T.O.P.; Ioannes Theophanes Vénard, M.E.P.; Petrus Nguyễn Văn Lựu; Iosephus Tuân, O.P.; Ioannes Đoàn Trinh Hoan; Petrus Almato Ribera, O.P.
 
Giáo dân:

Paulus Tống Viết Bường; Andreas Trần Văn Trông; Franciscus Xaverius Cẩn; Franciscus Đỗ Văn Chiểu; Iosephus Nguyễn Đình Uyển, T.O.P.; Petrus Nguyễn Đích ; Michael Nguyễn Huy Mỹ; Iosephus Hoàng Lương Cảnh, T.O.P. ; Thomas Trần Văn Thiện ; Petrus Trương Văn Đường ; Paulus Nguyễn Văn Mỹ; Petrus Vũ Văn Truật ; Augustinus Phan Viết Huy; Nicolaus Bùi Đức Thể; Dominicus (Ni­colaus) Đinh Đạt ; Thomas Nguyễn Văn Đệ, T.O.P.; Franciscus Xaverius Hà Trọng Mậu, T.O.P.; Augustinus Nguyễn Văn Mới, T.O.P. ; Dominicus Bùi Văn Úy, T.O.P. ; Stephanus Nguyễn Văn Vinh, T.O.P. ; Petrus Nguyễn Văn Hiếu; Ioannes Baptista Đinh Văn Thành; Anto­nius Nguyễn Hữu (Nam) Quỳnh; Petrus Nguyễn Khắc Tự; Thomas Toán, T.O.P. ; Ioannes Baptista Cỏn; Martinus Thọ; Simeon Phan Đắc Hòa; Agnes Lê Thị Thành (Đê); Matthaeus Lê Văn Gẫm; Iosephus Nguyễn Văn Lựu; Andreas Nguyên Kim Thông (Nam Thuông); Mi­chael Hồ Đình Hy; Petrus Đoàn Văn Vân ; Franciscus Trần Văn Trung; Dominicus Pham Trọng (Án) Khảm, T.O.P.; Lucas Phạm Trọng (Cai) Thìn; Iosephus Phạm Trọng (Cai) Tả; Paulus Hạnh; Emmanuel  Lê Văn Phụng ; Iosephus Lê Đăng Thị ; Matthaeus Nguyễn Văn Phượng; Iosephus Nguyễn Duy Khang, T.O.P.; Iosephus Tuần ; Iosephus Tuệ; Dominicus Ninh; Dominicus Toại; Lauren­tius Ngôn; Paulus Đổng; Dominicus Huyên; Petrus Dũng; Vincentius Dương; Petrus Timan; Dominicus Mạo; Dominicus Nguyên ; Dominicus Nhi; Andreas Tường; Vincentius Tương; Petrus Đa.

Nếu muốn ca ngợi các vị tử đạo theo ba bậc, chắc hẳn các Giám mục đáng gọi là những người Cha đã sinh ra đoàn dân các tín hữu trong Đức Kitô (x. 1Cr 4,15), những kẻ làm chứng nhân cho Ngài cho đến cuộc khổ nạn và thập giá. Các ngài đã trở nên “gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3) vì luôn nhìn vào khuôn mẫu là Đức Giêsu Mục tử nhân lành.

Kế đến là 50 linh mục, được liên kết với nhau nhờ tác vụ Lời Chúa và bằng những mối dây phát sinh từ chức thánh, họ đã trở nên những người trợ tá cho hàng giám mục (Lumen gentium 28); họ đã phân phát máu tinh tuyền của Con Chiên và nhờ đó chính họ cũng đã được thanh luyện.

Sau cùng 59 giáo dân thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, hầu như tất cả là các gia trưởng và một vài thầy giảng. Họ đã sống bí tích thánh tẩy, đã làm chứng cho phép rửa bằng nước, bằng lửa cũng như bằng thần khí (x. Mt 3,11). Họ đã cộng tác đắc lực với các giáo sĩ, đã biến cộng đồng gia đình và giáo xứ trở thành cộng đoàn truyền giáo, nghĩa là Hội thánh gia thất của việc cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa (x. Christifideles laici, 32-33).

Thập giá Đức Kitô, mà họ đã thờ lạy chứ không chà đạp, đã trở thành sự sống và ơn cứu độ cho hết mọi người.

Các giáo hoàng tiền nhiệm của tôi, Piô VI và Grêgôriô XVI, đã nhiều lần ca tụng các ngài trong các công hội hồng y. Các vị tiền nhiệm đã ghi danh các ngài vào sổ bộ các chân phúc vào bốn đợt: giáo hoàng Lêô XIII năm 1900, giáo hoàng Piô X năm 1906 và 1909, giáo hoàng Piô XII  năm 1951. Ngày 18 tháng 4 năm 1986 Bộ phong thánh đã gom tất cả vào một danh sách để phong thánh. Thật vậy, trước đó một năm, Hội đồng giám mục Việt Nam đã thỉnh nguyện điều ấy, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập phẩm trật Giáo hội, nơi mà hiện nay có 25 giáo phận và 6 triệu người tín hữu. Các vị chủ chăn đã xin cho 117 chân phúc tử đạo được ghi vào sổ các thánh để khi tôn kính và noi gương các bậc tiền bối, các tín hữu được can trường trong việc làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Hợp thỉnh với các vị là các giám mục Philippin, Tây ban nha và Pháp, các Bề trên tổng quyền của Dòng Giảng thuyết và Hội Thừa sai Paris.

Với nhiệm vụ củng cố anh em trong đức tin (x. Lc 22,32), chúng tôi hân hoan và cương quyết (x. 2Mc 1,3) đón nhận lời thỉnh nguyện cao quý ấy. Qua nghị định ngày 5 tháng 6 năm 1986 của Bộ Phong thánh, chúng tôi quyết định việc phong thánh, với việc miễn chuẩn phép lạ, “vì xét đến sự kiên trường của các tín hữu Việt Nam trong đức tin nhờ gương sáng và lời chuyển cầu của các chân phúc tử đạo, cũng như tiếng tăm của ơn lành và phép lạ của một vài chân phước”.

Ngày  22 tháng 6 năm 1987, tôi đã triệu tập Công hội và đã được sự tán đồng của các Hồng y và Giám mục, và đã ấn định ngày phong thánh. Ngày 19 tháng 6, tại quảng trường thánh Phêrô, với sự hiện diện của hàng ngàn khách hành hương, đặc biệt là người Việt, sau khi nghe lời thỉnh nguyện của Hồng y Pietro Palazzini, bộ trưởng bộ Phong thánh, và đã kêu cầu những đấng trong kinh cầu các thánh, chúng tôi đã tuyên bố công thức sau đây[7]:

« Ad honorem Sanctae et Individuae Trinitatis, ad exarationem fidei catholicae et vitae christianae incrementum, auctoritate Domini nostri Iesu Christi, beatorum Apostolorum Petri et Pauli ac Nostra, matura deliberatione praehabita et divina ope saepius implorata, ac de plurimorum Fratrum Nostrorum consilio, Beatum Andream Dung-Lac, Thomam Thiên, Emmanuelem Phung, Hieronymum Hermosilla, Valentinum Berrio-Ochoa, Theophanem Venard, et centum undecim Socios, Martyres, Sanctos esse decernimus et definimus, ac Sanctorum catalogo adscribimus, statuentes eos in universa Ecclesia inter Sanctos martyres pia devotione recoli debere. In nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti ».

Sau đó, chúng tôi đã truyền soạn thảo và gửi văn thư này, và đã giảng về các nhân đức của các vị tân hiển thánh.

Làm tại Rôma, cạnh đền thánh Phêrô, ngày 19 tháng 6 năm 1998, năm thứ 10 triều giáo hoàng của chúng tôi.

Tôi, Gioan Phaolô, Giám mục Hội thánh Công giáo.

Eugenius Sevi, Chánh Lục sự tông tòa

Đóng dấu ấn bằng chì

Sổ lưu phủ Quốc vụ khanh số 273-634
 

E. Lễ kính: ngày 24 tháng 11
Ngày lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam không được xác định trong công thức tuyên phong cũng như trong sắc phong.

Sau đó, các giám mục Việt Nam đã đề nghị ngày 24 tháng 11[8]. Tại sao chọn ngày 24 tháng 11? Có lẽ nhiều người nghĩ rằng để kỷ niệm ngày ký sắc chỉ thành lập phẩm trật Giáo hội ở Việt Nam (24/11/1960). Nhưng xin mạn phép hỏi thêm một câu nữa: vì lý do gì, đức thánh cha Gioan XXIII ký sắc chỉ vào ngày đó? Thưa rằng vì hôm ấy kính Đức cha Pierre Dumoulin (+24/11/1838), đứng đầu các giám mục M.E.P. trong số những vị được phong chân phước năm 1900.

Xin ghi thêm một nhận xét cuối cùng. Trước đây, lễ kính chung các chân phúc tử đạo Việt Nam là chúa nhật đầu tháng 9 (sau công đồng Vaticanô II, được ấn định vào ngày 1 tháng 9). Không rõ vì lý do gì mà hồi ấy các vị tử đạo được kính vào đầu tháng 9. Chỉ cần ghi nhận rằng, ngày 2 tháng 9 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào lễ kính các thánh tử đạo, với sự tham dự của các tín hữu vừa kết thúc thánh lễ tại nhà thờ Cửa Bắc kính các thánh tử đạo (Eglise des martyrs).
           
 

 

 

[1] Hai văn kiện trên đây được đăng trong  Analecta sacri ordinis praedicatorum 8 (1900) 573-576; 14 (1906) 513-520
[2] Beatorum Caelitum honores decernuntur venerabilibus Dei martyribus Francisci de Capillas ex Ordine Praedicatorum, Stephano Theodoro Cuenot episcopo Metellopolitano, sacerdotibus Petro Francisco Neron, Ioanni Theophani Venard, Ioanni Petro Noel, his quatuor e seminario missionum ad exteros, et sociis eorumdem viginti novem.
[3] X. Thư của cha Damian Byrne bề trên tổng quyền Dòng Đaminh đệ lên Tòa thánh, ngày 28/12/1985, trong Analecta sacri ordinis praedicatorum  96 (1988), 112-114. Nên biết là thỉnh nguyện của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận được hậu thuẫn của các Hội đồng Giám mục Tây ban nha, Pháp, Philippin, cũng như của Dòng Đaminh và Hội Thừa sai Paris.
[4]  Nghị định của Bộ phong thánh ngày 5/6/1986: “Summus Pontifiex Joannes Paulus Divina Providentia Papa II, referente subscripto Cardinali Praefecto atque attenta mirabili in sancta Fede perserverantia christifidelium Vietnamiensium exemplis et precibus eorundem Beatorum Martyrum tributa, necnon solida signorum et miraculorum fama quorundam ex iisdem Martyribus, benigne precibus annuit pro gratia ita, ut a sueta probatione iuridica unius miraculi in casu facta dispensatione, ad solemnem canonizationem Beatorum Martyrum de quibus in precibus, quandocumque celebrandam deveniri possit” in: Analecta sacri ordinis praedicatorum 94 (1986) 41.
[5]  Litterae decretales. Andreae Dung Lac presbytero, Thomae Thien et Emmanueli Phung laicis, Hieronymus Hermosilla O.P., Valentino Berrio-Ochoa O.P. et aliis sex episcopis, Theophani Venard prebytero et 105 sociis martyribus honores decernuntur AAS 83 (6/5/1991) 377-381
[6] Đây là bài giảng của thánh Augustinô nhân lễ kính hai thánh Gervasiô và Protasiô, tử đạo tại Milano, được kính vào ngày 19 tháng 6, tức là ngày phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam.
[7] Xem bản dịch tiếng Việt  ở trên đây trong nghi lễ phong thánh (A).
[8] Nên biết là trong lịch phổ quát của Giáo hội, lễ kính các thánh tử đạo tại Việt Nam được mừng như lễ nhớ bắt buộc, giống như các thánh Hàn quốc (28/9), trong khi các thánh tử đạo Trung hoa (9/7) và Philippin (28/9) chỉ là lễ nhớ nhiệm ý.